NGUYỄN QUANG HÀ
Trong những ngày thu sang tim tím dịu dàng ở Huế, tôi bỗng rất nhớ thầy giáo - họa sĩ - nhà điêu khắc Vĩnh Phối.
Nhớ lạ nhớ lùng cái dáng người thanh cao, mảnh khảnh, luôn với nụ cười hiền trên môi, rất dân dã bình dị dù xuất thân thuộc dòng dõi hoàng tộc (là hậu duệ đời thứ 6 của vua Minh Mạng (1791 - 1841), nhà báo Minh Tự nói rất đúng: “Giới mỹ thuật cũng như làng văn nghệ Huế yêu mến ông không chỉ vì học vấn uyên bác, nét vẽ tài hoa, mà còn rất yêu cái tính hồn nhiên, trong sáng, vô vụ lợi của ông”.
Chân dung tự họa |
Huế xanh |
Có thể rất nhiều người biết: ông tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định chuyên ngành về tranh lụa và sơn mài vào năm 1958; đi tu nghiệp về hội họa và điêu khắc tại Học viện Mỹ thuật La Mã (Accademia di Belle Arti di Roma), Học viện Mỹ thuật lừng danh thế giới của Italia (từ 1959 đến 1966); là người sáng lập và Tổng thư ký Hội nghệ sĩ châu Á ở Roma. Ông là một trong những người đầu tiên triển lãm tranh trừu tượng tại Huế trong thập niên 60 của thế kỷ trước; đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm tập thể và cá nhân trong và ngoài nước; đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Năm 1960, ông được trao giải Targa d’Agent của Ý. Năm 1961, Huy chương bạc triển lãm sinh viên mỹ thuật quốc tế Rome de journale del Italia. Năm 1962, giải Nhì cuộc thi quốc tế mỹ thuật đương đại Bracciano, Roma, giải Nhì tác phẩm được sưu tập ở Việt Nam và nước ngoài (Ý, Pháp, Nhật, Đức, Áo, Thụy Sĩ…). Giải thưởng Triển lãm toàn quốc của Việt Nam năm 1980, 1995. Ông có tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông về giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và làm Giám đốc của trường này từ năm 1967 đến 1975; từ 1975 đến 1999, ông đảm nhận chức vụ Hiệu phó Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Năm 1990, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Nhớ họa sĩ tôi xin ghi lại vài cảm niệm xưa.
Là người con của Cố đô, ông không ngừng trăn trở với minh triết và mỹ học phương Đông. Những bức tranh: Tiên Rồng, Dòng sông xanh và cội nguồn, Phúc, Tâm hồn nhân đạo, Mặt trăng và biển cả, Mảnh gốm cổ, Công nghệ tin học, Dấu tích mặt trời, Thiên địa nhân, Con Rồng cháu Tiên, Rồng thiêng, Ngọ Môn Huế, Cổng phủ thờ Phong Quốc Công,… cho ta hiểu khởi nguồn từ hiện thực quê nhà, từ cội nguồn dòng họ yêu mến, ông đã “Phải tự tìm thấy mình và luôn có cái Tâm của người nghệ sĩ” để vẽ nên tranh, như ông đã từng định hướng cho nhiều lớp học trò của mình. Nhớ họa sĩ tôi nhớ bức tranh Huế xanh, vừa gợi nhớ về miền cổ tích, vừa lung linh niềm tin yêu khát vọng Huế tương lai. Càng nhìn tranh càng thấy Huế ẩn hiện nhiều con mắt xanh và tình yêu Huế bồng bềnh trong từng khuôn hình trừu tượng màu xanh biển trời ấy.
Những bức tranh: Hỏa diệm hóa hồng liên, Nhập pháp giới, Tam bảo, Bể khổ, Chuyển động tâm thức, Trừu tượng tâm linh,… lại đưa ta đến với đức tin tôn giáo. Vẫn là Huế, vẫn rất Phật, nhưng vẫn rất đời. Những nét vẽ ngỡ dịu dàng, mềm mại, tưởng tròn trịa nhưng ngắm kỹ sẽ cảm xúc với sự biến hóa trong dòng chảy tư duy, ý thức, sự kiên định thủy chung với con đường đã chọn với đạo hạnh đã tin qua những nét sắc, qua những đường nối, trục hình khối đan xen, xuyên qua nhau (màu đậm nhạt) liên tục trong tranh. Lê Huỳnh Lâm cho rằng họa sĩ Vĩnh Phối đã nhìn thấy tục đế của Phật giáo, điều ấy được chính họa sĩ Vĩnh Phối hoan hỷ đón nhận và được nhiều người xem tranh đồng tình: “Trong một lần triển lãm tranh với đề tài về Phật giáo ở Liễu Quán, Huế của nhiều tác giả. Tôi nhìn tranh họa sĩ Vĩnh Phối, rồi nói bên tai họa sĩ, thầy đã nhìn thấy tục đế của Phật giáo bây giờ rồi, thầy nhìn tôi rồi nói “chỉ có mi mới hiểu” và cười rất ngây ngô”.
Chuyển động tâm thức |
Trừu tượng tâm linh |
Ông là một họa sĩ tài hoa, đã thể hiện được thật nhiều góc cạnh, nhiều chủ đề, nhiều hình tượng cuộc sống… bằng nhiều thể loại tranh: trừu tượng, bán trừu tượng, biểu hiện, tĩnh vật, bán khỏa thân,… và bằng điêu khắc nữa. Từ những bức: Cung nữ chơi đàn, Thiếu nữ Huế, Mẹ tôi... cho đến bức Huyền Trân Công chúa,… có thể chiêm nghiệm nỗi niềm đau đáu dành cho phái đẹp (cũng là phái yếu) của họa sĩ Vĩnh Phối được gửi vào tranh. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng từng nhận xét: “Khó có thể nhận ra cả cuộc đời dài đầy truân chuyên và ẩn nhẫn của họa sĩ qua các bức họa. Sự theo đuổi nghệ thuật trừu tượng, sớm và liên tục của Vĩnh Phối đã giấu đi tất cả, chỉ còn lại những cảm giác mơ hồ về vinh nhục, thành bại, mà trong cái vui còn xen lẫn chút cay đắng. Đôi bức tranh còn nhận thấy những mô típ rút từ nền văn hóa truyền thống: con rồng, khoáy âm dương… Những mô típ này hòa tan dần cùng các hình thể khác tạo ra cấu trúc xoắn chặt chẽ… Những ý tưởng về văn hóa phương Đông đã ngấm trong từng nhát bút, được thể hiện một cách ngẫu hứng và bột phát. Do đó, dù các bức họa được sáng tác từ lâu, nhưng ta vẫn luôn tưởng rằng chúng mới được vẽ xong”.
Ông là nhà sư phạm mỹ thuật mẫu mực, người lãnh đạo có tầm bởi nhân cách và tài năng, đức độ. Họa sĩ, PGS. Vĩnh Phối gần như có mặt ở tất cả những thời điểm nhạy cảm và trăn trở nhất của trường Đại học Nghệ thuật bây giờ và Trường Cao đẳng Mỹ thuật trước đây 50 năm qua; có đóng góp to lớn cho trường, cho mỹ thuật Huế và Việt Nam; là cầu nối đẹp đoàn kết trong tỉnh, trong nước và ngoài nước. Chính ông là tấm gương ngời sáng khi luôn giữ vững sự trung thực với chính mình trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Ông đã từng phát biểu: “Khó nhất là trung thực với chính mình”. Tôi nhớ ông nhất, yêu ông nhất cũng chính ở điểm này. Và ông sống mãi trong lòng dân Huế, trong lòng những người yêu nghệ thuật Việt Nam và thế giới cũng chính vì ông đã tự tạc tượng đài trung thực của chính mình vĩnh cửu qua thời gian.
Ngôi nhà họa sĩ Vĩnh Phối từng sống và sáng tạo trên đường Bạch Đằng, phía trước sông Đông Ba (một nhánh sông đào) đã trở thành phòng tranh, bảo tàng nhỏ dành cho công chúng đến viếng và thưởng lãm tranh của họa sĩ. Một họa sĩ lớn như Vĩnh Phối, tôi mong Huế sẽ dành nhiều sự trân trọng ưu ái hơn.
N.Q.H
(TCSH51SDB/12-2023)