Những nẻo đường đất nước
Thấy gì sau một truyền thuyết về Tản Viên
17:27 | 05/11/2009
NGUYỄN HỮU NHÀNTương truyền đức Thánh Mẫu (mẹ Thánh Tản Viên) là người làng Yên Sơn. Chồng bà là người vùng biển. Họ dựng nhà, sống ở ngay dưới chân núi Thụ Tinh ngày nay gọi chệch là núi Thu Tinh. Một lần bà đi qua đồng Móng làng Tất Thắng ướm chân vào hòn đá to rồi về thụ thai ba năm mới sinh nở. Vì thế khi đang bụng mang dạ chửa bà đã bị dân làng đồn đại tiếng xấu về sự chửa hoang. Chồng bà nghi ngờ rồi bỏ vợ, về quê ở miền biển sinh sống.
Thấy gì sau một truyền thuyết về Tản Viên
Đền Thính - Miếu thờ Đức Thánh Tản Viên - thanhtanvien.com

Vì không chịu được lời qua tiếng lại bà bỏ đi về phía núi Ba Vì. Bà dừng chân nghỉ lại bên gốc ruối đại thụ ở bãi Vai Chát làng Tất Thắng. Già làng ra mời tha thiết nhưng bà từ chối không ở lại làng. Dân làng bèn nắm cơm, gói theo ba con cá thiểu nướng, cử mấy người đi theo hầu hạ bà.

Ra đến bờ sông Đà bà bảo dân làng quay về. Bà đi đến động Lăng Xương làng Trung Nghĩa thì trở dạ sinh thánh Tản Viên. Ngày nay ở động Lăng Xương có đền thờ nơi Tản Viên ra đời là vì vậy.

Cánh đồng Móng nơi hòn đá to có in dấu chân người cũng được dân làng Tất Thắng xưa dựng miếu thờ Thánh Mẫu.

Tương truyền một lần vào ngày mồng 8 tháng giêng, thánh Tản Viên cùng quân lính đi đánh giặc có qua làng Tất Thắng. Người dừng chân ở bãi Vai Chát, nơi khi xưa Thánh Mẫu đã nghỉ chân trên đường từ núi Thu Tinh về động Lăng Xương.

Thánh Tản Viên sai trưởng lão gọi dân làng ra Vai Chát cùng người và quân lính mở hội cồng chiêng. Người sai dân làng bắt gà sống mổ luộc để xem tiết và chân dò chọn giờ tốt xuất quân.

Lại một lần vào ngày 12 tháng 6 âm lịch, sau khi đánh thắng giặc Thục, Tản Viên đã đưa quân về Tất Thắng mở hội khao quân.

Các ngày tiệc lớn của làng Tất Thắng hàng năm đều liên quan đến thánh Tản Viên: ngày 8 Tết mở hội tiệc cồng chiêng ở bãi Vai Chát. Ở đây lập ba bàn thờ lộ thiên để cúng Tản Viên, Thánh Mẫu và các vị thần hoàng khác được thờ ở tả, hữu hạ ban đình làng. Cỗ cúng ngoài xôi gà rượu chè hương hoa còn phải có một đĩa to cơm nén (cơm nắm) và ba con cá thiểu để tưởng nhớ đến việc dân làng xưa đưa Thánh Mẫu ra động Lăng Xương. Ngày tiệc còn có tục vào xóm đuổi bắt gà mổ cúng rồi ông từ và dân làng xem chân dò xem tiết đoán vận may rủi trong năm ở làng mình.

Ngày 12 tháng 6 âm lịch hàng năm làng mở lễ hội ở đình làng để cầu tế Tản Viên, gọi là tiệc khao quân. Tiệc 12 tháng 11 ta hàng năm ở đình là lễ hội tưởng niệm ngày hóa của Thánh.

Hầu hết các làng Mường ở vùng này đều dựng đình miếu thờ Tản Viên.

Tản Viên vừa là bộ tướng của Hùng Vương vừa là con rể vua Hùng. Người là kết tinh sức mạnh tinh thần của người Lạc Việt, khi hóa được dân tôn Thánh, linh ứng vào hồn thiêng sông núi trở thành thần Sơn Tinh, vị thần ngự trên núi Ba Vì, ngọn núi chủ cao nhất trong vùng, vì thế khắp các nơi: Sơn Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có đến hơn trăm làng làm đình miếu thờ Tản Viên.

Thanh Sơn, đất Mường là vùng đất bản bộ thời các vua Hùng. Người Mường sau này một bộ phận thành người Kinh đều một gốc Lạc Việt (khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, lịch sử v.v... đã chứng minh điều này) chính họ là chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Họ là lạc dân trồng lúa trên các ruộng nước. Họ làm nên văn minh sông Hồng. Người Mường Phú Thọ ở trên vùng đất phát tích các vua Hùng, nơi Vua Hùng, một thủ lĩnh liên minh các bộ lạc người Lạc Việt lập ra một  nhà nước sơ khai. Vùng đất Thanh Sơn là cửa ngõ canh giữ phía Tây nơi có người Âu Việt, mà cổ sử Trung Quốc gọi là nước Tây Âu do Thục Phán làm thủ lĩnh thường xuyên đem quân xâm lấn để kết cục Vua Hùng phải nghe lời Tản Viên nhường ngôi cho Thục Phán để sáp nhập hai nước Lạc Việt, Âu Việt thành ra nước Âu Lạc mở đầu trang chính sử của nước nhà.

Cuộc chiến tranh Hùng Thục ắt hẳn đã diễn ra lâu dài trong thời huyền sử. Trong cuộc chiến giữ làng giữ nước ấy đã nổi lên những vị anh hùng dân tộc, những thần tượng của cộng đồng. Tản Viên là hình tượng được cả cộng đồng xây dựng lên có cốt lõi thật của lịch sử, được tô vẽ thần thoại hóa trở thành thần thánh để tôn thờ. Vì thế Tản Viên là đại diện cho sức mạnh, sự cao cả, là hiện thân cho tài trí của cả dân tộc. Người là con trời được đầu thai khi Thánh Mẫu ướm chân vào hòn đá. Người được hồn sông núi kết tinh mà thành. Tuy thế người cũng có cha. Cha là người vùng biển, mẹ là người trên núi. Đó là sự kết hợp của hai loài rồng, tiên, sự kết hợp của âm và dương mà cả dân tộc ta đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ cũng cha ở biển mẹ ở rừng. Giống nòi ấy có âm có dương, biểu hiện cho sự phát triển mạnh mẽ của một dân tộc. Tản Viên hay Sơn Tinh làm thành một cặp đối lập với Thủy Tinh, đó là sự xung khắc giữa thủy và thổ. Có cả tương khắc lẫn tương sinh, nhắc nhở con người phải đấu tranh vươn lên không ngừng trong cuộc sống. Sơn Tinh Thủy Tinh cho ta thấy cuộc vật lộn chống thiên tai thủy hại của cư dân Lạc Việt xưa.

Tản Viên cũng là con người rất người, cũng yêu và lấy công chúa Ngọc Hoa làm vợ. Đó là tình yêu mạnh mẽ, quyết liệt phải trả giá bằng các cuộc đánh nhau với Thủy Tinh để bảo vệ giữ gìn tình yêu của mình. Người cũng vui chơi hội hè, hòa tấu cồng chiêng, ném còn, hát ví hát rang với nhân dân. Người tin vào lý số, biết thuật xem chân dò. Khi thắng trận thì mừng vui cho mở hội khao quân.

Tản Viên là con người vì nước mà đánh giặc. Không ham hố quyền lực danh vọng, là người sáng suốt, biết thời biết thế. Xin vua cho về núi Tản vui thú điền viên cùng vợ. Khuyên vua cha nhường ngôi cho Thục Phán để tránh cho nhân dân cái họa đầu rơi máu chảy. Âu Lạc hợp vào một mối đủ sức mạnh chống lại các cuộc xâm lược của các thế lực ngoại tộc.

Ở Tản Viên đã tập trung mọi sức mạnh, mọi ý chí, mọi tình cảm mọi quan niệm của dân tộc Việt Nam. Vùng  đất Mường Thanh Sơn, nơi sinh ra Tản Viên hẳn là vùng đất từng diễn ra nhiều biến cố ớ thời dựng nước của các vua Hùng.

Truyền thuyết ở Tất Thắng cũng như ở nhiều làng khác trong vùng về thánh Tản Viên, một trong tứ bất tử của tâm linh tâm thức Việt Nam, hẳn còn trầm tích nhiều tầng văn hóa cho ta suy ngẫm về thời mở nước của cha ông mình.

N.H.N
(128/10-99)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng