Những nẻo đường đất nước
Nhớ miền cao A Lưới
17:12 | 17/02/2014

Huế xưa – nay, Huế của khúc ruột nước non, chứa đựng trong mình cả một bề dày lịch sử thông qua nét trầm mặc cổ kính của những lăng tẩm, cung điện, chùa chiền… Nhưng có lẽ ít ai biết, Huế vẫn còn ẩn chứa trong mình một A Lưới - vùng đất nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên kỳ thú và trầm lắng nhiều giá trị văn hoá cổ xưa của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Nhớ miền cao A Lưới
Hình 1: Một đoạn đường đèo trên đường tới A Lưới

Từ thành phố Huế, vượt qua chặng đường dài gần 70km tôi và nhóm bạn đã đặt chân đến địa phận của huyện vùng cao A Lưới. Trên đèo cao nhìn xuống, A Lưới là một biển ngô và sắn xen kẽ nhau. Ngô và sắn được trồng ở khắp nơi - phía trước, đằng sau, bên trái, bên phải, trên đồi dốc, dưới thung bằng, đâu đâu cũng thấy một màu xanh ngút ngàn. Những đồi sắn nhấp nhô điệp trùng như những làn sóng, còn những ruộng ngô tươi tốt cao quá đầu người đang khoe cờ lại hứa hẹn một mùa vụ bội thu.

Có thể nói, vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ với những con đèo uốn lượn cùng những cánh rừng nguyên sinh đan xen với rừng trồng trải dài trên tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ làm ngất ngây bất cứ ai khi vừa đến với miền biên giới này.

Cảm giác lâng lâng khi trở về với mảnh đất lịch sử như một dòng máu nóng ran từ tận trong tim dần dần lan truyền khắp cơ thể. Dường như, cái giá lạnh của vùng núi cao cũng không thể ngăn cản được những lời chào hỏi hồ hởi, những cái bắt tay thắm đượm tình ngược - xuôi. Hai tiếng đồng bào lại được vang lên nghe sao mà thân thương, ấm áp. Ngay cả những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tà cũng đang cố gắng xuyên thủng những đám mây trên trời, len lỏi qua những cánh rừng xanh mướt để được diện kiến những người bạn mới đến. Chỉ mới đặt chân đến đây thôi nhưng đất và người A Lưới đã thật gần gũi và trìu mến đến lạ lùng.

Cuộc gặp mặt đầu tiên trong ngôi nhà Gươi truyền thống tại thôn Aka Achi với những điệu múa mừng khách vào làng đã mở đầu cho một chuyến trải nghiệm đầy thú vị.

Thôn bản không đông đúc, tấp nập như đồng bằng, cũng không hào hoa tráng lệ mà tất cả đều dân dã, tự nhiên - có lẽ chính điều đó đã khiến cho những ai một lần tới đây đều sẽ nhớ mãi không quên. Nhất là loại hình du lịch homestay – sống trong chính ngôi nhà của người dân bản địa, đã và đang được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế. 

Khi màn đêm buông xuống, không gian xóm làng trở nên tĩnh mịch. Bữa cơm tại nhà cộng đồng hôm nay thật đông vui và ấm cúng. Thiên nhiên đã ban tặng cho đồng bào các dân tộc nơi đây nguồn sản vật phong phú, làm nên nhiều món ăn đơn giản, dân dã nhưng thể hiện rõ tính bản địa và nét độc đáo riêng trong văn hóa ẩm thực. Những: xôi hông (adeep ihoat), cơm lam (adeep ihoor), thịt xiên nướng, ếch nướng ống (A cụt đù i hoor)… mỗi món ăn đều có hương vị riêng làm vừa lòng tất cả mọi người. Cùng với đó, những câu chuyện kể về lịch sử, văn hoá của vùng đất A Lưới anh hùng dường như không có hồi kết khiến cho buổi tối đầu tiên của chúng tôi ở vùng đất này càng thêm ý nghĩa.

Cảm giác lần đầu tiên được ngủ trong một ngôi nhà sàn cũng thật khó tả. Đêm càng về khuya, tiếng nước chảy róc rách trên những khe đá nghe một rõ ràng hơn. Xa xa vọng về tiếng chim tu hú và… tiếng con gì đó nghe rất lạ. Đâu đó trong đêm, tiếng thì thầm tâm sự của những con người mới đây thôi còn xa lạ bỗng chốc trở thành thân quen. Dường như, A Lưới bây giờ lung linh trong một thế giới khác. Ở thế giới ấy, những vị thần thánh luôn luôn kề bên giúp đỡ và chở che cho dân bản vượt qua những khắc nghiệt của thiên tai và địch hoạ. Đó là thế giới mà cộng đồng các dân tộc Pa cô, Tà ôi, Cơ tu, Vân Kiều, Kinh… luôn khát vọng hướng tới một cuộc sống đoàn kết, ấm no và hạnh phúc.

Rạng sáng, những tiếng gà gáy làm khuấy động cả xóm làng. Bầu không khí thật khoan khoái và bình yên bởi không có những dòng xe cộ tấp nập, không có những toà nhà cao ngất, không khói bụi chen chân trong không gian của nơi đây. Thay vào đó, những ngọn đồi, những dòng thác, những con suối, những ruộng nương, cây cỏ, mái nhà đều được bao phủ bởi màn sương trắng bảng lảng.  

Thật thú vị khi đạp xe ban sớm trên con đèo khúc khuỷu, hướng mắt về những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt, ngắm những đóa piêr pang chớm nở, được nghe tiếng chim hót vang lẫn trong tiếng suối chảy róc rách hay nhìn những dòng kênh đượm trong nắng mai.

Đi đến đỉnh đèo, chúng tôi lại như lạc vào một thế giới khác. Ở đó, mây mù phủ kín chân người, chốc lát tan nhanh và để lại những khoảng trống hình cầu bao bọc lấy thân. Cảnh tượng ấy chẳng khác nào một phôi thai đang chờ ngày sinh nở.

Hình 2: Khách nước ngoài thăm những người phụ nữ dệt zèng ở A Lưới

Lúc này, bản làng lại bước vào một ngày mới. Đây đó, những em bé Cơtu say sưa mò ốc bắt cua. Những cụ bà Tà Ôi đeo gùi đi nương không tắt những nụ cười hồn hậu. Những thanh niên trai tráng thì miệt mài đưa trâu cày ruộng, chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Còn những người phụ nữ lại chăm chú ngồi dệt zèng hoặc đan lát, sẵn sàng tiếp đón bất cứ ai mỗi khi ghé thăm nhà.   

Cuộc sống hiện đại quay cuồng trong dòng xoáy bất tận. Tuy vậy, bản làng ở A Lưới ngày nay vẫn còn lưu giữ được những hằng số văn hoá của từng tộc người. Cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây luôn ý thức việc bảo tồn những bản sắc mà tổ tiên để lại. Những làn điệu dân ca như Kâr Lơi, Babói, Cha chấp, Oát vẫn vang lên trong đêm đêm. Những tục lệ cưới xin, ma chay, lễ hội truyền thống vẫn được các tộc người đất này rất đỗi tự hào.

Nếu trước đây dân bản chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa nương, dệt zèng và đan lát thì vài năm gần đây, vẻ đẹp tiềm ẩn của A Lưới đã dần được du khách biết tới. Cũng từ đó, người dân trong bản đã được các cán bộ từ tỉnh và huyện phổ biến cách thức làm du lịch để cải thiện cuộc sống của chính mình và góp phần đưa cái tên A Lưới trở thành một trong những vùng trọng điểm về du lịch của Thừa Thiên Huế. 

Hình 3: Lễ hội đâm trâu


Trong hành trình du ngoạn A Lưới, chúng tôi còn đi hết ngạc nhiên này tới thích thú khác khi được chiêm ngưỡng những nét đẹp hoang sơ và độc đáo mà tạo hoá đã ưu ái cho mảnh đất này. Thật choáng ngợp trước chuỗi thác liên hoàn A Nôr (xã Hồng Kim) hay thác Pông Chất ầm ào nước đổ triền miên như tiếng vọng ngàn đời từ rừng sâu núi thẳm. Cùng với đó hang Kềnh Crâm (xã A Roàng) với tầng tầng lớp lớp tác phẩm được tạo hình lạ mắt bằng thạch nhũ, suối nước nóng Tôm Trung, dòng sông A Sáp, A Lin êm ả… đều khiến cho nơi đây có sức hấp dẫn lạ kỳ.

Đêm xuống, bên ánh lửa trại bập bùng tô hồng cả một khoảng trời, bài hát “A Lưới khúc tình ca” ngân lên giữa màn đêm khiến cho lòng người càng thêm xao xuyến. Những điệu múa truyền thống của dân tộc Tà Ôi, những giai điệu trầm bổng của tiếng khèn, tiếng sáo mỗi lúc một vang xa như càng thắt chặt hơn nghĩa tình giữa chúng tôi và bà con nơi đây. Cứ thế, người và người, chẳng phân biệt địa vị, giàu nghèo, lớn bé, trai gái tay trong tay nhảy múa, hát ca như để níu kéo những khoảnh khắc tươi đẹp nhất.

Hình 4: Đêm lửa trại

Chỉ 2 ngày ngắn ngủi được sống trong tình người, tình đất A Lưới nồng nàn thương yêu khiến mỗi chúng tôi ai cũng không muốn rời xa. Để rồi, trong giờ phút chia li, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên những đôi má nghẹn ngào hẹn ngày tái ngộ…

Còn giờ đây, khi đã trở lại với bộn bề công việc, tôi lại chợt nhớ thôn Aka-Achi với những ngôi nhà sàn rêu mốc trầm tích bao lớp văn hóa bản địa. Tôi nhớ đêm A Hưa huyền bí khi nền văn hóa của đồng bào Tà Ôi chợt nghiêng mình thức dậy ngân vang. Tôi nhớ ngày A Roàng linh thiêng với giọng kể già làng chất chứa bao triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan được hun đúc qua bao thế hệ. Tôi nhớ những con người xứ này, hồn nhiên như nắng gió đại ngàn với cái bắt tay nồng nàn và nụ cười ấm áp, mến khách. Tôi cũng sẽ nhớ một chuyến đi thu lượm được nhiều kiến thức hữu ích… Và chắc rằng, trong kỷ niệm tôi mang theo suốt cuộc đời, sẽ không thể thiếu những ngày đã được sống trong không gian văn hóa của vùng đất A Lưới - miền Tây biên giới của Tổ quốc đó.

Trường Xuân (tourconduongdisan.com)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng