Riêng vua Duy Tân (1900-1945) ở gần cuối triều Nguyễn đã vượt ra khỏi khuôn khổ Đông phương để vươn tới chân trời mới phương Tây. Ông học chữ Pháp, làm thơ, viết văn Pháp... Thơ văn của ông không nhiều, lại bị người Pháp ngăn cấm phổ biến cho nên ít người được đọc. Nhưng những ai được đọc thơ văn của ông đều thấy ông vua yếu nước có tinh thần chống Tây Duy Tân rất giỏi văn Tây. Trong bài báo mang tựa đề “Duy Tân”, nữ ký giả Revest viết trên một nhật báo ở Réunion ngay sau khi vua Duy Tân bị tử nạn máy bay (12.1945) rằng: - “Ngài tháo ráp một máy vô tuyến cũng dễ dàng như đọc một bài diễn văn với một ngôn ngữ tuyệt hảo, để trình bày nguyên tắc của môn khoa học mà Người đam mê”. Trong bài “Số phận bi thảm của một hoàng đế nước : Vĩnh San Duy Tân”, ông E.P.Thébault có nhận xét: -“Người am tường hoàn toàn ngôn ngữ Pháp và người đã để lại cho chúng ta những bức thơ có lối hành văn rất trang nhã” Vua Duy Tân biết yêu lúc ông mới 15 tuổi. Người yêu đầu đời của ông là bà Mai Thị Vàng - con gái của cụ Mai Khắc Đôn. Ông đã làm thơ tặng người yêu. Sau nầy có dịp gặp bà Mai Thị Vàng ở Hậu thôn Kim Long, tôi được nghe bà xác nhận việc đó nhưng rất tiếc vì thơ vua Duy Tân viết bằng tiếng Pháp nên bà không thuộc. Bà cũng cho biết sau khi vua Duy Tân bị bắt và bị đày sang đảo Réunion (1916), toàn bộ sách vở chép thơ văn của nhà vua đều bị thực dân Pháp thu giữ. Mới đây người ta đã tìm thấy trong kho lưu trữ của Pháp - DOM (Aix), GOUGAL, Dossier 9588/57, còn một bài thơ mà vua Duy Tân sáng tác để tặng bà Vương phi Mai Thị Vàng như sau: À ma chère bien aimée ...Et j’ écartais sur la fenêtre des anges, Et je te regardais dormir sur les langes J’ effeuillais des jasmins et des oeillets sans bruit et je priais, veillant sur tes paupières closes, et mes yeux se mouillaient de pleurs songeant au choses qui nous attendent dans la nuit. Duy Tan Bài dịch thơ : Tặng người yêu dấu Vén cánh cửa diệu kỳ Ta ngắm nhìn em ngủ Nằm trên làn chăn vải Không một tiếng động hờ Ta ngắt những đóa nhài Và những đóa cẩm chướng Ta canh chừng bên em Với đôi mi khép kín Ta lặng lẽ nguyện cầu Bổng mắt ta nhòe lệ Và nghĩ tới những điều Chờ hai ta đêm nay. (Xuân Huy dịch)
Ông vua nhìn người đẹp ngủ mà cảm xúc đến mắt nhoà lệ thì thật quá đặc biệt. Đó là thơ tình nhà vua làm tặng người yêu. Đối với cuộc sống chung quanh, vua Duy Tân cũng có những cảm xúc rất mãnh liệt. Một đêm đi thuyền trên sông Hương, nhà vua viết bài Nocturne sur la rivière des Parfums (Đi đêm trên sông Hương) (1). “ La barque obéit, endormie aux coup réguliers du rameur Mon âme tressaille, meurtrie, aux coups de la vie dans mon coeur...” (Chiếc thuyền êm giấc vẫn vâng theo Nhịp đập đều đều của mái chèo Hồn ta giật nẩy, tim khô héo Bởi lẽ đời ta bị lắm keo...) Đọc bài thơ này nhà nghiên cứu Pháp Pièrre Brocheux (2) cho rằng đây là tâm trạng của vua Duy Tân lúc ban đầu, nhưng dần dần tâm trạng đó đuợc nâng lên và có mầu sắc chính trị rõ rệt. Cũng theo theo Pièrre Brocheux, mật thám Pháp đã thu được nhiều bài thơ yêu nước của vua Duy Tân và những bài thơ đó đang được giữ ở Hồ sơ lưu trữ quốc gia, bộ phận Hải ngoại, FOM, 858/2326. Brocheux đã trích dẫn những câu điển hình như sau: “Les Français se sont implantés ici depuis plusieurs automnes L’Odeur de ces barbares sent de plus en plus mauvais. (...) Le père et le fils ont subit de même sort. (...) Pitié pour ces héros qui ont bravé les flèches et les canons qui n’ont pas craint les balles et l’épée. Malheur à ces sujets qui-à maintes reprises - ont trahi leur pays Afin d’avoir des bonnets d’or et des plaquettes d’argent” Tạm dịch: “Từ nhiều mùa thu qua, người Pháp đã cắm chân ở nơi đây Những tên man rợ này càng bốc lên mùi hôi thối. (...) Cả cha và con đều cùng chịu một số phận (...) Tội nghiệp cho những vị anh hùng nầy đã xông pha đầu tên mũi súng. Họ chẳng biết sợ hòn đạn hay lưỡi kiếm. (...) Hổ thay cho những thần dân kia nhiều lần đã phản bội đất nuớc, Cốt đoạt cho được chiếc mũ vàng và chiếc bài bằng bạc”. Trong những ngày bị lưu đày ở đảo Réunion, để chứng tỏ người Việt Nam không thua chi người Pháp, vua Duy Tân đã cố gắng rèn luyện học tập Pháp ngữ. Ông tỏ ra đã thành công trong lĩnh vực nầy. Người ta đã mời ông tham gia vào những tổ chức văn học sáng giá nhất ở Réunion. Vua Duy Tân đã diễn tả tâm trạng u uất của mình qua nhiều tác phẩm được người đương thời hết lời ca ngợi. Xin trích một đoạn mà nhiều độc giả học tiếng Pháp trước đây đã thuộc lòng: CE QUE DIT LA VOIX DES CHOSES J’aime la murmure de la brise, quand elle chante ou pleure dans les branches. J’aime les confidences harmonieuses du vent aux arbres de la forêt, aux vagues de la mer, aux étoiles du firmament. Mais plus encore ce qui me berce, me ravit, m’enchante, c’est la grand de voix de l’Océan, la plainte universelle qui retentit dans le silence de la nuit comme un hymme sans fin. Lorsqu’au coeur de l’été, je séjourne aux bords des plages, je me plais à écouter dans l’insommie les variations de cette grand voix. Dans les nuit paisibles, on dirait la respiration d’un l’éviathan endormi à d’autres heures, la voix s’enfle, gronde, devient menasante dans le fracas de la tempête. Bửu Ý chuyển qua Việt ngữ: Ta yêu tiếng nói thì thào của cơn gió thoảng, khi gió reo ca hay than thở trên cành. Ta yêu lời tâm sự du dương của gió ngỏ với cây rừng, với sóng biển, với sao trời. Nhưng, hơn thế nữa, cái dỗ dành ta, khiến ta ngây ngất hân hoan, chính là tiếng nói của Đại dương, tiếng rền rĩ của khắp cõi vọng lên trong cảnh vắng lặng đêm khuya như khúc ca bất tuyệt. Giữa lòng mùa hè, những lúc nghỉ chân bên bãi biển, trong cơn trằn trọc, ta ưa thích nghe ra những tiếng trầm bổng của âm thanh hùng vĩ kia. Trong đêm thanh vắng, tưởng chừng như hơi thở của con quái vật khổng lồ ngủ say; vào giờ giấc khác, âm thanh trổi dậy, gào thét, hóa thành dọa nạt trong bão gầm). Ngoài những sáng tác văn học, vua Duy Tân còn có những bài viết về chính trị nhưng có giá trị văn học. Cho đến nay người ta đã được đọc những bài viết sau đây của Duy Tân: -Thư gửi thầy phụ đạo Éberhardt (1916), - Thư gửi cho báo Nhân Đạo (1920), -Thư gửi cho bộ trưởng thuộc địa (1936), -Bài đọc trên đài phát thanh Brazzaville (6-1945), -Di chúc chính trị (12-1945)... Xin trích một đoạn trong bài đọc trên đài phát thanh
Brazzaville
: - “Convenez-vous un peu, qu’avant le coucher du soleil, un oiseau noir, vous savez ce lui qui annonce une visite, est venu crier sur une branche de bambou jaune qui est devant votre fenêtre. Vous vous êtes demandés qui devait venir? Eh bien! C’est le premier fois, depuis longtemps, que je vous parle, et si ma voix n’est pas claire, c’est qu’elle est voilée de toute la tendresse que vous avons les un pour les autres.” Thái văn Kiểm chuyển qua Việt ngữ: "Các ngươi hãy nhận rằng trước khi mặt trời lặn, một con chim đen, ai cũng biết là con chim khách, đến kêu trước song cửa sổ nhà các ngươi ở, rồi các ngươi tự hỏi không biết khách nào sẽ đến vậy. Thì đây chính là ta đó, người lão thành này đã từng suy nghĩ giúp các người. Từ lâu, từ lâu lắm nay là lần đầu tiên ta mới lại nói chuyện cùng các người, nếu cái giọng ta không được trong lắm, chính vì nó đã đượm tình thân ái sắc son của chúng ta đối với nhau”. Vua Duy Tân giỏi tiếng Pháp. Không những ông sử dụng vốn liếng tiếng Pháp đó để trang bị kiến thức chờ ngày đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn dùng để làm thơ viết văn thể hiện sự rung động của trái tim mình trước cuộc đời. Với những thơ văn còn lại ít ỏi của ông không đủ để Lịch sử văn học Việt xem ông là một cây bút Francophone. Nhưng với những vần thơ câu văn trào ra từ một tâm hồn nóng bỏng ấy, cộng với cuộc đời không cam chịu làm nô lệ và hành động khởi nghĩa chống Pháp năm 1916 của ông, cho phép người chép sử dân tộc khẳng định: Duy Tân là một ông vua thông minh, khát khao đổi mới và có tình yêu nước nồng nàn. Thơ văn của vua Duy Tân giúp cho người đọc Việt
quý trọng tinh thần yếu nước của ông hơn.
............................. (1) Theo Nguyễn Vỹ “Tuấn chàng trai nước Việt”. (2) Pierre Brocheux - De L’Empereur Duy Tan au prince Vinh San: L’histoire peut - elle se répéter? Approche asie
NGUYỄN ĐẮC XUÂN (nguồn: TCSH số 143 - 01 - 2001)
|