NGUYỄN QUANG HÀ
Tôi đứng trên cầu Nam Đông nhìn ra bốn phía xung quanh, vẫn cảnh cũ người xưa.
Dưới chân tôi đây là sông A Ro nước trong văn vắt và kìa, vẫn những chóp núi cũ: A-Te, A-Phát, A-Lu, Cha-Lôc, Li-Hi, Khe Tre... Những chóp núi chiều phủ sương mù mịt, lặng lẽ, âm thầm kia không khác gì chiều xưa tôi đã đến đây, vì thế cứ gợi dậy trong tôi từng kỷ niệm. Đúng chỗ tôi đang đứng này, ba cô gái Ka-Tu xuất hiện, vai mang gùi, váy áo cũ kỹ, mưa vậy mà ba người chỉ có ba tàu lá chuối che đầu. Ướt lướt thướt. Song, vừa thấy chúng tôi các cô đã ríu rít ngay, dù đây là lần gặp đầu, tình quân dân thời chiến tranh quấn quýt với nhau lạ lắm, các cô mời chúng tôi về bản. Bản vẫn mang tên cũ: làng Con Gia, nhưng đây là bản bí mật. Chỉ có dăm nóc nhà sàn nhỏ nhoi chìm trong bóng cây. Đợi trời thật tối các bếp đóng kín cửa nhà mới dám chụm lửa. Sợ máy bay phát hiện ra khói và ánh sáng. Ngồi bên bếp, các cô nướng sắn cho chúng tôi. Củ sắn bóc vỏ trắng ngần, đặt kề bên bếp cho khô, than hồng cời ra, củ sắn xoay dần cho đến lúc nó vàng ươm như chiếc bánh mì là được. Tự tay các cô bửa đôi củ sắn đưa cho chúng tôi. Mùi sắn nướng thơm bùi. Đi ra ngoài không được cầm đuốc, chỉ được cầm một lẻ củi có đầu than hồng, vừa đi vừa huơ huơ trước mặt tìm đường. Nghe tiếng máy bay phải lập tức ủi đốm than ấy xuống đất...
Đêm nay tôi ở lại Nam Đông với niềm háo hức của người nhớ đốm than xưa, và chờ trông ánh điện vừa kéo về cho vùng núi xa xôi, hẻo lánh này. Tôi không muốn nhìn màn đêm dâng lên dần. Mà muốn thấy màn đêm đột ngột. Nên tôi ngồi trong phòng có ánh đèn nê-ông lừa thời gian. Đúng bảy giờ tối, tôi xô cửa bước ra ngoài. Cả thị trấn Nam Đông bừng lên ánh điện ngời ngời. Ánh điện bung ra từ cửa sổ nhà cao tầng. Ánh điện đường dẫn về từng lối nhỏ. Ánh điện hắt ra từ những căn nhà mãi xa bên bờ Khe Tre. Cùng với ánh sáng ấy là âm thanh bừng dậy dịu dàng của ra-đi-ô, cát-xét, ti-vi, video.
Tôi lặng lẽ đi ra ngoài đường. Các quán nhậu đã vãn người nhưng các quán cà phê đang còn tấp nập. Thanh niên trai có, gái có từng nhóm từng nhóm kéo nhau tới nhà văn hóa xem phim. Đám trẻ con hò hét đuổi nhau trên đường. Tôi đi về các xóm xa, ánh điện trong các căn nhà nhỏ vọt những tia sáng điện lách qua kẽ lá lấp lánh, xanh huyền ảo.
Anh Sinh phó chủ tịch huyện vừa về hưu, anh vặn nhỏ tivi, dẫn tôi qua phòng khách, bật điện sáng, nói với tôi:
- Không dám ước mà có. Lắm lúc mình ngồi nhìn ánh điện thừ cả người. Nghĩ, thế là đời mình toại nguyện rồi. Mình nói thế có được không?
Tôi đáp:
- Lòng ham muốn của con người thì vô cùng. Với anh, anh nghĩ thế là phải.
Anh Sinh có mặt ở Nam Đông từ những ngày gian lao. Hòa bình, anh đưa người vợ trẻ lên đây xây dựng vùng kinh tế mới "Mình sẽ sống chết với Nam Đông này". Biết bao cay đắng, anh vẫn trụ bám cho tới tận ngày nay. Người dám nghĩ và dám làm vậy như anh đối với dân tộc Ka-Tu có nhiều nhặn gì đâu. Đếm trên đầu ngón tay một.
Trong ánh sáng điện ngất ngây, anh Sinh pha cà phê cho tôi uống. Cà phê Nam Đông pha khéo không kém gì cà-phê Buôn Mê. Những lúc tỉnh táo thế này, trong chúng tôi lại thức dậy "ngày xưa”.
- Có ai ngờ chiến tranh kéo dài thế. Chỉ biết là chắc sẽ ác liệt lắm. Ngày ấy 2 năm sẽ Tổng tuyển cử, Nam Đông về xuôi, mua muối phát cho dân dùng trong 2 năm. Song dân miền núi đâu có biết cách giữ muối. Chỉ những hạt để trong chai là còn. Tất cả thành nước, thấm vào đất hết. Cuộc đói bắt đầu. Có gạo, có sắn, không có muối gắng nuốt vào lại nôn ra. Đầu gối lỏng đến nỗi không bước được nữa.
Đôi mắt anh Sinh chìm vào ký ức.
Tôi nhớ trận càn ác liệt đầu tiên vào Nam Đông, bấy giờ là năm 1960. Ngụy kêu gọi dân vào trại tập trung, dân không theo, chạy hết vào rừng. Chúng càn quét để thị uy. Gặp một gia đình Tà Rần làm chòi trên rẫy, chúng xả súng bắn chết 7 người. Rồi chặt đầu anh Đa, đem về cắm cọc cho ngậm thuốc lá giữa trụ sở Nam Đông, với lời đe dọa: "Đứa nào theo cộng sản thì hãy coi đây!".
Dân vẫn không trở về. Đã vậy phong trào cách mạng miền núi lại bùng dậy. Địch thả chất độc hóa học khai quang rừng, một mặt ngăn chặn quân đội giải phóng tấn công, nhưng chủ yếu, chúng muốn dân không còn chỗ để ẩn nấp, hết sắn, hết bắp, hết chuối, phải quay về. Chưa bao giờ dân Nam Đông đói như thế. Sắn thối đen hết. Không một cây chuối, cây đu đủ nào đứng vững. Hơn 100 người ôm nhau chết đói trong rừng, cả huyện, địch chỉ lùa được 170 người của 4 thôn Ra Ruồi, La Hố, Tà Ràng, Mụ Mắm về trại tập trung Mụ Mắm. Còn tất cả dắt díu, bồng bế nhau đi suốt 4 ngày đường rừng lập làng mới, kháng chiến. Những cây cụt ngọn khô khốc, trắng hếu như những cánh tay giơ lên trời là dấu tích xót đau của một thời đang còn lại.
Chưa hết. Lũ Mỹ Ngụy chưa tha dân Nam Đông. Máy bay u-ti-ti rà khắp các con suối. Thấy lối mòn nào cũng rẽ lá lên tận nơi, thả lựu đạn, bắn cháy từng nóc nhà một. Dân Nam Đông phải vào hang ở. Du kích Nam Đông bắn trúng mấy u-ti-ti vẫn không sầy da. Mãi khi Cu Hanh phục cho máy bay hạ thấp ngang tầm súng mình, anh bắn. U-ti-ti rớt tại chỗ. Một phong trào bắn u-ti-ti bùng lên: "Bắn ngang thân thôi nhé!". Một năm du kích Nam Đông hạ chín chiếc. Từ đó dân Nam Đông mới hết bị săn đuổi. Để bà già, con nít ở một nơi, thanh niên cầm súng trở về làng giữ đất.
Suốt 20 năm chống Mỹ, du kích Nam Đông đã đánh 404 trận ngay trên đất quê hương mình.
Đôi mắt anh Sinh nhìn xa xăm. Anh nói chuyện với tôi mà như độc thoại:
- Cứ nghĩ hình ảnh người dân cầm que nhọn chọc lỗ, tra hạt. Dùng cây A-vin bằng 3 ngón tay làm cỏ rẫy. Cầm cây đèn pin không lý giải được vì sao nó sáng. Thấy chiếc ra-đi-ô, gọi đó là ma. Thấy các cơ quan chỉ huy xa lắc nói chuyện với nhau bằng điện thoại, đứng ngớ người. Chính họ bây giờ có điện. Điện sáng từng căn nhà. Chỉ cần bấm là sáng, bấm là tắt. Vặn ti-vi, thấy người hát, múa, trò chuyện y như chuyện thần thoại. Vậy có phải đã là đổi đời không? Nhiều gia đình miền xuôi lên, chân trong chân ngoài. Từ khi có điện, cho xây nhà, đưa hết người dưới quê lên. Như vậy là một Nam Đông đã định hình. Cậu xem, có đúng là như mơ không. Không dám ước mà có. Với mình thế là leo cao tới tột đỉnh rồi. Từ cái đỉnh này dang cánh lên, bay xa, bay cao nữa mà thôi.
Trong niềm vui hồ hởi, như ngấm hơi men, anh Sinh bốc thật sự. Điều đó cũng có lý thôi. Anh Toản chủ tịch huyện đang còn bàn về chiếc chìa khóa cho Nam Đông. Ấy là con đường nối từ Khe Tre về gặp đường Một ở La Sơn. Đường vừa tạm gọi là hoàn chỉnh thì nhận được quyết định của Trung ương cho Nam Đông điện.
Hai chục năm nay điện ở Thừa Thiên Huế đã tiến một bước thật xa. Năm 1975, giải phóng, Huế tiếp quản nhà máy điện với 9 máy phát đã lỗi thời, hết tuổi. Phải sửa đi sửa lại, cầm cự với bao nhọc nhằn mới đủ điện cấp cho nhà máy vôi Long Thọ, nhà máy nước, bệnh viện. Còn điện sinh hoạt, một đêm mất, một đêm đỏ. Từ khi có điện Hòa Bình vào, sản lượng điện tăng lên đáng mừng. Năm 93: 70 triệu, năm 94: 90 triệu và năm 1995 sẽ là 120 triệu ki-lô-oát giờ. Hàng loạt nhà máy mọc lên, khách sạn mọc lên: nhà máy sợi, nhà máy ximăng, nhà máy đông lạnh, nhà máy bia, rồi Lúc-va-xi, Xăng-tu-ri... điện dùng có thể gọi là thoải mái. Kế hoạch điện khí hóa nông thôn ngày một mở mang cho đến giờ phút này, 60 xã trong số 90 xã của tỉnh đã có điện kéo đến từng nhà. Điện đem một gương mặt mới về với nông thôn xứ Huế. Quyết định đưa điện lên Nam Đông trở thành mũi nhọn đầy hứng khởi của sở Điện lực Thừa Thiên Huế. Thiết kế công trình hoàn chỉnh. Ban A được thành lập. Sở mời Công ty cơ điện trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng làm ban B thi công. Hàng trăm công nhân được rải ra theo tuyến. Một mũi làm từ La Sơn lên. Thi công giữa mùa nắng hạn, thiếu nước, giữa mùa sốt rét hoành hành. Lán trại cứ chuyển dần từng bước theo dấu chân người công nhân. Chỉ 23 cây số thôi, nhưng là 23 cây số núi non đầy hiểm trở. Vật liệu lại nặng nề đến ghê người. 230 cây cột. Cây cột nhẹ nhất cũng một tấn rưỡi. Dùng phương tiện kỹ thuật để vận chuyển dù tốn kém khôn lường. Đành dùng sức người. Cột được đặt ghếch trên hai bánh xe. Cứ thế dùng cơ bắp đưa cột lên từng nấc một. Khó khăn nhất là dựng cột kéo dây qua dốc Ly Hy. Đưa cột lên lưng núi theo dốc tà dương, dưới dùng đòn xeo kích lên. Trên dùng dây tời hợp sức kéo. Ở điểm tà âm, nơi đặt cột là đỉnh ngọn đồi giữa thung lũng hẹp. Chỉ có một cách đặt hệ thống dây tời chuyền qua từng xô cát, từng bao ximăng, từng sọt sỏi để đúc chân cột dựng liền 5 cột thép cho dây vượt đèo.
Những người lãnh đạo chủ chốt của công trình luôn có mặt trên suốt đường dây thi công. Cùng một lúc dựng cột kéo dây, trạm biến thế Nam Đông đồng thời được xây cất. Đúng 6 tháng trời, từ tháng 1.95 đến ngày 19.5.95 hoàn thành. Ngày đóng cầu dao là ngày hội "ánh sáng của Đảng về với dân tộc Ka-Tu". Dân các làng bản kéo nhau về chật thị trấn Nam Đông. Khi tất cả các ngọn đèn cùng bật sáng, tất cả Nam Đông đứng lặng mấy phút, bàng hoàng.
Có lẽ cũng cần nói thêm để thấy quyết tâm lớn của những người thực hiện chương trình. Dự toán công trình là 4 tỷ. Nhưng cho tới tận lúc này, khi điện sáng ở Nam Đông, ngân sách mới rót về 2 tỷ rưỡi. Ban A đang nợ ban B một khoản khá nặng nề. Song cái được lớn lao là trả nghĩa cho một vùng chiến khu, vì cái nghĩa lớn ấy, tất cả đều không tiếc sức mình.
Trong dự toán năm 1996 trung ương sẽ cấp vốn cho kéo điện về xã Hương Sơn và tỉnh sẽ cấp vốn cho kéo điện về xã Hương Hữu. Nghe nói điện về Hương Hữu tôi rất mừng. Không chỉ bởi trên dọc đường dây, Thượng Nhật, Thượng Lộ, Hương Giang, Hương Xuân sẽ được bám vào. Mà vì với Hương Hữu tôi có nặng lòng hơn. Bởi chúng tôi đã sống ở đấy. Ông già tôi thường kể với anh em đã xoè bàn tay nhăn nheo ra trước mặt tôi nói: "Cho bố xin hạt muối để bồi dưỡng" là ở đấy. Ở đấy cũng có 3 cô gái tôi gặp chiều mưa và đêm than hồng với lời khao khát: "ước chi mình được ra ngoài tráng ở, tự do đốt lửa giữa trời. Dẫu có ăn chi cũng được". Vâng, chính nơi đó sắp có điện về.
Tôi gặp các bạn cũ ở ủy ban xã. Tôi hỏi:
- Có nghe điện sắp về Hương Hữu không?
- Có.
- Mừng không?
- Mừng hung.
- Đây là công trình nhà nước và nhân dân cùng làm. Hương Hữu đã bàn sẽ đóng góp thế nào chưa?
- Rồi. Chúng mình đóng góp rồi. - Bí thư xã Hồ Minh Cơ vừa trả lời, vừa đưa cho tôi tập giấy báo cáo thành tích của Hương Hữu trình lên Trung ương đề nghị phong danh hiệu anh hùng. Hương Hữu là xã duy nhất của Nam Đông đã được chính phủ phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang thời kháng chiến chống Mỹ. - Hồ Minh Cơ chỉ cho tôi mấy hàng số - Đó, chúng mình đóng góp rồi đó.
Tôi đọc: "Đã đóng góp cho cách mạng:
- Sắn tươi: 13.469 tấn
- Sắn khô: 6.540 tấn
- Gạo: 2.216 tấn
- Lúa: 8.040 tấn
- Bắp: 3.540 tấn
- Lợn: 2.184 con
- Gà: 15.493 con
- Liệt sĩ: 37 người
- Thương binh: 51 người
- Đi dân công: 31.178 lượt người"
Trước những con số khổng lồ ấy của hơn 100 dân trong xã, tôi không còn biết nói thế nào nữa. Những cái tên làng ở đây: Gây, Con Già, Cha Tang, La Bá, A Ra, Ga Hin, Ư Ràng... đã từng gắn bó với chúng tôi một thời. Bất cứ gia đình nào cũng sẵn sàng ăn củ rừng, nhường rẫy sắn cuối cùng cho bộ đội. Bắn được con thú rừng nào cũng tính cả từng người đơn vị đóng quân trong làng, cộng tất cả, rồi bẻ ngần ấy chiếc lá rừng đặt xuống đất, nhận một phần thịt chia. Chỉ cần lộ một tia sáng, ăn liền cả chục tấn bom, vẫn xông được hàng tấn sắn khô cho chiến dịch.
Năm 1969 chúng tôi về Ka De xây dựng căn cứ tiền phương cho thành đội Huế, chúng tôi ở trong hang Ka De. Ngày ngày đi phát rẫy, trồng sắn, chuẩn bị sẵn lương thực tại chỗ cho quân về. Dân Ka De cũng ở trong hang. Chỉ dăm bảy thanh niên có chiếc áo bộ đội mặc, còn tất cả đóng khố. Lá sắn luộc là thức ăn chính hàng ngày. Thỉnh thoảng rủ nhau vào hang dơi. Hai người khỏe nhất giữ hai cây tre ngoài cửa hang đu qua, đu về, già trẻ vào hang hết, đốt đuốc, gõ chiêng hò hét cho dơi sợ bay ra. Qua cửa bị tre đập rách cánh rơi xuống. Có lần bắt được cả bao tải dơi. Dơi nướng uống với rượu đoác, đó là những ngày vui vẻ nhất cùng hang đá.
Dân Ka Tu cứ vậy đó mà bám đất giữ làng. Như Hương Hữu ngày ấy vây đồn Ba Dàng bằng một triệu ba trăm nghìn mũi chông. Chông thường có, chông thuốc độc có. Ra cổng gặp chông. Địch sợ quá phải bỏ đồn chạy.
Hòa bình. Hương Hữu đã trở về đất làng xưa. Đời sống tinh thần khác hẳn. Nhà nào cũng có máy thu thanh, cát-xét. 1700 dân xã có 17 máy thu hình đen trắng chạy bằng ắc-quy. Ban văn hóa có một đầu vi-đê-ô phục vụ chung toàn xã. Thấy điện về Nam Đông, ai cũng mong điện với tới xã mình. Nhưng lo. Bình quân lương thực quy thóc mỗi người 280 cân một năm. Sẽ lấy gì để đóng góp. Quả là một bài toán khó cho ngành điện.
Tôi dốt kinh tế cũng thấy kẹt. Nhưng cứ nghĩ, để chống địch nống ra, Hương Hữu biết cắm chông quanh đồn, chống địch đi càn, Hương Hữu mở hầm chông, đặt bẫy ba lù làm dừng chân; rồi cắm chông gỗ chống máy bay trực thăng đổ quân; bắn u-ti-ti ngang sườn chấm dứt hẳn uy thế săn lùng của chúng. Chẳng lẽ bây giờ Hương Hữu bó tay. Tại sao Hương Sơn cứ 100 gia đình đã có 85 nhà ngói, đang bình tĩnh đón điện về, chẳng là điều đáng suy nghĩ để Hương Hữu nhận ra mình đó sao?
Giống như Nam Đông thôi. Kéo điện về đó, nói cho đúng mới có 2 đơn vị xứng đáng dùng điện. Một là bệnh viện huyện. Hai là xí nghiệp chế biến gỗ lâm trường. Sẽ phải làm gì nữa đây? Những người có trọng trách và tất cả nhân dân phải tìm ra câu trả lời.
Năm năm Nam Đông tách khỏi huyện Phú Lộc, Nhà nước đã đầu tư cho huyện mới 80 tỷ gấp đúng 13 lần Nam Đông nộp ngân sách trong năm năm. Điều đó chứng tỏ không một ai quên chiến khu của mình.
Đêm nay thức cùng ánh điện mới mẻ giữa rừng, chỉ riêng với ánh điện tôi thấy Nam Đông đã khác, và đang nhập cuộc. Xưa thấy một đống phân nơi rẫy lúa, sợ uế tạp con ma, dân bỏ hoang cả rẫy không thèm đoái hoài. Xưa chặt cây đốt rẫy, nay trồng quế, trồng cao su làm cây chủ lực của rừng. Xưa lấy rừng làm đối tượng tận lực khai thác, nay chia rừng chia đất cùng nhau trông nom...
Xưa dân mong ra giữa bãi tráng đốt lửa tự do. Giờ lại có điện. Nước độc lập rồi, mỗi sự nỗ lực cá nhân đều hòa trong sức mạnh cộng đồng. Điều sẽ tới, chắc phải tới nhanh hay chậm còn ở chính mình.
Anh Tứi nói với tôi: "Mười bảy tuổi tôi vẫn chưa biết thế nào là mặc áo". Như vậy là cởi trần, đóng khố. Rồi anh vào du kích, đánh Mỹ. Bây giờ anh là bí thư huyện ủy Nam Đông. Cũng như vậy, cây gậy chọc lỗ bỏ hạt xưa, khi giặc đến, cắm ngược nó lên thành cây chông. Dáng cây chông vụt lớn, bây giờ thành cột điện chuyển tải ánh sáng về miền rừng núi hẻo lánh này.
Nam Đông có điện như chợt thức, vươn vai đứng dậy. Phía trước còn lắm gian truân. Nhưng đã lường trước được rồi, không như hồi cầm súng đánh Mỹ, lạ hoắc. Xưa và nay đã rõ ràng, giống như chân trời đã thấy. Vâng, Nam Đông trong tôi là như vậy đó.
1.96
N.Q.H
(TCSH84/02-1996)