Mỹ thuật Huế
Phòng tranh tháng năm của 7 hoạ sĩ Huế
11:52 | 22/05/2008
Triển lãm theo nhóm đã là truyền thống có từ nhiều năm nay của các họa sỹ Huế. Bên cạnh một số triển lãm cá nhân thỉnh thoảng mới xuất hiện thì triển lãm nhóm dễ có điều kiện ra mắt thường xuyên hơn.
Phòng tranh tháng năm của 7 hoạ sĩ Huế
Ước mơ hàng xóm

Bước vào phòng tranh của nhóm tác giả, người thưởng ngoạn dễ tìm được cảm giác sung sướng, sảng khoái bởi sự phong phú của nhiều loại bút pháp; Có nghĩa, dễ tránh được sự nhàm chán trong thưởng ngoạn. Một loạt những triển lãm nhóm vào dịp Festival Huế 2000, mà trong đó nhóm họa sỹ Huế riêng biệt cũng có, hoặc nhóm họa sỹ Huế phối hợp với các nhóm hoạ sỹ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng tạo nên bầu không khí đa dạng về văn hoá cho Huế trong những ngày diễn ra lễ hội Festival.
Sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn mang tính độc lập cá thể. Mỗi họa sỹ có một khoảng không gian sáng tạo của riêng mình. Không gian ấy rộng hay hẹp, mở nhiều hay mở ít là tuỳ thuộc vào quan niệm nghệ thuật, vào vốn sống, vào tầm nhìn, vào tư duy của mỗi người. Song, trong các họa sỹ thường vẫn tìm được tiếng nói chung, bởi cái đẹp thì rất riêng nhưng cũng rất chung, rõ ràng đấy mà ẩn náu cũng đấy. Trong từng nhóm họa sỹ, tiếng nói chung lại càng dễ tìm thấy.
Sau sự kiện Festival Huế 2000, không khí triển lãm tranh ở Huế có chiều hướng lắng xuống. Cho nên, bên cạnh phòng tranh mang tính thường xuyên tại trụ sở Tạp chí Sông Hương của 6 họa sỹ: Dương Đình Sang, Hoàng Đăng Nhuận, Nguyễn Duy Linh, Phạm Đại, Lê Thừa Tiến, Nguyễn Thiện Đức, thì triển lãm của 7 hoạ sỹ tại phòng tranh Hoàng Hoa Thám - Huế trong tháng 5 vừa qua, dù sao cũng tạo được một khuấy động nhỏ trong đời sống nghệ thuật của Huế, để lại dư âm trong lòng những người yêu hội họa.
Sự xuất hiện của họa sỹ Vĩnh Phối như một sự “lùi về”, sự trẻ lại cùng 6 người kia. Là một hoạ sỹ, ông còn là một giảng viên hội họa lão luyện. Ông thuộc thế hệ họa sỹ thứ hai của Huế. Có nghĩa, họa sỹ Vĩnh Phối đã góp phần đào tạo cho Huế ba thế hệ họa sỹ tiếp nối mình. Ông vẽ không nhiều, song mỗi tác phẩm của ông đều phảng phất một sự chiêm nghiệm nào đó với cuộc sống, nó còn là tiếng nói mạnh bạo của ông được thoát ra từ cõi lòng sâu kín. Lần này với một số tranh trừu tượng: “Cổ tự và con người, Người hang động, Tình mẫu tử tuy đường nét ít bay bướm mà chỉ là những mảng màu sù sì, thô, khoẻ nhưng lại giàu cảm xúc, như muốn biểu đạt một sự trầm tư, lại không kém phần dữ dội trong tâm hồn người nghệ sỹ. Họa sỹ Vĩnh Phối được coi là một trong những người vẽ tranh trừu tượng đầu tiên ở Huế.
Lê Quý Long mặc dù đã có gallery riêng của mình, song anh vẫn tích cực tham gia triển lãm trong nhiều nhóm tác giả. Điều ấy để thấy, anh cũng “thèm” có tiếng nói chung lắm chứ! Lê Quý Long hiện đang được coi là một hoạ sĩ tiêu biểu của Huế dám vật lộn với nghệ thuật trong cơ chế thị trường. Với Vùng đất mới, Thì thầm, Thiếu nữ xanh, từ những đường nét mềm mại pha chút khói sương mờ ảo, đặc trưng cho cái sầu lắng của một tâm hồn Huế, Lê Quý Long đã thể hiện rõ một phong cách mang đậm đặc những yếu tố truyền thống. Bên cạnh đó, một số bức khác của anh như Đồng cảm, Nắng thu, Xóm quê lại thể nghiệm theo một mô típ khác, đường nét phóng khoáng hẳn, bố cục đơn giản nhưng lạ mắt và giàu sức quyến rũ.
Trong các bức tranh Suy nghiệm, Nắng mùa đông, Em và ngựa đá của Đặng Mậu Tựu lại nặng về tính triết lý. Nếu người xem để ý, rất dễ nhận ra, những dạng tranh thế này của anh xuất hiện khá nhiều trong mấy năm gần đây, khi anh tham gia trong các triễn lãm khác. Anh triết lý với nhân gian tạo hoá, với mọi lẽ sống trên đời. Có lẽ đây là sự thể nghiệm của anh. Xem tranh của anh dễ man mác buồn khi nhận ra cái vòng quay của cuộc đời, cái chu trình vận động của một đời người cứ yếu dần, yếu dần theo đường xoáy trôn ốc. Ngay trong bức Ngày xưa thương nhớ, ngọt ngào chất đồng quê là thế nhưng vẫn cứ dư cảm một nỗi buồn.
Nhóm 4 hoạ sỹ: Thân Văn Huy, Hồng Trọng Mỹ, Vũ Văn Thiện, Nguyễn Thái Hoà đã từng bày tranh chung với nhau trong rất nhiều triển lãm ở Huế, và cả ở Hà Nội. Tiếng nói chung trong tranh của 4 hoạ sỹ này có lẽ là sự trẻ trung sôi nổi; Cái cuồng nhiệt, nỗi khát khao, đam mê đến bỏng cháy trong tình yêu. “Sôi nổi” nhất là Hồng Trọng Mỹ, với màu sắc hơi chói loà, cường độ mạnh và gắt trong Vũ khúc đường mây, Nhật thực, khiến tranh của anh như thoát ra những chất lửa bùng cháy, thể hiện một cảm xúc mạnh, tốt độ. Song riêng trong Hoa vàng mây trắng lại thấy một sự lung linh dịu dàng.
Thân Văn Huy cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ, bố cục chặt chẽ đến sít sao trong Tìm về, trong Chiều, trong Đêm hoa đăng... Tranh của Thân Văn Huy ít tìm thấy những đường nét tung tẩy, phóng khoáng, song nhìn tổng thể từng bức tranh, nó lại phát lộ cái chất mộng mơ, lãng đãng. Cách tiết chế màu sắc, nhất là tiết chế ánh sáng của anh đã tạo nên một không gian huyền ảo, đầy ma lực “cám dỗ” người xem. Người hoạ sỹ này vì mải bươn chải với cuộc sống mà nhiều năm phải buông bút. Anh chỉ mới vẽ lại khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, nhưng cho đến nay có thể khẳng định một phong cách Thân Văn Huy không thể lẫn lộn với bất cứ hoạ sỹ nào.
Từ những sắc vàng rực rỡ trong Mùa thu của Vũ Văn Thiện, người xem như được hoà nhập cùng tác giả vào với cảm xúc yêu đời. Trong Con sóng nhớ bờ của anh thì lại trải rộng một nỗi nhớ mênh mông, bao la khắc khoải từ một hoài niệm nào đấy. Nguyễn Thái Hoà với Tình hồngCổng trời lại thấm đẫm cái chất dân dã của những miền quê. Nhìn chung, xem tranh của 4 hoạ sỹ: Vũ Văn Thiện, Thân Văn Huy, Hồng Trọng Mỹ, Nguyễn Thái Hoà dễ nhận thấy nội lực sáng tạo của họ đang còn tiềm tàng dồi dào lắm, ở đó chắc chắn sẽ còn nhiều bứt phá.
Phòng tranh này cũng như nhiều phòng tranh khác, chỉ rầm rộ trong ngày khai mạc. Những ngày tiếp theo người đến xem tranh thưa thớt. Đó là điều bình thường của Huế. Các phòng tranh như lại nhập vào cái uy nghiêm, trầm mặc của Huế. Chừng đó để thấy, khả năng xã hội hoá trong thưởng thức các tác phẩm hội hoạ ở Huế còn rất thấp. Chờ mãi mà Huế vẫn chưa có một thị trường tranh sôi động. Tất nhiên không phải vẽ để rồi cứ chằm hăm vào việc bán tranh, song nếu không bán được tranh thì cũng khó nuôi nổi sự sáng tạo, khi trong số 7 họa sỹ này thì hết 5 người là hoạ sỹ hành nghề tự do. Các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước hình như chưa mấy chú ý đến Huế, mặc dù tiềm năng sáng tạo của vùng đất này là vô cùng phong phú và đa dạng. Dù sao thì hầu hết các họa sỹ Huế vẫn ngày đêm âm thầm vẽ.
Theo họa sỹ Vĩnh Phối, trước 1975, trong số 12 họa sỹ được đánh giá hàng đầu miền Nam, thì có 8 họa sỹ của Huế. Nói lên điều ấy, ông muốn nhắc nhở các hoạ sỹ trẻ, từ truyền thống, hãy cố gắng khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình hôm nay.
Huế, tháng 6 - 2001

VIỆT HÙNG
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng