Mỹ thuật Huế
Hoạ sĩ song sinh Thanh - Hải và những cái riêng
15:12 | 20/08/2008
PHAN THANH BÌNHHuế - thành phố nhỏ bé và lặng lẽ với núi Ngự mờ xa và dòng Hương suốt bao năm tháng lững lờ, dường như chỉ tương hợp với những gì vừa phải nền nã, kín đáo gợi tưởng thành cổ rêu phong cổ kính. Người ta đã quá quen thuộc với những bài thơ tao nhã, những nhà vườn êm ả, những bức tranh thiếu nữ "tóc gió thôi bay" trong màu lam tím mơ mộng...
Hoạ sĩ song sinh Thanh - Hải và những cái riêng
Tác phẩm “Đối thoại” của họa sĩ Lê Ngọc Thanh

Vì thế không có gì lạ khi người xem sửng sốt trước những tranh sơn mài hoành tráng, rực đỏ, chói chang và mạnh bạo của hai anh em song sinh Lê Ngọc Thanh -Lê Đức Hải. Gần 10 năm qua, người xem từ chỗ tò mò đã dần quen thuộc với hai gương mặt giống nhau như hai giọt nước của họ, giống đến mức mà nhiều thầy cô dạy Thanh và Hải 5 năm trời ở trường Đại học Nghệ thuật vẫn không phân biệt được ai là Hải, là Thanh. Có bao điều đáng ngạc nhiên về họ trong cuộc sống đời thường và trong sáng tạo nghệ thuật. Quá trình vẽ của họ như chỉ là một sự phân thân nhất thời, còn ý tưởng, suy nghĩ của họ rất gần nhau, đó cũng là một sự bí ẩn của nhiều cặp song sinh. Trong tranh là những màu đỏ, vàng, đen đan chồng, là những mặt nạ, đôi mắt và những nét hình đồng dạng đôi chút kinh dị, vì vậy giới mỹ thuật và công chúng vẫn gọi họ là tác giả Thanh - Hải. Thật khó mà nói đến một sự khác nhau thật rõ ràng giữa tranh " Nhịp điệu sống (Sơn mài 120 x240cm)", "Mầm sống" "(Sơn mài 120 x 120cm) của Lê Đức Hải với " Đêm phương Đông"(Sơn mài 120 x 120cm), "Tĩnh vật" "(Sơn mài 80 x 120cm) của Lê Ngọc Thanh khi chúng "đồng điệu" đến như vậy.
Khi còn là sinh viên Thanh -Hải đã vẽ rất nhiều, có những lúc tranh chất chồng phải đo bằng gang tay, rồi họ tham gia vài triển lãm sinh viên, có lần Thanh Hải đã giành gần hết các giải thưởng của Ban tổ chức. Dạo ấy họ thật ngơ ngác, hoang dại, thật thà đến lạ lùng khi vẽ về đồng quê, phong cảnh, chân dung bè bạn và những suy tưởng khát khao, mơ ước... Những năm học đại học mỹ thuật Thanh - Hải vừa học vừa sáng tác hay đúng hơn là vẽ để kiếm sống. Cuộc chiến thương trường ở các Gallery làm cho họ chai sạn, mạnh bạo hơn, láu lỉnh và tinh quái hơn. Hẳn nhiên trong tranh của Thanh - Hải cũng khác trước rất nhiều, họ xa dần cái hồn hậu, chất phác thôn dã một thời, và xa hơn nữa cái đẹp hồn nhiên, thuần khiết của "cái thuở ban đầu". Thanh-Hải mau chóng "giống ai đó "; những gã chăn trâu giờ đây như những bù nhìn cô độc nhưng lại có vẻ phảng phất một chút Hà Trí Hiếu, Thành Chương, Lê Thiết Cương. Rồi bỗng nhiên sau dịp gặp gỡ Nguyễn Minh Thành,  Veronica và nhóm "Trường phái viết chữ " Thanh - Hải lại làm Nghệ thuật sắp đặt (installasion) cùng với Trương Thiện, họ trưng bày nón lá, màn vải, sọt tre và đèn màu. Gần đây Thanh - Hải lại trở về với những mặt nạ, chỉ với 17 tranh sơn mài họ đã "đắp" lên gần 50 mặt nạ với những đôi mắt gần tưởng chừng như vô cảm, trừng trừng nhìn xoáy vào lòng người, ít nhiều cũng gợi lên những mối hoài cảm, day dứt và âu lo từ sự cảnh báo bởi hội họa. Quả thật Thanh - Hải rất chịu khó tìm tòi về mặt kỹ thuật sơn mài, nhưng trước ma lực của cơ chế thị trường, tranh họ cũng chưa có ý định sẽ chú ý hơn về việc biểu hiện chiều sâu nội cảm của nghệ thuật.Thanh - Hải say sưa với những mặt nạ được cào cấu, rạch màu ngang dọc, nền sơn mài cổ điển bị cày xới như cánh đồng hợp tác xã thời bao cấp. Có thể thấy rõ một cách nghiệt ngã điều đó qua các tranh như "Khi thiên thiên không còn" (Sơn mài-120 x 240 cm), "Gương mặt của cuộc sống" (Sơn mài-80 x 120 cm), "Mặt nạ" (Sơn mài 120 x 240 cm). Cái chính là Thanh - Hải không hề giấu rằng mình "giống" ai đó, mà giống thì không hẳn là sự bắt chước. Trong lịch sử mỹ thuật có biết bao thiên tài cũng phải bắt chước ai đó trước khi định vị cho mình một phong cách riêng như một Renoir của phái Ân tượng với thời kỳ đầu chẳng khác Rubens (Bỉ), Delacroix (Pháp) là mấy, ngay cả Pablo Picasso cũng không hề giấu diếm sự ảnh hưởng từ Cezanne. Khoảng 3 năm trở lại đây, tranh của hai anh em là sự kết hợp giữa mặt nạ với những hình thể biểu thị dục tính như tranh của Trương Tân trước đây. Các tranh "Đêm và ngày" (Sơn mài 120 x240cm), "Đối thoại" (Sơn mài 120 x 120cm), "Nỗi nhớ " (Sơn mài 120 x 240cm)... là những câu đố đối với công chúng bởi sự diễn đạt nhục cảm đồng tính rất phổ biến trong tranh của các họa sỹ Đức. Khách mua tranh có đủ mọi hạng người, từ sinh viên Nhật, Pháp Mỹ... đến "Tây ba lô", từ các nhà sưu tập thứ thiệt đến các nhà sưu tập hạng ba nhan nhản mọi họa thất và gallery. Cũng như những trung tâm mỹ thuật khác của đất nước, người mua tranh nước ngoài đã gần như quyết định hoa sỹ phải vẽ như thế nào, bọn họ thấy trong sự bắt chước của Thanh - Hải không phải là thứ học đòi như phần đông số trẻ bây giờ mà là một sự "Bắt chước " viết hoa theo biểu Aristote - Bắt chước có sáng tạo... Có thể nói ở Huế sau bà Bội Trân danh tiếng và bí ẩn thì Thanh và Hải là những người có nhiều gallery nhất, trong đó có những gallery đặt rất đúng chỗ và khá 'bắt mắt" như gallery New Space ở Nguyễn Tri Phương, gallery ở Phạm Ngũ Lão. Cũng ít có ai ở Huế được đi nước ngoài nhiều như họ, Thanh-Hải đã đến Pháp, Đức,Thái Lan triển lãm ở Nam Phi, Nhật, Mỹ... trong đó cũng có nhiều cuộc phiêu lưu kỳ thú như cả vài chục bức tranh được một ông bà Tây nào đó đem đi mà không hề đặt một thứ gì để làm tin, nhưng rồi cũng chưa có một ai bội ước; cứ sau một đợt như vậy số dư ở tài khoản Ngân hàng ngoại thương của họ lại nhiều hơn. Ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thì không nói làm gì, nhưng ở Huế mà sắm vi tính, nối mạng để giao dịch bán tranh như Thanh - Hải thì cũng không mấy người. Thanh - Hải còn in hàng ngàn bưu ảnh về tranh của họ và không phân biệt khi phát cho mọi người. Trong tác phong sinh hoạt, thoạt nhìn trông hai anh em khá lạ lẫm, nói lớn, hét to, tóc cua, ngổ ngáo... nhưng thái độ chính trị rất rõ ràng. Một lần, có một Việt kiều nói xấu đất nước và lãnh tụ làm hai anh em rất khó chịu và quyết định không bán tranh cho ông ta nữa, cho dù triển lãm của họ được tổ chức tại Pháp. "Nghe ai nói xấu nước mình là bọn em chịu không nổi" - thật đáng trân trọng với những suy nghĩ ý thức như vậy trong lớp họa sỹ trẻ. Họ lao động nghệ thuật, kiếm tiền bằng nghệ thuật từ nhiều cách, nhưng trong đó không kiếm tiền bằng sự bán rẻ lương tâm.
Dẫu có những lời khen chê khác nhau, nhưng những bậc "trưởng lão" không phủ nhận họ mà còn tìm cách nâng đỡ khi có cơ hội; số trẻ thì tỏ ra thận trọng, lạnh lùng nhưng ứng xử đầy tôn trọng cho dù chưa thật ưa tranh của Thanh-Hải. Họ rất nể cái nhanh nhạy kiếm tiền, với những thành công chóng mặt trên thương trường và sự tự tin không cần phải giả vờ khiêm tốn của Thanh-Hải, tự tin đến mức mà khi gửi tranh tham dự triển lãm Philip Morris vừa qua, cả hai khẳng định chắc chắn họ sẽ lọt vào triển lãm uy tín này; lần đầu tiên Huế có 7 tác phẩm tham dự, trong đó quả thật có hai tác phẩm của Thanh và Hải. Không ít quan chức văn hóa với trách nhiệm "cầm cân nảy mực" lại tỏ ra không mặn mà với những tranh không mấy ai hiểu, nhiều khi còn mặc cảm và gây khó dễ với họ khi triển lãm. Còn đông đảo sinh viên, không chỉ là mỹ thuật mà còn ở các trường khác như Sư phạm, Khoa học, Y khoa, Kinh tế, Nông lâm, Cao đẳng sư phạm, Văn hóa Nghệ thuật coi Thanh-Hải là những người thành đạt rất đáng học tập. Đó cũng là một hiện tượng thú vị mà không phải họa sĩ trẻ nào ở Huế cũng được công chúng trẻ ưu ái như vậy. Hoạt động mỹ thuật của Thanh-Hải với khuôn mặt riêng đáng trân trọng đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn nghệ ở Huế trong những năm gần đây.
P.T.B
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng