Mỹ thuật Huế
Dòng chảy Mỹ thuật Huế
08:46 | 06/10/2015

ĐẶNG MẬU TỰU 

Khi còn là thủ phủ xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn và các triều Vua nhà Nguyễn sau này, Huế đã huy động, thu hút những tinh hoa từ Bắc chí Nam về để phục vụ cho triều đình cũng như để phô diễn tài nghệ của mình.

Dòng chảy Mỹ thuật Huế
Tranh chân dung Viên Giác Đại Sư (cụ Bố chánh Nguyễn Khoa Luận) của HS Lê Văn Miến

Bên cạnh đó, Huế đã thu hút không chỉ có các bậc tài danh trong việc kinh bang tế thế mà còn là nơi phát tiết của những bậc anh tài trong văn hóa; những người thợ thủ công về đây để cống hiến trong xây dựng cung đình, miếu mạo cho triều đình và cho cả các nhà quý tộc, các bậc trí giả thượng lưu. Chính họ đã góp phần làm nên một nét riêng cho nghệ thuật triều Nguyễn, đặc biệt trong lĩnh vực Mỹ thuật, đánh dấu một bước quan trọng trong phát triển Mỹ thuật Việt Nam.

Phải nói đến triều Nguyễn dưới ảnh hưởng từ những nền văn hóa giao tiếp nhất là các trào lưu Mỹ thuật phương Tây, Hội họa và Điêu khắc Việt Nam mới có những biến chuyển tích cực. Dưới thời vua Gia Long đã có Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức nổi tiếng về tranh phong cảnh thủy mặc, sơn thủy, trúc lan. Thời Nguyễn, tranh gương và tranh khắc bản nhất thi nhất họa đã được du nhập và sử dụng trang trí trong một số công trình kiến trúc cung đình Huế. 

Ở Kinh đô Huế đã xuất hiện người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu ở Việt Nam là họa sĩ Lê Văn Miến (1870 - 1912). Sau đó, một thế hệ họa sĩ tiên phong như Lương Quang Duyệt với bức tranh Cối Kê Sơn và 6 bức tranh tường ở Cung An Định cũng xuất hiện trong thời gian này. Lớp họa sĩ chuyên nghiệp đầu tiên hoạt động trước khi có Trường Mỹ thuật Gia Định (1913) và trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội (1924) như Tôn Thất Sa, Nguyễn Khoa Toàn, Lê Văn Tùng, Nguyễn Văn Nhơn, Trần Văn Phềnh… với thủ pháp nghệ thuật châu Âu đã được thể hiện trong một số trang trí cung đình như 24 bức tranh “nhị thập tứ hiếu” ở Lăng Đồng Khánh và bức Cửu Long ẩn vân trên trần Lăng Khải Định. Điều này đã cho thấy một bước chuyển biến rõ rệt về Hội họa ở Huế thời kỳ này.

Trong Điêu khắc chủ yếu để trang trí, triều đình lập hẳn một cơ sở sản xuất gọi là Tượng cục có nhiệm vụ thực hiện các tượng trang trí cung đình như tượng quan quân, voi ngựa chầu hầu ở các nơi tôn ngiêm; các làng nghề thủ công được khuyến khích phát triển, những đồ hình điêu khắc nổi bằng đá và mỹ nghệ các loại được thực hiện ở các làng nghề mộc chạm, đúc đồng, các tượng tròn dùng để thờ bằng đồng và gỗ được ưa chuộng ở khắp Kinh thành bên cạnh nghề nề ngõa làm công việc gắn mảnh sành trang trí nơi thờ tự, bình phong lăng miếu cũng được thịnh hành. Đặc biệt trong sự phát triển đồ thủ công mỹ nghệ, các vua triều Nguyễn còn cho nghiên cứu sản xuất đồ mỹ nghệ Pháp lam tráng men trên kim loại bên cạnh sản xuất các đồ sành sứ trong nước song song với sự du nhập các đồ sứ ký kiểu cho triều đình đặt hàng ở Trung Hoa dành cho Cung đình gọi là Men lam Huế.

Tranh Tôn Thất Đào


Khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, việc tiếp thu kỹ thuật vẽ châu Âu được phát triển, các sinh viên tốt nghiệp đã tìm cơ hội thể hiện tài năng của mình ở các thành phố lớn. Huế là Kinh đô lúc bấy giờ nên sự thu hút càng mạnh mẽ. Ngoài họa sĩ Tôn Thất Đào là người địa phương ra thì các họa sĩ đã một thời xuất hiện ở Huế sau này đều là những tên tuổi của hội họa cả nước như Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đức Nùng, Phạm Viết Song, Nguyễn Tiến Chung, Tô Ngọc Vân… Trong số họ có người đã giảng dạy môn Vẽ trong các trường Trung học, cũng như tham gia vẽ tác phẩm trong các Tu viện hoặc sáng tác theo sở thích. Việc họ đã thực hiện hoặc sự xuất hiện của họ đã làm phấn khích thế hệ thanh thiếu niên thời bấy giờ muốn theo sở nguyện về Hội họa. Sau này có người đã theo chí hướng ấy để trở thành họa sĩ. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ đã tạo nên được một không khí văn hóa mới trên đất Huế vào những năm cuối triều Nguyễn ở kinh kỳ.

Ngày 23/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền thuộc về nhân dân. Ngay sau đó, gần một tháng sau ngày cách mạng, ngày 18/9/1945, chính quyền cách mạng thực hiện chỉ đạo của TW Đảng đã triệu tập ngay cuộc Hội nghị những người làm nghệ thuật để thành lập tổ chức nghề nghiệp của mình. Để chuẩn bị cho ngày Đại hội Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên, một cuộc huy động tranh vẽ tuyên truyền được tổ chức và khai mạc vào lúc 15 giờ chiều chủ nhật ngày 23/9/1945 tại Viện Dân Biểu (cũ). Đây là cuộc triển lãm tranh đầu tiên ở Huế từ sau cách mạng. (Theo báo Quyết Chiến số 24 ra ngày 21/9/1945). Như vậy lực lượng Mỹ thuật ở Thừa Thiên lúc bấy giờ, hòa trong không khí thành công của cách mạng, đã nức lòng và hứng khởi sáng tác nhiều tác phẩm đồng thời giúp cho cách mạng bằng việc chép lại tranh tuyên truyền cổ động để chuyển đến các tỉnh miền Trung. Tinh thần ấy cho thấy vai trò của họa sĩ trong cuộc cách mạng không phải nhỏ.

Sau khi cuộc cách mạng đã đi vào giai đoạn mới của cuộc trường kỳ kháng chiến, các họa sĩ được sự phân công của tổ chức lên chiến khu hoặc trở ra miền Bắc để tham gia vào công tác cách mạng trong nhiệm vụ tuyên truyền, chỉ còn rất ít ở lại Huế cho đến 1954. Đến năm 1957 chính quyền Sài Gòn cho mở Viện Đại học Huế, trong đó có Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế (Ecole des beaux arts de Hue (tiếng Pháp) hoặc Institude of Fine Arts of Hue (tiếng Anh). Trường làm nhiệm vụ đào tạo cả kiến trúc. Sau đó kiến trúc chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, trường chỉ làm nhiệm vụ đào tạo Mỹ thuật.

Họa sĩ Tôn Thất Đào, người tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày ấy là Hiệu trưởng đầu tiên của trường này. Các họa sĩ miền Trung khác là Phạm Đăng Trí, Phan Xuân Sanh (từ Pháp về) là những trụ cột của trường. Các họa sĩ từ miền Nam giảng dạy theo chương trình học khóa như Mai Lang Phương, Lê Yên; Lê Ngọc Huệ (ông là tác giả nhóm tượng hoành tráng về Thiên Chúa nhà thờ La Vang, Quảng Trị), Mai Trung Thứ (được mời về từ Pháp), Trương Đình Ý. Họ công tác trong suốt các thời kỳ của những người Hiệu trưởng từ Tôn Thất Đào, Mai Lang Phương, Lê Yên, Vĩnh Phối và đã để lại kết quả trong giáo dục các khóa học đầu tiên ra trường vào đầu thập niên 60. Cùng với các đồng nghiệp ở Sài Gòn Gia Định, họ đã nỗ lực tạo nên một phong trào mạnh mẽ trong sáng tạo, hình thành nên hội họa sĩ trẻ Việt Nam có nhiều hoạt động và đã tạo nên những khuôn mặt Mỹ thuật đầy cá tính ở miền Nam thời bấy giờ. Những tên tuổi của Huế cũng có mặt trong số đó, như Đinh Cường, Nguyễn Văn Liễu (Trịnh Cung), Lâm Triết, Nguyễn Tuấn Khanh (Rừng), Mai Chửng, Tôn Nữ Kim Phượng, Hoàng Thị Diệm Phương, Nguyên Khai, Trương Đình Quế…

Tranh Tôn Thất Văn - Ảnh Trần Viết Ngạc


Trường Mỹ thuật Huế đã đào tạo các tên tuổi và đóng góp cho Huế cũng như suốt dải đất miền Trung và Cao Nguyên. Riêng Huế là nơi hội tụ nhiều tên tuổi, do điều kiện làm việc trong môi trường của giáo dục Mỹ thuật, họ sáng tác có thuận lợi hơn các tỉnh khác song các họa sĩ đều thể hiện tài năng để đóng góp mảng mỹ thuật cho miền Trung đã để lại nhiều tác phẩm cho đời sau. Với đội ngũ giảng viên kỳ cựu như Tôn Thất Đào, Lê Yên, Mai Trung Thứ, Mai Lan Phương, Thiềm Quốc Hùng cộng thêm sự thu hút các họa sĩ ưu tú tốt nghiệp ở Huế và Sài Gòn Gia Định và ở nước ngoài như Đinh Cường, Vĩnh Phối, Tôn Thất Văn, Đỗ Kỳ Hoàng, Lê Hữu Nguyên, Mai Chứng, Trịnh Cung, Trương Đình Quế, Lê Thành Nhơn, Văn Đen, Hiếu Đệ, Hồ Hoàng Đài đã để lại những kinh nghiệm trong sáng tác cho những thế hệ sau này…

Tranh Đinh Cường


Trong những năm 60, khi họa sĩ Vĩnh Phối đảm nhận giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng thì không khí học tập đã dần thoát khỏi tính hàn lâm và đi vào tìm kiếm trong sáng tác, vai trò sáng tạo rất được lưu tâm. Đồng thời, trường còn trang bị về kiến thức văn hóa dân tộc xã hội để cho mỗi họa sĩ sau này có đủ trình độ nhận thức về Mỹ thuật của tiền nhân nước nhà. Và cũng chính những năm ấy, Huế cũng đã mở ra nhiều cuộc triển lãm tranh với những phong cách mới mẻ. Có lẽ, tranh trừu tượng lần đầu tiên xuất hiện bằng các cuộc triển lãm của Vĩnh Phối, Đinh Cường. Những phòng tranh phối hợp của các họa sĩ Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Lê Văn Tài ở những năm 66, 67; những cuộc triển lãm tranh tượng phối hợp các tác giả nhiếp ảnh và tượng tròn của nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu, triển lãm tranh tượng của Lê Liên và Phạm Văn Hạng, của các họa sĩ Tôn Thất Văn, Võ Đình, Đinh Cường, Nguyễn Tuấn Khanh, Hạ Quốc Huy, Nguyễn Thanh Hiền, Lê Quý Long, Dương Đình Sang đã gây ấn tượng với công chúng Huế. Đó là những dấu mốc đáng nhớ của Mỹ thuật Huế do những người từ trường lớp đào tạo ở miền Nam trước đây đóng góp cho sự phát triển.

Tranh Võ Đình


Thập niên 60 thế kỷ trước, Mỹ thuật Huế cũng ghi nhận sự xuất hiện học xưởng Tiểu Công Nghệ Huế do họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng quản lý và từ đó, môn sơn mài đã được đưa vào môn học của trường Mỹ thuật Huế do họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng phụ trách, bên cạnh sự phát triển Mỹ Nghệ sơn mài thì vai trò đưa sơn mài vào sáng tác tác phẩm Mỹ thuật ở Huế đã được phổ biến.
 

Tranh Phi Hùng

Nói về hội họa, ngoài trường lớp cũng nên đề cập một dòng từ các họa phòng. Huế có nhiều họa phòng, nơi Mỹ thuật đến với công chúng một cách dễ dàng bằng những chân dung dễ nhận ra và phong cảnh hay tĩnh vật. Những tên tuổi thời bấy giờ có họa sĩ Ngọc Lựu với phòng vẽ Ngọc Duy, Rin… Họ là những họa sĩ vẽ truyền thần tài năng đã góp phần cho sinh hoạt Mỹ thuật Huế. Đặc biệt đáng lưu ý còn có ba anh em nhà họa sĩ Phi Hùng, Phi Long và Maria Mộng Hoa. Họ tự học và đã trở thành họa sĩ. Cạnh đó, trong số những họa sĩ làm công tác quảng cáo phải kể đến một họa sĩ tài hoa trong nghệ thuật vẽ quảng cáo Ciné đó là họa sĩ Lê Vinh. Với cách làm quảng cáo táo bạo và những nét vẽ mạnh mẽ, họa sĩ Lê Vinh đã tạo nên phong cách riêng của lối vẽ Ciné một thời nổi tiếng ở Huế. Ông cũng đã từng làm nhiều người ngạc nhiên về tranh chân dung cỡ lớn khi ông thực hiện các chân dung Hồ Chủ tịch ngay trong những ngày Huế giải phóng 26/3. Một số họa sĩ tự học để vẽ trong đó có họa sĩ Bửu Chỉ - là một trường hợp đặc biệt trong sáng tạo. Năm 1975, Bửu Chỉ tham gia vào Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, trở thành một tên tuổi được mọi người ngưỡng mộ và quý trọng. Bộ tranh bằng bút sắt của ông thời kỳ đó được nhiều báo chí trong nước và nước ngoài sử dụng là một trong những tài sản quý trong bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình ông. Cùng thời với Bửu Chỉ còn có họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tự học và đã tổ chức một số cuộc triển lãm trước 1975 và sau này.

Trong hai thập niên 60, 70 ở Huế có nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật trong đó có họa sĩ Phạm Đăng Trí nghiên cứu về Ngũ Sắc Huế và tỉ lệ vàng trong nghệ thuật kiến trúc - trang trí cung đình nhà Nguyễn; và một cây bút nghiên cứu Mỹ thuật khác được mọi người tin cậy bởi sự sắc sảo khi nhận định về nghệ thuật là Huỳnh Hữu Ủy. Ông đã có một số bài viết đánh giá tác phẩm một cách chân thực. Trong mỗi cuộc triển lãm ông đều từng có mặt để đồng hành cùng họa sĩ.

Bên cạnh việc tìm kiếm những khuynh hướng trong nghệ thuật của đa phần họa sĩ để góp phần cho sự phát triển nghệ thuật, có một số họa sĩ ngoài việc tìm kiếm làm mới trong nghệ thuật đã nhận thức về xã hội, tìm ý tưởng giải phóng đất nước, đấu tranh lại bạo lực cường quyền, chống lại chế độ miền Nam. Có người đã hy sinh như họa sĩ Lê Minh Trường - người bị tù đày; họa sĩ Bửu Chỉ và một số khác xây dựng lực lượng trong học sinh sinh viên và các lực lượng tranh thủ hòa bình, dân chủ chống lại chế độ như họa sĩ Vĩnh Phối, Phạm Đăng Trí, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn. Họ là những thành viên của ủy ban xây dựng tượng danh nhân, một tổ chức mang tính tiến bộ nhằm vận động xây dựng tượng danh nhân lịch sử mà việc làm đầu tiên là tượng chí sĩ Phan Bội Châu, nay được dựng ở công viên cạnh cầu Trường Tiền Huế. Các họa sĩ Phan Hữu Lượng, Phan Thế Bính với phong trào SVHS Mỹ Thuật đã đi đầu trong việc tham gia vào tổ chức cách mạng vận động học sinh sinh viên xuống đường chống Mỹ.

Ngay những ngày đầu giải phóng Huế 26/3/1975, với khí thế cách mạng, lực lượng sinh viên Trường Mỹ thuật đã tham gia ngay vào công cuộc tập hợp công tác xã hội. Các họa sĩ giảng viên đã quay lại Trường mặc dù khi ấy chưa có lãnh đạo trường mà chỉ có tổ chức Đoàn và Hội sinh viên chủ đạo trong công tác điều hành. Các thầy đã tích cực tham gia cùng sinh viên trong việc tổ chức vẽ các áp phích, pano, khẩu hiệu trang hoàng trong thành phố cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thời gian này, lực lượng họa sĩ Huế được tập hợp bởi các nguồn từ trường Mỹ thuật Huế, các họa sĩ từ Sở Văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên, các họa sĩ đang công tác tại trường Phổ thông và một số cơ quan khác. Đến tháng 8 năm 1978, Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật lần thứ I, Phân hội Mỹ thuật Bình Trị Thiên ra đời và hoạt động cho đến năm 1990. Sự kiện chia tách tỉnh, 3 Hội được chia ra cho đến năm 2000, với lực lượng họa sĩ ở Thừa Thiên Huế lớn mạnh, tại Đại hội nhiệm kỳ 2000 - 2005, nguyện vọng của lực lượng họa sĩ đã được Đại hội thông qua và trở thành Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế hoạt động cho đến này nay.

Nhờ vào sự tiếp cận với các cuộc triển lãm Mỹ thuật từ trước đến nay, các hội viên Hội Mỹ thuật đã có cái nhìn cởi mở về sự đổi mới trong tìm kiếm nghệ thuật; đặc biệt với hai thiết chế văn hóa cho Mỹ thuật là nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị và trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng. Cạnh đó là hàng trăm tác phẩm điêu khắc của các tác giả quốc tế là kết quả từ các trại điêu khắc quốc tế trong các kỳ Festival; các phòng triển lãm nghệ thuật mới như Performance, Video Art, Installation, đã đóng góp cho sự đa dạng trong Mỹ Thuật Huế. Trong sự nỗ lực để theo kịp sự phát triển trong nghệ thuật đương đại, một số họa sĩ ở Huế như Lê Thừa Tiến, anh em song sinh Thanh - Hải, Trương Thiện, Đinh Khắc Thịnh,… Lê Thừa Tiến đã hòa nhập với dòng chảy chung để tạo nhiều sự kiện góp phần cho nghệ thuật mới của thế giới; cũng như hai họa sĩ Thanh - Hải với New Space Arts Foundation và “Then” của Trần Tuấn, Performance của Nguyễn Văn Hè hoặc sắp đặt của Võ Xuân Huy đã tổ chức các hoạt động trong đó sự giao lưu với các họa sĩ các nước. Trong công tác Hội, đã tổ chức những cuộc triển lãm lớn hàng năm xem như là truyền thống của giới Mỹ Thuật như Ngày Truyền thống Mỹ thuật Việt Nam, Tặng phẩm tháng 3, Tác giả nữ, Triển lãm tranh Mùa xuân, Tết và con giáp v.v. Huế còn có các nhóm sáng tác tuy là những sinh hoạt mang tính ngoài tổ chức hội nhưng đã thúc đẩy, làm đa dạng các hoạt động mỹ thuật Cố đô.

Những thành quả của Hội Mỹ thuật với những khuôn mặt của họa sĩ Thừa Thiên Huế nêu trên vẫn chưa đầy đủ vì dưới góc nhìn hẹp không thể bao quát hết. Dòng chảy của Mỹ Thuật Huế đang lưu chuyển, tất cả đều mong muốn được thể hiện, tìm kiếm cái độc đáo trong sáng tạo, muốn cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho xứ sở mà họ đang sống.

Đ.M.T  
(SDB18/09-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng