Những nẻo đường đất nước
Tìm về quê hương đúc đồng Kinh Bắc
09:14 | 25/06/2013

NGUYỄN VĂN DẬT 

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày.

                   (Đỗ Trung Quân)

Tìm về quê hương đúc đồng Kinh Bắc

Tìm về quê hương dù xa xăm đến đâu cũng có mối cảm thông thân thiết rõ ràng, từ tên làng, tên xã tên họ tộc, mái đình, mái chùa, nhà thờ, cây đa, bến nước, và truyền thống nghề nghiệp, gợi lại biết bao niềm thân ái.

Dù chỉ tìm quen trong gia phả và truyền thống tổ tiên, vẫn thấy có sự gắn kết, nhất là sự giống nhau các tên làng xã và truyền thống sinh hoạt trong Gia phả đã có sự thân thiết rồi. Đấy “quê hương là thân thiết biết bao!…”.

Cũng thế, gia phả nào nêu lên địa danh và họ tộc, cùng tổ tiên, mồ mã tổ tiên mình là nguồn gốc, nghề nghiệp truyền thống mình là đáng được tìm tòi và trân trọng.

Theo Gia phả Họ NGUYỄN KINH NHÂN nghề đúc ở Phường Đúc, được ghi chép từ thời Cảnh Hưng, rồi tục biên vào thời Gia Long, Minh Mạng và Tự Đức, ở phần đầu gia phả Họ đã ghi là:

Ngã gia quán Bắc Ninh Tỉnh, Siêu Loại Huyện, Đồng Xá Tổng. Đồng Xá Xã “Tự trịnh gia cường tiếm, thất truyền vô do khảo cứu, Chí lục đợi Tổ, lục tùng NGUYỄN chúa, Cư quan Thừa Thiên Phủ, Hương Thủy Huyện, Cư Chánh Tổng, Dương Xuân Hạ Xã, Kinh Nhân ấp.
“Cai quan Lương Thanh Bá NGUYỄN VĂN LƯƠNG tự NHÂN cụ Túc tính danh, ký vi THỦY TỔ
”.

Tạm dịch là:

Nhà Ta nguyên ở tại Xã Đồng Xá, Tổng Đồng Xá, Huyện Siêu Loại, Phủ Thuận An. Tỉnh Bắc Ninh.
“Từ ngày Họ Trịnh tiếm quyền, gia đình ly tán, không kê cứu, ghi chép được, đến đời Tổ thứ sáu, theo chúa NGUYỄN đến định cư ở làng Dương Xuân Hạ, Tổng Cư Chánh, Huyện Hương Thủy, Tỉnh Thừa Thiên.
“Ngài cai quan Lương Thanh Bá NGUYỄN VĂN LƯƠNG tự là Nhân có đầy đủ Tên Họ được ghi là THỦY TỔ
”.

Tất nhiên ghi như vậy chưa được đầy đủ lắm, vì Họ tộc nhà ta không đến một mạch từ Bắc Ninh vào xã Dương Xuân Hạ, Hương Thủy, Thừa Thiên được, vì chúa Nguyễn đã mất đến 36 năm từ Ái Tử (Quảng Trị) rồi từ Quảng Trị vào Huyện Quảng Điền (Thừa Thiên) năm 1613. Đến 23 năm sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên qua đời Chúa Nguyễn Phúc Lan mới dời về Kim Long năm 1636.

Họ Nguyễn Kinh Nhân không tìm ra mộ vị Cai Quan Lương Thanh bá, Thủy tổ, mà đến đời thứ hai là Ngài Thủ hiệp Cường Đức Tử Nguyễn Văn Đào đến xã Dương Xuân mới có được danh tánh rõ. Có lẽ vì vị Thủy Tổ đã theo chúa di chuyển nhiều nơi từ Quảng Trị lần vào Thừa Thiên nên dễ bị thất tung, thất lạc?

Tuy nhiên khi nghe đến quê hương và danh tánh vị Tổ gần giống là thấy rất thân thương gần gũi rồi.

Dòng họ Nguyễn nghề đúc ở Huế có tên là họ NGUYỄN ‘KINH NHÂN’ có ý nghĩa như sau:

Ngay từ năm 1631 chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho lập ở Phước Yên (Quảng Điền) hai đội Nội Pháo tượng và Tả hữu Pháo tượng (đã lấy vào hai đội gồm thợ Đúc, thợ rèn ở Phan Xá Hoàng Giang Quảng Bình và thợ Người Kinh Bắc Bắc Ninh). Khi dời Phủ chúa vào Kim Long, hai nhóm thợ đó cũng được theo vào ở hai nơi riêng biệt liền kề gọi là thợ Bản Bộ và thợ Người Kinh (Kinh Bắc, Bắc Ninh) gọi tắt là họ Nguyễn Kinh Nhân, hay Kinh Nhơn). Hai nhóm thợ cùng làm việc tại công xưởng Trường Đồng hay Trường Đúc trên 100 năm đến nay địa danh này vẫn còn ở Phường Đúc.

Năm 1776, nhà sử họ Lê Quý Đôn vào kinh lý xứ Đàng Trong vẫn ghi trong Phủ biên tạp lục là:

Có ty Thợ đúc các cục, người Kinh 30 người, người Bản Bộ 30 người”(1).

Chỗ này cho đến nay họ NGUYỄN KINH NHÂN vẫn định cư chính tại đây. Do đó Tên Họ này rất gắn liền quê hương Đồng Xá và Bắc Ninh, Kinh Bắc xưa và cả Phường Đúc Thừa Thiên Huế xưa và cả ngày nay.

Chúng tôi phải tìm cho đúng địa danh của họ tộc này đã vào Thuận Hóa lập nghiệp nghề đúc và trở nên NGHỀ TRUYỀN THỐNG PHÁT TRIỂN Ở ĐÀNG TRONG hiện nay mà đã được công nhận là Ông Tổ Đúc đồng ở Phường Đúc Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên từ năm 1996.

Cũng để minh xác thêm cho một vài thông tin không chuẩn xác có ghi trong tập san BAVH của L. Cadière, cho rằng nghề đúc ở Phường Đúc là do người Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix dạy, không phải có nghề từ Bắc đưa vào, nhất là khi đúc các vạc ở Đại Nội Huế từ năm 1665. Trong đó hai nhóm thợ đúc này là chủ đạo…

Một thông tin rất thiếu chính xác khác nữa ở sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi: “Theo sách của Baybon và Russier cho rằng người Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix năm 1614 đến Thuận Hóa lập xưởng đúc súng đồng mà chỗ ấy ngày nay là Phường Đúc (tr.339)”.

Xin thưa và xác minh rõ rằng năm 1614 chúa Nguyễn Hoàng còn ở Quảng Trị chưa vào Thuận Hóa làm gì có chuyện lập xưởng đúc súng ở đây xa xôi cách trở cả 100 cây số mà còn hoang vắng; vả lại so tuổi, lúc đó Jean de la Croix còn quá trẻ làm sao đi phiêu lưu như thế được. Đến năm 1631 chúa Nguyễn Phúc Nguyên mới cho lập Phủ chúa ở Phước Yên. Rồi cho lập hai đội Nội Pháo tượng và Tả hữu pháo tượng để chế tạo vũ khí, đến năm 1636 chúa Nguyễn Phúc Lan mới dời Dinh phủ về Kim Long và dời cả hai đội về xã Dương Xuân, đối ngạn với phủ chúa Kim Long ở bên kia sông Hương. Đồng thời lập ra nơi đây các công sự phòng thủ phủ chúa cùng huấn luyện thủy quân và các công xưởng mà gọi lần lược từ phía Đông sang phía Tây là Giang Dinh, Giang Tiền, Kinh Nhân, Bản Bộ, Trường Đồng, hay Trường Đúc, các địa danh ấy nay vẫn còn biết nhiều. Và dân gian có câu Ca dao:

“Kinh Nhân, Bản Bộ, Trường Đồng…
Ba cô con gái ế chồng cả ba...”.


Một thông tin đáng tin cậy khác là trong luận văn Tiến sĩ của bà Li Ta Na gần đây ghi rằng cho đến trước năm 1665 thì súng thần công đều đặt mua hoặc thuê đúc ở nước ngoài qua trung gian các linh mục nước ngoài vào xin giảng đạo.

Cho đến sau năm 1665 mới có đúc vạc và súng lớn tại Phường Đúc, có thể có sự giúp sức của Jean de la Croix, như một tay buôn vũ khí, bị bắt từ mặt trận Miên Việt về rồi làm cố vấn, nhưng không phải chủ đạo vì hai đội thợ đúc Kinh Nhân và Bản Bộ là hai toán thợ có truyền thống lâu đời, có chức tước như Cai Quan, Chánh Ty Quan, Thủ Hiệp v.v., đang chủ đạo công xưởng.

Năm Vĩnh Trị thứ 3 (1678) có đúc một quả đại hồng chung cao 1,3m, miệng 0,76m mà hoa văn rất đẹp, với quai rồng kiểu Bắc rất tinh vi, hiện còn treo ở chùa Sùng An, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, đủ xác nhận nghề đúc truyền thống rất tinh vi đã xuất hiện ở Thuận Hóa qua hoa văn Bắc bộ thời đó rồi.

Còn theo nguồn thông tin của báo BAVH thì không chuẩn lắm vì chỉ nói một chiều, tác giả BAVH không chịu đến khảo sát Phường Đúc, nhất là không chịu tìm hiểu họ Nguyễn nghề đúc ở Xóm Kinh, Bản Bộ và khảo cứu nguồn gốc, nghề nghiệp họ từ Bắc vào lâu đời rồi. Trong lúc đó nhà sử học Lê Quý Đôn đến trước đó gần 200 năm (1776) đã viết rất chính xác về nhóm thợ này là:

Thuận Hóa có hai đội Ty thợ đúc, đều 30 người. Có Phường đúc ở bờ Nam sông Phú Xuân, đều là người kiều ngụ ở lộn, cũng biết đúc súng đồng và vạc, chảo nồi xanh, cây đèn, cây nến mọi vật…”.

Hay:

“Họ Nguyễn trước mỗi năm đến ngày lễ sinh nhật đều có tiền mừng hoặc 2 tiền, hoặc 5 tiền và phẩm vật tặng nữa…
”(2).

Nội mỗi câu này thôi đủ cho sự minh chứng thợ đúc Đàng trong, nhất là thợ đúc người Kinh (Kinh Bắc, Kinh Nhân vào) đang được ưu ái chăm lo.

Một nguồn tin từ linh mục Nguyễn Văn Quý giáo xứ Phường Đúc cho hay là Jean de la Croix bị bắt từ Campuchia năm 1668 về cho làm nghề đúc súng tại đây, mà xưởng này có từ năm 1636. Cho nên trong báo BAVH có câu “Jean de là Croix đến đề nghị gia nhập nghề đúc, nơi đã có truyền thống đúc rồi” Cho nên người Bồ Đào Nha không phải dạy nghề và không phải chủ đạo vì đến sau và trước đó đã đúc các sản phẩm có giá trị cao như đại hồng chung chúa Sùng An, và cả Vạc và Khánh ở Quảng Trị nữa”. Hơn nữa nghề đúc Viêt Nam là khuôn đất sét thay vì khuôn cát như châu Âu, nên ông ta không thể làm gì được, cùng lắm là giúp vài lý thuyết nhỏ thôi.

Năm 1682 Jean de la Croix mất, vạc vẫn đúc và nhất là chuông chùa Linh Mụ nặng trên 3000 cân do chính thợ Việt Nam vẫn đúc thành công năm 1710. Rồi sau này thời Gia Long, Minh Mạng 1802 - 1835 súng thần công cùng cửu đỉnh vẫn đúc rất thành công và còn lớn hơn trước nhiều lần lại đẹp hơn bội phần nữa.

Chúng tôi dự kiến về thăm Hưng Yên - Bắc Ninh, để tìm cho rõ nguồn gốc nguyên quán nghề đúc từ làng Đồng Xá, Bắc Ninh xưa, nhưng chưa có dịp chỉ xem trong tư liệu và thư từ giới thiệu.

Chúng tôi được xem luận văn Cử nhân văn sử của cô Nguyễn Hồng Phương đề “Cầu Nôm, làng Buôn Xứ Bắc” thì được biết ở xã Đại Đồng có chùa Nôm, Làng Nôm, Chợ Nôm.

Chùa Nôm tên chính là Thung Linh tự (chùa Thông) có bia ký sùng tạo chùa ghi là Tùng Cầu, Tùng Xá. Có lẽ vì kỵ húy Trịnh Tùng nên sau ghi lại là “Đồng Cầu, Đồng Xá” và trong thánh tích Làng Nôm cũng ghi ở đây là Trại Đồng Cầu, Trang Đồng Xá, và có người tin nhà thờ và họ Nguyễn Kinh Nhân xưa ở đây, vì cũng tên Đồng Xá trên bia ký hay thánh tích v.v.

Nhưng cô Nguyễn Hồng Phương trong luận văn thấy đây là làng Nôm, lại không có tên trong sách Địa chí và cũng không có tên là Đồng Xá trong tên làng xã Việt Bắc mà chỉ là tên quen dùng hay cải đổi thôi. Theo cô Phương, Làng Nôm là buôn đồng nát xưa thay vì là làng đúc. Vì đấy có chợ Cầu Nôm xưa nơi giao lưu buôn bán đồng phế liệu và trung chuyến sản phẩm đúc đồng như nồi đồng, xanh chảo, lư đình cho các làng đúc lân cận ở làng Đồng Xá, Đông Mai, Đề Cầu, Long Thượng, Đỗ Xá v.v.

Ở đây còn có chợ Nôm ngay trước cổng chùa Nôm để buôn bán hàng hóa như là chợ phiên và thường chỉ đông khách vào buổi sáng còn trong ngày thì hơi vắng.

Nhân chuyến tháp tùng về đúc quả đại hồng chung nặng 3 tấn cho chùa Nôm, chúng tôi đã có dịp tham quan và tìm hiểu thêm:

Hiện có nhiều lò đúc đồng và cửa hàng bán sản phẩm đồng trên làng Long Thượng gần trụ sở ủy ban xã cách làng Nôm một cánh đồng… Nói chung đang khôi phục làng đúc truyền thống ở đây, kể cả làng Đông Mai và các làng Mé, Điền, Rí Hạ, Rí Thượng bên Bắc Ninh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Sư Trú trì chùa Thung Linh và cả ủy ban xã hiện đang có dự kiến mở nơi này thành “Trung tâm Du lịch”. Họ đã mở đường và làm bảng quảng cáo là “Trung tâm Văn hóa CẦU NÔM” trên đường vào làng, vào chùa... Có lẽ tương lai sẽ phát triển hơn vì nghề đúc truyền thống ở đây đang phát triển, chùa Nôm đã và đang trùng tu rất đồ sộ, có cầu Nôm bằng đá rất đẹp, có chùa mới, chuông mới, điện Quan Âm đặt ngay giữa hồ rất đẹp (ở đây có hàng trăm vị Phật và Bồ tát cùng A la hán làm bằng đất cả mấy trăm năm rồi mà lũ lụt vào ngâm nước không làm hỏng, như Đài Truyền hình Trung ương đã đưa tin.

Nhưng chúng tôi nhận thấy họ Nguyễn làng Nôm ở đây có nhiều điểm chưa chuẩn xác: như không chuẩn là tên làng “Đồng Xá”, mà chỉ tên cải đổi vì kỵ húy thôi, lại không có gia phả, không có mộ Tổ và ngày giỗ Tổ, chỉ đầu năm vào ngày 12,13,14 tháng giêng, họ rước bát hương đến chùa rồi về đình hành lễ, đến ngày 14 thỉnh về nhà thờ lại, còn con cháu không phân rõ được Chi Phái, ai lớn có thể gọi là cụ hay bác, nhỏ tuổi gọi là chú thôi.

Như vậy là tên Đồng Xá ở đây không chuẩn, chỉ cải đổi thôi, đâu phải tên gốc? Chúng tôi đành đi tự tìm hiểu riêng.

Chúng tôi lại tìm đến đình làng Đồng Xá có thật trong địa danh của một trong 9 thôn hình thành nên xã Đại Đồng ngày nay. Bài vị ở làng Nôm cho biết là đình làng này hư lâu rồi mới xây dựng lại, còn thánh tích trong đình làng cũng vậy, chép đâu đó không xưa cổ như bên Làng Nôm.

Chúng tôi không nản, trở về Huế tìm đến nhà Bảo tàng Huế tra đọc lại trong Địa chí Hà Bắc cũng như trong danh mục tên làng xã Việt Nam trước kia và sau này về các địa danh Đồng Xá xưa và Đồng Xá ngày nay.

Rồi lại hỏi thăm bên Ủy ban nhân dân xã Đại Đồng qua điện thoại, họ giới thiệu cho vài vị họ Nguyễn bên làng Đồng Xá xưa, và họ giới thiệu cho cụ Nguyễn Văn Hòa 80 tuổi, nguyên đại tá hồi hưu. Nhưng vị này cũng không thông tin được gì nhiều chỉ giới thiệu cho chúng tôi vị 65 tuổi phụ tá họ Nguyễn làng ĐỒNG XÁ. Từ đó, vị này cho thêm vài thông tin khá hay như là: “Cụ tổ ba đời trước có đúc chuông trên Bắc Giang, họ hiện có một nhánh đã trên 15 đời vào sinh sống ở Thanh Hóa và gần đây đã liên hệ được và có Gia phả rõ ràng, có ngày giỗ các vị Tổ nữa”.

Lúc đầu họ Nguyễn này vào Thanh Hóa làm nghề đúc tiền, rồi sau theo NGUYỄN KIM, sản xuất vũ khí, “lấy nghề đúc làm danh” chống nhà MẠC phò vua LÊ TRUNG HƯNG (1553).

Nhân đầu năm nay 2013, thời tiết thuận lợi ít mưa lạnh có người anh họ đi xe ra làm việc ở Quảng Ninh. Chúng tôi tháp tùng xe ra tận nơi để tìm hiểu. Lúc 5 giờ sáng đến đầu làng và được họ NGUYỄN làng ĐỒNG XÁ đón tiếp khá nồng hậu.

Vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Đồng ở gần đó đã đến rất sớm, rồi hướng dẫn cho chúng tôi vài sự việc như cho biết gia đình mình trước đây cũng đúc đồng, đúc gang. Vị này còn cho biết trước đình làng Đồng Xá xưa là nơi lập các lò đúc và được xem như “bãi rồng” ngang trước đình, dân thường đào lên các tiền đồng, xỉ đồng v.v”.

Khi xem gia phả họ Nguyễn làng Đống Xá và họ Nguyễn vào Thanh Hóa đều ghi phần nguồn gốc khá giống gia phả ở Huế tức về nguyên quán như sau:

“Bắc Ninh Tỉnh, Thuận An Phủ, Siêu Loại Huyện (xưa Siêu Tang) Đồng Xá Tổng, Đồng Xá Xã, Uy Nghi Thôn.” (Tổ tiên ngày xưa lấy nghề đúc làm chính).

Gia phả ngoài này còn ghi kỹ hơn là có cả thôn Uy Nghi mà gia phả trong Huế không ghi, khiến vài vị trong Huế phân vân cho đây thôn, là đình thôn, đình xóm Uy Nghi chứ đâu đình làng Đồng Xá?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Đồng Xá xưa là căn cứ kháng chiến nên bị Pháp đốt sạch, nay phải làm lại để có nơi hương khói thờ tự, vả lại Đồng Xá xưa gồm có hai thôn nay thành hai xóm là Uy Nghi ở phía Đông Cầu Nôm và Đình Tổ ở phía Nam Cầu Nôm, không ăn liền với Cầu Nôm. Đình Tổ theo Thiên chúa giáo nhiều, nên mọi sinh hoạt chùa đình, lễ nghi tế tự, đều ở bên Uy Nghi hết. Chúng tôi còn ghi được hình bằng “thành tích Văn hóa khu dân cư thôn Đồng Xá” thờ trong đình này. Như vậy dây là chứng tích đình Đồng Xá chung, chứ không là đình một mình của thôn Uy Nghi như vài vị nghi ngờ.

Thêm vào đó trong Thư mục Thần tích Thần sắc của tổng Đồng Xá xưa ghi lại từ Viện Hán Nôm Hà Nội cho thấy rằng trong tổng Đồng Xá xưa có trên 20 địa danh trong tổng có Thần phả, Thần tích như ở Đồng Cầu, Đồng Chung, Mễ Đậu, Sầm Khúc, Lang Cầu, Làng Bi, Uy Nghi Đồng Xá, Đại Đồng Đồng Xá v.v, nhưng không có thần phả thần tích ở Đình Tổ (theo Thiên chúa giáo?) và trong đó chỉ một mình củaUy Nghi Đồng Xá” là có thần Phả Cứu chính thức thôi. Còn các tên khác không dính gì Đồng Xá cả, chỉ là tên gọi chung trong tổng thôi, cũng như ở Huế, làng Kim Sơn, Bằng Lãng thuộc tổng Cư Chánh mà Dương Xuân Thượng Hạ cũng tổng Cư Chánh, Phường Đúc cũng tổng Cư Chánh thôi. Có lẽ làng Nôm đã lẫn lộn mình cũng Đồng Xá như cách nhìn nhận ở Huế vậy?

Như thế về địa hình thì làng Đồng Xá là ở phía Đông của làng Nôm, và vị trí đình tổ ở phía Nam làng Cầu Nôm, đều tách biệt.

Cả Đình làng cùng Thánh tích thần phả và bằng Văn hóa thôn Đồng Xá ngày nay do huyện Văn Lâm cấp cũng là riêng ngoài Cầu Nôm. Bởi thế trong xã Đại Đồng ngày nay có đến 9 thôn riêng biệt trực thuộc Ủy ban nhân dân xã là:

1 - Đại Từ, 2 - Đại Bi, 3 - Đình Tổ, 4 - Đồng Xá, 5 - Long Thượng, 6 - Bùng Đông, 7 - Văn Ó, 8 - Xuân Phao, và 9 - Cầu Nôm hay Đại Đồng (Đại Đồng Đông, Đoài, Văn).

Đây là sự hợp lại thành xã lớn sau này mà Đồng Xá là một thôn riêng không liên can gì Câu Nôm cả.

Khi thành lập tỉnh Hưng Yên, xã Đại Đồng ngày nay được tách ghép từ 3 tổng cũ là tổng Đồng Xá, tổng Đình Tổ của huyện Siêu Loại và tổng Đại Từ của huyện Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh cũ.

Tiếp đến, chúng tôi đến thăm nhà thờ họ NGUYỄN ĐỒNG XÁ và xem gia phả họ này. Mở đầu gia phả họ NGUYỄN làng ĐỒNG XÁ ghi nguyên văn như sau:

Bắc Ninh Tỉnh, Thuận Thành Phủ, Siêu Loại Huyện, Đồng Xá Tổng, Đồng Xá Xã, Uy Nghi Thôn”.

Như vậy là gần giống như một, chỉ khác đôi chút là thời trấn Kinh Bắc thì gọi là Thuận An phủ, sau này đổi về Bắc Ninh tỉnh thì thành Thuận Thành phủ thay vì Thuận An, còn Uy Nghi thôn thì như trên đã nêu rồi. Họ còn cho xem thêm Gia Phả chi nhánh ở Thanh Hóa và còn vài chi tiết xưa cũ nữa như:

Trấn Kinh Bắc, Tỉnh Bắc Ninh. Phủ Thuận An, (xưa là Phương Thuấn) huyện Siêu Tang, Siêu Loại (xưa là Siêu Khuê) xã Đồng Xá, thôn Uy Nghi, lấy nghề đúc làm danh.

Sơ tổ khảo tự Phúc Thành, húy là Dinh, kỵ ngày 20 / 02, chế tạo binh khí làm vốn quân dụng, theo nghiệp Đúc làm chính.

Còn gia phả chính ở Đồng Xá có ghi tiếp:

Nguyên tiên vị Cao tổ Ta là Nguyễn Phúc Huệ nhà nghèo, vợ chồng hai vị di cư vào tỉnh Thanh Hóa, xã Thọ Vực lập nghiêp, xây dựng cơ sở đúc tiền sinh được ba con trai nuôi khôn lớn chẳng bao lâu trở nên giàu có, nhớ quê nên trở về làng Đồng Xá và mất ngày 16 tháng 9 mộ táng tại xã Sầm Khúc, cách Đồng Xá 3km chỉ để lại người con út ở lại Thanh Hóa lập nghiệp.

Người con út ở lại tức sơ tổ khảo Phúc Thành húy Dinh lấy nghề đúc làm danh. Năm 1533 theo Nguyễn Kim chế tạo vũ khí chống lại Nhà Mạc (sau này có tiếp thêm).

Hai con đầu là Phúc Xưng và Phúc Hộ sống ở làng Đồng Xá nối dõi trên 15 đời mà bản dịch chỉ mới ghi được bảy đời.

Ở đời thứ 6, thứ 7 có vài vị không rõ tông tích mà chúng tôi đang đặt nghi vấn là có phải theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa không? Vì vào đời thứ 6 mới theo chúa Nguyễn Hoàng, tuy nhiên tên chưa chuẩn, chưa rõ ràng?

Cũng nên biết rằng thời nhà Mạc (1553 - 1600) Thăng Long không ổn định, dân tình khốn khó, đói kém; vùng Đê Cầu, Đông Mai, Đồng Xá, Tòng Chương là trung tâm đúc đồng, vì khó khăn nên hay đúc tiền giả bị triệt hạ như làng Tòng Chương, dân tình bỏ chạy, đổi tên họ. Nên chính gia phả họ Nguyễn Kinh Nhân cũng ghi là “Tự Trịnh gia cường tiếm, thất truyền, vô do khảo cứu… chí Tổ lục đợi lục tùng Nguyễn chúa…”, nên sự truy nguyên chưa thật rõ được. Còn họ Nguyễn ở Thanh Hóa cũng vào đấy đúc tiền để sinh sống, sau mới theo Nguyễn Kim chế tạo vũ khí chống nhà Mạc.


Đến đây thì nguồn gốc họ NGUYỄN Kinh Nhân ở Phường Đúc đã được tìm đúng “Nguyên quán”, chỉ còn vài chi tiết cần làm rõ thêm thôi. Nơi đây là trung tâm đúc đồng của Dương Không Lộ dạy thời xưa, truyền lại ở các làng xã xung quanh vùng Đê Cầu, Đông Mai và Đồng Xá, Tòng Chương, quê hương gốc của thợ đúc Ngũ Xá (Hà Nội), và cả thợ đúc Phường Đúc (Huế). Bởi thế ông Tăng Bá Hoành khi làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên) đã khảo sát vùng này và ghi một chương trong sách về NGHỀ TRUYỀN THỐNG của mình là:Đại Đồng là trung tâm đúc Đồng của đất nước”.

Vì thế xã Đại Đồng nên chấn hưng và phát triển “Nghề truyền thống đúc đồng” ở vùng này hơn là chỉ đề đơn thuần “Trung tâm Văn hóa làng Nôm” là CHƯA ĐỦ NGHĨA VÌ LÀNG NÔM chỉ mới buôn bán đồng nát thôi, còn nghề truyền thống nữa.

Chúng tôi rất mong vùng quê này phát triển hơn lên nữa, vì đây là gốc của Ngũ Xã Hà Nội và cả Phường Đúc Thừa Thiên Huế nữa.

Phường Đúc Huế tháng 4/2013
N.V.D
(SH292/06-13)


.................................................
(1) Phủ Biển Tạp lục, bản dịch NXB HN 1964, tr204.  
(2) Sách đã dẫn, tr 358.  
BAVH là tập san Bulletin des amis du Vieux Hué (Những người bạn cố đô Huế).
 






 

Các bài mới
Các bài đã đăng