Mỹ thuật Huế
Những gam màu được vinh danh
15:56 | 10/10/2019

NGUYỄN TUẤN HƯNG

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VI (2013 - 2018) đã vinh danh những văn nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong đó, về Mỹ thuật, đáng chú ý là những tác phẩm của các họa sĩ như Nguyễn Thị Huệ, Võ Quang Phát, Hoàng Thanh Phong, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Ngọc Thái...

Những gam màu được vinh danh
Một tác phẩm hoài niệm về tuổi thơ của Nguyễn Đăng Sơn - Ảnh: TTH Online
Tác phẩm Chuyển nhịp dòng Hương của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ


Nguyễn Thị Huệ là họa sĩ có nhiều biến chuyển trong quá trình lao động nghệ thuật, sự chuyển biến đó đến từ sự trăn trở tìm kiếm, ý hướng tự hủy trong sáng tạo của cá nhân. Những sáng tác mới của Nguyễn Thị Huệ trong thời gian gần đây cho người xem thấy được một tâm thế nhập cuộc vững vàng với cái mới, với những thử nghiệm gắn liền giữa tinh thần truyền thống và tính hiện đại. Có lẽ lụa là chất liệu được Nguyễn Thị Huệ lựa chọn nhiều hơn. Chất liệu này mềm mại phù hợp với căn tính nữ trong sáng tác. Lụa làm người xem được trở về với cái không khí truyền thống bởi lịch sử xa xưa của chất nó. Nhưng tranh lụa của Nguyễn Thị Huệ được chú ý bởi phương pháp thực hành có những cách tân đáng kể so với các họa sĩ khác. Tính chất cách tân trong tranh lụa của Nguyễn Thị Huệ không phải là sự đả phá hay chối bỏ truyền thống mà ở đây là sự hài hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa những quy chuẩn của truyền thống có cái không khí của đương đại và ngược lại.

Với những người trẻ, sáng tạo nghệ thuật trên mảnh đất Cố đô, để làm mới mình là điều không dễ, bởi ở đây có một truyền thống nghệ thuật lâu đời, có nhiều bậc thầy nghệ thuật đi trước, và hơn nữa, trong sự lưu chuyển của đời sống, người ta vẫn ưu ái hơn cho những cái đẹp của hương xưa, cổ điển. Vì thế những khám phá mới, những nỗ lực cách tân về chất liệu hay hình họa, ý tưởng trong nghệ thuật ở Huế, nếu được chấp nhận thì đã phải trải qua những quá trình làm việc nghiêm túc, không nương bám theo thời đại một cách hời hợt, qua loa.
 

Tác phẩm Vẻ đẹp của tự nhiên của họa sĩ Võ Quang Phát


Nỗ lực làm mới mình trong nghệ thuật của Võ Quang Phát đã phải trải qua một thời gian dài cho tới khi được chấp nhận. Những tìm tòi của Võ Quang Phát trước hết đến từ chất liệu anh khám phá ra rồi sau đó là sự làm mới hình thể anh lựa chọn. Những điều đó tạo nên phong cách của anh. Tác phẩm Vẻ đẹp của tự nhiên là sự giao hòa giữa lý trí và trực cảm nghệ thuật. Nhìn tranh người ta thấy ở đây có sự tính toán, làm chủ của chủ thể nghệ thuật vừa là sự loang màu tự nhiên, tạo nên những hình thể không hình dạng, những hình thể được hình thành trong quá trình màu sắc hòa phối một cách tự nhiên theo quy luật của cái ngẫu nhiên. Hầu hết, trong thế giới tạo hình của Võ Quang Phát đều khởi đi từ cảm hứng Phật giáo, một nét đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình ở Huế từ khởi thủy cho tới nay.
 

Tác phẩm Mẹ thiên nhiên của họa sĩ Nguyễn Thị Lan


"Mẹ thiên nhiên" lại đưa tới một cảm xúc tươi trẻ, biết ơn sự sinh thành của sự sống, tranh của nữ họa sĩ là những hơi thở nhẹ nhàng, những gam màu tươi sáng tạo nên cảm giác yên bình và hy vọng. Đề tài về người phụ nữ được họa sĩ Nguyễn Thị Lan khai thác khá nhiều trong quá trình sáng tác của mình. Nữ họa sĩ đi tìm cái thiêng liêng trong thiên chức của giới nữ, cũng vì thế những biểu tượng về nữ giới thường được họa sĩ sử dụng để làm hiển lộ những ý tưởng của mình qua tranh.
 

Tác phẩm Khoảng không của họa sĩ Hoàng Thanh Phong


Đề tài hay cảm thức Phật giáo cũng là lựa chọn của Hoàng Thanh Phong trong quá trình sáng tác của anh. Tác phẩm Khoảng không, tuy sự tạo hình có khác so với những loạt tranh trước đây của họa sĩ nhưng vẫn nối tiếp với những dòng tranh trước đây trong sự truy tầm về cái không của Phật giáo, về cái nguyên ủy, vô hình của tâm linh. Tác phẩm là sự có hình và đi đến phá hình, từ cái nhìn thấy đi đến cái không nhìn thấy và rồi ba hình dạng của một khuôn mặt rơi vào cái khoảng không, vô định, không biên giới, không ý niệm.

N.T.H
(SHSDB34/09-2019)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng