PHẠM ĐĂNG NHẬT THÁI
1. Đặt vấn đề
Theo kế hoạch, cứ mỗi hai năm, Festival Huế sẽ được tổ chức. Cho đến nay là lần thứ XI, Festival Huế 2020 dự kiến tổ chức từ ngày 28/8 đến ngày 02/9/2020 hoặc có thể dời sang năm 2021 kết hợp với Festival Nghề truyền thống Huế; trong đó slogan “Huế luôn luôn mới” của Festival lần thứ XI này được gắn với chủ đề xuyên suốt “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” của các kỳ Festival trước.
Nhìn lại ý tưởng tổ chức “Trại sáng tác điêu khắc quốc tế” của 5 kỳ Festival trước:
- Lần thứ 1 (năm 1998) tại Công viên Lý Tự Trọng.
- Lần thứ 2 (năm 2002) tại Công viên 3 tháng 2.
- Lần thứ 3 (năm 2004) tại Công viên Phú Xuân.
- Lần thứ 4 (năm 2006) tại Khu du lịch Hồ Thủy Tiên.
- Lần thứ 5 (năm 2008) tại Khu du lịch Tam Giang.
Ba địa điểm công viên ở trung tâm thành phố và hai khu du lịch ở Huế đã lưu giữ, bảo quản và trưng bày các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật từ trại sáng tác. Một khối lượng tài sản tượng điêu khắc có giá trị về nhiều mặt: đa dạng về chất liệu, phong phú về ý tưởng, luôn cả ngôn ngữ nghệ thuật và thẩm mĩ. Trong đó, các tác phẩm điêu khắc lần thứ 1, thứ 2 và thứ 3 được sáng tác trực tiếp trên các khu vực công viên ở hai bên bờ sông Hương. Các tác phẩm tượng điêu khắc được sáng tác lần thứ 4 và thứ 5 cũng được bố trí và sáng tác trực tiếp tại hai khu du lịch sinh thái, cảnh quan nổi tiếng của Huế là hồ Thủy Tiên thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, và Tam Giang Resort ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến nay, nhiều bức tượng, tác phẩm điêu khắc nghệ thuật của các nghệ sĩ ở một số không gian, khu vực tượng đang bị bỏ rơi, lạc lõng và hoen ố, cũ kỹ... chưa phát huy hết giá trị nghệ thuật của tác phẩm như khi mới bắt đầu trưng bày. Ngoài ra, một số tác phẩm tượng bị hư hỏng, xuống cấp, viết vẽ bậy hoặc mất đi một phần của tác phẩm làm giảm đi nhiều những giá trị thẩm mĩ vốn có mà các tác giả, nghệ sĩ Việt và quốc tế đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm sáng tác để lại cho Huế. Vì vậy, với chủ đề chính “Huế luôn luôn mới” cho Festival lần thứ XI sắp đến, chúng ta cần kiểm tra, khảo sát, trùng tu, bảo dưỡng và đề xuất cần thiết quy hoạch lại để các không gian tượng ở Huế có cái nhìn mới hơn, đẹp hơn và sáng hơn, góp phần vào chủ đề chính và mãi là Thừa Thiên Huế “xanh - sạch - sáng” trong lòng người dân và du khách khi đến với Huế trong thời gian tới.
2. Đề xuất cho các tượng điêu khắc Quốc tế qua 5 lần tổ chức Festival để “Huế luôn luôn mới”
Ngày nay, trên các công viên dọc hai bên bờ sông Hương và các khu du lịch cảnh quan ở vùng phụ cận thành phố Huế, cùng với một số tác phẩm tượng tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Không gian Lê Bá Đảng (Kim Sơn, Thủy Bằng), Tượng đài Quang Trung (núi Bân),… đã phần nào đưa Huế lên tầm cao của nghệ thuật tượng và điêu khắc.
Giá trị của các tác phẩm tượng nghệ thuật được điêu khắc trên các công viên, khu du lịch của Huế là một lợi thế về tiềm năng cho mảng quy hoạch cảnh quan, thành phố di sản, văn hóa nghệ thuật và du lịch, góp thêm diện mạo cho một Festival “Huế luôn luôn mới” sắp đến, chúng tôi đưa ra một số đề xuất cho các tượng điều khắc ở Huế trong tương lai.
2.1. Thực trạng các tượng điêu khắc qua 5 lần tổ chức
Sau hơn 10 năm kể từ khi trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ 5 vào năm 2008 kết thúc, thì Huế được sở hữu một tài sản tượng điêu khắc có yếu tố nghệ thật cao. Đây là món quà vô giá và đặc sắc mà hiếm một thành phố nào trên Việt Nam có được, bởi sự hội tụ của hàng trăm nhà điêu khắc khắp mọi miền đất nước cũng như các quốc gia đến từ các lãnh thổ khác nhau trên thế giới, đã làm nên những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, đa dạng về chất liệu, phong phú các ý tưởng dành tặng cho mảnh đất Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, liệu rằng Huế đã gìn giữ, bảo tồn và khai thác những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ấy tốt hay chưa? Và để nâng tầm giá trị của các tác phẩm điêu khắc ấy thì việc quy hoạch cảnh quan, tìm các vị trí, không gian đặt để cũng như sự bảo tồn, phục hồi, vệ sinh, làm mới các tác phẩm tượng nghệ thuật đó vẫn là một bài toán chưa trở thành hiện thực. Mặc dù trong những năm trở lại đây đã có nhiều định hướng, kế hoạch di dời, giải pháp quy hoạch, tổ chức lại, bố trí lại hệ thống tượng ở các công viên, khu du lịch để phát huy giá trị hệ thống tượng điêu khắc nghệ thuật ở Huế.
Hầu hết các tượng điêu khắc được sáng tác tại chỗ với các tác phẩm được điêu khắc bằng đá cẩm thạch, đá trắng, đá granite,… nên kích thước lớn và trọng lượng của tượng là rất nặng. Một số ít tác phẩm có chất liệu như: đồng, sắt, nhôm, composite, tổng hợp... thì được nhà điêu khắc gia công một phần hoặc toàn bộ tác phẩm được sáng tác bên ngoài rồi đưa vào không gian của công viên. Cho nên, nhận thấy rằng hầu như các công viên ở thành phố Huế cũng như khu du lịch là mang ý nghĩa của “Công viên hay khu du lịch có tượng” chứ không phải “Vườn tượng hay không gian tượng”. Vì vậy, sự chen chúc giữa tượng và cây xanh, giữa tượng và các trang trí cảnh quan,... điều này chưa tạo nên bố cục hài hòa, thông thoáng, “sạch sẽ” cho tầm nhìn bởi đã có những tượng chắn cả lối đi. Sự thiếu quy hoạch ngay từ ban đầu, làm cho các tượng bố trí không theo tuyến, không theo mảng cũng như các tượng mang cùng chủ đề, làm cho người xem khó hiểu và khó quan sát được các góc cạnh, hướng đẹp của tượng bởi ánh sáng và vị trí sắp đặt chưa phù hợp.
Tác phẩm “Gọi đò” |
Tác phẩm “Khát vọng của con người” |
- Về cách bố trí: Hầu như các tượng chưa được bố trí, sắp xếp lại của người có chuyên môn nghệ thuật, hay một kiến trúc sư quy hoạch, hay một người thiết kế cảnh quan nào cả. Khoảng cách của các tượng là hầu như chưa được tính toán và có sự điều chỉnh lại. Bởi lẽ, các tượng được sáng tác tại chỗ, và người sáng tác được bố trí ở vị trí nào thì sáng tác ngay tại chỗ đó. Đơn cử như tác phẩm: “Gọi đò” của tác giả Trần Thanh Phong (công viên Lý Tự Trọng) là hình tượng cô gái mặc áo dài đang đứng gọi đò, lại có mặt hướng vào trường Quốc Học, trong khi sông Hương và những con đò là phía sau lưng cô gái.
Tác phẩm “Khát vọng của con người” (hình 2) của Aung Kyaw, quốc tịch Myanmar, thì được bố trí ngay giữa và choáng cả lối đi, làm cho bể nước trang trí của công viên trở nên vô nghĩa và bị che khuất bởi tác phẩm (công viên Phú Xuân).
Tác phẩm “Gia đình” |
Tác phẩm “cây xương inox” |
Tác phẩm “Gia đình” tại khu du lịch hồ Thủy Tiên, của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim Liên, được bố trí ở gần mép rìa của lối đi và phía sau là hồ nước, làm cho người xem chỉ thấy được phía trước của tác phẩm, còn phía sau thì không thể nào quan sát được.
Cũng tại khu du lịch này, một tác phẩm đã mất bảng thông tin, tuy nhiên tác phẩm có hình dáng là một cây xương trơ trọi với nhiều cành nhọn.
Chất liệu làm nên tác phẩm là inox, được bố trí trong lùm nhiều cây thông xung quanh, làm cho tác phẩm không hề nổi bật, khiến người tham quan khó nhận ra đây là một tác phẩm nghệ thuật.
Tác phẩm “Tình cờ gặp gỡ” |
Tác phẩm “Tình cờ gặp gỡ” của tác giả Clare Martin (khu du lịch Tam Giang), thật khó khi tác phẩm được đặt ở dưới nước làm cho sự quan sát cũng như tiếp cận tác phẩm rất hạn chế.
- Về chủ đề: Trại sáng tác điêu khắc quốc tế trong mỗi dịp Festival Huế là sự gặp gỡ, giao lưu, hội tụ của nhiều nhà điêu khắc đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Hơn 124 tác phẩm (theo sự khảo sát của chúng tôi) với các chủ đề phong phú, đa dạng, nhiều sắc màu văn hóa. Thế nhưng, sự cảm nhận về nghệ thuật của giới trẻ, học sinh, sinh viên và nhiều du khách, họ chưa thực sự mặn mà với các tác phẩm nghệ thuật ở 5 vị trí trưng bày này. Phải chăng có một sự vướng mắc nào đó về quản lý các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời cũng như sự lúng túng ở cấp độ quản lý và nhiều mặt nghệ thuật của tác phẩm?
- Về bảng tên tác phẩm: Có thể nhận ra một điều rằng là rất nhiều tác phẩm bị mất bảng thông tin, nhiều tác phẩm không có tên hay một ký hiệu, chữ ký nào của tác giả ngay trên tác phẩm, điều này làm người thưởng lãm khó tiếp thu được hết nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.
Các bảng thông tin trên các tác phẩm điêu khắc: Bảng đồng gắn trực tiếp; Bảng đá nhân tạo; Bảng đá granite bị sụt lún |
Đợt sáng tác thứ 1: Ở công viên Lý Tự Trọng, các bảng tên tác phẩm được khắc bằng đồng và gắn dựng đứng, đính trực tiếp lên tác phẩm.
Đợt sáng tác thứ 2: Ở công viên 3 tháng 2, các bảng tên đã được khắc bằng đá ép nhân tạo. Với vật liệu này, qua thời gian và thời tiết ở Huế đã làm cho các tấm bảng bị bong tróc và bị bào mòn bởi mưa gió. Nhiều tác phẩm đã mất đi bảng thông tin hay bị mờ rất khó đọc được.
Đợt trại sáng tác lần thứ 3, thứ 4 và 5: Các bảng thông tin được khắc ghi trên đá granite xám nhẵn bóng và cũng được gắn rời bên ngoài tác phẩm. Theo thời gian, các tấm bảng này cũng bị bong tróc cũng như bị sụt lún, bị che khuất bởi cỏ ở công viên (hình 6).
Nhìn lại cả 5 đợt, nhận thấy rằng: Bảng tên tác phẩm được khắc bằng đồng là phương án tốt nhất bởi sự bền bỉ của chất liệu đồng và được gắn trực tiếp lên vị trí đế của tác phẩm, điều này không ảnh hưởng bởi sự xói mòn hay sụt lún của đất, cũng như nếu có sự di chuyển thì bảng tên tác phẩm cũng không bị thất lạc.
Hệ đèn chiếu sáng nghệ thuật cho tượng ở các công viên |
- Về hệ chiếu sáng: Hầu như các tượng điêu khắc ở 3 khu vực công viên dọc sông Hương đã được quan tâm gắn hệ đèn chiều sáng, một tác phẩm đều có 1 đến 2 đèn màu. Tuy nhiên, hệ thống chiếu sáng đã bị hư hỏng nhiều, không phát huy được ánh sáng khi về đêm. Điển hình các tác phẩm được chiếu ánh sáng đèn màu xanh lục, hay màu tím... làm mất đi hiệu ứng và nội dung của tác phẩm.
2.2. Ý thức của cộng đồng và khách du lịch đối với các tượng điêu khắc ở Huế
Các tác phẩm điêu khắc ở công viên Lý Tự Trọng bị xâm hại |
Những tác phẩm tượng từ 5 đợt trại điêu khắc quốc tế ở các kỳ Festival Huế là những món quà vô giá mà các nghệ sĩ, nhà điêu khắc đã để lại và tặng cho nhân dân và du khách đến Huế. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, là cảm xúc khi đến Huế, hay là một quan điểm nhân sinh quan nào đó trong cuộc sống mà tác giả muốn gửi gắm vào tác phẩm. Điều đáng buồn là nhiều tác phẩm đã bị xâm hại bởi sự vô tình hay cố ý của một số người dân, khách vãng lai hay người đi du lịch. Điển hình là tác phẩm “Nón và gió” ở công viên Lý Tự Trọng của tác giả Bùi Hoàng Văn, đã bị cắt đi 3 khối nón bằng đồng được gắn trên tảng đá. Ngoài ra, ở công viên này, tác phẩm bằng chất liệu sắt thép, hình ảnh người đứng giữa 2 khối khắc cũng bị người dân vô ý bẻ, uốn cong những thanh thép làm mất đi ý nghĩa của tác phẩm. Tác phẩm “Cuộc sống” có chiếc tủ kem dựng bên cạnh, tác phẩm “Bí ẩn và trầm cảm” cũng bị mất và vỡ các chiếc om bằng gạch nung.
Các tác phẩm điêu khắc bị mất hẳn hình khối và mất một phần của tác phẩm |
Ở công viên 3 tháng 2, tác phẩm “Sảng khoái” đã bị mất cắp hoàn toàn chỉ còn trơ trọi lại phần chân đế. Cũng trên công viên này, tác phẩm “Hoa trinh nữ” cũng bị cắt đi những ngón tay, ngón chân của người thiếu nữ trên tác phẩm,...
Trên khu du lịch hồ Thủy Tiên, một số tác phẩm đã bị mất bảng thông tin và bị một người dân nào đó đã ghi, vẽ bậy và xả rác, hộp thức ăn lên tác phẩm.
Các tác phẩm điêu khắc ở khu du lịch Hồ Thủy Tiên bị viết vẽ bậy |
Để ý thức của cộng đồng nhìn nhận tốt hơn và có cái nhìn mới hơn sau hơn 10 lần tổ chức Festival, những sự hư lỏng, xuống màu, mất một phần của tác phẩm,... thiết nghĩ, cơ quan chức năng, quản lý cùng với ban tổ chức Festival ở mỗi kỳ cần có sự nhìn nhận và đánh giá lại đã phát huy hết các giá trị các công viên, vườn tượng đã có và cần có sự sắp đặt lại, bố trí, quy hoạch theo cách nhìn mới hơn, hiện đại hơn để mỗi các dịp Festival về sau, “Huế vẫn luôn luôn mới trong lòng người dân, du khách và các nghệ sĩ điêu khắc Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế khi họ trở lại Huế cho các dịp Festival sắp tới.
2.3. Đề xuất quy hoạch lại cho hệ thống tượng để “Huế luôn luôn mới” trong các dịp Festival tới
Để cho hệ thống tượng, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ở các công viên hai bên bờ sông Hương được thoáng đãng, thu hút khách tham quan, học tập, nghiên cứu cũng như sự thay đổi, quy hoạch cho hệ thống tượng để “Huế luôn luôn mới”, chúng tôi đề xuất giải pháp di chuyển, quy hoạch lại vườn tượng như sau:
- Sắp đặt theo 3 chủ đề: Như đã nói ở trên, các công viên và khu du lịch của chúng ta đang ở dạng “Công viên hay khu du lịch có tượng” chứ không phải “vườn tượng” như mọi người vẫn hay nói, bởi lẽ có quá nhiều chủ đề trong mỗi công viên hay các khu du lịch đó. Vì vậy, chúng tôi có thể chia ra thành các nhóm chủ đề để tăng thêm hiệu quả cho việc quy hoạch vườn tượng tỉnh Thừa Thiên Huế(1) để mang lại cảm xúc, phát tuy tính nghệ thuật cho các tượng điêu khắc mà các tác giả khi sáng tác đã truyền tải vào tác phẩm.
Hai tác phẩm cùng phong cách - ở Công viên 3 tháng 2 và Công viên Phú Xuân |
a. Nhóm chủ đề “Gia đình và tình yêu” gồm các tác phẩm: Gia đình A; Tình đá; Mọi đứa trẻ; Thai nghén; Cây mẫu tử; Lòng mẹ.
b. Nhóm chủ đề “Hữu nghị, Huế và Việt Nam” gồm các tác phẩm: Tình hữu nghị của CHDCND Lào - Việt Nam; Tình cờ gặp gỡ; Cất cánh; Huế cột hữu nghị; Ồ! Huế; Vẻ đẹp Huế; Giấc ngủ ở Huế; Sóng nhạc sông Hương; Phượng Huế; Vị Hoàng đế cuối cùng; Chim Việt; Sự tích trầu cau; Cảm tưởng của tôi ở Việt Nam.
c. Nhóm chủ đề “Cảm xúc, thiên nhiên và con người” gồm các tác phẩm: Tự tình; Lắng đọng; Bí ẩn và trầm cảm; Độc diễn, Chuyển thế; Sảng khoái; Trái tim di hành; Những giọt nước mắt nơi thiên đường; Hương rừng; Hoa và con người; Bậc thang lên trời; Do gió tạo nên; Gió; Trăng khuyết; Hóa thạch.
Tác phẩm “Thuyền” của tác giả Phan Phương Đông |
- Di chuyển và quy hoạch: Cần có sự quy hoạch tượng như con đường tượng, vườn tượng, công viên tượng, bảo tàng tượng, không gian tượng,... Các yếu tố này, nhiều tỉnh thành phố ở Việt Nam và trên thế giới cũng đã thực hiện. Trong đó, đề xuất di dời hệ thống tượng ở hai khu du lịch hồ Thủy Tiên và Tam Giang ra các khu vực công viên mang tính công cộng để có thể phục vụ đại đa số cộng đồng, người dân hơn. Quy hoạch lại các tượng cùng chủ đề, cùng phong cách để mang lại cảm xúc và sự hứng thú cho người xem. Di chuyển và sắp đặt các tượng theo tuyến, theo trục ở hai bên đường đi bộ phía Bắc và Nam sông Hương.
- Để các tượng điêu khắc luôn mới: Xây dựng đội ngũ có chuyên môn trong việc gìn giữ, vệ sinh lau chùi, bảo quản, hệ thống tượng đúng quy cách. Có phương pháp trùng tu đúng với chất liệu, màu sắc của tượng. Ngoài ra, hệ chiếu sáng cho tượng cũng cần có chuyên gia về ánh sáng và thiết bị lắp đặt đèn điện hay đèn năng lượng mặt trời cho việc chiếu sáng các tượng lúc về đêm. Việc tổ chức thêm tuyến du lịch, tham quan và hướng dẫn, thuyết trình về nội dung, ý nghĩa, câu chuyện của tượng mà các nhà điêu khắc muốn gửi gắm vào tác phẩm cũng là một điều cần thiết. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động văn nghệ, vui chơi, học tập, tạo hình cùng với tác phẩm, bởi lẽ tượng được sáng tác ra đâu phải chỉ để nhìn ngắm mà chúng ta cần hiểu về tượng, chơi cùng tượng và trò chuyện cùng với tượng. Đó mới chính là món quà có ý nghĩa nhất mà các nghệ sĩ, nhà điêu khắc dành trọn tình cảm vào tác phẩm để tặng cho người dân Huế, cho du khách mỗi khi đến với Huế.
Tất cả các tác phẩm đều có bảng “Không được xâm phạm hiện vật” |
- Tượng nghệ thuật gắn kết con người: Những tác phẩm đã mang lại hiệu ứng tốt trong việc “đối thoại cùng tác phẩm” giữa tác phẩm và con người. Tác phẩm “Thuyền” ở công viên Phú Xuân đã tạo nên được hiệu ứng này, khi các em học sinh học trên những con thuyền đá đó hay sinh hoạt lớp ngoài trời cùng những tác phẩm tượng. Nên bỏ những tấm bảng “không được xâm phạm hiện vật” ở mỗi tác phẩm để tượng gần gũi với con người hơn. Đề xuất ghi ở các bảng nội quy tập trung, bảng chỉ dẫn cho mỗi nhóm tượng, tuyến hay khu vực tượng.
Qua những đề xuất nói trên chúng tôi hy vọng rằng Huế sẽ khoác trên mình diện mạo mới hơn cũng như hình ảnh và vị trí đặt để các các tượng điêu khắc sau hơn 10 năm đứng yên vị trí như ban đầu. Huế sẽ luôn luôn mới và nay đã có thêm điểm tham quan hấp dẫn cho du khách khi đến Huế du lịch và nghiên cứu, học tập. Trong tương lai không xa khi mà Huế đã khẳng định được mình là đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” thì việc tôn tạo lại các vườn tượng ở hai bên bờ sông Hương cũng như ở hồ Thủy Tiên, khu Resort Tam Giang sẽ là điểm nhấn đẹp cho Huế và ấn tượng khó quên cho du khách bởi “Huế luôn luôn mới” như slogan chính cho dịp Festival lần thứ XI sắp đến và các dịp về sau.
3. Kết luận
Điểm qua thực trạng cũng như những trăn trở cho hệ thống tượng điêu khắc quốc tế của 5 kỳ Festival Huế, khởi điểm từ “Trại sáng tác điêu khắc quốc tế” lần thứ 1 trong đợt Festival Huế đầu tiên, chúng tôi rất đồng tình và cảm thấy phấn khởi khi sau hơn 20 năm, chủ đề chính cho Festival lần thứ XI là “Huế luôn luôn mới”. Những kế hoạch và ý tưởng tốt đẹp được kỳ vọng cho Festival 2020 dẫu có sự lùi lại thời gian tổ chức vào đầu tháng 9 tới hay năm 2021 do đại dịch Covid-19, thì ước nguyện cho Huế về một “vườn tượng quốc tế đúng nghĩa” đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Còn nhớ trong bài phỏng vấn Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2002 của phóng viên Tạp chí Sông Hương, đồng chí Lê Viết Xê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2002 đã cho biết: “Ý tưởng của việc tổ chức Trại Điêu khắc Quốc tế là muốn xây dựng cho Huế một vườn tượng quốc tế và vườn tượng đó sẽ được quy hoạch ở phía Bắc núi Ngự Bình. Việc tổ chức Trại sáng tác bên bờ sông Hương chỉ là điểm để các nghệ sĩ vừa có cảm hứng sáng tạo từ cảnh quan sông Hương, núi Ngự, vừa có điều kiện tiếp xúc với nhân dân cũng như tham gia chương trình Festival”(2). Và “Đây là một quần thể quy hoạch mở rộng không gian văn hóa Huế và các khu kinh tế, du lịch về phía Tây Nam của thành phố trong tương lai, tránh không gian thu hẹp chật chội, hạn chế sự phát triển”(3).
Còn đối với nhà điêu khắc Nguyễn Hiền khi đó là Phó Trưởng ban điều hành Trại Điêu khắc Quốc tế 2002 có cảm nhận “Tôi thấy ý định thực hiện một vườn tượng quốc tế tại Huế là rất hay và có tính khả thi. Một vườn tượng như vậy sẽ giúp chúng ta có sự cần bằng giữa di sản văn hóa và văn hóa đương đại”(4).
Những mong trong thời gian tới, các cấp chính quyền cũng như những nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật, những họa sĩ, kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà điêu khắc, cùng ngồi lại với nhau góp bàn định hướng làm sao cho vườn tượng Huế sinh động hơn, sống lại một không gian nghệ thuật để Huế luôn luôn mới trong tất cả mọi người.
P.Đ.N.T
(SHSDB37/06-2020)
--------------
(1) Quyết định số 3050/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng, tượng, biểu tượng kiến trúc và vườn tượng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
(2) PV: Phỏng vấn Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2002, Tạp chí Sông Hương, số 159 (5).2002, trang 11.
(3) PV: Phỏng vấn Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2002, Tạp chí Sông Hương, số 159 (5).2002, trang 11.
(4) PV: Gặp gỡ các nghệ sĩ trong Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế 2002, Tạp chí Sông Hương, số 159 (5).2002, trang 21.