Mọi năm TT Huế gửi đi từ 70 đến 90 tranh tượng, còn nếu là năm TT-Huế đăng cai thì có trên 120 tranh được chọn treo. Năm nay chỉ với 37 tác phẩm nhưng lại có được giải A, giải B, 01 giải tặng thưởng và 3 giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Điều đó cho thấy "chất" không nằm ở số lượng nhiều hay ít mà ở ngay trong sự bừng tỉnh sáng tạo và giá trị mà người nghệ sỹ tạo nên. Bức "Đồng lúa vàng" (sơn dầu 150x155cm) của nữ họa sỹ Tôn Nữ Tuyết Mai đã được Hội đồng nghệ thuật bỏ phiếu 100% vào giải A. Cũng chính sự thành công của chị tại triển lãm khu vực Bắc miền Trung lần này đã làm thay đổi tình trạng không có giải A mấy năm liền. Nhìn chung Ban Giám khảo (BGK) đã làm được điều rất khó đối với công chúng, đó là đông đảo người xem và họa sỹ có mặt đều "tâm phục khẩu phục" với việc chấm giải A. Họa sỹ Tuyết Mai thể hiện được chất khoáng đạt mạnh mẽ bay bổng trong nét bút và màu sắc, điều mà rất ít nữ họa sỹ Huế biểu hiện như thế. PGS-TS Nguyễn Đỗ Bảo - Trưởng ban kiểm tra Hội Mỹ thuật VN đánh giá "Cái hay của chị Tuyết Mai là chị có cách riêng để thể hiện được điều mình muốn nói. Đây là một loại đề tài quen thuộc, nhiều khi nhàm chán, nhưng chị Mai đã gây được sự chú ý bởi cảm giác no đủ, ấm áp của màu vàng, của sự xử lý đề tài khá mới âm hưởng đồng quê trong bút pháp bán trừu tượng và chất tạo hình rõ nét". Màu vàng trong tranh của chị tràn ngập không gian, những người nông dân đội nón ẩn hiện trong biển lúa và sắc nắng lung linh. Hình tượng của hoạ sĩ Tuyết Mai khá ước lệ mà vẫn xao động. Chị không đi theo lối mòn của kiểu tranh vẽ nông dân, vẽ nón, đồng lúa nhan nhản ở gallery hiện đại, mà chị đã truyền cảm xúc đến được người xem bởi chính nỗi niềm riêng của mình trong đó chứ không vay mượn. Họa sỹ Trần Khánh Chương - Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật VN cho rằng tranh đẹp là tranh trước hết phải "bắt mắt" và tranh của họa sỹ Tuyết Mai là một bức tranh như vậy nên làm cho người xem muốn xem kỹ hơn. Mặt khác đồng lúa vàng của họa sỹ Tuyết Mai còn có những dải màu tím, cái màu tím Huế rất riêng của chị, của Huế làm cho tính lung linh của màu thêm nhuần nhuyễn. Họa sỹ Tuyết mai cũng đã tạo được sự chú ý ở Pháp qua lối xử lý màu như vậy trong các lần triển lãm tại Strasbour.
(Ý niệm cuộc sống)
Tác phẩm "Ý niệm cuộc sống" (bút sắt 65 x 140cm) của họa sỹ trẻ Tô Trần Bích Thuý được BGK trao giải B cũng là một tác phẩm được bàn luận nhiều tại triển lãm. Có lẽ lâu lắm rồi kể từ thời bao cấp, khi mà việc chấm giải nhiều khi theo chế độ: “mặt trận" và "Trưởng lão" thì nay mới có một tác phẩm bút sắt được trao giải cao như vậy. Nhiều năm nay Tô Trần Bích Thuý đã tạo được một hướng đi riêng trong các triển lãm với các kỹ thuật biểu tả của bút sắt. Thông thường chị dừng lại ở sự biểu thị nét đẹp thiếu nữ khoả thân, tĩnh vật hoa trái hay cảnh vật con người theo lối gợi thực bằng kỹ thuật chấm hình và sắc độ. Nhưng tại triển lãm tranh lần này chị trở nên triết lý và va đập dồn dập hơn trong bố cục đồng hiện đan xen nhiều nhóm người kỷ hà hoá. Bích Thuý nhìn cuộc sống ở nhiều mặt, nhiều vấn đề, trong đó số phận con người, sự hữu hạn của họ trong cuộc sống được "căng" lên rất rõ trong bức tranh khá lớn của chị. Kỹ thuật diễn tả bút sắt của họa sỹ Bích Thuý khá chuẩn xác, tinh anh, có ý đồ nghệ thuật và suy nghĩ chân thực, vì vậy chị gợi được ở người xem sự khắc khoải, quan tâm đến cuộc sống quanh ta với tất cả cái hay, cái đẹp và có cả sự ngột ngạt trong đó. Dù vậy trong một chừng mực nhất định, họa sỹ Bích Thuý cũng chưa hẳn đã tự chủ trong xử lý bố cục. Chị tạo ra loại tranh ghép với bố cục phân chia cụ thể và kết nối mảng hình đen trắng trong nhịp điệu xuyên suốt chuyển động của các hình tượng. So với giải C và các giải tặng thưởng khác thì quả thật "Ý niệm cuộc sống" của chị đã gây được sự chú ý nhiều hơn.
Họa sỹ Lê Huy Tiếp - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho rằng: "Hai nữ họa sỹ Huế, người thì từ đề tài cũ tìm ra cách xử lý mới, người thì đi sâu tìm cách bộc lộ tiềm thức bên trong đều đã làm cho BGK phải xem xét kỹ và rất mừng là ý kiến của các thành viên BGK là rất thống nhất".
Dù vậy nếu thường xuyên có mặt tại các triển lãm khu vực Bắc miền Trung gần đây thì người xem vẫn thấy còn gợi lên chút băn khoăn bởi lẽ "tính tâm phục khẩu phục" của giải A và B chỉ ở chỗ trong bối cảnh của triển lãm năm nay với 116 tác phẩm, 97 tác giả toàn khu vực, con số này chưa bằng năm TTHuế tham gia nhiều nhất. Mặt khác công bằng mà nói thì các năm trước không phải là không có những tranh đẹp, nhưng cùng là các thành viên quen thuộc trong BGK ấy, cùng là vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ấy mà mỗi năm mỗi khác ở cách đánh giá và xác định chất lượng của giải. Cho nên người họa sỹ thì cứ vẽ chứ ai dại gì mà chạy theo tính "định hướng" vòng vo, với những ý kiến "trao đổi" lặp đi lặp lại, không có gì mới và nhàm chán của Hội đồng nghệ thuật.
Năm nay họa sỹ Lê Quý Long với tranh "Mùa xuân" (sơn dầu) kích cỡ 140 x 200cm thuộc loại "khổng lồ" nhất của triển lãm. Anh lại một lần nữa "mon men" sát giải với tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Là một người tích cực vẽ để kiếm sống và duy trì gallery cá nhân của mình, họa sỹ Lê Quý Long cũng tham gia nhiều cuộc vận động sáng tác tranh về đề tài quân đội. phụ nữ, công nhân lao động... Bức "Mùa xuân" của anh được trao giải tặng thưởng chứ không cao hơn có lẽ cũng vì tính chất "vị đề tài" hơi lên gân của anh. Hình tượng cậu bé trong tranh rõ ràng thiếu hoà nhập, thiếu sự thống nhất trong bút pháp biểu hiện. Đặc biệt tác giả chưa lý giải cái tứ của hình tượng cậu bé giữa sự trùng trùng điệp điệp của đoàn quân. Ở họa sỹ Lê Quý Long còn thiếu một cái gì đó thuộc về độ tinh tế, độ nhuần nhuyễn của sự thẩm thấu và chắt lọc hình tượng - nội dung hình thức nghệ thuật.
Trong 3 giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam dành cho các họa sỹ Huế nổi bật nhất có lẽ họa sỹ Phan Kim Chi với tranh lụa "Bản giao hưởng mùa thu" (57x72 cm). Nhiều năm nay họa sỹ - cô giáo Kim Chi vẫn vẽ và tham gia nhiều triển lãm phụ nữ TT-Huế, triển lãm mùa xuân các năm, triển lãm khu vực... Chị có một trình độ về lụa vững vàng, màu chín chắn, độ diễn tả sâu lắng, những hình tượng con người, cảnh sắc thiên nhiên trong tranh của chị luôn được chăm chút cẩn trọng chứ không sa vào lối vẽ lụa phóng bút nhiều khi rất cẩu thả đang thịnh hành hiện nay. Vì vậy, việc chị được nhận giấy khen là một điều dễ hiểu đối với những người luôn say mê lao động sáng tạo như chị. Hai tác giả khác là họa sỹ Phạm Hoàng Anh với "Chợ quê" (acrylic 80x100 cm) và nhà điêu khắc - họa sỹ Đặng Toản với "Đèo Lý Hoà" (sơn dầu 110 x 130cm) lại gây ngạc nhiên ở chỗ "Chợ quê" thì thấy ở đâu đó quen quen trong tranh của các họa sỹ Nam Bộ hay cao nguyên Đạ Lạt, còn Đặng Toản nhà điêu khắc nay lặn lội sang hội họa thì dính giải ngay. Tuy nhiên ngoại trừ các giải chính thức, còn nhìn chung trong triển lãm thì các giấy khen này có lẽ vẫn còn tính chất "mặt trận", vùng miền vì địa phương nào cũng được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn tác phẩm nào đó để tặng bằng khen. Nhìn trong các tranh này người xem thấy rõ chất lượng quá chênh nhau. Có tác giả cứ cúi gằm mặt khi biết tin được giải vì đâu có đầu tư gì nhiều cho sáng tác, gửi tham gia cho có anh có em, tranh treo lên đã là may lắm rồi, thế mà cả Hội đồng nghệ thuật cứ tấm tắc khen hay để trao giải bằng được.
Ở một khía cạnh, năm nay các họa sỹ TT-Huế tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Miền Trung lần thứ VIII trong một sự mất cân xứng và thiếu chút hài hoà về khá nhiều phương diện. Tranh sơn dầu vẫn chiếm đa số nhưng mặt mạnh khác là sơn mài nay chỉ có 3 tác phẩm. Điêu khắc mọi năm khá ấn tượng, còn năm nay chỉ có một tác phẩm bằng composite tham dự có vẻ "cầm cự" cho phong phú chứ tác giả Mai Văn qua "Điệu múa đèn hoa sen" (cao 70 cm) vẫn không thoát khỏi tính chất tượng theo gout trang trí nội thất với sự phỏng theo cấu trúc âm điệu điêu khắc Chămpa. Nhà điêu khắc Mai Văn là người luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội và địa phương nhưng anh luôn đứng giữa sự băn khoăn của loại hình nghệ thuật đích thực hay kiểu nghệ thuật thương trường. Tính thiếu dứt khoát của anh thể hiện khá rõ trong tác phẩm đã làm cho không khí điêu khắc vốn đã quá mờ nhạt ở triển lãm lại càng có vẻ ảm đạm, lạc lõng hơn. Dù không vào giải nhưng ở một số tác giả TT-Huế đã có sự đầu tư và cố gắng rất lớn trong sáng tác như các họa sỹ Trương Bé, Đặng Mậu Triết, Hà Văn Chước, Hồng Trọng Mỹ, Lê Ngọc Tường, Hải Hoà, Đỗ Xuân Phú, Lê Văn Nhường, Thân Văn Huy, Nguyễn Thiện Đức... Tranh của họ chưa hẳn thua kém những tranh có giải chính thức, nhưng một số trong đó năm nào họ cũng có giải nên Hội đồng nghệ thuật đòi hỏi họ phải hay, phải vượt lên, phải khác lạ hơn nữa. Nhiều họa sỹ phàn nàn chẳng biết hay hơn theo kiểu Hội đồng nghệ thuật là thế nào nữa; thế là lại nảy sinh nghịch lý là tranh hay chưa hẳn là có giải, tranh có giải chưa hẳn là hay.
Dù ít tác phẩm hơn mọi năm, tranh của TT Huế vẫn có tính áp đảo về số lượng và chất lượng tại triển lãm. Cái ẻo lả, nuột nà, hình thức chủ nghĩa đã giảm đi khá nhiều. Nhưng vẫn rất hiếm có sự đột phá về chất liệu kỹ thuật và hình thức biểu đạt nghệ thuật. TT-Huế là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và trong chiến tranh chống Pháp, Mỹ đã có bao chiến công hiển hách nhưng không mấy ai vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng, nếu có thì cũng không có đầu tư chiều sâu hoặc chỉ sáng tác theo lời kêu gọi của Bảo tàng Quân đội hay một vài triển lãm chuyên đề, trại sáng tác. Điều đó dẫn đến tình trạng tranh đề tài rất hình thức chủ nghĩa. Họa sỹ Lê Huy Tiếp nói thẳng rằng đã có: "Nguy cơ báo động cho Huế về sự lặp lại, không vượt lên được chính mình, nhất là những người đã thành danh. Nhiều tranh nặng về kỹ thuật thủ pháp được sử dụng khá phong phú nhưng bị mòn mỏi, không mới về hiệu quả nghệ thuật". Thiết nghĩ đó cũng là điều mà những họa sỹ TT-Huế đầy nhiệt tâm sáng tác hiện nay cần nghĩ suy để tìm tòi vươn lên.
P.T.B – K.T (177/11-03)
|