Những nẻo đường đất nước
Chuyện ghép từ Yoni & Linga
08:17 | 15/10/2012

NHỤY NGUYÊN

Làng cổ Phước Tích quyến rũ với phong cảnh nhà vườn xanh mát. Cây thị gần ngàn năm tuổi tỏa bóng bên ngôi miếu cổ là một phần hồn vía của làng cùng nhiều mẩu chuyện thú vị về những di chỉ Chăm.

Chuyện ghép từ Yoni & Linga
Miếu Cây Thị - Ảnh: NN

Chuyện về Yoni, miếu Bà Giằng, chuyện bến Cây Bàng bên dòng Ô Lâu có trụ đá và tấm bia hình vòm cuốn bằng chất liệu sa thạch mà người Chăm đã để lại như một minh chứng về sự trường tồn nền văn hóa độc sắc của họ. Chuyện về sự “truy tìm” Linga để rồi chỉ nhầm vào viên đá neo đò... Dĩ nhiên tất thảy vẫn chưa hẳn để lại dấu ấn sâu đậm nếu ai đó chưa từng ngủ nhờ tại ngôi nhà cổ trong làng.

Làng Phước Tích có những thời điểm hầu như vắng bóng nam thanh niên. “Do bởi làng có Yoni mà lại để mất Linga” - câu nói ấy vô tình lọt vào tai tôi, để lại một khoảng trống buồn thênh mỗi lần đến thăm ngôi làng cổ nhỏ nhắn như được thiên nhiên đặt trong lòng tay của thiếu nữ xuân thì. Cuốn sách “Từ Kẻ Đôộc đến Phước Tích, chân dung ngôi làng gốm cổ bên dòng Ô lâu” thống kê: “Ngôi làng có lúc lên đến gần 2.000 người này đã không ngừng giảm về qui mô dân số, với khoảng 600 người vào những năm 1980, 450 người (năm 2003)… Đặc biệt là trong số đó, lại có đến trên dưới 40% là người già”. Rất nhiều ngôi nhà rường mấy trăm tuổi, chủ của nó chỉ là các mệ, sống lặng lẽ như cái bóng, như những linh hồn của chính nó. Tôi đến và ở lại nơi đây nhiều ngày vào năm 2007. Thơ thẩn dạo quanh ngôi làng có diện tích khoảng một cây số vuông chỉ toàn gặp người già. Trung niên, thanh niên vắng, trẻ nít càng hiếm; đa số vào Nam lập nghiệp. Nhiều khu vườn rộng rinh, và ngôi nhà chính giữa bỏ hoang. Ăn nên làm ra, những người sống xa quê, thật may là họ không bán đất làng. Chỉ sợ một ngày không xa mọc lên những ngôi nhà mới lổn nhổn đan xen nhà rường, tường bê tông xen những hàng chè tàu, ngôi làng sẽ mất đi dáng cổ. 

Mấy năm trước đặt chân trên con đường đất bao quanh làng Phước Tích mát rượi; lang thang thăm thú, tôi như được sống ở chính nông thôn quê mình hồi chưa rời đồng ruộng rửa chân lên phố.

Thật khó quên cái đêm đầu ngủ lại làng, trong ngôi nhà rường với độc nhất mệ chủ nhà, tôi cứ trằn trọc. Mệ ngủ dưới nhà nhỏ, giao tôi ngôi nhà mấy trăm tuổi bóng láng màu gỗ. Tôi thèm có tiếng chân hay tiếng nói cười vọng tới của lớp thanh niên thường vẫn chơi về muộn như ở những ngôi làng khác. Không. Tuyệt đối yên tĩnh. Chỉ tiếng mọt nghiền gần như được cảm nhận bằng trực giác, ngắt quãng đâu đó trong gian nhà. Thêm ngày nữa, tôi vẫn tiếp tục cuốc bộ khắp các ngõ làng, lâu lâu mới gặp các ông mệ, trung niên. Thanh niên vẫn vắng! Từ sự lựa chọn nghề gốm làm cứu cánh sinh tồn từ lúc mới hình thành, nay nghề đôộc thủ công đã bị lay gốc trước sức ép thị trường. Nhiều năm trước, làng đã được đầu tư một lò nung gốm hiện đại, sản phẩm cũng theo mẫu mới. Trong làng rất ít cụ còn nắm vững và thực hành được quy trình nặm gốm thủ công; lớp trẻ thì hướng về miền Nam xa xăm. Biết bao giờ mới tạo được sản phẩm gốm nổi tiếng Om Ngự như đã từng được sử ngợi ca khi chép về xứ Kẻ Đôộc này? Tôi ghé vào ngôi nhà đầu làng, có hai chị em gái bám nghề tráng bánh ướt mỏng dính truyền từ đời bà nội. Hai người đẹp, mà buồn. Tôi được chiêu đãi bánh ướt cuốn bởi đôi tay thon hồng. Kiếm chuyện, tôi bảo: “Thanh niên đâu hết?” Nàng chị cười hiền: “Từ dạo lò gốm bỏ hoang, thanh niên vô Nam làm ăn hết trơn rồi. Làng nhiều mệ ở góa đến tra lắm”.

Nhớ năm nào đó một người bạn rủ tôi ra quán nhậu để thuyết trình ý tưởng nhân Festival Nghề truyền thống: sắp đặt ống binh tiết kiệm dọc theo vỉa hè đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, điểm nhấn là một ống binh to đùng. “Từ thủa hồng hoang, con người đã gắn bó với đất như một phần máu thịt của mình. Từ đất, có cơm ăn áo mặc. Từ đất, có những vật dụng thiết yếu để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Từ đất, con người giao tiếp với thiên nhiên và với môi trường xung quanh. Trong tiến trình phát triển của loài người cho đến tận mai sau, dẫu đã có nhiều tiến bộ song những vật liệu thô sơ bắt nguồn từ đất chưa bao giờ vắng bóng trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Từ cái chén, tréc, om, niêu, ấm, lồng ấp, cái bình cái hũ… cho đến chậu hoa, ống binh để bỏ tiền tiết kiệm…”. Càng nói gã càng hăng. Nói như sợ ngừng là tôi xem vào câu "rất khó!"; rồi gã bảo luôn: "Mai chúng ta đi Phước Tích khảo sát mấy cái lò gốm". Sáng hôm sau, tám rưỡi là chúng tôi xuất phát. Đến nơi, muốn gặp đồng chí trưởng thôn thì anh đang bận dẫn đoàn làm phóng sự truyền hình. Festival nên huyện đã đầu tư cho làng dựng cái lò ngửa rộng gần 2m. Vậy là đã có lò. Anh trưởng thôn, một con người năng nổ, hết lòng vì khách, nhưng quả hôm nay hơi kẹt. Chúng tôi đành đợi thêm, xen giữa là những cuộc gọi. Đến quá trưa anh mới phóng xe về. Vào việc, liền lòi ra trở ngại: kinh phí chưa nói, việc nặn cái ống binh cao 3,5m là không thể đối với một làng gốm đã ngừng hoạt động từ mấy chục năm.

Hai nàng tạm thời chia tay tôi với một phần ba nụ cười, gánh bánh ướt ra chợ cho kịp phiên. Tôi lại tản bộ. Nơi đây đất rộng, màu mỡ, chăn nuôi trồng trọt đều tốt. Sao thanh niên cứ đành đoạn bỏ làng?, đành đoạn bỏ những thiếu nữ hiền thục tất tả gược gánh ra chợ? Trên các nẻo đường thôn chi chít mảnh gốm vỡ, nó nhắc khách tưởng về một thời là xưởng gốm, nhà nhà làm gốm. Tôi nghĩ có đào sâu xuống hàng mét vẫn dày đặc mảnh gốm xưa với trình độ nung đạt chuẩn. Đã không ít người về đây săn tìm đổ cổ. Trước tôi mấy ngày, một ông bạn cũng mua được cái bình Chăm nhiều mảng đã lên màu hổ phách với giá bằng một ly cà phê bình dân! Để biết người dân vẫn chưa thấy hết giá trị văn hóa xưa để lại. Khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra làng cổ, người dân, nhất là các mệ vẫn ngơ ngác dẫu đã nghe rất rõ cụm từ “đặc biệt quý hiếm”. Chỉ có cây thụy già ruỗng ruột chờ đợi, đã lâu không ra hoa kết trái tự dưng năm đó trĩu quả, chính thơm lựng khắp làng; hai nàng tôi quen mê man, trăn trở suốt mấy canh để rồi cùng dậy đổ gạo vào cối xay bột tráng bánh ướt đến sáng bảnh, mắt đỏ hoe.

*

Nhiều công trình khảo cứu Phước Tích cho rằng: đây trước là nơi cư trú của người Chăm. Tôi vin theo một vài giả thiết, bắt đầu tìm gặp những dấu tích Chăm còn hiện diện. Văn hóa Chăm trước hết ảnh hưởng Ấn giáo. Nhắc đến văn hóa Chăm là nhắc tới đền tháp, tín ngưỡng phồn thực. Những ngôi tháp lớn ở Quảng Nam, Bình Định, chính giữa thường đặt bộ  Linga - Yoni lớn. Nói chung ở đâu có sự sinh sống của cộng đồng người Chăm, ở đó hầu như đều có tục thờ cúng này. Làng Phước Tích cũng vậy.
 

Yoni ở PhướcTích đã mất Linga - Ảnh: NN


Một tổ chức chuyên bảo tồn di sản của Nhật đã đầu tư vào làng cổ dự án dài hơi được khởi động vào tháng 8/2012. Họ đề nghị đào miếu Bà Giằng, khảo cứu xem có thực của Chăm. Những trụ đá của Chăm còn đó (không phải ở đâu bê về), đặc biệt là Yoni bằng đá sa thạch đặt trước miếu. (Sản phẩm nghệ thuật của người Chăm ở khắp nước Việt, nguyên liệu đá hầu hết giống nhau; nghĩa là họ sẽ lấy ở địa điểm nhất định, rất nghiêm ngặt và kỳ công so với phương tiện giao thông thời đó). Ngày xưa quê tôi có nhiều cối xay bột, tầng dưới chẳng khác Yoni là mấy. Không ai trong làng thấy biết về Linga, nó mất từ xưa. Hỏi bậc cao niên, họ bảo từ lúc chào đời chỉ thấy cái Yoni đó chứ Linga thì chưa hề biết hình thù nó ra làm sao.
 

Viên đá từng bị nhầm là Linga - Ảnh: NN

 

Có đợt Hội Nhà văn TT. Huế mở trại sáng tác tại làng. Một hôm đoàn ghé thăm ngôi miếu đổ. Thắp hương. Khấn. Nghỉ. Một anh và tôi cùng chỉ tay xuống cục đá ngay dưới chân mình thốt lên: “Linga!”, “Đây chính là Linga”. Cả nhóm bật dậy, tới sờ mò thẩm định. Ai đó thở dài: “Như thế này thì làng... thiếu giống là phải. Linga lẽ ra đặt lên bàn thờ của miếu, ai đời lại đem làm hòn kê để người ta đứng lên dâng hương”. Viên đá có hình quả thận, đoạn dúm eo chính giữa nhô lên khoảng 10cm. Ông trưởng thôn chả cần xác minh thêm, đầu giờ chiều lên thẳng phòng văn hóa huyện báo công: thôn vừa tìm được Linga. Huyện điều xe chạy xuống mục sở thị. Thêm một người khẳng định: “Đây là cái Linga cổ, mang tính tượng trưng”. Nhà nghiên cứu công tác ở huyện vô thừa nhận, nhưng chưa đủ lý thuyết bác bỏ. Chiều đó phóng viên một tờ báo ngày uy tín được gọi về đưa tin. Tin viết, hình chụp, cả tuần sau chẳng thấy lên trang. Hỏi, được biết đang xác minh. Trong khi đó Linga được thôn cất giấu, không ông nào hé răng. Bảo vật, bảo mật. 4 năm sau tôi trở lại Phước Tích. Bây giờ cái “Linga” nằm ở xó hiên nhà ông trưởng làng. Vui. Ông này cũng có tên là Vui. Ông bảo chuyện cũ rích rồi. Năm đó họ bưng tới, nhìn qua tui đã khoát tay: Linga gì cái này. Đây là cục đá neo đò. 100%. Ông từng thấy và thấy nhiều. Nay hiếm nên mới hóa thành Linga thôi. Tôi vẫn lôi máy ảnh ra lưu lại một kỷ niệm. Sau tôi, hẳn không còn ai chụp hình nó nữa.

Vậy là Yoni vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, chờ đợi Linga bặt âm vô tín. Hình khuyết lõm giữa lòng Yoni như vết thương chưa lành. Lần nghe tin có bia Chăm ở làng Phú Lương cách tầm ba chục km, tôi xách xe chạy đến tận nơi. Đúng bia Chăm (chất liệu Chăm, chữ Chăm). Chụp hình no mắt, chẳng rõ ý nghĩa những con chữ ngoằn ngoèo kia. Người đọc được chữ Chăm hiếm tựa... lá mùa thu. Tôi tự hỏi, sao tự dưng có cái bia đứng “cô đơn” ở đây. Liền tới đi quanh, thì ra ở mặt bên trong cũng có chữ, kề đó là bệ hình vuông, lõm xuống ở giữa. Đây chắc chắn là bệ đặt Linga. Bia hẳn ghi “công trạng”, xuất xứ hay một thông tin gì đó về việc thờ Linga. Tôi lần theo một thông tin khác. Ngay trong khuôn viên chùa Ưu Điềm có di tích Chăm. Gốc. Nay được xây cái miếu mới, trụ và bộ sườn miếu Chăm vẫn còn phía trong, gồm: trụ, tượng Phật Ruồi, tấm phù điêu hình vũ nữ apsara vòm cuốn, Linga, Yoni... Riêng Yoni bị gãy chéo, nay còn một nửa không ai có ý kiến nên thợ ốp vào tường như tấm đá vô tri! Tôi không để ý nên nhìn mãi mới “à, thì ra là Yoni”. 

 

Linga ở làng Ưu Điềm - Ảnh: NN


Đêm cuối ở lại làng cổ, tôi ra miếu cây thụy. Miếu hơi âm u. Ngọn điện quả ớt chỉ đủ soi vài con chữ mờ nhòa. Người dân kể thời chống giặc, bộ đội từng núp trong miếu hoạt động; có những chiến sĩ mật báo còn chui vào lòng cây rỗng ruột để trốn giặc. Tôi thử lòn mình vào, cũng thoải mái cho vài người đứng chồng lên vai nhau. Miếu vốn nằm trong nghi vấn gốc tích Chăm. Rất có thể người Việt xây nó trên bộ móng của Chăm. Trộm nghĩ nó sẽ sống trong tĩnh lặng cho đến khi lụi bại bên cây thụy một dạo trái chín trĩu vàng từng khiến hai nàng tôi quen giữa ngưỡng dậy thì mất ngủ miên man.

N.N
(SĐB9-12)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng