1. Khái quát về địa danh học. 1.1. Địa danh là tên gọi của địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ nào đó. Do đó, địa danh là đối tượng quan tâm của nhiều lĩnh vực khoa học như lịch sử, địa lý, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học... Song, địa danh, xét về bản chất cấu tạo, là một đơn vị từ ngữ, có chức năng định danh sự vật, do đó, địa danh là một bộ phận của từ vựng và vì vậy, trước hết, là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học. Nếu xem xét địa danh trong mối quan hệ với các bộ môn của ngôn ngữ học, ta thấy, địa danh không chỉ là đối tượng của từ vựng học mà còn là tài liệu nghiên cứu của ngữ âm học. Bởi vì địa danh được cấu tạo bởi những đơn vị ngữ âm, chịu sự tác động của các quy luật ngữ âm. Nhiều địa danh tiếng Việt ngày nay là kết quả của quá trình biến đổi cách phát âm các địa danh trước đây như: xóm Chỉ ( trước đây là xóm Trĩ), Bà Môn ( trước đây là Bàu Môn) ở thành phố. Hồ Chí Minh; Nam Ô ( trước đây là Năm Ổ) ở Đà Nẵng... Địa danh còn là tài liệu nghiên cứu của ngữ pháp học, vì địa danh là những danh từ, danh ngữ tuân theo những phương thức cấu tạo từ, ngữ của tiếng Việt... Chẳng hạn, những địa danh được cấu tạo theo các mô hình ( động từ + tính từ: cầu Đúc Nhỏ, danh từ + số từ: khu Ngã Bảy, Ngã Sáu, danh từ + tính từ: cầu Mũi Lớn, rạch Cầu Đen, danh từ + danh ngữ: cầu Giồng Ông Tố, rạch Tắt Mương Lớn, danh ngữ + tính từ: khu Cây Da Còm, rạch Cầu Chông Nhỏ...) Địa danh cũng là đối tượng nghiên cứu của phương ngữ học. Bởi vì nó là sản phẩm do người bản địa tạo ra, gắn chặt với lời ăn tiếng nói của từng vùng, từng địa phương. Trong các địa danh tiếng Việt, ta có thể gặp các từ địa phương như: Cù Lao Chuông, hồ Ba Kiểng, động Sai, sông Chắt Chắt (ở Quảng Trị), rõng Nước Ngọt, ngoẹo Giằng Xay, Bùng binh Trường Tiền ( ở Huế), đồng Cây Hợp, rậy Ông Cáp, rào Ba Đa, bàu Chẹp, rú Cấm, đồng Troọt, đồng Trữa ( ở Đồng Hới)... Đặc biệt, địa danh còn là tư liệu đáng quan tâm của ngôn ngữ học lịch sử. Bởi vì một địa danh ra đời trong một thời điểm lịch sử nhất định. Địa danh đã trở thành “ vật hóa thạch”, một “ đài kỷ niệm” và là “ tấm bia” bằng ngôn ngữ học độc đáo về thời đại mà nó ra đời. Chẳng hạn, tên gọi “ Chợ Lớn” ra đời vào đầu thế kỷ 19 gắn liền với sự phát triển về thương mại của một khu phố thị sầm uất nhất vùng Nam Bộ lúc bấy giờ, tên gọi “ Lũy Thầy” ở Đồng Hới (Quảng Bình) ra đời trong thời điểm lịch sử diễn ra cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn, “ huynh đệ tương tàn” thế kỷ 17, 18 và gắn liền với tên tuổi của vị quan của Chúa Nguyễn là Đào Duy Từ, người đã thiết kế nên thành lũy này. 1.2. Vì lẽ đó, địa danh học thực sự là một ngành của ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu ý nghĩa, nguồn gốc, và những biến đổi của địa danh. Ngoài ra, địa danh học còn nghiên cứu cấu tạo của địa danh, đặc điểm của địa danh, các phương thức đặt địa danh. Địa danh học còn được phân loại thành các phần nhỏ như thủy danh học ( chuyên nghiên cứu tên sông suối rạch...), sơn danh học ( chuyên nghiên cứu các tên đồi, núi, đèo, dốc...), phương danh học ( chuyên nghiên cứu các tên làng, vùng, xóm, bản...) phố danh học ( chuyên nghiên cứu các tên đường, phố, quảng trường...) Với đối tượng và nội dung nghiên cứu như trên, rõ ràng, địa danh học là một lĩnh vực nghiên cứu khá phức tạp, đòi hỏi người nghiên cứu địa danh cần phải xác định điểm xuất phát một cách nhất quán và những tri thức cần thiết của các lĩnh vực nghiên cứu khác phục vụ cho việc nghiên cứu địa danh. 2. Sơ lược tình hình nghiên cứu địa danh ở các tỉnh Trung Trung Bộ: 2.1. Nếu kể cả những công trình nghiên cứu văn hóa, địa lý, lịch sử có đề cập đến các địa danh ở các tỉnh Trung Trung Bộ thì xưa nhất phải kể đến “ Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đời Mạc chép về sông núi, thành trì, phong tục của xứ Thuận Quảng, từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Kế đến là “ Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn tập hợp những tài liệu về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa trong thời gian làm đô đốc xứ Thuận Hóa cuối thế kỷ 18. Ngoài ra, các công trình về địa lý, lịch sử như “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên... cũng rải rác có đề cập đến các địa danh ở Trung Trung Bộ. Đầu thế kỷ 20, đặc biệt từ sau 1945 đến nay, đã có nhiều công trình, bài báo liên quan đến các địa danh Trung Trung Bộ. Các công trình “Quảng Nam, địa lý, nhân vật, lịch sử” của Lâm Quang Thự, “Quảng Nam, đất nước và nhân vật”, “Biến đổi địa danh ở vùng Quảng Nam- Đà Nẵng” của Võ Hoàng... có đề cập đến các địa danh ở Quảng Nam- Đà Nẳng. Các bài báo “Tìm hiểu về tên đất thành phố Huế” của Thanh Tâm, “Việc đặt tên đường ở Huế” của Trương Thị Cúc và Nguyễn Xuân Hoa, “ Địa danh thành phố Huế” của Trần Thanh Tâm... đã đề cập đến các địa danh ở Thừa Thiên- Huế. Các công trình “Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị”, “Địa chí Quảng Trị”, “Ngày xuân đi tìm gốc tích những ngôi làng” của Anh Thi... đã đề cập đến các địa danh ở Quảng Trị. Các công trình, bài báo “Đồng Hới những sự kiện lịch sử” của Nguyễn Tú, “Non nước Quảng Bình”, “Tản mạn qua thị xã Đồng Hới” của Lại Văn Ly và Phan Xuân Thiết... đã đề cập đến một số địa danh ở Quảng Bình. Đặc biệt, các chuyên khảo “ Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh, “ Đi thăm đất nước” của Hoàng Đạo Thúy, “ Đất nước ta”... cũng đã rải rác có đề cập đến một số địa danh thuộc các tỉnh Trung Trung bộ. Gần đây nhất, công trình “Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung bộ” do tập thể các tác giả ở Huế biên soạn để giới thiệu trên 70 địa danh từ Quảng Bình đến Quảng . 2.2. Nếu xem xét nội dung trình bày các địa danh trong các tài liệu nêu trên, ta có thể thấy (ngoại trừ những trường hợp chỉ nhắc đến địa danh) có hai hướng nghiên cứu trình bày các địa danh. - Hướng thứ nhất: Thiên về lịch sử, trình bày lịch sử hình thành, biến đổi của một vùng đất (địa danh hành chính chẳng hạn), những biến cố lịch sử diễn ra tại một vùng đất. - Hướng thứ hai: thiên về giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, chỉ chọn lựa, giới thiệu một sự kiện lịch sử điển hình, một nét địa hình đặc trưng, hoặc một chi tiết có giá trị văn hóa của địa danh. Hướng thứ nhất ta thường thấy trong khi trình bày các địa danh hành chính. Hướng thứ hai ta thường gặp đối với các loại địa danh chỉ địa hình thiên nhiên hoặc địa danh chỉ công trình xây dựng. Rõ ràng việc giới thiệu địa danh trong các tài liệu từ trước đến nay chưa xuất phát từ mục đích địa danh học. Các địa danh được nêu ra chỉ là phương tiện cho việc nghiên cứu địa lý, lịch sử, văn hóa của một vùng đất. Với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu của ngôn ngữ học, địa danh học phải nghiên cứu địa danh theo quan điểm của ngôn ngữ học, nghĩa là phải nghiên cứu cả đặc điểm cấu tạo của địa danh, các phương thức đặt địa danh lẫn ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh. Có nghiên cứu một cách toàn diện như thế, địa danh học mới thực sự là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hấp dẫn, thú vị, đem lại nhiều lợi ích thiết thực đối với nhiều ngành khoa học khác 2.3. Để việc nghiên cứu địa danh đạt kết quả chính xác, tránh được những nhầm lẫn, chủ quan, khi nghiên cứu nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh, cần quan tâm đến các điều kiện sau: a) Các biến cố lịch sử- nhất là các biến cố quan trọng- đã để lại dấu ấn khá rõ trong địa danh. Chẳng hạn, sau 1975, ở các thành phố, thị xã thuộc các tỉnh phía Nam, nhiều tên đường phố, tên các địa danh hành chính được thay đổi, như tên đường 30-4, đường Giải phóng, đường Lê Duẩn... Do vậy người nghiên cứu địa danh phải am hiểu lịch sử của địa bàn nghiên cứu. Popov đã lưu ý các nhà nghiên cứu địa danh rằng bất cứ sự giải thích theo định kiến nào, không căn cứ vào các sự kiện thường rơi vào sai lầm. b) Nhà nghiên cứu Murzaev đã nói rằng trong những điều kiện như nhau hoặc gần giống nhau về địa hình, thường lặp lại những địa danh như nhau, kiểu như Xóm Đá, Cầu Dài, Cồn Mồ... ta thường thấy ở nhiều vùng đất khác nhau. Do đó khi nghiên cứu địa danh cũng cần phải nắm vững địa bàn nơi mình nghiên cứu để có thể giải thích tại sao ở chỗ này có nhiều địa danh mang các từ chỉ địa hình này, chỗ kia có nhiều địa danh mang các từ chỉ địa hình kia. Chẳng hạn, ở Đồng Hới thường có các địa danh: đồng Bàu Ốc, đồng Bàu Đĩa, đồng Bàu Đưng, đồng Bàu Nậy, đồng Bàu Rèng... Ở Đông Hà ta cũng gặp các địa danh: đồng Bàu Son, đồng Bàu họ Lê, đồng Bàu Kẻng... và các địa danh xóm Bàu Đưng, xóm Bàu Bưng, xóm Bàu Đôi... c) Nghiên cứu các địa danh, ta thấy nhiều địa danh được tạo ra từ chất liệu các phương ngữ. Do vậy cần nắm hiểu các đặc điểm về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của phương ngữ tại địa bàn. Chẳng hạn, địa bàn Đồng Hới có các yếu tố địa phương: bàu, hói, rào, chẹp, nậy... Địa danh ở Đồng Hà có các yếu tố địa phương như: léc, lộng, rớ, truông, sại, rạc, trẹc... d) Để nghiên cứu, giải thích ý nghĩa của địa danh, cũng không nên chỉ căn cứ vào hình thức ngữ âm và chính tả hiện hành mà cần phải cố gắng để tìm hiểu các hình thức cổ của địa danh. Bởi vì, địa danh cũng là một từ ngữ như các từ ngữ khác cũng chịu sự tác động của các quy luật ngữ âm. Do đó một số địa danh ra đời từ xa xưa, đã biến đổi qua nhiều hình thức ngữ âm khác nhau. Chẳng hạn, địa danh “Đồng Hới” được giải thích bắt nguồn từ cách phát âm cổ là “Động Hải” hoặc “Đồng Hời”, địa danh “Đà Nẵng” bắt nguồn từ “YaNan”, địa danh “Lăng Cô” bắt nguồn từ “Lăn Co” hoặc “An Cư”... Tóm lại, việc nghiên cứu, giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh cần phải được khảo sát một cách toàn diện và thận trọng. Đây là công việc tuy hấp dẫn, thú vị nhưng vô cùng phức tạp, vì địa danh học tuy là một bộ phận của ngôn ngữ học nhưng lại gắn chặt với những tri thức về lịch sử và văn hóa học, vì địa danh là “tấm bia” bằng ngôn ngữ độc đáo về thời đại mà nó chào đời. HOÀNG TẤT THẮNG (nguồn: TCSH, 1.1999) -------------- TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH 1. Đào Duy Anh - “Đất nước Việt qua các đời” Nxb.KHXH Hà Nội.1964. 2. Lê Trung Hoa - “Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh” Nxb. KHXH Hà Nội. 1991. 3. Thái Nhân Hòa - “Quảng Đà Nẵng, xưa và nay” Nxb Đà Nẵng 1996. 4. Nhiều tác giả “Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung Trung bộ” Nxb Giáo dục 1997. 5. Thanh Tâm - “Tìm hiểu địa danh thành phố Huế”. Sông Hương, 6-1996. 6. Dương Thị The, Phạm Thị Thoa ( dịch và biên soạn) - “Tên làng xã Việt đầu thế kỷ XIX” Nxb KHXH, Hà Nội 1981. 7. Lâm Quang Thự - “Quảng Nam- địa lý, nhân vật, lịch sử” Nxb Thuận Hóa 1995. 8. Nguyễn Tú - “Non nước Quảng Bình”. Nhật Lệ, 6-1991. |