Mỹ thuật Huế
Người nghệ sĩ 40 năm đi tìm cái đẹp
16:03 | 30/05/2008
Vào những ngày Tháng Tám này bốn năm trước, cuộc triển lãm 32 tác phẩm hội họa trừu tượng với tiêu đề “Không gian và tiết điệu” của họa sĩ Vĩnh Phối tổ chức tại Hà Nội được dư luận chú ý.
Người nghệ sĩ 40 năm đi tìm cái đẹp

Các tờ báo lớn như Nhân Dân, Lao Động, Thể Thao&văn hóa, Người Hà Nội... đều có bài viết trân trọng những đóng góp của họa sĩ Vĩnh Phối trong nền hội họa Việt Nam. Tác giả Thu Thủy, trong bài viết trên báo Nhân Dân ngày 28/8/1997 đã viết: “Vĩnh Phối không phải là hoạ sĩ duy nhất ở Việt vẽ tranh trừu tượng. Nhưng có lẽ ông là người duy nhất theo đuổi trường phái tranh này trong suốt sự nghiệp hội họa của mình. Ông đã dành hết tâm sức và những tìm tòi táo bạo cho các tác phẩm trừu tượng với một bản lĩnh kiên định hiếm có.”
Từ cuộc triển lãm đầu tiên tổ chức tại La Mã năm 1961 đến nay, cuộc đời nghệ thuật của họa sĩ Vĩnh Phối vừa tròn 40 năm. Ông đã vinh dự được Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, Huy chương “Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam”, được Nhà nước tặng danh hiệu “nhà giáo ưu tú”(1990) và phong hàm Phó Giáo sư (năm 1992). Không đợi đến lúc có được những danh hiệu này, họa sĩ Vĩnh Phối đã là một tên tuổi được nhiều người biết đến từ nhiều năm trước. Trước hết vì ông là một trong số ít các họa sĩ được đào tạo chu đáo về nhiều chuyên ngành mỹ thuật trong và ngoài nước: Khoa Hội họa, Khoa Sư phạm Mỹ thuật Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1958, 1959); Khoa Hội họa, Khoa Điêu khắc Học viện Mỹ thuật La Mã (1961, 1963) và chứng chỉ Nghiên cứu lịch sử mỹ thuật của Viện Đại học La Mã (1963-1966). Ông còn được học bổng của UNESCO (năm 1973) đi nghiên cứu mỹ thuật phương Đông qua các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Tích Lan, Thái Lan. Vì thế, ngay sau khi về nước (năm 1967) lúc mới 30 tuổi, ông đã được cử làm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, tiền thân của Trường Đại học Nghệ thuật Huế hiện nay. Tuy quy mô trường không lớn bằng hiện nay, nhưng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế là một địa chỉ đào tạo có uy tín ở miền Trung. Những năm Vĩnh Phối làm giám đốc lại là thời kỳ đầy sóng gió vì phong trào “sinh viên tranh đấu” ở Huế vừa bị đàn áp. Nhờ vốn kiến thức phong phú và tận tụy với nghề, các thầy giáo và học sinh trong trường lại hiểu ông là người có cảm tình với cách mạng, nên vị giám đốc trẻ tuổi đã đứng vững cho đến ngày Huế giải phóng, lại thu hút được về Trường những tài năng như họa sĩ Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Lê thành Nhơn v...v...
Vĩnh Phối được nhiều người biết còn vì ông là một trí thức dòng dõi hoàng tộc. Ông là hậu duệ đời thứ 6 của vua Minh Mạng. Ở Huế, người dòng dõi hoàng tộc không thiếu, nhưng một trí thức được đào tạo theo hệ thống nhà trường tư bản, rồi trưởng thành trong chế độ cũ như họa sĩ Vĩnh Phối lại mau chóng hòa nhập cùng nhịp sống mới của dân tộc, suốt hơn 20 năm sau ngày Huế giải phóng được tín nhiệm cử làm Hiệu phó Trường Đại học Nghệ thuật Huế là rất hiếm. Điều thú vị là hầu như suốt 40 năm qua, Vĩnh Phối vẫn thủy chung với nghệ thuật trừu tượng - một trường phái nghệ thuật có thời gian bị các “nhà” lý luận xem là “ngoại lai, bí hiểm” cần phải loại bỏ! Cũng thật may mắn là ngọn gió “đổi mới” đã tạo ra cách nhìn cởi mở hơn về nghệ thuật. Nhờ đó, nghệ thuật tranh trừu tượng của Vĩnh Phối mới có “chỗ đứng” tại thủ đô Hà Nội; hơn thế, còn có “chỗ đứng” trên tờ báo lớn - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam!
Một số cây bút phê bình mỹ thuật đã nhận xét, nghệ thuật của Vĩnh Phối “về cấu trúc, hình thức thì siêu thực, trừu tượng, còn cảm hứng sáng tạo, nội dung tư tưởng, cảm xúc đều khơi nguồn từ hiện thực” (Lê Quốc Bảo). “Ông rất chú trọng kết hợp đề tài truyền thống với bút pháp vẽ hiện đại”(Thu Thủy) “. “...Đôi bức tranh còn nhận thấy những mô-típ rút từ nền văn hóa truyền thống: con Rồng, khoáy âm dương, lạc thư, hà đồ...Những ý tưởng về văn hóa phương Đông đã ngấm trong từng nhát bút...”(Phan Cẩm Thượng) Từ đó, Vĩnh Phối đã khẳng định phong cách riêng và đã dành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước (giải nhì cuộc thi quốc tế Mỹ thuật đương đại Bracciano, Roma (1962), Huy chương bạc Triển lãm quốc tế mỹ thuật đương đại Viterbo, Italia (1962)... Tranh của ông được lưu trữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội và trong nhiều bộ sưu tập ở Ý, Pháp, Đức, Nhật, Ao, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Singapore, Mỹ, Úc, Canada, Mã Lai...
Trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, ông đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như ”Nghệ thuật trang trí Huế”, “Nghệ thuật Pháp lam Huế”, chủ biên đề tài “Nghệ thuật tạo hình Huế” Ông cũng đã tham gia biên soạn nhiều giáo trình, trong đó gần đây nhất (năm 2000) là giáo trình “Nghệ thuật Huế” (bao gồm cả những nét đẹp văn hóa Huế trong lối sống, ăn uống, mỹ nghệ...) chủ yếu dùng cho sinh viên nước ngoài. Những tài năng mới chớm nở, những dấu hiệu sáng tạo được thầy đặc biệt quan tâm giúp đỡ. Do đó, cùng với sự cố gắng của các đồng nghiệp, thầy đã góp phần đào tạo nên rất nhiều sinh viên đến nay đã trở nên những tên tuổi như họa sĩ Dương Đình Sang, Hà Văn Chước, Trần Thanh Bình (hiện là Hiệu phó Trường Đại học Nghệ thuật Huế) Đặng Mậu Tựu (hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế), nhà điêu khắc Nguyễn Hiền (hiện là Trưởng Khoa Điêu khắc Đại học Nghệ thuật Huế) v...v... cùng nhiều người là cán bộ quản lý các Sở Văn hóa Thông tin, các Trường Nghệ thuật ở miền Trung.
Với một nhân vật xuất thân như thế, danh tiếng như thế, tôi lại là người “ngoại đạo”, tranh trừu tượng thì vốn khó hiểu, nên lâu nay, tuy thỉnh vẫn gặp ông, nhưng “kính nhi viễn chi”, tôi chỉ chào xã giao đáp lễ, vì cứ nghĩ là khó gần gũi trò chuyện được với ông. Nhưng tôi đã nhầm. Một bạn đồng nghiệp của ông đã bảo tôi: “Anh không biết đó, chứ ít người làm quan hiệu lâu như ông Vĩnh Phối mà vẫn luôn sống hồn nhiên, phóng khoáng, chan hòa vui vẻ với mọi người. Có đồng tiền nào trong túi (như khi bán được tranh chẳng hạn) là kêu bạn bè tới đãi; có mấy sinh viên vừa ra trường tổ chức được triển lãm riêng, ông mang chai rượu tới chia sẻ niềm vui với các em...Anh chưa bao giờ nhậu với ông Vĩnh Phối phải không? Nhìn thân hình cao gầy với bộ mặt mảnh nhỏ đỏ gay, với cái miệng duyên dáng không ngớt nói cười và mái đầu thường được chải chuốt cẩn thận của ông sẵn sàng cho bạn trẻ...đổ bia lên, quả thật khó hình dung đó là một quan hiệu với bằng cấp, tước hiệu đầy mình...”
Không đợi đến dịp được “nhậu” cùng họa sĩ Vĩnh Phối, tôi tìm đến gặp ông tại nhà riêng ở đầu phố Bạch Đằng, gần cầu Gia Hội. Ngôi nhà cổ có tuổi thọ cả trăm năm, có lẽ cùng thế hệ với hai cây đa cổ thụ sum suê cành lá bên bờ con sông đào Đông Ba ngay trước nhà. Căn phía ngoài đã gần sụp đổ, nên vợ chồng ông đành phải hạ xuống lấy chỗ xây lầu để tránh lũ. Căn nhà phía trong tuy bị trúng rốc-két hồi Tết Mậu Thân và dãy nhà-cầu (gian nhà chủ yếu làm chức năng nối căn nhà phía ngoài và căn nhà phía trong) với những hàng cột, những tấm cửa, những con tiện công phu có tuổi thọ cả thế kỷ, không biết bằng , lim, hay kiền kiền, nay đều biến thành màu đen sẫm thì vẫn được giữ lại. Trước khung cảnh ngổn ngang cát đá, sắt thép, xi măng, giàn giáo lẫn với đủ thứ vật dụng sinh hoạt dồn xếp lại, tôi cảm thấy ngại ngùng chỉ muốn tháo lui, nhưng ông đã nói, giọng chân tình, vui vẻ:
- Đáng lẽ mình hẹn gặp ông ở bên Trường cho đàng hoàng. - Vĩnh Phối xưng “mình và ông” một cách thân mật chứ không phải xem tôi là một “ông khách” xa lạ - Nhưng sáng nay vợ mình đi vắng, nhà cửa thì như thế. Nhưng không sao, ta ngồi chật chật một chút cũng được.
Vĩnh Phối đưa tôi lại ngồi bên tấm phản gỗ kê tạm ở góc thềm căn nhà phía sau rồi pha trà thanh nhiệt, lấy bao thuốc Zet rút một điếu, có ý mời tôi nhưng lại nhỏ giọng bảo: “À, ông không hút mà!” Vậy ra con người mà tôi tưởng là khó gần gũi lại đã “biết” tôi khá kỹ càng. Tuy vẫn chỉ là mấy lời xã giao, nhưng người nghệ sĩ ngồi ghế quan hiệu lâu đến mức kỷ lục này (ông làm Giám đốc, rồi Hiệu phó suốt từ năm 1967 đến năm 1999) đã tỏ ra là người chân tình và thật thà nữa. Thấy tôi chăm chú quan sát những gì còn lại trong ngôi nhà cổ, ông nói:
- Xuýt nữa thì mình không được phép xây nhà, vì nhà mình là “hàng xóm” gần gũi với phố cổ Chi Lăng-Gia Hội, nhưng sau bên Văn hóa đến xem lại thấy không còn gì...Bức hoành phi “Trưởng lão bồ đề” đó là của học sinh tặng cụ Nguyễn Đình Hòe...
- Có phải cụ Hòe sáng lập viên Tập san B.A.V.H. (Bulletin des Amis du Vieux Hué)?
- Phải! Bà vợ mình gọi cụ bằng cố. Gia đình thờ cụ ở đây, nên dù sao cũng phải giữ phần sau ngôi nhà này...
Nếu không sợ “lạc đề” thì có lẽ còn nhiều thứ đáng kể trong số “di tích” cụ Nguyễn Đình Hòe để lại. (Một thời gian Cụ còn làm Hiệu trưởng Trường Hậu bổ - ngôi trường đào tạo “cán bộ” hành chính cao cấp đầu thế kỷ 20). Có điều tôi cảm thấy “may mắn” đã được trò chuyện với họa sĩ Vĩnh Phối giữa khung cảnh cổ xưa này, chứ không phải trong căn phòng “đàng hoàng” của Trường Đại học Nghệ thuật Huế để có dịp suy ngẫm về sự kết hợp giữa “truyền thống và hiện đại” đã làm nên phong cách những tác phẩm trừu tượng của ông. Tuy vậy, khu nhà cổ kính này lại không phải là nơi để lại những dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời ông. Ít người biết vị trí thức dòng dõi hoàng tộc này đã trải qua thời tuổi trẻ được sống hồn nhiên giữa đồng quê, sông núi hữu tình, chứ không phải trong nhung lụa cung cấm. Do ông cố của Vĩnh Phối ủng hộ phong trào Cần Vương, gia đình đã phải rời kinh thành, “di tản” vào lập nghiệp ở Truồi. Vĩnh Phối đã cất tiếng chào đời và lớn lên trên vùng đất nổi tiếng với câu ca dao “Núi Truồi ai đắp mà cao...”, với những vườn cây trái sum suê, trong đó có trái dâu da ngọt lịm không ở đâu sánh bằng, với những chiều hè bơi lội thỏa thuê trên dòng sông Hưng Bình (thường gọi là sông Truồi) trong mát. Những dấu ấn tuổi thơ ấy đã tạo nên cách sống dân dã, hồn nhiên của Vĩnh Phối và cả cách sử dụng màu sắc hình tượng gần gũi với thiên nhiên trong những tác phẩm hội họa trưù tượng của ông.
Nhắc đến bài viết trên báo Nhân Dân 4 năm trước, ông nói:
- Nói cho đúng thì không phải mình chỉ vẽ tranh trừu tượng “trong suốt sự nghiệp hội họa”. Như ông biết đó, có giai đoạn tranh trừu tượng không được công nhận...
- Tôi cũng đang định hỏi anh, có người vừa nhắc bức tranh “Ba cuộc cách mạng” của anh và tuy rất yêu mến anh, cũng đã “vui vẻ” nói rằng: “Hồi ấy, ông Phối đã hiểu gì Ba cuộc cách mạng mà vẽ! Nói xu thời thì quá nặng, nhưng việc gì phải vội vàng vẽ những điều chưa thấm vào lòng mình!” Bây giờ bình tĩnh nhìn lại, anh thấy ý kiến đó có thỏa đáng không?
Tuy nghe lời chỉ trích, nhưng Vĩnh Phối lại cười một cách hồn nhiên. Tôi chợt để ý cái miệng ông quả thật có duyên và đôi mắt sâu linh hoạt, trẻ trung chứ không nghiêm nghị khắc khổ như bức ảnh chân dung in kèm đây. Ông nói, giọng nhẹ nhõm và vui vẻ:
- Nói thế cũng có phần đúng nhưng không đầy đủ. Ngoài thiên chức người nghệ sĩ, mình còn là người quản lý, là thầy giáo một Trường Nghệ thuật đang giảng dạy cho học sinh về “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” thì mình cũng phải tìm hiểu, phải “thử bút” theo khuynh hướng đó. Hồi ấy, mình đã đi thực tế nhiều nơi, có nhiều ký họa. Mình còn vẽ nhiều bức lấy đề tài từ huyền thoại Việt dựa theo các mô-típ trên trống đồng Đông Sơn, pha chút bút pháp trừu tượng, trong đó có bức “Người tiền sử” cũng khá. Còn bức “Ba cuộc Cách mạng” được giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Dù vậy, mình cũng biết những tác phẩm thời kỳ này chưa đủ độ chín. Nhưng còn hơn để cây cọ khô héo. Đến cuối những năm tám mươi, mình trở lại với nghệ thuật mới - chữ “mới” đầy đủ hơn, vì ngoài tranh trưù tượng, đôi khi mình còn vẽ theo bút pháp biểu hiện và cả siêu hình. Không chỉ riêng mình, nhiều họa sĩ cũng thay đổi phong cách trong cuộc đời sáng tạo. Có họa sĩ ít thay đổi phong cách, như Bùi Xuân Phái, Bửu Chỉ chẳng hạn. Mỗi người một cách, tùy hoàn cảnh, nhưng theo mình, người chung thủy với một phong cách, một trường phái thì để lại ấn tượng sâu sắc hơn nhưng không phong phú bằng người có tác phẩm thể hiện bằng nhiều bút pháp khác nhau...
Bàn đến nghệ thuật, giọng Vĩnh Phối mỗi lúc một sôi nổi hơn. Lựa lúc ông dừng lời rót rượu thuốc ra hai chiếc ly nhỏ, tôi xen vào nói:
- Là người “ngoại đạo”, tôi không dám lạm bàn, chỉ nhân thể, xin được hỏi anh một điều mà chắc nhiều khán giả cũng muốn biết. Ây là một bức tranh theo trường phái “nghệ thuật mới” trừu tượng, biểu hiện, siêu thực gì gì như anh vừa nói đó được hình thành nên như thế nào? Họa sĩ bắt đầu từ đâu khi mà tận đến lúc bức tranh hoàn thiện cũng không có gì rõ ràng cả?
Vĩnh Phối nâng ly rượu mời tôi, cười nhẹ và nói:
- Rượu thuốc ngon đấy, ông uống chút cho vui... Điều ông hỏi cũng khó mà giải thích rành rẽ được. Mỗi ngành nghệ thuật có ngôn ngữ riêng, phải học mới hiểu được thấu đáo. Ngay ngành văn của các ông, ngôn ngữ là chữ viết, ai chẳng đọc được, vậy mà còn nhiều lúc cãi nhau bất phân thắng bại nữa là! Tuy vậy, cũng nói để ông hình dung, vẽ một bức tranh trừu tượng, cũng có khi bắt đầu từ một ý tưởng. Như bức “Ký ức trận hồng thủy” này.- Ông đưa tay chỉ bức tranh treo bên vách ngay trước chỗ tôi ngồi - Bức này tôi vẽ sau cơn lũ lịch sử cuối năm 1999, đã tham gia triển lãm toàn quốc năm ngoái. Anh nhìn kỹ vẫn có hình người vật lộn trên sóng nước, có con chim bồ câu biểu hiện niềm hy vọng cuộc sống bình yên...Nhưng những bức bắt đầu từ ý tưởng thường bị “khô”. Ngược lại, những bức hình thành một cách bột phát do cảm xúc dồn nén lại thoáng hơn, đẹp hơn. Đó là khi những chiêm nghiệm về cuộc đời, về lẽ sống của riêng mình đòi lên tiếng chia sẻ, đối thoại với thiên hạ, cũng có khi chỉ để làm vơi nhẹ, làm thỏa mãn nỗi niềm riêng, buộc phải cầm cây cọ, phải quệt ngay những mảng màu lên tấm toan như thế này...- Ông hơi cúi người bên tấm phản, cặp mắt sâu long lanh linh hoạt hẳn lên, bàn tay nắm lại như đang cầm cây cọ vạch liên hồi lên cái khung vẽ tưởng tượng trước mặt...
Không biết do ly rượu thuốc cao độ hay do ông hăng hái “biểu diễn” cho tôi xem, bộ mặt thon nhỏ của ông chợt đỏ ửng. Ông cho biết vẽ một bức tranh trừu tượng thường nhanh hơn vẽ loại tranh thiếu nữ hay phong cảnh, nhưng bức tranh thiếu nữ vẽ xong là xong - gần như là một bức ảnh chụp xong không thể thêm bớt gì nữa. Còn bức tranh trừu tượng như là một dòng ý thức gợi mở, chưa kết thúc, nên người họa sĩ cứ muốn bổ sung mãi. Ông tự “khen” mình “vẽ tranh thiếu nữ cũng được lắm”, người mua tranh vẫn thường đến hỏi, chứ không phải như tranh trừu tượng rất kén người mua, nhưng ông không chiều theo sức ép thị trường và nhu cầu của đời sống gia đình.
Mấy tiếng cuối câu ông bỗng nói nhỏ hẳn lại. Thực ra thì nguyên văn ông nói rằng: “Vợ mình cũng thích mình vẽ tranh thiếu nữ hay phong cảnh cho dễ bán.” Từ giữa những hàng cột giàn dáo, chị Huệ - vợ ông, vừa đi nộp thuế “xây dựng” về. Vĩnh Phối giới thiệu bà với tôi và nói một cách hồn nhiên:
- Mọi việc bà ấy lo hết. Được ba đứa con gái, đứa thì đang đi nghỉ hè, đứa đi làm...
Đã gần trưa, lại còn phải lo đi chợ, chị Huệ đành ngắt lời chồng:
- Thế thợ sắt đến chưa ông?
- Chưa thấy. ..
- Khi nào ông ấy đến, ông bảo đo đúng mấy tấm cánh cửa cũ...
Vĩnh Phối giải thích rằng một số cánh cửa cũ sẽ được “tái sử dụng” ở tầng hai. Thì một người hay “vui vẻ” với bạn bè như ông, giữ chức Hiệu phó suốt ba đời Hiệu trưởng mà ai cũng công nhận ông chưa bao giờ lạm quyền, chưa bao giờ sử dụng một “cắc” tiền công quỹ cho việc riêng, được đôi tay tài hoa lại không chịu chiều ý mấy người buôn tranh, vợ thì nghỉ chế độ “176” nay chẳng có thu nhập gì, con út còn đi học rồi thêm đứa cháu ngoại nữa, tiền của đâu lắm mà xây nhà cho đẹp. Nhưng tôi thì lại chú ý tới lời dặn của chị Huệ nhiều hơn. Vị giáo sư hơn ba chục năm dạy hội họa, điêu khắc mà để vợ phải nhắc khung cửa làm theo kích thước nào thì đủ biết ông lo việc nhà “giỏi giang” đến mức nào! Hèn chi có người nhận xét ông vô tâm và như “ngây thơ” nữa, dù nay đã qua tuổi sáu mươi. Phải, một tâm hồn ngây thơ trong trẻo hồn nhiên là “mảnh đất” tươi tốt cho những cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ nẩy mầm.
Trò chuyện với người nghệ sĩ 40 năm mải mê đi tìm cái đẹp mà chưa kipọ hỏi chân dung “người đẹp” ưng ý nhất của đời ông là cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Thị Thạch Huệ hay là cô gái “tóc vàng mắt xanh” bên Ý bên Tây? Nhưng nhà cửa đang bộn bề như thế, chị Huệ đi chợ Đông Ba thì sắp về rồi! Thôi, hẹn một dịp khác. Họa sĩ Vĩnh Phối vẫn còn rất trẻ trung mà!
Trường An-Huế, Tháng 8/2001

NGUYỄN KHẮC PHÊ
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng