Mỹ thuật Huế
Chuyện về tượng Phan Bội Châu
15:10 | 31/03/2015

NGUYỄN XUÂN HOA

Năm 1973, ở quán cà phê ông Thân sát Tôn Nhân Phủ - chiếc quán nghèo gần như để dành riêng cho sinh viên hai trường Cao đẳng Mỹ thuật, Quốc gia Âm nhạc, giới nhạc sĩ, họa sĩ và những người yêu thích nghệ thuật ở Huế - lẫn trong những khuôn mặt quen thuộc, có một khuôn mặt lạ, say sưa nói về ước vọng của đời mình "sống chết cũng làm cho được mười tượng danh nhân tầm cỡ của Việt Nam", "mỗi bức tượng phải là một khuôn mặt rất đặc trưng của danh nhân".

Chuyện về tượng Phan Bội Châu
Ảnh: internet

Tượng chỉ là khuôn mặt, thậm chí chỉ là một phần của khuôn mặt, không thể để khuôn mặt riêng của danh nhân bị mờ nhạt thảm hại trong loại tượng bán thân, tượng toàn thân, những danh nhân cỡ lớn không cần phải nhờ đến trang phục và động tác hỗ trợ, phải cảm chận danh nhân từ khuôn mặt riêng của họ v.v... Một số tên danh nhân lịch sử quen thuộc được nhắc tới. Và bằng một giọng Nam Bộ cả quyết, nhưng dè dặt hơn, nhỏ hơn "nhất định phải có khuôn mặt riêng của Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh".

Người công khai nói đến mơ ước phải làm tượng Hồ Chí Minh trong thời điểm sau hiệp định Paris lập tức được anh chị em văn nghệ sĩ yêu nước và Ban Cán sự giáo chức và trí thức giải phóng ở nội thành bám riết. Những thông tin đầu tiên về anh: Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, dạy trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, được mời "thỉnh giảng" tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, có tài, nhiệt tình, chơi được.
 

Lê Thành Nhơn miệt mài bên pho tượng có tính lịch sử và văn hóa cao dành cho Huế - Ảnh: internet

Sau đó là cả một cuộc vận động kín đáo nhưng thể hiện bên ngoài công khai, sôi động và hợp pháp. Từ nhiều phía dồn sức hỗ trợ cho Lê Thành Nhơn và trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế làm tượng Phan Bội Châu, người tiêu biểu cho phong trào Đông Du và rất gần với cuộc vận động cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Phải làm đàng hoàng, làm đẹp, làm với qui mô một loại tượng đầu - đúng hơn là tượng tròn về khuôn mặt - có kích cỡ lớn nhất ở Việt Nam, phải đúc đồng bằng kỹ thuật của phường Đúc ở Huế (dự kiến khuôn mặt của cụ Phan cao gần 2 mét, nặng 4 tấn đồng). Mọi việc triển khai và phối hợp khá nhanh; Ê kíp họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật với Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn... là những nhà bảo trợ; Phan Hữu Lượng và Ban đại diện sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật là nòng cốt để vận động tại trường Mỹ thuật và phối hợp với sinh viên, học sinh Huế. Tổ sinh viên điêu khắc với Phan Thế Bính là trợ thủ cho nhà điêu khắc. Trần Viết Ngạc, người nghiên cứu về Phan Bội Châu và gia đình cụ Phan ở Huế là "người nhà cụ Phan" thường xuyên đến với nhà điêu khắc. Các Ban đại diện sinh viên, Ban cán sự sinh viên, học sinh giải phóng tại Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học, Đại học Luật, trường Quốc Học, Đồng Khánh... cổ động sinh viên, học sinh tham gia những buổi sinh hoạt văn nghệ quyên góp tiền đúc tượng Phan Bội Châu do Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và một số sinh viên biểu diễn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tượng Phan Bội Châu được đắp bằng đất sét ở vườn trường Cao đẳng Mỹ thuật đã thu hút sự quan tâm của giới sinh viên và trí thức Huế. Sinh hoạt của các tổ chức cách mạng vận động sinh viên, học sinh và trí thức Huế đã đưa việc thúc đẩy sớm dựng tượng Phan Bội Châu thành một nhiệm vụ. Cuộc vận động dựng tượng Phan Bội Châu đã tập hợp được một lực lượng khá đông những sinh viên và trí thức yêu nước, khơi dậy sinh hoạt của phong trào yêu nước đi từ Phan Bội Châu để tiếp cận và đến với cách mạng.

Khuôn mặt Phan Bội Châu được Lê Thành Nhơn thể hiện khá sắc nét. Toàn tượng là khuôn mặt phóng lớn của Phan Bội Châu được tái dựng với những góc độ sáng tối thú vị. Tượng dừng lại bằng một nét cắt ngang nửa chòm râu và chiếc cằm, làm khuôn mặt Phan Bội Châu trở nên cương nghị, trầm buồn mà rất thách thức.

Có hai chi tiết Lê Thành Nhơn băn khoăn chưa giải quyết ổn. Không thể tái tạo cả đầu tóc và đôi tai Phan Bội Châu một cách thật thà và thiếu nghệ thuật. Những chi tiết đó phải được loại trừ để nhường chỗ cho nét mặt, như một phần chiếc cằm và chòm râu phải chịu. Anh em gần với Lê Thành Nhơn ở Huế đã giúp nhà điêu khắc xử lý thay đôi tai và vành cổ bằng những mảng đắp nổi diễn tả hình ảnh vùng lên phá xích xiềng nô lệ, cách điệu từ thời Hai Bà Trưng đến những cảnh bức phá xích xiềng của lao tù thực dân, để nói bằng hình tượng những điều Phan Bội Châu đã nghĩ. Trần Viết Ngạc cung cấp một câu thơ quyết liệt của Phan Bội Châu "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" để khắc nổi lên mảng bằng trơn láng thay cho phần đầu tóc của cụ Phan. Tượng Phan Bội Châu trở thành một tổng thể nét mặt - ý nghĩ - lời nói, chỉ riêng của Phan Bội Châu. Tượng đâm ra có "tính chiến đấu" góp phần thúc dục cuộc đấu tranh chống Mỹ ở đô thị cao hơn tự thân hình ảnh của Phan Bội Châu vào thời đó ở Huế.
 

Lê Thành Nhơn thời trẻ khi làm tượng Quan Thế Âm - Ảnh: internet

Hàng trăm bức tượng Phan Bội Châu nhỏ, tỉ lệ khoảng 1/1000 được đúc đồng để bán cổ động, thu hút thêm vốn ủng hộ dựng tượng. Từ Trường Sơn, theo yêu cầu của Ban cán sự giáo chức và trí thức giải phóng, B.C 20 (Thành ủy Huế) đã chuyển về thư của Lê Văn Hảo và một bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường gởi tặng Vĩnh Phối, động viên Ê kíp Cao đẳng Mỹ thuật. Để thuyết phục Lê Thành Nhơn tin vào khả năng đúc đồng của Huế, anh em đã vận động Trung tâm Văn hóa Liễu Quán của Phật giáo làm tượng Quán Thế Âm. Tại hành lang trước thư viện trường Mỹ thuật hiện nay, bằng thủ pháp tượng đầu, Lê Thành Nhơn đã sáng tác một tượng đầu Quán Thế Âm, phong cách rất lạ, được thể hiện bằng khuôn mặt của Khánh Ly, với môi rất mỏng, cổ cao, đúc đồng dựng ngay ở sân Trung tâm Liễu Quán tại đường Lê Lợi.

Nhưng đúc cho được tượng Phan Bội Châu gần bốn tấn đồng, làm khuôn từ Đại Nội để chuyển lên phường Đúc là điều không đơn giản. Giữa lúc đang kẹt vốn thì Hoàng Đức Nhã, Tổng trưởng Bộ Văn hóa và Thanh niên của ngụy quyền Sài Gòn đến kiểm tra trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Có lẽ Hoàng Đức Nhã đã nhận ra được những gì toát từ bức tượng Phan Bội Châu ở Huế và truy bức nhóm chủ trương làm tượng. Cuối cùng Hoàng Đức Nhã đi đến một quyết định rất dứt khoát: một là tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn sẽ không được đúc, bức tượng bằng đất sét sẽ như là một kết quả thử nghiệm, sẽ bị rã dần ở sân vườn trường, hai là bộ Văn hóa và Thanh niên Sài Gòn sẽ cấp một số tiền lớn để đúc tượng với điều kiện phải gạt bỏ câu thơ quyết liệt của Phan Bội Châu, thay vào đó là dòng chữ lạnh lùng "Phan Bội Châu 1867 - 1940". Ê kíp trường Cao đẳng Mỹ thuật bị đặt trước một quyết định dứt khoát và nghiệt ngã đã chấp nhận giải pháp bảo vệ phong trào và đành gọt câu thơ "xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" để tượng Phan Bội Châu được tồn tại, đúc đồng và dựng ở Huế, giữ cho được cuộc vận động.

Tượng được làm khuôn, đưa lên phường Đúc rót đồng. Cuộc vận động quanh tượng Phan Bội Châu phải chuyển hướng. Vấn đề còn lại là phải dựng tượng Phan Bội Châu ở một vị trí xứng đáng, phải tổ chức đưa tượng Phan Bội Châu lên cùng một lúc với ra mắt công khai tổ chức đòi thi hành hiệp định Pari, đòi thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc. Đề nghị dựng tượng Phan Bội Châu trước công viên trường Đại học Sư phạm có thể được tòa Thị chính Huế của ngụy quyền chấp nhận, nhóm dựng tượng đã lên sơ đồ mặt bằng và lập thiết kế để tượng cao 4 mét. Đặt Phan Bội Châu ngồi đối mặt với trường Đại học Sư phạm, nơi trước đây là tòa Khâm sứ Pháp cơ quan đầu não của bộ máy thực dân ở Trung kỳ là điều thú vị, không gian của công viên, vị trí trục đường Lê Lợi ở Huế là điều lý tưởng. Một kế hoạch được vạch ra để báo cáo với Thành ủy Huế xin tổ chức dựng tượng Phan Bội Châu bằng hình thức huy động hàng nghìn sinh viên học sinh Huế đến dự, sau thủ tục khánh thành tượng, sẽ bất ngờ có phát biểu chính trị, có biểu ngữ hô hào "xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ", biểu ngữ đòi thi hành hiệp định Paris, chống Mỹ và chống ngụy quyền Sài Gòn.

Tượng đang đúc dở dang thì Huế được giải phóng. Công việc cấp bách và bức thiết lúc bấy giờ đã thu hút anh em trong phong trào trí thức và văn nghệ sĩ nội thành đi vào những việc khác. Nhưng gần mười năm qua, bức tượng có giá trị nghệ thuật, gắn bó với cuộc vận động cách mạng ở nội thành vẫn nằm hẩm hiu ở phường Đúc. Nhiều đoàn đến tham quan đã tìm tới ngôi nhà đặt tượng Phan Bội Châu để nhìn bức tượng đồng đồ sộ và băn khoăn đặt câu hỏi tại sao một bức tượng quý như thế lại không được dựng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiều lần tổ chức bàn về việc đặt tượng. Có nhiều ý kiến đưa ra khác nhau trong và ngoài hội nghị, càng làm vấn đề thêm khó. Đại thể có những câu hỏi tượng ai làm, làm với tiền của ai, tác giả bức tượng bây giờ không còn ở Việt Nam thì có nên dựng tượng không? Ở Huế chưa có tượng Bác Hồ thì đã nên dựng tượng Phan Bội Châu chưa. Tượng Phan Bội Châu lớn đến mức độ đó thì tượng Bác Hồ ở Huế phải đến đâu mới tương xứng? Những câu hỏi như thế dần dần không đứng vững nổi. Nhưng đặt tượng ở đâu? Vấn đề lại bị tắt ngay với câu hỏi đó.

Mãi đến cuối năm 1987, ủy ban Nhân dân thành phố Huế chính thức gửi công văn xin tỉnh cho tiếp tục hoàn thiện bức tượng Phan Bội Châu vì đây là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, được sinh viên, học sinh và đồng bào yêu nước ở nội thành Huế vận động hình thành. Trong khi chờ tỉnh quyết định vị trí đặt tượng, xin tạm đưa về nhà cụ Phan để làm tiếp phần còn lại. Ý kiến đề xuất của thành phố đã được tỉnh chấp nhận.

Đến nay, sau gần mười lăm năm, tượng Phan Bội Châu đã hoàn chỉnh và đặt trang trọng tại vườn nhà cụ Phan, kết thúc những bàn tán quanh bức tượng. Nhưng rốt cuộc vẫn còn vài ba câu hỏi: Một là, có nên khôi phục câu thơ "xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" như nguyên mẫu tượng Phan Bội Châu để tượng thực sự là một tổng thể khuôn mặt - ý nghĩ - lời nói và cũng để ghi nhớ một lời nói quyết liệt của Phan Bội Châu đã từng bị ngụy quyền buộc phải xóa. Hai là, tượng Phan Bội Châu tạm đưa về vườn nhà cụ Phan để hoàn chỉnh trong khi chờ tỉnh có quyết định về vị trí đặt tượng. Không gian chật hẹp ở vườn nhà cụ Phan không chứa đựng nổi qui mô của một bức tượng đồng quá lớn. Giá như tượng Phan Bội Châu được đặt tại một công viên hoặc một trục đường tương xứng thì Huế sẽ có thêm một công trình văn hóa đặc sắc, tô điểm thêm một nét riêng cho thành phố. Ba là, tượng cụ Phan đã hoàn chỉnh, cần khởi thảo tượng Bác Hồ với nét riêng của nghệ thuật đúc đồng Huế.

Thế giới sắp kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Hồ Chí Minh, Bác Hồ đã gắn bó một phần đời trai trẻ ở Huế. Huế cần có những chuẩn bị gì?

Hơn mười lăm năm trước, tại một thành phố bị chiếm đóng, đã từng có một người mơ ước sống chết cũng phải làm cho được tượng Hồ Chí Minh.

N.X.H
(SH34/12-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng