Mỹ thuật Huế
Cuộc đáo bỉ ngạn ngoạn mục của nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn
09:43 | 21/12/2023


        LTS: Tháng 8 năm 2023, Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương nhận được bài viết của tác giả Lê Huỳnh Lâm giới thiệu chân dung nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn và tác phẩm của anh, một người yêu Huế, gắn bó với Huế. Khi bài viết này lên khuôn chuẩn bị cho số Đặc biệt tháng 12, Ban Biên tập nhận được tin nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn bị đột quỵ, anh đã từ trần vào lúc 13 giờ 50 phút ngày 09 tháng 11 năm 2023.
         Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương xin gửi lời chia buồn đến gia quyến, bạn bè nhà điêu khắc và xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết, nén tâm nhang tưởng nhớ anh - Nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn.

                              Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương

Cuộc đáo bỉ ngạn ngoạn mục của nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn
Tác giả bài viết và nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn



Cuộc đáo bỉ ngạn ngoạn mục của nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn

LÊ HUỲNH LÂM


1. Từ Triển lãm “A! Bụt” ở Huế đến “A! Bụt Studio Art” ở Hà Nội

Nếu chúng ta quan niệm phục thiện, hướng thiện, làm điều thiện,… rời xa cái ác, cái tham sân si là bước chân đầu tiên để qua bờ tỉnh giác,… thì tu sĩ Chơn Mỹ đã có cuộc đáo bỉ ngạn rất ngoạn mục. Hà Minh Tuấn từng là tu sĩ rất khác biệt, anh có pháp danh Chơn Mỹ trong dòng chảy Phật giáo ở chùa Huyền Không xứ Huế. Vì sao khác biệt! Bởi đại nghịch duyên xô đẩy anh đến với Phật giáo tại chùa Huyền Không ở Huế là cuộc trôi lăn với làn ranh sinh tử giữa biển si mê cám dỗ của ảo tưởng và ngông ngạo là nỗi đe dọa thường trực và gây bao khổ đau ở mặt đất này. Đại nghịch duyên ấy có thể nhấn chìm anh bất cứ lúc nào và ở đâu, không dễ gì để người bình thường vượt qua. Sự mầu nhiệm chính là Hà Minh Tuấn lại chạm được ánh sáng Phật giáo, từ đó gợi nhắc anh nhớ lại tuổi thơ của mình đã từng bâng khuâng với những câu hỏi về nhân thế với các vị tượng Pháp im lìm, cô tịch trong những ngôi chùa của làng quê xa xăm... Sự thôi thúc bên trong Tuấn đã khiến anh chọn tu gieo duyên với Phật giáo Nam Tông ở chùa Huyền Không, Huế. Từ đó, anh quay đầu và sống tử tế chân thành đến ngày hôm nay. Không những sống hướng thiện mà anh còn phụng sự cho đời sau 7 năm dấn thân vào rừng thiền Huyền Không tự. Từ ngày anh vào chùa tu với pháp danh Chơn Mỹ, nhưng anh em văn nghệ vẫn gọi anh với cái tên thân thương nửa đạo nửa đời là Tuấn Sư. Không như Phật giáo Bắc truyền, chùa Huyền Không xứ Huế là Phật giáo Nam truyền, thuộc bộ phái Theravada. Đời sống tu tập của các tăng sĩ ở đây gợi nhắc chúng ta hình ảnh của các tu sĩ Phật giáo thời Đức Phật còn tại thế. Họ chỉ thọ vật mỗi ngày một bữa không quá 12 giờ trưa, tụng và học kinh tiếng Pali, đắp y vàng hở vai và ôm bình bát đi khất thực. Rất nhiều lúc bệnh hoạn mệt mỏi và cô độc ý nghĩ tự vẫn đến với anh... Nhưng nhờ có chủng tử thiện lành hay như một nguyện hạnh đã gieo trồng trong tiền kiếp và gặp được sơn môn hệ phái thuận duyên, cùng sách tấn của Thầy tổ trợ lực của các huynh đệ, vì vậy anh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của một chú điệu tập tu để trở thành tân tăng. Anh hòa nhập dần vào đời sống phạm hạnh của một tu sĩ thật sự. Được các sư phụ dẫn dắt, tu sĩ Chơn Mỹ đã đi vào con đường chánh đạo của Phật giáo ở chùa Huyền Không xứ Huế. Thời gian sau này, ngoài việc tu tập ra, anh còn được hệ phái Theravada và Thầy trụ trì giao việc điêu khắc tượng Phật và các Phật sự liên quan đến kiến tạo xây dựng in ấn kinh sách. Bức tượng “Phật Thích Ca nhập niết bàn” dài 9m thuộc khuôn viên chùa Thiền Lâm ở Thủy Xuân, Huế, bức “Phật ngồi thiền định” trên cột trụ ở Huyền Không Sơn Thượng là nhiều công trình do nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn thực hiện.


Đức Phật Thích Ca


Hết duyên với chùa Huyền Không, cùng với sự quý mến của các bậc thiện trí thức và văn nghệ sĩ Huế, Chơn Mỹ cùng sư đệ Đức Trí (họa sĩ Võ Duy Đôn, Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) đã làm triển lãm trình diễn sắp đặt có tên “A! Bụt” gồm tranh sơn mài, tượng và cát như một lời bái biệt và tri ân những tháng năm ở trên núi học Phật, và để cảm ơn đất trời thiêng liêng ở xứ miền sông Hương núi Ngự. Sư Trụ trì tự hào và lưu luyến làm lễ xả giới cho anh, tu sĩ Chơn Mỹ trả y bát, hạ sơn nhập lại thế tục theo tinh thần có Phật trong tâm thì đi đâu cũng là tu... Anh tâm sự, chùa Huyền Không là nơi sinh ra anh lần thứ hai để tái hồi trần gian.

2. Về đời để vào đời, hoàn lương để hoàn tục!

Anh lập gia đình và sống bằng nghề điêu khắc, tham gia các dự án nghệ thuật cộng đồng... Hà Minh Tuấn lao vào nghệ thuật với một hành trang mới là sự trải nghiệm và tri nhận về Phật giáo mà anh đã được trao truyền và thọ giáo. Dù đã hoàn tục nhưng mỗi lần về Huế, nơi đầu tiên anh đến làchùa Huyền Không, chùa Thiền Lâm,… thuộc hệ phái Theravada. Tôi đã cùng nhà văn Nguyễn Khoa Diệu Hà -Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế (TRT) chọn Tuấn sư và mời anh làm nhân vật trong phim tài liệu “Ánh sáng từ tâm” để nói về cuộc phục thiện ngoạn mục của anh!

Ngoài việc làm tượng Phật, anh chuyên làm tượng các tu sĩ, tượng các danh nhân, các văn nghệ sĩ, vẽ tranh sơn mài... Hình ảnh đức Phật như một biểu tượng nhắc nhở Tuấn sư rằng anh đã từng là tu sĩ…

Một số tượng các tu sĩ, văn nghệ sĩ anh đã thực hiện: Tu sĩ Giới Đức, Pháp Tông, Huệ Tâm, Trí Tựu, Hộ Tịnh, Chân Phương ở Huế,… Tượng nhà thơ Trần Dần, nhà văn Nguyễn Tuân, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Lãng Hiển Xuân,…

Ngày qua ngày, hạt giống Phật giáo trong anh bắt đầu nảy mầm và phát triển, cùng với sự chiêm nghiệm của một nghệ sĩ, anh lần lượt tạo ra các mô típ tượng Phật với phong cách rất phóng khoáng, tự do đúng tinh thần giải thoát mà Đức Phật Thích Ca đã chứng đắc và chỉ dạy. Qua những lần trò chuyện cùng Hà Minh Tuấn và nhìn các tác phẩm của anh trong thời gian gần đây, tôi nhận ra những đóa hoa vô ngại bắt đầu hé nở trong hành trình sáng tạo của điêu khắc gia Hà Minh Tuấn.

3. Quá trình sáng tác của nghệ sĩ Hà Minh Tuấn thành thương hiệu “A! BụtStudio Art” sau nhiều năm ấp ủ từ ngày hạ sơn

Như anh từng chia sẻ trong đề từ ở triển lãm “A! Bụt” vào năm 2006 ở địa chỉ 26 Lê Lợi, thành phố Huế - trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế: “... Thao thức buổi hoang sơ, từ niềm tin đứng dậy... Nếu cái Đẹp chỉ như một hiện trình đã mất... thì Bây giờ - Ở đây, hiện trình này cũng mong manh bất định, huyễn hóa như từng hơi thở như mỗi cuộc đời...”.

Quá trình sáng tác của nghệ sĩ Hà Minh Tuấn gồm tranh sơn mài và tượng… Tượng của anh gồm các chủ đề: Tôn giáo, chân dung các văn nghệ sĩ, các danh nhân, linh vật,…

Tượng

Mô típ tượng của Hà Minh Tuấn dựa trên nguyên lý ba điểm, trong hình học ba điểm sẽ tạo ra một mặt phẳng, một tam giác hay thế cân bằng kiềng ba chân hoặc hình của kim tự tháp trong không gian... Trong tâm linh ba điểm đưa người thưởng ngoạn liên tưởng đến ba ngôi: theo Đạo giáo là thiên địa nhân; Thiên Chúa giáo là cha, con và thánh thần; Phật giáo là Phật, pháp, tăng.

Tượng tôn giáo

Các tượng Phật mới sáng tác từ năm 2023 thể hiện sự tối giản, nhưng vẫn giữ được thần thái uy nghi, giải thoát, tự do phóng khoáng. Những khối mảng được tạo ra, gắn kết có chủ ý gợi đến cấu trúc hóa học của các tinh thể kim cương, như các lăng kính tạo ra vô vàn biến hiện nơi người xem. Cũng như ảo ảnh của hoa đốm, tất cả sẽ vụt hiện vụt mất tùy theo trạng thái tâm của người quan sát. Sau cùng chỉ còn một khối vật chất khi thô nhám, lúc trơn bóng, nhưng lại rỗng lặng ý niệm. Trạng thái đó có thể gọi là cái tâm ban sơ bình đẳng nơi mọi sự vật, cái tâm bất động trước bao biến loạn giữa trời đất, giữa cuộc đời. Hay tính bất nhiễm trước bao ô nhiễm ở trần gian, như hoa sen vươn lên từ đất bùn. Bản tính đó không lớn không nhỏ, không thuộc phạm trù của trí năng nên không có chiều kích nào đo được.

Bức tượng có tên “Thiền tập” gợi nhắc người xem hình ảnh thiền giả ngồi tư thế kiết già (Padmāsana), thân và đế tượng như các tam giác nối ghép lại, phần đầu là hình chiếc thuyền vô trú giữa hư không.


Thiền tập
 

Ngân nga bùng cháy


Tác phẩm “Ngân nga bùng cháy” là bức tượng theo mô típ thô mộc, thân và đế liền khối, gương mặt được biểu hiện trông rất ngờ nghệch hồn nhiên xích tử chi tâm của các vị thánh đã thấu đạt đạo lý. Với ánh nhìn thấu thị của trí vô phân biệt.

Soi” là bức tượng có phong thái phóng khoáng, như một vũ điệu. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy phần mặt đang hướng ánh nhìn lên bàn tay như đang cầm cái gương soi. Thật ra, soi ở đây không còn sử dụng nhãn căn, vì tác giả đã đẩy ngũ uẩn về giai không, cho nên động thái soi ở tác phẩm này có thể được xem như một công án của hành động, để chân tâm hiển bày.


Soi


Bức “Thiền kỷ Avarta” được nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn giải thích đó là linh ảnh cá nhân đã được lược giản của vị Phật tương lai. Trong thời đại AI, khi trí năng nhân tạo đã phát triển tột cùng, cũng như quy luật chuyển biến vô thường của vạn vật, Phật pháp sẽ chuyển biến song hành cùng sự phát triển tâm thức của nhân loại. Như đã nhìn thấy trước điều này, Đức Phật Thích Ca nói sẽ đến giai đoạn mạt pháp theo quy luật vô thường ở thế gian này. Một hy vọng của tín đồ Phật giáo về vị Phật tương lai mà dân gian thường gọi là Phật Di Lặc sẽ xuất hiện với hình tượng tròn đầy, mặt tròn, miệng cười, bụng to… nhưng đó là mẫu hình xuất phát từ Trung Quốc theo hình ảnh của hòa thượng Bố Đại. Với Phật giáo Mật tông, Đức Phật Di Lặc có tên Maitreya trong tư thế kiết già, tay bắt ấn. Bức “Thiền kỷ Avarta” theo mô típ Mật tông Tây Tạng, ngay giữa ngực tác giả tạo hoa văn sáu cánh khắc họa lục tự chính là câu thần chú nổi tiếng của Mật giáo Tây Tạng “Om mani padme hum”. Thông điệp gợi nhắc về một tương lai: “Có thể cuối cùng chúng ta sẽ đạt được sự bất tử nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, nhưng chúng ta sẽ đánh mất sự sống thực thụ. Ý nghĩa của tâm linh...”.


Thiền kỷ Avarta


Tượng danh nhân

Trong nhiều bức tượng về chân dung nhân vật, các bức về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn đã khắc họa được dáng vẻ của người nhạc sĩ thiên tài trong giai đoạn đất nước phải chịu đựng bi kịch chiến tranh chia rẽ, với vết chau mày của sự trầm tư về nỗi đau chia lìa, từ đó tạo ra những lời ca, những giai điệu trầm hùng kêu gọi hòa bình cho dân tộc, cho nhân loại…

Bức tượng nữ bác học Marie Curie, có phong thái lãng mạn, uyên bác và gợi tưởng đến tinh thần của đối tượng được sáng tác.


Marie Curie


Bức “Lá thư không quê hương” tác giả diễn đạt tâm trạng nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn, với nỗi đau dày vò trong nghịch cảnh và cũng chính rơi vào trạng thái đau thương đó; nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã đồng điệu trong diễn xuất cùng những giai điệu của người nhạc sĩ vĩ đại Chopin.


Lá thư không quê hương


Phần đế và đường nét bên ngoài nơi các bức tượng của tác giả Hà Minh Tuấn là một phong cách riêng. Hay các tượng Phật hiện đại đầy trí tưởng hướng đến tương lai đã được lược bỏ các chi tiết về ngũ uẩn theo tinh thần bát nhã “ngũ uẩn giai không”, các tác phẩm đó bàng bạc phong thái tự do tự tại, phần đế nối kết chặt chẽ với phần chính của tác phẩm tạo ra bố cục hài hòa góp phần tôn vinh phần chính của tác phẩm. Đôi khi sự tối giản trong nghệ thuật như một thể cách cô đọng để bùng vỡ sáng tạo như tinh thần Zen.

Tranh sơn mài

Đỏ, vàng là gam màu chủ đạo trong các tác phẩm sơn mài của Hà Minh Tuấn. Phổ màu son đỏ kết hợp với hình tượng Đức Phật, các biểu tượng Phật giáo hay hoa sen trắng khiến người viết liên tưởng đến vị tổ sư Liên Hoa Sinh, thuộc hệ phái Mật giáo Kim Cương thừa.

Màu son đỏ cũng là sắc màu xuất hiện trong tâm của các thiền giả khi trải qua giai đoạn định vô tầm và định vô tứ…

Một số tác phẩm “Hoa sen trong lửa”, “Vọng hạc”, “Đóa hoa vô thường”, bằng chất liệu sơn mài, cho thấy Hà Minh Tuấn vẫn một lòng với sắc màu và các biểu tượng của Mật giáo Tây Tạng. Như bài thơ “Ngày về” anh từng chia sẻ khi dấn thân về đời để vào đời:

Mịt mù cố quận sương bay
Bước chân khách lữ dặm say tịch hà
Xa vời tượng ảnh Thích Ca
Con đi ngõ hẹp ta bà song song
Con đi từ lửa nhớ mong
Bước đi niệm xứ đường trần hôm nay
Đến bên phố chợ bùi ngùi
Ngồi bên mành nắng núi đồi xa xăm...

 


Sen trong lửa
 
Vọng hạc


Ngẫm về nghệ sĩ Hà Minh Tuấn thấy rất khác lạ, anh đến với Phật giáo từ đại nghịch duyên đối diện cùng sinh tử, sau thời gian dài anh rời ngôi chùa thân quý nhất và xuống núi lao vào cuộc đời với nghề điêu khắc say mê sáng tạo các hình thể Phật, mà lại thiên về Mật giáo Tây Tạng. Vậy, ai dám bảo anh không còn theo Phật giáo. Phật giáo dấn thân là vậy! Và tôi tin rằng Hà Minh Tuấn đang dấn thân vì nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Phật giáo nói riêng! Cái đẹp là gì? Nếu nó không giúp mình giúp người hữu duyên với trần gian này thăng hoa tinh thần để Từ Bi Trí Huệ lại rung lên như thuở ban đầu... thì thật uổng phí và vô nghĩa. Văn hào F.M. Dostoyevsky từ nước Nga xa xưa cũng đã từng thốt lên: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”... Lành thay! Lành thay!

Nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn hiện mở xưởng điêu khắc sáng tác “A! Bụt” tại Hà Nội. Các tác phẩm của anh đã được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước lựa chọn và đặt hàng.
 

Nhà điêu khắc, nghệ sĩ thị giác Hà Minh Tuấn
 

Nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn

Sinh năm: 1971.
Mất ngày 09/11/2023.
Tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật, khoa Điêu khắc (khóa K34), Đại học Mỹ Thuật Hà Nội.

Hoạt động nghệ thuật:

• Từ năm 1996 - 1997: thiết kế nội thất và sắp đặt Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Phòng không - Không quân Việt Nam.

• Từ năm 1998 - 1999: có tác phẩm tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000 “Tình Cổ độ”.

• Tác phẩm “Biến tấu sen” được chọn tại Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên, năm 2005.

• Năm 2005: tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc - tác phẩm “Biến tấu sen”.

• Năm 2006: triển lãm cá nhân “A! Bụt” tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Sắp đặt Tượng - Cát và tranh sơn mài.

• Triển lãm chung “Song Nam” tại Trung tâm Nghệ thuật XQ - Huế - Tranh sơn mài.

• Năm 2008: tổ chức và tham gia chương trình Cộng đồng trẻ thơ - “Ngôi nhà của bé”. (Festival Huế).

• Năm 2009: tượng tròn ngoài trời “Im lặng Hy Lạp” - thành phố Đà Nẵng.

• Năm 2011: triển lãm tác phẩm sơn mài “Được mùa Phật giáo”.

• Năm 2012: triển lãm “Nhịp mưa trầm” tại Festival Huế.

• Năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022: triển lãm nhóm tranh, tượng tại Gác Trịnh, thành phố Huế.

• Năm 2023: tham gia trưng bày tượng về chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại thành phố Huế.

Các giải thưởng, tặng thưởng:

• Giải Nhì Triển lãm Sinh viên Mỹ thuật Thủ đô, năm 1993.

• Bằng khen của Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, tượng đài Hồ Chí Minh cao 28m, chất liệu đá granite tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, với vị trí Phó tổng công trình sư.


Gác Trịnh, 9/2023
L.H.L
(TCSH51SDB/12-2023)


















 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hoa trong nón (17/11/2020)