Ai ra xứ Huế
Phong trào đô thị Huế trong Xuân 1968
10:00 | 04/02/2013

LÊ VĂN LÂN

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 với việc chiếm giữ Huế 26 ngày đêm đã tạo nên bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm sụp đổ chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy, làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán Paris.

Phong trào đô thị Huế trong Xuân 1968
Tranh bút sắt Bửu Chỉ

Sự kiện Mậu Thân ở Huế đã được trình bày, phân tích với nhiều nhãn quan khác nhau ở nhiều phía diễn ra ở nhiều hội thảo khoa học và vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng với việc làm chủ thành phố 26 ngày đêm, Huế đã đóng góp xuất sắc trong lịch sử chống Mỹ cứu nước và như một tờ báo nước ngoài đã viết lúc đó: “Hiện nay có một cái tên đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới - đó là thành phố Huế - kinh đô cũ của nước Việt Nam xưa. Ngày nay, Huế đang đi vào lịch sử, các thành phố anh hùng như... Stalin-grat. Huế là một trang sử hiển hách trong cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Huế sẽ là một vừng dương trong lịch sử với những dấu vết anh hùng, bất tử của những chiến công hiện nay”.

PHONG TRÀO ĐÔ THỊ TRONG XUÂN 1968

Khi nói đến thắng lợi của cuộc tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1968, mọi đánh giá đều nói nhiều đến chiến công quân sự và đề cập đến nổi dậy thường chưa được đầy đủ và chưa thực sự tương xứng. Nhưng chính sự nổi dậy của quần chúng, đưa phong trào đô thị lên cao trào đã tạo nên sự đột biến và tạo nên một chất lượng mới trong tình thế cách mạng, đó chính là sự khác biệt của Huế so với các đô thị trong cả nước trong chiến dịch xuân 1968. Chúng ta đều biết tham gia đánh Huế trong xuân 68 cả quân sự lẫn chính trị khoảng 3.000 đến 4.000 tay súng, lương thực thiếu thốn, đạn dược không đầy đủ và không có lực lượng dự bị. Trong lúc đó, Mỹ - Ngụy lực lượng gấp cả chục lần, trang bị đầy đủ hiện đại với máy bay, tàu chiến, xe tăng; hậu cần dồi dào... Hệ thống kềm kẹp dày đặc vòng trong vòng ngoài. Ngay trong tư tưởng của kẻ thù: Nếu cách mạng đánh vào Huế chỉ cần phản kích là bật ra ngay. Và rõ ràng tình hình các đô thị miền Nam trong Mậu Thân đều diễn ra như vậy.

Thật vậy, xét trên bình diện tương quan lực lượng chiếm Huế rất khó khăn, chiếm được rồi giữ Huế lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng trên khía cạnh tương quan lực lượng, cùng cú đấm quân sự là sự nổi dậy của 25 vạn nhân dân thành phố, của phong trào đô thị thì ta áp đảo địch gấp nhiều lần. Do vậy, tiến công trong vài giờ cách mạng đã chiếm được Huế, cơ quan đầu não của địch bị tê liệt hoàn toàn, chính quyền và bộ máy kềm kẹp của địch từ tỉnh đến cơ sở bị giải tán, 36 cơ quan ngụy của tỉnh và miền Trung bị chiếm, bọn đầu não đều trốn chạy và ra hàng... Quá trình chiếm giữ thành phố 26 ngày đêm toàn bộ khâu hậu cần, tải thương, chăm sóc thương binh, chôn cất tử sĩ đều do người dân Huế đảm trách, lực lượng cách mạng lớn mạnh nhiều lần với sự hăng hái tham gia của thanh niên thành phố.

Nói đến thắng lợi Xuân 1968 ở Huế không thể không nói đến vấn đề đầu tiên là quá trình chuẩn bị. Phong trào đô thị là ngòi pháo xung kích. Có thể nói, sau khi bị đàn áp khốc liệt năm 1966, phong trào đô thị dần khôi phục với các cuộc đấu tranh chống bầu cử quốc hội lập hiến, đòi hòa bình dân chủ dân sinh, bài trừ văn hóa nô dịch... khuếch trương các chiến thắng của cách mạng ở đường 9, các cuộc tấn công ở Huế như đánh vào khách sạn Hương Giang, trung tâm huấn luyện nghĩa quân Long Thọ, vào quận Hữu Ngạn, vào Trại Lê Lợi, vào trụ sở xã Thủy Phú (phường Xuân Phú ngày nay)... gieo rắc hoang mang dao động, gây mất niềm tin trong bộ máy kềm kẹp của Mỹ Ngụy...

Chuẩn bị cho cuộc tổng công kích và khởi nghĩa ở Huế, các đồng chí Hoàng Lanh, Hoàng Kim Loan, Phan Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Huế đột nhập vào Huế; các đồng chí Nguyễn Hường Thọ, Phan Trung Chính bám sát vùng ven Huế. Lực lượng nổi dậy của Huế gồm nhiều chùa chiền trong thành phố; nhiều cơ sở trong thành phố như nhà cụ Nguyễn Hữu Đính, bác sĩ Thân Trọng Phước, giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm, Nguyễn Thúc Tuân, Trần Thân Mỹ, nhà bác Lê Hữu Trí, cô Hoàng Thị An... đã trở thành nơi tập kết vũ khí, nơi ém quân áp sát các mục tiêu, nơi phân phối lực lượng hoa tiêu dẫn đường, nơi phát hiệu lệnh nổi dậy... Có thể nói hầu như toàn thành phố, phường xã nào cũng đều có những pháo đài như thế. Ngay trong các cơ quan của ngụy quyền như khách sạn Hương Giang, quận 3, nhà máy điện, ga Huế... cũng đều có “dân đô thị cài cắm”. Điều này nói lên vì sao ta đưa một lực lượng, khí tài quân sự lớn vào thành phố trong một thời gian dài mà vẫn bảo đảm được bí mật, bất ngờ, lúc hành quân thì không một đội hình nào bị phát hiện, cắt ngang. Các đòn tấn công đều nhằm vào chỗ hiểm, chiếm toàn bộ thành phố chỉ trong vài giờ làm địch hoang mang, dao động, bị động lúng túng trong một thời gian dài. Thành phố gần như nằm trong lòng bàn tay của cách mạng...

Và điều thể hiện khác biệt lớn nhất của Huế so với các thành thị miền Nam là liền sau giải phóng Huế, chính quyền cách mạng được thành lập và ra mắt long trọng từ tỉnh đến cơ sở mà chủ chốt là các thành viên phong trào đô thị với các nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, sinh viên học sinh có uy tín ở Huế. Chủ tịch UBND cách mạng của tỉnh là giáo sư Lê Văn Hảo, Phó chủ tịch là bà Nguyễn Đình Chi, nguyên Hiệu trưởng trường Đồng Khánh Huế; Chủ tịch UBND cách mạng quận Thành Nội là giáo sư Nguyễn Hữu Vấn, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế, tham gia UBND cách mạng quận 1 có giáo sư Trần Bá Chữ, trường Trung học Kiểu mẫu; Chủ tịch UBND cách mạng khu phố 2 là anh Nguyễn Thiết, sinh viên Đại học Luật khoa Huế, Chủ tịch UBND cách mạng khu phố 6 là bác Phan Thiên Tường, chủ hiệu thuốc bắc Thiên Tường... UBND cách mạng các cấp trong một thời gian ngắn đã giải quyết một núi công việc đồ sộ: Tổ chức tiếp nhận ngụy quân ra trình diện, thành lập đoàn nghĩa binh, tập trung lực lượng ngụy quyền ở cơ quan cũ bảo quản tài liệu máy móc thiết bị. Truy bắt số ác ôn nợ máu không chịu ra đầu thú. Tổ chức cho thanh niên vào các đội công tác cùng nhân dân đào hầm hào trú ẩn; bổ sung vào các đội hình cách mạng, hình thành các trạm chăm sóc điều trị thương binh, di chuyển thương binh, chôn cất tử sĩ. Và có thể nói chính quyền cách mạng đảm trách toàn bộ khâu hậu cần trong suốt chiến dịch: phục vụ cơm nước cho các đơn vị chiến đấu, mở các kho gạo cứu đói cho nhân dân...

Một sự kiện độc đáo của cách mạng miền Nam là trong suốt 26 ngày đêm chiếm giữ Huế, lá cờ được treo ở Kỳ Đài là lá cờ của Liên minh các lực lượng dân chủ hòa bình, lá cờ là biểu tượng của phong trào đô thị. Cờ rộng 96m gồm hai băng xanh, giữa đỏ và ngôi sao vàng, cờ do chị Lê Thị Mai may (chị Mai là chị ruột của anh Lê Quang Vịnh). Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hòa bình thành phố ra đời sớm nhất gồm những nhân sĩ trí thức tôn giáo yêu nước có nhiều uy tín và tiêu biểu của Huế như Hòa thượng Thích Đôn Hậu, giáo sư Nguyễn Đóa (sau này là Phó chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), bà Nguyễn Đình Chi, giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Văn Hảo v.v. Việc hình thành liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hòa bình với sự tham gia của các nhân sĩ, trí thức, tôn giáo lớn của Huế mang theo bao tình cảm của nhân dân hướng về cách mạng, là cơ sở cho việc phát triển cơ sở nội thành, phong trào đô thị sau này. 26 ngày đêm treo cờ liên minh trên Kỳ Đài thể hiện uy thế nổi dậy của phong trào đô thị Huế.

ĐÔI ĐIỀU VỀ XUÂN 1968

Có thể nói ngoài những đánh giá nghiêm túc, khách quan khoa học về thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy của Mùa xuân 68 ở Huế, đó đây vẫn còn những xuyên tạc làm lu mờ thắng lợi của cuộc tổng tiến công nổi dậy, lấp lửng xóa mờ tội ác kẻ thù đối với nhân dân. Điều này, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp đâu đó, như trong truyện của Nhã Ca (Giải khăn sô cho Huế), hoặc trong Hồi ký của Liên Thành, nguyên Trưởng ty cảnh sát ngụy hồi đó (Biến động miền Trung) nhằm bôi nhọ những người tham gia kháng chiến, phong trào đô thị, bao che tội ác cho kẻ thù và ngay chính mình.

Trước hết, phản kích chiếm lại Huế, một sự thật không ai có thể phủ nhận được, trong suốt 26 ngày đêm Mỹ ngụy đã biến Huế, vùng ven Huế trở thành vùng oanh kích tự do. Hàng ngàn tấn bom pháo của Mỹ ngụy đã phá nát thành phố và vùng ven Huế thành bình địa. Thấy thành quách là ném bom, thấy nhà cửa là ném bom, thấy có người là ném bom... Trên 80% nhà cửa ở Huế đã bị phá hủy. Sự bắn phá vô tội vạ này đã gây bao chết chóc thương vong lên đầu người dân Huế, đây là tội ác lớn nhất mà ngay cả kẻ thù cũng không thể phủ nhận được.

Khi cách mạng rút ra khỏi thành phố, cả thành phố chìm ngập trong màn đêm của khủng bố, nhiều người trong phong trào đô thị qua bàn tay đẫm máu của Liên Thành, đã bị chúng bắt và trả thù man rợ. Như trường hợp ba cha con ông Phan Thiên Tường, chủ tiệm thuốc Bắc Thiên Tường bị bắt và bắn ngay tại chỗ. Các nhà tù của Ngụy như trại tạm giam, Lao Thừa Phủ với việc bắt bớ hàng loạt, chật ních người, hầu như không có phường xã nào là không có người bị bắt. Hành động khát máu của Liên Thành thật sự tiêu biểu cho cuộc chiến phi nghĩa mà Mỹ Ngụy tiến hành. Cả thầy mình, bạn mình Liên Thành đều giết. Và cũng chính sự khát máu của Liên Thành đã đẩy những người yêu nước ở Huế không còn con đường nào khác là cầm súng lên rừng tham gia kháng chiến.

Phong trào đô thị Huế là đỉnh cao của phong trào đô thị miền Nam. Phong trào diễn ra trong sự kiện Xuân 1968 ở Huế đã mở ra một tình thế mới, một chất lượng mới của cách mạng miền Nam. Phong trào đô thị Sài Gòn đã được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang. Còn phong trào đô thị Huế thì sao?

L.V.L
(SH288/02-13)









 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Cảm thụ Huế (09/11/2012)