Mỹ thuật Huế
Yếu tố thời gian trong sơn mài Võ Xuân Huy
15:51 | 15/04/2016

Họa sĩ Võ Xuân Huy sinh năm 1970, học Đại học Nghệ thuật Huế và sau đó trở thành giảng viên tại trường. Sự đột ngột ra đi của anh vào ngày 15/3 vừa rồi đã để lại khoảng trống đầy đau thương và ám ảnh trong lòng bạn bè; cũng gần như một thông điệp về cõi người vô thường dưới bầu trời quá rộng mà ở đó sự thành công chỉ đến khi năng lượng của kẻ sáng tạo được thắp sáng đổ bóng cả vào lòng đất tăm tối.
Bài viết của Hoàng Diệp Lạc, thơ của Tịnh Thy và Phùng Tấn Đông là nén tâm nhang mà Sông Hương muốn gửi đến độc giả. 

Yếu tố thời gian trong sơn mài Võ Xuân Huy
Hóa thạch đương đại

HOÀNG DIỆP LẠC  

Võ Xuân Huy sinh ra và lớn lên ở miền gió cát Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Anh tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Huế, giảng dạy tại khoa Mỹ thuật Ứng dụng thuộc Đại học Nghệ thuật Huế, lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Mỹ thuật tại Thái Lan, hội viên Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Anh đã có nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Trong thời gian sống, học tập và làm việc ở Huế, ngoài hội họa Huy đã tiếp cận được phần nào văn hóa qua những thế hệ đi trước trong sáng tạo nghệ thuật. Từ đó anh nhìn ra con  đường riêng của mình trong hội họa, đặc biệt là sơn mài. Huy vốn cần mẫn, cầu tiến và chịu khó học hỏi, nghiên cứu đã đem lại cho anh nhiều gặt hái trong lao động nghệ thuật. Nhìn tác phẩm của họa sĩ Võ Xuân Huy, người xem thấy được dấu ấn thời gian xuyên suốt trong quá trình sáng tạo của anh. Có thể chia thời gian trong tác phẩm của Huy ra nhiều giai đoạn, quá khứ, hiện tại, tương lai và cả sự đồng hiện của cả ba thời trong cùng một tác phẩm.

Quá khứ

Quá khứ trong tác phẩm của họa sĩ Võ Xuân Huy như một nỗi nhớ, anh nhớ về quê hương, nhớ về một vùng đất nơi Huy đã khóc tiếng khóc đầu đời, nơi Huy đã chập chững những bước chân đầu tiên, vùng đất cất giữ nhiều hình ảnh những người thân thương nhất của Huy,... những kí ức đó lần lượt được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật bằng màu nâu của đất, màu đỏ của máu và màu vàng của cánh đồng lúa chín.

Quá khứ do mỗi cá thể tạo ra và quá khứ cũng do nhiều thế hệ tiền nhân để lại. Cũng như vậy, kí ức hình thành trong mỗi cá thể do tự thân cá thể và còn do cả cộng động tạo ra.

Điểm đặc biệt trong tác phẩm của Huy là dấu ấn văn hóa qua các hoa văn, những vết nứt và đổ gãy, sự chia ly, mất mát do chiến tranh để lại,... tạo ra trong tranh Huy nhiều mảng tối dày đặc, từ trong sâu hút thế giới đen đó lộ diện những điểm sáng xanh như niềm hy vọng về hiện thực của sự yên bình. Nhưng với người nghệ sĩ, làm gì có được bình yên khi đời sống xã hội cứ dội vào tâm thức họ những tiếng kêu gào từ trong lòng đất, tiếng rên la trên các vỉa đường và nước mắt từ những gương mặt người mẹ già khi nhìn sự thiếu vắng một phần thân thể trên những đứa con thương tật... Ngay trong tác phẩm “Bình yên”, “Dấu ấn sen cổ” người xem vẫn nhận ra được sự trăn trở của tác giả. Điều đó được thể hiện bằng sự lồi lõm, gồ ghề như những vết thương không thể liền. Trong “Tiếng vọng từ chiến trường” là những tác phẩm mà Võ Xuân Huy muốn nói đến những mất mát đau thương do hậu quả của chiến tranh để lại, với vùng đất Quảng Trị, cho dù sau ngày hòa bình, nhưng những tiếng nổ do đạn bom còn sót lại đã lấy đi sinh mạng của nhiều người khi đang lao động trên mảnh đất mà cha ông để lại.

Hiện tại

Hiện tại chỉ là một giả định, một ảo tưởng được tạo ra giữa lằn ranh của quá khứ và tương lai. Vậy bản chất hiện tại trong nghệ thuật có thể hiểu chính là những thể hiện của tác giả trong khoảng thời gian mà họ đối diện với cuộc sống, đối diện với tâm thức thời đại. Trở lại với dòng chảy của thời gian trong tác phẩm của Võ Xuân Huy, chúng ta có thể nhìn ra ở đó những “Dấu ấn Huế”, thành phố mà anh đã làm nên danh tiếng cho chính mình. Trong tác phẩm “Dấu ấn Huế” được thể hiện bởi cách nhìn siêu thực gồm những đền đài, kinh thành cổ kính, dòng sông Hương sương khói,... tất cả đều được ấn triện bởi một triều đại trên nền trong xanh của bầu trời Cố đô.

Đôi khi ở trong tác phẩm của Huy vẫn hiện ra những vệt xám đen với lát cắt mạnh như một cơn bão tràn qua tâm tưởng. Serial tranh có chủ đề Sunlight của Huy như những vũ điệu trong bóng đêm. Hoặc chúng ta có thể nhận ra trên bề mặt nhăn nhúm đó như một sân khấu nhiều sắc màu mà người diễn là những đường nét uốn lượn gợi tưởng đến các vũ công đang hiến dâng vẻ đẹp mềm mại cho người thưởng ngoạn.

Tương lai

Chúng ta đều biết rằng tương lai là điều chưa đến, nhưng trong ý nghĩa nào đó có thể tương lai đã đến với từng cá thể riêng biệt qua giấc mơ, qua ước mơ và niềm hy vọng. Hệ thời gian tương lai trong tranh của Huy chính là những ước mơ của tác giả, hoặc cũng là những tiên cảm về những điều sẽ xảy ra. Trong “Hóa thạch của đại dương” và “hóa thạch đương đại” là một minh chứng.

Hay trong các tác phẩm “Đâm chồi nảy lộc” tác giả đã dẫn đưa người xem nghĩ về một tương lai tràn ngập hy vọng với những sắc màu tươi sáng.

Giai đoạn sau này màu xanh đại dương trong sơn mài của Võ Xuân Huy gợi tưởng đến màu xanh trong sơn dầu của danh họa Lê Bá Đảng. Đặc biệt, trong loạt tranh có chủ đề “Vết” chúng ta có thể nhận ra những đường chấm, những mache gần tương đồng với những thể hiện trong tranh của Lê Bá Đảng. Có điều với họa sĩ Võ Xuân Huy sự thể hiện đó trên chất liệu sơn mài; là quá khó để tạo ra những mache và symbol theo ý muốn như vậy, nhưng anh đã khiến người xem nhầm tưởng điều mà anh thể hiện trên sơn mài với chất liệu khác. Cũng không thể không nhắc đến các ý tưởng và dự án cho nghệ thuật thị giác mà Huy đã thực hiện như: “Lúa mạ”, “Than và nước”, “Xuống đất gặp trời”. Với “Xuống đất gặp trời” là một thể hiện táo bạo trong vòng quay nhân quả, điều mà cả dân tộc này mơ ước về một vòm trời thanh bình, sau hàng chục năm chiến tranh. Địa đạo Vịnh Mốc như con đường để đi sâu vào lòng đất, từ thế hệ này đến thế hệ khác cứ đi như đi vào cõi khác và chỉ có con đường đó mới dẫn đưa mọi người đến với vòm trời trong xanh mà họa sĩ Võ Xuân Huy đã nhắn gởi đến với chúng ta về giá trị của hòa bình được đánh đổi bởi nhiều lớp người nằm xuống là những mất mát quá lớn. Còn nhớ hôm ngồi bên bờ sông Hương cùng Huy và Minh Tự, những giọt nước mắt của Huy đã lăn trên màu da xạm nắng, Huy chia sẻ và đối diện về sự mất mát đang đến khi người mẹ của Huy chuẩn bị rời khỏi cuộc sống tạo ra khoảng trống vời vợi trong tranh của Huy và bây giờ đến lượt anh rời bỏ trần gian như một tiên ám “Xuống đất gặp trời”, Huy đi để lại khoảng trống trong gia đình, người thân và bạn bè. Hy vọng Võ Xuân Huy đã lên trời cùng những bằng hữu đã lần lượt ra đi như: Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Phương, Hoàng Trọng Định, Nguyễn Tuấn, Dương Thành Vũ,... và các anh thế hệ trước như: Nguyễn Hữu Đống, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Trần Văn Phú, Dương Đình Sang, Kim Long,... là những người làm văn chương nghệ thuật rất đáng trân quý ở cuộc sống này.

Trở lại với yếu tố thời gian trong tác phẩm của họa sĩ Võ Xuân Huy, ngoài ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai trên các tác phẩm của Võ Xuân Huy, một số tác phẩm của anh cùng xuất hiện xuyên suốt dòng chảy thời gian như các tác phẩm “Tiếng vọng từ di sản” chính là cảm xúc từ hiện tại đã dẫn đưa tác giả trở về với quá khứ và những nhắn gửi đến với tương lai qua nghệ thuật sơn mài của họa sĩ Võ Xuân Huy. Điều mà anh muốn nói chính là giữ cảm xúc của người xem trước tác phẩm của mình, qua đó như một thông điệp nhân bản gửi đến mọi người về những di sản của thế giới, chính là vẻ đẹp của tiền nhân đã tạo dựng. Đó là điều chính yếu mà người nghệ sĩ hằng mong. Cho dù Võ Xuân Huy không còn chuyển động nữa, nhưng tác phẩm của anh vẫn đang chuyển động cùng cuộc sống hướng về phía ánh sáng mặt trời.

H.D.L
(TCSH326/04-2016)   



PHÙNG TẤN ĐÔNG

Gởi theo…
        (Cho Võ Xuân Huy)

Cuộc sống cứ thế cuộc sống luôn thử thách não trạng của chúng ta
Những thằng người vốn đi đứng nói cười đúng mực
Những sắp đặt những trình diễn chưa đến ngưỡng chưa thoát
Sự nhàm chán của thế giới luôn óng ả mềm mại ngăn nắp
Quán tính của mắt
Những cuốn sách hướng dẫn chú giải kinh điển
Mặc định yêu ghét
Cứ thế cứ thế
Chúng ta buộc phải kìm nén
Kìm nén kìm nén kể cả hơi thở
Trước một biển lá non đang dâng
Rừng tóc thơm hương đang ủ
Kìm nén kìm nén đến hóa thạch trí nhớ
Hóa thạch đường bay phiêu hốt những màu
Những chim trời những cá biển
Cứ thế cứ thế có một đêm không đợi được nữa
Khát khao đòi đổi thay cơn mơ đòi giải thoát
Sân khấu đời người
Vở kịch đòi mở nút
Và rồi bạn độc thoại
Như kẻ tiên tri như kẻ thấu thị
Ồ chính Rimbaud - “con người có đế giày gió”
Quỷ tha ma bắt “lúc 3 giờ khuya
giờ của thi nhân và kẻ cướp”

                                      16/3/2016


TỊNH THY

Gửi người xuống đất gặp trời
                              (Thương tiếc họa sĩ Võ Xuân Huy)

Kết thúc đi thôi, như thế đủ rồi!
Trái tim nhọc nhằn xin đừng đập nữa
Dự cảm bất an
Trần gian khổ lụy
mang vác nhọc nhằn
hãy buông bỏ mà đi.


Nhắm mắt nghe Huy, sơn mài rạn vỡ
Xuống đất gặp trời để được thấy chiêm bao
Thôi hết xanh xao
Thôi hết muộn phiền
và mặc kệ những
bóng ma đồng ruộng
kết thúc một hành trình trong nhạc họa và hoa

Chỉ là một chuyến đi xa
mà nước mắt vợ chảy xuôi
nước mắt cha chảy ngược
nước mắt bạn bè nghẹn trong những lời ca
Can cớ chi mà nước mắt cứ tuôn ra
Huy chỉ muốn ngủ một giấc dài trong vòng tay của mẹ
sau những tháng ngày thao thức
sau những đêm mỏi mòn vọng
- hóa thạch đại dương...

......................................
* Những chữ in nghiêng là tên tác phẩm và các triển lãm của họa sĩ Võ Xuân Huy


(TCSH326/04-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng