Bức tranh còn nằm trên giá, trong căn phòng nhỏ có cửa sổ ngó ra vườn xưởng vẽ của họa sĩ Bửu Chỉ, vừa là phòng ăn, phòng ngủ, vừa là phòng “triển lãm” những tác phẩm mới nhất. Khi còn là sinh viên luật khoa của đại học Huế, Bửu Chỉ đã nổi tiếng vì những tranh vẽ bằng bút sắt trong các tập văn thơ tranh đấu của Hội sinh viên sáng tác phát hành vào những năm chống Mỹ. Các tạp chí xuất bản ở nước ngoài như Liên Hiệp (Paris), Thế hệ (Canada), Hòn Kẽm (Stuttgart, Tây Đức)… đều có tranh của Bửu Chỉ. Điều này, vào thời kỳ đất nước còn bị chia cắt, còn bị chiến tranh tàn phá, đối với chúng tôi không chỉ là những thông tin về cuộc đấu tranh của đồng bào và anh em bè bạn ở một vùng còn bị giặc chiếm mà còn là lời nhắn gọi tiếp sức cho nhau, gây cho chúng tôi những hưng phấn mạnh mẽ. Những cánh tay giơ lên đập xích xiềng nô lệ. Cánh chim câu in trên khuôn ngực người thanh niên đang dang tay ôm lấy mặt trời… Mỗi một hình ảnh, mỗi một nét vẽ là lời kêu gọi, là nỗi giục giã, là tiếng kêu khát vọng của con người. Tranh của anh là một thách đố thực sự trước bạo lực của chế độ Mỹ ngụy. Năm 1972, anh bị bắt cùng với nhóm bạn bè tranh đấu ở Huế. Bị đưa ra xử trong phiên tòa quân sự đặc biệt tại Sài Gòn (gọi là Tòa án Mặt trận vùng 3 chiến thuật), để trả lời những lý lẽ buộc tội kiểu phát xít của chúng, anh đã khẳng định sự lựa chọn của anh: “Chỉ bằng những hành động dấn thân xã hội, con người mới thật sự trưởng thành”, rồi thản nhiên nhận bản án 5 năm tù. Ngày 30-4-1975, ngày đại thắng của dân tộc, cũng là ngày anh được giải phóng ra khỏi trại giam Chí Hòa, một địa ngục trần gian khét tiếng của chế độ Mỹ ngụy.
Huế vào những năm sau 75… Cũng như nhiều thành phố khác trên đất nước này, Huế đã lớn lên với thật nhiều trăn trở. Với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ, một trái tim nhiều ưu tư của người trí thức, Bửu Chỉ có một thời rất trầm lặng. Tác phẩm của anh vào cuối những năm 70, hầu hết đều vẽ về quê hương. Một quê hương được nhìn từ một góc độ yên tĩnh lạ lùng. Ở đó có bức thành cổ rêu phong, có ngựa đá cỏ mọc, có bình hoa hải đường trong căn nhà thâm u… Đó là một thế giới nhuốm chất hoài niệm, bàng bạc những nỗi niềm, và khát khao được bày tỏ. Có người bảo tranh anh hàm chứa nhiều yếu tố nghịch lý, và ẩn dụ nữa. Và vì vậy, qua tranh, anh muốn đặt vấn đề về cuộc sống, và muốn tạo đối thoại với cuộc sống… Tại cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980, với “Tĩnh vật và chim”, tác phẩm sơn dầu kích thước 1m x 1m20, Bửu Chỉ đã gây được sự bất ngờ và thích thú cho người xem. Không khí tranh ở đây rất độc đáo với lối dựng hình kết hợp dân gian và hiện đại. Cảnh tượng được nhìn từ chiều ngang và từ trên xuống. Sắc độ của từng gam màu chuyển dịch từ nâu sẫm qua xám sáng, được xếp đặt rất kỹ bên cạnh những mảng màu vàng và đỏ. Hình ảnh con chim câu hờ hững đậu trên lưng chiếc ghế dựa như cứ ám ảnh lấy người xem.
Làm việc đều mà lại có vẻ tà tà là phong cách của anh. Một hôm người ta thấy tranh anh treo đầy trên tường của một quán cà phê trong thành phố. Đó là một loạt tác - phẩm - thể - nghiệm được thực hiện với một chất liệu hơi lạ là loại bố thô lấy từ bao tải đựng gạo. Cuộc trưng bày tranh trước công chúng “kiểu êm êm” này gây thích thú không ít. Khuôn mặt tròn như trăng rằm của thằng bé. Con ngựa gỗ - đồ chơi của con anh hay ngựa sắt Phù Đổng trong truyền thuyết. Những mặt trời hay vòng sáng của niềm hy vọng. Những biểu tượng về sự kết hợp âm dương đầy bí ẩn… Giới thưởng ngoạn trong thành phố gọi loạt tranh này của anh là tranh tô - tem. Có lẽ do tính cách tượng trưng, vẻ huyền bí, vừa là ngây thơ trong cách nhìn. 1982, 83, 84… Tháng năm cứ qua đi và Bửu Chỉ cứ đều đều cho ra tác phẩm của mình, khẳng định từng bước kiếm tìm và nỗ lực sáng tạo không ngừng của anh. Ở một thời đại mọi sự xảy ra đều được truyền thông một cách mau chóng nhất. Chắc chắn những gì cách tân trong nghệ thuật tạo hình không thể nào anh không lưu ý tới. Một hôm chúng tôi tranh cãi về vấn đề này. Anh đã bảo vệ rất hăng cái gọi là tình thế. Anh cho rằng một nghệ sĩ trước hết phải sống với thời đại của hắn, tác phẩm của hắn có giá trị là ở chỗ đã nói lên được một cái gì. Một họa sĩ Việt Nam năm 1980 làm thế nào có thể vẽ như một họa sĩ bên tây, nếu không muốn rơi vào một kiểu làm dáng “modernisme”. Mỗi thời đại, hoàn cảnh, mỗi không gian, thời gian đều có những suy nghĩ, những tình cảm và nỗi ám ảnh riêng. Mỗi một nội dung đòi hỏi một hình thức thích hợp. Và họa sĩ Bửu Chỉ đã chọn được cho mình cái hình thức thể hiện, cái bút pháp thích hợp với vấn đề của anh. Nó kết hợp cách nhìn dân gian với lối dựng hình trong không gian của hội họa hiện đại. Bút pháp đó có khi là những tính toán cân nhắc thật kỹ để cho một sự vật nào đó đang nằm phục ở đâu đó bỗng nhiên xuất hiện trong tranh tạo sự bất ngờ đột biến (bông hoa dại trong tranh “Ngựa đá”, cánh chuồn chuồn trong “Nhà máy vôi” v.v…).
Ở “Hải âu”, Với màu vàng dịu của bãi cát trải dài bên mặt biển phẳng lặng, con chim hải âu đậu trên chiếc mỏ neo sét rỉ cắm sâu vào lòng đất, u ẩn nhìn ra khơi và một bầu trời như đang có sa mù… “Tĩnh vật cà phê đen” với không gian tranh thật trống được phủ tuyền một màu nâu có chuyển dịch đậm nhạt chút ít tạo ra một matière rất lạ, ly cà phê một mình nằm đó như muốn nhắc nhở điều gì. “Trong phòng vẽ của tôi” với kích thước 80x140 là bức tranh khá lớn kể từ trước đến nay của Bửu Chỉ. Tranh được xây dựng bằng ba hình ảnh: đứa con trai đầu lòng của anh, chừng 5 tuổi, tay cầm chiếc diều; một mặt bàn đỏ sẫm bên trên chiếc đĩa sứ trắng có một quả xanh và ở giữa là một khung vải còn để trắng đặt trên giá, có vẻ như chờ đợi… Và thế là dù muốn dù không tranh đã đặt ra cho người xem những vấn đề. Mà vấn đề đó có vẻ như chưa giải đáp, đang cần một đối thoại? Hay đó là nỗi ước mơ về những điều tốt đẹp trong tấm lòng mỗi chúng ta?... N.H.N (11/1&2-85) |