Mỹ thuật Huế
Trường Sa - trong tâm thức người lính của Lê Văn Nhường
14:44 | 20/12/2010
ĐẶNG MẬU TỰUKhi được Hội Mỹ Thuật Việt Nam phân bố cho miền Trung một suất đi thực tế Trường Sa, Họa sĩ Lê Văn Nhường là một điểm trong tầm ngắm để được giới thiệu đi trong chuyến hải hành này. Trường Sa là một trong những mục tiêu mà Hội Mỹ thuật quan tâm trong cuộc vận động sáng tác về biển đảo trong năm 2010 - là điểm nóng vì là tiền tiêu của Tổ quốc. Ai cũng mong có một lần được đi đến đó.
Trường Sa - trong tâm thức người lính của Lê Văn Nhường
Tranh sơn dầu "Nắng gió Trường Sa" của họa sỹ Lê Văn Nhường
Chọn Lê Văn Nhường chính vì anh đã từng là lính tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và Campuchia. Trong những ngày ở chiến trường, anh đã có những ký họa ghi lại những gì xảy ra giữa hai trận đánh. Những gì mà Nhường vẽ thời lính đều là những kỷ niệm, nhưng đã thể hiện sự vững vàng nhờ những ngày theo học lớp hội họa ở Nhà Thiếu nhi Huế khi còn là thiếu nhi. Khi xuất ngũ, anh thi vào Trường Đại học Nghệ thuật, rồi trở thành họa sĩ, có chất chuyên nghiệp, bản lĩnh nghề nghiệp hơn. Nhờ đó, Hội Mỹ Thuật đã yên tâm khi cử Lê Văn Nhường đi trong chuyến sáng tác này.


Hơn mười ngày dự trại, khi Nhường về Huế, ngồi với bạn bè đã say sưa kể, có phần bốc làm cho anh em thèm một chuyến đi như thế lắm. Thực ra không phải đến chỉ một nơi, mà lênh đênh trên thuyền để đến nhiều đảo, có đảo chỉ cho phép một người xuống. Chuyến đi không phải dễ dàng, nếu không có sức khỏe và quen với sóng gió thì khó có thể trụ lại để tiếp tục hải trình và ghi lại hình ảnh của chuyến đi.


4 họa sĩ đến đảo ngoài việc ghi nhận trực tiếp máy hình sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo, lấy tư liệu qua hình ảnh, ký họa trực tiếp người và cảnh vật của các nơi đến, cùng sinh hoạt với bộ đội, đặc biệt tổ chức cho các chiến sĩ và các em thiếu nhi trên đảo cùng vẽ. Những tác phẩm ký họa và bài vẽ này đã được thực hiện để tổ chức triển lãm chung tại Hà Nội vào tháng 10.2010. Các tác phẩm của các họa sĩ sáng tác về Trường Sa đã phản ánh qua cái nhìn, cảm xúc chân thực cuộc sống một cách sâu sắc. Các bài vẽ của các chiến sĩ và các em học sinh, tuy chỉ là vẽ như nhìn thấy, mô tả những gì có ở đảo, nhưng đã gây xúc động cho người xem, từ ngạc nhiên đến thích thú vì sự lạc quan với cuộc sống, dù đó là sự cô đơn.


Lê Văn Nhường đã thực hiện trên 50 ký họa để tặng cho mọi người khi đến các đơn vị và có một chùm tư liệu gần 30 ký họa đủ mọi nơi trong chuyến đi để tổ chức triển lãm tại Hội Mỹ Thuật TT.Huế và khu vực và đã tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Quân đội trong tháng 10-2010. Anh cũng đã thực hiện một tác phẩm sơn dầu, với cái tên không cầu kỳ “Nắng gió Trường Sa”, cái tên đã nói lên tính chất của vùng đất chỉ toàn là nắng và gió. Nhiều nghệ sĩ khi đến đảo từ trước đến nay đã có những cảm xúc khác nhau, có nhiều tác phẩm hay đã để lại cho đời.


Với “Nắng gió Trường Sa”, Lê Văn Nhường đã có cách nhìn khác. Trường Sa với anh là vùng đất mới, được gắn với đời sống hiện đại thể hiện ở những cột điện, cột thông tin và nhà cửa trên vùng cát trắng; còn cảnh vật ở đây là người và cá. Khổ tranh không lớn, với bình diện màu xanh toàn biển; biển cũng là trời hòa làm một, bố cục ở giữa tranh là bãi cát hình chữ nhật tràn ra có cảm giác gần hết cả tranh. Với màu ngà của cát bằng kỹ thuật tạo xốp, gồ ghề mấp mô của đảo; những hình vẽ bằng những vạch sâu như những người nghịch lên cát ướt; phố nhà cao tầng, trụ điện thông tin cao ngất ngưởng, tất cả trên cái nền ấy cho người xem một sự tưởng tượng là có thật mà cũng vừa dự tưởng, bởi Trường Sa không chỉ là một mà còn nhiều không gian khác. Ở góc phải của tranh, hai người lính Hải Quân Việt Nam với cách cắt bán thân là tiền cảnh được khái quát cũng bằng nét và màu đơn giản, tạo góc riêng của tác phẩm; góc trái hai con cá có thể là cá chuồn hay một loại cá có thể bay vượt lên không gian của biển tạo nên thế cân bằng của tranh, làm cho nó trở nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Cách bố cục của tác phẩm đặc biệt với hai người lính ở đây không phải lạ, nhưng chính nó đã tạo nên sự liên tưởng khi họ đang di chuyển trên mặt biển, không phải đứng chơ vơ trong không gian, mà là sự kết nối ý nghĩa người lính gắn với biển và đất nơi họ đang canh giữ.


Trách nhiệm Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ Thuật Việt Nam là tìm ra trong số các tác phẩm được giải A hoặc B, C từ các Hội đồng của các triển lãm Mỹ thuật các vùng miền trong cả nước gửi về để chọn ra các tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc trong năm. Với “Top năm” giải thưởng Hội năm nay, Hội đồng nghệ thuật Hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, tất cả đều 100% hội đồng bỏ phiếu chọn tác phẩm Nắng gió Trường Sa bởi nó không chỉ là đề tài nóng, mà còn là nói về sự tìm kiếm cái mới trong nghệ thuật tạo hình trong năm nay. Nhưng có lẽ ai cũng thấy khi Hội đồng nghệ thuật chọn tác phẩm của Nhường vì đã vẽ cái chân chất, nên thơ, sống động, chỉ có người có chất lính đầy mình mới thể hiện được cái tình đó để nói về người chiến sĩ ở đảo xa.


Đó cũng là điều mà HĐNT quan tâm trong các tác phẩm, vì tác phẩm sẽ trở nên sống động, bởi nó phản ánh được nội tâm, được ý nghĩa cuộc sống mà tác giả định gửi vào đó.

Không gì hạnh phúc cho mỗi người nghệ sĩ bằng sự thành công khi tìm ra được những cái mới trong sáng tác. Trong quá trình tìm kiếm, anh đã nhận được những giải lớn như Giải A Mỹ thuật khu vực IV Bắc Miền Trung năm 2002, giải C giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô năm 2004. Năm nay giải thưởng danh giá này đã góp thêm vào bộ giải thưởng trong đời sáng tác của anh. Đó cũng là thành tích chung cho Mỹ thuật Huế năm 2010.


Trong giới Mỹ thuật Thừa Thiên Huế mong anh có nhiều sáng tác mới. Có lẽ điều ấy với anh là có thể, vì anh đang ở độ chín.

Đ.M.T
(262/12-10)





Các bài mới
Các bài đã đăng