Ai ra xứ Huế
Cảm thụ Huế
08:39 | 09/11/2012

TRẦN BẠCH ĐẰNG

Mỗi địa danh của đất nước ta chứa mãnh lực riêng rung động lòng người, từ những khía cạnh rất khác nhau. Có lẽ lịch sử và thiên nhiên vốn ghét bệnh "cào bằng", bệnh "tôn ti đẳng cấp" cho nên lưu dấu vết không theo một công thức nào cả. Quy luật khách quan ấy làm phong phú thêm đời sống nội tâm của dân tộc ta.

Cảm thụ Huế
Áo dài Huế xưa - Ảnh: TL

Tôi biết Huế so le với tôi hiểu Huế. Tôi biết Huế khá sớm, trên trang sách học trò. Huế, bấy giờ, đến với tôi trong dáng dấp cổ tích, "chuyện đời xưa", với lớp sương mù dày đặc. "Vua Hàm Nghi" - quyển truyện gieo trong tôi bao nhiêu bồi hồi cùng "Việt Nam sử lược" cung cấp cho tôi một biên niên hào hùng thì ít, chua xót thì nhiều. "Tuy Lý Vương", một truyện khác, dẫn tuổi thơ của tôi đi vào các ngõ ngách của đất thần kinh mà lẽ ra tôi cần chọn các đại lộ.

Vào đầu những năm 30, một quyển sách lưu hành tương đối rộng ở Nam - một chú bé như tôi mà vẫn đọc được: Hoàng Thượng hồi loan - tôi nhớ không chính xác lắm tựa của quyển sách. Đại Nam hoàng đế Bảo Đại cùng Đại Nam Hoàng hậu Nam Phương - khăn bịt màu vàng, áo bào, ngự trên ngai, tại điện Thái Hòa nhận lễ triều yết của trăm quan, người nào cũng phẩm phục, cũng cẩm hốt, cũng mũ cánh chuồn. Quyển sách giới thiệu thêm một số hình ảnh về ông vua trẻ và vợ từ Pháp trở về "chấp chính" sau khi "học thành tài" và "tuần du" cả Bắc lẫn Nam lãnh thổ.

Trung thực mà nói, tôi không thấy một chút khôi hài hoặc "phường tuồng" nào qua quyển sách - sau này, nếu tôi không có dịp gặp lại nó mà nếu tôi buồn cười khi gặp lại nó thì vì tôi đã thay đổi nhãn quan.

Chắc chắn cảm thụ Huế của tôi nửa thế kỷ trước không dính dấp đến gia phả tôi - Một vọng tộc, gọi như thế không có gì quá đáng, dù sinh trưởng từ đất Bến Nghé, Cửu Long vẫn gắn bó với cố đô: cụ tổ nội Trương Gia Thừa Huy thụ tước Bá, cụ tổ ngoại Trịnh Hoài Đức thụ tước Hầu, cụ cố nội Trương Gia Hội từng lãnh Tuần Vũ và Bố Chánh, từng giữ Hà Nội chống Pháp với Nguyễn Tri Phương và từng cùng Nguyên Thông thám sát Nam Tây Nguyên, ông nội và ông chú đều là Tiến Sĩ - Trương Gia Tuân và Trương Gia Mô. Gia phả ấy tôi nghe mẹ kể mà tôi ngỡ mẹ kể về ai đó, xa xôi. Thế hệ ông và cha tôi cắt đứt với quá khứ: họ trong nhóm Đông Du, trong trường Dục Thanh, trong công ty Liên Thành.

Thế nhưng, tôi vẫn bâng khuâng, hẳn vì tâm trạng kẻ mất nước mà cha chú sớm gieo vào tôi tìm trong những ẩn hiện của vang bóng cũ một thoáng gợi nhớ mông lung. Bởi vậy, khi đã là một người Cộng sản, tôi thông cảm với bài thơ của Tố Hữu mô tả cái day dứt của "Đức Kim Thượng" vào đêm quyết định trao ấn kiếm cho chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt hơn 300 năm triều đại Chúa rồi Vua Nguyễn.

Phải chăng đó là một khía cạnh của quy luật tình cảm, thứ quy luật khó đo đạc và mã hóa nhất trong mọi quy luật?

***

Tổng cộng trước sau tôi đến Huế bốn lần. Lần đầu, tôi ở Huế non tuần lễ, viếng thành phố, thăm hoàng thành và các lăng, đàn Nam Giao, chùa Thiên Mụ, cửa Thuận, viếng nhà thờ cụ Phan... Cơn bão số 10 năm 1975 chưa kịp tẩy xóa và cái đập mạnh vào tôi là những luống khoai chưa bén rễ ngay lề đường phố. Lần thứ hai, gọi là đến Huế thì quá cường điệu: tôi đi tàu hỏa qua Thừa Thiên vào ban đêm. Lần thứ ba, vội vã: phải nghe tình hình, phải quan sát đầm phá, phải vào hoàng thành nghiên cứu đồ án do Liên Hiệp Quốc tài trợ để trùng tu. Trong ba ngày, cái gì "xương xẩu" nhất của Huế lật tới lật lui trước tôi với các con số, với các âm thanh nặng tai: sắt, xi măng, điện, gạo thuyền, ngư lưới cụ v.v... và v.v..., trừ một đêm xem hát bội: "Lộ Địch dâng gươm" - Le Cid của Corneille mà Rodrigue, Chimène đều "Việt hóa". Lần thứ tư, cũng khó gọi là đến Huế - ba tiếng đồng hồ ở sân bay Phú Bài trong một chuyến tạm ghé nhờ đổi máy bay, chỉ vài ngày sau cơn bão tệ hại nhất lịch sử Huế, gần đây.

Thời gian quá ít nhưng dù sao tôi vẫn tận mặt Huế và có vẻ tôi hiểu Huế ít nhiều, cộng vào vốn liếng cũ những năm tôi công tác ở thành phố Sài Gòn: phong trào Phật tử, vụ Đặng Sĩ và chùa Từ Đàm, vụ Ngô Đình Cẩn, Cả Lễ, Dương Quang Đông, sự kiện Mậu Thân v.v... Một số nòng cốt của phong trào Sài Gòn là người Huế - Hoàng Phủ Ngọc Phan chẳng hạn - trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc với tôi.

Tất nhiên, dù sao, tôi vẫn chưa được hưởng cái thú cùng mái chèo vỗ sông Hương hòa với tiếng hò mái đẩy hoặc điệu Nam Bình lướt qua Vĩ Dạ đêm trăng. Một lần nữa, tôi cám ơn Tố Hữu - anh giúp tôi phương tiện khám phá Huế, từ những bài thơ trước cách mạng tháng Tám đến bài anh tạ lỗi với bà con đã không sớm về quê khi Huế được giải phóng.

Tôi cũng cám ơn Đông Hồ:

Gió chiều vướng áo nàng tôn nữ
Quay lõng nghiêng vành chiếc nón thơ

Dù nhà thơ đất Hà Tiên nhìn Huế hoàn toàn hình thức. Ngay cả một bài hát, ta gọi là "nhạc vàng".

Chiều nay mưa trên phố Huế... không phải vô ích với tôi.

Mỗi người có chỗ đứng để nhìn Huế, mà Huế thì nhiều góc độ và cái nhìn bao trùm quyết định từ chiều dài của năm tháng cùng các biến thiên trên lưng Huế - không do Huế tự tạo ra. Trong ba "thủ phủ" của Việt Nam, Huế như cô gái rụt rè, "anh hoa không phát tiết ra ngoài" sống với nội tâm bên cạnh hai anh trai, người nào cũng phong lưu tài tuấn, hào khí ngất trời, nhất là người anh hai bao giờ cũng sôi sục.

Huế - ở đây, tôi khái quát cả vùng Thuận Hóa - về mặt lịch sử, là "trạm trung chuyển" trên đường Nam tiến của dân tộc. Chọn nam Sông Gianh, Ái Tử rồi Huế làm thủ phủ, có thể là ngẫu nhiên, có thể là tất yếu đối với các chúa Nguyễn - chưa thể định đô nam đèo Hải Vân thật an toàn. Các nhà sử học sẽ làm sáng tỏ vấn đề này. Bất kể như thế nào, Huế vẫn là một trung tâm chính trị và văn hóa, trước của Đàng Trong, sau của cả nước hơn ba thế kỷ. Muốn hay không, Huế vẫn tác động trong đời sống của đất nước - mức tác động cao thấp là một chuyện.

Tôi xin mở ngoặc. Khoa học Macxít phản đối thái độ phê phán lịch sử thiên lệch. Không phải các chúa Nguyễn rạch ròng tội lỗi - vào một thời kỳ nào đó, Đàng Trong ổn định hơn Đàng Ngoài, nơi mà chúa Trịnh gây bao nhiêu tai họa cho dân. Tuy nhiên, quy luật phát triển của chế độ phong kiến không ngoại lệ: các chúa Nguyễn càng về sau càng bê bối và trực tiếp trở thành nguyên nhân bộc khởi của phong trào Tây Sơn. Vua Nguyễn càng thối tha bỉ ổi, song không phải họ không làm được một việc tốt nào cả - tôi không nói Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân (Duy Tân 1916 chớ không phải đại úy phi công Duy Tân sau này) mà nói Minh Mạng, Tự Đức. Triều thần xấu nhiều, song cũng không chỉ có kẻ xấu. Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết, Cao Xuân Dục... trước kia; Nguyễn Khuyến, Bùi Bằng Đoàn, Hồ Đắc Điềm, Phạm Khắc Hoè... sau này. Ngay Ngô Đình Khả không chịu ký tên truất phế Thành Thái dưới sức ép của Pháp, cũng cần được đánh giá công bằng. Tôi đóng ngoặc.

***

Cảm thụ về Huế, như tôi vừa cố gắng viết ra lời, vẫn còn ở bề ngoài, ở những cái phụ. Nhưng cái chính là gì? Thật khó trả lời ngắn gọn.

Có lẽ, cái chính là tới khi tôi viết bài này - bài văn xuôi đầu tiên của tôi về Huế - Huế vẫn là một thành phố tồn tại dưới chế độ xã hội chủ nghĩa suốt 11 năm và mọi biểu hiện báo trước rằng Huế dọn mình để trở thành một thành phố mãi mãi của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Điều tôi "phát hiện" hiển nhiên như "sự thật La Palisse" chăng? Không đâu. Tôi hiểu Huế từ cái mà tôi cho là rất đáng yêu, đáng kính trọng đó.

Một cố đô, một trung tâm và Huế không phải không trải qua những năm tháng với cái vỏ được chủ nghĩa thực dân, đặc biệt chủ nghĩa thực dân mới khoác cho chiếc áo choàng màu dù cho kém sặc sỡ hơn Đà Nẵng và các thành phố phía Nam - vì là nơi giáp giới tuyến quân sự. Nhưng, như trên kia tôi có nhắc, phong trào lật Ngô Đình Diệm dưới danh nghĩa Phật giáo nhen nhóm từ đây. Dĩ nhiên, Huế có nhiều chùa, nhiều sư, trong đó nhiều cao tăng và chính sách của Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo tại đây rất thô bạo. Nhưng, thực chất của vấn đề không phải là tôn giáo - chúng ta không phủ nhận bàn tay của các phe phái thân Mỹ chống Diệm mà cũng chống Cộng, kể cả chính bàn tay của Mỹ thọc vào - thực chất của vấn đề vẫn là quần chúng. Lùi xa hơn, phong trào yêu nước và cách mạng xuất hiện ở Huế khá sớm, chúng ta biết Trần Cao Vân, Thái Phiên, chúng ta biết trường Quốc học. Bởi, cũng như những nơi khác. Huế vẫn có quần chúng bị áp bức, vẫn có những người trí thức yêu nước, vẫn chịu tác động của tình hình cả nước.

Bài hát "Bình Trị Thiên khói lửa" nói lên phần nào mặt khác của mảnh đất mà Huế là cái rốn trong đánh Pháp. Tôi nghe một bài thơ - tương truyền là đoàn cán bộ từ Bình Trị Thiên ra vùng tự do, trong đó có Chế Lan Viên, vượt Liên U Ba Rền, mỗi người làm một câu:

Ra Thanh Nghệ Tĩnh, nhớ Bình Trị Thiên
Núi cao xanh ngát Ba Rền
Leo lên đnh núi ngoảnh nhìn mà đau.
Chém cha thằng Pháp mưu sâu
Đ bao xương máu đồng bào miền trong
Lúa tao bây cướp giữa đồng
Nhà tao bây phá bây dồn tan hoang
Căm thù đã sắc lá gan
Thì cho bây rụi bây tàn mới thôi
Thắng to thì phải đánh dài
Từ đêm tăm tối thấy ngày nắng lên.
Đi qua đỉnh núi Ba Rền
Ngoảnh nhìn Bình Trị - Thừa Thiên vững lòng!

Tôi ghi sáng tác tập thơ này bằng trí nhớ, nhất định "tam sao thất bản". Song, ở đây ta không nói chuyện văn thơ mà nói chuyện Huế - một Huế tự khẳng định theo luồng lịch sử khác. Tố Hữu là nhà thơ Huế. Nguyễn Chí Thanh là người Thừa Thiên. Mảnh đất này cung cấp cho đất nước không kém bất kỳ đâu những chiến sĩ trung kiên, ngay vào thời đại Cộng sản. Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Vỹ, Tôn Thất Dương Kỵ và trẻ hơn, Tôn Thất Lập...

Tôi không định liệt kê danh sách và cũng chỉ muốn nhắc họ Tôn Thất, một vài người mà thôi.

Huế có lao Thừa Phủ - nghĩa là đất Thần Kinh không chỉ một mực êm ả. Có "Đêm tàn Bến Ngự" đồng thời có "Huế ơi, đứng dậy". Tôi thân một linh mục - nay đã hoàn tục - anh Nguyễn Ngọc Lan. Một người Huế dám bảo Thiệu, công khai trên báo: nếu Tổng thống không thích khẩu hiệu chống Mỹ cứu nước thì tôi giúp cho một khẩu hiệu khác hợp hơn: Chống nước cứu Mỹ!

Vào giữa bài, tôi nói đến những luống khoai ven đường phố Huế. Những năm thử thách với Huế thật ác liệt, tôi tìm thấy mối dây liên lạc giữa luống khoai chống đói đất Thần Kinh với lời trối của một đồng chí của cụ Phan Bội Châu lúc hy sinh:

"Ngày kia nếu dẹp xong giặc nước
Xin nhớ cành hoa cắm trước mồ."
                                    (Phỏng dịch)

Cái buồn man mác của Huế bắt nguồn sâu xa, song cái vui của Huế lại không phải thiếu gốc rễ. Có lẽ người ngoài nhìn Huế với thói quen dễ dãi cũ, thậm chí, không loại trừ trường hợp người có trách nhiệm của chế độ chúng ta ở Huế nhìn Huế chưa đúng với con mắt Huế.

Ở đâu mà con người hiểu cơn phế hưng với đầy đủ chi tiết như con người Huế? Cái âm thầm là niềm khắc khoải. Và, do vậy, không ở đâu mà con người bình thường khao khát trút bỏ cái âm thầm, khắc khoải như con người Huế. Xét về một khía cạnh -khía cạnh chủ yếu - đó là tiền đề cho sự thoát xác đột biến. Có thể người Huế không cần ồn ào- song người Huế thích cười, nhất định như vậy. Cổ vũ cho một Huế nhận

chân mình từ điểm xuất phát khác - chẳng liên quan gì đến Điện Thái Hòa, Tử Cấm Thành, Phú Văn Lâu, thậm chí chẳng phải tiếng thu, không chỉ là tiếng chuông chùa-công việc của những người thao thức vì một Huế hiện đại, một Huế xã hội chủ nghĩa, thao thức của mọi người Huế.

Di tích phải bảo tồn nhưng bảo tồn di tích với trục bỏ nỗi ám ảnh của quá khứ là hai việc riêng biệt. Trùng tu di tích- phải làm. Phương tiện khoa học phát hiện và phân tích quá khứ, phương tiện mời khách du lịch... nhưng Huế phục chế, trùng tu tất cả không để khoe rằng giá trị tinh thần của người Huế đóng khung trong không gian và thời gian chật hẹp như thế. "Lý lịch" của Huế sẽ nghèo nàn nếu không giới hạn độ rung động về cái cũ ở mức cần thiết, nếu đồng hóa những đền đài, lăng tẩm như biểu trưng chính yếu của Huế - công việc mà trước đây, hội "Đô thành hiếu cổ" (Société des amis du vieux Huế) dồn sức vào.

Huế mới, hơn cả tượng hình, đã nên vóc dáng. Tôi yêu một Huế thanh tú, một cô gái mảnh mai, cổ kính sống đường hoàng với sắn, với rau ngần ấy năm, không phải không quặn thắt từng cơn trước những điều đôi khi phũ phàng nữa nhưng đôi mắt trong suốt nhìn qua cả khối hoàng thành bây giờ thì xám đậm, qua cả những chuyện, những cảnh xù xì của buổi đầu cách mạng, để chắt lọc cái gì là tương lai.

Huế đáng yêu từ chỗ thật đáng yêu ấy. Và tôi cảm thụ Huế - tôi tin là tôi, cảm thụ cái tinh chất, cái tinh khiết, cái "trong ngọc trắng ngà" của Huế, cái tiếng nói nhỏ nhẻ, giàu âm điệu, gợi tình vô cùng dễ thương của cô gái Huế- của cả xứ Huế...

Tháng 12-1986
T.B.Đ.
(SH24/4-87)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng