Tuyển truyện ngắn 30 năm Sông Hương (1983-2013)
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: THÍM THOẢI
10:13 | 27/02/2019

HẠNH LÊ

Tuần trăng mật của họ đúng vào mùa trăng. Đêm nào, Phương cũng đưa Thoải ra bờ đê. Dưới ánh trăng vàng rỡ, cánh đồng Bàu Vá như chìm trong sương mù. Tận phía bên kia cánh đồng, có tiếng bầy vạc kêu sương thảng thốt

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: THÍM THOẢI
Nhà văn Hạnh Lê (Nguyễn Xuân Hoàng)

Sáng thứ sáu, mẹ vợ bảo “chiều nay con cố gắng về sớm lên thăm mộ ông Phương với mẹ”. Tôi gật đầu “dạ vâng” rối dắt vội xe ra cửa. Năm nào cũng thế, cứ vào ngày giỗ ông Phương, hai mẹ con lại chuẩn bị đèn nhang viếng mộ ông. Mẹ bảo ngày còn sống, món ăn ông thích nhất vẫn là cơm nếp đùm trong chiếc mo cau. Mẹ cũng không quên vào bàn thờ lấy cuốn nhật ký dã vàng ố bỏ vào tay nải. Mẹ bảo ngày còn sống cuốn nhật ký này ông qúi còn hơn vàng. Có lần ông suýt chết vì nó. Ấy là lần đánh đồn Dốc Miếu. Đánh xong rút về ông mới hay là mình đánh mất cuốn nhật ký. Thế là một mình ông mò trở lại trận địa. Ở cương vị chỉ huy, ông vẫn biết là mình sai và phiêu lưu, nhưng mất cuốn nhật ký thì đời ông còn gì. Bao nhiêu năm tháng trận mạc buồn vui đời lính ông đã ghi lại vào đó cả. Mẹ bảo chuyện đời ông buồn và tội nghiệp lắm. Mấy chục năm trời, ông xem đơn vị là nhà, đánh giặc là niềm vui, cố giấu một nỗi đau riêng kiêu hãnh và thầm kín.

Ấy là năm 1956, làng Cổ Liễu bàn tán xôn xao chuyện đám cưới của thiếu úy Phương. Nhiều người kháo nhau đây sẽ là một đám cưới to và đẹp nhất làng. Cô dâu là bí thư xã đoàn, đẹp vào loại hiếm có. Còn chú rể thì tốt nghiệp trường Lục quân. Hàm đeo thiếu úy. Cao một mét bảy mươi lăm, người như gỗ lim, mũi thẳng trán vuông, mặt chữ điền. Thời chiến đám cưới không có gì là to, nhưng đúng là thật đẹp. Đám rước đông như hội, Phương và Thoải đi sóng đôi sau họ hàng. Cô dâu vận áo dài xanh ngọc, cổ đeo kiềng bạc, tóc thả dài tự nhiên. Chú rể mặc quân phục sĩ quan mới cứng. Đôi dày lính den bóng cộm lên loang loáng lối đi bờ đê xanh rì cỏ. Cô dâu Thoải thẹn thùa chỉ đến vai chú rể. Đám con trai con gái làng xầm xì ao ước đẹp đôi như Phương Thoải. Hôm ấy trời nhiều nắng. Lúa đang ở thì con gái xanh nhức mắt. Cò cũng về nhiều hơn mọi hôm, bay trắng toát cả cánh đồng Bàu Vá. Phương trông thật nghiêm nghị, anh có vẻ hồi hộp, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên màu da như đồng hun. Còn Thoải thỉnh thoảng lại vấp, tà sau chiếc áo dài ghim đầy hoa trinh nữ màu hồng phấn. Chưa bao giờ Thoải thấy hạnh phúc như vậy. Thỉnh thoảng cô lại liếc nhìn Phương đi bên cạnh, lòng hồ nghi như rằng đây chỉ là một giấc mơ. Tim cô nhoi nhói một niềm vui với ý nghĩ Phương bây giờ đã là của Thoải. Dường như đám con nít chăn trâu trong làng đang chế nhạo Thoải. Trong số những gương mặt quen quen, Thoải chỉ nhận ra thằng Lô con nhà Bổng. Chúng nó xếp hàng dọc theo bờ đê và đồng thanh hô to “hông vợ chài là hai vợ chồng”. Thoải thấy mặt mình nóng ran ran, cô lại liếc nhìn Phương thấy anh cũng bối rối. Thoải có cảm giác là cả hai như đang bay lên. Cô khẽ nắm tay Phương và nhận thấy tay anh hơi run run.

Đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của Phương và Thoải. Căn phòng cưới của họ đầy ắp cổ cò, một loài hoa chỉ mọc ven bờ đê làng Cổ Liễu. Tuần trăng mật của họ đúng vào mùa trăng. Đêm nào, Phương cũng đưa Thoải ra bờ đê. Dưới ánh trăng vàng rỡ, cánh đồng Bàu Vá như chìm trong sương mù. Tận phía bên kia cánh đồng, có tiếng bầy vạc kêu sương thảng thốt. Phương run run lần tìm cúc áo Thoải. Mùi hương bồ kết từ tóc Thoải thoang thoảng bay làm anh ngây ngất “lúc này em mơ điều gì hở Thoải?”. Nép vào vai chồng, Thoải bảo “em mơ một đứa con trai”. “Con trai đi lính như anh rồi không về thì sao”. Thoải đưa tay bịt miệng Phương “anh đừng có nói gở, năm tới em sẽ sinh cho anh một đứa con trai”.

Những ngày hạnh phúc qua mau như một giấc mộng. Đã đến lúc Phương phải về đơn vị. Hôm đưa Phương đi, Thoải may cho chồng hai chiếc áo mới. Cô cũng không quên gói theo một mo cơm nếp tám thơm để Phương mang về đơn vị. Thoải đưa chồng đi tắt qua cánh đồng Bàu Vá. Nắng sớm mai đỏ rực như máu. Ven bờ đê hoa trinh nữ còn say ngủ. Cả hai đều im lặng đeo đuổi những suy nghĩ riêng. Họ đi ngược con đường của ngày cưới. Thoải thấy tim mình lại nhoi nhói đau. Chiến tranh biết khi nào Phương về. Một người bạn thân của cô vừa mời có giấy báo tử. Đến đầu làng, họ chia tay. Thoải bật khóc nức nở. Cứ như có một linh cảm đau buồn nào đó làm rạn nứt trái tim cô. Như rằng sau cuộc chia ly này Thoải sẽ mãi mãi mất Phương. Âu yếm hôn vợ, nhưng miệng anh méo xệch. Nước mắt Thoải mặn đắng trên môi anh. Thoải không biết sau đó mình về nhà bằng lối nào. Cô chạy như bị ma đuổi, người tê dại vô tri. Một sự trống vắng ghê rợn xâm chiếm tâm hồn Thoải. Sau đó là những ngày chờ đợi. Căn phòng cưới cứ rộng ra và trống hoang hoác. Đêm đêm, Thoải ngủ trong nước mắt. Cô ôm chiếc gối của chồng để mặc cho lòng thổn thức. Tháng đầu tiên sau ngày cưới, Thoải lại có kinh. Đêm ấy Thoải khóc nhiều nhất. Thế là ước mơ của cô vẫn chưa thành. Chiều nào đi làm đồng về lòng Thoải cũng tràn đầy hy vọng, cô ghé ủy ban xã hỏi bác Tá đưa thư có ai gửi gì cho mình không. Suốt mấy tháng ròng, Thoải chỉ nhận được một cái lắc đầu với câu nói động viên “chắc là thư đang trên đường ra, vài hôm nữa thì đến. Trong ấy nghe bảo đánh nhau căng lắm”. Niềm hy vọng chợt tắt, lòng Thoải lại rối bời.

Lá thư đầu tiên của Phương, Thoải nhận được nó trong một ngày mưa dầm. Tim Thoải đập thình thình. Mở lá thư, tay cô run run. dường như lá thư đã qua nhiều tay người, nó mềm oặt và nhòe mồ hôi. Thoải đọc ngấu nghiến như một người đói lâu ngày. Thư không đề ngày gửi. Đúng là nét chữ của Phương. “Anh vẫn khỏe. Đánh nhau hăng lắm. Hết đánh nhau là nhớ em. Đi rồi anh mới tiếc sao không ngủ với em nhiều hơn, em cố gắng giữ gìn sức khỏe”. Tiếp đó la những đoạn nhòe Thoải không thể nào đọc được. Dường như là Phương viết có ai đó ở làng trên đã chết. Đoạn tái bút “Em đã có gì chưa? anh sẽ về. Chăm sóc mẹ giúp anh. Ngàn lần hôn em người vợ hiền chung thủy của anh”.

Sau đó những lá thư cứ ngày một thưa dần. Thoải chờ đợi trong héo hắt. Cô lao vào công tác đoàn thể, xem đây như một niềm vui. Đã đẹp lại còn năng nổ giỏi giang. Thoải tiến vù vù. Ở cuộc họp nào Thoải cũng được mời phát biểu. Được tổ chức đánh giá là một cán bộ trẻ có nhiều triển vọng. Thoải xa nhà nhiều hơn và cũng đi họp ban đêm thường xuyên hơn. Mẹ vợ kể năm đó mẹ đâu chừng tám chín tuổi. Bà thường bảo mẹ cùng đi họp với thím Thoải cho vui. Sau này thì mẹ mới biết, ý bà muốn mẹ canh chừng thím. Đàn bà con gái đẹp hơ hớ, lại xa chồng, bao nhiêu cái dục vọng đưa đẩy, rất dễ sa ngã lầm lỡ. Nhưng đến cuộc họp đêm, mẹ chỉ biết có ngủ. Khi nào họp xong, thím lay dậy bảo “về Dụng” thì mẹ lại thức dậy cùng về.

Vắng chồng, Thoải càng đẹp ra. Cô rực rỡ như một bông hoa đồng nội. Đêm đêm, Thoải phải hai ba lần đi tắm cho dịu nỗi nhớ chồng. Trai làng nhiều đứa ỡm ờ hay chặn đường Thoải chòng ghẹo. Táo tợn nhất là thằng Lô. Lô bây giờ phát mã, người cao lớn tồng ngồng. Thằng Lô hay bảo Thoải “nào, cho sờ tí”. Thoải chửi “đồ con nít” thằng Lô chỉ ngoay ngoáy cái mông rồi nhăn mặt cười hê hê.

Bước ngoặt đời Thoải bắt đầu từ hôm cô được lựa chọn đi dự đại hội chiến sĩ thi đua. Lần đầu tiên trong đời Thoải đi ô tô, cô thấy cái gì cũng lạ. Hà Nội thời chiến trong mắt Thoải, một cô gái quê, vẫn cứ to đùng và đẹp rực rỡ, Thoải thấy mình cứ bé nhỏ trước những con người lịch lãm và sang trọng. Lần đầu tiên Thoải thấy mình không nhớ chồng. Trong bữa tiệc tối ấy, cô có uống một cốc rượu nhỏ. Thoải chả biết đó là rượu gì, chỉ nghe đầu lưỡi cay cay chua chua. Đêm ấy trời Hà Nội mưa rất to. Chiếc máng xối ngoài hàng hiên nhà nghỉ đổ nước ào ào. Thoải thấy người nóng rực và bức bối đến kỳ lạ. Có tiếng gõ cửa lẫn trong tiếng mưa. Thoải e dè rút then. Lấp lóa trong ánh chớp trời là gương mặt một người đàn ông. Phải một lúc lâu Thoải mới nhận ra đó là vị trưởng đoàn. Thoải không còn nhớ sau đó mọi việc diễn ra như thế nào. Cô thấy đầu óc mụ mị, chân tay tê dại. Cái bóng đen to lớn đổ ập lên người cô. Thoải thấy mình như đang bay lên trong ngày cưới. Chiếc áo dài màu xanh ngọc dính đầy hoa trinh nữ. Phương vừa khóc vừa gọi theo, nhưng không hiểu tại sao Phương cứ cắm cúi đi. Anh không hề ngoái đầu lại một lần nào. Thoải nghe loáng loáng có tiếng hô đồng thanh của bầy trẻ chăn trâu “hông vợ chài là hai vợ chồng”.

Suốt đêm ấy Thoải khóc trong niềm ân hận. Cô để mặc cho những giọt nước mắt tủi hổ chảy đầm đìa.

Dự đại hội chiến sĩ thi đua về được hai hôm, Thoải nhận được tin chồng. Phương nhờ một người bạn viết hộ là anh đã ra Bắc, đang ở trại điều dưỡng E3 để điều trị vết thương. Thoải tức tốc thu xếp lên thăm chồng. Từ nửa đêm cô đã dậy, ra vườn nhặt mo cau và nhen lửa nấu cơm bếp. Bần thần nhìn ngọn lửa, nước mắt Thoải chảy ròng ròng. Thoải thấy người trống rỗng, cảm giác tội lỗi dày vò lòng Thoải. Thoải thoáng nghĩ đến một điều xa xôi như là cái chết. Chết là hết, nhưng Thoải sợ...

Thăm chồng về độ nửa tháng Thoải thấy người hay choáng, nôn khan và thèm chua. Thoải biết là mình có thai. Mẹ vợ bảo năm ấy thím Thoải độ chừng hai lăm hai sáu. Tóc thím dài, đen nhánh. Nước da trắng như trứng gà bóc. Khuôn ngực thay lảy cái độ chín của một người phụ nữ ngấp nghé ngưỡng cửa làm mẹ. Tin thím Thoải có thai làm cả nhà vui như hội. Ông ra vườn đẵn tre để đan nôi cho đứa cháu hiếm hoi mà ông mơ ước. Còn bà ngày nào cũng tíu tít “Thoải ơi! con ăn gì bảo để mẹ mua. Ấy dà , phải là kiêng cữ cho nhiều. Đàn bà chửa là cửa mả đấy”. Rồi thím Thoải bị động thai. Máu ra nhiều. Nửa đêm ông chạy đi tìm y tá. Bà thì chầu chực bên giường. Mẹ vợ bảo trong nhà chỉ có một mình mẹ vợ biết vì sao thím Thoải động thai. Buổi sáng hôm ấy, mẹ thấy thím lặng lẽ leo lên xà nhà. Từ trên cao thím Thoải bổ nhào xuống như một con chim bị đạn. Lúc ấy mẹ vợ không hiểu vì sao thím lại làm như vậy, chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi dìu thím vào giường. Máu ra rất nhiều, chảy ướt cả quần và hai bàn chân thím Thoải.

Điều trị lành vết thương, Phương được phép về thăm gia đình. Anh dành ngày phép ngắn ngủi để chăm sóc vợ. Căn phòng cưới của họ lại đầy ắp hoa cổ cò. Suốt ngày Phương ngồi bên giường vợ. Gương mặt Thoải xanh xao, gân xanh ở cổ nổi phập phồng. Cô đã ăn được một ít cháo trắng. Phương bỗng ít nói hẳn. Ngày phép cuối cùng, Phương lặn lội đi thị trấn mua tặng vợ một mảnh lụa và mấy mét vải may áo quần sơ sinh. Anh tháo tấm ảnh cưới bỏ vào ba lô. Đêm ấy trăng cũng sáng như sau ngày họ cưới nhau. Không gian thanh vắng, đầy ắp thứ ánh sáng trắng như pha lê. Có tiếng cười vọng lại từ bờ đê của lũ con trai con gái làng. Phương nghe rõ hơi thở nặng nhọc và gấp gáp của vợ. Anh thấy cổ họng đau nhức. Bao ngày qua Phương đã cố nuốt một vật đắng vô hình. Đã đến lúc Phương phải nói. Anh hỏi vợ “Cái thai mấy tháng rồi?”. “Dạ ba”. “Của ai vậy? Thoải bật khóc nức nở. Gương mặt cô phù ra dưới ánh trăng. “Chỉ cần em nói của ai, anh sẽ tha thứ cho em”. Giọng Phương buồn bã, nghe xa xôi như tiếng con vạc lẻ bầy kêu khan ngoài cánh đồng Bàu Vá. Thoải nói trong tiếng nấc “Em van anh hãy tha lỗi cho em. Ngàn lần em van anh, em cắn rơm cắn cỏ lạy anh...”

Thoải sinh con trai. Phương gửi về một lá thư dài, kèm theo là một đơn ly hôn. Trong lá thư Phương viết cho gia đình anh cho biết đứa con Thoải sinh không phải là của anh. Cả làng Cổ Liễu bàn tán xôn xao. Có người cho là Phương ở bạc. Người thạo tin thì xầm xì chuyện Thoải “đi đêm”. Cũng chẳng ai biết một cách tường tận sự việc nó thế nào. Sau ngày ly hôn, Thoải bị khai trừ khỏi Đảng, bị cắt tuột hết chức tước. Thoải ẵm con về nhà cha mẹ đẻ. Người làng ngày một ít thấy Thoải. Mẹ vợ bảo đời thím Thoải sa sút lận đận từ đó. Thỉnh thoảng mẹ có gặp thím Thoải đi củi. Người gầy và héo hắt lắm, nhìn mãi mới nhận ra. Mỗi bận như thế, thím Thoải hay kéo mẹ vợ ra một góc rừng kín đáo “nì, Dụng, chú có hay gửi thư về không con?" “Dạ có mà ít”. “Chú có khỏe không?”. “ Dạ vẫn khỏe”. Thím Thoải hỏi nhiều lắm, mẹ vợ không nhớ hết. Rồi thím khóc, hai con mắt đỏ hoe hoe. Thím bảo đời thím thế là hết. Chỉ tội cho chú Phương lỡ làng. Mẹ vợ bảo mỗi bận ông Phương về phép, bà Thoải hay thập thò ngoài hàng chè tàu. Có lần bà suýt bị chó cắn. Năm sau, thím Thoải đi bước nữa, lấy thằng Lô trong làng. Cũng là rổ rá cạp lại. Thằng Lô hay rượu, lại cả ghen. Nó đánh thím Thoải ngày một. Mà đánh tàn nhẫn lắm. Nó cột tóc thím Thoải vào chân chiếc giường tre, lột hết áo xống thím, vừa đánh vừa chửi rầm rĩ “Mày là con đĩ thúi. Nghe ông nói chưa, mày là con đĩ... Phúc ba đời nhà mày mới được gặp ông”. Nghe tin này, ông Phương buồn lắm. Có bận về phép, ông ra tận chợ Tréo tìm bà Thoải. Bà đang lúi húi bán rau. Bất chợt thấy ông, mặt bà đỏ bừng, tim đập choi choi như thời con gái. Ông bảo bà “con có khỏe không? anh có chút quà này cho cháu”. Im lặng một lúc rồi ông thở dài “em đừng có cãi nhau với Lô làm gì, kẻo nó đánh nhiều mà đau”. Hai người đứng giữa chợ, nước mắt bà Thoải chảy ròng ròng. Ông chỉ nói có vậy rồi ông lại đi. Tan buổi chợ về nhà, bà Thoải lại khóc. Đêm hôm ấy, mẹ vợ thấy bà đứng thập thò bên hàng chè tàu tay cầm một gói quà. Nhác thấy mẹ vợ, bà Thoải nhao ra khỏi chỗ nấp, giọng thầm thì “nì Dụng, mang cái này vào cho chú Phương giúp thím. Mai chú đã đi chưa hở con?” “Dạ con nghe nói là mai chú đi sớm” “rứa mai mi đừng nấu cơm bếp, để tau bới cho chú nghe”. Suốt đêm đó Thoải thức trắng. Trăng tháng tám giải lên thềm nhà những vệt sáng lấp lánh. Gió từ cánh đồng Bàu Vá thổi u u. Vẫn là ánh trăng ngày ấy nhưng sao Thoải thấy nó nhợt nhạt và vô nghĩa quá. Thoắt mà đã mười năm rồi còn gì. Thoải nhen lửa nấu cơm nếp. Nhìn những tia lửa nhỏ lóe xanh nhảy nhót, Thoải nghe lòng bồi hồi. Nếu không có những vết đau nhức do buổi chiều thằng Lô đánh, có lẽ Thoải đã nghĩ rằng mình đang ở nhà Phương. Buổi sáng sau ngày cưới nắng đẹp lắm. Hôm ấy Phương trêu Thoải vì cô mặc áo trái. Ôi tiếng cười của Phương, sau bao năm tháng đau buồn Thoải vẫn thèm được nghe. Nó vang vọng như một ánh hồ quang, chói sáng rồi vụt tắt ở đâu đó trong lối đi mơ hồ của tiềm thức. Như buổi sáng hôm nào tiễn Phương đi, Thoải ra vườn nhặt chiếu mo cau. Cô dùng dao xếp cắt lấy phần bẹ, nhúng khăn ướt lau phần bụi ở mặt ngoài. Mặt trong chiếc mo cau cô lau bằng khăn mùi xoa, kỷ vật mà Phương tặng từ hồi họ mới yêu nhau. Bàn tay Thoải khéo léo đồ xôi vào ruột mo cau. Nhìn những hạt nếp dẻo dính trên chiếc khăn tay, bỗng dưng Thoải bật khóc nức nở.

Mẹ vợ kể sáng hôm sau, trời còn mờ đất, mưa đổ lâm thâm, đã thấy bà Thoải vận áo mưa sùm sụp đứng thập thò bên hàng chè tàu, trông hom hem và tội nghiệp lắm. Mẹ vợ ngạc nhiên : ủa thím không biết à! chú Phương đã được xe đón đi từ hồi đêm. Hồi khuya chú bảo là sang thăm thím mà...”. Thím Thoải lắp bắp “ thế à, thế à...” rồi thím ngồi sụp xuống đất, đặt mo cơm nếp bên vệ đường, moi ruột lấy ra một tờ giấy xếp nhỏ bỏ trong bao ni lông. Phủi mấy hạt xôi bám vào tờ giấy, thím đưa cho mẹ vợ bàn tay thím Thoải run run “nì Dụng, con gửi cái này gấp cho chú”. Mẹ vợ bảo “thím vô nhà tí đã”. Thôi thím về, thím về đây, kẻo không thằng Lô nó thấy, nó lại hành thím”.

Bỏ thằng Lô, Thím Thoải đi thêm ba bước nữa nhưng bà không có lấy một ngày hạnh phúc, người chồng sau cùng của thím bị liệt, cả con chồng con vợ ông lại đến mười mấy đứa. Thím suốt ngày quần quật ngoài đồng. Người đen đúa gầy nhom. Tóc cũng đã bạc nhiều. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn đen lay láy sâu hun hút, nhìn ai như thắp lửa bập bùng.

Năm 1975, Miền Nam giải phóng, Thiếu úy Phương ngày nào giờ đã là trung tá. Ông vẫn chưa có gia đình. Rồi chưa kịp nghỉ ngơi ông lại tiếp tục đi chiến trường K. Niềm vui của đời ông là đơn vi. Cánh lính trẻ tếu táo cứ gọi đùa ông bằng bố. Người ông thương nhất là binh nhất Sơn. Nó mồ côi cha. Mẹ Sơn còn rất trẻ và đẹp. Thỉnh thoảng thấy thủ trưởng buồn, Sơn nghịch nửa thật “ hay là bố về ở với mẹ con. Xin báo cáo với bố mẹ con ngày xưa là hoa hậu đấy. Bố muốn ăn cơm “ lếp” thì mẹ nấu cơm “ lếp” cho bố ăn. Thằng Sơn nói ngọng chữ “ nếp” thành chữ “ lếp”.Nói là làm thật, bữa nọ hai mẹ con vào. Chút nữa thì ông làm rơi chén. Mẹ Sơn giống Thoải đến kỳ lạ. Từ dáng đi cho đến khuôn mặt trái xoan, đôi mắt sâu hun hút những lúc vui lại nhấp nhánh cười. Lâu lắm ông Phương mới có một ngày vui như vậy. Nhưng rồi tất cả chỉ dừng lại ở đó. Nhìn mái tóc búi gọn thành tó xanh đen trên bờ vai tròn trặn của mẹ Sơn, ông biết là mình chưa thể nào quên được Thoải. Thoải là tất cả những gì ông đã có và đã đánh mất trên đời này.

Ông Phương mất năm 1984 tại chiến trường K do bạo bệnh. Một tháng sau, mẹ vợ nhận được một gói bưu phẩm gồm có thư, cuốn nhật ký, bức ảnh ngày cưới ông Phương và một cuốn sổ tiết kiệm. Trong thư ông viết: “ Dụng thương yêu của chú! chú biết là mình khó có thể qua khỏi bệnh, nên chú viết thư này cho cháu. Cuốn nhật ký là cả một đời chú. Chú đã viết nó trong những ngày đau buồn nhất. Chú biết là mình không thể nào mang theo được. Bây giờ cháu hãy giữ nó giúp chú. Còn cuốn sổ tiết kiệm đó là chút tiền mọn mà chú đã cóp nhặt mấy mươi năm đi lính. Không nhiều nhặn gì nhưng với quê mình cũng là to lắm. Cháu hãy giúp chú, đưa cuốn sổ tiết kiệm cho thím Thoải, để thím đỡ vất vả trong ngày già. Chú gửi lời thăm Thuần và các cháu”. Tái bút “Chút nữa thì chú quên. Bức ảnh ngày cưới của chú giữ lại đừng gửi cho thím Thoải làm gì. Không khéo rồi ảnh hưởng đến người khác. Còn cuốn sổ tiết kiệm chú đã ghi tên của thím rồi”.

Cuốn nhật ký của ông Phương rất dày. Dường như là nó đã được đóng thêm nhiều lần và đóng rất khéo. Tôi mở trang đầu, vẽ hình một đôi chim bồ câu đang bay. Trang tiếp theo “ Ngày... tháng ... năm, vừa đi đào công sự về thì nhận được thư Thoải. Đang mệt bả người bỗng dưng thấy khỏe lại. Thoải bảo là chưa có thai. Hơi buồn. Nhưng việc ấy thì vội thế nào được. Mấy thằng quỉ sứ đọc lén chúng nó cười chuyện kín của vợ chồng mình. Thoải ơi! gắng lên em nhé. Anh nhớ em vô cùng. “Ngày tháng năm, suốt mấy hôm trời vẫn không ngớt mưa. Thằng nào cũng nhớ nhà mặt nghệt ra như ngỗng. Giờ này em làm gì? ở quê chắc là đang vào vụ lúa. Chiều nay B2 chết ba đứa. Bao giờ anh mới được gặp em. Không biết là có còn được gặp em nữa không?” Ngày tháng năm. Tại sao em nông nổi vậy Thoải. Em bôi tro trát trấu lên mặt anh. Em giết chết đời anh mất rồi. Tại sao em lại làm vậy. Cái thai là của ai? nếu em nói rõ có thể là anh sẽ tha thứ. Nhưng... “Ngày tháng năm. Mày đã thấy hả giận chưa. Bây giờ mày là thằng tự do, thằng chưa vợ. Nếu còn sống từ cuộc chiến này trở về mày sẽ là mì chính cánh. Thì ra mày cũng làm như cái cách mà nhiều người khác đã làm”. Ngày tháng năm. Thoải có lỗi hay không? tại sao mình lại làm như vậy? liệu mình có vội vàng quá hay không? có phải ly hôn là cách duy nhất hay không? Thoải ơi! thế là anh đã giết chết đời em mất rồi. Cái thằng người ích kỷ trong anh đã đẩy em vào con đường cùng...”

Tôi lật trang cuối đề ngày 22. 03. 1984. Trước ngày mất hai hôm ông Phương viết “Càng có tuổi anh mới hiểu cái quí nhất trên đời là vị tha. Yêu em, nhưng anh đã không làm được điều đó. Nhìn em khổ sở anh ân hận vô cùng. Mấy hôm nay bác sĩ bảo rằng anh sẽ qua khỏi bệnh. Anh không tin điều đó. Anh chỉ tiếc là đã không gặp được Thoải trong ngày chia tay này. Trước cái chết, anh hiểu là con người ta đã có biết bao nhiêu lầm lỡ. Điều anh ân hận suốt cả đời mình là tại sao anh không thể tha thứ cho Thoải. Bây giờ anh mới biết hạnh phúc của đời người là ngắn ngủi biết bao. Đã thế anh còn không biết giữ nó. Anh đã hắt hủi em. Tại sao anh làm vậy? hãy tha thứ cho anh nghe Thoải. Anh không giấu diếm rằng suốt những năm tháng đã qua anh chỉ có em. Chỉ nghĩ về em, niềm hạnh phúc lớn nhất của đời anh. Nhiều lúc anh nghĩ số phận chúng ta có thể đi theo một hướng khác nếu như... Anh biết những năm tháng qua em đã bị khinh rẻ, khổ sở như thế nào. Điều đó khiến lòng anh đau đớn. Nhưng tất cả đã muộn màng. Hãy tha thứ cho anh nghe Thoải. Ngàn lần hôn em, người vợ hiền chung thủy của anh”.

Cuối năm 1999, tôi về quê dự đám cưới của Hải, người anh vợ. Trước khi đi, mẹ vợ bảo “con về nhớ ghé thăm bà Thoải. Cho mẹ gởi lời thăm bà, nhân thể mẹ gởi cho bà cuốn nhật ký. Mẹ nghĩ là đã đến lúc bà Thoải cần nó”. Tôi gặp bà Thoải trong ngày cưới của anh Hải. Bà vẫn còn rất đẹp dù đã tàn tạ nhiều. Suốt đêm hôm ấy bà Thoải chỉ nói chuyện ông Phương. Thỉnh thoảng bà lại kéo chéo áo lau nước mắt. Bà bảo suốt một đời bà chỉ có ông là người tốt nhất. Nhưng bà đã để mất ông. Khi tôi đưa cuốn nhật ký, bà cầm tay nó run run, bảo “có mấy lần bà nài con mẹ vợ anh cho bà mượn vài hôm. Nhưng Dụng nó bảo chưa cho bà mượn được”. Mân mê tấm bìa nhựa cuốn nhật ký, bà hỏi “mày đã đọc chưa hả cháu. Ông có hận mắng bà nhiều không?”. Tôi cười bảo “bà cứ đọc rồi khắc biết”

Nắng đã lên. Sương mù tháng chạp giăng kín cánh đồng Bàu Vá. Gió mụ mị thổi qua những vườn chuối, tiếng tàu lá đập trong gió xao xác như những tiếng thở dài. Xa tít tận trên cao, mảnh trăng muộn cuối năm nhợt nhạt như một gương mặt người thiếu máu.

Trại viết Nha Trang tháng 5 năm 2000

H.L

(SH số tháng 11 - 2000)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng