Ai ra xứ Huế
Kinh thành Huế và Kinh dịch
17:06 | 18/12/2008
NGUYỄN TIẾN VỞNKinh Dịch (Chu Dịch) là sách về sự biến đổi. Dịch, nói gọn lại là biến đổi. Tinh thần xuyên suốt của Kinh Dịch là quy luật chuyển dời, biến hoá của vạn vật trong cõi trời đất. Mọi vật, bất kể to lớn như vũ trụ, hay nhỏ nhoi như các nguyên tử, đều không bao giờ đứng yên. Mọi sự, từ chuyện người có thể biết đến chuyện chỉ trời đất biết, cũng vận động biến hoá khôn lường.
Kinh thành Huế và Kinh dịch

Người thấm nhuần được cái lõi của Kinh Dịch là người biết chấp nhận và vận dụng đúng quy luật về sự biến đổi, không coi thường nó, chống lại nó, cũng không sợ hãi nó. Điều này rất gần với tinh thần của Phật để có thể tiến tới cuộc sống an nhiên tự tại.
Trong quá trình xây dựng kinh đô cũng như các kiến trúc cụ thể của kinh thành Huế, tinh thần Dịch được thể hiện sâu sắc qua từng chi tiết đến toàn bộ tổng thể. Ví dụ, trong cuốn “Từ Ngọ môn đến Thái Hoà điện”, Huỳnh Minh Đức đã phân tích khá sâu sắc về triết lý chữ Văn trong kiến trúc cung điện nhà Nguyễn ở Huế. Từ gốc Kinh Dịch, tác giả đã lý giải ý tưởng của các vua chúa Nguyễn nhằm thể hiện mối quan hệ hài hoà, sống động giữa vạn vật - chữ Văn, trong kiến trúc kinh thành Huế.
Thế còn việc chọn Huế là địa điểm xây dựng kinh đô thì thế nào? Liệu quan niệm Dịch có ảnh hưởng gì đến sự chọn lựa này không? Xin để các nhà văn hoá am hiểu Huế cho câu trả lời. Người viết chỉ dám bình theo cảm tính riêng, rất chủ quan, của cá nhân mình mà thôi.

Trước hết, từ xa xưa Huế là nơi hội tụ của nhiều nền văn hoá. Những dòng cư trú của người Việt, Chăm, Chứt, Bru, Tàôi, v.v... hội tụ, giao thoa tại xứ Huế qua suốt chiều dọc của lịch sử, đã tạo ra một bản sắc rất đặc biệt của văn hoá Huế. Bên cạnh văn hoá Đông Sơn có nét dáng của văn hoá Sa Huỳnh. Xen lẫn vào nền thuần Việt là sắc màu của Chiêm Thành, Chân Lạp. Có thể thấy nét biển trên cao Trường Sơn, đồng thời có thể thấy rõ vết tích nhà sàn ngay tại phá Tam Giang. Đó là chưa kể suốt mấy trăm năm triều Nguyễn những tinh hoa văn hiến xứ Bắc, xứ đã hội tụ, quây quần về đây.
Về mặt tự nhiên, Huế cũng là một xứ rất độc đáo. Bởi là nơi chuyển tiếp khí hậu từ cận nhiệt đới ở phía bắc sang nhiệt đới ở miền nên Huế là nơi tụ hội cỏ cây hoa trái của hai miền nam bắc. Cây ưa lạnh ở xứ Bắc vào, cây ưa nắng nóng từ phía nam ra, đến Huế thì dừng lại, không tiến xa được nữa. Huế không rét như Hà Nội nhưng mỗi năm ít nhất cũng có dăm ba ngày đủ rét để dân Huế xuýt xoa. Huế không nhiều nắng như Sài Gòn nhưng đã nắng là nắng như đổ lửa.

Song đặc điểm nổi bật nhất về thiên nhiên xứ Huế là mưa. Ở nước ta, lượng mưa bình quân hàng năm ở xứ Huế thuộc hàng lớn nhất (dao động từ 2800 đến 3200 mm), có lẽ chỉ sau hai địa phương là Bà Nà (Quảng Nam) và đảo Phú Quốc có lượng mưa trên 4000 mm. Mưa Huế lại tập trung thành mùa, liên miên không nghỉ, đối lập hoàn toàn với những tháng nắng nóng không ngừng của mùa hè. Nắng lắm thì mưa nhiều. Mưa nhiều tất sinh ra lụt. Ở Huế mỗi năm một lụt nhỏ, vài năm một lụt vừa, mươi năm một lụt to, và cứ mấy chục năm lại một đại lụt. Nếu nói Huế là vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất nước ta thì chưa hẳn đã đúng. Nhưng nếu nói Huế là nơi có khí hậu mang nhiều sắc thái, và quan trọng hơn, là nơi có biến động thời tiết theo mùa nhiều nhất, mạnh nhất ở Việt thì chắc chắn không sai.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, gốc tại Gia MiêuThanh Hoá, đã từng ở Thăng Long nhiều năm. Năm 1600, ngài phải bỏ Thăng Long vào . Tiếp nối Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, hậu duệ của ông từ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ra sức mở cõi về , đến Nguyễn Phúc Ánh thì Việt ta có được hình hài như bây giờ. Cuối thế kỷ 18, Tây Sơn diệt Lê-Trịnh.Đầu thế kỷ 19, Nhà Nguyễn diệt Tây Sơn, kết thúc 3 thế kỷ cướp ngôi, tranh quyền, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt của lịch sử cận đại Việt Nam. Phát tích từ đất Thanh, ra Thăng Long, rồi mở mang bờ cõi đến tận biển phương Nam, nhà Nguyễn không thể không thông hiểu địa lý nước nhà. Lại càng không thể không đủ tư cách để chọn bất cứ nơi nào “mưa thuận gió hoà” làm kinh đô cho đất nước. Câu sấm của thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm cho Chúa Tiên “Hoành Sơn nhất đái; Vạn đại dung thân” cũng không hề nói rõ phải chọn Huế làm kinh đô. Trong tiến trình “mở cõi về Nam”, nhà Nguyễn đâu chỉ gắn bó với Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát, Phước Yên, Kim Long, Phú Xuân, mà còn Hội An, Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hoà v.v... đến Đồng Nai, Vũng Tàu - Bà Rịa, Gia Định, Tiền Giang, v.v... rồi Đồng Tháp, Vĩnh Long,An Giang, Kiên Giang, Cả một dải đất mênh mông và không thiếu nơi mưa thuận gióa hoà để có thể làm kinh đô mới, nếu nhà Nguyễn không muốn quay lại với Thăng Long.

Nhưng nhà Nguyễn vẫn chọn Huế. Phải chăng ngoài sự chỉ bảo của Trời Đất (huyền thoại Thiên Mụ), Huế còn là đắc địa đế làm kinh đô? Cái đắc địa của kinh thành Huế, không giản đơn chỉ là “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ”, với sông Hương, núi Ngự, hay khí thiêng tụ ở Kim Phụng Sơn, trục Thiên - Địa chạy qua Vọng Cảnh Đồi. Sự đắc địa ở đây còn là hệ sinh thái đa dạng nhất so với cả nước. Xứ Huế có đại ngàn Trường Sơn với 2 cái chân lớn cắm ra biển phía xa xa, Hoành Sơn phía bắc và Hải Vân phía nam, ôm gọn nó vào lòng. Xứ Huế có phá Tam Giang lớn nhất vùng Đông Nam Á. Xứ Huế không có đồng bằng mênh mông như Bắc hay Nam Bộ, nhưng châu thổ sông Hương, sông Bồ, xa hơn chút nữa là sông Hiếu, Truồi, Nong, cũng đủ mầu mỡ để nhiều loại cây trái, hoa màu đặc sản chọn làm quê hương. Ngay tại lúc này, cái thời mà môi sinh đang bị xói mòn phá huỷ với tốc độ chóng mặt, hàng ngày người dân Huế vẫn có thể thưởng thức đủ loại thực phẩm tươi sống từ biển từ đầm phá lên hay chim thú từ rừng núi xuống. Những thứ đắc địa đó dễ thấy và đương nhiên cũng có thể là những lý do để nhà Nguyễn chọn Huế làm nơi “Vạn Đại dung thân”.

Nhưng có lẽ còn một lý do nữa, một sự “đắc địa” đặc biệt nữa để kinh đô nhà Nguyễn phải là Huế. Đó là sự nắng lắm mưa nhiều, nóng lạnh thay nhau bốn mùa chế tiết với mức độ, tính chất chuyển dịch độc đáo nhất so với cả nước. Đó là hạn cháy đồng, mưa sụt núi. Đó là chuyển động của lửa, của nước, của gió, quyện hoà với đất với người, để tạo nên và duy trì Hồn Thiên Sông Núi. Đó là Dịch.
Phải chăng nhà Nguyễn đã ngộ ra cái diệu huyền của luật đất trời qua Kinh Dịch mà chọn Huế? Mưa nhiều, lụt thường xuyên, phải chăng là để tẩy rửa những gì cũ kỹ, những uế khí, để gây nên những cuộc sinh thành mới, để bồi bổ thêm cho nguyên khí quốc gia? Mới sống ở Huế hơn hai chục năm, tôi chưa thể hiểu nhiều về Huế. Nhưng có một câu hỏi cứ lẩn quất trong tôi từ ngày được biết thế nào là mưa lụt xứ Huế: xét về mặt thời tiết khí hậu, cứ qua đèo Hải Vân vào đất Quảng là đã thấy dễ chịu hơn Huế nhiều, lẽ nào các bậc vua chúa nhà Nguyễn lại thích cánh nắng cháy trời, mưa thối đất, để mà ở Huế mấy trăm năm? Cân nhắc đủ đường, tôi tự tìm câu trả lời: Đất nước mình thời đó không thiếu những nơi hội đủ các tiêu chuẩn để lập kinh đô, nhưng yếu tố mưa dầm nắng dãi, lũ lụt hầu như năm nào cũng có thì là đặc sản chỉ có riêng Huế mà thôi. Và nếu vậy, lý do để chọn cái nắng ấy, cái mưa ấy sẽ khó lý giải nếu không dựa vào sự chứng ngộ Kinh Dịch của các bậc trí giả tiền nhân.

Đặt kinh thành Huế vào cái thế luôn động của thời tiết là hy vọng cái động đó làm nên sự chuyển biến không ngừng (phát triển) của đất nước. Phần động hữu hình phải do con người tự lo, là phần thuộc về quốc kế dân sinh của mỗi triều đại. Phần động vô hình, thứ chỉ cảm được chứ không sờ được là do đất trời. Khí hậu thời tiết là tương giao trời - đất. Nhìn tượng đoán ra thần. Chuyển biến mạnh mẽ, chuyển hoá qua lại không ngừng giữa nóng với lạnh, giữa khô hạn với lụt lũ chính là cái tượng của phần động vô hình mà bậc thiên tử nào cũng muốn được trời đất ban cho. Cái động vô hình này càng lớn, sinh khí càng cao cái biến (phát triển) của dân tộc càng có cơ hội lớn.

Nói thời tiết Huế rất động, nhưng không phải kiểu động sớm nắng chiều mưa. Là cái động theo mùa, là cái động lớn để sau đó đem lại cái tĩnh lặng, cái điều hoà. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận xét về sông Hương: “Rừng đầu nguồn với những đường giao thuỷ lớn, lượng mưa nhiều và thảm thực vật sâu dày đã tạo ra một cơ chế điều tiết rất giỏi. Mức sông Hương không chênh lệch nhau nhiều qua những mùa mưa lũ và nắng hạn hết sức khắc nghiệt của thời tiết xứ Huế [...]. Số phận may mắn nhất của sông Hương chính là chỗ đó”. Lại nữa, trong Kinh Dịch có thuyết Tài thành phụ tướng, là một lý luận được người xưa rất coi trọng. Con người phải biết trọng luật trời, sống hoà hợp với tự nhiên. Phải biết nương tựa vào thiên nhiên mà dung thân, mà phát triển. Phải hiểu luật thiên nhiên lúc nào cũng bình đẳng, có vay có trả. Thiên nhiên khắc nghiệt chưa hẳn đã dở, chỉ thấy cái dở của tạo hoá để sửa sang (rồi từ đó mà tự cao tự phụ, cho mình hơn ông trời) thì nhẹ là chẳng hưởng được cái hay đi kèm, nặng thì hậu quả khôn lường. Lấy việc đắp đê làm ví dụ. Đắp đê thì chống được lụt, nhưng đê cũng ngăn luôn dòng sinh dưỡng cho đất đai mà lũ lụt đem lại. Vì thế sống chung với lũ lụt mới là hành xử thông minh nhất vì đấy là đạo người đã hoà với đạo trời, là Tài thành phụ tướng. Phải chăng, thâm sâu trong tâm linh, các tiền nhân thời Nguyễn đã cảm được cái đạo trời đất vi vô này mà chủ động đem chính cuộc sống của hoàng gia làm cái ví dụ, làm tấm gương về Tài thành phụ tướng, để cầu mong quốc thái dân an cho muôn triệu con dân đất Việt?

Tôi không thể chứng minh được những điều nghi vấn trên, song tự tâm cảm nhận và cứ mong rằng cái logic này đúng.
Lụt năm 1999 tôi không ở Huế để được chứng kiến thế nào là sự nhỏ nhoi của sức người trước thiên nhiên hùng vĩ và vô địch. Nhưng được biết chưa đầy ba ngày mà trời đổ một lượng nước cao hơn 2.000 mm xuống Huế thì ghê quá! Những trận Đại hồng thủy trong lịch sử, những thiên tai cục bộ và toàn cầu mà nhân loại đã, đang và còn sẽ chứng kiến nói lên điều gì? Đến bao giờ con người mới bớt u u mê mê để thấm nhuần một chân lý cực kỳ giản dị rằng, dù có giỏi giang đến mấy, giàu có đến mấy, làm đến ông gì gì đi chăng nữa, con người cũng chỉ là một sản phẩm nhỏ nhoi của tạo hoá mà thôi! Biết hài hoà, gắn kết tự nguyện với tạo hoá con người sẽ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc lớn lao nhất - niềm an lạc nội tâm. Không biết điều đó, thảm hại hơn nữa là biết mà vẫn cứ làm vì không thoát được tính ích kỷ, vì danh, vì lợi, con người sẽ lãnh đủ: tạo hoá buộc phải huỷ bỏ các sản phẩm, kể cả sản phẩm Người, mà nó tạo ra. Vì, dù nó vốn rất đẹp, nhưng một khi đã thành phế phẩm, hết phương cứu chữa, thì không thể giữ được nữa.

Phải chăng trải qua bao biến cố đau thương, tay phải chặt tay trái, con giết cha, anh giết em, vua giết tướng, cả đàn con cháu rồng tiên từ một bọc chui ra đã bị cuốn vào cảnh nồi da xáo thịt, mà những người khởi nghiệp vương triều Nguyễn đã chứng ngộ được một chân lý là muốn dân giàu nước mạnh, bờ cõi vững bền thì dưới phải hợp lòng người, trên phải thuận theo đạo trời đất. Có Dân là có Nước. Có nước rồi, để nước vững bền phải tiếp tục có dân. Thuận theo luật đất trời để bồi dưỡng nguyên khí quốc gia cũng là một cách dưỡng dân. Vậy, vì Dân mà chủ động theo luật Trời phải là một sự thấm nhuần đạo lý vũ trụ sâu sắc lắm. Đạo lý đó nằm trong Kinh Dịch.

Chiều lang thang bên bờ Hương Giang, dõi mắt xa xa về phía thượng nguồn, tôi như thấy núi Kim Phụng đang uống nước dòng Hương để ngày đêm miệt mài kết tụ thêm linh khí cho cố đô Huế, góp phần bồi bổ thêm hồn thiên sông núi trên toàn cõi Việt Nam ta. Tôi chợt rùng mình se lạnh khi nghĩ đến một mai Tả Trạch thành ao thành hồ, liệu hàng năm uế khí nơi tôi đang đứng có còn được rửa trôi để hứng dòng tươi mát trường tồn từ nguồn linh sơn Kim Phụng nữa không?
 N.T.V

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng