TRẦN THỊ TRƯỜNG
Bất giác tôi nhìn sang phía tường bên trái, bên cạnh một chữ Tâm tuyệt đẹp là một chữ Duyên (trên nền giấy bồi trong khung gỗ) đã bị rách làm hai ... Tôi liếc nhìn thầy, thầy làm như không biết, nâng chén một lần, mỗi lần là mỗi tiếng thở dài nén lại...
Đã ba mươi mấy tuổi tôi mới cắp sách đến trường. Gọi là trường nhưng thực chỉ có một thầy và vài trò. Các trò đều còn rất trẻ chỉ có tôi là vợ đùm con rúm. Biết là đã muộn nhưng tôi không thể không theo, thậm chí cho rằng nếu không học thì coi như đời chẳng còn nghĩa lý gì. Lẽ ra tôi phải đi học môn này từ khi còn trai trẻ. Cha tôi là người mà tôi kính trọng, một người đã chịu đựng khá nhiều bi kịch cá nhân mà vẫn không bao giờ để mất niềm hy vọng, cũng là một người để lại cho anh em chúng tôi một tài sản đáng kể. Hầu hết những tài sản ấy đều có giá trị kinh tế, mà lại rất trang nhã. Chỉ cần bán một thứ trong đó như bản thư họa của Shoya Tofu của danh nhân Nhật Bản thì chúng tôi mỗi người cũng đủ tiền xây nhà cưới vợ. Nhưng bố tôi lại hy vọng là anh em tôi sẽ sống sung túc để không phải bán mà nếu có nghèo thì cũng không bao giờ muốn bán. Bố tôi còn hy vọng tôi sẽ theo học thư pháp. Bố tôi bảo học được nghệ thuật thư pháp thì con người giữ được cốt cách theo nếp thánh hiền. Cứ như bố tôi thì chỉ riêng cái việc giấy đốt đi hàng gánh, bút nghiên rửa đen mấy ao làng mới đến được với nghề cũng đã đủ để luyện ra người có chí.
Khi chúng tôi ai nấy đều có gia đình riêng thì bố mẹ tôi cũng đã qua đời. Tôi nhường các em nhà cửa, đồ đạc chỉ mang theo một bức thư pháp, một cái chóe nâu chạm rồng đến nhà tập thể được phân bên vợ. Vợ tôi bảo nếu không muốn ở tập thể thì bán đi một thứ trong di sản ấy mà mua nhà khác nhưng tôi yêu những thứ đó đến mức không thể làm thế được. Ở nhờ nhà vợ cũng nên nể vợ mà lo những việc cho vợ, mãi đến bây giờ mới cắp sách đến nhà thầy.
Một năm theo học, mỗi tuần ba buổi, mỗi buổi ba giờ. Lúc đầu mươi trò, rơi rụng dần giờ còn sáu. Thầy bảo: "Các anh cứ theo đưọc đến mươi năm mà vẫn còn sáu thì thầy chẳng còn gì phải thẹn với trời". Chữ thầy tôi đẹp lắm. Thầy viết được cả 6 loại: Khảo, Triện, Lê, Chân, Hành, Thảo. Nhưng đặc biệt ở chỗ thầy viết đẹp cả loại Chân cả loại Thảo trong khi có người viết đẹp loại này thì không viết đẹp được loại kia. Nếu thầy viết để tặng người bề trên hay để dâng đình, dâng chùa thì viết lỗi chữ Chân. Khi ấy, thầy đã trai giới bày ngày, mặc áo the mới, đốt một lư trầm, quỳ trên chiếu hoa. Nghiên mực trước mặt, thầy nghiêm trang giầm bút vào nghiên rồi nâng khỏi đầu kính xin thiên khí rồi mới hạ đề. Chữ nào chữ ấy trông như có hồn người quân tử phảng phất, trông như có khí thánh nhân ở bên trong. Nhưng nếu thầy viết cho người những tri kỷ, những nhà thơ hay đến đàm đạo văn thơ với thầy, đàm đạo nhân tình thế thái thì thầy viết lối chữ Thảo. Trông nét chữ trên mặt giấy khoáng đạt tưởng như có rồng bay trong mây, thanh thoát uyển chuyển như chim liệng trong gió...
Càng học tôi càng say mê, nhiều khi đắm chìm trong cái bầu không khí hăng hắc mùi mực, nhiều khi tha thẩn đi ra bờ ao. Nhìn xuống mặt nước cũng thấy hàng hàng chữ chữ hiện ra. Một hôm tôi đang nhìn xuống mặt ao như thế thì thấy nước dưới ao lay động. Dụi mắt nhìn lại thì thấy dưới đáy ao có hình một người con gái tóc tết đuôi sam. Không dám ngảnh lại nhưng đoán người đằng sau lưng là con gái thầy... Người đâu mà cổ đến thế, cũ đến thế, suốt ngày ru rú trong buồng, chẳng mấy khi để ai trông thấy mặt. Bây giờ đứng đó làm chi.
Tần ngần một lúc đã định liều quay lại nhìn thì thấy mặt ao phẳng lại như tờ, mặt người dưới ao biến mất. Chắc bước chân người ấy nhẹ tựa lông hồng. Không nhìn tận mặt đâm ra càng tiếc, càng hình dung là người đẹp và càng muốn hỏi cho thỏa nỗi lòng nhưng rồi không dám.
Hôm ấy nhà thầy có việc gì quan trọng mà tôi không biết nên vẫn đến để học như thường lệ. Thấy không tiện đang xin phép ra về thì thầy bảo ở lại. Nhìn ở phòng khách thấy có treo nhiều bức thư pháp thật tuyệt. Mỗi bức không chỉ là những bố cục biến đổi tài tình mà nét chữ lúc thanh lúc đậm, lúc vắn lúc trường, khi cứng cáp khi mềm mại, khi cương trực khi uyển chuyển nhịp nhàng. Nhìn mà tưởng tượng, mà muốn thấy được bàn tay, ngọn bút của người nho sĩ...
Thấy tôi đứng lâu ở trước những bức họa thư, thầy tôi bước đến:
- Anh thấy thế nào?
Tôi ấp úng, cảm động:
- Thưa thầy đẹp quá, đáng gọi kỳ phu, chắc phải là bậc kỳ tài. Thưa thầy của ai đấy ạ. Con rất ngưỡng mộ.
Thầy tôi im lặng không nói. Tôi cũng không dám gặng khi thấy gương mặt thầy u uẩn. Thầy bảo: “Có phải ngày gì quan trọng đâu... Đã tròn bốn năm anh học với thầy. Cái ngày anh đến có thể anh quên nhưng thầy thì nhớ. Thầy thấy anh khác người, thấy anh có chí thầy quý, thầy muốn uống với anh vài chén và cũng là để anh xem biết cái...”.
Thầy nói đứt quãng, giọng buồn buồn, tôi không sao hiểu được một cách rõ ràng. Nhưng chắp lại dần dần thì cảm thấy, những bức thư họa ấy là của con gái thầy viết. Tôi a khan một tiếng trong lòng. Chao ôi, đàn bà con gái đâu có thể làm được việc này? Người ta vẫn bảo Nghệ thuật Thư pháp là thái cực quyền trên giấy là thần khí trên đầu ngọn bút. Đàn bà con gái làm thế nào được. Vậy đây là một... đại nhân.
Và tôi bỗng lập tức nhớ lại những ấn tượng lạ lùng khi lần đầu đặt chân đến nhà thầy. Những ngôi nhà kiểu cổ có nhiều câu đối và bình phong vốn thường toát lên vẻ u nhã sâu xa nhưng ở nhà thầy cái không khí u nhã ấy lại có gì nặng nề uẩn khúc, tất cả đều lành lạnh như thiếu hơi người. Cái vẻ đầu tiên tôi nhớ khi thấy mặt thầy là một nếp nhăn chua chát, nhỏ thôi nhưng hằn lệch một bên khuôn mặt. Và, đúng rồi, tôi nhớ có một câu đối dang dở chỉ có một vế, nét của thầy theo lối chữ Thảo “Mộng trung nhân Hoàng Lương chi hà xứ”... Lúc đó tôi không hiểu, chỉ thoáng nghĩ thầy độc thân hẳn còn in một bóng hình nào. Tờ hoa ấy sau thầy đã bóc đi. Nay nghe thầy kể thì ra không phải. Thầy thương và giận người vợ quá cố. Bà vợ thấy cảnh nhà đạo ấy quá nghèo, lén chồng mang bán một trong ba cái nghiên mực cổ cho tay lái buôn nào đó. Tay lái này, để tìm cách mua được báu vật, không biết bằng cách nào đã quyến rũ được vợ thầy trong một thời gian. Việc vỡ lở. Bà ân hận quyên sinh. Thầy vừa hận chưa có con trai vừa căm ghét bọn người ma giáo đầy rẫy ở đời nên rèn giũa con gái như một đấng nam nhi. Nhưng cô gái thì hình như đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ một ai đó. Vốn hiếu thuận, lại nết na, hiểu lòng cha cô tự ép mình xa lánh người đời, bẩm sinh có khiếu lại học đến mức tài hoa, rắn rỏi như trai cố sống như cha muốn để cha đỡ tủi. Có lẽ chàng trai của cô đã bỏ ra đi, còn cô thì âm thầm chốn thư phòng. Nhiều năm như thế mà lũ học trò chúng tôi cũng chỉ thoáng trông thấy bóng... Thầy nói đến đấy, giọng thầy đã nặng vẻ ân hận xót thương nhưng mà... biết làm sao nữa. Xuân đã qua ngần ấy thì, vẫn thiếu nữ mà không còn xuân sắc... Tôi nghe, lặng đi thấy trong chén rượu gương mặt đáy ao ngày ấy...
Mồ hôi ướt đẫm lưng áo mặc dù đang tiết trời đông. Tôi tự trách mình bốn năm đâu có ít ngày mà sao tôi lại vô tình đến thế, không biết ở đây, trong nhà này có người tài. Hay không phải tại tôi, mà tại thầy tôi một người quá chú trọng đến lễ nghi, đến trắc trở ở đời mà làm cho con gái mình bỏ lỡ cơ hội góp mặt với đời như người thiếu duyên cuộc sống. Người cũ đã một đi không trở lại, tôi thì đã có gia đình vợ con nhưng ở đời còn bao nhiêu người đàn ông xứng đáng, thầy ơi.
Bất giác tôi nhìn sang phía tường bên trái, bên cạnh một chữ Tâm tuyệt đẹp là một chữ Duyên (trên nền giấy bồi trong khung gỗ) đã bị rách làm hai, treo ở khuất ở góc ngoài cùng. Nét chữ và cách đặt chữ là chung với một kiểu của thư bản nọ. Không phải của thầy.
Tôi liếc nhìn thầy, thầy làm như không biết, nâng chén một lần, mỗi lần là mỗi tiếng thở dài nén lại. Lòng tôi nôn nao, tâm tôi xao xuyến. Tôi thầm nghĩ nếu thầy cho phép thì tôi gỡ chữ Duyên bị rách kia xuống và đêm nay về tôi sẽ viết một chữ Duyên khác với tất cả tâm hồn tôi, tài hoa của tôi ngày mai đem đến thay vào.
Dù không biết mặt nàng nhưng nhìn chữ viết là tôi đã mê người lắm. Nhưng về nghĩ lại. Chữ Duyên thầm viết không biết bao nhiêu lần trong bóng đêm mà sáng dậy lại thôi.
Ước gì tôi có thể hiểu được ý nghĩ của thầy cái hôm thầy cho tôi cùng uống rượu. Nhưng bây giờ đã là gần trăm năm so với ngày người ta viết "giấc mộng lầu hồng". Không biết người tài, người ở chốn u buồn có một chút nào nghĩ đến tôi chăng?
Tháng Chạp năm 2000
T.T.T
(SH số tháng 5 - 2001)