Những áng mây tinh khôi phiêu bồng như những bóng thuyền trôi bất tận giữa bầu trời tháng tư, tôi thấy lòng mình nôn nao hoài niệm. Nỗi hoài niệm bé con của tôi ấy chắc cũng chỉ là một nét trầm tư của người lính nơi tượng đài “Người lính giữ cầu Hiền Lương” hôm nay. Chỗ ấy, ngày xưa là nền móng cũ của “Nhà liên hợp” được xây dựng trong mong muốn thống nhất hai miền Nam- Bắc theo tinh thần Hiệp nghị Giơ Ne Vơ 1954. “Nhà liên hợp” không được dùng đến vì âm mưu chia cắt đôi bờ vĩnh viễn của Mỹ, Diệm, thế là người Việt Nam đành phải làm cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 21 năm (1954- 1975) thống nhất Tổ quốc. Tôi lớn lên khi cuộc chiến tranh tàn khóc ấy đang vào hồi kết thúc. Người Việt đã qua sông, trong một đêm không trăng năm 1973, trên chiếc cầu phao bộ đội công binh bắc tạm. Bấy giờ, hiệp định Pa- ri đã có hiệu lực, giới tuyến quân sự được dời chuyển vào sông Thạch Hãn, cách Hiền Lương 35 km ngăn cách một bên là Chính phủ cách mạng miền Nam, một bên là chế độ Sài Gòn. Dĩ nhiên, khi ấy tôi vẫn là một công dân bé nhỏ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người qua sông nhiều quá, tôi mở to đôi mắt bé con nhìn qua vai áo mẹ tôi đang bế mà ngắm nhìn những đoàn người, đoàn xe màu xanh lá cây, những khẩu pháo nòng dài nườm nượp qua sông. Khi đó, tôi chẳng hiều gì đâu nhưng kỷ niệm đã khắc vào trí nhớ ngây thơ của tôi. Tôi cũng không thể ngờ rằng những chiếc trụ cầu bê tông giữa lòng sông còn sót lại ấy từng nâng đỡ một chiếc cầu sắt Be- lây giản dị, trên cầu có 894 miếng ván, giữa cầu có một vạch sơn trắng rộng 1 cm. Vạch sơn ấy, hiểu theo một nghĩa hình ảnh, chính là vĩ tuyến 17 chạy qua! Hơn hai mươi năm để người Việt vượt qua một dòng sông nhỏ gầy, chỗ rộng nhất chưa đầy 200m, hay bước qua cái vạch sơn trắng oan nghiệt này?... “Trong những ngày xuống đường tranh đấu đòi thống nhất hai miền của học sinh, sinh viên Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần cùng bạn hữu đã bơi ra giữa dòng Hiền Lương, ôm lấy trụ cầu, uống một ngụm nước rồi hét to: “ Hòa bình cho Việt Nam! Hòa bình cho Việt Nam!”. Rồi sau đó Hoàng trở về Huế, nhảy rừng làm kháng chiến... Cùng thời đó, bên bờ Bắc có ông nhà văn Nguyễn Tuân lặn lội từ núi rừng Tây Bắc, mỏ than Quỳnh Nhai về Hà Nội rồi tuốt vào Vĩnh Linh. Nhấm một hạt tiêu cay nồng, Nguyễn đi khắp “ khu phi quân sự” gặp những bà mạ, những o những eng, những đồng chí bộ đội giới tuyến mà hỏi chuyện ghi chép, rồi sau đó Nguyễn đã cống hiến cuộc sống những trang văn chất đầy nỗi hờn căm ngùn ngụt vào cái thằng Mỹ thằng Diệm đang tâm chia cắt đôi bờ, xót xa lắm lắm cho cây cầu Hiền Lương tội tình chi mà nỏ có bóng người qua lại”.
Tôi kể với dòng Hiền Lương của tôi câu chuyện này, vì những bậc ký tài ba Hoàng, Nguyễn từng kể về sông rất nhiều, đã gây vô vàn là rung động trong muôn người... Còn với sông, có khi sông nỏ nhớ mô! Nhìn sông vô tâm thế kia, lấp lánh bàng bạc trong những đêm trăng muối... Đấy là thứ ánh trăng đẫm hơi muối từ biển Cửa Tùng phả lên, trộn lẫn vào đám sương mơ, dịu dịu trên gương mặt sông. Còn có thứ “muối hoa” (chữ của Nguyễn Tuân) trên những cánh đồng muối Di Loan xưa nữa, vẫn còn báng lảng trên khu phi quân sự xưa không tan đi, không tan... Đồng muối Di Loan chừ chỉ còn trong nỗi nhớ, nhưng còn cái ánh muối hoa rực lên dưới nắng, cái hơi hoa muối còn bảng lảng trong đêm sâu thấm lên đầu lưỡi, thì e đấy chính là vị máu! Đồng muối Di Loan sát ngay cạnh bến đò “B”. Bến đò “B” xưa là nơi tiễn người Việt lặng lẽ bí mật qua sông vào Nam chiến đấu. Người đi không trở lại. Người thì qua. Có người không qua nổi một lần đò mà hi sinh ở bến sông. Nhiều lắm! Dân làng Di Loan cặm cụi lấy nước sông Hiền Lương nước biển Cửa Tùng mà làm muối. Nước đã thấm máu rồi làm sao gạn được, thế là cái chất máu của bao người trai trẻ đã theo vào hạt muối trắng trinh trong... Đến chừ, đồng muối Di Loan đã bị chiến tranh tàn phá không còn, nhưng những tính chất đặc biệt của loài muối hoa Di Loan đó thì vẫn còn, vẫn vương vất trong không gian “khu phi quân sự” khi xưa. Tôi nhớ đến Long, người bạn của tôi đã hi sinh ngoài biển Trường Sa năm 1989, sau khi Long hi snh, mỗi lần tôi ra biển, bỗng dưng lại nhớ đến Long, thấy nước biển xanh mà nghi ngờ, không thật lắm vì dù rằng đi nữa thì Biển Đông cũng đã thấm thêm giọt máu Long rồi... Long, chính là trai làng Di Loan đó... Thế mà dòng sông Hiền Lương dòng sông hiền lành, dòng sông đỏ. Ở đảo Cồn Cỏ vào ngay trời trong, buổi chiều ngắm vô bờ Cửa Tùng, thấy sông nhuốm màu hoàng hôn đỏ thắm, rồi nghĩ rằng nếu con thuyền nào ra biển vào lúc ấy, hẳn sẽ được tắm một màu đỏ ý nghĩa. Chỉ là một vết đỏ mảnh mai nơi đường chân trời nhưng đã cho tôi hình dung rằng trong bao thế kỷ, hôm nay và mai sau cái vết đỏ ấy sẽ mãi mãi tồn vinh không tan đươc, cùng với cái hơi “hoa muối” đồng Di Loan, không tan được, cùng với những giọt nước mắt khổ đau của người hai bên bờ Hiền Lương. Hai bên bờ Hiền Lương là đất đai nước Việt Nam. Hai bên bờ Hiền Lương có bà mẹ đêm đêm trong căn hầm kèo tăm tối, bên ánh sáng mờ đỏ quạch chiếc đèn dầu hỏa, mẹ ngồi vá cờ Tổ quốc. Còn nơi nào trên trái đất này có Bà Mẹ vĩ đại như thế không? Lá cờ Tổ quốc rộng 108 mét vuông, nặng lắm. Sức mẹ thì đã già, tay mẹ đã run... thế mà đêm đêm mẹ cứ miệt mài từng mũi kim chỉ chăm chút cho Tổ quốc vẫn nguyên lành trên đỉnh cột cờ cao 34, 5 mét, nơi đầu cầu giới tuyến, cho đồng bào bên nớ mỗi sớm ra sông gánh nước nhìn sang thì thấy miền Bắc gần lắm, cụ Hồ gần lắm và cái ngày thống nhất là không thể khác, không thể không đến! Để cho bọn địch thấy rằng là bom đạn của chúng không thể nào hủy diệt nổi... Tên mẹ là Nguyễn Thị Diệm ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành. Mẹ giờ đã không còn... Năm 1992, sức lực cạn kiệt, mẹ dặn con cháu: “Tao chết, bây cho tau nằm ngoài Cồn, chỗ nớ trống trải... Khi mô Nhà nước xây lại cột cờ Hiền Lương, tau nhìn...” Mẹ Diệm đã được con cháu đặt nằm ngoài Cồn, đúng như ý nguyện của mẹ, nhưng còn cột cờ, lá cờ to hơn trăm mét vuông thì xin mẹ lượng thứ, xin mẹ chờ thêm một thời gian nữa dù là đã quá muộn màng... Khi mô xây xong cụm di tích, tượng đài cầu Hiền Lương, mẹ sẽ thỏa lòng mà ngắm lá cờ to đúng bằng lá cờ ngày xưa của mẹ... Bóng cờ đỏ thắm sẽ trải đến nơi mẹ nằm, bóng cờ sẽ in xuống dòng Hiền Lương. Mẹ hãy tin là như thế, bởi vì đó cũng là một ý nguyện của Nhân Dân, mẹ nờ... Tháng tư này là đã tròn 25 năm Tổ quốc toàn vẹn thống nhất từ Bắc chí Nam. Xe qua cầu Hiền Lương mới hôm nay chỉ mất cỡ chục giây đồng hồ, phóng thẳng không cần giảm tốc độ. Cầu Hiền Lương mới này khánh thành vào tháng tư năm ngoái (1999), là chiếc cầu hiện đại, thi công bằng công nghệ đúc đẩy, mặt cầu rộng thênh thang, phẳng lỳ. Ban đêm đèn cao áp sáng bừng một khúc sông. Tôi được biết rằng trong số thợ cầu có những người từng đi B, vượt qua sông Hiền Lương ở một quãng sông nơi thượng nguồn, hạ nguồn trong những đêm chiến tranh. Thật tiếc là đã không gặp được họ để hỏi han, trò chuyện rồi cùng ngắem chiếc cầu Hiền Lương màu trắng đang vươn qua dòng sông như một cánh tay người Việt. Nó là chiếc cầu thứ tư, giờ bên nó là im lìm chiếc cầu đời thứ 3 xây từ năm 1974, hiệp định Pa- ri. Hai chiếc cầu cùng trên một khúc sông, chỉ cách nhau vài mét, chụm đầu với nhau phía bờ Bắc. Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ cho tháo dỡ chiếc cầu cũ vì nó sẽ làm vướng dòng chảy, ảnh hưởng đến chân cầu mới nhưng ý nguyện của nhân dân là nên giữ lại... Vì dù là chiếc cầu được xây dựng từ hòa bình, không phải là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử do người Pháp xây dựng đầu tiên (năm 1950) nhưng nó cũng đã gắn bó với nhân dân hai miền bao nhiêu năm vất vả, khó nhọc vừa qua, bao nhiêu người Việt đã đi qua cầu này? Chừ tháo dỡ nó rồi mang về dựng cho một vùng quê còn cách sông trở đò nào đó cũng rất là tốt thôi nhưng mà thấy buồn thương quá đỗi cho một đời cầu gian nan... Hay là cứ giữ lại, tìm cách khắc phục hiện tượng dòng chảy bị thu hẹp tiết diện, gây xói lở chân cầu mới, còn cầu cũ thì bảo quản, trùng tu trong cụm di tích lịch sử, tượng đài Cầu Hiền Lương tương lai. Để con cháu đời sau khi qua cầu mới bằng bê tông ứng lực thì quay nhìn mặt trời lên từ phía biển sẽ thấy chiếc cầu Hiền Lương bằng sắt thép gầy guộc, rồi mà hình dung, liên tưởng đến những khoảnh khắc lịch sử đã trọng đại diễn ra nơi đây, khúc sông, dòng sông này. Phải thế là hơn chăng...? T.H (138/08-00) |