Tuyển truyện ngắn 30 năm Sông Hương (1983-2013)
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: SÔNG ƠI
14:30 | 12/07/2018

TRẦN THANH HÀ

Ngày đó, ông tôi mở nắp chiếc thùng gỗ lấy ra một bộ áo chùng đen, xuýt xoa ngắm vuốt rồi mặc để ra Gò lễ cúng. Chưa bao giờ hương khói nhiều và thơm đến thế, hương bay toả khắp ruộng, khắp đồng khắp mặt sông...

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: SÔNG ƠI
Nhà văn Trần Thanh Hà

1.

Khởi thủy dòng họ tôi là một chuyện tình yêu. Ông tôi kể, họ Trần tôi gốc gác tận ngoài Bắc, ở một làng có tên là Hải Thượng. Nghe nói Hải Thượng có long mạch chạy qua, địa linh nhân kiệt, nhiều người đỗ đạt làm quan, danh tiếng một vùng. Ông tổ tôi học rộng biết nhiều, tính tình phóng túng, ngoài bảy mươi, đã con đàn cháu đống, vẫn đem lòng si mê một thôn nữ làng, quyết cưới bằng được về làm thiếp. Chẳng dè cô này với anh con út - tức ông tổ họ Trần làng Hạ tôi - tên là Trần Văn Nhược, vốn có tình ý với nhau từ trước. Không dám can gián cha, ông Nhược chỉ biết than trời. Bà thiếp biết ý bèn rủ ông Nhược, bàn mưu tính kế trốn đi. Mưu trước bại lộ, ông Nhược bị nọc đánh trăm roi. Bà thiếp bị nhốt trong buồng kín, đêm đó cắn lưỡi tự vẫn. Ông Nhược hay tin, đau đớn định chết theo, may có người khuyên nhủ, rồi chỉ đường cho vào Nam. Thuở ấy chúa Nguyễn bỏ đất Bắc, trên đường Nam tiến, du nạp hết thảy những kẻ phản nghịch trong thiên hạ. Trong đám tôi tớ ấy, có mặt ông Nhược. Chúa Nguyễn khi vào Nam chọn nơi đóng đô đầu tiên ở vùng bán sơn địa đất Minh Linh, bắt nguồn Bến Hai (chỗ ấy ngày nay vẫn còn, gọi là Hố Diện). Nghĩ đến an dân làm gốc, Chúa sức quân lính dụ dân lập làng, rải khắp vùng Ô Hóa. Ông Nhược bấy giờ xuôi dọc sông Bến Hai gặp đoạn sông uốn cong thơ mộng bèn dừng chân, chiêu dân lập đất. Thương nhớ quê cha đất tổ, nghĩ làng mới cũng hình bóng làng cũ, ông đặt tên làng là Hải Hạ, về sau dân quen gọi tắt thành làng Hạ; sau còn đoạn sông trước mặt làng, bởi xinh đẹp hiền hòa nên có tên là sông Hiền.

Ông tôi bảo, họ Trần từ thuở khai thiên lập địa ấy đến nay đã tám đời. Tám đời, dân làng chuyên chú một nghề cày cấy, sông nước đấy nhưng tuyệt không ai chài lưới. Ông bảo thêm: “Sông nước như hồn của làng, phải biết giữ cho trong, cho sạch. Người họ Trần sinh ra, biết soi xuống sông, ắt thành người”. Tôi nói “Dưới sông nhiều cá”. Ông bảo: “Đến phải vấy đục sông để kiếm cái ăn thì tận diệt”. Cha tôi ngồi trong cuộc chuyện hôm ấy góp lời: “Làm gì cũng được, miễn đừng đói, đừng nghèo, đừng dốt. Hai bàn tay trắng mà bươn chải với đời, nhọc lắm”. Tôi ngơ ngẩn nhìn đồng đất trắng dưới nắng hạn, cầu mong cả những dây muống hoang cũng đừng chết để chiều không phải cắp rổ không về nghe bà thở dài. Bao nhiêu đời kiếp cắm cúi làm ăn gắng giữ hồn làng trong sạch, sao làng không khỏi đói. Bà kể, ngày bà về làm dâu ở làng, nhà giầu nhất làng, gia sản nghe nói cũng chỉ mấy cái ghế đá chạm hình nghê hình rồng là đáng giá. Thời hợp tác hóa, mấy cái ghế này được sung công để trong nhà uỷ ban, chuyên dành cho khách quý ngồi. Học lớp bảy, lần đầu tiên khai lý lịch để kết nạp đoàn, tôi hỏi cha: “Thành phần gia đình con ghi thế nào” Cha bảo: “Cán bộ công nhân viên chức”. Tôi thắc mắc “Thế con khác cha à? Cha là bần nông?” “Cha ừ rồi bảo: “Đừng hỏi. Không nên biết làm gì!”.

“Thế bà thành phần gì?” tôi hỏi. Bà cốc đầu tôi chửi: “Cha mày, tao dân ngu khu đen”. Mỗi lần về thăm bà, bà lại gói cho chị em tôi ít khoai ngô hay đậu quả. Nhà tôi ăn gạo sổ, không đủ, bà cũng phải cho thêm gạo. Bà bảo: “Bần nông nuôi công nhân, thế đấy con ạ! Mai mốt có là ông nọ bà kia thì cũng nhớ mày từ bùn mà nứt ra”.

Bấy giờ còn trong ký ức là những ngày hội làng. Hai năm một lần, tổ chức vào dịp đầu xuân, ở bến Ông cả bến nước lớn nằm ở đầu làng, sát cạnh cái cống thoát nước của thuỷ nông. Một năm đầu tắt mặt tối, lúa gạo, hơi sức đem dành hết cho một dịp hội, mà cười, mà reo, mà nổ pháo. Trước ngày hội, trai đinh trong làng họp nhau, phái nào theo phái ấy lên Gò dẫy mả, sửa sang thế giới của người chết. Xưa nay người làng chết đều được đem ra gò; chôn quanh một ngôi mả to tục truyền là Mả Tổ, mâm cúng được đặt trên mả tổ, gồm xôi, gạo, muối và thủ lợn, năm nào được mùa thì thêm xôi, thêm thịt để cúng xong chia lộc cho con cháu. Lộc là nắm xôi miêng thịt gói trong lá chuối bà tôi mang về chia cho chị em tôi, không đủ ăn thèm. Ngày đó, ông tôi mở nắp chiếc thùng gỗ lấy ra một bộ áo chùng đen, xuýt xoa ngắm vuốt rồi mặc để ra Gò lễ cúng. Chưa bao giờ hương khói nhiều và thơm đến thế, hương bay toả khắp ruộng, khắp đồng khắp mặt sông, nhiều ngày sau tưởng còn lẩn quất trong áo, trong tóc. Rồi dựng cổng chào, rồi quét tước đường ngõ. Trẻ con chúng tôi chạy quắng quít từ nhà này sang nhà khác, từ làng ra Gò, lại từ Gò vào làng, thích làm thích ăn gì cũng được, chẳng bị mắng. Ngày chính hội có đua thuyền, theo từng đội sản xuất, mỗi đội một thuyền, thuyền xông trầm hương nưng nức. Dân làng tụ tập cả dọc bên bờ sông, đánh chiêng gõ mõ, hò reo náo động. Thuyền về nhất được thưởng một giải vải đỏ cắt chéo ở giữa có thêu chữ “Giải nhất”, kèm theo một tút thuốc Đà Lạt hay Mai gì đó, chủ yếu cho thanh niên hút xả hơi. Những cô gái làng từng ngồi thêu cờ giải cầu mong cho người thương mình về nhất. Người ta cổ vũ cho đội mình, cho xóm mình. Bọn học trò vỗ tay mừng cho thằng bé tát nước trong thuyền nhất, và suốt năm đó, nó được trọng nể giống y một vị anh hùng vậy.

Năm tôi học xong đại học, không xin nổi việc làm, thỉnh thoảng tôi về làng nằm trên cái chòi cả của anh Dương ngắm sao trời. Anh Dương con bác Nhẫn, đi bộ đội, đánh giặc tận bên Campuchia, nhờ lập nhiều thành tích mà được thăng sĩ quan. Ra quân anh về làng sắm lưới sắm thuyền, giăng khắp một khúc sông, thành người đầu tiên ở làng sống nhờ sông nước. Tôi hỏi: “Sao anh không ở bộ đội mà về?” Anh bảo: “Thời chiến chẳng cần trình độ cũng thành anh hùng, thời bình văn hoá thấp, ở được cái khỉ”. Tôi kêu nhớ những hội làng xưa, tỏ ý tiếc lâu lắm không được xem hội, anh nhếch mép: “Con khỉ! Lo làm ăn, chả ai dư công. Thời này nghèo, nhục thế!”. Tôi giật mình, sao anh nói giống cha tôi, thuở cha còn sống. Năm sau gặp lại anh Dương, thấy anh vè vè chiếc Dream II mới cứng, tôi khen: “Anh khá thật, chài lưới cũng đủ sắm xe!”. Anh cười: “Chài con khỉ, tao với bọn thanh niên cắt đường biên qua Lào làm thợ xây thợ nề, kiêm được ít bạc, luôn tiện vác chiếc xe về chạy chơi. Vượt biên cũng hãi bỏ mẹ!”. Rồi anh chỉ chiếc xe. “Có năm triệu, bèo lắm! Lậu trăm phần trăm”. Tôi hỏi: “Anh đi xe lậu, không sợ à?”. Anh nói: “Phép vua thua lệ làng. Đây có luật riêng”. “Cựu chiến binh nói hay nhỉ!” - tôi đùa. Anh phẩy tay: “Trước đây lính tráng tao thuộc về nhân dân, bây giờ dân đen, tao thuộc về tao”. Tôi nghĩ, thế hẳn anh đã bớt đi cảm giác nhục vì nghèo, nhưng hình như không phải, vì sau đận ấy không trở lại nghề chài lưới nữa, anh đi đào bom tháo lấy kíp, thuốc bom: “Hàng thời thượng, cao giá, dễ ăn hơn cả thuốc phiện” - anh bảo. Anh xây bằng được cho bác tôi cái nhà, định bụng sắm thêm cái máy tuốt, nhưng chưa kịp làm thì anh bị nạn, mắt mù, tay trái cụt. Từ đấy anh ngồi nhà, hai bác lại phải nuôi. Không biết giờ đây anh khát vọng gì...

Hồi cha mẹ tôi dọn nhà ra phố huyện, để tôi ở lại với ông bà, tôi hay nằm cuộn trong chăn nghe ông kể tích làng. Ấy là những ngày mưa lụt nước trắng băng cả đồng không làm gì được. Trong câu chuyện của ông, làng hiện lên với bao đình chùa miếu mạo, với cảnh sông bến tuyệt đẹp. Kể xong ông ngồi bần thần: “Bom đạn thằng Mỹ phá nát hết rồi” - ông nói, như là để thanh minh cho cái sự thực ở làng bây giờ không có hình bóng đình miếu, nhà thờ. Tôi hỏi: “Không có đình miếu thì sao, hở ông?”. Ông trả lời: “Thì linh hồn làng không biết trú vào đâu, nhất là của người chết”. Tôi nhớ vì lẽ đó mà họp họ, ông đề nghị họ Trần dựng cái nhà thờ họ, lấy chỗ thờ cúng, họ nhất trí, nhưng bàn để chờ có tiền làm tường gạch ngói liệt luôn. Bàn thế mà lúc ông tôi mất rồi, cho đến bây giờ, vẫn chưa thấy họ dựng nhà thờ họ. Biết đâu trong cơn hấp hối, ông vật vã mãi không nhắm mắt được cũng bởi điều đó?...

Ông tôi là người thuộc nhiều tích, tục. Thời trẻ ông đi bộ đội Nam tiến đánh Tây, hoà bình về làng làm xã viên hợp tác xã, về già chuyên mỗi việc cúng tế. Ông bảo cúng tế là việc trọng, không được coi thường. Năm nào xuống vụ ông cũng bảo cấy hẳn một sào lúa nếp để dành cúng quảy. Có năm, nhà hết cái ăn, bà và tôi đi đào khoai mụt sót ở ngoài đồng, ông vẫn không cho ăn chỗ lúa nếp trong sập. “Hương hồn làng nước là ở cái gốc, mất nó là mất tất” - ông dạy thế. Cũng theo lời ông thì người làng chết xuống, hồn lẩn quất nơi trần gian dõi theo người sống, bắt tội những ai không theo tục làng, lệ nước. “Bắt chết hở ông?” - tôi hỏi. Ông trả lời: “Mà chết bất đắc kỳ tử”.

Sau này người ta bảo cha tôi chết bất đắc kỳ tử. Không biết có phải là do người âm bắt không?

 

2.

Cha tôi mất khi mới ngoài bốn mươi. Chiều đó xới đất cho gốc ổi xong, kêu mệt, cha đi nằm rồi ngủ luôn, không dậy nữa. Tôi từ trường về, nhà đã đông người lắm. Mẹ bảo tôi vào nhìn mặt cha lần cuối. Tôi lật tấm khăn che, thấy gương mặt cha thanh thản, như vẫn nở một nụ cười. Tôi khóc, ước cho lòng cha thật được thanh thản như thế.

Bà sinh cha đúng năm đói bốn bốn. Hai năm sau sinh tiếp chú tôi. Bà kể, chú chưa đầy tuổi, bà bị bắt vào đồn Tây vì tội có chồng đi bộ đội, đang ngoài đồng không kịp gửi con. Ớ nhà đói cha lê ra bến, cứ thế bốc đất sét ăn, rồi ngủ quên ngoài bờ tre. Hai hôm sau bà hớt hải chạy về, gặp cha vẫn ăn đất thế. Chú thì được bà hàng xóm bế đi xin sữa, nhưng vắng hơi mẹ, cứ khóc lạc cả tiếng, hôm sau nữa lên cơn sốt, được ba ngày thì mất. Bà bảo không biết cha tôi thì phải mệnh đất không mà hễ đói thì ăn đất bù cơm, lớn rồi hễ mụn nhọt hay đứt tay đứt chân cũng bới đất đắp vào, cũng lành, chả cần thuốc thang. Rồi bà thủng thỉnh: “Đất thiêng lắm, nhất là đất mồ đất tổ như làng ta”. Tôi nghĩ thầm, hèn gì cái nhà tôi ở phên là phên đất cái bếp bằng đất, cái nồi bằng đất, cái cốc ngoáy trầu của bà cũng bằng đất. Một buổi ngồi trong góc lớp vỡ lòng, tôi cạy đất ở trườns lớp cho vào miệng, ông giáo Khoá nhìn thấy, ông phạt tôi đứng úp mặt sau lớp hết buổi hôm đó, tối về tôi còn bị mẹ phết ba roi vào mông. Tôi khóc vì đau thì ít mà vì tủi thân thì nhiều.

Cho đến bây giờ, cha tôi là người học cao nhất làng. Từ cha trở về trước, đời thứ ba thứ tư gì đó, chỉ có mỗi ông Trần Văn Tài là học đến tú tài, thi đỗ về làng, làng võng lọng đón tiếp ghê lắm. Lớp trước cha, duy có ông giáo Khoá được học chữ quốc ngữ, xong được thành chung, về sau dạy bình dân học vụ, sau nữa dạy trẻ con học vỡ lòng. Ông giáo Khoá lấy bà cô họ tôi nên tôi gọi ông bằng dượng, đi học ông gọi tôi đọc bài, tôi đứng dậy vòng tay cúi đầu, nói: “Dạ thưa dượng!” Cha cũng học chữ với ông Khóa, rồi lên cấp hai, cấp ba, rồi vào đại học. Nghe nói cha phải hai ba lần thi mới được gọi đi học, lần đầu cha thi tổng hợp văn nhưng vì thanh niên giới tuyến thành ra xã cất cái giấy gọi để cha ở nhà phục vụ chiến đấu; năm sau cha thi kinh tế quốc dàn, đỗ nốt, may nhờ có người bà con làm trong ủy ban rỉ tai bà tôi mới biết. Bà chạy lên uỷ ban đòi xem cái giấy cho bằng được, xem được rồi bà đòi ủy ban xã ký giấy cho cha đi. Bà viện lý nay mai thắng giặc không có người học kinh tế thì làm sao để kiến thiết đất nước. Vậy là xã cho cha tôi đi. Người xã xì xầm rằng bà thiếu tinh thần yêu nước, bà đứng ngay giữa sân nói: “Bà mà đẻ được thì bà cho con bà đi bộ đội ngay”.

Năm đó Mỹ leo thang chiến tranh, đánh nống ra miền Bắc, cha lần hồi ra được thủ đô, trễ mất một tháng học. Mãi tới năm ngoái đây tôi mới đến trường Đại học kinh tế, nơi này xưa cha tôi học. Tôi ngồi trong một quán nhỏ trông ra đường Giải Phóng, uống nước sấu và ngắm người qua đường. Tôi nghĩ Hà Nội từ ngàn xưa người ta đã thích nước sấu như thế này rồi, và trên những con đường tôi đi, người ta cũng từng đi nhiều rồi.

Cha ra trường đi làm ở ủy ban huyện mới quen và lấy mẹ tôi. Mẹ người cùng xã nhưng khác làng, thời trẻ nghe nói cũng nhan sắc, có thế mới lấy cha tôi. Theo như mọi người nói thì cha là người sớm thành đạt, vì đến khi mất cha đã làm đến giám đốc công ty rồi. Ngày nhỏ sống ở ngoài làng, tôi đã thấy cha tôi oai hơn những người khác. Tuần cha tôi về một lần, đi chiếc xe đạp thống nhất có biển số, đài ra-đi-ô khoác bên vai, về đầu làng chưa thấy người đã bắt tiếng. Buổi tối cả xóm tụ tập tại nhà tôi nghe thời sự, cái gì thắc mắc thì hỏi cha tôi. Ngày chủ nhật cha loay hoay giúp mẹ ít việc, nặn cho tôi con tu huýt đất, sáng thứ hai khoác đài lên vai, lại đi. Tôi học lớp ba, mẹ về làng mang tôi ra phố, không để ở với ông bà nữa. Mẹ hay mắng tôi đần, vì mẹ cắt đặt việc nhà tôi hay quên, không làm, suốt mấy năm trời mỗi bảng cửu chương tôi cũng không thuộc. Chỉ mỗi trò theo đuôi bọn trẻ xóm dưới ra đồng là tôi thích. Cha thỉnh thoảng nhìn hút gương mặt tôi, thở dài. Tôi săm soi gương mặt mình trong gương, thấy buồn vì cha có lý, tôi không giống cha, không giống mẹ, vậy tôi giống ai? Sau này tôi mới biết một cách thấu đáo, tôi chỉ là tôi, bản thể là sự cô đơn, mọi gắng gỏi làm đổi thay đều vô ích và nực cười.

Tôi càng lớn càng thấy cha mẹ xa cách. Tôi viên trong thế giới của sách vở và những giấc mơ. Tôi lục tìm trong sự nhẫn nại của mẹ và sự im lặng của cha căn gốc cái sự không - giống - ai đã thành một ám ảnh. Trong góc buồng đầy mạng nhện cha tôi kê một chiếc rương nhỏ cũ kỹ khoá cứng và không bao giờ mở được. Điều đó kích thích trí tò mò của tôi. Giờ thực hành hoá học, nhân lúc thầy giáo mải làm thí nghiệm và bọn bạn đang chăm chú xem, tôi đã đánh cắp một ít a xít để mang về đổ vào lỗ khoá. A xít dính vào ngón tay cái tôi thành một vết bỏng sâu làm tôi đau đớn suốt một tháng sau, và dấu ấn vết sẹo cháy thì còn mãi đến hết đời. Tôi chờ từng khắc nhà vắng để đọc mớ giấy của cha. Trong cuốn nhật ký, như chứng tích của những tình yêu không thành và những mưu tính đường đời, những mưu tính bạo liệt từ thuở thành niên của cha. Thứ hấp dẫn tôi nhất là một tập thư dày viết bằng giấy pơ luya màu hồng, nét chữ mực tím nghiêng nghiêng, nhiều bức đã ố màu. Đấy là một thứ tình cảm da diết, nồng nhiệt, đam mê và đau đớn. Chữ ký không biểu lộ một cái tên, nhưng tôi biết đấy không phải là mẹ, mẹ chỉ có khả năng nhẫn nại và cam chịu. Tôi bắt đầu hiểu lờ mờ về cái gọi là tình yêu, cũng bắt đầu hoài thai một giấc mơ mới...

Cha đánh tôi đến lúc những vết roi hằn bầm trên da. Tôi không khóc, chỉ ngạc nhiên. Cũng như sau này tôi thỉnh thoảng lại giật thột ngạc nhiên trước cái nhìn trong tấm ảnh cha chụp thời trẻ đặt trên bàn thờ.

Vào thời trẻ, người ta tự tin biết bao, chỉ khi thất bát mối tình đầu, và cùng với nó là nhiều nhiều những thất bát khác, người ta mới biết cam lòng.

Lần yêu đầu tiên tôi cũng nhiều kỳ vọng, nhiều ảo tưởng, khi đổ vỡ tôi tưởng mình có thể chết đi, nhưng mọi sự vẫn tiếp diễn dưới một con mắt nhìn có chuyển đổi về chất, ngày mỗi thấy những chuyện đại loại như thế ít ý nghĩa hơn. Tôi vẫn tự cho rằng mình thuộc lớp đại chúng vô thần. Vô thần hay không niềm tin, hai khái niệm này không chắc liên quan gì nhau, có điều tôi đã tin rằng chính ra cả cuộc đời tôi, tôi luôn dấn bước trong vòng cương tỏa của cái nhìn cha thuở tôi bé bỏng. Cõi nhân gian rộng lớn, lòng người thăm thẳm. Tôi rùng mình nhận ra cái kết cục hư vô của mọi khát vọng dấn thân là có thực.

Sáng đó tôi ngồi cùng cha trên thềm đất trước biển. Ngoài khơi xa lác đác vài cánh buồm mỏng manh. Ấy là lần đầu tiên tôi biết biển. Cha mang tôi theo trong kỳ an dưỡng sau khi đã thôi làm giám đốc công ty vật tư. Cha ngồi trầm ngâm, buồn bã. “Phận người mỏng lắm!” - cha bảo. Tôi nhìn mãi mặt biển, nghe lòng mang mang. “Vậy cái gì an ủi con người” - tôi hỏi. “Áo vọng” cha trả lời, rồi nói thêm: “khi không biết ảo vọng nữa, cuộc đời thật đáng buồn”. Tôi muốn khóc quá, sao biển rộng rãi, sao biển xanh đến thế mà không thể an ủi được tôi?

Trong mặn mòi và hoang vu tình yêu đầu, tôi cũng nghe ầm vang tiếng sóng trần tục, da diết, y buổi sáng hôm ấy, trước biển...

Cha ơi! Tôi gọi. Cha không giữ gìn được tôi, không bảo ban được tôi khi tôi đặt chân vào cõi miền ảo vọng...

 

3.

Cha tôi mất rồi, bà hay ra ngồi ở bến sông, nhìn đăm đăm ra mặt sông. Mặt sông trống rỗng, chỉ lấp lóa ánh mặt trời được phản chiếu. Mẹ nài nỉ bà lên ở với mẹ con tôi, bà thở dài: “Chết quay đầu về mả tổ. Đừng nài”, thế là bà vẫn ở ngôi nhà cũ sát bến sông, thỉnh thoảng chị em tôi về ở với bà ít hôm, lại đi. Sang năm sau bà mất. Mộ bà đặt chếch về hướng tây, trên gò Mả Tổ. Tôi nhớ ngày xưa bà cũng hay ngồi trên bến sông, và hát. Bà hát thế này:

Chèo đò bẻ bắp trên sông

Bắp chưa có trái bẻ bông chèo về...

Nghe bà hát, tôi cũng hướng mắt sang bờ bên kia. Bên kia sông, lờ mờ một bờ cây lá xanh thắm rậm rịt. “Bên kia sông có gì?” - tôi hỏi. Bà bảo: “Chẳng có gì!”, xong trở gót vào nhà. Tôi không tin lời bà. Tôi hình dung bên đó là một miền khác hẳn làng tôi, rực rỡ hoa lá, một miền vạn bờ hoa non tơ ngào ngạt hương, và ong và bướm và lời ca, réo rắt, rộn ràng. Đêm đêm tôi ngộp thở, thấy mình bơi sang bờ bên kia, trần truồng, không xống áo, lạc trong biển hương thơm sắc màu, da thịt, tóc tai đẫm quyện phấn hoa. Cứ thế tôi đi, đi mãi, đi mãi, xa làng xóm, xa những mùa hạn hán lụt bão, xa những tiếng reo hò về trưa trên bến sông...

“Giá mà mình biết bơi” - một trăm một ngàn lần tôi ước ao thế. Bao nhiêu ban trưa tôi theo đám trẻ ra sông tắm, nhìn chúng nó quẫy lộn hụp lặn như chạch mà phát thèm. Tôi không hiểu tại sao mình cũng sinh ra trên sông nước như chúng nhưng tôi lại không biết bơi. “Bơi như tao đây này” - thằng Phúc bảo, tôi hụp nhanh xuống nước. Tôi nằm xuống, chống hai tay xuống bùn, cả hai đầu gối cũng chạm bùn. Cứ thế tôi bò quẫy trong nước, làm bùn nọn quặn lên, đục ngầu. “Ê, ê...” - những đứa trẻ khác gọi. Tôi nín thở: “Bơi này!. Bơi này!” - tôi nghĩ, và tiếp tục bò đến lúc nước ngập cổ, ngập đầu. Hụp! Bờ đất hẫng. Nước sặc vào mồm, vào mũi. Tôi chới với, rồi rơi ngay vào một hố thẳm đen ngòm, không định hướng, không chạm đáy, cứ hun hút, hun hút. “Ê! Ê!” - long bong những tiếng gọi nhằng nhịt, như ma lực, như ám ảnh.

Bà khóc lóc chạy theo ông Phiếm. Ông Phiếm vác tôi trên lưng, vác ngược, chạy quanh làng.

Tôi không chết đận ấy, nhưng từ đó bà cấm ngặt, không cho tôi bước xuống bến sông nữa. Tôi khóc thầm trong những giấc mơ đêm. Ôi bờ cây xanh thắm của tôi...

Làng tôi bên lở. Mỗi năm mùa lụt xong, đất cứ sụt từng tảng lớn, có lúc sụt luôn cả tre pheo. Con đường chạy men sông, nhiều đoạn nước xói vào, há vòm đất giống y hàm con sư tử. Tám đời dựng làng, không biết sông đã ăn vào mặt làng bao nhiêu... Tất cả nhà cửa trong làng thành nếp xưa nay đều quay ngõ ra sông hứng gió nồm. Thường nhà nào cũng có bến, bến nhỏ, khuất nẻo dưới tán tre. Bến mang luôn tên người chủ nhà như bến nhà tôi gọi là bến ông Vực, vì ông tôi tên Vực. Hai chục năm bây giờ tôi trở lại, sông nước làng mạc đã đổi thay, vậy mà bến vẫn cứ lưu giữ cái tên của người khuất núi, tưởng chừng như một sự ký thác.

Sông ơi, nơi đó tôi bắt đầu ảo mộng đầu tiên...

Tôi nhớ ngày học vỡ lòng, tôi ngồi cạnh một đứa tên là Phúc. Nó là một đứa con trai rất đen có cái bụng tròn và to. Nó hơn tôi một tuổi, con ông Đạo ở sát cạnh nhà tôi. Ong giáo Khóa xếp tôi ngồi cạnh hẳn cũng chỉ vì thế. Từ nhà sang trường cách một khúc đường, có băng qua con giao thông hào đào từ hồi chiến tranh. Chỉ thế bà tôi cũng lo. Cứ ăn cơm trưa xong là bà gọi vọi sang nhà ông Đạo: “Phúc ơi, mày sang dẫn em đi học với!”. Thằng Phúc tí toé chạy sang, cầm chặt tay tôi: “Đi!”. Không ngờ chính thế mà bọn trong lớp cặp đôi tôi với nó, hễ thấy nó dắt tay tôi đi là chúng gào: “Vợ chồng! Vọng chờ!” Tôi mách bà, bà mắng: “Láo, mày với nó bà con, nó gọi mày bằng cô”.

Thường buổi học nào khổng học, thằng Phúc phải đi chăn vịt. Nó đội cái nón mê, cầm con sào dài có buộc một túm ni lông phất phơ phía trước, đi lúp chúp như cái nấm. Cuối buổi từ đồng về nó đứng ngoài bờ rào gọi. Tôi chạy ra. Nó đưa tay, thả vào lòng bàn tay tôi một con đam đã bị bẻ càng. “Thích không?” - nó hỏi. Tôi vừa gật vừa chạy biến vào nhà. Thằng Phúc đứng lại một lúc bên bờ rào rồi mới lúp chúp trở lui.

Sau buổi tôi suýt chết nước, ban trưa nó không ra sông nữa. Nó vạch bờ rào dâm bụt, bẻ lá xếp thành một chỗ ngồi rồi rủ tôi ra đó chơi. Nó làm những chiêc lồng đèn bằng hoa dâm bụt đỏ tía, treo lủng lẳng trên một cái que, lắc qua lắc lại trước mặt tôi. “Làm vợ chồng, thích nhỉ!” - nó nói. Lúc sau nó lại bảo: “Hay tao với mày chơi trò vợ chồng đi!”. Tôi bảo: “Cần gì bà con”. Tôi xăng xởi chạy vào nhà hỏi bà xem liệu tôi với nó có thể chơi như thế được không. Bà hét: “Khốn nạn!”, rồi rút phắt sợi mây trên chái bếp xuống, quật cho tôi một trận và cấm tôi chơi với nó. Tôi đã không chơi với nó nữa thật, cả khi mẹ về mang tôi đi, tôi cũng không từ biệt nó. Sau này thỉnh thoảng tôi có gặp nó, thường là trong đám chạp họ, nó già câng, mặt lầm lì, mắt lờ đờ đọng một nỗi cam chịu u mê. Vậy mà nó là thằng bạn trai đầu tiên của tôi, là đứa con trai đầu tiên và duy nhất nói với tôi về trò chơi vợ chồng một cách nghiêm túc. Mười chín tuổi, tôi yêu lần đầu, gã con trai cũng đồng trinh như tôi chiếm đoạt tôi như một lẽ thường, không cần biết tôi có thích cho hay không, như thế, mãi mãi. Nhiều năm tôi ôm nỗi cay đắng mụ mẫm trong biển tình mênh mông hư ảo, thành ngôi nhà từ thiện giống một tất yếu khi đã mở rộng cửa cho người lữ khách thứ nhất trú ngụ. Tinh yêu là gì? Sơn bảo đó là một thứ xa xỉ phẩm. Sơn và tôi khác gì nhau? Chúng tôi giống cây đèn cù, quay quáy, quay quáy, mỗi lần trở về gặp nhau mắt đọng thẳm một nỗi hoang vắng. Hoài vọng không được, chúng tôi quay ra khinh bi nhau. Sơn đòi hỏi tôi cái điều tôi đã không giữ được trong một trò chơi, thuở nhỏ.

Đó là lần tôi bị ốm. Bà bảo: “Mày ở nhà để bà đi kiếm lá xông”. Tôi ngồi bên cái chõng của ông trong căn buồng tối lờ mờ. Bà dặn tôi ngồi thế để nhỡ ông gọi sai gì thì làm. Mà ngồi trong buồng tối, cạnh một người ốm hơi thở nóng rẫy, buồn biết bao nhiêu. “Cháu đi chơi đi, mặc ông” - ông nói. Tôi chạy ra ngoài, vườn vắng, đường vắng, bến vắng. Tôi trở vào, bắc hai con ghế đẩu dài và chơi trò cập kênh. Cắc! Tôi lặng người, nhưng rõ ràng là không hề đau. Nhưng có một thứ gì âm âm bò giữa hai đùi, nhột nhột. Tôi cứ ngồi mãi ngoài gốc ghế không dám vào nhà vì sợ. Chiều bà gọi tôi ra giếng tắm. Tôi lần khân mãi. “Lột quần ra!” - bà giục. Tôi vừa lột quần, bà đã nhìn chắm vào chân tôi. Giữa hai đùi, hai vệt máu đỏ chảy ngoằn ngoèo. Bà tái mặt, chộp lấy vai tôi: “Chuyện gì hả?” Im lặng. Bà vỗ bộp vào mông tôi, hét: “Nói ngay, đứa nào?”. Tôi oà khóc, vừa khóc vừa kể. Bà ôm lấy tôi, cũng khóc: “Xong rồi! Hết rồi! Con ơi! “Tôi không hiểu sao bà phải khóc, tôi có đau đâu, hoàn toàn không đau.

Chèo đò bẻ bắp bên sông...

Sao bà hát mãi câu ấy?

“Sinh ra làm đàn bà là đủ đốn mạt rồi, con ạ!”- bà xoa lưng tôi nói thế, với tôi, một con bé con. Bà cũng nói thêm khi tôi vểnh tai nshe lũ trẻ hò reo ngoài sông: “Sông trong thì để thế mà nhìn, mày không biết bơi, quẫy đục lên, lại bẩn cả mình”. Chẳng lẽ bởi thế mà bà không hề tắm sông? Cả làng đã lớn lên từ đấy, trẻ con sinh ra từ đấy. Và tôi, nhớ lời ông, vẫn rình chờ nước lặng để soi bóng mình trên mặt nước.

Bà tôi vốn người làng Thượng, ở mạn trên. Thuở con gái bà nổi tiếng sắc nước hương trời. Ông bà cố tôi có của có nả, thành ra bà đắt giá nhất vùng. Vừa lớn, Tây về đóng đồn, ít nữa mọc ra cái nhà dòng Phước Sơn. Bà theo người làng đi nhà dòng, trước vì bị ép, sau thành mê. Ông cố đạo Tây còn trẻ, nói tiếng Việt như người Việt, ngày ngày gióng chuông giảng đạo. Bà nhìn lên thánh đường, hướng vào tượng Chúa chịu nạn mà cầu nguyện. Bà cầu cho ông cố đạo Tây thấu lòng bà, nhưng ông cố đạo chỉ nhìn lướt trên đầu bà, như nhìn lướt trên đầu hằng bao nhiêu con chiên khác. Cho đến ngày ông bà cố quyết gả bà sang bên kia sông. Bà trốn vào nhà thờ, quỳ giữa thánh đường cao rộng mà xưng tội. “Con có trách nhiệm thực hiện bổn phận” - cha linh hồn của bà phán. Bà trở về, gói đồ đạc và chạy trốn cùng một anh học trò xưa nay theo đuổi bà. Ba tháng sau, anh học trò đi biệt, sau khi đã tiêu hết đồng chinh cuối cùng của bà. Bà quay ngược đường về nhà, chịu một trận đòn rách da rách thịt, nhịn đói trong buồng kín. “Tao gả mày cho thằng ở” - ông cố nói, thằng ở mười lăm tuổi ghẻ lở đầy mình chuyên cúi mặt dưới nhà ngang là ông nội tôi...

Từ đấy bà làm dâu làng Hạ. Từ đấy bà ngồi nhìn sông và hát...

 

4.

Tôi về ngày chạp họ. ông Phiếm thấy tôi về mừng lắm. Bây giờ ông Phiếm là người già nhất trong họ, người thay ông cúng tế. Ông dắt tôi ra ngõ, chỉ luỹ tre bị đốn trụi phơi những nhát rựa sắc dòn, nói: Mày là đứa chữ nghĩa, mày nói cho rõ ràng. Chặt tre thế này nên không?” Tôi bảo, thế là để khỏi vướng dây điện, tránh nguy hiểm. Quả là làng tôi mới tiếp lưới điện quốc gia tháng trước. Ông Phiếm buồn rầu: “Hết tre hết pheo thì hết làng”. Rồi ông than thở chuyện người ta kéo điện ra sông đánh cá đèn, cá chết chim chóc biến sạch. Tôi khen nhiều nhà xây đẹp lắm. Ông hỏi: “Đẹp cái gì”. Tôi bảo: “Nó thay đổi hẳn bộ mặt đời sống”. Ông bảo: “Mày ra sông mà xem!” Tôi ra sông, thấy sông giăng mắc thuyền bè. Không phải thuyền đánh cá, mà là thuyền chở cát sạn. Thì ra thanh niên làng bây giờ sống chủ yếu bằng nghề khai thác cát sạn, trên các bến cát sạn chất đống, nhăm vết bánh xe ô tô. Ông Phiếm lại hỏi: “Đào mặt sông lên để kiếm tiền thì mày cũng bảo nên à? Hết, hết tất!” - nói rồi ông khua cây gậy bỏ đi.

Tôi đứng lặng, ngẩn ngơ. Gió lao xao, mơn man sóng nước, mơn man trên da thịt. Tôi nhớ sớm nay, cầm nắm hương đứng trước gò Mả Tổ, tôi đã không biết sở nguyện của mình là gì, cũng như không biết xa xưa kia, ông tổ Nhược kỳ vọng điều gì ở con cháu...

Chèo đò bẻ bắp bên sông...

Giật mình. Tưởng như bà ngồi hát đâu đây trong nắng gió chiều nay. Vật đổi sao dời mà trước tầm mắt, cái bờ cây phía bên kia sông vẫn một màu xanh thẳm. Hai chục năm mang khát vọng ra đi, từng cười từng khóc, vẫn chưa bao giờ tôi bơi được qua con sông ấu thơ để chạm môi lên phiến đá đầu tiên của bờ cây xanh thắm. Ôi bờ cây của tôi...

T.T.H

(SH số tháng 11 năm 1996)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng