Mỹ thuật Huế
Nghĩ về một họa sĩ còn sống
15:38 | 02/10/2009
LGT: Sau hơn năm tháng bị tai biến, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đang dần hồi phục trở lại. Ý thức sống là sáng tạo đã thôi thúc người họa sĩ. Và như vậy toile đã căng lại trên khung, màu cũng đã sẵn sàng.A. Camus trong một cơn bệnh đã chiêm nghiệm “Bệnh tật là một dòng tu kín”. Hy vọng rằng trong ngọn lửa sáng tạo nhen lên lần này, tranh Hoàng Đăng Nhuận có thêm nhiều chiêm nghiệm mới trong dòng tu kín của mình.S.H
Nghĩ về một họa sĩ còn sống
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận


LÊ VĂN NGĂN
Tặng Hoàng Đăng Nhuận và những năm cơ hàn.

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước ở Đà Lạt, có một gã họa sĩ đi từ Huế vào. Hoang dã và văn minh hội tụ trên người gã, hiện rõ trên khuôn mặt vừa tươi cười vừa nghiêm nghị. Hoàng Đăng Nhuận, một người bạn đã giới thiệu tên của gã họa sĩ ấy trước khi tôi và người mới gặp ngồi im lặng bên ly cà phê trong quán nhỏ dọc đường.

Từ hôm đó, tôi thỉnh thoảng gặp lại Nhuận, không phải trong nhà nhưng gặp trên những con đường. Hồi ấy Nhuận chẳng có một chỗ riêng để mà gối đầu và có phải vì vậy chăng nên Nhuận thường đi dưới nền trời quanh năm thường xám màu gió rét, vừa đi vừa phác thảo trong lòng những bức tranh mới. Những bức tranh mới chỉ ra đời trên toile với những gam màu lạnh thường xuất hiện ở mái nhà này mái nhà khác, những nơi mới quen và có lòng mến Nhuận. Một trong những bức tranh mới này sẽ được bán với giá rẻ để đổi lấy cơm chợ, bánh mì, thuốc lá, toile, màu và đôi khi, một chuỗi hạt cườm cho người nữ sinh đã liều lĩnh yêu gã họa sĩ lưu lạc này.

Nhưng những điều vừa kể ở trên chưa tạo ra lộ trình tình cảm để tôi đến với Nhuận rồi được nghe Nhuận kể đôi nét về con đường dẫn Nhuận vào thế giới của hội họa, con đường đậm nét gian nan và đam mê và ý chí con người. Tình cảm mà tôi và nhiều người khác ở Đà Lạt ở thế kỷ trước dành cho Nhuận dường như từ hai và hơn hai bức tranh của Nhuận. Bức tranh thứ nhất có tên gọi “Đợi chờ”. Ở “Đợi chờ”, tôi còn nhớ một khung cửa, một mặt bàn nghiêng xuống bóng chiều, một người đàn ông nhìn ra khoảng không gian lá vàng và những dấu hiệu bạo tàn của chiến tranh. Đợi chờ gì? Tôi đã có lần hỏi Nhuận giữa đêm khuya thèm thuốc lá và thèm cà phê, nhưng Nhuận chỉ gượng cười không nói. Bức tranh thứ hai là “Những người đi mua không khí”, gam màu xám. Nền trời xám. Khuôn mặt người mầu xám. Chai lọ được đựng không khí để đem về nhà thở cũng màu xám. Và có thêm cơn mưa xám ở cuối chân trời, phía sau cửa tiệm bán không khí.

Sau 1975, đời sống của gã họa sĩ ngày xưa bắt đầu dễ thở rồi theo chuyện kể của nhiều người, trở nên giàu có. Xe mới, nhà mới đến một phần từ tranh được bán với giá cao, chưa kể những cuộc triển lãm cá nhân ở nhiều nước ngoài và trong nước. Nghe vậy những người quen xưa của Nhuận đều mừng nhưng có người lại tự hỏi: bây giờ Nhuận vẽ ra sao? Vẫn theo lối vẽ pointillism hay đã thay đổi? Đổi thay lối vẽ là chuyện bình thường của người sáng tạo nhưng sự đổi thay này đem lại những bức tranh như thế nào khiến Nhuận bán được giá cao như thế? Những câu hỏi trên vẫn ở trong tôi lúc tôi đến gặp Nhuận sau mấy mươi năm xa cách nơi cư ngụ và điều đầu tiên mà tôi gặp là tháp ngà của Nhuận. “Tháp ngà” gồm chỗ ở sang trọng, phòng vẽ sang trọng. Hôm ấy, Nhuận đang ngồi trong tháp ngà của mình, giữa nhiều bức tranh mới và rượu Tây.

- Ông xem bức tranh mới vẽ xong này. Thú vị lắm. Nhuận nói sau khi tôi và Nhuận bắt tay, nhìn nhau với ánh mắt vừa gần gũi vừa xa lạ.

- Thú vị không? Nhuận lại hỏi và tôi còn ngập ngừng.

- Nè, tôi nói cho ông biết nghe, Nhuận lại trở nên nghiêm nghị sau lúc tươi cười. Ông đừng tưởng cách sống thay đổi thì tranh tôi không thú vị đó nghe!

- Tôi không nghĩ như vậy, nhưng còn bận nghĩ đến một bức tranh của ông đang treo trước hiên nhà. Nơi đó là một không gian hồng vàng, một hậu cảnh im lặng, một chiếc ghế chưa có người ngồi. Bức tranh ấy gợi cho tôi về Nhuận ở thế kỷ 20. Tranh thường thiếu bóng người nhưng vẫn gợi nên sự có mặt của con người qua cửa sổ, bậc thềm vắng chẳng hạn.

- À! Đó là bức “Giành cho một người sắp đến”. Còn những bức tranh mới vừa rồi, ông cứ tiếp tục nhìn.

Nhuận nói và tôi nghĩ đến sự ra đời của cái mới. Có những cái mới được đón nhận ngay lúc sơ sinh và có những cái mới khác, chịu những ánh mắt bình thường của người thưởng ngoạn, chịu như thế cho đến lúc người họa sĩ qua đời. Đến lúc ấy, những bức tranh mới sẽ bật sáng lên.

Quy Nhơn
8/2009

L.V.N

(247/09-09)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng