NGUYỄN HUY KHUYẾN
Vườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của thời Nguyễn, từng được vua Thiệu Trị xếp là thắng cảnh thứ 2 trong 20 cảnh của đất Thần Kinh. Khu vườn này đã được đi vào thơ ca của các vua nhà Nguyễn như là một đề tài không thể thiếu.
Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có thơ về vườn Thiệu Phương. Tuy nhiên lâu nay các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm được một số bài của vua Minh Mạng và Thiệu Trị, còn của vua Tự Đức thì chưa được giới thiệu. May mắn thay, tại Đà Lạt, trong Dinh II còn lưu giữ được một số bài thơ của vua Tự Đức trên tấm bình phong quý, trên đó có khắc bài thơ Ngự chế về vườn Thiệu Phương. Thiết nghĩ đây là bài thơ hay, là tư liệu quý về vườn Ngự uyển, vì vậy chúng tôi xin được giới thiệu toàn văn bài thơ này.
Vườn Thiệu Phương trong chính sử
Thiệu Phương viên là một trong 4 Ngự uyển trong Hoàng thành, gồm Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Doanh Châu. Vườn được xây dựng từ năm 1828, thời Minh Mạng, sách Đại Nam thực lục cho biết “Làm vườn Thiệu Phương (ở bên tả trong cung thành), trong vườn dựng điện Hoàng Phúc cùng các đường, các biên và hồi lang (Cẩm Xuân đường, Di Nhiên đường, Hàm Xuân hiên, Vĩnh Phương hiên, Hồi lang chữ vạn, Tứ phương ninh bật đường, Nam Phong giải uẩn đường”. Phía đông, bên trong cửa Hưng Khánh, thuộc Tử Cấm Thành. Phía nam vườn là khu Duyệt Thị Đường; phía bắc - qua hồ Ngọc Dịch là Ngự Viên; phía tây là Thanh Hạ Thư Lâu (sau là Thái Bình Lâu) và phía đông là bờ tường phía đông của Tử Cấm thành. Quanh vườn có tường gạch bao bọc, cửa chính mở về phía nam. Vườn nổi tiếng với kiểu cấu trúc “vạn tự hồi lang”. Tại 4 góc của hồi lang này có 4 công trình kiến trúc nhỏ, gồm 2 đường và 2 hiên. Tên Thiệu Phương theo gốc Hán có nghĩa là “nối thơm” trỏ ý rằng khu vườn này là nơi tụ họp của các loài hoa thơm cỏ lạ nối đời tỏa hương thơm. Nơi đây là khu dạo chơi của vua và đình thần trong lúc rảnh rỗi. Sách Đại Nam thực lục cho biết thêm: “Vua đi chơi vườn Thiệu Phương, triệu đình thần vào hầu, cho ngồi ở hành lang chữ vạn, thong dong uống nước chè ăn quả rồi về”. Như vậy, vườn Thiệu Phương là một trong những nơi nghỉ ngơi của vua, chẳng thế mà các vua đã làm nhiều bài thơ về vườn này. Trong đó nổi tiếng là các vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Bài thơ Ngự chế của vua Tự Đức về vườn Thiệu Phương
Nguồn gốc của bài thơ theo như chúng tôi đọc được trên bức bình phong quý tại Dinh II - Đà Lạt. Bài thơ có tựa đề: Đông tình quá Thiệu Phương viên tùy bút, có nghĩa là: Làm thơ trong lúc qua vườn Thiệu Phương lúc trời hửng nắng mùa đông. Bài thơ viết bằng chữ Hán theo thể Hành sau đó được khắc lên gỗ. Bài thơ này có 4 câu theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Cuối bài thơ được ghi rõ là Tự Đức Ngự chế thi, tức là thơ Ngự chế của vua Tự Đức.
Phiên âm bài thơ:
Dĩ quá tùng hiên hựu trúc hiên,
Lưu âm nhiễu các lục xâm môn.
Cơ kinh sương vũ hoàn vô dạng,
Lưu đắc thanh thông hộ ngự viên.
Dịch nghĩa: Đã đi qua mái hiên tùng lại qua hiên trúc,/ Tiếng nước chảy xung quanh màu xanh cây cối chen cả cửa./ Trải qua bao lần mưa gió còn không việc gì,/ Vẫn giữ được màu xanh bảo vệ cho vườn ngự.
Dịch thơ:
Đã qua hiên trúc lại hiên tùng,
Nước chảy bao quanh rợp bóng cây.
Bao lần sương gió hèn chi nhỉ,
Cây cối tốt tươi hộ ngự viên.
Qua bài thơ trên, chúng ta có thể hình dung được rằng, trong vườn Thiệu Phương trồng rất nhiều loại cây. Trong đó nổi tiếng nhất là vải, sau đó đến các loại khác như tùng, trúc. Trong Đại Nam thực lục, có ghi lại, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), nhà vua đã từng mời quần thần vào vườn chơi và lệnh cho hái quả vải để ban cho mọi người và ông có làm thơ vịnh về việc này. Bài thơ của vua Tự Đức là một tư liệu hay về vườn Thiệu Phương, có thể phục vụ cho công tác trùng tu. Xin trân trọng giới thiệu.
N.H.K
(SH288/02-13)