Những nẻo đường đất nước
Về Phú Vang sau lũ
15:15 | 01/11/2009
DƯƠNG PHƯỚC THUChỉ hai ngày sau khi nước rút, tôi lại chạy về huyện Phú Vang. Nắng vàng sau lụt, vào tiết lập Đông oi nồng như đổ lửa. Con đường nhựa từ Huế về biển Thuận An bị bùn, đất, cát phủ dầy hàng gang tấc có đoạn lên cao cả thước, xe chạy người chạy vội vã cuốn bụi tung mù trời, hai bên lề đường ngấm nước lũ được đánh dấu bằng rác rều cỏ cây đeo bám vật vờ cao qúa đầu người. Mùi bùn non, rong rêu, xác chết gia súc gia cầm tấp vào, mùi ủng mục của lúa gạo ngấm nước bạc bốc lên tanh hôi khó chịu.
Về Phú Vang sau lũ

Trên đường, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt khắc khổ, ngơ ngác đến bàng hoàng như người ở trần gian khác đang lặng lẽ rải những bao lúa đã lên mộng ra mặt đường để phơi, hy vọng thu lại chút cháo hồ thành quả sau vụ mùa bội thu vừa rồi. Những vòng khăn tang lấm bùn trên gương mặt những đứa trẻ chưa biết đau thương là gì đang lặng lẽ rũ từng trang chữ ra hong phơi. Những người đàn ông mình trần đen sạm chỉ bận độc chiếc quần đùi, vấn trên đầu vòng tang oan nghiệt đang tìm nhặt những gì còn lại có thể vực lên một túp lều tạm cho con trẻ ẩn mình, và lấy chỗ che vong linh hương hồn người thân vừa quá cố... Lúc chúng tôi đến huyện, Phú Vang vừa đưa xong tang cho người thứ 87. Ông La Đình Mão Chủ tịch ủy ban nghẹn ngào xòe hai bàn tay, lắc đầu: " Tài sản, công sức hàng chục năm của nhân dân vùng trũng coi như trắng. Người chết, bị thương, nhà trôi, nhà sập, nhà ngập trong nước, rồi điện, đường, trường, trạm, thuyền bè, lưới cụ, đê điều¸ giống má, trâu bò, lợn gà, các công trình văn hóa, mồ mả tổ tiên... tổn thất hư hại nhiều nhiều vô kể"... Tiễn chúng tôi ra cửa để đi xuống xã, ông Mão còn nói thêm như sợ chúng tôi quên: " Các anh nhớ ghé vào đồn biên phòng cảng nghe. Nếu không có những người lính hành động anh hùng quả cảm ấy, chắc chắn trận lụt này dân vùng Thuận An đã bị nước cuốn trôi đến hàng ngàn người"...

Trận lụt thế kỷ này Phú Vang là huyện bị thiệt hại nặng nhất, vùng Thuận An là nơi tổn thất nặng nề nhất của Phú Vang, mà hậu quả để lại không biết bao giờ mới khôi phục được một phần như xưa. Về Thuận An, trước khi ghé thăm lính biên phòng chúng tôi chạy băng ra biển, nơi vừa bị lũ mở thêm một cửa mới. Chỗ này cách độ một tuần, phía ngoài là bãi tắm sạch, điểm nghỉ ngơi lý tưởng cuối ngày cuối tuần của người dân địa phương và du khách từ Huế xuống, bên trong là Eo Bầu tạo thành vịnh nhỏ nơi neo tàu của Hải đội 2 biên phòng, chỗ tránh mưa bão khá an toàn của thuyền bè ngư dân đầm phá. Vậy mà chỉ sau một đêm mưa lũ đầy trời, con nước cương cường phóng thẳng về phá vỡ Eo Bầu cuốn phăng tất cả: mở ra một cửa biển mới lấy tên làng Hòa Duân. Cửa Hòa Duân dài 1000 mét, rộng gần 100 mét, chỗ sâu nhất đo được 8 mét. Cửa biển mới này cắt đứt Quốc lộ 49 B có nghĩa là cắt đứt con đường bộ huyết mạch nối trung tâm tỉnh lỵ với các xã vùng xa của Phú Vang và khu III của huyện Phú Lộc. Từ đây người dân miền cát này lại vò võ trông ngóng, không biết đến bao lâu nữa ô tô mới chạy về được vùng văn hóa Thúy Vân, Linh Thái, Tư Hiền, về với căn cứ địa kháng chiến cách mạng. Và hiển nhiên dòng chảy cửa biển mới sẽ làm thay đổi luồng lạch, bồi lắng gây trở ngại và nguy hiểm không thể lường trước của những con tàu vào ra cảng Thuận An làm thay đổi hệ sinh thái nước lợ đầm phá.

Nhìn những con sóng bạc rượt đuổi nhau chạy tràn vào lòng phá, tôi nói với nhà văn Quang Hà cùng nhà thơ Khắc Thạch đang bậm chân vào cát ở cửa mới: " Bên kia là đường cơ giới về quê nhà văn Hồng Nhu. Mảnh đất nghèo linh thiêng nhưng rất cách mạng ấy cũng là quê ông Nguyễn Chí Vu, ông Trần Xuân Giá, và bao người khác. Vậy là..." Cũng tại cửa Hòa Duân, nước lũ hung dữ đã cuốn trôi 64 ngôi nhà, làm chết 14 người: trong đó có hai chiến sĩ Hải đội 2 biên phòng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu dân. Liệt sĩ Phạm Văn Điền, liệt sĩ Lê Đình Tư, gia đình ông Trần Văn Cử 59 tuổi chết cả 12 người. Ngôi nhà gia đình ông Cử trú nằm ở vị trí khá cao, khi nước rút chúng tôi đến nơi ngôi nhà chỉ còn lại một dầm sắt cong queo vùi trong cát, chính cát đã giữ lại với đất liền một thân xác trẻ nhỏ duy nhất của gia đình ông. Chúng tôi cúi mình thắp những nén hương cắm sâu trong cát, đứng im vọng ra biển! Nơi ấy bây giờ chân hương mỗi ngày mọc dầy thêm như cỏ tranh do nhân dân cùng những người lính đến viếng đồng đội đồng bào cắm xuống cầu nguyện. Ngoài kia biển vẫn xanh dịu hiền và bí hiểm... Chúng tôi đi lên phía làng  Hải Thành nơi tiếp giáp với cửa Hòa Duân. Sóng lũ cuồn cuộn về đây đánh bật những khu lặng mộ họ Lê, phá vỡ bình phong, nền móng, tường rào nhà thờ họ Đào, xóa mất con đường bê tông chạy vòng quanh làng để lại những hang hốc sâu hoắm. Một cụ già giữ nhà thờ họ Đào vừa thoát chết, thốt lên với chúng tôi: " Trận đại hồng thủy này quá dữ dội, không có trong phổ ký họ chúng tôi vài trăm năm trở lại"...


(Nhà bạt Công an tỉnh cấp cho dân - Ảnh: Đào Hoa Nữ)


Chúng tôi vào thăm đồn 220. Trung tá Vũ Văn Uy, Đồn phó Chính trị quê ở Thái Bình thuật lại: " Trong đêm mưa gió mù trời, nước lũ dâng cao và nhanh chưa từng thấy, đơn vị bị mất liên lạc, chúng tôi phải dùng cả pháo lệnh bắn liên tục để xác định mục tiêu cứu dân. Đơn vị huy động hết 40 cán bộ chiến sĩ lao vào mưa lũ, cùng với chính quyền địa phương đưa 70 người ở khu vực cửa mở cứu thoát 50 người đang trôi dạt trên gọ vào bờ. Sang ngày hôm sau cùng với công an khu vực Hải Thành dùng dây giăng quanh gốc thông già, thả thuyền nhôm áp sát vào dây, trườn ra khu vực dân đang mắc kẹt ở cách xa bờ khoảng 300 mét trên một ngôi nhà, lúc ấy chỉ còn lại đỉnh mái giữa cửa mở, cứu được 45 người. Đây là sáng kiến kịp thời và lòng dũng cảm không sợ chết của hai anh Trần Nghi Hà, Trần Văn Nam thanh niên làng Hải Thành. Khi đưa được người cuối cùng vào bờ thì đúng lúc lũ cuốn trôi ngôi nhà kiên cố đó. Đồn 220 còn vận động300 bà con chủ yếu người già, trẻ nhỏ và các gia đình bị mất nhà đưa lên đồn trú ẩn. Trong suốt thời gian mưa lũ, đơn vị đã tổ chức lo ăn cho gần 400 người, với phương châm " Quân ăn gì- Dân ăn nấy". Lúc chúng tôi vào đồn, đơn vị vừa giao trả lại 22 con trâu 7 con bò vớt được cho dân bên kia bờ phá, cùng 2 xe máy và một số đồ dùng ngư cụ khác. Bàn giao 14 đối tượng vừa tạm giữ, người từ phường Phú Bình Huế dùng 4 thuyền máy xuống Thuận An lặn, vớt tài sản của dân cho công an tỉnh xử lý. Tại trụ sở ủy ban Thị trấn Thuận An, anh Nguyễn Vĩnh Kiên, chủ tịch, bơ phờ vì thiếu ngủ đang chủ trì cuộc họp khẩn với các trưởng thôn. Khi làm việc với chúng tôi, anh cứ bóp đầu suy tư mãi để mong tìm ra một câu thật hay để nói về tấm lòng biết ơn của người dân Thuận An với các chiến sĩ đồn biên phòng cảng. Rồi anh quay lại hỏi chúng tôi: " Các anh có biết chuyện thị trấn Thuận An phải " cứu đói" cho đồn biên phòng chưa? Hẳn chưa chứ: đơn giản là dân chúng tôi trong mấy ngày chạy lũ đã ăn hết những gì có thể ăn được của đồn này".

Anh Kiên khàn giọng kể: So với Huế, lũ về đây chậm nửa ngày. Chính vì vậy mà dân Tân Cảng, Tân Mỹ, cả công nhân cảng ở Phú Tân lại chủ quan. Đến 2 giờ chiều 2- 11, dân ở đây vẫn không chịu sơ tán. Họ cho rằng lũ không bao giờ đến đây được. Nhưng họ đã nhầm, chỉ khoảng giờ sau nước đã dâng cao cả mét, cắt đứt mọi liên lạc, nhưng họ vẫn yên chí đóng cửa cố thủ trong nhà. Tình hình ấy, đồn biên phòng cảng do thiếu tá Nguyễn Tiến Hóa, đồn phó chỉ huy, cùng thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Hồng Hải, thiếu úy Hoàng Hải Quân lái bo bo đến từng nhà yêu cầu bà con sơ tán gấp. Một vài gia đình nghèo ở thấp đã theo các anh ngay từ lúc đầu, một vài nhà ở cao thì cười, còn đa số cố thủ trong nhà vì sợ trôi của cải mà họ đã chắt bóp cả đời người. Mưa mỗi lúc một lớn, gió thổi mạnh, nước dâng nhanh lại chảy rất xiết. Thoáng chốc cả vùng Thuận An ngạp băng dưới lũ, trời tối đen như hủ nút, rét lạnh đã ngấm sâu vào người. Cùng lúc ấy các anh nghe tiếng kêu cứu gần như đồng loạt, tiếng đập soong nồi báo hiệu. Trong cơn nguy đến cái chết, tiếng kêu cứu nghe như dao cắt xé ruột của đồng loại, và chiếc bo bo lao đi trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ắc quy dưới luồng nước xiết. Các anh phải đến từng nhà, có nhiều nhà phải dỡ ngói, phá cửa mới kéo được người ra. Dù khẩn cấp nhưng chiếc bo bo cũng chỉ chở được mỗi chuyến từ 10- 12 người, phải tuyệt đối an toàn để giữ mình mới có cơ cứu được hết dân. Đến gần 3 giờ sáng 3- 11, các anh Hóa, Hải, Quân vừa đói, lạnh, vừa quá mệt nên phải thay ca. Đồn trưởng Nguyễn Xuân Vị chỉ huy, chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn lái bo bo thay phiên lao đi trong sức gầm mưa lũ. Cứ đi, về từng chuyến, đến sáng thì các anh đã cứu thoát và đưa về đồn trú 530 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, người già. Những người thoát lũ bình tĩnh hơn khi họ đứng trên điểm cao của đồn nhìn ra tứ bề, người ta chỉ thấy nước và nước bạc đã phủ kín nóc nhà của họ... Với gần 600 người tránh lũ đói rét, suốt trong hai ngày một đêm, ăn uống sinh hoạt như vậy thì có nước cũng không đủ chứ chưa nói đến lương thực. Các anh ấy cũng đói rét như dân chạy lụt vậy.

Anh Kiên kết luận: "Tập thể ấy, những người lính ấy thật xứng danh anh hùng! Tôi cứ nghĩ, nếu như đêm ấy không có họ, hoặc giả trễ nãi, thì..."

Khi gặp thiếu tá Nguyễn Tiến Hóa ở trước cổng đồn, tôi hỏi anh: " Tất cả cán bộ chiến sĩ cứu dân đêm ấy họ đều là đảng viên chứ?" Hóa lắc đầu- Không, còn Quân và Tuấn hiện là đoàn viên ưu tú, các anh đã qua lớp bồi dưỡng đối tượng rồi.

Một người dân đang nạo vét bùn gần đấy nghe được câu chuyện của tôi với Hóa, ông ngừng tay nói ngang: "Nhà báo hỏi răng lạ. Đảng viên, đoàn viên không cần biết, với tôi và cả dân vùng này, các anh ấy đều là những người Cộng Sản!"

Đứng trước ủy ban nhìn ra, tôi như thấy được tấm lòng của nhân dân cả nước đang hướng về Thuận An qua những chuyến hàng cứu trợ. Không chỉ có lương thực, áo quần, tiền bạc, mà lớn hơn sâu thẳm hơn là nghĩa tình nhân ái, trách nhiệm cộng đồng đùm bọc lấy nhau vượt qua cơn hoạn nạn của cả dân tộc này.

Ngoài kia biển vẫn xanh, mây trời vẫn vần vũ, mất mát đau thương đói khổ còn đó, nhưng lòng người Thuận An qua cơn thoát lũ đã phần nào thấy ấm hơn.

Huế 13-11
D.P.T 
(130/12-1999)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cho nghìn sau (10/06/2009)