Những nẻo đường đất nước
Bảo vệ an ninh biên giới dưới thời Nguyễn
10:08 | 19/08/2011
NGÔ VĂN MINH Bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là công việc quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Triều Nguyễn sau khi đã mở mang, hợp nhất địa giới hành chính trong toàn lãnh thổ đã có những quy định về việc bảo vệ chủ quyền, tránh các thế lực bên ngoài dòm ngó, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền đường biên giới và đường biển.
Bảo vệ an ninh biên giới dưới thời Nguyễn
Vệ binh triều Nguyễn với những vũ khí thô sơ - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trong thời kỳ đầu của triều Nguyễn, từ triều Gia Long (1082 - 1819) đến năm 1858 triều Tự Đức, đất nước ta là một nước độc lập, có chủ quyền, do đó việc phòng ngừa ý đồ “can thiệp” của các thế lực bên ngoài rất được đề cao.

Triều Nguyễn đã ban hành rất nhiều chỉ dụ cho các địa phương nhằm giải quyết những vấn đề xảy ra trong quá trình giao lưu, buôn bán hoặc quan hệ với những người nước ngoài, đặc biệt là các địa phương có đường biên giới giáp với nước khác. Việc lựa chọn quan lại để bổ nhiệm vào các vị trí quản lý ở các địa phương này cũng cân nhắc trên cơ sở những hiểu biết về tình hình. Năm Gia Long năm thứ 10 (1811), triều đình đã “lấy Quản đạo Kiên Giang là Trương Phúc Giáo làm Trấn thủ Hà Tiên, Ký lục Định Tường là Bùi Đức Miên làm Hiệp trấn. Vua thấy Hà Tiên là nơi trọng yếu ngoài biên, hai người đã biết rõ tình hình biên cương cho nên sai đi. Bọn Giáo đến trấn, chính sự chuộng rộng rãi giản dị, không làm phiền nhiễu, sửa sang trại quân, chiêu dân xiêu dạt, đặt trường học, khẩn ruộng hoang, vạch định phố chợ, ngăn khu cho người Hán [Việt], người Thanh, người Chân Lạp, người Chà Và, khiến tụ họp theo loài, làm cho Hà Tiên lại trở thành một nơi đô hội ở Nam thùy vậy”(1). Như vậy, bên cạnh việc tăng cường về quân sự tại các đồn ải, việc mở mang phát triển kinh tế nông nghiệp tại những nơi này cũng được triều Nguyễn chú trọng.

Nhiều sắc dụ của triều Nguyễn đã nói lên thực tế rằng, việc bảo vệ biên giới tại các trấn thuộc phía Nam và miền Trung được triều đại này đặc biệt chú trọng hơn so với miền Bắc. Do tính chất phức tạp phải đối diện với dân Cao Miên, nên số binh lính được tuyển mộ để canh giữ tại các đồn cũng cao hơn so với miền Bắc. Để lý giải cho việc này, phải thấy rõ chính sách đối ngoại của triều Nguyễn đối với các nước Trung Quốc, Ai Lao, Cao Miên... Đối với nhà Mãn Thanh (Trung Quốc) ở phía Bắc, nhà Nguyễn rất xem trọng mối quan hệ này và chịu sự tuyên phong cũng như đều đặn gửi cống nộp để cầu mong có mối quan hệ hòa hiếu, góp phần đảm bảo cho an ninh quốc gia. Đối với Ai Lao (tiếp giáp với miền Trung) và Cao Miên (tiếp giáp với miền Nam), quan hệ của nhà Nguyễn đối với các nước này là quan hệ của nước bảo hộ và nước được bảo hộ. Tuy nhiên, một bộ phận cầm quyền của Cao Miên không thừa nhận sự bảo hộ của triều Nguyễn, thường xuyên cấu kết với các thế lực bên ngoài tìm cách đối địch với triều Nguyễn. Do đó, vùng biên giới tiếp giáp với nước này được triều Nguyễn đặc biệt chú trọng.

Có thể nói, việc giữ yên vùng biên giới được xem là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ, do đó triều Nguyễn đã cho xây dựng một hệ thống các đồn ải ở các vùng biên giới nhằm kiểm tra tình hình người nước ngoài xâm nhập vào nước ta. Việc tuyển mộ binh lính canh giữ tại các đồn cũng lấy người địa phương hoặc người nước khác sinh sống tại Việt Nam, cho họ mang tên người Việt Nam để sung vào. Như Minh Mạng năm thứ 7 (1826) đã “lựa lấy dân số ở các sóc Cao Man, thuộc huyện Kiên Giang, cộng 518 người, dồn làm 10 đội ở chi Kiên Hùng, cho lệ vào đồn Uy Viễn, cải chính lại tên họ. Năm thứ 14, mộ dân phủ Châu Chiêm hơn 500 tên, dồn thành 10 đội, đặt làm cơ An Biên. Năm thứ 16, chọn lấy dân Chàm 823 tên, đặt làm 2 cơ: An man 1 và 2, mỗi cơ đều 10 đội. Lại lấy dân Bồ Đà, đã ngụ ở hạt Cao Man, là: 223 tên, đặt làm cơ An man thứ 3, cộng 5 đội...”(2). Chính sách tuyển chọn người địa phương để sung vào các đội nhằm mục đích lợi dụng sự am tường, hiểu biết về tình hình địa thế, khi không có việc thì luyện tập và khỏi phải gọi lính đi thú ở xa.


Cùng với việc tuyển mộ người nước khác sung vào trấn giữ tại các đồn ở biên giới, việc hướng họ theo thuần phong mỹ tục của Việt Nam cũng được nhà Nguyễn chú trọng. Thấy được điều này, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ cho các viên tướng, tham tán cần tăng cường giáo dục, từ các sinh hoạt cá nhân đến những ứng xử xã hội đều ứng theo phong tục của người Kinh: “Đối với quan phiên thì tùy tài mà sử dụng, tâu xin liệu cho quan chức, khiến cho họ mến nghĩa theo người Kinh, đều biết cảm kích, phấn khởi. Như thế đến khi cần, họ sẽ vui vẻ làm việc cho ta, đủ khiến cho sự phòng bị được nghiêm và nơi biên phòng được lành mạnh”(3).

Việc cấp phép cho nhân dân và quan lại ở vùng biên giới được sang nước khác để buôn bán hoặc làm việc đều phải có giấy thông hành của quan tổng trấn. Năm Gia Long 14 (1815) đã chuẩn định đuổi tất cả những người Kinh đang ở địa giới nước Cao Miên về quê quán. Nếu là quan lại và chức sắc thì phải có đủ giấy thông hành của quan ở trấn, nếu là người buôn bán thì phải có đủ giấy thông hành của quan tổng trấn ở thành. Nếu giấy hết hạn thì phải về nước ngay, ai trái lệnh thì quan phủ sở tại (nước Cao Miên) bắt nộp cho viên quan bảo hộ chuyển về thành để trị tội, người Miên nào dung túng để người Kinh ở lại khi giấy thông hành hết hạn thì quan phủ sở tại cũng phải liên đới trách nhiệm.

Việc tuần tra vùng biên giới đã được chính quyền trung ương triển khai đến các địa phương, trong đó quy định chặt chẽ từ việc nắm số lượng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cho đến việc báo cáo số lượng quân địch... Do có đường biên giới tiếp giáp nhau nên một bộ phận dân cư của các nước này đến làm ăn sinh sống tại Việt Nam và lưu trú tại đây. Vì vậy, rất nhiều lần khi tuần tra biên giới, người Man đã dâng thư để đòi người. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), cai quản biền binh đồn Ai Lao khi tuần tiễu địa hạt Man, người Man trình thư về việc con của quốc vương phái người đem đoản đao và voi tiến vào địa hạt Việt Nam để đòi lấy số dân xiêu dạt nhưng không được. Nhà vua ban chỉ rằng từ nay về sau, nếu có những trường hợp như vậy thì phải tâu trình ngay và phải có những biện pháp kịp thời nhằm đề phòng, ngăn chặn không cho người nước khác vượt qua bờ cõi. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Quản đạo Cam Lộ báo châu Tầm Bôn ở Quảng Trị có dân man Mục Đa Hản đến ngụ ở biên giới hơn 1.400 người, nhà vua ra lệnh cho đuổi về hết và từ nay không được qua lại nữa.

Việc tuần tra biên giới cũng được phải báo cáo chính xác và cụ thể. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), nhà vua ban dụ rằng: “Từ nay nếu có thám báo tình hình biên giới, cần phải đích xác, giả như quân địch có 1000 người, nếu không biết được thực số rõ ràng, thì lời báo dù không trúng cũng không xa lắm, hoặc nói là hơn 1000 người, hoặc nói là trên 800, 900 người, không được bịa ra báo quá nhiều, quá ít. Người có trách nhiệm nhận được báo cáo, cần phải cứ thực tâu lên”(4). Thời hạn báo cáo tình hình biên giới cũng được quy định cụ thể, việc báo cáo những vấn đề thường xảy ra ở biên giới thì một mặt tâu lên, một mặt sai người do thám rõ ràng, tiếp tục làm biểu dâng lên. Còn những việc quan trọng khẩn cấp thì cho dựa theo công việc trong tờ biểu, tùy việc mà xử lý để khỏi chậm trễ. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chuẩn định rằng: “Tỉnh Hà Tiên khi có công việc cần kíp, phải tâu báo ngay. Còn khi tầm thường vô sự, thì mỗi tháng tâu một lần”(5).

Việc cử quân lính đi đánh dẹp ở miền biên giới dựa trên cơ sở tình hình thám báo. Nếu là những sự việc nhỏ như xảy ra cướp bóc ở vùng biên giới hoặc có người xâm phạm vào địa phận thì chỉ dùng lính sở tại, không dùng lính tỉnh để tránh cảm mạo khí độc núi rừng mà hiệu quả lại không cao.

Có thể nhận thấy chính sách của nhà Nguyễn đối với nhân dân vùng biên giới chủ yếu là làm cho họ quy phục mà theo, nhằm hạn chế việc chiến sự. Thiệu Trị năm thứ 3 (1943) có dụ rằng: “Cái chủ yếu làm cho đất Man quy phục là ở đánh dẹp và vỗ yên mà thôi... Vả, việc dùng binh quý ở biết mình, biết người, trước cơ liệu địch, tơ hào không sai, mới là tính toán vẹn toàn. Nếu chúng quân ít, tướng yếu, có thể thừa cơ đánh được thì nên đem toán quân mới đến của ta tiến đến Trấn Tây, đánh phá sào huyệt, làm cho dân Man biết rõ giặc Xiêm không thể nhờ cậy được, càng thêm sợ sệt ta. Nhân đó, chọn sai bọn tên Yểm Trà Long và các thổ mục đã quy thuận tùy cơ sắp đặt, chia đi chiêu dụ, vỗ về, chúng tất sợ oai, nhớ đức mà quy thuận. Kế ấy là hay đó...”(6).

Có thể nói, trong những năm đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã xây dựng một thiết chế quản lý đất nước thống nhất từ Bắc đến Nam. Để bảo vệ chủ quyền đất nước, triều Nguyễn đã cho xây dựng một hệ thống các đồn phòng thủ dọc biên giới, tạo nên một hệ thống phòng thủ về quân sự vững chắc. Lực lượng quân đội được củng cố, khi cần thiết thì bổ sung lính của triều đình và đây là lực lượng chính có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh việc tăng cường quân sự, việc phát triển kinh tế cũng được chú trọng, kèm theo đó, việc giáo hóa phong tục của người Việt đối với người dân ở các địa phương này cũng được đề cao. Hệ thống các chính sách tương đối toàn diện đó góp phần quan trọng trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trong giai đoạn đầu của triều Nguyễn.

N.V.M

(270/08-11)




..................
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Hội Sử học, Nxb Giáo dục, tập 1, trang 821.
(2) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập V, trang 239.
(3) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập V, trang 413.
(4) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập V, trang 413.
(5) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập V, trang 413.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, tập 6, trang 454.






Các bài mới
Các bài đã đăng
Làng ươm trái (21/10/2010)