Tuyển truyện ngắn 30 năm Sông Hương (1983-2013)
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: HOÀNG HÔN KHÔNG YÊN TĨNH
16:45 | 19/06/2018

NGUYỄN CẨM HƯƠNG

Sương chắc dày nên thành tàu buốt lạnh. Lúc này chị mới thấy cô đơn, một nỗi cô đơn tự do. Thực ra thì chị cũng đã cô đơn từ lâu rồi, nhưng tự do thì không. Lá đơn li hôn nằm lại trên bàn, chồng chị đọc nhưng không ký...

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: HOÀNG HÔN KHÔNG YÊN TĨNH
Nhà văn Nguyễn Cẩm Hương

Thành phố buổi lên đèn thật ồn ĩ đông đúc. Mặt đường ken dày đủ loại phương tiện đi lại. Chị ngồi sau xe máy chóng mặt vì tay lái điệu nghệ của con gái. Sau một hồi căng thẳng, chị cũng tới được sân ga. Con gái dập chân chống xe máy rồi trút tiếng thở dài.

- Mẹ buồn cười thật, bố đã nói chú Thăng ngày mai đánh xe đưa mẹ về tận quê rồi.

Chị mỉm cười, đặt bàn tay lên vai con gái cứ ngỡ như đang đặt lên vai một cô gái xa lạ nào.

- Mẹ muốn đi tàu.

Đứa con gái nhún vai:

- Con thật không hiểu!

Chị lọt thỏm trong cửa ga rộng thênh thang. Quay lại, con gái đã hút trong dòng người cuồn cuộn. Vẫn cái giọng nghẹt mũi của phát thanh viên nhà ga:

“Chuyến tàu thống nhất S5 đã được lệnh chuyển bánh, đề nghị quý khách khẩn trương lên tàu...”.

Chị xoãi người trên ghế. Tàu từ từ trôi trên đường ray. Bên ngoài, Hà Nội đang lùi lại. Dòng người cũng hối hả lùi (thực ra là họ đang tiến). Với chị họ đang trở thành dĩ vãng.

Người đàn ông ngồi ghế bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhìn chị như nhìn một người nhà quê ra tỉnh.

- Xin lỗi, chị nên đóng cửa lại. Gió lạnh lắm. Mà chị cứ ngó đầu ra dễ cảm lạnh đấy.

Chị chấp nhận lời đề nghị. Bén ngoài đã là những cánh đồng mờ mịt chìm trong bóng tối. Trong toa, mọi sắp xếp đã ổn định. Tiếng chuyện trò rì rầm dưới ánh đèn đỏ quạch.

Người đàn ông thỉnh thoảng vẫn liếc sang chị, có lẽ muốn bắt chuyện nhưng ngại vẻ thờ ơ của chị đành thôi. Anh ta lấy thuốc ra hút phả khói nhè nhẹ nhưng gió từ cửa sổ phía bên kia tạt lại, làm chị phải khịt mũi quay đi. Người đàn ông được dịp làm quen.

Ấy chết tôi xin lỗi. Anh ta vội vàng dụi ngay điếu thuốc vào cái gạt tàn. Chị không ưa mùi thuốc lá, tôi thật vô ý quá. Chị xuống ga nào?...

- Ồ, thế là bạn đồng hành rồi,tôi cũng xuống ga đó, chị ra Hà Nội chơi hay ra công tác.

- Tôi thăm người nhà.

- Chắc chị ít ra Hà Nội lắm nhỉ. Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều lắm.

Người đàn ông trạc tuổi chị. Phỏng biết gì hơn chị về Hà Nội?

Thấy chị nhếch mép cười, anh ta hào hứng toan rút thuốc nhưng kịp thời ấn trả vào chỗ cũ.

- Tôi công tác ngay Hà Nội.

Gớm, cái giọng thật mãn nguyện. Chị nhớ cách đây 15 năm, chị cũng trả lời y hệt như vậy.

- Mỗi năm về quê có một lần.

- Thế mà còn ít? Chị thì đã...

- Tôi chưa có cách gì để xin về cho gần nhà.

- Anh định về quê?

- Vâng, vì còn bà xã ở quê mà.

Chị quay nhìn người đàn ông với ánh mắt lộ vẻ ngạc nhiên khiến anh ta chợt hiểu.

- Tôi và nhà tôi lấy nhau trước khi tôi ra công tác ở ngoài này. Nhà tôi là giáo viên cấp I, tôi thì bên quân đội. Sau giải phóng mới đi học Đại học, ra trường lại về một cơ quan quân sự.

Người này mà lại là lính? Trông dáng cán bộ “thời cơ chế mới” thì đúng hơn. Đã có tiếng ngáy đều trong toa. Người đàn ông được dịp bắt chuyện, vui vẻ đến nỗi quên cả lại rút thuốc ra hút. Một nhân viên phục vụ đẩy chiếc xe hàng lỉnh kỉnh bánh kẹo thuốc lá nước ngọt đi qua, anh hỏi chị có uống gì không, chị lắc đầu. Anh rút một thanh kẹo cao su đưa chị.

- Nhai cái này một chút cho đỡ buồn ngủ.

Chị vui vẻ cầm, mặc dù biết rằng chẳng cần đến nó thì chị cũng không tài nào ngủ được.

- Bên quân đội chúng tôi không được thoải mái như các cơ quan khác. Thành thử chỉ thương bà xã ở nhà.

Anh rít thuốc, nhả khói bừa bãi, duỗi dài đôi chân. Chị nhăn mũi nhưng cảm thấy dễ chịu với những cử chỉ đó. Nom anh ta cũng dễ mến đấy chứ.

- Chắc chị có bạn là lính, hoặc người thân là lính, chị hiểu chúng tôi, chinh chiến bao nhiêu năm, bây giờ chỉ muốn làm một cái nghề sinh sống chứ chả muốn dính líu gì với súng ống đạn dược làm gì.

Anh cười vô tư như gặp được người bạn tri kỷ, chả để ý gì đến vẻ trầm tư của chị.

Bạn ư? Chị không có người bạn nào là lính cả. Hồi học phổ thông chị cũng từng đưa tiễn một vài ban trai đi bộ đội nhưng họ ra đi như bóng mây xa xôi, chị không còn nhớ về họ nữa. Đoàn tàu vẫn lắc lư chở những giấc ngủ chập chờn. Thấy chị im lặng, người đàn ông cũng ngoẹo đầu gà gật. Sương chắc dày nên thành tàu buốt lạnh. Lúc này chị mới thấy cô đơn, một nỗi cô đơn tự do. Thực ra thì chị cũng đã cô đơn từ lâu rồi, nhưng tự do thì không. Lá đơn li hôn nằm lại trên bàn, chồng chị đọc nhưng không ký. Khi thấy chị chuẩn bị ra đi, anh ta chỉ nói gọn lỏn: Tùy, thậm chí còn nói nếu chị cần ở riêng thì anh ta sẽ mua hẳn cho chị một căn hộ đàng hoàng. Nhưng còn con gái? Chẳng lẽ chị mất nó? Mà nó đã bao giờ thuộc về chị đâu nhỉ. Từ khi sinh ra, nó đã thuộc quyền sở hữu của cả gia đình nhà chồng. Con gái chị vãn kiêu hãnh về dòng họ bên nội. Chị không có quyền trách nó và cũng không muốn nó phải từ bỏ ngôi nhà cao sang ấy. Nhưng chị thấy mình lẻ loi. Chồng chị, chàng sinh viên đẹp trai thuở nào bây giờ đã là một gã đàn ông béo múp, quyền thế và giả dối. Chị phát hiện ra người đàn bà kia khi họ có với nhau đến hai đứa con.

Đêm bủa vây con tàu, tiếng còi hú nghe rờn rợn như tiếng thú giữa rừng.

Chị không có bạn là lính? Chị không dính líu gì tới cuộc chiến tranh mà đáng lẽ ra lớp người như chị phải tham gia? Không, chị nhớ chị có một kỷ niệm với một người lính. Nhưng lẽ nào đó lại là lời bào chữa?

Hồi đó, cũng chuyến tàu đêm như hôm nay. Chỉ khác là chuyên tàu đêm chật chội ngột ngạt giữa tháng 7. Vào kỳ nghỉ hè, sân ga Hàng cỏ đông đặc sinh viên. Kiếm được một chiếc vé vào ga không khó bằng kiếm được một chỗ len chân trên tàu. Cô sinh viên tỉnh lẻ cũng theo dòng người chạy ngược chạy xuôi rồi len nháo nhào lên một toa hàng. Chẳng biết trong toa có gì nhưng tối om và người thì đã chật ních, hôi hám, ngột ngạt. Nhưng với cô, bước được lên tàu là tốt rồi, mặc cho dòng người tiếp tục xô đẩy, cuối cùng cô cũng tìm được một chỗ ở yên chân. Thế mà vẫn chưa yên, thỉnh thoảng vẫn bị những cú va đập trời giáng vào người. Chỉ khi đoàn tàu ì ạch lăn bánh cô mới thở phào nhẹ nhõm. Con tàu như con ngựa già chở quá tải phì phò hắt ra những làn hơi mệt nhọg. Dù sao thì khi chạy nó cũng lắc lư cho đám người ai vào chỗ nấy. Lúc này cô mới để ý thấy khoảng nửa toa có phần ổn định hơn. Dù trong toa tối om cô vẫn nhận ra đây là toa quân sự. Vậy ra, cô và dòng người lộn xộn đông đúc đã chen bừa lên toa dành riêng cho bộ đội. Bỗng có ánh đèn pin từ phía đó loang loáng rọi qua.

- Xinh lắm chúng mày ạ.

- Xì cũng thường thôi, không bằng người yêu tao.

- Chắc sinh viên, nom điệu ghê!

- Cô bạn ơi, cho biết tên đi nào, để chúng tôi còn viết thư.

Cô chẳng còn chỗ để giấu khuôn mặt nóng bừng nhễ nhại. Không có gì để tự vệ những lời trêu chọc. Mà tự vệ để làm gì. Điều cô quan tâm lúc này là đôi chân bắt đầu tê dại. Một bàn tay ai đó vỗ vỗ vào bắp chân cô, kèm thêm tiếng gọi nhè nhẹ.

- Cô bạn, bước sang chỗ này mà ngồi.

Như chết đuối vớ được cọc, cô bước đại theo hướng cánh tay, dẫm bừa cả lên ai đó, một vài giọng ngái ngủ làu nhàu cáu kỉnh. Bàn tay ai đó lại kéo giật cô xuống. Cô biết mình đã được ngồi lên một chiếc ba lô, tuy không êm ái nhưng cũng đủ giải phóng được đôi chân. Vẫn cái giọng dịu dàng ban nãy.

- Cô bạn làm ơn cho tôi ngồi một nửa, tôi còn phải đi xa lắm.

- Ây chết, tôi xin lỗi.

- Không sao, ngồi xoay lưng lại là chúng ta đều có chỗ dựa.

Cô chấp nhận, lúc này thì còn hơi đâu mà xấu hổ, vả lại đêm tối lắm, chẳng ai biết mặt ai.

Hai tấm lưng áp vào nhau, đúng như lời anh ta nói, cô thấy thoải mái như được dựa. Mà có lẽ anh đã nao người cho cô dựa, khi cô cố ý nao người về phía trước ngỏ ý cho anh dựa thì cái khoảng trống giữa hai tấm lưng vẫn không được khỏa lấp. Cơn buồn ngủ đã níu kéo và cô lại dựa vào anh lúc nào không hay. Khi giật mình tỉnh giấc, cô đã thấy mặt mình úp vào khuôn ngực của chàng trai, ở đó có tiếng trái tim đang đập gấp gáp. Cô định vùng ra nhưng bàn tay đã dịu dàng xiết lại:

- Cô bạn, cứ ngủ đi đừng ngại.

Lại còn thế nữa, cô phải xử lý ra sao với chàng trai táo bạo này. Vẫn là bóng tối mù mịt và xung quanh mọi người đang ngủ say như chết. Khuôn mặt chàng trai chỉ như một cái bóng đen sẫm. Cô quàng tay lên và để yên cho anh bế lên đùi. “Có lẽ như vậy anh sẽ được ngồi thoải mái hơn”. Cô tự bào chữa cho sự xấu hổ của mình, tin rằng giấc ngủ sẽ làm cô quên hết. Song, tiếc thay, cơn buồn ngủ không đến nữa.

- Anh để tôi ngồi như thế này bất tiện quá, anh không buồn ngủ sao?

- Ngủ ư, tôi mà ngủ được lúc này?

- Các anh là tân binh phải không?

- Chẳng tân binh thì là cựu chiến binh? Chúng tôi còn chưa kịp học xong khóa huấn luyện ở Hà Bắc thì đã được lệnh phải lên đường ngay. Nghe đâu đang tổng động viên cho một chiến dịch lớn.

- Đúng rồi, trường tôi cũng đi đông lắm, có người vừa mới vào học mấy ngày đã nhập ngũ rồi.

- Bạn học ở trường nào?

- Trường Tổng hợp.

- Nghe tên đã thấy oai rồi, chắc là năm thứ nhất phải không?

- Anh đã thi vào đại học chưa?

- Tôi chưa kịp thì đã có lệnh nhập ngũ.

- Thế anh có định vào Đại học không?

- Có chứ, hết chiến tranh tôi sẽ tiếp tục thi vào Đại học. Đời sinh viên chắc vui lắm nhỉ.

- Vui lắm, nhưng...

- Nhưng sao?

- Vẫn còn chiến tranh, các bạn trai đã lần lượt ra đi hết.

Không biết chàng tân binh nghĩ gì mà cô thấy anh im lặng. Còn cô, cô bỗng thấy buồn, chuyến tàu này có bao nhiêu chàng trai nữa ra đi. Họ cũng đều 18 tuổi. Cô ngả đầu lên đôi vai mảnh khảnh của người lính trẻ, nhận thấy hơi thở của anh ấm áp bên vành tai, rồi một làn môi nóng bỏng lướt trên má cô.

- Em, em cho anh...

Cô không còn biết phải cự tuyệt thế nào và chấp nhận ra sao. Cô áp vào môi anh, cái hôn đầu tiên trong đời. Sau này mỗi khi nhớ lại cô vẫn cảm thấy bàng hoàng. Có điều lạ là cho đến sau này khi cô hôn người mà cô yêu sao vẫn không gặp được cảm giác của cái hôn ban đầu ấy. Cái hôn giữa chật chội ngột ngạt trong toa tàu tối om lại mang một niềm say mê dâng hiến đến vậy.

- Quê anh ở đâu?

Cô chỉ kịp hỏi anh như thế khi tàu đã vào ga.

- Bình Lục, Nam Hà.

Họ vội vã ôm chặt nhau giữa đám người đông đúc đang xô đẩy xuống tàu.

- Có đợi anh không?

- Có, học xong Đại học em sẽ trở về quê công tác. Hết chiến tranh anh trở về cứ đến ga này tìm em. Em sẽ đợi anh vào mỗi buổi chiều.

- Thật nhé, anh sẽ đến, sẽ về tìm em.

Câu tạm biệt cuối cùng của anh chìm lấp trong tiếng ồn ào của sân ga. Cô quay lại cố nhìn cho rõ gương mặt anh trong ánh đèn yếu ớt, nhưng chỉ thấy một cánh tay giơ lên vẫy vẫy. Gương mặt anh nhòa lẫn bao gương mặt ló ra ở cửa toa.

Cô đã không chờ, cũng không về quê công tác như đã hẹn. Cô yêu và lấy được người mình yêu, được làm việc ở một nơi mà khối người mơ không được. Cô hài lòng với những gì cô đạt được. Cô không có lỗi gì cả.

Ngay bây giờ khi nhớ tới kỷ niệm đó, cô vẫn thấy mình có lý “Không ai tin một lời hứa vu vơ với một người không quen biết”.

- Ô, sắp đến ga rồi, chuẩn bị xuống thôi chị.

Người đàn ông vươn vai, tưởng chị ngủ quên nên vỗ vỗ lên tay chị.

- Anh ngủ say thế mà tỉnh giấc thật đúng lúc.

 - Ồ, tôi đi tàu nhiều nên thành phản xạ rồi.

Đoàn tàu từ từ đỗ lại trên sân ga. Nhà ga khang trang hơn trước nhiều nhưng người thì vắng hơn, không còn cảnh chen chúc hỗn loạn như thời nào. Hành khách đã nhanh chóng xuống tàu. Nghe nói tàu đỗ rất ít phút. Ông bạn đổng hành của chị cũng nhanh tay xách luôn cho chị chiếc túi du lịch trong khi chị còn mải cài dây giày. Chiếc túi của chị khá nặng, thế mà anh ta vẫn cứ đi băng băng. Một thoáng hồ nghi, thời buổi này biết ai ngay hay giả mà tin, chị vội vàng đuổi theo nhưng vẫn không kịp với bước chân khỏe khoắn của ông bạn đồng hành. Thiếu một chút nữa là chị hô hoán khi thấy anh ta đã tới cửa ga. May sao, anh dừng lại, đặt túi xuống chờ chị, bắt gặp nét mặt hốt hoảng của chị, anh hiểu ý cười xòa.

- Tôi làm chị lo phải không? Nào bây giờ tôi nhường chị xách dùm qua cửa soát vé để chị yên tâm.

Chị cười bẽn lẽn, không biết nên xin lỗi hay cảm ơn. Bên ngoài cửa ga, đám xe ôm và đám xích lô đã vây kín nhao nhao chào mời. Chị ngỡ ngàng lúng túng trước cảnh tượng lạ lãm như thế này.

Người bạn đồng hành đỡ chiếc túi trên tay chị rồi kéo chị ra khỏi đám “phu xe”.

- Trời còn tối lắm, chị về bây giờ không tiện. Ta ra quán nước một lát rồi chờ sáng. Tôi cũng chưa cần phải về ngay đâu.

Lúc này, chị cũng chẳng còn ai ngoài anh để mà tin. Đỡ chén trà nóng trên tay anh, chị thấy ân hận cho những ý nghĩ xấu về người bạn đường.

- Chị về còn xa không?

- Gần thôi, ngay trong thành phố.

- Ồ, thế thì yên tâm rồi, tôi còn phải đi hơn chục cây số nữa mới tới nhà cơ.

- Vậy ra mỗi lần về anh cũng vất vả nhỉ?

- Ăn thua gì, duyên số mà chị. Tôi có phải người tỉnh này đâu.

- Chắc anh phải nặng nghĩa nặng tình với mảnh đất này lắm.

- Vâng, kể cũng buồn cười, thật ra tôi nặng nghĩa nặng tình là bởi cái ga này kia. Sau chiến tranh, tôi đã chờ đợi ở sân ga này không biết bao nhiêu ngày. Cuối cùng tôi đã gặp được nhà tôi - người mà tôi không chờ đợi. Cũng may trời đã cho tôi gặp được người vợ tuyệt vời. ơ, chị sao thế, lạnh phải không, uống chén nước nữa cho ấm bụng, sang tháng tư rồi mà trời còn buốt thế.

Một chiếc xe ôm đỗ trước quán, anh xua tay nhưng chị chạy theo.

- Anh cho tôi đi.

 - Ơ kìa chị, để tôi gọi xích lô cho. Sao chị vội vàng thế?

Chị nhảy lên xe ôm giục người lái xe, quên cả nói một lời chia tay với người bạn đường.

“Có thể không phải là anh? Trên sân ga này đã từng có biết bao nhiêu lời hò hẹn, những lời hò hẹn không được thực hiện vì chiến tranh, và vì...”.

Lại bào chữa rồi, bao giờ chị cũng tìm được lí do để bào chữa cho mình. Trời rạng dần, lâu lắm chị mới được trông thấy một buổi bình minh thực sự như thế này.

N.C.H

(SH số tháng 10 - 1996)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng