Ai ra xứ Huế
Chợ Đông Ba, khi mình qua…
08:59 | 09/05/2012

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

“Ơi khách đường xa, khách đường xa
Dừng chân ghé lại Đông Ba chợ mình”

Chợ Đông Ba, khi mình qua…
Ảnh: internet

Nếu tính cả “tiền thân” của chợ Đông Ba thời còn mang cái tên Qui Giả ở cửa Chánh Đông được lập vào đầu triều Gia Long (1802-1820) thì đến nay ngôi chợ lớn nhất, cổ nhất, giàu truyền thống nhất Huế đã có cái tuổi ngót nghét hơn 200 năm. Và nếu tính cái mốc 1899, thời điểm vua Thành Thái cho xây dựng lại chợ ở khu đất gần bờ sông Hương bây giờ, gắn liền với câu ca dao lịch sử thân thuộc của xứ Huế: “Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại/ Cầu Trường Tiền đúc lại xi - moong”, thì chợ cũng đã vào cái tuổi 112 năm. Trong Nam, ngoài Bắc, cái tên Đông Ba sánh vai vế ngang hàng với Đồng Xuân (Hà Nội), Bến Thành (Sài Gòn), tạo nên ba cái chợ đầu mối lớn nhất của ba miền. Với cái tuổi “cố lão” và vai trò lịch sử - kinh tế ấy, Đông Ba đã góp phần tạo nên truyền thống văn hóa chợ không chỉ ở vùng văn hóa Huế mà cả đất nước Việt Nam.

Chợ Đông Ba vào thời Thành Thái lúc “đem ra ngoài giại” có quy mô gồm có 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian... đều lợp ngói. Giữa chợ có một tòa lầu vuông, ba tầng. Tầng dưới có 4 bức tường, mỗi tường có 2 cửa. Tầng trên 4 mặt đều có cửa, đều có mặt đồng hồ để điểm giờ khắc, đến giờ thì gõ chuông nên gọi là lầu chuông. Trong chợ có xây một giếng đá, có hệ thống máy giúp cho việc múc nước. Khi lấy nước dùng tay quay máy, tự nhiên nước trong giếng tràn lên, phun ra. Đầu thế kỷ XX, đây là một công cụ phục vụ con người chưa từng có ở Huế1.

Ngày nay, chợ Đông Ba là một trung tâm thương mại lớn của thành phố Huế phục vụ thương mại cho dân cư trên địa bàn thành phố và du khách thập phương. Chợ có diện tích 22.742 m2 với hơn 2.700 lô hàng lớn nhỏ, 85 ngành hàng, từ mặt hàng cao cấp, xa xỉ đến mặt hàng bình dân, đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động phục vụ cho hoạt động kinh doanh và dịch vụ tại chợ. Mỗi ngày lượng du khách và người mua bán đến chợ lên tới trên 5.000 - 7.000 người. Do quy mô chợ lớn và hoạt động buôn bán sầm uất, chợ hiện có 96 cán bộ công nhân viên thuộc Ban Quản lí chợ Đông Ba.

Chợ Đông Ba có một đặc điểm nổi bật là có đến 99% là nữ tiểu thương. Do đó, Hội Phụ nữ đã phát huy hết vai trò của một hội mạnh. Hàng năm, tập thể cán bộ nữ công chức ban quản lý chợ và bà con tiểu thương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn việc; làm tròn nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, thực hiện tốt vai trò của người mẹ, người vợ; luôn đầu tư chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ của một tuyên truyền viên đối với các chủ trương chính sách của Nhà nước trên địa bàn chợ, làm tốt vai trò của những tiểu chủ kinh doanh mua bán nhỏ.

*

Ai là người dân Huế, trong suốt cả cuộc đời chí ít thì cũng phải được một lần đến chợ Đông Ba. Cái tên ấy gần gũi trong máu thịt người dân Huế và từ lâu là một biểu tượng văn hóa của vùng đất - con người Cố đô. Từ trẻ đến già, đàn ông phụ nữ, trí thức hay người lao động…, chợ Đông Ba từ lâu đã là điểm đến, là trung tâm quen thuộc, nơi mua sắm những vật dụng cần thiết phục vụ mọi người, mọi nhà. Chỉ một lần ghé chợ Đông Ba, sẽ bắt gặp cả hồn Huế cư ngụ nơi đây.

Tôi biết đến chợ Đông Ba từ cái hồi nghe bài “Mưa trên phố Huế” bất hủ của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khương, đã làm ướt át tâm hồn bé dại của tôi với những câu “chợ Đông Ba khi mình qua, lá me bay bay là đà… Buồn đến thảm thiết khi ba tôi chở tôi ra viện sau một trận ốm nặng, khi về ghé chợ Đông Ba mua mấy thứ làm quà. Hồi đó khoảng cách từ nhà tôi tận Phú Bài lên chợ Đông Ba là rất xa. Ấy vậy mà cái cảm giác những lá me bay bay trong cái chiều lành lạnh làm phố nhạt đi trong làn mưa phùn lay lất ấy cứ đọng mãi trong tâm khảm tôi. Mãi đến sau này, mỗi lần Huế đổ mưa, đắm say những ngày tháng dầm dề, bài hát ấy đồng hành với tôi như một kẻ tri âm làm lắng đi sự chán chường của mưa, để nghe trong thanh âm u trầm ấy những ngẫu cảm xa xưa của Huế da diết, sầu ai.
 

Chợ Đông Ba đầu thế kỷ XX - Ảnh sưu tầm

Hồi đó, cứ độ Tết đến hay ngày đầu năm học là anh em nhà tôi lại được ba mạ cho đi xe lam lên chợ mua sắm. Mỗi lần như vậy háo hức gạch vẽ ra nơi vở mua những cái gì rồi đến chợ thì cố tìm mua cho bằng được các thứ sách vở, bút viết, áo quần, đồ chơi… Ở chợ, chúng tôi lượn lờ khắp các gian hàng mà tay không dám rời ba mạ. Hồi đó, chợ Đông Ba là cái gì đấy ghê gớm lắm, xa xỉ lắm. Nhìn các mặt hàng bày biện nhất là các thứ có thể ăn được, anh em tôi chỉ muốn sà vào cho thỏa chí. Tôi còn nhớ mãi cái áo ấm bằng vải kaki có mũ mua ở chợ, một trong những chiếc áo “quý” của tôi mỗi mùa mưa lạnh đến. Quý nhất là cái mũ lưỡi trai bằng lưới, trước có mấy ngôi sao, anh em tôi mua hai cái y hệt, đội đến những ba năm không chịu thay cái mới. Đến tận bây giờ, chợ Đông Ba vẫn là điểm đến lí tưởng cho tôi mua sắm. Cái cảm giác lọt thỏm trong những gian hàng đầy ắp hàng hóa liền kề nhau, màu sắc sặc sỡ, đủ hình đủ thức, cứ ngỡ ngàng như mình lạc vào vương quốc hàng hóa. Những mùi hương ở chợ khiến tôi thích thú qua lại là ở hàng gạo đậu, hàng mứt, hàng trầm, hàng mã… cứ thơm mùi nhẹ nhàng, xông xốc cơ hồ hương xưa của Huế nằm ở đấy cả. Ước một lần úp mặt vào những bánh đường đen, vào những sọt chè, bao tim sen… để tận hưởng điều gì đó của Huế, chỉ có ở chợ Đông Ba. Mỗi lần vào chợ mà hít phải những thứ hương quyện hòa ấy, tôi như bừng tỉnh cả mình.

Tôi cũng không ngờ rằng, sau này chợ Đông Ba lại là điểm đến quen thuộc, phục vụ kế sinh nhai cho cả nhà. Và tôi trở thành “bạn hàng” của nhiều chị em tiểu thương trong chợ. Nhà tôi có mở một quầy sách nhỏ, bán kèm văn phòng phẩm và đồ tạp hóa linh tinh. Những bạn hàng lớn của gia đình tôi như anh chị Trang-Hùng, o Gái, dì Vui bán văn phòng phẩm; dì Tâm, chị Mực, chị Tiên bán đồ chơi; hai chị em mệ sinh đôi bán áo mưa; chị Quắn bán mỹ phẩm… Năm nào tôi cũng đi lấy hàng ở chợ, có những tháng ngày nào cũng có mặt, nhất là mùa tựu trường nhu cầu cần nhiều sách vở, văn phòng phẩm. Đến nỗi, bây giờ không có ngõ ngách nào ở chợ Đông Ba mà tôi chưa đặt chân đến. Nhưng vẫn thích nhất là không gian ở lầu Chuông. Bây giờ lầu là nơi may, sửa áo quần rộn rịp những chiếc máy may ngày đêm làm việc. Mỗi lần đến đó, tôi thường ra đứng ngoài hành lang ngóng xuống đường, để ngắm dòng người qua lại và thích thú với mấy cây me còn sót bên vỉa hè đong đưa những trái nhỏ đà đà và đợi chợ làn gió đi qua quét nhẹ lá me bay bay trên hè phố.

*

Nói đến chợ Đông Ba, ấn tượng lớn nhất nơi đấy chính là “ một gal- lery khổng lồ của những đặc sản truyền thống” không chỉ của vùng văn hóa Huế mà còn cả những vùng miền trong cả nước. Đến chợ, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy tất cả những đặc sản xứ Huế từ mè xửng, chè tim sen…; các món ăn đặc sản như bún bò, cơm hến, bánh khoái, bánh lọc, bánh nậm, chè hạt sen, chè cung đình… đến những sản vật, cây trái đặc sản như quýt Hương Cần, măng cụt Kim Long, thanh trà Lại Bằng, chè Truồi… hay những sản phẩm thủ công như đồ kim hoàn Kế Môn, đồ đồng Phường Đúc, đồ rèn Hiền Lương, nón lá Phú Cam… Hiện nay, chợ Đông Ba không thiếu những đặc sản ba miền, kể như ô mai, bánh cốm Hà Nội, bánh Nhãn Nam Định, nem Thanh Hóa, kẹo mạch nha Quảng Ngãi, rượu Bàu đá Bình Định, kẹo dừa Bến Tre,… với bao sản vật của các vùng đất khác trong cả nước. Muốn gì có đó, chỉ có ở chợ Đông Ba, đối với dân Huế thì cả hơn thế kỉ nay đó là định ước đúng.

Thú vị hơn, chợ Đông Ba là một “pháo đài” bảo vệ những giá trị hàng hóa truyền thống trước cơn bão của cơ chế thị trường, đầy rẫy những sản phẩm hiện đại, đắt tiền. Tác giả Xuân Huy khi nói về vấn đề này đã dùng một câu rất hay là “Chợ Đông Ba là nơi che chở cho sự cố thủ của đặc sản truyền thống của vùng văn hóa Huế”2. Đó là phong cách buôn bán “cổ cổ mà rặt Huế” của chị em tiểu thương và vô khối những hàng hóa cho chúng ta hoài niệm, tận cảm chút Huế xưa còn sót lại.

Chợ Đông Ba là pho từ điển tiếng Huế sống động, phong phú. Vào chợ nghe đủ giọng Huế, kiểu Huế, từ giọng Huế gốc của các o tôn nữ đến giọng Huế-Phò Trạch, Huế-Tứ Hạ, Huế-Truồi. Hay nhất, tôi vẫn thích mấy o, mấy chị ở Kim Long, Vĩ Dạ, Thành Nội nói chất giọng Huế mượt mà, như hút hết vị Huế vào cả trong ấy. Vì dân buôn ở chợ phần lớn là các mệ, các o, các chị ăn nói có vần có lớp đến “nghệ thuật”, có như vậy khách mới vui vẻ ghé quán, sẵn lòng bỏ hầu bao mua lấy thứ hàng mình thích qua khâu “PR” công phu của dân buôn. Tiếng Huế của các mệ, các o đặc sệt cái giọng Huế gốc gác, ý tứ mà nhẹ nhàng. Mua giúp chị cái ni hí; con ơi, mì-xưa cho mệ đi con; áo ni đẹp, em mặc vô, phoọt hết chê… Nhất là các chị trẻ trẻ, nói đã hay mà cười lại duyên, cười đẹp thì bao nhiêu khách cứ nhắm đấy mà vào hàng. Nói chợ Đông Ba là bộ sưu tập các người đẹp xứ Huế thì cũng không sai. Nghe chuyện xưa mấy bác kể chuyện chợ Đông Ba có o bán gạo đẹp như tiên. Học trò đi học thi thoảng tò mò chạy sang hàng gạo mà “dòm” cho bằng được cái khuôn mặt hoa khôi, làn da sáng hơn cả gạo ấy. Còn nhiều, nhiều hoa khôi hàng chợ lắm, kể tên không hết được. Vậy thì, chị em tiểu thương cũng là “một đặc sản” của chợ Đông Ba, của xứ Huế vậy.

Đặc biệt, chợ Đông Ba còn là cái kho chuyện Huế. Mỗi chị em tiểu thương ít nhiều chứa trong trí nhớ hàng trăm câu chuyện trên trời dưới đất của dân Huế, trên phố dưới quê, trong chợ ngoài đường tất tần tật không bao giờ ngơi ngớt. Vào chợ mà nghe mấy o mấy mệ ngồi tán không cũng đã chẳng muốn về. Chuyện Nam, chuyện Bắc, đông tây kim cổ chi cũng đem ra nói được. Vui nhất là những phần bình luận sôi nổi, rôm rả mỗi khi vơi khách. Có những câu chuyện phiếm vui cười, cũng lắm khi những chuyện tai ương, đau khổ. Vào chợ mà nghe dân Huế kể chuyện, nhất là mấy mệ “tra tra”, giọng Huế đặc sệt kể thì mê tít thò lò. Không ít lần đi mua hàng cho nhà, tôi đứng nghe mấy mệ nói, những chuyện Huế xưa xưa, nghe buồn buồn… Nhớ nhất là dì Yến bán hàng tạp hóa, gì Vui bán hàng văn phòng phẩm, kể chuyện Huế thì “hết sẩy”, vừa hấp dẫn, cuốn hút đến chừng như mình sống luôn trong câu chuyện đó.

*

Trong cơ chế thị trường hiện nay, chợ Đông Ba bị cạnh tranh dữ dội bởi hệ thống các siêu thị lớn đã có mặt trong thành phố như Big C, Co.opmart, Thuận Thành… những đại lí, cửa hàng bán lẻ dày đặc khắp các con đường, địa bàn trong tỉnh. Với những mặt hành tân kì, hiện đại, kiểm định chặt chẽ… đã làm giảm đi rất lớn thị phần của chợ Đông Ba. Trước những biến động cạnh tranh đó, chị em tiểu thương đã rất linh hoạt, thức thời trong phương thức kinh doanh để duy trì hoạt động buôn bán của mình. Tôi nhớ có thời điểm chợ Đông Ba hơi ế ẩm lượng khách hàng mua sắm trong thời kì các siêu thị đi vào hoạt động như khi siêu thị Co.opmart (năm 2008), Big C (2009)... với những “chiêu thức” thu hút khách hàng qua những pano quảng cáo giăng khắp các phố lớn. Những ngày mới bắt đầu ấy, khách mua sắm ở chợ vắng đi nhiều. Những dãy hàng hóa ăm ắp nhưng lại ít khách mua sắm. Một chiêu được chị em tiểu thương nghĩ ra đó là “số hóa” giá cả các mặt hàng, tránh tình trạng nói thách thừa thãi như trước. Dày dép, áo quần… dán giá trực tiếp, khỏi hỏi mất công, bán đúng giá và rẻ hơn cả siêu thị. Khách cẩn thận so giá thì biết ngay. Bên cạnh đó, chất lượng mặt hàng cũng được nâng cao. Ở chợ Đông Ba từ hàng chợ cho đến hàng hiệu tất thảy đều có đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Khách hàng đi siêu thị mãi cũng chán nên đã quay lại chợ với hưng khí mới, rộn ràng mà thân thiện, lại có chút gì đó hay hay khi chen chúc trong những gian hàng còn lưu dấu chút hồn gì đó của Huế xưa. Có vậy, chợ Đông Ba mới duy trì được buôn bán nhộn nhịp mỗi ngày.

Chào đón Năm du lịch quốc gia, đặc biệt là Festival Huế 2012 đang đến gần, tập thể cán bộ viên chức và bà con tiểu thương chợ Đông Ba đồng lòng chung sức xây dựng chợ Đông Ba với khẩu hiệu mục tiêu: “An toàn, uy tín, thân thiện, sạch đẹp”3. Hàng loạt các chương trình, kế hoạch đã được chuyển động và triển khai đồng bộ từ năm 2011. Một trong những hoạt động có ý nghĩa nhất đó là ý tưởng khôi phục kiểu thức buôn bán truyền thống của chị em tiểu thương, đó là khi đến chợ sử dụng trang phục áo dài để tham gia hoạt động mua bán tại chợ, tạo nên một không gian mua sắm, tham quan mang đầy “phong cách Huế”. Bên cạnh đó, là việc chưng bày hàng hóa đẹp mắt, phong phú, giá cả niêm yết rõ ràng, chất lượng nguồn gốc hàng hóa đảm bảo, mỗi lô hàng một bảng hiệu, một phong cách mua bán riêng... tạo nên một tổng thể hài hòa mang đậm bản sắc của phụ nữ Huế. Đến với chợ Đông Ba mùa lễ hội, du khách sẽ có dịp đắm mình trong không gian xứ Huế, trong giọng Huế mượt mà lời mời chào và tận hưởng những mùi vị riêng của sản vật xứ Huế đậm đặc trong khuôn viên ngôi chợ cổ kính, sầm uất.

Hiện nay, chợ Đông Ba phải đối mặt với nhiều thách thức. Cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp nhiều, mặc dù đã được lãnh đạo và các ban ngành các cấp quan tâm đầu tư duy tu bảo dưỡng hàng năm. Địa bàn chợ phức tạp do xung quanh đều là đường giao thông nên việc bảo vệ gặp nhiều rất khó khăn; hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường, để xe trái nơi quy định trong giờ cao điểm; một số đối tượng móc túi vẫn lén lút hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động mua bán. Một thách thức không nhỏ khác đó là để có thể tồn tại chợ và đặc biệt là tiểu thương, phải từng bước thay đổi cả về tư duy kinh doanh cũng như nhận thức mới có thế cạnh tranh với các mô hình thương mại hiện đại khác. Ban quản lí và chị em tiểu thương đã ra sức hết mình để duy trì hoạt động buôn bán có hiệu quả, góp phần vào mục tiêu phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chợ Đông Ba là một trong những biểu tượng của vùng văn hóa Huế, lưu giữ độc quyền những giá trị truyền thống, là gallery của vô số sản vật vùng đất, là pho từ điển tiếng Huế sống động, là kho tàng của những chuyện Huế mãi tồn lưu trong trí nhớ các mệ, các o, chị em tiểu thương. Những khoảnh khắc đẹp đã được lưu lại ví như “Chiều vàng bến chợ Đông Ba”, mà người con xứ Huế xa xứ - nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã thổn thức trước vẻ đẹp “Chiều vàng về xôn xao chợ Đông Ba vừa lúc đang tàn rộn rịp khi vào ra. Trời về chiều xuôi Hưng Đạo phố lớn biết bao người rầm rộ, việc xong xuôi một ngày!.

“Đông Ba vẫn đó người ơi
Bên bờ Hương ngóng phương trời xa xăm
Thuyền xuôi Đập Đá thong dong
Mấy o áo trắng còn mong ai về...”


L.V.T.G
(SH278/4-12)


......................................
1 - Xem thêm Võ Xuân Huy – Chợ Đông Ba (Tạp chí Sông Hương số 126, 1999)
2 - Xem thêm Võ Xuân Huy – Chợ Đông Ba (Tạp chí Sông Hương số 126, 1999)
3 - Tham khảo bài viết: “Chợ Đông Ba thời hội nhập”, Th.S Nguyễn Khoa Hoài Hương (BQL chợ Đông Ba)









 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Viết về Huế (13/10/2011)