Những nẻo đường đất nước
Một đời người một rừng cây
08:35 | 30/05/2012

NGUYỄN QUANG LẬP

Thế rồi Ăm Hươn chống gối đứng dậy, lảo đảo tiến về vách trái nhà sàn đan dày bằng tre ca lay. Nơi đó có cái ca dóc như một búp măng ám khói, đang treo rủ ngược xuống, Ăm Hươn tiến tới gần, dướn lên, với tay lấy ca dóc nhưng không được. Lại dướn lên.. lại không được.

Một đời người một rừng cây
Một gia đình người Vân Kiều ở Hướng Hóa. Ảnh: quangtri.net

"Ăm Hươn say quá, không biết đứng vững nữa". Cà Té - Hồ Thị Cà Té con dâu của Ăm Hươn đang đút cháo cho con trai 9 tháng tuổi của mình, nói với khách như vậy. Ăm Hươn quay lại lừ lừ nhìn Cà Té: "Tao mà say à?"… Cà Té ẵm con lúi cúi vào bếp. Ăm Hươn, có lẽ nhờ câu nói của Cà Té, đã dướn lên lần cuối cùng… ca dóc đã có trong tay ông, một nụ cười lặng lẽ trên gương mặt cháy nắng…

- Côn Púa thổi bằng cái này!

Ông không nói với ai hết, ông nói với ngực ông, với cái ca dóc làm bằng sừng trâu của ông. Khách đang cần nghe ông thổi ca dóc, còn ông lại nhớ về Côn Púa… thực ra Ăm Hươn cũng chẳng biết Côn Púa là người như thế nào. Côn Púa sống trong ngực ông dưới dạng một truyền thống đã được thần linh hóa "Côn Púa đi mưa không ướt, gió vấp phải ngực thì thổi ngược lại. Côn Púa con của người trời, bắn một mũi tên xuyên mười ngựa thằng Pháp, cưỡi con ngựa lông đỏ như máu, phi một nước kiệu từ đỉnh Che Riên đến đỉnh Tam Ve. Côn Púa bắt thằng Pháp phải trả lại lúa trên rẫy, trả lại máu dưới những gốc cà phê…" Làm sao Ăm Hươn biết được Côn Púa. Cái thời mà đường 9 chỉ là một lối mòn đầy lau lách, Ăm Hươn chưa có mặt trên đời. Khi thằng Pháp bắt người Việt, người Lào đi phu làm một con đường dài 297 km từ thị xã Đông Hà ở dưới xuôi sang thị xã Sa Vằn ở đất Lào, Ăm Hươn còn nằm chỏng queo trên lưng mẹ (bà Cốn) trên mặt đường mới khai phá, còn nham nhở những đá và gốc cây… "Cực lòng quan bắt phải đi, đã đi lên đường mấy khi được về". Từ khi Ăm Hươn nhường lưng mẹ cho đứa em trai mới nở, nghe mẹ hát điệu Adâng con ru em, ông mới mơ hồ nhận thấy nỗi khổ nhục của những người dân đôi bờ sông Đak Rông, Rào Quán, Sê Pôn dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Khi đó, chính bà Cốn cũng chưa biết ở phía Nam đường 9 - ở Xì A Vao, A Jo, Tà Rụt, A Bung, Kỳ Nơi, A Túc… tiếng ca dóc của Côn Púa đã thổi. Người thanh niên dân tộc Tà-ôi trước là một thành viên của phong trào Cần Vương, đã trở về thổi cái ca dóc tập hợp lực lượng và trở thành thủ lĩnh cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp đằng đẵng 20 năm trời.

Tiếng ca dóc của Côn Púa dấy lên ở Nam đường 9, tràn sang Bắc đường 9, chạy ngược lên dòng Sê Pôn trong xanh cuộc khởi nghĩa đã đến thời kỳ chín muồi. Cũng chính lúc này, dọc đường 9, từ Lương Lễ đến Nguồn Rào ở vùng rừng Hướng Hóa, mọc lên lừng lững năm đồn điền của người Pháp. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của kẻ xâm lược đã bắt đầu. Lần đầu tiên, một thứ cây lạ đột nhiên xuất hiện, dần dà mọc lây lan, rậm rịt ở khắp vùng rừng núi cao này và không ngờ chính nó đã làm khổ thế hệ bà Cốn và sau đó là Ăm Hươn đến như thế.

Đó là cây cà phê.

Trong năm đồn điền Pháp, ngoài đồn điền Lê-ca, chuyện trồng cây ăn quả nhiệt đới: lê, táo, bơ… ở động Tam Ve và đồn điền Bê-ca-này, nuôi một vạn con trâu ở Nguồn Rào, ba đồn điền còn lại chuyên trồng cà phê. Cà phê, cái thứ cây cho quả to như trái ké, nhai vào thấy đắng nghét; phơi khô giã nhỏ hòa vào nước cũng đắng nghét; hòa cả mật ong vào vẫn không hết đắng… Thế mà "quan Tây" rất thích, trồng nó ngày càng nhiều. Ở Lương Lễ, Hướng Tân, Hướng Phùng - đồn điền của ông Poa-lăng, rộng chừng 200 hec-ta. Ở Khe Sanh, Trung Thuận, Tà Cơn - đồn điền của bà Cô-mê-rôm, rộng chừng 100 hec-ta. Ở Trung Thuận, Lao Bảo. Làng Vây - đồn điền của ông La Van, rộng chừng 200 hec-ta. Cà phê, cà phê, cà phê… và máu, và mồ hôi của đồng bào vùng Hướng Hóa, vừa mới rũ sạch nỗi nhọc nhằn ở con đường 9 lại phải làm phu cho các đồn điền Tây, đổ xuống ướt đẫm trên những triền đồi đất đỏ Ba-zan…

Một trong những người làm phu cho đồn điền cà phê Poa-lăng chính là Ăm Hươn. Lúc đầu Ăm Hươn mới 13 tuổi, gùi A chói của người lớn theo mẹ đi hái cà phê về nộp cho Poa-Lăng, tuổi thơ thường ít có khả năng lưu giữ ký ức được bền lâu, thế mà Ăm Hươn nhớ hết. Ăm Hươn nhớ rõ cái đạp cực mạnh của thằng Tây đốc công vào lưng mẹ, làm cho mẹ ngã lăn ra, mãi mới tìm được hơi thở hồi sinh. Ăm Hươn nhớ bố của Ăm Hươn, ông Ăm Tưn, đã rút cây rựa từ trong bếp lao xuống cầu thang hét. "Tao giết thằng Poa-Lăng đây!". Không ai cầm giữ được nỗi uất ức của ông. Ông lao đi… và trở về với một thân hình bê bết máu, gục xuống cầu thang. Chết lặng lẽ dưới chân cầu thang… Khi đó suối Ca-cáu vẫn chảy, tiếng ca dóc của Côn Púa vẫn chập chờn trong khát vọng của Ăm Hươn. Nhưng Ăm Hươn không biết nó ở đâu mà tìm đến. Ở trong sự hiểu biết thơ ngây của Ăm Hươn, cây cà phê chính là kẻ thù của Ăm Hươn, của những người dân Vân Kiều bản Trằm, chính nó mà bản Trằm xưa vẫn sống yên vui bên bờ suối Ca-cáu, bỗng điêu tàn, hiu hắt như những bóng ma; chính nó mà bố Ăm Hươn bị chết, mẹ Ăm Hươn sau cú đạp của thằng Tây đốc công, đã phải nằm liệt trên sàn nhà, ít lâu sau vì quá buồn tủi đã chết âm thầm bên bếp lửa. "Cây cà phê, mày phải chết!" - Ăm Hươn đã đốt cháy 600 cây cà phê của Poa-Lăng. Không ai biết chuyện này. Mãi đến bây giờ Ăm Hươn mới kể ra…

Ăm Hươn đã bước ra ngoài sân. Cái ca dóc đã được nâng lên. Ông thổi, tiếng ca dóc rền rĩ vang vang trong mùa trăng Raliăng (trăng tròn). Cùng với tiếng ca dóc chốc chốc lại òa ra là tiếng hát khản đặc nhưng rất lớn của Ăm Hươn. Ông hát, mồ hôi chảy đầm đìa. Trên đầu ông là trăng, dưới chân ông là suối Ca-cáu, qua năm qua tháng nó bị bé lại, ngoằn nghèo như một con rắn nước… và xa hơn nữa là một rừng cà phê 47 hec-ta của đội 14 nông trường cà phê Khe Sanh, đã bắt đầu khép tán… Tiếng Ăm Hươn rỉ rả kể một điều gì đó, lúc thì bị hãm lại, lúc thì đột khởi bung ra, gần như những tiếng thét. Đấy là điệu dân ca Roai tol người Vân Kiều vẫn dùng phổ biến trong các đám lễ, ma chay để tưởng niệm hoặc kể lể một chuyện gì đó đã mọc rễ trong ký ức. Ăm Hươn đứng hát hơi lâu dường như không đủ tỉnh táo để biết nên dừng lại lúc nào. Tiếng hát của Ăm Hươn như con suối Ca cáu cổ xưa của bản Trằm, cứ chảy mãi, chảy mãi…

Cà Té đã ẵm con đứng tựa vào phên tre calay, ngó chăm chăm bố chồng của mình. (Nãy giờ cô vẫn ngồi thu lu trong bếp lửa vì đã lỡ lời nói với bố chồng một câu theo cô là không phải đạo). Cô đang cười, một nụ cười tươi rói của cô gái đang tuổi xuân xanh. Ở tuổi cô, các cô gái hãy còn đeo đuổi chuyện học hành có để ý đến chuyện yêu đương cũng chỉ coi nó là thứ để ngắm chứ chưa phải để cầm. Thế mà Cà Té đã bốn con ở cái tuổi hai mươi! Ghê quá!... Cà Té từ từ đưa mắt nhìn khách, và hình như đoán biết khách đã quá mệt mỏi vì lời ca dài dòng của bố mình, liền tiến lại ngồi xuống cạnh, cứ nhìn khách hoài, mỉm cười hoài… Khách? Ấy là tôi và một thanh niên rất đẹp trai làm công tác điều tra qui hoạch rừng của huyện, có cái tên không một chút gợi cảm: Ngô Hới.

- Không muốn nghe nữa à? - Cà Té hỏi.

- Ồ, muốn chứ - Tôi trả lời.

- Không đúng! - Cà Té cười, đôi mắt nheo lại tinh nghịch. Anh chàng Hới ngồi bó gối, nhìn Cà Té chăm chăm, đột nhiên vui vẻ nói:

- Té hát đi.

- Không biết hát đâu - Cà Té đỏ mặt lắc đầu.

- Không biết hát làm sao đi "sim" để kiếm người tình? - Anh chàng Hới vặn lại.

Cà Té cười, nghẹo cổ cười. Đã lâu lắm tôi mới nhận được tiếng cười trẻ trung ở một phụ nữ đã bốn con như Cà Té. Trong lúc đó ở ngoài kia, Ăm Hươn không còn hát to nữa, tiếng hát của ông đã giảm dần với các trường độ loạn xạ… và tắt hẳn. Ăm Hươn ngủ, cầm cái ca dóc mà ngủ say sưa. Cà Té đứng dậy, chạy vào bếp kéo theo một cái chiếu đắp trùm lên người ông.

- Đi hái cà phê cả ngày, mệt, lại uống nhiều rượu nên say thôi - Cà Té ẵm con ngang ngực nói với khách. Đoạn, cô chào chúng tôi bằng mắt định trở lui vào buồng trong.

- Ấy khoan - tôi nói - Cà Té biết Ăm Hươn hát cái điều gì không?

- Hát về chuyện khổ thôi.

- Chuyện khổ như thế nào, Cà Té kể đi…

- Được thôi. Hát là: "Ngày xưa người bán Trằm trời không thương, bắt khổ. Thằng Pháp bắt làm cái sân bay, cái đường 9. Thằng Pháp bắt người bản Trằm trồng cái cây không được ăn, không uống được. Không trồng nó đánh, trồng ít nó đánh, nó bắt đi tù. Tóc người bản Trằm cuốn quanh gốc cà phê, mắt người bản Trằm vùi trong lá cây cà phê, cả xương nữa, cả máu nữa…"

Cà Té kể chay lời ca Roai tol mà Ăm Hươn đã hát rồi chào chúng tôi trở vào. Cô có vẻ hơi vội, hình như cô vừa phạm một nguyên tắc nào đó trong luật lệ gia tộc người Vân Kiều. Tôi đoán vậy và hối hận, một nỗi hối hận mông lung…

- Này!... - Anh chàng Hới hoàn toàn không để ý đến chuyện ấy, chỉ chờ Cà Té khuất bóng đã kéo vai tôi - Cà Té đẹp chứ nhỉ?

- Ờ… cũng được!

- "Cũng được" gì nữa …

Nói rồi Hới bỗng quên phắt chuyện đang bàn, lúi húi lôi từ túi du lịch to tướng của anh một cái hộp bằng gỗ. Anh mở ra: Trời đất ơi, một cái sa bàn toàn huyện Hướng Hóa khắc bằng gỗ.

- Đẹp quá! Cái này người ta cấp à?

- Ai cấp! Tôi tự làm lấy đấy!...

Hới nói xong, vuốt mũi một cái, khịt khịt. Tôi ngước lên nhìn anh xuýt xoa:

- Ông nhiều tài vặt nhỉ?

- Chứ sao! - mũi Hới lại khịt khịt - để tôi trình bày cho ông nghe. Địa hình Hướng Hóa chia làm ba khu vực. Khu vực 1 từ Rào Quán đến Khe Sanh, nơi tiếp giáp giữa Trung và Đông Trường Sơn, bị chắn bởi dãy động Tri, dãy động Êm, kẹp ở giữa là Rào Quán. Khu vực 2 là phần ranh giới Khe Sanh đến ranh giới Tân Long, Tân Lập. Đây là một thung lũng hơi bằng so với các địa hình khác. Phía bắc bị chắn bởi dãy động Dang và động Tam Ve, phía nam bị chắn bởi dãy Côhapát, ở giữa bị chắn bởi dãy Che Riên. Còn đây là "ơi con suối La La…" Khu vực 3 là các xã còn lại, nó thấp dần về Tây Trường Sơn tạo thành đèo Lao Bảo dài 3 km. Địa hình dốc về sông Sê Pôn theo hướng Bắc - Nam. Đấy, Hướng Hóa đấy!

- Chỗ nào có cà phê?

- Nhiều lắm. Tất cả những chỗ tôi gắn "xi" xanh… "xi" xanh 1 là những vùng cà phê đồn điền Pháp còn sót lại, "xi" xanh 2 là số cà phê trồng từ năm 1978, "xi" xanh 3 là số cà phê trồng từ 1981 trở đi, các mảng xanh lam là diện tích đất quy hoạch dành cho cà phê đến 1990 và năm 2000.

- Ghê nhỉ? Bao nhiêu hec-ta?

- Cuối năm này sẽ là 2000 hec-ta.

- Ghê nhỉ, ông nhỉ?

- Này ông, Cà Té đẹp đấy chứ? Đúng không? "Cũng được" gì nữa…

Hới lại "đổi pha" đột ngột, nói một câu về Cà Té đầy vẻ thích thú và nằm ngửa ra sàn, lát sau đã thấy anh ngáy pho pho. Chà, cái anh chàng "quy hoạch rừng" này mới tinh nghịch, vô tư làm sao. Suốt hai ngày theo anh "đi dạo" trong những cánh rừng cà phê của Húc, Ba Từng, Hướng Tân... tôi luôn luôn bắt gặp những ý nghĩ tinh nghịch và trái chiều của anh. Hình như cái việc trèo đèo lội suối hàng chục ki lô mét đường rừng để đo, đếm, vẽ, kiểm soát hàng chục lô cà phê, và nhấm nháp trong các bữa ăn đường trường của mình bằng một bữa cơm măng muối là chẳng có gì đáng bận tâm cả. Anh đi, tán gẫu và thỉnh thoảng lại rống lên: "rừng ơi ta đã về đây..." khác với một số chàng trai chưa vợ người đồng bằng tôi đã gặp, trong anh không xảy ra sự chuẩn bị nào tựa như một vận động viên chạy việt dã ở vạch xuất phát, chỉ cần có hiệu lệnh là lao ngay về quê nhà. "Hình như vợ tôi sẽ là một cô gái Vân Kiều, hiển nhiên là phải đẹp", anh nói vậy rồi ngửa mặt cười vang, mắt anh sáng lên như một người được của. Bây giờ anh đã ngủ say sưa. Ăm Hươn thì đã mê mệt trong tấm chiếu. Cà Té đã ngủ chập chờn cùng với điệu ru A dâng con cất lên uể oải. Chỉ có bếp lửa vẫn thức như nó vẫn đã từng thức đêm này qua đêm khác trong ngôi nhà sàn cất lên cách đây đã sáu đời người. Vị thần nào trong tín ngưỡng của người Vân Kiều cũng có lúc nghỉ ngơi, chỉ có Yang bỏng, thần lửa, vị thần cao nhất, đầy uy lực nhất của họ thì không một lúc nào được nghỉ... Người Vân Kiều ngày xưa cấm mọi sự lấy lửa từ bếp gia đình mang ra ngoài, cấm con rể tự động lấy lửa ra hút thuốc vì sợ làm phật lòng vị thần trọn đời thức cho con người ấy …

Tôi thêm những thanh củi to vào bếp rồi đăm đăm nhìn vào cái sa bàn bằng cuốn sổ tay mà Hới vừa trao. Với một mảnh giấy chỉ dẫn bằng bàn tay, tôi cố tìm xem đâu là động Voi Mẹp, núi Trống, khe Thác Trịch, làng Sen... những nơi mà vua Hàm Nghi đã xa giá đi qua vào cái thời chiếu "Cần Vương" truyền xuống núi rừng "ầm ầm các mán kéo nhau, làm nhà cư trú cho mau tức thì ". Đâu là Hướng Lập, cái nơi Côn Púa đã tổ chức phục kích đánh tan tác một toán lính Pháp đi càn. Và đâu là những đồn điền cà phê Pháp đã mọc lên từ năm 1930, để từ đó bà Cốn đã bị một cú đạp không gượng dậy được, ông Ăm Tưn đã bị một vết chém ngang lưng... Rồi những người trốn tù Lao Bảo bị lính Pháp bắt được, trói vào gốc cà phê, phơi nắng cho đến chết khô... Tôi nhìn, nhìn mãi... và thốt nhiên nhớ đến lúc chiều tối khi mà Ăm Hươn đã ngà ngà say, tôi bỗng hỏi ông một câu thật ngu ngơ: "Vì sao hạt cà phè khi chín lại có màu tím hồng?" Ăm Hươn nghe tôi hỏi ngớ ra một lúc, ngó ngơ lên mái nhà rồi từ từ nhìn xuống chân cầu thang, nơi mà bố ông đã gục xuống với một tấm thân đầy máu. Và đó là lý do vì sao Ăm Hươn bỗng nhớ đến Côn Púa, nhớ đến cái ca dóc của ông...
 

Minh họa: BỬU CHỈ


***

- Chưa nhiều đâu, hiện chỉ có 12 xã trong số 31 xã có cây cà phê thôi. Ước tính khoảng trên 500 hec-ta một chút, cộng với khu vực nông trường cà phê Khe Sanh có 470 héc-ta nữa, là khoảng gần 1.000 héc-ta cà phê chớ mấy. Cây cà phê Hướng Hóa thì có từ 1930 thế nhưng trên thực tế mãi đến năm 1981 người ta mới chú ý đến nó, mới đánh giá đúng nó... ông thấy có lạ không? Thôi, ta đi thôi!...

Dứt lời, Hới nhảy lên con ngựa lông nâu đỏ mượt của Ăm Hươn phóng một mạch ra đến đầu bản. Tôi đợi Ăm Tàng ròng xong yên cương mới vụng về trèo lên lưng ngựa. Ăm Tàng ngồi trước tôi ngồi sau. Con ngựa của chúng tôi đã quen tính nết của chủ nó: khi còn trong bản nó không bao giờ phóng nhanh, chỉ khi vượt qua thanh gỗ ngáng đường vào bản, nó mới lồng lên như một con ngựa chiến.

- Ê hê hê!...

Hới quay đầu ngựa dơ tay vẫy giục chúng tôi. Ngựa chúng tôi bắt đầu phi nước kiệu và chẳng mấy chốc nó đã đuổi kịp ngựa của Hới.

- Từ đây tới bản Xe Re mấy cây (số)? - Tôi hỏi Ăm Tàng.

- Mười tám cây - Ăm Tàng trả lời, đầu không ngoái lại.

- Thế còn đến bản Pơ Rô?

- Ba mươi cây!

- Ư chà - Tôi kêu lên - xa thế.

- Kết cấu một xã quá dài như vậy là bất hợp lý, cần phải nghiên cứu lại, nếu không thì rất khó quản lý - Hới ngoái lại nói với chúng tôi, rồi níu dây cương giữ cho ngựa đi chậm lại - Thong thả... đi thong thả! Đi du ngoạn mà cứ như ma đuổi...

- Tùy cấp trên thôi - Ăm Tàng cũng ghìm dây cương cho ngựa đi sóng đôi với ngựa của tôi - Cấp trên chỉ đạo chia đôi, chia ba cũng được; Cấp trên chỉ đạo chắp đôi, chắp ba cho dài thêm nữa cũng được.

- Anh là bí thư Đảng ủy - Hới nói - một xã dài như thế, anh đi họp, đi kiểm tra không chán à?

- Không chán - Ăm Tàng cười - nếu dân nghe thì không biết chán.

Ngựa chúng tôi rẽ vào một lối nhỏ rồi đột khởi tung vó lao thẳng tới một thung lũng hẹp. Một rừng cà phê 6 tuổi nằm im lìm trong một buổi sáng còn ướt đẫm sương đêm. Quả cà phê đã được thu hoạch. Hãy còn sót lại vài cành quả chín muộn, bám đầy trên những cành cây rất nhỏ. Tôi nằm lăn ra nên cỏ ướt nhèm sương, thè lưỡi liếm từng màng sương giăng giăng trên các ngọn cỏ quanh đấy. Ăm Tàng và Hới đã rẽ trái, đi sâu vào một khu vực nào đó, nói là tìm một khu vực trồng cà phê mít cho bản Mor.

Theo bản đồ quy hoạch rừng của Hới, tôi biết thung lũng này xưa là phần đất trồng cà phê của đồn điền CômêRôm. CômêRôm là một người đàn bà Pháp to, cao, vạm vỡ, đôi mắt màu vàng đục, nhìn vào đâu cũng thấy như đang cười. Bà ta đến Hướng Hóa thành lập đồn điền cà phê vào khoảng cuối năm 1932, và nhanh chóng chế ngự những người dân Vân Kiều ở đây bằng những thủ đoạn thực dân ranh ma của mình. Cả bà ta lẫn đức ông chồng, ông Pu-lanh một nhà thực vật không bằng cấp, đều nói tiếng Quảng Trị như gió. Đàn bà Pháp không có cá tính mạnh, rắn và cực đoan nhưng ở Cô-mê-rôm thì rất đậm. Mặc dù, cứ chiều chiều thấy bà lượn giữa những đồi cà phê xanh um của mình, người ta dễ nhầm bà là một thiếu phụ mang nhiều nỗi u uất, sầu muộn. Bà đến núi rừng Việt Nam chẳng hề có mục đích "khai thác thuộc địa" gì cả, chẳng qua là để chạy trốn một nỗi đau nào đó. Ngay mối tình của bà với Ăm Nha (một người đàn ông Vân Kiều khỏe mạnh, hiền lành, siêng năng... được ông PuLanh tin dùng cho vào dinh cơ làm thợ sửa xe bò, xe ngựa và làm phu xe cho họ, mỗi khi hai vợ chồng cao hứng đi điền dã) đã gây một chấn động nhiều chiều trong tâm tưởng người Vân Kiều. Người ta kể rằng, bà CômêRôm đã chán ông Pu Lanh từ lâu vì ông ta thiếu sinh khí về tất cả mọi phương diện. Trong khi bà ta đang phây phây (chữ dùng của Nam Cao) thì Pu Lanh gầy yếu hom hem, lại quá mải mê với các "cây thuốc Đông Nam Á" của mình. Người phu xe khỏe mạnh xuất hiện và đã choán ngự khát vọng của Cô mê Rôm, khiến bà ta nhanh chóng thực hiện một quyết định hiếm thấy ở tất cả những người đàn bà Pháp đến Việt Nam trong giai đoạn này: Bà li dị Pu Lanh và cưới Ăm Nha làm chồng. Câu chuyện Pu Lanh và Cô mê Rôm gặp hổ dọc đường lên Lao Bảo, Pu Lanh đã hèn nhát bỏ chạy, còn người phu xe thì dũng cảm chiến đấu với hổ đến cùng, giết được hổ cứu Cô mê Rôm thoát nạn, thực ra là một huyền hoặc, do lực lượng tâm lý chiến phục vụ cho bà ta thêu dệt ra mà thôi. Bà ta muốn định hướng cho mọi sự đồn đại về cuộc li hôn của mình và gây cho người Vân Kiều một niềm cảm thông sâu sắc rằng bà lấy Ăm Nha là kết quả tình yêu của người đàn bà yếu đuối trước hiệp sĩ dũng cảm mà bà đã mang ơn. Chậc, thật là tuyệt nếu như đó là sự thật!

Sự thật là: Cô mê Rôm phát hiện thấy một vùng đất mênh mông từ sân bay Tà Cơn lên Lao Bảo, từ A Bung, A Ngo ở phía Nam lên Cù Bai ở phía Bắc đều thuần các loại đất rất tốt cho sự sinh tồn và phát triển của cây cà phê. Đất nâu đỏ trên đá Bazan (Fk), đất vàng nhạt trên đá cát (Fq), đất nâu tím trên đá phiến thạch (Fa)… không nhiều thì ít, không rộng thì hẹp, trải dài trên vùng rừng Hướng Hóa mênh mông này, đó sẽ là nguồn dinh dưỡng tiềm tàng của cây cà phê. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên ở đây thật là tuyệt vời cho cây cà phê. Nhiệt độ trung bình cao nhất hàng năm 22,8°C, thấp nhất hàng năm: 21,1°C: lượng mưa trung bình cao nhất hàng năm: 219,2mm, thấp nhất hàng năm 132,8mm ; độ ẩm trung bình cao nhất hàng năm: 89%, thấp nhất hàng năm: 86%. Tất cả những tham số dự vào sự sinh tồn và phát triển của cây cà phê đều nằm trong khoảng tối thích, hiếm thấy không những ở Bình Trị Thiên mà trong phạm vi cả nước. Thật là tuyệt vời như vậy thì không có lý do gì một kẻ chuyên kiếm lợi trên lưng những người nô lệ như Cô mê Rôm lại không thực hiện một kế hoạch chiếm cứ lâu dài ở cái vùng đất mà cà phê sẽ là mối lợi vô tận của bà ta. Thế rồi bà ta lấy Ăm Nha làm chồng. Thế rồi bà ta nhận A Nha, con trai của Ăm Nha, làm con ruột của mình, cho sang du học ở Pháp. A Nha trở về với cái lon chuẩn úy, một năm sau đeo lon thiếu úy, chỉ huy một đại đội lính ngụy Pac-ti-dăng chuyên môn đánh nhau với du kích Việt minh bảo vệ đồn điền cà phê của bà ta.

Khi Pháp thất thế, Cô mê Rôm liên kết với Mỹ đưa A Nha sang Mỹ học, trở về Khe Sanh với cái lon trung úy chỉ huy lính bảo an, khép chặt hàng rào chống cộng bao quanh những đồn điền cà phê ở Hướng Hóa. Ít lâu sâu hắn đeo lon đại úy, ủy viên sắc tộc vùng Quảng Trị, quận phó hành chính quận Hướng Hóa. Máu của người Vân Kiều, máu của bà Pí Vờn, mẹ đẻ của A Nha, trong con người hắn đã nhiễm nặng máu thực dân kiểu cũ, kiểu mới đến cái độ không còn thành lọc được nữa. Hắn đã trung thành với Cô mê Rôm hoàn toàn tuyệt đối. Rừng cà phê của Cô Mê Rôm đã tồn tại mãi đến năm 1968, khi mà Khe Sanh được Mỹ chọn làm "cái bẫy chiến lược thu hút cộng sản để tiêu diệt". "Khe Sanh là một mẩu phô-mát cài trong một cái bẫy khổng lồ của tướng Oét mô len" "Khe Sanh là biểu tượng của quyết tâm và sức mạnh Hoa Kỳ" - và phải "quyết giữ Khe Sanh bằng mọi giá", tất cả những khẩu hiệu bảnh chọe đó đã vỡ nát sau 170 ngày đêm khói lửa mù trời. Đại tá Mỹ Lao-dơ, đã không dại gì chờ lĩnh cái lon thiếu tướng như Đờ Cát ở Điện biên Phủ năm xưa, hắn láu cá gọi máy bay lên thẳng đến cứu thoát để khỏi bị bắt sống, để lại 13 ngàn xác lính Mỹ ngổn ngang ở "Khe Tử". A Nha đã bị bắt sống. Cô mê Rôm kéo ông chồng Vân Kiều của mình cao chạy xa bay. Chỉ còn lại bà Pí Vờn, người đàn bà làm phu cho đồn điền Cô mê Rôm vẫn sống với nỗi đau của mình ở núi rừng Lương Lễ (?) Pí Vờn, vợ của Ăm Nha, mẹ đẻ của A Nha đã bị Cô mê Rôm biến thành nô lệ của chính họ. "Ông chủ Ăm Nha", " Ông chủ A Nha". Lạy trời, đến cuối đời bà Pí Vờn đã cởi bỏ được nỗi tủi nhục khủng khiếp đó! Dài dòng vậy để nói rằng Cô Mê Rôm chính là một tên thực dân cáo già, hắn đến đây để chiếm đoạt, cố sống cố chết để chiếm đoạt, dùng đủ phương sách để chiếm đoạt nguồn cà phê vô tận của Hướng Hóa này, chứ đâu phải là một "thiếu phụ mang nhiều nỗi u uất, sầu muộn... đến đây chỉ để chạy trốn một nỗi đau nào đó"!.

Tôi nằm trên thảm cỏ, giữa thung lũng cà phê này, nhẩm lại các tư liệu đã nhặt được dưới những gốc cà phê, dần dà hiểu ra vì sao Cô Mê Rôm, Poa Lăng, Pa-van... và tên thực dân kiểu mới đế quốc Mỹ, lại cố chiếm đoạt cho được Hướng Hóa. Và cuộc tình lạ đời của Cô Mê Rôm với người đàn ông hiền lành cục mịch, sự bám gót chặt khư với chủ Pháp, chủ Mỹ của Cô Mê Rôm, thằng con trai của bà Pí Vờn đã biến thành chó sói... hẳn là vì mối lợi cây cà phê mà thôi. Người ta nói rằng, ở chính trong thung lũng cà phê này đã xảy ra những cuộc tình nóng bỏng giữa Cô Mê Rôm và Ăm Nha để bật ra lời thề bằng máu của Ăm Nha: "Tôi còn, A Nha còn thì Rôm không chết, cây cà phê không chết..." Đó là lời thề chó sói, một sự phản bội ghê gớm đối với Pí Vờn- người vợ hiền lành của Ăm Nha. Thế mới biết vì sao trong các đám cưới của người Vân kiều xa xưa, lễ vật đầu tiên chú rể trao cho cô dâu lại là một thanh gươm tốt...

***

- Ê hê hê!...

Hới và Ăm Tàng đã quay đầu ngựa. Hới ưỡn ngực, nhấc cái mũ đảo mấy vòng và thúc ngựa lao đến chỗ tôi.

- Đã tìm được một vùng đất tuyệt đẹp - Hới nói.

- Bao nhiêu héc-ta? - Tôi hỏi.

- Khoảng 40 héc-ta. Ta đi thôi chứ? - Hới quay sang Ăm Tàng.

- Đi thôi, trưa rồi…

Ăm Tàng trả lời rồi giúp tôi trèo lên lưng ngựa. Chúng tôi đi hàng một, thong thả, lượn giữa bạt ngàn lau lách, thỉnh thoảng lại xuất hiện những nương lúa - cà phê, sắn - cà phê... phương thức trồng xen canh đã trở thành một tập quán lâu đời của đồng bào ở đây. Khi cà phê còn bé, người ta gieo lúa vào khoảng giữa những hốc cây. Đến khi lúa chín, thu hoạch lúa xong, bắt đầu mùa khô, họ lại thay vào đó những nương sắn. Sắn lớn, củ to, thì nhổ đi nhường lại cho cà phê dần khép tán.

Vượt qua được con đường hẹp chúng tôi đi sóng đôi. Hai con ngựa này thật là "ngoan", chưa hề có một hành vi phá bỉnh nào, mặc dù chúng tôi bắt chúng đi thật nhiều những khúc ngoặt, những đoạn dốc, hoặc lội qua những khúc suối nước ngang bụng ngựa.

- Chưa bao giờ phong trào trồng cà phê lại rầm lộ như bây giờ. Hiện giờ 31 xã đều hoặc đã có cà phê hoặc đang chuẩn bị đất để đón cà phê... Hới nói một cách thích thú.

- Đó là do cán bộ huyện lãnh đạo chủ trương "nông nghiệp toàn diện", lấy cây cà phê làm chủ yếu - Ăm Tàng ngoảnh mặt sang Hới nói như vậy...

Hới quật ngựa mấy roi, cười:

- Lãnh đạo huyện là một chuyện, ý dân là một chuyện khác. Dân thấy cây cà phê không có hiệu quả gì thì lãnh đạo trời cũng chịu thôi.

- Ờ. Dân thấy cà phê lợi hung - Ăm Tàng gật gật - Ẩm là Nồng ở Pa Tầng nghèo khổ suốt đời, đến 60 tuổi vẫn làm không đủ ăn. Vợ chồng, con cái ăn xin luôn luôn. Thấy Pã Khăm ở Húc trồng bốn, năm ngàn cây cà phê, giàu có sung túc, liền xin giống về trồng bốn ngàn cây… Giờ sướng rồi, thừa ăn rồi...

- Đến năm 1990 có bao nhiêu héc-ta cả thảy, Hới? - Tôi hỏi xen vào.

- 5.000 héc-ta - Hới nói - tức là 5.000 tấn cà phê hạt. Mỗi tấn ba ngàn rưỡi đô la, nhân lên được bao nhiêu, Ăm Tàng?

- Thì nhân đi - Ăm Tàng cười cười.

- Được mười bảy triệu năm trăm ngàn đô-la - Hới vừa nói xong đột nhiên đứng bật dậy trên lưng ngựa - Trời đất ơi nếu bây giờ Hướng Hóa có ngần ấy tiền thì sướng quá! Sướng quá!…

Tất nhiên niềm vui sướng đến độ quá khích của Hới không phải hoàn toàn do anh nhìn thấy trước một tương lai Hướng Hóa đang rộng mở, một phần là do Hới đã nhớ đến chuyện cũ, chuyện một sai lầm nghiêm trọng của Hướng Hóa và số phận của một con người.

Hướng Hóa được giải phóng từ cuối năm 1972. Một trong những cán bộ đầu tiên về tiếp thu "Hướng Hóa giải phóng" nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đưa Hướng Hóa tiến lên chủ nghĩa xã hội, có một kỹ sư nông nghiệp rất trẻ, tên Vũ. Sau này anh là bạn khác thế hệ của Hới. Câu chuyện tôi sắp kể là do Hới đã cung cấp trước khi lên ngựa cùng với Ăm Tàng, con người trước đây đã chạm khắc nảy lửa với Vũ.

Vũ tốt nghiệp đại học nông nghiệp với đề tài "Những tham số quan trọng dự vào sự sinh tồn và phát triển của cà phê mít (Excelsa), cà phê chè (Arabica), cà phê vối (Canephora)". Dựa vào những thông báo của viện cây trồng nhiệt đới, Vũ chọn Hướng Hóa làm nơi cư trú của đời mình. Vũ đi, một cuộc chia tay ảm đạm với người yêu của anh ở ngã ba Sình.

- Anh không thể ở lại với em ư?

- Thế còn em, tại sao em không đi theo anh. Anh là kỹ sư chuyên về cây cà phê, ở đây không có cà phê...

- Còn ở Hướng Hóa thì chắc chắn không có em…

Buộc lòng Vũ phải chấp nhận dấu chấm hết rơi xuống mối tình nồng nàn đã 8 năm trời của mình để lên với Hướng Hóa. Khi đó Hướng Hóa mới thoát qua chiến tranh, hàng ngàn héc ta bị bom đạn cày xới, lở lói, đỏ đến rợn người. Tất cả những cây cà phê của ba đồn điền Pháp để lại đã đổ nát, gãy gục. "Chỉ còn màu đỏ ấy thôi. - Hỡi ai có trái tim người - màu xanh, màu xanh hãy gọi - Hãy gọi, hãy gọi cùng tôi…" Vũ hát như vậy, nhiều người hát như vậy, nhưng ý niệm về màu xanh chủ đạo của vùng đất này thì khác nhau, thậm chí ngược nhau. Vũ thì chứng minh rằng, xét trên một địa hình đậm đặc đồi núi, rất ít đất bằng, diện tích canh tác đất nông nghiệp là 11.989 héc ta, nhưng thực tế "đất ruộng nước" (loại đất có thể cho một sản lượng lúa cao nhất để loại bỏ phương thức canh tác "phát, cốt, đốt lửa" và chấm dứt nạn phá rừng đang ngày càng lây lan khắp các cánh rừng già của Hướng Hóa) chỉ vẻn vẹn có 1.700 héc ta, với một năng suất lúa bình quân 40 tạ một héc ta, thì dứt khoát không thể lấy lúa làm một lực lượng chủ đạo để xây dựng tương lai cho Hướng Hóa. Vũ chứng minh rằng, nếu loại bỏ ba thứ cây hồ tiêu, trầu và đặc biệt là cây cà phê ra khỏi các loại hoạt động kinh tế nông nghiệp, hiển nhiên là một sai lầm có tính chiến lược, bởi vì lúa, khoai sắn... trên thực tế, dù đổ mồ hôi, sôi nước mắt đến thế nào, cũng chỉ đủ ăn, đủ ăn nghĩa là sẽ không có gì làm nguồn vốn cho tương lai. Vũ phát biểu trong các hội nghị, đàm đạo riêng với nhiều người, thậm chí gõ cửa từng ủy viên thường trực ủy ban huyện để thuyết phục họ hãy trồng cà phê, cà phê chính là một trong những nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho tương lai Hướng Hóa. Kết quả "ờ" - "à" - "để xem đã" - "chúng tôi chưa hội ý" - "từ từ cái đã" - "hay đấy cứ nghiên cứu tiếp đi" - "chờ xem ý kiến của tỉnh ủy..."

Vũ kiên nhẫn chờ đợi, và khi gần hai vạn cây cà phê của các đồn điền Pháp bị thương nặng trong chiến tranh, đã bắt đầu mọc mầm, thì Vũ càng khấp khởi đợi chờ. Chính những cây cà phê tái sinh này sẽ là những bằng chứng tuyệt vời, rằng không có nơi nào trồng cà phê tốt như ở đây ; rằng một cây cà phê sẽ đổi được 10kg gạo ngon, một nhà có 1.000 cây cà phê, sẽ có trong các "xu" của mình 10 tấn gạo. Rằng trong khi đồng bào ở đây, chỉ tiêu mỗi lao động phải gieo trồng lúa nước được bốn lon thóc giống mà vẫn không thực hiện được, thì việc trồng 100 cây cà phê một người một năm lại quá ư dễ dàng. Rằng mức độ giao động biên độ các yếu tố: nhiệt độ, độ ẩm, độ dốc, lượng mưa… ở đây đều nằm trong khoảng giới hạn mà cây công nghiệp và gia súc phát triển tốt nhất trong cả nước... Cà phê sắp đến mùa cho quả, và đó là thực tế sinh động nhất cho Vũ chứng minh những gì anh đã nói…

Thế nhưng đáng lý Hướng Hóa phải bảo vệ rừng cà phê cũ và gieo xuống vùng đất này hạt cà phê mới như đặt một quân cờ xuống bàn cờ trong một thế cờ chắc thắng, thì ngược lại, đã ra một quyết định làm Vũ choáng váng: phá cà phê trồng sắn!

Những năm 75, 76, 77… phong trào tăng gia sản xuất trồng thêm các loài hoa màu: sắn, khoai, ngô để trước hết cứu đói và cân bằng sản lượng lương thực qui ra thóc, dâng lên mạnh mẽ trong toàn tỉnh "Nhà nhà trồng hoa màu, người người trồng hoa màu", là khẩu hiệu nóng bỏng trong thời kỳ này. Không ai nói đó là một quyết định sai. Có điều nó được phát động sôi nổi đến mức cả tỉnh trở thành một "cơn sốt" trồng hoa màu. Giới báo chí tha hồ viết bài, đưa tin cổ động những đơn vị có diện tích hoa màu lớn, bất chấp số hoa màu này được gieo trồng trên nguồn đất nào. Thậm chí còn cố gắng chứng minh rằng, cơn đói sắp sửa đổ ập xuống đến nơi, phải trồng nhanh, trồng khẩn cấp! - Sắn nghiễm nhiên trở thành vì cứu đói vĩ đại. Còn một vài người nghiên cứu khoa học thì viết bài với một bản thống kê so sánh các lượng prôtít, li pit, glucô,… ở sắn ngô… là trội hơn gạo! Không biết đúng sai thế nào, chỉ biết hàng chục cơ quan đoàn thể bỏ việc kéo nhau đi trồng sắn. Riêng ở Hướng Hóa, từ ngày đón một vạn hai dân kinh tế mới đến đây, "cơn sốt" trồng sắn đạt tới mức thần kinh: người ta đem máy cày, máy ủi… san bằng gần hai vạn cây cà phê để trồng sắn!

Vũ ngược xuôi hết lên ủy ban, lại chạy về huyện ủy, rồi lốc cốc chạy về Tân Độ, Tân Lập, Lương Lễ… kêu gào mọi người hãy giữ lấy cà phê. Chính Vũ đã cãi nhau với Ăm Tàng một trận quyết liệt.

- Anh đừng cho dân phá cà phê - Vũ nói, mồm méo xệch.

- Cà phê không cần bằng sắn! - Ăm Tàng trả lời.

- Rồi anh sẽ biết nó sẽ lợi gấp trăm lần sắn.

- Nhưng bây giờ sắn đang cần...

- Đừng!- Vũ lao tới cây cà phê trước mặt - Nếu anh chặt cây cà phê này thì anh hãy chặt tôi đi.

- Đừng làm thế, dại! - Ăm Tàng trợn mắt- Đừng có dọa nhau, anh chống Đảng tôi sẽ chặt anh!

- Trời!..

Vũ rủ xuống như một người trúng gió. Anh vật lộn, đau đớn nhìn mọi người đang "hồ hởi, nô nức" húc đổ hàng ngàn cây cà phê. Trong số họ có ai biết nữa không, đó chính là hành động tàn phá tương lai của chính mình, giống như một anh nhà nghèo bí tiền bán bậy đồ đạc, của cải với cái giá rẻ mạt, để rồi sau đó không bao giờ sắm lại được nữa...

Ăm Tàng là người chứng kiến những giọt nước mắt nóng hổi của Vũ khi anh trèo lên cây cà phê còn sót lại ở Lương Lễ để từ giã nó. "Vũ khóc rất lâu, khóc suốt đêm" - Ăm Tàng kể vậy. Sau đó Vũ đã trở về quê hương… Buổi sáng Vũ ra đi, cây cà phê đổ xuống đã héo lá. Dọc đường ra bến xe, Vũ không dám bước qua những thân cây đổ. Vũ đi vòng, đi vòng, đi vòng... đi vòng mãi...

***

- Thúc ngựa đi nhanh lên!

Hới vung roi ra lệnh. Hai con ngựa lồng lên bắt đầu phi nước đại. Tôi mệt mỏi trong những nhịp rơi tự do tăng dần khi Ăm Tàng kẹp chặt hông ngựa, thúc nhanh.

- Phải báo cho Vũ biết Hướng Hóa đã đổi mới - Hới hét to với Ăm Tàng.

- Đúng rồi! mình sẽ gửi lời xin lỗi - Ăm Tàng cũng hét lên.

- Đấy xem, rừng cà phê của xã Húc - Hới gò lưng thúc ngựa tăng tốc độ và thông báo với tôi - ba chục ngàn cây cả thảy!

- Đẹp quá!

Rừng cà phê mênh mông của xã Húc, xã đầu liên dấy lên phong trào trồng cà phê năm 1981, hiện ra trước mắt tôi xanh biếc. Phía xa xa, một đoàn người rất dài đang gùi gì đó, đi nhanh về bản.

- Họ đi đâu mà đông thế? - Tôi hỏi

- Đi lấy cà phê giống ở nông trường... Ăm Tàng trả lời.

- Phi nhanh lên, có thể Cà Té đang dẫn đầu đoàn người. Hới quất mạnh roi vào lưng ngựa, nói to,

- Người đi cuối cùng là Ăm Hươn! - Ăm Tàng thông báo.

- A! Đúng rồi! - Hới reo lên.

Tôi bị ngợp trong một tốc độ quá nhanh của hai con ngựa nòi. Chỉ Ăm Tàng và Hới vừa phi ngựa vừa nói chuyện với nhau. Chúng tôi tiến gần đoàn người...

- Một trăm rưỡi A chói cà phê giống...

- A Cà Té, Cà Té!...

Hới reo lên sảng khoái, rồi ngay lập tức quay đầu ngựa, thực hiện một vũ điệu trên lưng ngựa. Con ngựa dường như chỉ chạy bằng hai chân sau, đường chạy tròn và cắt chéo bằng những góc nhọn. Hới tung mũ lên cao và bắt lấy, hét lên:

- Nhất định tôi sẽ lấy được một cô gái Vân Kiều đẹp như Cà Té. Tôi không bỏ về như Vũ, tôi sẽ ở lại với núi rừng Hướng Hóa.

Ăm Tàng bỗng nhiên phấn khởi hẳn lên, anh bảo tôi xuống ngựa, rồi tiến tới Hới, thực hiện những vòng lượn tuyệt vời quanh Hới. Hai con ngựa xoắn xuýt nhau trong những vòng quay hoa mắt.

- Đừng về, Hướng Hóa biết sai rồi!,- Ăm Tàng nói to.

- Cây cà phê đã sống lại, cây cà phê sẽ sống mãi - Hới dướn cao người, khua khua tay, như một hiệp sĩ nói trước đám đông những người lính.

Ăm Tàng rượt theo, đứng vụt dậy trên lưng ngựa, nói rất to, gần như là một tiếng reo hò sung sướng:

- Đừng về, Hướng Hóa sẽ giàu!...

HƯỚNG HÓA - HUẾ
tháng 6-1986

N.Q.L
(SH21/10-86)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng