VÕ VINH QUANG
LGT: 3 văn bia liên quan đến họ Nguyễn Cửu - Vân Dương ở Vĩnh Nam - Vĩnh Linh - Quảng Trị. Tư liệu này do viên Hộ bộ Hữu thị lang sung biện Nội Các sự vụ Nguyễn Cửu Trường - một danh hiền xuất chúng, làm quan trải 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (thuộc chi phái Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp) viết về ông nội (Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương), bà nội (Thái Thị Bảo/Bửu), cha (Ngũ trưởng Nguyễn Cửu Hoan).
Các văn bia này mặc dù ngắn gọn, song nội dung của nó lại góp phần gợi mở, đính chính nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa của vùng đất Thuận Hóa (như chuyện Trấn thủ dinh Bố Chính là TIỆP TÀI HẦU, lâu nay Đại Nam thực lục viết là TÔN THẤT TIỆP, Phủ biên tạp lục và Nam Hà tiệp lục thì viết TIỆP TÀI HẦU mà ko rõ tên tuổi, gốc gác. Nay qua văn bia và gia phả Nguyễn Cửu, chúng ta biết rõ TIỆP TÀI HẦU là tước hầu của ông NGUYỄN CỬU KHƯƠNG, TRẤN THỦ DINH BỐ CHÍNH, người đã chiến đấu chống lại đoàn quân Lê Trịnh tấn công vào Đàng Trong giai đoạn (1774 - 1775), song bị thất thủ. Hay vấn đề “Việt cố” cần được hiểu cụ thể theo nghĩa nào! Giới nghiên cứu lâu nay gần như đồng thuận, đồng nhất và khẳng định 2 chữ “Việt - cố” dùng để KHU BIỆT loại hình văn bản (văn bia, văn chuông...) xuất hiện 2 chữ ấy là VĂN BẢN CỦA THỜI CHÚA NGUYỄN.
Qua các văn bia được giới thiệu ở bài viết này, tác giả Võ Vinh Quang cung cấp nguồn tư liệu thực địa hiện tồn để đính chính lại nhận định có tính mặc nhiên/ mặc định ấy. Nghĩa là “Việt cố” (người quá cố/đã mất THUỘC VỀ/SINH RA HOẶC SỐNG Ở THỜI CHÚA NGUYỄN), CHỨ TƯ LIỆU CÓ “VIỆT CỐ” CHƯA CHẮC NẰM Ở THỜI CHÚA NGUYỄN... Bài viết sẽ là hướng gợi mở để chúng ta tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn nghi trong cách nhìn nhận về lịch sử văn hóa của địa phương, đất nước.
Sông Hương
1. Lời dẫn
Họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương, kể từ đời sơ tổ đất Nam Hà là Nguyễn Phúc/Cửu Kiều (1599 - 1656) vượt Đại Linh giang vào Đàng Trong khuông phò chúa Nguyễn, đã sản sinh nhiều danh hiền xuất chúng, giúp cho triều chính Nam Hà ngày một thịnh hưng. Nhiều chi phái của tộc Nguyễn Cửu được giao cờ tiết, nối đời trấn nhậm, giữ vững biên thùy, dốc sức chiến đấu với địch quân, bảo vệ nhân dân an cư lạc nghiệp.
Ở miền Nam, Chánh thống Vân Tường hầu Nguyễn Cửu Vân1 là một danh tướng trứ nghiệp của Minh vương Nguyễn Phúc Chu. Ông cùng các con (Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Đàm) có công đại phá địch quân, giữ gìn bờ cõi, chiêu dân lập ấp, mở mang lãnh thổ. Đến nay, sử sách nêu gương2, nhân dân miền Nam vẫn cung kính thờ phụng.
Ở biên cương phía Bắc thời chúa Nguyễn (Nam Sông Gianh), kế nghiệp sơ tổ Nguyễn Cửu Kiều trấn giữ Quảng Bình, chi phái của Phò mã Hoán Quận công Nguyễn Cửu Pháp (1703 - 1775)3 thuộc đời thứ 4, tiếp tục nối đời Trấn thủ. Ông từng được giao trấn nhậm Quảng Bình kiêm Tham tướng Thủy binh một thời gian, sau được triệu hồi về Kinh làm phụ chính. Hoán quận công sinh 19 con trai, trong đó người con thứ 6 Nguyễn Cửu Khương (1738 - 1794) nối nghiệp cha ông trấn giữ vùng biên viễn (Quảng Bình).
Theo Vân Dương kinh phổ, Nguyễn Cửu Khương 阮久康 giữ chức Cai cơ Phó tướng, nắm quyền Trấn thủ dinh Bố Chính, tước Tiệp Tài hầu 捷才侯. Ông cưới bà Thái Thị Bảo, lập nên một chi phái Nguyễn Cửu ở Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị ngày nay.
Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương sinh ra Ngũ trưởng Nguyễn Cửu Hoan (1771 - 1823) - cha của danh nhân Hộ bộ Hữu Thị lang Sung biện Nội Các sự vụ Nguyễn Cửu Trường (1805 - 1853). Nguyễn Cửu Trường có học thức siêu quần, văn chương xuất chúng, đỗ đầu các kỳ thi Hội, thi Đình (tức đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân - Hoàng giáp4), được tôn xưng là “Đình Hội lưỡng nguyên” 廷會兩元, vinh danh bảng vàng và được khắc tên vào văn bia Tiến sĩ khoa Mậu Tuất năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Ông làm quan ở 3 triều vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), trải thăng đến chức Hữu Thị lang bộ Hộ kiêm lo việc ở Nội Các. Năm 1848, Nguyễn Cửu Trường được sung làm Kinh Diên nhật giảng quan (giảng quan hàng ngày cho vua Tự Đức ở điện Kinh Diên).
Năm 2014, nhân cơ duyên hội tụ, chúng tôi đã may mắn được xem và chụp ảnh toàn bộ 3 tấm văn bia quý còn sót lại ở khu mộ phần họ Nguyễn Cửu tại bãi đất bazan ở vùng đồi Vĩnh Nam. Tiếc rằng vì bia đá gắn vào tường thành các ngôi mộ, không được che chắn nên một số chữ bị mòn mờ, khó nối kết để hiểu được trọn vẹn nội dung. Sau hơn 4 năm, nhờ kết nối tư liệu họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương, nhất là bản Vân Dương kinh phổ, chúng tôi đã khôi phục được trọn vẹn nội dung các văn bia này. Nhận thấy đây là các tư liệu dù ngắn gọn song khá giá trị, gợi mở nhiều nhận thức mới về lịch sử, văn hóa, văn tự chữ nghĩa… cũng như giúp kết nối chi phái với tộc họ Nguyễn Cửu, ở bài viết này, chúng tôi xin cung cấp nội dung 3 bản văn bia ấy.
2. Ba văn bia về Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương (ông nội Nguyễn Cửu Trường), Thái Thị Bảo (vợ ông Khương) và Nguyễn Cửu Hoan (cha Nguyễn Cửu Trường)5
2.1. Bia ký về Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương (ông nội Nguyễn Cửu Trường)6
越故布政營鎮守副將該奇阮{侯}之墓
祖考{節制}外右{掌營}煥郡公之第六子。戊午歲生{情嚴重} 美,出鎮重地公明有威。西山之亂乃退居于{此}祖妣故里,常{言} 烈女不更二夫,忠臣不事二君不死何待。有四男一女,壽五十 七。甲寅九月二十四日卒,葬灰山。辰嗣德戊申,孫: {黃甲侍郎}阮 久長拜誌
Phiên âm:
Việt cố Bố Chính dinh Trấn thủ Phó tướng Cai cơ Nguyễn {hầu} chi mộ.
Tổ khảo {Tiết chế} Ngoại hữu {Chưởng dinh} Hoán quận công chi đệ lục tử. Mậu Ngọ tuế sanh {tình nghiêm trọng} mỹ, xuất trấn trọng địa, công minh hữu uy. Tây Sơn chi loạn, nãi thoái cư vu {thử} tổ tỷ cố lý, thường {ngôn} “liệt nữ bất cánh nhị phu, trung thần bất sự nhị quân, bất tử hà đãi”. Hữu tứ nam nhất nữ, thọ ngũ thập thất. Giáp Dần cửu nguyệt nhị thập tứ nhật tốt, táng Khôi sơn.
Thời Tự Đức Mậu Thân, tôn: {Hoàng giáp Thị lang} Nguyễn Cửu Trường bái chí.
Dịch nghĩa:
Mộ của Cai cơ Nguyễn hầu7, là Phó tướng Trấn thủ dinh Bố Chính nước Đại Việt.
Ông nội đã khuất là con thứ 6 của ngài Tiết chế Ngoại hữu Chưởng dinh Hoán quận công [Nguyễn Cửu Pháp]. Sinh năm Mậu Ngọ [1738], tính tình nghiêm túc, quý trọng cái đẹp, ra trấn nhậm vùng đất trọng yếu (Quảng Bình), làm việc công bằng minh bạch có uy tín. Gặp loạn Tây Sơn, ông bèn lui về ở quê cũ của bà nội [Thái Thị Bảo], thường nói rằng: “liệt nữ chẳng thờ hai chồng, trung thần chẳng thờ hai vua, ta chẳng thà chết chứ đợi chờ gì!”. Ông có 4 con trai 1 con gái8, thọ 57 tuổi, mất vào ngày 24 tháng 09 năm Giáp Dần [1794], mộ chôn ở núi Khôi/Hôi.
Năm Mậu Thân [1848] niên hiệu Tự Đức [lập bia], cháu là Hoàng giáp Thị lang Nguyễn Cửu Trường kính ghi nhớ.
2.2. Văn bia bà họ Thái (Bà nội Nguyễn Cửu Trường)
越故布政營鎮守副將該奇阮侯正室蔡一娘之墓
祖妣廣平麗水輔越社。顯官蔡戶部之長女。鳳占歸于祖考。四德 兼備,敏慧以慈。生三男一女,親教諸孫,男禮學女針綫,高邁心目,不 衰壽八十二。明命己丑正月二十六日卒。葬發山丁向。
辰嗣德戊申歲,孫黃甲侍郎阮久長拜誌
Phiên âm:
Việt cố Bố Chính dinh Trấn thủ Phó tướng Cai cơ Nguyễn hầu chính thất Thái nhất nương chi mộ.
Tổ tỷ Quảng Bình Lệ Thủy Phụ Việt xã. Hiển quan Thái Hộ bộ chi trưởng nữ. Phượng chiêm9 quy vu tổ khảo. Tứ đức10 kiêm bị, mẫn tuệ dĩ từ. Sinh tam nam nhất nữ, thân giáo chư tôn, nam lễ học nữ châm tuyến, cao mại tâm mục, bất suy thọ bát thập nhị. Minh Mạng Kỷ Sửu chính nguyệt nhị thập lục nhật tốt. Táng Phát sơn, Đinh hướng.
Thời Tự Đức Mậu Thân tuế, tôn Hoàng giáp Thị lang Nguyễn Cửu Trường bái chí.
Dịch nghĩa:
Mộ của bà Thái [Thị Bảo] nhất nương11, chính thất của Cai cơ Nguyễn hầu, Phó tướng Trấn thủ dinh Bố Chính nước Đại Việt
Bà nội [Thái Thị Bảo] là trưởng nữ của ngài Thái Hộ bộ [Văn Sinh], được bốc quẻ gả cưới với ông nội [Nguyễn Cửu Khương]. Bà vẹn tròn tứ đức, sáng suốt hiền từ, sinh được 3 trai 1 gái, gần gũi dạy dỗ cháu con, trai thì học lễ nghĩa, gái thì học may vá thêu thùa, đức cao tâm sáng, thượng thọ 82 tuổi. Ngày 26 tháng giêng năm Kỷ Sửu (1829) niên hiệu Minh Mạng, bà qua đời, mộ chôn ở núi Phát, tọa hướng Đinh.
Năm Mậu Thân (1848) niên hiệu Tự Đức [lập bia], cháu là Hoàng giáp Thị lang Nguyễn Cửu Trường kính ghi nhớ.
2.3. Văn bia ông Nguyễn Cửu Hoan (cha Nguyễn Cửu Trường)
大南故左祠祭司伍長贈中順大夫侍讀學士謚端謹阮府君之墓
顯考貴鄉鎮守阮侯之第二子。辛卯歲生,初從軍內,使為隊長, 改左祠祭為伍長。敏直好善教子嚴,使眷慈心,繼明伏好,豪以外人 急有四男四女,壽五十三。明命癸未正月二十八日卒于官舍,陶山午 向,當經兩次,欽奉贈賜謚。嗣德壬子,子{黃甲}侍郎阮久長拜誌
Phiên âm:
Đại Nam cố Tả Từ Tế ty Ngũ Trưởng tặng Trung Thuận Đại phu, Thị độc Học sĩ, thụy Đoan Cẩn, Nguyễn phủ quân chi mộ.
Hiển khảo Quý Hương Trấn thủ Nguyễn hầu chi đệ nhị tử. Tân Mão tuế sinh, sơ tòng quân nội, sử vi Đội trưởng, cải Tả Từ Tế vi Ngũ trưởng. Mẫn trực hiếu thiện, giáo tử nghiêm, sử quyến từ tâm, kế minh phục hảo, hào dĩ ngoại nhân, cấp hữu tứ nam tứ nữ, thọ ngũ thập tam. Minh Mạng Quý Mùi chánh nguyệt nhị thập bát nhật tốt vu quan xá, Đào sơn Ngọ hướng, đương kinh lưỡng thứ khâm phụng tặng tứ thụy. Tự Đức Nhâm Tý, tử {Hoàng Giáp} Thị lang Nguyễn Cửu Trường bái chí.
Dịch nghĩa:
Mộ của ngài họ Nguyễn giữ chức Ngũ Trưởng ở ty Tả Từ Tế, được truy tặng tước Trung Thuận Đại phu, chức Thị độc Học sĩ, tên thụy Đoan Cẩn nước Đại Nam.
Hiển khảo (cha quá cố) là con thứ 2 của ngài Trấn thủ Nguyễn hầu12. Ông sinh năm Tân Mão (1771), lúc đầu theo việc quân chính, được bổ chức Đội trưởng, rồi đổi qua chức Ngũ trưởng ở ty Tả Từ Tế. Ông tính tình cần mẫn, thẳng thắn, yêu mến thiện lành, dạy con nghiêm chuẩn, đối với gia quyến thì trân quý nhất mực, nối nghiệp sáng của tổ tiên, tin phục điều tốt đẹp, hào hiệp với người khốn khó bên ngoài, kịp có 4 người con trai 3 người con gái, thọ 53 tuổi. Ngày 28 tháng giêng năm Quý Mùi niên hiệu Minh Mạng (1823), ông qua đời ở quan xá (nhà quan viên), mộ chôn ở núi Đào, theo hướng Ngọ. Nay trải nhiều lần được kính vâng ân điển ban tặng tên thụy.
Năm Nhâm Tý, niên hiệu Tự Đức (1852), con trai là Hoàng giáp Thị lang Nguyễn Cửu Trường kính lạy ghi nhớ.
3. Đôi điều luận bàn về nội dung và giá trị của 3 văn bia này (thay lời kết luận).
3.1. Về tác giả văn bia
Các văn bia trên do Hộ bộ Hữu Thị lang sung biện Nội Các sự vụ Nguyễn Cửu Trường biên soạn, lược thuật về cuộc đời, sự nghiệp của ông bà nội (Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương - phu nhân Thái Thị Bảo) và thân phụ (Ngũ trưởng Nguyễn Cửu Hoan) vào các năm 1848 và 1852 triều vua Tự Đức.
Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường là người có trình độ văn chương xuất chúng, ngay từ ngày đỗ đầu kỳ thi Đình (1838), ông được quần thần đánh giá “Cửu Trường chi văn phả hữu kiến thức” 久長之文頗有見識 (Văn ý của Nguyễn Cửu Trường khá có kiến thức), và vua Minh Mạng khẳng định: “Trẫm quan kỳ văn, đắc Đình đối chi thể. Nhược Phạm Văn Nghị tắc thục cố điển nhĩ” 13 朕觀其文得庭對之體。若范文誼則熟故典耳 (Trẫm xem văn [Cửu Trường] tất ứng được với thể văn Đình đối [kỳ thi Điện], văn của Phạm Văn Nghị thì chỉ thuần thục các điển tích cũ mà thôi).
Ông làm quan ở Nội Các lâu năm, được lịch triều trọng thị, năm 1848 lại đảm nhiệm chức Kinh Diên nhật giảng quan - chức quan giảng thư sử đạo lý cho hoàng đế… Như vậy, rõ là ông có trí tuệ uyên thâm, chữ nghĩa sâu sắc, văn phong điêu luyện, hẳn nhiên đủ sức để phóng bút văn chương để ngợi ca hạnh nghiệp của tổ phụ.
Thế nhưng, qua nội dung các văn bia ghi chép về ông cha ở trên, độc giả lại thấy một nét văn phong ngắn gọn súc tích, chuộng phần chất phác, cốt để ghi nhớ đến công lao tiền nhân thông qua vài nét chính yếu của cuộc đời. Đấy là điều khá hay và thú vị, đem đến cho độc giả thêm cách nhìn nhận về tính cách và phong thái của Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường: uyên thâm nhưng chất phác, đỉnh đạc vẫn nhẹ nhàng, ít chuộng phần khoa trương và tập trung vào thực chất. Nghĩ rằng, chính đấy là nét đặc trưng tiêu biểu trong nhân cách của vị danh nhân trứ nghiệp Nguyễn Cửu Trường14.
3.2. Một số nhận thức về giá trị tư liệu của văn bia
- Về Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương (ông nội Nguyễn Cửu Trường): Theo Vân Dương kinh phổ và nội dung văn bia hiện tồn, ông Nguyễn Phúc/ Cửu Khương (阮福/久康) làm quan từ đời Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế (Nguyễn Phúc Khoát) và Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế (Nguyễn Phúc Thuần), làm đến chức Cai cơ Phó tướng Trấn thủ dinh Bố Chính (tên nôm là Dinh Ngói 營瓦). Năm Giáp Ngọ (1774) quân Lê Trịnh đánh chiếm Nam Hà, ông cùng chư tướng trấn giữ Quảng Bình mặc dù đã rất nỗ lực kháng cự, nhưng vì địch quân công kích quá mạnh, phòng tuyến Quảng Bình bị vỡ, ông đành phải rút lui, về ẩn cư ở xã Hoàng Công, huyện Lệ Thủy (nay là Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị), nhất định thà chết vì quê hương đất nước chứ không hàng “giặc”. Theo Vân Dương kinh phổ (tờ 38a): “Giáp Dần niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật, tật thậm, đại hô huynh dẫn binh thuyền quá giang, đệ tức tiếp chí công tặc. Sổ thanh nhi tốt, cái trung phẫn chi tích dã” 甲 寅 年 九 月二 十 四 日,疾 甚 ,大 呼 兄 引 兵 船 過 江 ,弟 即 接 至 攻 賊 ,數 聲 而 卒 。蓋 忠 憤 之 積 也” (ngày 24 tháng 09 năm Giáp Dần [1794], ông bị ốm nặng, song vẫn gọi người anh [không rõ tên] dẫn binh thuyền qua sông, người em [không rõ tên] tức thì nối tiếp tấn công giặc. Bấy giờ, ông hô mạnh được vài lời rồi mất, ấy là thể hiện sự chất chứa lòng trung trinh và nỗi căm phẫn giặc lâu nay vậy).
Như thế, cho đến trước giây phút lìa trần, tấm lòng trung trinh, quyết tâm chiến đấu với “giặc” để tôn phò chính thể của Tiệp Tài hầu vẫn rất nhiệt huyết và mãnh liệt.
Tiếc rằng, trong chính sử triều Nguyễn là Đại Nam thực lục tiền biên (Thực lục về Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng đế, quyển XI) đã ghi nhầm tên ông là Tôn Thất Tiệp. Chẳng hạn, vào tháng 10 năm Giáp Ngọ (1774), khi quân Trịnh đánh vào phòng tuyến Quảng Bình, sách Đại Nam thực lục tiền biên quyển XI: Thực lục về Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng đế, tờ 22b ghi rằng: “… Bố Chính dinh Trấn thủ Tôn Thất Tiệp, Ký lục Bảo Quang (khuyết tính) thoái thủ Động Hồi lũy” 布政營鎮守尊室捷,記錄葆光(缺姓)退守洞回壘” (Trấn thủ dinh Bố Chính là Tôn Thất Tiệp, Ký lục Bảo Quang (khuyết họ) rút về giữ lũy Động Hồi [Đồng Hới?]); Đến tờ 23a thì chép: “Quảng Bình dinh Trấn thủ Liêm Chính (khuyết tính) dữ Tôn Thất Tiệp giai độn khứ” 廣平營鎮守廉政缺姓與尊室捷皆遁去 (Trấn thủ dinh Quảng Bình là Liêm Chính [khuyết họ] cùng Tôn Thất Tiệp đều trốn chạy)… Thực tế, vào thời điểm này, người giữ chức Phó tướng Trấn thủ dinh Bố Chính chính là Tiệp Tài hầu Nguyễn Phúc/Cửu Khương. Có lẽ các vị sử quan triều Nguyễn đã nhầm lẫn tên tước (Tiệp Tài hầu) được ghi chép ở Phủ biên tạp lục và Nam Hà tiệp lục (ghi tước, không ghi tên thật), lại vì họ Nguyễn Cửu trước năm Minh Mạng nguyên niên vẫn có họ là Nguyễn Phước, thế nên sự nhầm lẫn này dễ xảy ra và không quá khó hiểu.
Qua đây, chúng tôi xin được đính chính rằng nhân vật tên Tôn Thất Tiệp ở Đại Nam thực lục tiền biên, hay Tiệp Tài hầu trong Phủ biên tạp lục, Nam Hà tiệp lục giữ chức Trấn thủ dinh Bố Chính vào những năm Giáp Ngọ - Ất Mùi (1774 - 1775) thực chất chính là Tiệp Tài hầu Nguyễn Phúc/ Cửu Khương 捷才侯阮福/久康, nội tổ của Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường.
Vùng đất Vĩnh Linh sau nhiều năm hứng chịu chiến tranh dữ dội đã bị hư hỏng mất mát rất nhiều từ đường, nhà cửa, di tích, di vật lịch sử… Được biết, chi phái Nguyễn Cửu trực hệ của Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương gần như chẳng còn tư liệu, di vật gì đáng giá liên quan đến tổ tiên dòng họ, ngoại trừ 3 tấm bia đá ở 3 ngôi mộ tổ này. Vì thế, dẫu cha ông truyền đời rằng tổ tiên gốc là tộc họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương, nhưng con cháu chi phái khó lòng kết nối một cách rõ ràng cụ thể. Rất may, từ việc khôi phục toàn bộ nội dung 3 văn bia trên, chúng tôi nghĩ rằng đấy là nguồn văn bản chính thức, đủ sức làm cơ sở để khẳng định chi phái Nguyễn Cửu ở Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị ngày nay là hậu duệ trực hệ của Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương - Ngũ trưởng Nguyễn Cửu Hoan - Hoàng giáp, Hộ bộ Hữu Thị lang sung biện Nội Các sự vụ, Kinh Diên nhật Giảng quan Nguyễn Cửu Trường.
Danh nhân Nguyễn Cửu Trường lâu nay vẫn được người Quảng Bình lựa chọn và tôn vinh là hiền tài của vùng đất ấy. Điều đó có lẽ được căn cứ vào những ghi chép về Nguyễn Cửu Trường ở văn bia Tiến sĩ niên hiệu Minh Mạng thứ 19 (năm 1838) tại Văn miếu Huế, cùng như ở Đại Nam liệt truyện.
Cụ thể, Văn bia Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1838) ghi: “Nguyễn Cửu Trường (阮久長): Giám sinh, Hội nguyên, người ở Gia Miêu Ngoại Trang tổng Thượng Bạn huyện Tống Sơn, trú quán xã Hoàng Công, tổng Thủy Liên, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình”.
Tiếp đó, sách Đại Nam liệt truyện chính biên đệ nhị tập, quyển 33 (tờ 01.a) ghi: “Nguyễn Cửu Trường kỳ tiên Thanh Hóa Quý Hương nhân. Hậu thiên Quảng Bình Lệ Thủy huyện gia yên” 阮久長其先清化貴鄉人。後遷廣平麗水 縣家焉 Nguyễn Cửu Trường: tiên tổ người huyện Quý Hương, tỉnh Thanh Hóa, sau dời làm nhà ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình”.
Những thông tin này không sai, nhưng cần đặt nó vào quá trình tách nhập lãnh địa qua các đời. Trong triều Nguyễn, vùng đất chi phái Nguyễn Cửu sinh sống thuộc xã Hoàng Công, tổng Thủy Liên, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Nhưng ngày nay, qua quá trình tách nhập địa giới, vùng đất này hiện thuộc xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cho nên, nếu căn cứ vào địa chỉ hiện nay thì các vị Nguyễn Cửu Khương, Nguyễn Cửu Hoan, Nguyễn Cửu Trường là danh nhân Quảng Trị chứ không phải danh nhân Quảng Bình.
- Một trong những vấn đề rất thú vị có tính chất gợi mở từ văn bia này là cách hiểu về khái niệm “Việt cố”. Tác giả văn bia là Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường (1805 - 1853) sống vào triều Nguyễn. Ông viết và dựng bia cho ông - bà nội thì dùng “Việt cố”… 越故 để mở đầu tiêu đề, trong khi viết bia cho cha thì dùng “Đại Nam cố”… 大南故 để khởi đầu cho bài văn bia. Vậy, rõ ràng khái niệm “cố” 故 trong Việt cố 越故, Đại Nam cố 大南故 cần được hiểu theo nghĩa: người đã khuất (Việt cố 越故 là người đã khuất thuộc về/sống ở thời kỳ Đại Việt - tức trước triều Nguyễn (1802 - 1945); còn Đại Nam cố 大南故 là người đã khuất thuộc về/ sống ở quốc hiệu Đại Nam). Qua đây, chúng tôi cho rằng các nhà nghiên cứu và độc giả cần thiết phải nhìn nhận lại những vấn đề liên quan đến “Việt cố…”, nhằm tránh tình trạng xem “Việt cố” 越故 là văn tự có tính khu biệt, nhằm khẳng định ngôi mộ, văn bia hay tư liệu nào đó có chữ “Việt cố” 越故 xuất hiện đều nhất thiết phải là tư liệu, di vật thời Chúa Nguyễn. Bởi thực tế, như các văn bia trên, có “Việt cố…” nhưng không phải của thời chúa Nguyễn, mà là niên hiệu là Tự Đức nguyên niên (1848) thuộc triều Nguyễn.
Tóm lại, các tư liệu văn bia liên quan đến chi phái Nguyễn Cửu ở Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị này sẽ là nguồn văn liệu quan trọng giúp ích không chỉ cho việc kết nối dòng tộc (đại tộc Nguyễn Cửu - Vân Dương và chi phái Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương ở Vĩnh Nam), mà còn gợi mở, đính chính được một số vấn đề liên quan đến nhận thức về lịch sử văn hóa, văn tự. Riêng về danh nhân Nguyễn Cửu Trường, chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành bài viết khá đầy đủ và cụ thể nhất về ông trong tương lai không xa.
Huế, ngày 17 tháng 08 năm 2018
V.V.Q
(TCSH356/10-2018)
---------------
1. Ông thuộc đời thứ 3 họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương - con ông Nguyễn Cửu Kế - cháu nội ông Nguyễn Cửu Kiều.
2. Những sự kiện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Đàm đều có ghi chép ở Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Gia Định thành thông chí… Đồng thời các ông được nhân dân miền Nam luôn ghi nhớ, thờ tự kính thành xưa nay. Thống suất Nguyễn Cửu Vân còn được triều đình ban 3 sắc phong (vào các năm Thiệu Trị thứ 7 [1847], Tự Đức thứ 3 [1850]), với mỹ tự “Dũng Uy Tráng Liệt Tuyên Lực công thần Đô đốc Nguyễn phủ quân trung đẳng thần” hiện vẫn còn lưu giữ ở Miếu công thần Vĩnh Long.
3. Ông là con trai thứ 4 của Nội hữu Chưởng dinh Phò mã Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế (đời thứ 3, 1666 - 1731).
4. Triều Nguyễn không có quy định về Đệ nhất giáp Tiến sĩ như các triều trước, nên người đỗ đầu các kỳ thì Tiến sĩ ở triều Nguyễn chỉ được gọi là Đệ nhị giáp Tiến sĩ, gọi tắt là Hoàng giáp.
5. Để hoàn thiện bản dịch các văn bia này, chúng tôi tham chước Vân Dương kinh phổ (Phần ghi chép về Hoán Quận công Nguyễn Phúc/ Cửu Pháp [Cố nội Nguyễn Cửu Trường] và Tiệp Tài hầu Nguyễn Phúc/ Cửu Khương [Ông nội Nguyễn Cửu Trường]), thấy có những chữ, đoạn khá khớp với văn bia, nên dùng đó để khôi phục toàn vẹn nội dung của văn bản này. Phần chữ, đoạn văn chúng tôi khôi phục (trên bia bị hư hỏng mất chữ, hoặc thấy mờ..), chúng tôi đặt vào trong móc ngoặc {…} này.
6. Cả 3 văn bia này đều có kích cỡ 66cm x 29cm (cao x rộng), được làm bằng chất liệu đá Thanh.
7. Nguyễn hầu 阮侯: Ngài họ Nguyễn tước hầu. Ở đây chỉ Trấn thủ Phó tướng Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương
8. Theo Vân Dương kinh phổ, Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương sinh hạ 4 trai 1 gái, đó là: con trưởng Nguyễn Cửu Hy (vô tự); con trai thứ 2 Nguyễn Cửu Hoan (tên húy Diễn, là cha của Nguyễn Cửu Trường); con trai thứ 3 Nguyễn Cửu Lạc (mất sớm); con trai thứ 4 Nguyễn Cửu Toán (không thấy ghi tên người con gái).
9. Phượng chiêm 鳳占: cũng viết là Phượng bốc 鳳卜·, tức bói quẻ tốt lành để lấy vợ. Sách Ấu học quỳnh lâm 幼學瓊林 quyển 2: Hôn nhân loại 婚姻類 có câu: “Sính nghi viết ‘nhạn tệ’ , bốc thê viết ‘phượng chiêm’ “聘儀曰雁幣, 妻曰鳳占 (đồ lễ cưới gọi là ‘nhạn tệ’, bói quẻ lấy vợ gọi là ‘phượng chiêm’).
10. Tứ đức 四德: bốn phẩm chất, đức hạnh cần phải có của người phụ nữ. Sách Lễ ký 禮記, phần Hôn nghĩa 昏義 có câu: “Thị dĩ cổ giả phụ nhân tiên giá tam nguyệt, tổ miếu vị hủy, giáo ư tông thất, giáo dĩ phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công”是以古者婦人先嫁三月,祖廟未毀,教於公宮,祖廟既毀,教於宗室,教以婦德、婦言、婦容、婦功 (Ngày xưa, phụ nữ trước khi lấy chồng ba tháng, nếu tổ miếu chưa hư hỏng, thì ra đó mà ở, nếu tổ miếu đã hư hỏng thì vào nhà của tông tộc ở. Dạy cho phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công). Có quan niệm “tứ đức” là “công - dung - ngôn - hạnh” - điều này cũng tương tự như “đức - ngôn - dung - công” trong Lễ ký.
11. Thái nhất nương 蔡一娘: Bà con gái đầu họ Thái, Theo Vân Dương kinh phổ, bà tên là Thái Thị Bảo 蔡氏寶, con gái đầu của ông Thái Văn Sinh 蔡文生, giữ chức Hộ bộ kiêm Hình bộ 戶部兼刑部 thời chúa Nguyễn.
12. Nguyễn hầu: tức Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương, ông nội của Nguyễn Cửu Trường.
13. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 192: Thực lục về Thánh tổ Nhân Hoàng đế (Hán văn), tờ 24a.
14. Về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Cửu Trường, chúng tôi sẽ công bố sớm ở một bài khảo cứu cụ thể tới đây.