LÊ THỊ HOÀI NAM
Chị là người đàn bà sinh ra để chờ đợi. Bao nhiêu lần chờ đợi chị không thể nhớ, nhưng cũng có những lần dẫu muốn quên đi cũng không thể. Nó như chạm như khắc vào thời gian, càng muốn quên càng bị ám ảnh...
Chị là người đàn bà đẹp. Ai cũng bảo một người đẹp như chị thì cần gì phải chờ đợi ai. Người ta chờ đợi chị thì có. Được chị cho phép chờ đợi quả là một ân huệ trời cho. Chỉ cần chị ban phát một nụ cười, một cái nhìn là người đàn ông sẵn sàng chờ đợi chị suốt đời. Đêm đêm, chị thường lảng vảng đi về trong những giấc mơ của họ. Chị là Pretty Woman - một vẻ đẹp siêu phàm. Tạo hoá trong một thoáng xuất thần đã tạo ra tác phẩm tuyệt vời là chị. Một vẻ đẹp làm người ta sững sờ choáng váng. Làm người ta lịm dần vào thế giới của hoang đường. Chị là một vẻ đẹp thần thánh một vẻ đẹp quỷ ám, đẹp đến mức đáng phải phỉ nhổ và xa lánh. Kẻ cùng giới phỉ nhổ chị đã đành, kẻ khác giới cũng ngoác miệng la lối. Họ phỉ nhổ chị một cách dối trá. Họ nói trước mặt các phu nhân khả kính của họ rằng chị là thứ đàn bà hư hỏng chả ra gì. Họ sợ cái ma lực của chị sẽ không che giấu nổi những dục vọng đang táo tác lên trong họ. Được chị quan tâm là một hạnh phúc khó tin. Vậy mà trên thực tế, trớ trêu thay chị là người đàn bà sinh ra để chờ đợi. Ba mươi bảy tuổi đời, chị lập kỷ lục về chờ đợi. Chị thường an ủi, được chờ đợi còn hơn chẳng có gì để chờ đợi. Bao nhiêu lần chờ đợi chị không thể nhớ, nhưng cũng có những lần dẫu muốn quên đi cũng không thể. Nó như chạm như khắc vào thời gian, càng muốn quên càng bị ám ảnh.
Lần chờ đợi đầu tiên là lúc chị mười hai tuổi. Mười hai tuổi, cái tuổi con gái đã bắt đầu biết nấu cơm đi chợ và sẻ chia buồn vui với mẹ. Chị chờ ai, một cậu bé hàng xóm cùng trang lứa? Cha mẹ, bạn bè hay một ông tiên có phép toàn năng sẽ ban tặng chị chiếc áo đầm voan đỏ đẹp nhất để chị có thể trưng diện với bạn bè trong dịp sinh nhật?.
Kẻ được chị chờ đợi là một con ma. Chuyện thật khó tin. Con ma ấy không ai xa lạ mà chính là cái lão hàng xóm của chị.
Hồi nhỏ, chị chúa sợ ma. Buổi tối chị không dám đi đâu ra khỏi nhà. Chị sợ bóng tối khủng khiếp. Mỗi lần cha mẹ chị bảo chị xuống bếp lấy một cái gì đó là chị phát hoảng. Dưới bếp tối om, biết đâu sẽ có một con ma xó rập rình đâu đó lôi tuột chị xuống chín tầng âm ty địa ngục. Nhưng chị cũng rất thích nghe chuyện ma, một sự hấp dẫn khó cưỡng lại được. Đêm nào, chị cũng bị ám ảnh bởi những con ma và con ma nào cũng mang khuôn mặt gớm ghiếc của lão hàng xóm. Đấy là chị hình dung thế chứ chị đã trông thấy lão bao giờ đâu. Chị vừa sợ vừa thích gặp lão. Nhà lão cách nhà chị một dãy chè tàu cả đời không xén tỉa. Cái cổng bằng gỗ thông tẩm dầu của nhà lão cũng bị phủ kín cả một giàn hoa ti gôn xoắn xuýt. Sân nhà lão rộng, nhờn nhợt đầy rêu. Những máng tường của ngôi nhà lợp bằng ngói liệt đen xỉn nham nhở một màu vàng hoen ố, bủng beo. Nhà lão suốt ngày đóng cửa bịt bùng, im ỉm như một nấm mồ, đến ban ngày ban mặt nhìn vào cũng rợn cả người.
Chị không hiểu sao cha mẹ chị lại chọn nơi này làm trú ngụ. Ngay từ ngày đầu mới dọn đến, bác hàng xóm đã lon ton chạy sang rỉ tai mẹ, nhà lão có ma đấy. Lời cảnh tỉnh làm mẹ con chị xanh mắt. Nhưng cái nhà chứ có phải tấm áo manh quần gì mà dễ thay đổi. Mẹ chị ân hận, tự trách mình đã không tìm hiểu cặn kẽ ngôi nhà trước khi mua. Nhưng trên thực tế lão cũng không ghê gớm như mẹ con chị vẫn tưởng. Bằng chứng là gần hai năm dọn về, mẹ con chị chưa thấy lão ám nhập vào ai bao giờ. Lão chỉ cắt đứt với mọi quan hệ của thế giới bên ngoài. Nhà lão nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Người ta hầu như không thấy lão đi đâu và cũng chẳng thấy ai bén mảng đến. Lão sống thế nào, ăn ở ra sao chỉ có trời biết.
Đã có lần chị cùng mấy đứa trẻ lối xóm trèo lên cây ổi sát nhà lão. Sự tò mò còn lớn hơn cả nỗi sợ, cả lũ vờ hái ổi nhưng thực ra là để nhòm vào khung cửa sổ khép hờ của nhà lão hàng xóm. Một cái hốc đen ngòm đó là tất cả những gì chúng nhìn thấy được. Bọn trẻ thất vọng và từ bỏ ý định tìm kiếm. Thế nhưng, trong một lần không chủ định, chị lại được ngắm nhìn lão. Bao giờ, người ta cũng đạt được điều mình mong muốn khi không tìm kiếm săn đuổi nó. Đó là một buổi chiều nắng nhạt lặng gió, chị đang nhổ rau má ngoài vườn. Bỗng chị thấy một cái bóng áo trắng lốp ẩn hiện mé sau nhà lão hàng xóm. Ma! Ý nghĩ phóng đến như một mũi tên. Chị định vứt rổ rau má để ù chạy nhưng không sao nhúc nhích được. Chị như bị cái bóng trắng ấy thôi miên. Lão hàng xóm! Đúng lão rồi chứ còn ai vào đấy. Định thần, chị thấy ngoài bộ đồ trắng có vẻ ma quái thì lão cũng là con người bằng xương bằng thịt có đủ chân tay mặt mũi. Lão đứng bên ảng nước. Cặp mắt u buồn chụp lên khóm quỳnh cái nhìn tàn tạ. Lần ấy, chị tha hồ ngắm nhìn lão. Hóa ra lão hãy còn trẻ, rất trẻ so với cái chức lão mà người ta vẫn quen gọi. Lão không gớm ghiếc như chị vẫn hình dung. Lão có khuôn mặt thật đẹp, thanh tú với nước da trắng xanh tái. Lão đứng đó, trong ánh nắng chiều nhòa nhạt, trông lão giống một pho tượng Hy Lạp được tạc bằng thạch cao.
Thực ra, người ta cũng biết lão sống sờ sờ ra đấy. Lão không phải là ma. Con ma chính là người đàn bà xinh đẹp đã treo cổ tự tử ngay trong ngôi nhà của lão. Người ta đồn rằng, cha mẹ lão ngăn cấm không cho lão cưới người con gái xinh đẹp nhưng thân phận chẳng mấy danh giá. Khi người con gái chết, lão quàn tại gia hơn tháng rồi đem chôn ở khóm quỳnh. Lão chẳng là ma nhưng linh hồn trinh nữ ấy sinh ra là để dành cho lão, quấn lấy lão, ăn nằm với lão, trò chuyện bầu bạn với lão thì lão cũng chẳng khác gì ma. Sau lần trông thấy lão, nỗi sợ hãi trong chị đã thay thế cho một niềm thương cảm mơ hồ cứ len vào trái tim bé bỏng của chị. Lão cũng là kẻ đáng thương, hẳn lão cũng buồn và cô đơn lắm. Và từ đó, chiều nào chị cũng ra mé vườn kiễng chân nhìn về phía khóm quỳnh. Chị còn được trông thấy lão vài lần nữa. Không biết, lão có cảm nhận được tình cảm và sự ngóng trông của cô bé không? Có lẽ không. Lão không biết, không cần biết. Rồi lão không xuất hiện nữa. Mãi mãi không bao giờ. Nghe đâu lão bị ho lao rất nặng.
Còn chị, như một quán tính, chiều nào, cũng vào giờ ấy, chị lại ra mé vườn nhìn về phía khóm quỳnh mà ngóng trông chờ đợi.
Lần thứ hai là năm chị tròn mười bảy tuổi. Bắt đầu, sự chờ đợi ập đến như một cơn giông không báo trước. Cuộc chờ đợi không được định hướng làm chị hoang mang. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra nhưng không có câu trả lời. Chị đem tâm trạng bồn chồn ấy chia sẻ với cô bạn gái. Bạn chị nghe xong, nhìn chị rất lâu, thế đằng ấy nháy mắt trái mắt phải gì không? Không, à hình như là có. Mắt nào. Mắt trái. Cô bạn gái vỗ tay đôm đốp rồi dí ngón trỏ vào trán chị. Một hoàng tử đẹp trai ngỏ lời cầu hôn mày đấy - Tao không đùa. Đùa là thế nào, cuộc mày chầu chè chịu không. Chịu. Nhớ không được gian đấy. Không thèm gian với mày. Cho đến khi anh xuất hiện. Người trai nói với chị rằng, mấy tuần nay anh cũng có cảm giác chờ mong một ai đó mà không lý giải được chị mới hiểu rằng cả anh và chị đều ăn phải trái cấm ở vườn địa đàng.
Cho đến bây giờ, chiêm nghiệm lại cuộc đời chị rút ra kết luận đó là những ngày tháng kỳ diệu và hạnh phúc nhất đời chị. Nhưng giá của nó quá đắt. Đánh đổi nó, chị đã tự nguyện hiến ngôi vị nữ hoàng sắc đẹp của mình thành kẻ nô lệ ái tình. Có anh, chị dị ứng với tất cả tình cảm với những người đàn ông còn lại. Đôi mắt đẹp của chị nhìn những chàng trai như những con thiêu thân với dáng ve dửng dưng thơ ngây. Anh là ai. Đau khổ vì lẽ gì kia chứ. Chị trở thành kẻ sát nhân hồn nhiên nhất, vô tội nhất, dễ thương nhất và chính vì vậy chị càng quyến rũ họ. Nhiều gã si tình đã chọn cho mình một cái chết đầy an ủi, được chết trong mắt người đẹp. Anh như một đấng quyền uy, toàn năng dẫn dắt chị vào mê cung của tình ái. Mọi khiếm khuyết trên con người anh đều trở nên đầy ấn tượng. Nó như những chiếc đinh ghim nhỏ xinh xẻo neo giữ tình yêu của chị. Rồi hôn nhân. Trước ngày cưới, anh đưa đi sắm sửa. Chị ríu rít, anh nhớ cho kỹ nghe, khi nạp lễ phải vái Phật ba lạy, Tổ tiên bốn lạy, còn cha mẹ thì hai thôi. Nhớ không lẫn như ông Dũng nhà con Hạnh đấy, ai lại đang làm lễ, lại đứng ngẩn ra hỏi con Hạnh lạy được mấy cái rồi, làm cha mẹ con Hạnh buồn thấu chết. Ừ, anh không quên, nó khác, anh khác. À, khi nạp lễ là phải áo dài thụng khăn vành rồi. Nhưng màu gì. Em thích màu vàng cháy trông quý phái lắm. Tóc em không nên cầu kỳ quá, hơi cách điệu thôi, tự nhiên em đã đẹp rồi. Ờ ờ, em không uốn đâu, cứ để tóc thế thôi, còn áo dài thì em chọn màu tím, ngày thường em thích màu tím mà anh cũng thích nữa. Ôi, nói năng chi dễ ghét, gở mồm, gở miệng vừa vừa, màu tím là màu buồn ai lại mặc trong ngày cưới. Anh ngẩn ra, thế à. Còn buổi chiều tiếp bạn thì phải xê rê rồi ba cái anh nhé, trắng, lam, hồng tro được không; nó rất hợp với em. Em sẽ chọn một chiếc xườn xám, trông cũng dễ thương lắm đó anh. Họ đi, tay trong tay, ai thấy cũng bảo, trông chúng mới đẹp đôi làm sao.
Nhưng một ngày trước khi làm lễ cưới, chú rể biến mất không để lại dấu vết, không một lời từ tạ. Cô dâu tương lai chết lặng, khóc không thành tiếng ngã gục trên đống áo cưới đang phồng lên như một đống bọt biển. Về sau, nghe đâu chú rể tương lai đã thoát tục. Chị đi xem tử vi, thầy bảo chị có sao đào ba chiếu mệnh lại gặp địa không, địa kiếp nên tuyệt thế giai nhân, sắc nước hương trời nhưng lại hồng nhan bạc phận tình duyên trắc trở.
Và lần này chị lại chờ đợi. Sự chờ đợi nảy sinh trong chị như một dấu hiệu của tình yêu. Chị chẳng còn trẻ, ba mươi bảy tuổi đời và góa bụa, cô con gái duy nhất mười sáu tuổi là kết quả của cuộc hôn nhân bất đắc dĩ giữa chị với ông bác sĩ quân y nhân đức hơn chị hai chục tuổi có lẻ. Ông ta là ân nhân của gia đình chị. Một ông bác sĩ Việt cộng cứu sống vợ một thiếu tá cộng hoà đã trở thành sự kiện đáng ghi nhớ vào những ngày đầu mới giải phóng. Chị chấp nhận lời thỉnh cầu của cha mẹ làm cô Kiều của thời đại. Rồi ông bác sĩ qua đời sau hai tháng phát hiện ung thư máu. Chị mồ côi chồng năm tròn ba mươi tuổi.
Nhưng chị vẫn còn đẹp lắm. Người ta bảo chị còn xinh đẹp, duyên dáng hơn cả thời con gái. Cái đẹp của người đàn bà ba mươi tuổi, đằm thắm ngọt ngào. Một vẻ đẹp hoàn thiện giàu nội tâm chứ không ngố như bọn con gái chíp hôi. Không ai có thể đoán định được chính xác tuổi tác của chị. Chị như con biến sắc, lúc người ta bảo chị đôi mươi, lúc lại bảo chị bốn mươi. Chị đẹp từ khuôn mặt đến vóc dáng. Đôi mắt to đen láy ẩn dưới hàng mi cong vút, ít khi người ta thấy sự can thiệp của mỹ phẩm trên gương mặt. Có thế chị ý thức được nhan sắc của mình không cần gì phải tô vẽ thêm nữa. Sự cầu toàn nhiều khi lại trở nên lố bịch. Trong đời, chị đã gặp những người đàn bà xinh đẹp và giàu có. Họ thường tỉa tót, trang điểm đến từng chân tơ kẻ tóc. Đồ trang sức không thiếu thứ gì trên người vậy mà chẳng đẹp thêm tý nào. Chị chúa sợ nhất vẻ đẹp không tự nhiên. Thực ra, chị cũng là người rất thích trang điểm. Chị trang điểm có khi mất hàng tiếng đồng hồ để có được một gương mặt không trang điểm. Đó quả là một nghệ thuật trang điểm bậc thầy.
Con gái chị cũng thừa hưởng nhan sắc của chị. Mười sáu tuổi, nó rực rỡ như một bông thược dược, nhưng thiếu cái mặn mà đằm thắm. Có lẽ nó hãy còn quá trẻ. Ai khen con gái chị đẹp chị cũng hãnh diện sung sướng. Nhưng sau đó lại chép miệng, đẹp thì khổ. Có lẽ chị chiêm nghiệm từ cuộc đời mình.
Đẹp, giàu, có, độc thân là những điều kiện tuyệt hảo làm chị nổi tiếng và tai tiếng. Tai tiếng đến mức khó hình dung. Những người đàn bà xì xào rằng mẹ con chị đua nhau mồi chài tán tỉnh cánh đàn ông. Rằng chị là kẻ trẻ không tha, già không buông, rằng trong cái ví nhỏ xinh màu da lươn của chị có đến hàng trăm cái card của những nhân vật tên tuổi, thương gia có, chính trị gia có, nghệ sĩ, học giả, học thật, rằng, rằng, rằng... Vào đúng ngày khai mạc "Uyên Nhi gallery", anh xuất hiện như một kẻ đối cực với tất cả. Khách mời tham dự phòng tranh ngót nghét cả trăm. Toàn tài tử giai nhân. Những nhân vật tiếng tăm lừng lẫy. Những thần tượng, những nhà tài phiệt và tất nhiên không thể thiếu bóng dáng của phái đẹp. Chị điểm đủ những nhân vật tai mắt, hầu như không vắng ai. Không ai lại bỏ lỡ một dịp gặp gỡ hiếm có như thế này. Những bộ cánh đẹp nhất được phô diễn một cách hợp lý. Những chiếc com lê đóng cứng, những cà vạt đủ màu, những váy cạp váy xòe ngoe nguẩy và những chiếc áo cổ rộng phủ đầy đăng ten. Người ta chào hỏi chúc tụng và ngắm nghía nhau. Tất cả đều say mê trước vẻ đẹp kiều diễm của nữ chủ nhân. Trang phục ra mắt của chị là chiếc áo dài truyền thống màu cổ đồng bằng lụa tơ tằm. Loại vải chỉ dành cho những kẻ sành điệu. Chiếc áo dài được cắt may theo model mới nhất, cổ cao, tà rộng, chiếc eo tứ phía, dài phủ đến tận gót. Loại mốt này được thịnh hành từ mấy thập kỷ trước, giờ lại tái xuất giang hồ.
Người ta đọc diễn văn, người ta tặng hoa và nói những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Có vị còn ví phòng tranh của chị như một người tình chung thủy làm sang giá cho thành phố cổ kính này. Người ta nhấm nháp những ly rượu khai vị màu hồng sóng sánh và xem tranh. Kẻ lùi ra, người nhỉnh vào, người voóng cổ, kẻ nhướn mày. Có vị còn dùng cả kính lúp để nhấm nháp từng chi tiết thú vị để soi tìm cho được hình bóng mình, hình bóng đời được gửi thân vào các hình tượng. Ở đây tụ họp đủ các trường phái. Nhưng nhiều nhất vẫn là trừu tượng - một trường phái thời thượng của nền văn minh thị giác. Phòng tranh không rộng nhưng xinh xắn, hài hòa cân đối, giàu tính thẩm mỹ. Tất cả đều được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng đến mức người ta nghĩ rằng những tác phẩm sinh ra là để đặt vào vị trí ấy không thể khác được. Nếu chỉ cần lệch một chút, xê dịch một chút là có thể làm đảo lộn cả bố cục.
Nữ chủ nhân mỗi lúc một thêm rạng rỡ. Cặp mắt chị sóng sánh niềm vui vừa trẻ thơ vừa già dặn. Chị nhìn tất cả để không nhìn ai cả. Chị ban phát cho tất cả nụ cười mê hồn. Đã lâu lắm rồi, chị mới có một ngày hạnh phúc tràn trề như hôm nay. Công việc làm ăn của chị đang mở ra một hướng mới không chỉ là triển vọng về lợi nhuận mà nó đang biến đổi chị, chuyển dịch chị từ thương trường thuần tuý sang lĩnh vực văn hoá. Rồi đây, chị sẽ có thêm những người bạn mới đầy thú vị. Không phải là gương mặt nháo nhác, cau có, căng thẳng mà là những gương mặt đầy cá tính hóm hỉnh và ý nhị. Họ bảo với chị rằng, chính chị chứ. không ai khác là mạnh thường quân cho cánh nghệ sỹ và cho cả xứ sở này. Chị hoàn toàn không hiểu được những vẻ đẹp, nhưng ẩn ý được gửi gắm vào tác phẩm. Sự đoán định của chị chỉ dừng lại ở những cái tên của các tác giả. Chị chân thành tin rằng, những nhân vật tầm cỡ như thế không thể đẻ ra những đứa con tinh thần xoàng xĩnh. Chị tin ở họ, tự hào về họ cũng như họ đã tin cậy trao gửi những đứa con tinh thần vào tay chị. Nhưng kìa, hắn đến. Mô Phật, mình đang có hân hạnh được đón tiếp ai đây. Chị nhíu mày, có lẽ hắn nhầm địa chỉ. Trông hắn có vẻ như gã tâm thần, vẻ nhàu nát trên khuôn mặt và bộ áo quần jean được lôi ra từ thế giới second hand làm chị buồn nôn. Nhưng hắn không chút tỏ vẻ gì là đã vào nhầm cửa. Hắn lững thững bước vào giữa hành lang hẹp chứa đầy hai mét mặt tiền. Ánh sáng vọt ra từ mọi phía như truy đuổi hắn, ép hắn trông hắn lại càng nhỏ nhoi, lạc lõng. Hắn không chào hỏi ai và cũng không ai chào hỏi hắn. Rõ ràng hắn là vị khách không mời. Giá như ngày thường chị đã tìm cách đuổi khéo hắn, nhưng hôm nay thì không thể. Thôi, không thèm để ý đến hắn nữa, hắn tò mò thôi mà. Nhưng mồ hôi cứ rịn ra trên vầng trán xinh xẻo, trong lần áo bó chật sẫm lại một mảng hình chữ u phía sau lưng. Chị cầu mong hắn sẽ thông minh một chút để nhận ra rằng nơi này không phải dành cho những kẻ như hắn. Nhưng rõ ràng hắn không có ý định đó. Hắn quét cái nhìn vào đám đông bằng con mắt vô cảm rồi lún mình trong chiếc ghế xa lông nhả khói thuốc mù mịt. Như một kẻ bị động, chị vô tình bị hắn kéo vào cuộc chơi, chị không rời mắt khỏi hắn. Một ý nghĩ lóe lên, phòng tranh trị giá vài trăm triệu, biết đâu....
Rồi hắn cũng trễ nải đứng lên. Hắn xem tranh cũng lùi ra thụt vào. Có cái hắn xem lướt, có cái hắn đứng ngẩn ra suy ngẫm. Vừa xem hắn vừa vẩy tàn thuốc xuống nền gạch men trắng lốp. Người đâu mà vô ý. Hắn là một trong những vị khách ra về sau chót. Thế là thoát, hú vía! Nhưng hắn lại đến. Lần này hắn đến vào buổi sáng khi chị vừa trang điểm xong và xuống lầu dùng điểm tâm. Chị ngả người trên chiếc ghế xa lông mềm mại, những luồng sáng trong veo của ánh mặt trời chiếu rọi vào căn phòng - Chào một ngày tốt lành!
Hắn đến một mình, vẫn quân tử nhất bộ. Lần này, hắn có hạ cố nhếch mép chào chị.
Chỉ là cái nhếch mép thôi không hơn không kém. Khó khăn lắm chị mới mỉm cười đáp lễ. Hắn dướn cặp kính nhìn lướt qua chị từ đầu đến chân, không ga lăng không dừng lại điểm nào trên cơ thể chị. Hắn lại xem tranh, cứ như từ thuở cha sinh mẹ đẻ hắn chưa thấy phòng tranh bao giờ. Hay hắn cũng là hoạ sỹ? Mấy ông hoạ sỹ cũng lập dị, bẩn thỉu nhếch nhác như hắn. Hắn hút thuốc loại ba con mèo rẻ tiền, ngón tay út lẩy tàn xuống nền gạch men trắng trông rất điệu nghệ. Lộn ruột, một ngày xúi quẩy.
Thay thế hắn là một đoàn khách ngoại quốc. Dẫn đầu là cô hướng dẫn viên du lịch, tóc thề, áo dài tím, nón bài thơ rặt Huế. Khách theo trường phái tự nhiên chủ nghĩa. Cả đàn ông, đàn bà chủ yếu quần soọc, áo khoét nách ba lỗ nhông nhông lách từng tấm thân ngoại hạng vào chiếc hành lang hẹp. Họ là người Mỹ, không thể gọi là chính hiệu. Họ xem tranh, trao đổi cứ như cãi vã. Kết quả ba bức lớn: Bi kịch - Hài kịch, Tĩnh vật, Chơi diều, được gỡ xuống. Giá cả chủ khách thỏa thuận ước tính vài chục vé. Chủ mặt mày rạng rỡ thank you rối rít. Khách trầm trồ what a lovely girl! what a lovely girl! Khách ra về, chị mỉm cười một mình, hoá ra vía hắn trông thế mà nhẹ. Một vị khách may xưa không tồi đấy chứ. Chị nhìn ông Thần tài ngồi bệt dưới đất đang phưỡn bụng cười. Chị thắp hương lạy tạ, và không quên cầu xin hắn trở lại.
Hắn lại đến thật. Lại những ngày mua bán của chị diễn ra thuận lợi ngoài sự mong muốn. Những đồng đô la cứ trôi tuột vào két chị không mấy khó khăn. Có ngày tiền lãi lên đến bạc triệu. Chị cười, đúng hắn là thần tài rồi. Chị phất lên là nhờ cái vía của hắn. Chị ân hận vì đã có lúc nghi oan cho hắn. Xem ra cái nhàu nát của hắn không làm hại ai. Cái nhàu nát bên ngoài có thấm vào đâu cái nhàu nát của nhân cách. Khối kẻ cứ bóng lộn lên mà lương tâm thì chắp vá, tả tơi thảm hại. Chị cảm thấy nợ hắn, bất công với hắn. Tại sao lại không tử tế và bầu bạn với hắn: Hắn là thần tài của chị cơ mà. Đến con chó ghẻ lết được vào nhà còn sướng rơn lên huống chi thần tài của chị là một con người. Và thế là chị chủ động ban tặng hắn một nụ cười mê hồn. Chị còn mời hắn dùng trà. Hắn vừa nhấp trà vừa hút thuốc. Trông hắn không ra vẻ trí thức mà cũng không là kẻ đầu đường xó chợ. Hắn giống kẻ chán đời nhưng không có ý định từ bỏ nó mà nhởn nhơ nhấm nháp nỗi chán chường của chính mình. Chị thấy hắn thật buồn cười, ngộ nghĩnh. Bẵng đi cả tháng trời hắn không đến. Chị có ý trông ngóng và tệ hại hơn chị ngạc nhiên thấy mình có vẻ như là nhớ hắn. Chị bối rối với chính mình và ngụy biện rằng, chị nhớ là nhớ cái vía của hắn. Rằng chỉ vì hắn rất được may xưa. Đành rằng, chị cũng không lấy liền bạc làm mục đích. Nhưng chị là một thương nhân. Tiền bạc nhiều khi là niềm vui của chị - Chị cũng như mọi người, biết thế nào là đủ. Cho nên khi trông thấy hắn, chị đã mừng quýnh lên. Nhưng chị không biểu lộ. Chị cố níu kéo giữ một khoảng cách giữa hắn và chị nhưng vẫn lộ ra ở cái thần sắc, ở cái ánh nhìn sóng sánh ở ngữ điệu ngọt ngào mà chị dùng để đối thoại với hắn.
Không biết tự bao giờ, chị đâm ra nghĩ ngợi nhiều về hắn. Hắn như một kẻ cao thủ tiếp tục dẫn dắt chị vào cuộc chơi. Chị thấy thương xót hắn. Đáng lẽ hắn phải khá hơn kia. Trong thâm tâm chị rất muốn làm một điều gì đó cho hắn vui lòng, tặng hắn một bộ áo quần, hoặc mời hắn dùng cơm chẳng hạn. Tệ hơn, nhiều đêm chị còn mơ thấy chị chung chăn gối với hắn. Một cảm giác thèm muốn lạ lùng đang lên khắp cơ thể chị. Hắn đã ám nhập vào chị. Căn phòng ngủ mười bốn mét vuông bỗng trở nên mênh mông không có giới hạn. Máy điều hòa chạy rù rù, chiếc đèn ngủ Hồng Kông tỏa ra màu xanh dịu, chiếc váy mỏng dính kết đầy đăng ten không làm chị dễ chịu nữa. Chị lôi sổ sách ra tính toán, đếm tiền. Những tờ đô la xanh nhạt còn mới khắc lên con số trăm không còn là niềm vui dìu dắt, mơn trớn chị vào giấc ngủ. Hình ảnh hắn cứ lởn vởn trong đầu chị. Giá lúc này hắn xuất hiện chắc chị sẽ vứt bỏ bộ mặt nữ hoàng của mình để sẵn sàng dâng hiến. Bản năng thèm muốn được ve vuốt xòa phủ lên khắp cơ thể chị. Chị nhìn khắp căn phòng, bóng lộn lên đến mức trơ trẽn. Giá hắn cứ vẫy đầy tàn thuốc xuống nền gạch men trắng có hơn không. Giá mùi thuốc lá ngãi đắng thay thế cho loại nước hoa Revlon thượng hạng chị vẫn thường dùng có phải dễ chịu hơn không. Chị nhìn xuống tấm ra trải giường, phẳng phiu đến vô duyên, ước gì nó cứ nhàu nát ra, đảo lộn lên thế có tuyệt vời hơn không. Chị vật vã, thở hổn hển, hai đầu vú nhức buốt, chị đưa tay vuốt ve bộ ngực, vuốt ve khắp cơ thể. Chị nghĩ đến hắn trong cảm giác được quấn riết. Chị úp mặt xuống tấm ra trắng buốt, rên hư hứ như một con mèo cái và tấm tức khóc như một đứa trẻ.
Hóa ra, cuộc sống bình yên mà chị tự nguyện lựa chọn chỉ là sự vờ vĩnh giả tạo. Ngọn lửa lòng đã thiêu đốt chị, hỏa táng chị và tái sinh chị. Có thể, sự đánh giá vờ vĩnh là quá nặng nề với chị - công bằng mà nói chị cũng không biết đến sự vờ vĩnh đó. Mấy ai hiểu được chính mình. Hoặc giả chị là người đàn bà đần độn. Những kẻ có chút nhan sắc thường bị trí tuệ ruồng bỏ, xa lánh đến nỗi không nhận ra cái nghịch lý trong mỗi con người. Trước kia, chị chân thành tin rằng, không ai có thể xen vào giữa chị và người đàn ông thoát tục kia. Nhưng bây giờ thì đảo lộn cả, chống lại nó là trái tự nhiên. Lần đầu tiên chị lập quan tòa cật vấn lương tâm để ngụy biện cho những đột biến tình cảm mà đã có lúc chị cho là phi lý. Ừ thì yêu, nhưng tại sao chị lại chọn hắn. Điều này mãi mãi là một bí mật đối với chính chị. Bởi vì trên thực tế, hắn cũng chưa bao giờ ban tặng chị một cái nhìn mơn trớn ỡm ờ nào. Nhưng tình yêu thì cần gì phải anh nói trước hay em nói trước. Nhất định ngày mai chị sẽ mời hắn dùng cơm và chị sẽ biểu lộ tình cảm với hắn rằng, rằng, rằng...
Cả đêm ấy, hắn đến với chị trong giấc ngủ ngọt ngào đê mê - giấc ngủ của một kẻ biết tin có ngày mai.
Nhưng hắn không đến, không bao giờ nữa.
Chị không vui, không buồn. Thỉnh thoảng lại nhìn ra bóng nắng trắng lóa mà vẩn vơ nghĩ về lão hàng xóm thuở nào.
(SH số tháng 3 - 1997)
L.T.H.N