Những nẻo đường đất nước
Về cội nguồn
10:28 | 09/04/2010
NGUYỄN HỮU NHÀN                     Ghi chép Ngày nay đồng bào cả nước nô nức về Phú Thọ để tưởng niệm Vua Hùng. Theo sử sách cổ của Trung Hoa thì ông Vua Hùng chính là người Lạc Việt có nhiều pháp thuật, quyền năng phục được các bộ lạc, làm thủ lĩnh mà xưng là Hùng Vương (1).
Về cội nguồn
Người Mường - Ảnh: dactrung.net
Tôi ở cạnh đền Hùng Vương nhưng luôn luôn đến xứ Mường Thanh Sơn, đất bản bộ của Vua Hùng để lầm tìm dấu tích văn hóa Lạc Việt thời Hùng Vương. Ở đó từ phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, chế độ thổ tù lang đạo, ruộng đất nhà lang... còn đậm đặc sắc thái của cư dân Lạc Việt thời Vua Hùng mà các làng người Việt ở đất Tổ và cả nước cũng còn dấu vết nhưng mờ nhạt hơn xứ Mường này.

Vì lần nào sắp lên Mường cũng bị bà xãi cằn nhằn níu giữ sợ tôi lên đấy bị người trong cho ăn bùa mê thuốc lú, chài nèm... Nhưng may mắn khi đến xã Mường: Tân Lập tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ xã nhất là hai anh bí thư, chủ tịch Đinh Văn Đèo và Đinh Qúy Tính. Họ không những triệu tập ông già bà lão trong xã đến cho tôi khai thác tư liệu mà còn mời đến cả cụ Hoàng Đức Sin ngót 80 tuổi ở thôn Nhằn Thượng xã Tân Minh. Cụ Sin là thầy cúng nổi tiếng cả vùng. Ngày nào cũng có người đón cụ đi cúng giải hạn, cúng đàn chay phá ngục cho những nhà chết trùng tang. Cụ là người được cấp sắc chánh thượng thừa, cấp bậc cao nhất của nghề thầy cúng, đã phải qua các sắc tiểu thừa, trung thừa, trung thượng thừa rồi mới lên chánh thượng thừa. Cụ là người cởi mở, ăn to nói lớn vẫn giọng người trong lơ lớ hơi đầy lưỡi:

- Bác làm cán bộ xã, làm chủ nhiệm hợp tác xã nhiều năm đấy. Vì làm cán bộ không được đi cúng, không được nói đến chài, nèm nên có lão giở trò ma nèm vợ bác bỏ con bỏ bác đi theo ở với hắn. Bác gọi hắn đến nhà vãi (bố mẹ vợ) vỗ ngực và chỉ mặt hắn bảo “Tao đã là thầy cúng từ 14 tuổi, mọi pháp thuật người Mường ta không lạ. Nếu không đón người “Ké nèm” (giải cho khỏi mê lú) về nuôi con để ta phải ra tay thì chớ trách...

Tôi hỏi cụ Sin:

- Cụ có giận bà cụ không?

- Ồ, đấy là nó nèm cho mê mẩn theo nó thôi. Khi bà ấy về khóc lóc xin tha thứ nhưng bác không mắng nửa lời. Vẫn sống tốt với nhau đến giờ đấy.

Tôi hỏi:

- Người Mường xưa có thể nèm cho trai gái yêu nhau, vậy có thể nèm cho nhân tình nhân ngãi, bồ bịch bất chính chán nhau không hả cụ?

- Được chứ, cụ Sin nói, vỗ vào vai tôi -Hôm nào đến đây bác dạy cho bài Ké nèm ấymà về xuôi cứu nhân độ thế cho vợ chồng không bỏ nhau.

Tôi gạ cụ truyền cho nèm yêu nhau và bỏ nhau nhưng cụ cho biết nèm là pháp thuật thần bí muốn truyền dạy hoặc làm kết quả, người Mường gọi là “Khất” (được) phải làm đúng hèm tục, không thể bạ lúc nào nói lúc ấy. Riêng bài nèm chữa bệnh trâu bò bị ròi bọ, nèm chữa hóc, nèm trừ sâu bọ cho hoa màu, cụ dạy tôi ngay lúc ấy.

Hơn tháng sau đúng hẹn tôi lại đến Tân Lập cùng với đoàn khoa học của Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật và tổ quay phim VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. Lãnh đạo xã Tân Lập lại nhờ ông Đinh Văn Nhân ở thôn Lưa Thượng mời cụ Hoàng Đức Sin ở Nhằn Thượng Tân Minh sang giúp tổ chức nhân dân Tân Lập múa mỡi cho chúng tôi ghi chép và ghi hình. Vì múa mỡi là múa đồng, có nhiều yếu tố tâm linh thần bí chưa giải thích được nên lâu nay bị xếp vào sản phẩm mê tín dị đoan nên người Mường bốn năm mươi tuổi đổ lại không hề biết dân tộc mình từng có sinh hoạt văn hóa mỡi đặc sắc ấy. Muốn múa mỡi phải có thầy cúng cao tay như cụ Sin mới thỉnh được Vua Hùng, Thánh Tản Viên, thiên chiều độc cước và các loại ma tam bành về nhập vào những người nhẹ đồng nhuốt lửa, nhảy múa cổ vũ dân làng vào cuộc đâm ống múa hát mê say cuồng nhiệt. Thành hoàng làng Tân Lập là Vua Hùng, Tản Viên nên mọi bài cúng người ta đều thỉnh đến các vị ấy. Thánh Tản Viên lại là người quê quán vùng này, hiện còn rất nhiều truyền thuyết dân gian về NGƯỜI. Các nhà khoa học giải mã các truyền thuyết sẽ nói lên lịch sử văn hóa sống động của người Lạc Việt ở vùng này. Pháp thuật thần bí của người Lạc Việt mà sử sách thời Trang Vương nhà Chu bên Tàu gọi là phương thuật hay việt phương nay còn sót lại ở vùng Mường chính là múa mỡi, là nèm, chài, bùa mê thuốc lú... Nhân dịp trở lại Tân Lập lần này, đúng hẹn, cụ Hoàng Đức Sin đưa riêng tôi đến nhà ông Đinh Văn Nhân để truyền dạy cho bài nèm yêu nhau và Ké nèm cho người ta ghét bỏ nhau.

Tôi mở máy nhờ cụ đọc lời thần chú để ghi âm. Sau đó cụ đọc từng âm tiếng Mường cho tôi ghi chép vào sổ tay. Cụ dặn tôi không được mở bài văn thần chú vào ban ngày. Khi nèm: đọc thần chú liền một hơi cho hết bài. Nếu một hơi không đọc hết thì nghỉ lấy hơi đọc lại. Đọc thầm, không cho ai thấy, không cho lưỡi va vào răng, niệm đủ ba lần mới hà hơi vào gạo muối rồi bí mật bỏ vào nồi cơm canh để hai người có tên trong khi niệm thần chú ăn phải tự khắc sẽ yêu thương nhau. Nếu muốn bồ bịch bỏ nhau thì niệm thần chú vào một hạt thóc rồi quải cho gà nhà người ấy ăn tự khắc hai người sẽ chán nhau.

Với mục đích tìm hiểu pháp thuật trong dân hậu duệ của Vua Hùng sót lại ở vùng này, tôi đã đến xã Thạch Kiệt, được chủ tịch xã Hà Hữu có giới thiệu ở xóm Dùng nhà anh có ông Hoàng Văn Nhẽo biết thuật bùa nèm. Anh Có cử Hoàng Văn Đương, phụ trách văn hóa xã đưa tôi vào xóm Dùng. Chẳng phải giấu giếm gì, ông Nhẽo cười phớ lớ nói ngay khi tôi vừa gợi hỏi:

- Chuyện thất đức mà chú. Tôi nèm nhiều đàn bà đẹp theo mình rồi. Nèm cả vợ người ta bỏ chồng theo mình. Vì thế bây giờ về già mới bị quả báo ở mình đấy!

Được biết ông Nhẽo đã nèm lấy gần mười người vợ. Kết cục người bỏ đi, người chết nên giờ đây ông phải sống một mình trong cái nhà rộng như đình bỏ hoang. Ông nói:

- Bây giờ tôi chỉ nèm để làm phúc thôi. Cặp vợ chồng nào bất hòa định bỏ nhau gia đình đến nhờ, tôi sẽ nèm cho họ yêu thương nhau như xưa.

Ông bảo tôi về xuôi thấy cần cứu hạnh phúc cặp vợ chồng nào thì viết tên tuổi quê quán của họ gửi thư lên cho ông nèm bó họ lại với nhau.

Tôi biết ở vùng này hiện còn những người biết nèm chữa bệnh thần kỳ chỉ niệm thần chú không phải dùng thuốc.

Hóa ra pháp thuật của người Việt ta vốn không phải là mê tín, mà nó là phương thuật thần bí, có thứ là văn hóa tâm linh vì nó có ích cho cuộc sống con người nhưng cũng có thứ sản phẩm phi văn hóa khi người ta dùng nó để hãm hại nhau hoặc để tranh vợ cướp chồng...

Dù sao cũng cần phải nghiên cứu nghiêm túc về nó, hiểu được bản chất, quy luật để làm chủ nó chắc chắn sẽ có lợi cho việc xây dựng, phát triển đất nước.


Hôm ở vùng Mường về Việt Trì nhân chơi đám cưới ở trong xóm, tôi kể chuyện pháp thuật của người Mường được cụ Lê Bảo, hàng xóm nhà tôi kể chuyện hồi đi bộ đội cụ đã cùng với ông Đạo Đức (cũng ở cạnh nhà tôi) đã chứng kiến một người dân tộc có phù phép chú vào những hòn sỏi rồi thả ra chạy nhảy không ngừng trong một cái đĩa cho đến khi nào phù chú cho thôi. Rồi ông Vũ Đình Hiền, nguyên là cán bộ sở Thông tin Vĩnh Phú cũng cho biết, chú ông được người Mường truyền cho bài nèm, thần chú xong thì bàn tay của hai người dính chặt vào nhau không cách nào gỡ ra. Năm 1963 ông còn được dự một lớp học tập “chống mê tín dị đoan để đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” của huyện ủy Thanh Sơn tổ chức do ông Cao Đức Chính thường vụ huyện ủy phụ trách lớp học. Kỳ ấy huyện phát động nhân dân tố giác những người biết chài nèm bắt đến học tập cải tạo. Dịp ấy có một người đàn bà ở xóm Đồng Cỏ xã Thục Luyện đã chài hại một anh thanh niên Mường, người làng Cự Thắng lấy vợ ở Thục Luyện. Khi bị phát hiện, người đàn bà nọ trốn về xã Giáp Lại, công an huyện do ông Đinh Liên Đàm chỉ huy đã truy tìm bắt về. Người đàn bà thú nhận đã làm chài sat hại anh thanh niên nọ. Mụ chỉ biết chài theo gia truyền, không biết cách giải, chữa khỏi. Một ông Mường ở Cự Thắng yêu cầu lãnh đạo huyện và xã viết cam kết không bắt đi cải tạo thì ông sẽ chữa chài trước mắt cơ quan.

Ông Hiền nói:

- Tôi thấy ông già bưng ra một chậu thau nước lã, làm chày, dùi gỗ, viết bùa, thắp hương đọc thần chú xong dán bùa vào chày gỗ rồi để vào bụng anh thanh niên bị chài, vung đùi đập vào chày làm anh ta đau kêu hét lên rồi hai tay bo ngực. Ông già lại để chày lên ngực rồi đập một tiếng làm anh ta kêu thét lên ôm lấy cổ. Khi ông già đập vào cổ, anh thanh niên ngã vật xuống và bật ra khỏi mồm một cái đinh mười phân bọc trong mảnh vải váy đàn bà được cuộn lượt ngoài bằng chỉ ngũ sắc.

Vừa rồi ông Hiền cứ giục tôi đèo xe máy lên Thục Luyện để tìm lại những người từng chứng kiến vụ ấy nhưng vì ông Lê Như Kỳ nguyên trưởng phòng Tổng hợp Sở Giáo dục Vĩnh Phú đã hẹn với một ông Mường ở xã Tân Phú sẽ đưa tôi lên tìm hiểu viết bài về những pháp thuật thần bí ở đó. Chúng tôi phải ngủ lại ở huyện ủy Thanh Sơn một đêm. Tối ấy chúng tôi đến chơi nhà bí thư huyện ủy Hà Văn Tập. Năm 1963 ông Lê Như Kỳ là hiệu trưởng trường Thanh niên dân tộc Thanh Sơn, ông Hà Văn Tập là hiệu phó. Thời kỳ đầu xây dựng trường, ông Kỳ và ông Tập phải ngủ nhờ nhà ông cụ Mạo (bố anh Mạo) ở xóm Trào, xã Mỹ Thuận. Buổi tối thấy hai thầy giáo loay hoay mắc màn, ông cụ Mạo bảo hai người khỏi phải dùng màn để cụ “gọi” nhốt muỗi vào một chỗ. Quả nhiên sau đó nhìn thấy muỗi đậu đen góc nhà. Ông chủ nhà bảo khách không được đập chết muỗi. Nhắc lại chuyện này với bí thư huyện ủy, ông Kỳ nói:

- Hồi ấy tôi ngỡ cụ Mạo có thuốc nhử muỗi vào một chỗ. Bây giờ mới biết trong Mường có bài nèm niệm thần chú để nhốt muỗi.

Từ lâu tôi đã nghe chuyện ở xứ Mường cũng có người vẽ vòng tròn phấn than trên vách rồi nèm nhốt muỗi vào đó. Khi nào niệm thần chú xóa vết phấn, muỗi mới được thả ra khỏi vòng tròn. Nếu giết muỗi thì bài nèm hết tác dụng.. Biết rằng trước đây ta đã không biết khai thác nó để cho bộ đội đánh giặc ở trong rừng đỡ bị bệnh sốt rét.

Lần này tôi và nhà giáo Lê Như Kỳ đến xã Mường Tân Phú đã không gặp được Hoàng Bá Tân, người có những bài nèm chữa một số bệnh hiểm nghèo. Mới đây anh ta niệm thần chú chữa khỏi viêm gan nặng cho một người ở làng Quang Húc. Tân đã được mời đi báo cáo điển hình về các bài chữa bệnh của mình ở hội nghị y học dân tộc tỉnh. Lần này anh có việc đi xa cách nhà ba bốn chục ki lô mét. Bù vào đó chúng tôi lại được gặp ngay bố anh, ông Hoàng Bá Huân nổi tiếng về pháp thuật thần bí này. Bảy tư tuổi nhưng ông Huân vẫn to cao khỏe mạnh. Bà Huân cũng sáng sủa đẹp lão. Tôi hỏi:

- Bác gái xưa xinh đẹp ắt bác trai phải dùng thuật nèm mới lấy được.

Bác Huân cười nói:

- Tự khắc mến nhau không phải nèm đâu.

Rồi bà kể chuyện nhiều đoàn công nhân đến ở đây bị người Mường nèm trêu nấu cơm không chín, nấu nước không sôi. Vì bố con ông Huân đã hẹn ông Kỳ lên chơi, truyền cho một bài nèm nên ông đọc lời thần chú của bài nèm ấy. Mọi bài nèm đọc bằng tiếng Mường, nhưng bài nèm này lại nói tiếng Kinh như sau:

“Mày làm đồng hay mày làm đáy”
“Tao xo xáy cho mày không lên hơi”
“Mày lên hơi thì tao chém”
“úm ta ha khất”

Muốn cho cơm chín thì niệm thần chú:

“Mày làm đồng hay mày làm đáy”
“Tao xó xáy cho mày lên hơi”
“Mày không lên hơi thì tao chém”
“úm ta ha khất”

Người ta nín hơi đọc thần chú rồi phì hơi ra mảnh đóm. Vờ vào bếp châm đóm nhưng khua khoắng mảnh đóm vào quanh nồi và trôn nồi thì nồi cơm không sôi được. Ông hứa sẽ có dịp biểu diễn cho chúng tôi xem bài nèm “ráo ướt”. Khi ở trên bờ niệm thần chú thì người chống bè bơi thuyền chốc chốc lại lộn cổ xuống sông làm cho quần áo vừa ráo lại ướt.

Tôi hỏi về chuyện nèm cho chồng yêu vợ, mẹ chồng con dâu quý nhau. Ông bèn bảo cậu con út Hoàng Bá Thủy, 17 tuổi vào buồng mở hòm ra lấy ra một bó đũa. Thực ra chỉ có hai đôi đũa được bó bằng hai sợi chỉ màu trắng đỏ. Ông bảo:

- Muốn cho vợ chồng nhà nào thôi chê nhau thì dùng hai đôi đũa của hai vợ chồng, mới ăn, chưa rửa ông sẽ niệm thần chú kể tên họ vào đũa rồi bó bằng hai sợi chỉ khác màu cất kỹ ở hòm nhà mình. Nếu bỏ mất đũa thì gây họa cho họ. Khi họ đã yêu nhau rồi phải ra suối niệm thần chú cởi bỏ ra nếu không một người chết, người kia phải chết theo.

Tôi cũng được cụ Hoàng Đức Sin ở Nhằn Thượng xã Tân Minh cho biết đã học nèm phải học cả ké nèm để tránh tai họa cho những người bị nèm

Ông Huân nói:

- Đôi đũa này tôi “bó” cho vợ chồng anh Dũng ở xóm Mịn định bỏ nhau, người nhà đến nhờ tôi “bó” lại. Tôi mới “bó” cho vợ chồng anh Khê người xóm này đoàn kết không đánh chửi nhau nữa. Vừa đoạn tôi lại “bó” cho gia đình anh Huy xóm Quyết Tiến cũng xã này để vợ chồng và nàng dâu mẹ chồng hết xích mích rút đơn ly hôn về từ tòa án huyện.

Tôi tỏ ý băn khoăn về việc viết báo nêu tên thật các gia đình trên nhưng ông bà Huân đều cười xua tay nói:

- Không ai kiện chú đâu, cả làng biết tất mà.

Tôi bèn mở máy yêu cầu ông nói, kể lại tên, địa chỉ từng gia đình trên để tôi ghi âm làm bằng cớ. Sau đó tôi mời họ ra sân chụp ảnh làm tư liệu.

Trở vào, ông lại kể cho tôi bài nèm “tơm thăm” rất bền chặt nhưng cũng rất nguy hiểm dễ làm chết cả đôi. Người ta dùng những mảnh vải áo quần của hai người niệm thần chú vào đó rồi cất kỹ. Khi họ yêu thương nhau phải đem ra chỗ sông suối chảy quẩn, niệm bài chú rồi thả một mảnh chỗ nước chảy ngược, một mảnh cho chảy xuôi để gỡ ra mối nguy hiểm cho hai người.

Ông Huân còn kể cho tôi những bài nèm chữa bệnh thần kỳ của bố con ông. Ông hứa sang năm, chọn ngày được, vào mùa có lộc xoan lên ông sẽ truyền cho mấy bài nèm đem về làm phúc.

Tôi còn được nghe ông kể về cách nèm cho chó vẫy đuôi để đến nơi có chó dữ chúng sẽ vãy đuôi mừng như mừng chủ. Rồi cách nèm hương bùa, nèm để không một người ngoài nào có thể lấy hoa màu nông sản mình trồng trên nương.

Tôi hỏi về phép thuật chài, ông nói:

- Chài thì nguy hiểm lắm, mấy làng mới có một nhà có ma chài. Dân Mường có câu “trong chài ngoài mõ” người Kinh xa lánh mõ thì người Mường xa lánh chài mà. Người ta hay mượn sắt để chài. Niệm thần chú vào sắt rồi quệt vào cây mía, quả cam, vại nước để định hại người nào cho ăn uống phải thì tự khắc trong bụng có sắt thôi.

Hóa ra trường hợp anh thanh niên ở Cự Thắng, như ông Vũ Đình Hiền kể chính là người đã bị chài sắt.

Cách đây vài ngày về quê (Tứ Xã Lâm Thao) tôi được ông dâu da Hoàng Thạch Chiểu mời đến thăm nhà cháu ông là Hoàng Văn Nam bị chài trâu nằm liệt giường, không nói năng đã 8 năm nhưng cơ bắp không teo. Rét dưới mười độ cởi trần vẫn đứng suốt đêm ngoài trời. Tuy nằm liệt nhưng có khi vùng dậy chạy không ai đuổi kịp. Gia đình cho biết, anh ta lên ngược hứa lấy con gái dân tộc, ắt đã ăn nằm với nhau nhưng sau đó bỏ về bị chủ nhà giấu mất một quần đùi áo lót.

Bà cụ Điển hàng xóm nhà Nam có mặt khi tôi đến, nói:

- Nó chài thế này là ác lắm đây. Bỏ nó thì nó chài cho mà khổ chứ không cho chết.

Ông Chiểu bảo tôi:

- Vì ông hay lên vùng dân tộc, ông hỏi xem có ai giải bệnh chài trâu thì mách để làm phúc.

Tôi bèn ghi triệu chứng, tên tuổi xóm ngõ của Nam để họa may có thể gặp người cứu giúp cậu ta.

Trong chuyến đi Tân Phú vừa rồi chúng tôi còn gặp được cụ Hà Văn Bằng 90 tuổi ở xóm Vì. Tôi đã ghi chép được năm bài thần chú nèm của cụ:

1. Nèm vào khăn mặt cho vợ chồng thương yêu nhau

2. Nèm dò lá thương yêu (niệm thần chú vào cành lá thả ra đường, để người mình định yêu dẫm phải sẽ tự động theo mình)

3. Nèm phô nống (niệm thần chú vào bàn tay mình rồi vỗ vào vai đối phương, tự khắc họ sẽ yêu ta)

4. Nèm lá phai nhạt chán ghét (dùng cành lá nèm vào làm cho tình nhân bồ bịch bỏ nhau.

5. Bài liếc mắt tìm hiểu (đọc thần chú xong liếc mắt làm cho đối phương yêu mình mê mẩn.

Cụ Bằng không cho tôi chép bài nèm “đòi của” mà chỉ kể trường hợp anh Hà Văn Đức cán bộ trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc nhờ chị em cụ Bằng nèm cho để một người định quỵt nợ ba triệu rưởi phải tự động đem đến trả cho Đức. Một trường hợp khác đến nhờ cụ nèm đòi được 30 triệu, chỉ gửi lễ biếu cho cụ hai trăm ngàn đồng...

Bây giờ thì tôi tin nhiều chuyện thần bí tâm linh không phải là mê tín hoang đường nữa. Chỉ trách nhan nhản người lợi dụng vào nó bày đặt trò nhảm nhí để trục lợi. Họ mới là bọn mê tín dị đoan.

Chài, nèm là điều có thật nhưng có khi nó bị sử dụng vào mục đích phản văn hóa. Thông thường loại khoa học thần bí tâm linh ấy cũng chỉ nhằm phục vụ cho con người. Những người chài, nèm nếu làm hại người tốt, trung thực, vô tội thì tai họa đổ ngay vào đầu họ. Vừa mới hôm qua ông anh nuôi tôi, ông Bùi Văn Kỹ ở Tứ Xã, công tác nghỉ hưu ở Phố Giàng Lào Cai về quê mới kể cho tôi biết mẹ vợ ông trước góa chồng lúc còn trẻ, bị ông Ký... người làng thuê người Mường nèm để lấy làm vợ hai, năm sau bà ấy chết, ông Ký... phải chết theo.

Mới đây trong hội nghị giữa nhóm khoa học của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia với Sở Văn hóa Phú Thọ bàn về nghiên cứu văn hóa Mường Phú Thọ tôi đã đề xuất cần nghiên cứu sớm phương thuật của người Mường. Đấy là một nội dung tìm hiểu về văn hóa thời Hùng Vương mà vùng Mường này còn khá đậm đặc dấu tích.

N.H.N
(135/05-00)


------------------------------
(1) Theo "Cổ sử Việt Nam" của Đào Duy Anh - Chuyên san trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 1950 (tr.89)






Các bài mới
Các bài đã đăng
Miền gái đẹp (01/03/2010)