Mỹ thuật Huế
Khi người ta ba mươi tuổi
15:34 | 04/06/2008
Một lần ghé lại xưởng vẽ của Huy ở đường Trần Quang Khải thành phố Huế, tôi hơi bị bất ngờ trước cách nghĩ của Huy về thời gian. Trong căn phòng hẹp mờ bụi và ánh sáng, mùi sơn dầu ngai ngái, bức tranh “Đồng hồ máu” (tôi tạm đặt tên như vậy) cứ đỏ lên rờn rợn như một nỗi ám ảnh.
Khi người ta ba mươi tuổi

Huy bảo tôi đó là cách Huy đo thời gian. Quả thực là đã có những năm tháng, những thời điểm lịch sử được đo bằng... máu, và chỉ có máu đỏ là đại lượng duy nhất đo thời gian. Hai cuộc kháng chiến trường kỳ và xa hơn nữa là những cột mốc vệ quốc vĩ đại... đã cho tuổi trẻ của Huy một góc nhìn mãnh liệt đối với lịch sử và thời gian. tám tấn bom chia cho một đầu người, cỏ lau, bạt ngàn cỏ lau và bia mộ vùng đất Quảng Trị, đó là căn nguyên, là cội nguồn của một họa sĩ trẻ.
Như một thiên hướng tự nhiên, Huy đã vẽ rất nhiều về chiến tranh (mà có lẽ là Huy sẽ còn vẽ nhiều hơn nữa). Xem tranh của Huy, tôi chực sống lại một tuổi thơ chiến tranh, đêm đêm bơ phờ đạn pháo, chiếc hầm trú ẩn tối đen, mùi đất mốc xông lên thịt da, bóng đêm lặng lẽ và bí ẩn. Dường như chỉ có tiếng dế kêu ở đâu đó trong chiếc lỗ thông hơi là sự sống duy nhất làm an lòng tuổi thơ. Tám tấn bom chia cho một đầu người, cho nên tranh của Huy dày đặc hố bom. Mỗi hố bom là một nỗi buồn trống hoác. Không có cái chết nhưng vẫn có cảm giác rằng ai đó đã bưng mặt khóc nấc. Đằng sau, chung quanh, và phía dưới hố bom là những số phận không rõ ràng, những số phận còn để mở la liệt trước cuộc chiến tranh. Cái màu đỏ khốc liệt và những nét chuyển dần sang vàng và trắng xanh trên tranh Huy, đã nói với tôi điều đó. Huy vẽ về chiến tranh như một người đã mất tất cả trong cuộc chiến tranh, anh chỉ còn lại nỗi cô đơn, hai bàn tay lấm lem phẩm màu và một ký ức phập phồng trên da thịt. Và dưới ánh sáng hồ quang của một nỗi đau nhiều suy tưởng, ký ức ấy như ánh ma trơi lập loè sáng ở phía vắng con người. Ơ đó cỏ hoang mất mát đến tận đường chân trời và tích tắc, tích tắc... là tiếng đập duy nhất của chiếc đồng hồ máu lần lữa đo thời gian.
Có lần xem tranh của Huy tại một cuộc triển lãm chung, tôi tự hỏi là có phải Huy đã bị kịch hoá chiến tranh hay không? Điều thiết tha hơn là có chút hy vọng nào trong những đường nét gãy khúc, va đập dữ dội, những hố bom lỗ chỗ đau buồn ấy không? Có lúc thất vọng quá tôi đã quay mặt đi để cố nén một tiếng thở dài. Nhưng ô kìa lạ thay, khi ánh sáng từ khung cửa nhỏ bất chợt ùa vào đổ tràn trên những hố bom, màu xanh trắng u tối chuyển nhanh như những gợn sóng ngắn, khiến cho miệng hố bom lở lói là vậy, chợt khép lại đầy đặn như nụ cười bí ẩn của nàng Monalisa. Từ những đau đớn ê chề trái tim tôi tràn ngập niềm hy vọng. Cho đến khi ánh sáng tắt dần và mặt tranh chuyển dần sang màu đỏ sẫm, lòng tôi vẫn còn nghe tiếng cười vang vọng trên những hố bom...
Hôm trời Huế sang thu, gặp nhau ở quán trà Dimar trên đường Đội Cung, Huy nói với tôi rất nhiều về hội họa. Tôi còn nhớ là Huy đã nói về khối và những nét nghĩa, về những bất ổn mà Huy đeo đuổi. Giọng Huy khó khăn chìm trong tiếng hát trữ tình của Celine Dion. Không gian tràn ngập giai điệu đứt đoạn của tâm hồn. Cùng với sự dữ dội trong đề tài chiến tranh, Huy còn có một khoảng trời khác nó trong trẻo vô ngần. Đó là khi Huy nghịch đất, vẽ về tuổi thơ với tất cả sự dung dị hiền lành của một cậu bé nông thôn. Huy bảo rằng đây là một mảng đề tài lớn trong tranh Huy. Chỉ riêng  việc lựa chọn chất liệu bột màu, “ngôn ngữ” hội họa của Huy về tuổi thơ đã mang trong tự thân một sự hồn nhiên kỳ lạ của tranh dân gian. Cảm giác về sự gần gũi, được sống với cái ngày đã qua, những cánh diều no gió bay trên một bầu trời rực rỡ ánh nắng, mang lại niềm hạnh phúc không thể nói bằng lời. Từ những hố bom mắt trần, hố bom siêu thực đến tiếng sáo mục đồng... con đường hội họa của Huy cho thấy một thế giới nội tâm với những vết cắt nối day dứt, chưa một ngày bình yên. Hội họa của Huy là một thì quá khứ chưa hoàn thành, nó dở dang như chính đời sống bừa bộn những đam mê, mà Huy còn đeo đuổi... Đến với tranh Huy, nhiều người đã tìm thấy một tuổi thơ mà từ lâu mình đã đánh mất. Con đường làng với những dấu chân se lạnh và một bầu không gian mênh mông bầy bướm vàng như ký ức. Đó là Huy, là tôi, là bao bạn bè khác trong một sự hoá thân thơ dại, muốn “hái tuổi em đầy tay”. Có lần e ngại với màu vàng bỏng mắt trong tranh Huy, tôi hỏi có phải là Huy rất thích màu vàng không? Thường thì mỗi họa sĩ hay có riêng cho mình một “ngôn ngữ” màu sắc rất cá thể. Cái màu sắc được lựa chọn ấy sẽ là vốn sống, tình yêu và tài năng... là hơi thở riêng của một phong cách nghệ sĩ. Như Lêvitan chỉ thích màu vàng và Vangốc là màu nâu đen. Một bên là thế giới thiên nhiên u muộn, một bên là đời sống nội tâm, được lộn trái như người ta lộn trái một chiếc áo. Huy cười lặng lẽ và bảo “vàng và đỏ là hai màu sắc mà Huy yêu lúc nào không biết”. Yêu như bản năng được mách bảo, một sự điều khiển như là động cơ đốt trong của vô thức.
Như một lôgíc tự nhiên của đời sống, tuổi thơ trong tranh Huy gắn liền với một vùng quê nghèo khó. Tôi nghĩ trở về với mẹ với quê hương và tuổi thơ - đó là mảnh đất màu mỡ nhất để người nghệ sĩ có thể gieo trồng những tác phẩm nghệ thuật lớn. Huy cũng đã làm như vậy theo cách của Huy. Huy đã “định nghĩa” quê hương bằng những mảng màu nâu đỏ như những tảng đất phèn mặn nằm thảnh thơi theo những đường cày. Ở đó gương mặt người nông dân hiện ra chất phác, chiếc áo tơi đong đầy mưa thu và giá lạnh. Một cuộc sống yên lành. Cuộc sống mà có lần R.Tagore đã nức nở ca ngợi khi ông bảo rằng người nông dân là chúa của sự sáng tạo. Nhưng thảng hoặc tôi còn nhìn thấy đằng sau sự yên ả của làng quê trong tranh Huy, sau cánh đồng trơ vơ những gốc rạ, là số phận của người nông đang nghèo khó, lam lũ và cực nhọc. Những bức tranh quê của Huy giống như những giọt mồ hôi, nó mặn đắng tình yêu xứ sở. Có một cái gì đó như âm sắc của những câu hò ngân nhè nhẹ qua gam màu nâu sáng và đôi mắt tha thiết ruộng đồng của người nông dân. Có lý do để những bức tranh quê của Huy thường mang màu tối. Cái tối thao thức, chia sẻ với những cảnh đời thực nông thôn. Một buổi chiều mùa đông nhiều mưa, bầu trời nặng trĩu nước, màn nước lạnh phủ lên vạn vật một màu xám mờ. Và đâu đó tiếng hô “vắt”, “diệt” của người thợ cày tầm tã trong mưa. Gần như trong cuộc “trở về” với cố quận, Huy đã chịu một áp lực nặng nề từ phía tâm hồn. Đó là gợi cho đến tận cùng để những gam màu trung tính cất lên tiếng nói, là sống cho hết một lần này thôi những bước sóng lam-đa tinh tế chuyển rất mềm mại trong những nét vạch gấp khúc của tranh Huy. Như một người trẻ tuổi nhiều khát vọng, trong mỗi bức tranh mà Huy sáng tác là sự dồn nén của nhiều thế giới lên một thế giới. Có cảm giác mỗi centimét vuông trong tranh Huy là một khối thuốc nổ. Nổ âm ỉ, quyết liệt khi Huy muốn nói về chiến tranh và nổ lặng lẽ như một hư không khi Huy chập chững về với tuổi thơ nhiều thương cảm... Cái cách Huy làm cho màu sắc từ chỗ là phương tiện trở thành đối tượng, cho màu sắc tự tranh luận với nhau, đối thoại với nhau trên mặt phẳng đa hình, đã tạo ra những rung động song trùng. Khi màu sắc không chỉ là phương tiện của người họa sĩ, thì lúc ấy, cánh cửa hội họa đã một lần nữa mở toang để Huy tiếp cận gần hơn với cuộc sống đời thường.
Dù sao thì hội họa với Huy cũng là một cuộc phiêu lãng. Ơ đó cậu bé nhà quê là Huy vẫn thường mơ ôm cả bầu trời đầy sao, giấc mơ mà có lần A.Đôđê đã nhân hậu dành cho cậu bé chăn cừu. Dường như chưa bao giờ Huy vẽ về mặt đất, sự phiêu lãng của Huy nằm ở đường chân trời mà hiện thân là những miệng hố bom sâu hun hút trong nỗi buồn chiến tranh. Nhát cọ đầu tiên của Huy là những vệt gấp khúc của ký ức, nó làm cho không gian trong tranh Huy chật chội như là ngõ phố nhiều gánh hàng rong và những quán rượu của người lao động hiền lành. Tôi đã đi trong sự chật chội ấy để thấy ở Huy những khát vọng sống của đời thường. Những nhen nhóm nhỏ nhoi như ánh sáng của một ngọn nến được thắp lên bằng những mảng màu tím tái, hắt chiếc bóng buồn bã xuống đường chân trời mà giờ đây đã như một ảo giác hoang mạc xa xôi. Hôm ngồi lại với nhau ở quán cóc vỉa hè, Huy nói với tôi về sự “khủng hoảng” của hội họa và cả sự “bế tắc” vẫn thường thăm hỏi người nghệ sĩ mỗi khi cây cọ đã trở nên bất lực trước cuộc đời. Hôm ấy nắng có vẻ nhạt hơn ngày thường, hàng cây bằng lăng trên phố Huế mệt mỏi gieo những chiếc lá vàng vọt đầu tiên xuống lòng đường. Tôi nhớ là mình đã nói với Huy về Lêvitan, về sự yên tĩnh đời đời của hội họa. Suốt đời Lêvitan đã bị hắt hủi vì ông là người Do Thái. Chính vì vậy mà ông đã đến với thiên nhiên bằng một tình yêu cuồng nhiệt đầu tiên và cuối cùng. Qua thứ ánh sáng chập choạng của một chiều thu đã tối, tôi có cảm giác là Huy có vẻ buồn buồn, khuôn mặt ba mươi tuổi ấy sáng lên một sự bất an khó hiểu. Sau lưng Huy sắc trời đỏ ối màu ráng pha. Tôi nhìn qua vai Huy mà ước ao một ngày nào đó trên tranh Huy, thiên nhiên cũng nhiều như cuộc đời. Nụ cười của nàng Monalisa trên miệng hố bom sẽ tràn đầy ánh sáng và vang vọng những âm thanh bình dị của cuộc đời...
Hơn một trăm bức tranh, và nhiều lần tham dự các cuộc triển lãm, “gia tài” của họa sĩ trẻ Võ Xuân Huy đã đầy lên theo thời gian. Từ nét cọ đầu tiên thận trọng và tươi trẻ, Huy đã làm một cuộc lên đường. Tôi nghĩ một phong cách riêng bộc lộ mạnh mẽ tư tưởng và bản ngã đang là cái đích trên con đường hội họa của Huy...
Huế, 20-9-2002

HOÀNG BÌNH THI
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng