MẠNH TIẾN
Rời Mèo Vạc về Đồng Văn, ngồi sau lưng anh xe ôm người Hmông, tôi vượt Mã Pì Lèng trong một sáng mùa hè mưa rả rích. Cung đường núi hiểm trở, liên tục gấp ngược khủy tay. Cheo leo. Một bên thăm thẳm đá, cao vun vút. Một bên hun hút sâu, những thung lũng.
Không phải là ngày nắng để thấy cái đẹp hùng vĩ của cảnh đèo cao và mềm mại bên dưới là dòng Nho Quế uốn lượn. Trước mắt tôi chỉ còn cái mưa nhạt nhòa làm mờ mịt núi rừng. Từ đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống trong buổi mưa, bao la một màu trắng sương khói. Có cái gì giống một giấc mộng.
Cứ thỉnh thoảng, trên cung đường núi hiểm trở ấy, tôi lại gặp một vài người phụ nữ Hmông. Lòe xòe váy áo. Rực rỡ trong cái ảm đạm núi rừng, người phụ nữ Hmông cứ khiến xui liên tưởng tôi mơ về những câu thơ tươi tắn, đột ngột hiện lên giữa núi và đá sắc nhọn lởm chởm hay có khi, thấp thoáng ẩn hiện trong các nương ngô của vùng cao Hà Giang. Đồng bào Hmông trắng là dân tộc thiểu số đông nhất ở Mèo Vạc và Đồng Văn, bên cạnh đó còn có người Dao, Tày, Pu péo, Lô lô, Cờ lao…
Tới Đồng Văn, vào ở khu phố cổ nổi tiếng, nơi mà cách đây hàng trăm năm, người Pháp đã có ý định xây dựng thành một trung tâm nơi miền cao phía cực Bắc Tổ quốc hòng dễ bề quản lý những sắc tộc mang cá tính kiêu hùng miền núi đá. Các nếp nhà nơi đây phần lớn là nhà của người Tày, xen ghép kiến trúc Trung Hoa (mới cư tụ lẫn vào gần đây vài ngôi nhà người Hmông), tạo nên nét giao thoa văn hóa độc đáo của các sắc người vùng cao. Những nếp nhà Tày cổ xưa vẫn còn lưu giữ được dấu tích văn hóa trăm năm của dân tộc mình. Nhìn người phụ nữ Tày với trang phục truyền thống áo dài một sắc (thường đen hoặc xanh), nhẹ ôm lấy cơ thể, điểm xuyến chiếc kiềng cổ bạc làm cho tâm hồn tôi chìm trong một cái đẹp nền nã, tinh tế, hơi vương chút buồn mà sang của người Tày. Cảm giác ấy sẽ lên đến cực độ khi đó lại là một nhan sắc Tày, ôm cây đàn tính, người cũng như đàn, gày-cao một dải tỳ-bà, dìu dặt điệu then chậm buồn đặc trưng của người Tày. Một cái đẹp u nhã* ở đời. Có điều gì gợi gợi nỗi nhớ về dòng sông Huế, nơi có người ca nương cũng áo một sắc (tím), hát điệu nam: chậm, buồn, ai oán. Cái mỹ cảm đó chỉ có thể tỏ lộ khi trong đời ta có cơ may diện kiến với những dân tộc mà thẩm mỹ học đã phát triển đến những chỗ vi tế. Một dân tộc hẳn phải đã có những lúc hưng thịnh trong dòng lịch sử.
Ngay giữa khu phố cổ Đồng Văn, đối diện với khu chợ mái ngói âm dương rêu phủ thời gian, thật bất ngờ, hiện ra một quán cà phê độc đáo. Quán cà phê lập tức mời gọi bước chân tôi. Tìm hiểu thì được biết, quán cà phê này thuê lại nhà của ông Lương Mãn Tuyên, hậu duệ một gia đình giàu có, thế lực khi xưa ở khu phố Tày Đồng Văn.
Khác với nhiều người, cho rằng, quán cà phê phố cổ ngày nay (vốn là nhà của người Tày) là nhà trình tường, thực ra không phải vậy. Ngồi “hầu chuyện” cô Hùng Bích Phượng, một phụ nữ trung niên phúc hậu và trí thức người Tày (nhà cô cũng là ngôi nhà cổ gần 200 tuổi), cái hiểu của tôi mới vỡ ra nhiều điều. Bên chén rượu ngô của người Hmông trong phiên chợ chủ nhật, qua lời tâm sự, cô Phượng cho tôi biết rằng, tường quán cà phê phố cổ được xây bằng gạch non, không qua nung, làm từ đất sét trộn trấu rơm, để trâu quần thật nhuyễn, sau đó đổ khuôn, cắt thành từng viên gạch dùng để xây. Một kỹ thuật xây dựng độc đáo của người Tày, thích hợp với khí hậu khắc nghiệt miền núi. Nhìn ngôi nhà vững chắc qua gần trăm năm tuế nguyệt, thế mới biết, cái tri thức bản địa của mới đáng vị nể làm sao.
Ngồi trong quán cà phê, ngắm phố cổ một đêm mưa, ngọn đèn vàng gợi nhớ cái vàng son chốn vùng cao trăm năm trước. Hẳn là cách đây ngót thế kỷ, khu phố này phải là kinh đô hoa lệ của các sắc người vùng cao. Cứ dự phiên chợ chủ nhật hàng tuần ở đây, xem đồng bào Hmông, Tày xuống chợ tấp nập, váy áo xập xòe trên phố với những bước chân cao, cái di truyền của những bàn chân leo núi, với men rượu cay nồng bên nồi thắng cố nghi ngút khói thì đủ biết khu chợ ngay trước mặt quán cà phê phố cổ này hẳn phải là niềm ước mơ của những con người sống nơi đỉnh núi đá tai mèo kia. Người vùng cao xuống chợ, vừa là để trao đổi buôn bán các sản vật địa phương, vừa là để gặp nhau, uống một chén rượu sẻ chia nỗi lòng, hay may mắn hơn, tìm được người chăn chiếu cả đời… Nhưng cũng có khi, chỉ là để sống cái không khí hội hè, mà hội hè là niềm hân hoan làm bay đi mọi u uẩn đời thường. Hoặc rất giản dị, ăn một chút quà chợ phiên. Nhìn người miền núi ăn quà mới thấy thương nhiều lắm… Những người anh em Việt Nam ơi! Không kể già, trẻ, trai, gái… trên miệng họ luôn nhóp nhép một cây kem đá. Nghĩa là, với chút nước đường pha phẩm màu, để cho đông lạnh, thế là có cây kem niềm vui của người vùng cao. Đấy là quà mà chợ phiên mang lại. Món quà phổ thông rẻ tiền ấy là cái thích khoái của sắc dân miền núi ngày chợ phiên. Thế mới biết đời sống đồng bào còn nghèo lắm. Cây kem đá nhắc nhớ về quê nhà tỉnh Thanh tôi hơn 20 năm về trước, hồi ấy, cứ đi học về là lũ trẻ ranh chúng tôi vẫn mua kem đá ăn. Hai mươi năm đã trôi qua, phiêu bạt đã nhiều, nay được gặp lại cây kem tuổi thơ thần tiên trên môi em nhỏ người Hmông… Cảm ơn em thật nhiều!
Thế nhưng, còn một điều ấn tượng đặc biệt khi nói về cảnh đi chợ phiên của người miền núi, đó là cảnh người Hmông xuống chợ. Dân tộc Hmông có thói quen cư trú ở những nơi cao nhất, hẳn là vì chậm chân khi di cư vào Việt Nam nên phải lên ở những chỗ mà đá tai mèo bất cứ khi nào cũng có thể cứa đứt bàn chân. Người Hmông đi chợ phiên, từ tối trời đã bắt đầu, mỗi người tay cầm một ngọn đèn, từ từ di chuyển trên núi xuống chợ (vốn nằm nơi các thung lũng vùng cao). Hồi còn ở Mèo Vạc, buổi đêm tôi thức giấc, nhìn ra ngoài núi, thấy các đốm sáng cứ lừ lừ di chuyển xuống, có khi là cả một đám lớn lửa sáng cùng trôi dần đều. Tôi sợ lắm! Mới đầu, tưởng mình hoa mắt, sau đó là sợ: hay là ma mị gì đây?! Cái thâm u của núi rừng khiến cho cái sợ vì thế càng lên ngôi. Hoảng lên, chạy hỏi người nhà, họ cười mà bảo: ấy là người Hmông thắp đèn đi chợ phiên ấy. Thế mới biết, đời người trăm sự khổ toàn là vì tâm viên ý mã. Cái sợ qua đi, tĩnh lặng lại chút thời gian ngắm cảnh người Hmông xuống núi chợ phiên buổi tinh sương, thì mới thấy thật ngoạn mục. Những đốm sáng biết di chuyển như những con chim lửa nhỏ nhoi, lúc lắc bay lừ lừ dọc theo các vách núi mù sương.
Nhiều lúc tôi thường hỏi, nếu không có những con người vùng cao kia cư trú thì thiên nhiên già cỗi Hà Giang vơi đi nửa cái đẹp. Chính những sắc người vùng cao, chủ nhân lâu đời của cao nguyên đá Đồng Văn (được Unesco công nhận là công viên địa chất toàn cầu) đã tạo nên những cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây. Những nương ngô bạt ngàn, là kết quả của quá trình hàng thế kỷ gánh đất đổ vào hốc đá tai mèo để tạo nương rẫy, quả thật không thể không làm ta khâm phục. Ai đã theo chân người Hmông lang thang trên các dãy núi đá thì hiểu, đó là những nghệ sỹ đi lại phăng phăng trên những địa hình vô cùng hiểm trở của núi đá và dẻo dai một cách đặc biệt. Đôi cặp giò của tôi đã mỏi rã gối bao lần khi theo chân các anh chị em miền núi. Trong khi tôi người không nhẹ gánh thì các bà các chị còn địu một gùi ngô hay củi có khi cao quá mấy lần đầu mà vẫn phăng phăng nhịp bước…
Hồi còn ở nhà đọc sách, thấy Barton cho rằng những khu ruộng bậc thang của người Ifugao (Philippines) phải xứng đáng được xếp thứ hạng cao trong số những kỳ quan thế giới. Nhà dân tộc học lừng danh G.Condominas cũng rất tán đồng với ý kiến của Barton. (Thật buồn khi Condo yêu quý đã qua đời ngày 17/7/2011 vừa qua. Cánh chim đại bàng của dân tộc học Tây Nguyên đã mỏi mệt với thế giới này). Tôi lập tức giơ hai tay tán thành với Barton (và cũng là Condo) mỗi khi chiêm ngắm các khu ruộng bậc thang của người miền núi Việt Nam. Nhớ lại lời Condo, phải hiểu sự vất vả và cái tài khéo như thế nào của việc khai khẩn ruộng bậc thang thì mới hiểu hết giá trị cao quý của nó. Hơn thế, từ trong khốn khó tìm kiếm cái ăn, con người đã vẫn có thể tạo ra những bức tranh lãng mạn và kỳ vỹ vô cùng của thiên nhiên. Thật đáng khâm phục! Những khu ruộng bậc thang như là những tầng bậc dẫn mãi lên các cổng trời xinh đẹp.
Vọng nhìn từ quán cà phê phố cổ ra các khu ruộng bậc thang dọc sườn núi Đồng Văn, vẫn thấp thoáng váy áo người phụ nữ Hmông - Những con chim công trên đỉnh đá sắc. Thay vì gọi một ly cà phê, tôi gọi một ấm trà Shan tuyết để lả lơi hồn mình vào trong cái tinh hoa của thổ ngơi, tinh chất của vùng cao bắc Việt. Dẫu không thơm bằng các loại danh trà tàu, nhưng cái hùng vị đậm đà của trà Việt nơi miền núi cao ắt hẳn phải đủ sức lưu vị hơn hẳn cái làn lạt trà tàu.
M.T
(SDB 6-12)
----------------
* U nhã - chữ một người bạn tôi nhằm biểu đạt cái xúc cảm thẩm mỹ của ca Huế trong một lần có duyên được nghe cô Minh Mẫn và cô Thanh Hương ca ở nhà riêng thầy Bửu Ý.