Ai ra xứ Huế
Bài học về “xã hội hóa” giáo dục dưới triều Nguyễn
14:54 | 27/09/2013

HỒ THỊ HỒNG

Vua Thiệu Trị từng nói với bề tôi rằng: “Việc dạy học là chính sự trọng đại của triều đình”(1). Nhưng với truyền thống hiếu học của nhân dân ta, từ lâu vấn đề giáo dục đã được xã hội hóa một cách sâu rộng từ trong từng gia đình, dòng họ và toàn xã hội Việt Nam.

Bài học về “xã hội hóa” giáo dục dưới triều Nguyễn
Thầy đồ dạy học - Ảnh: internet

Người người, nhà nhà đều quan tâm và cùng chăm lo cho giáo dục. Giáo dục không còn là việc trọng đại của riêng triều đình. Chính quyền các cấp và nhân dân dưới thời Nguyễn luôn có tinh thần chủ động tổ chức và tạo điều kiện cho thầy và trò ở địa phương thực hiện việc dạy và học.

Nhìn lại lịch sử giáo dục của nhà Nguyễn, có thể thấy rằng gia đình là tiền đề và hậu phương đầu tiên tạo nên sự thành công của các nho sĩ. Khi nền giáo dục công lập của nhà Nguyễn chưa có điều kiện vươn đến tận cấp xã thôn thì nhiều gia đình đã chủ động mời thầy đồ về nhà dạy học cho con em mình. Những gia đình khó khăn hơn cũng cố gắng tích góp tiền của, cùng chung nhau mời thầy về dạy học hoặc gởi con em tới nhà thầy học. Sự chủ động trong việc tổ chức trường lớp đó của nhân dân địa phương đã chia sẽ gánh nặng về tổ chức hoạt động giáo dục ở cấp cơ sở của nhà nước khi mà ngân sách quốc gia chưa đủ khả năng để bao cấp. Đây là một cách làm đáng để cho chúng ta học tập hiện nay, vì giáo dục là một vấn đề rộng lớn chung của toàn xã hội. Cũng có nhiều gia đình, dòng họ có ông cha dạy cho con cháu, anh dạy cho em hay chú bác dạy cho cháu học hành đi đến đỗ đạt chứ không phải mời thầy hay đến trường của thầy đồ mở để thụ giáo.

Đặc biệt, trong sự “xã hội hóa” giáo dục ở phạm vi gia đình, không thể không nhắc đến một lực lượng tuy thầm lặng nhưng là lực lượng đã góp phần hết sức tích cực vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà, đó là những người phụ nữ. Họ quần quật quanh năm suốt tháng trên đồng ruộng hay tần tảo nơi chợ búa để có tiền gạo nuôi chồng, con, em ăn học. Đầu xuân năm mới, người vợ, người mẹ, thường mua giấy cho chồng, cho con khai bút lấy may. Trước khi đi thi, cũng chính người vợ, người mẹ ấy lại sắm lễ vật để cúng gia tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho chồng con mình thành đạt. Chính sự quan tâm của họ đã làm cho người chồng, người con cố gắng học tập tốt hơn để đền đáp công ơn của người mẹ, người vợ trong những ngày đèn sách.

Tinh thần trọng sự học và khuyến khích việc học hành của con cháu còn được mở rộng ra ở tổ chức dòng họ. Trong từng dòng họ, vấn đề giáo dục luôn là một trong những vấn đề được xếp ở hàng đầu. Dòng họ nào cũng động viên và khuyến khích con cháu trong họ học tập thông qua sự động viên về tinh thần và sự trợ cấp về vật chất, cùng với những khuyến khích về mặt tinh thần và vật chất khác. Như gia phả dòng họ Nguyễn Nhân Lễ ở xã Hoằng Lộc thuộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trước kia có 8 sào ruộng, theo tộc ước, người nào đỗ đại khoa thì được họ cho một phần trong số ruộng đất ấy để xây nhà ở, số còn lại họ dùng làm học điền cho con em trong dòng họ”(2). Họ Nguyễn (Vân Sơn) làng Hạ Yên Quyết, trong Tộc ước cũng có điều: “Ai đỗ đạt hay được ban sắc mệnh mới thì cả họ mừng chung 2 quan tiền và trầu rượu”(3). Chính sự quan tâm đó là nguồn động viên hết sức to lớn cho người học.

Cùng với gia đình và tộc họ, cộng đồng làng xã cũng rất quan tâm đến việc học hành của con dân trong làng, vì sự đỗ đạt của họ cũng chính là niềm vinh dự, tự hào chung của cả làng. Sự quan tâm và khuyến học của làng xã được thể hiện dưới nhiều hình thức, mà trước hết là việc làng xã trích tiền quỹ của làng để mở nhà học và mời thầy dạy học cho con em trong làng. Chẳng hạn, quy định của thôn Nà Điền, thuộc tổng Vũ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và nhiều hương ước của các làng xã ở quanh Kinh đô Thăng Long xưa đều quy định: “Trẻ em từ 7 - 8 tuổi trở lên đều phải được cha mẹ cho đến trường học”(4). Thứ hai là, nhiều làng xã còn quy định và có những hình thức riêng để kiểm tra việc học hành của con em trong làng. Chẳng hạn, ở làng Bát Tràng, danh sách con em các gia đình đang đi học ở trong làng đều được các chức dịch của làng quản lý và giao cho tuần phiên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra. Vào trống canh hai, các tuần phiên đi qua nhà các học trò mà không nghe thấy tiếng đọc sách thì phải báo cho các chức dịch. Ngày hôm sau, người học trò đó sẽ bị nhắc nhở; nếu tái phạm sẽ bị quở trách. Có địa phương, chẳng hạn như ở làng Bá Khê, thuộc tổng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, chức dịch làng xã còn đứng ra tổ chức các kỳ khảo khí theo định kỳ để kiểm tra về trình độ và sự tiến bộ của học trò trong làng, nếu ai tiến bộ thì được làng thưởng. Thứ ba là, hầu như làng xã nào cũng có thành lập quỹ khuyến học để khuyến khích sự học tập của con em. Qũy khuyến học ở đây là dăm ba sào ruộng trích từ ruộng riêng của làng, nhiều hay ít là tùy từng xã, gọi là học điền, hàng năm làng lấy hoa lợi ở đó để khen thưởng, hoặc dùng để giúp đỡ phần nào cho những người đang theo học dưới dạng trợ cấp về bút mực, giấy viết. Ở một số địa phương, chẳng hạn như xã La Khê, huyện Từ Liêm, Hà Nội, làng xã có lệ cấp tiền học, tiền thi cho các học trò ở trong làng. Thứ tư là, làng xã thường dành cho những người đi học một số ưu đãi như được miễn việc phu phen tạp dịch. Lệ làng ở các thôn Mỹ Đà và Đại Khê, thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa quy định: “Trong thôn người nào theo học, không kể con nhà có chức sắc hay bạch đinh, đều được miễn phu đài tạp dịch và tuần phòng,… nghĩa là miễn cả thôn dịch và tạp dịch”(5). Những Nho sinh có năng lực và thực sự hiếu học thường được miễn sưu dịch, có thể được gia nhập vào hạng nhiêu học của làng (như quy định của xã Bàng Liệt, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngoài ra, để cùng sẻ chia những nỗi nhọc nhằn, vất vả nhưng vẫn túng thiếu của những gia đình, những bà mẹ đơn thân, những bà vợ có chồng con ăn học, ngày trước làng xã còn có chính sách giúp đỡ gián tiếp như cả làng cùng chung tay tạo cho họ có điều kiện làm việc tốt nhất, nếu làm nghề phụ buôn bán thì được làng ưu tiên cho một chỗ ngồi tốt (vừa sạch sẽ, vừa thuận lợi cho việc mua bán) ở trong lều chợ; nếu làm nghề nông thì được cày số ruộng mà làng, hoặc họ dành làm tặng phẩm cho người chiếm bảng. Mục đích là tạo cho họ có thêm thu nhập để chồng, con họ có điều kiện yên tâm tập trung vào việc học hành thi cử. Chính sự ưu ái của làng xã, họ tộc dành cho những người đi học, đỗ đạt và cả gia đình của họ đã khuyến khích lòng say mê học tập ở họ, đồng thời cũng thể hiện tinh thần chung tay của cả xã hội vì sự nghiệp giáo dục của địa phương và đất nước.
 

Trường thi xưa - Ảnh: internet


Trong lịch sử giáo dục Nho học ở Việt Nam, vai trò các thầy đồ là không thể phủ nhận. Những lớp học của thầy đồ mở ra ở làng xã là nơi bắt đầu khơi dậy và tạo nên một truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Các thầy đồ, dù không được cấp lương và không nhận được sự ưu đãi của triều đình như các học quan của nhà nước, nhưng họ vẫn say mê sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Bởi tuy họ chỉ nhận được số tiền ít ỏi từ quỹ làng, có khi chỉ là khoai sắn, thóc gạo vào ngày mùa hay mứt bánh rượu chè vào ngày tết của cha mẹ học sinh, nhưng bù lại các thầy đồ còn nhận được ý thức “tôn sư trọng đạo” ở học trò và xã hội, một chút địa vị kính nể ở địa phương và hơn hết là tinh thần ham học của học trò... Tất cả những yếu tố ấy là một sự khích lệ đối với người thầy, giúp thầy đồ có thể yên tâm hành nghề, ra sức truyền đạt kiến thức và dạy bảo học trò.

Về phía chính quyền trung ương cũng luôn có những chính sách và biện pháp để phát triển nền giáo dục Nho học của triều đại mình. Hầu hết, các ông vua triều Nguyễn đều có thái độ tôn trọng người đi học, có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công cuộc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho đất nước. Từ đó, nhà vua đã có những đạo dụ để chỉ đạo cho chính quyền địa phương trong việc tổ chức hoạt động giáo dục ở cấp cơ sở. Hệ thống trường học công được thành lập xuống đến cấp phủ huyện, có các học quan trông coi việc học và tổ chức tập dượt cho học trò: trường Phủ có Giáo thụ, trường Huyện có Huấn đạo, trường Tỉnh hay Đạo có Đốc học làm nhiệm vụ quản lý việc học của dân trong địa hạt và giảng dạy ở các trường đó. Đối với cấp Tổng tuy không xây trường nhưng nhiều nơi triều đình cũng đặt chức Tổng giáo để trông coi việc học hành của con em trong tổng. Thống kê từ sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn cho thấy vào giữa thế kỷ XIX cả nước có tất cả 158 trường học ở cấp phủ và huyện (châu). Đây là loại trường học do Bộ Công theo dõi việc xây dựng và Bộ Lễ ấn định các cách thức hoạt động theo sự chỉ đạo của nhà vua. Nhà nước còn chú ý đến việc tìm mua sách vở, cho in và phát hành các sách giáo khoa, các loại văn mẫu dùng trong thi cử, biên soạn sách Nam sử để phát cho các học quan ở địa phương và học trò trong cả nước có điều kiện học tập. Chẳng hạn, vào năm 1833, vua Minh Mạng giao cho Bộ Lễ tập hợp 80 bài thuộc thể văn Tam trường của nhà Thanh, in thành 31 bộ, đem cấp cho Quốc Tử Giám và học quan ở các địa phương. Để khuyến khích việc ra sức học tập trong nhân dân, nhà vua còn ra dụ: “Xét trong hạt, không cứ con em thổ quan hay con em nhà dân, cũng không cứ học đủ văn thể ba trường, ai là người tuấn tú thông minh, chọn ra đưa vào kinh, giao cho quan Quốc Tử Giám dạy bảo để học tập”(6).

Như vậy, trong thời Nguyễn, giáo dục đã được “xã hội hóa” một cách sâu rộng trong nhân dân và đã đạt được những thành tựu đáng kể:“Triều Nguyễn đã tổ chức 47 khóa thi Hương, lấy đỗ 5232 cử nhân… 39 khóa thi hội và đình, lấy đỗ 558 người, trong đó có 292 tiến sĩ và 266 phó bảng”(7). Qua sự nghiệp “xã hội hóa” giáo dục của cha ông ta dưới thời Nguyễn, chúng ta có thể rút ra một số bài học để phát triển nền giáo dục nước nhà trong hiện tại, đó là:

Thứ nhất, việc tổ chức giáo dục, đào tạo nhân tài phục vụ cho đất nước bao giờ cũng phải được xem là vấn đề quan trọng, phải thực sự được xem là quốc sách và là trách nhiệm chung của toàn xã hội, phải huy động tổng lực toàn xã hội tham gia vào công tác này.

Thứ hai, để giáo dục phát triển sâu rộng, Nhà nước và chính quyền địa phương cần phối hợp để thường xuyên theo dõi, đôn đốc và có những chính sách, chế độ ưu đãi về vật chất lẫn tinh thần nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người học và người dạy. Dưới triều Nguyễn, từ khi bắt đầu đi học cho đến khi “công thành danh toại”, các Nho sinh luôn nhận được sự quan tâm và chế độ ưu đãi về vật chất lẫn tinh thần của gia đình và toàn xã hội, từ dòng họ, làng xã, cho đến các cấp chính quyền của nhà nước. Trong quá trình học, họ được làng xã trợ cấp bằng “học điền”, nhà nước miễn giảm lao dịch, cấp bổng hàng tháng tùy loại (ưu, bình, thứ, liệt), cấp dầu thắp hàng tháng. Khi thi đỗ, nhất là đỗ đại khoa, họ được nhà nước đãi ngộ về vật chất và tinh thần rất to lớn, như lễ xướng danh, lễ ban yến, lễ cưỡi ngựa dạo chơi vườn thượng uyển và dạo phố phường kinh kỳ, lễ xây dựng nghè cho người đỗ tiến sĩ, lễ khắc tên vào bia đá dựng ở Văn Miếu... Làng xã tổ chức việc đón rước “vinh quy bái tổ” rất long trọng, và cả biếu mừng tiền, thậm chí còn cấp cho nhà ở… Những biện pháp khuyến học ấy của cha ông ta trong quá khứ đã khích lệ tinh thần học tập của các Nho sinh. Cha ông ta ngày trước đã làm được điều đó, thì ngày nay, trong điều kiện của nền kinh tế tri thức chúng ta lại càng phải ra sức động viên các đối tượng “xã hội” tham gia đầu tư vào giáo dục. Có làm được như vậy thì mới đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng của con em nước nhà về quyền được học hành, nhất là đối với những học sinh nghèo hiếu học, lại vừa tạo được những nền móng vững chắc cho xã hội tương lai.

Thứ ba, ngày trước ông cha ta có “học điền”, thì ngày nay ở nhiều địa phương trong cả nước cũng đã thành lập các quỹ khuyến học để thường xuyên hỗ trợ cho các trẻ em trong học tập, nhất là những học sinh nghèo hiếu học.

Thứ tư, nhà trường và xã hội cũng cần chủ động có những hình thức khen thưởng để kịp thời động viên những học sinh học giỏi, những học sinh nghèo hiếu học, cũng như có những hình phạt nghiêm để kịp thời uốn nắn những học sinh lười biếng. Đồng thời, bản thân người giáo viên cũng cần phải ra sức đổi mới phương pháp dạy học để kích thích niềm đam mê học tập của người học…

Kế thừa truyền thống cả làng nước cùng quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của cha ông, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn kêu gọi việc “xã hội hóa” giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục bước đầu được đẩy mạnh ở nhiều nơi, đã thu hút được các nguồn lực nhằm góp phần chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, làm thay đổi đáng kể diện mạo của các trường học trong cả nước về trường ốc, điều kiện dạy và học của thầy và trò, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên ở một số nơi, xã hội hóa giáo dục trên thực tế chưa phát huy được tác dụng của nó, bởi vì trong xã hội còn tồn tại nhiều nhận thức chưa thật đầy đủ và đồng bộ. Có quan điểm cho rằng xã hội hóa giáo dục chỉ đơn thuần là sự đa dạng hóa các hình thức tham gia của nhân dân và xã hội mà ít chú trọng tới việc nâng mức hưởng thụ từ giáo dục của người dân. Vì vậy, có nơi công tác xã hội hóa giáo dục chỉ đơn thuần về mặt huy động tài chính, huy động cơ sở vật chất. Nhà nước khoán cho dân, mà ít quan tâm đến sức dân. Trái lại, có nơi lại thụ động trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước. Cá biệt, có những nơi người dân vẫn còn thờ ơ với giáo dục, cho rằng giáo dục là sự nghiệp riêng của các nhà trường. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giáo dục còn nhiều hạn chế, đồng thời chất lượng giáo dục cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Công tác lãnh chỉ đạo xã hội hóa giáo dục cũng chưa thực sự có chiều sâu và đạt hiệu quả cao.

H.T.H
(SH295/09-13)


........................................................
(1) Bùi Xuân Đính - Nguyễn Viết Chức (đ.cb) (2004), Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.17.
(2) Lê Hoàng Tuấn, Tình hình giáo dục và khoa cử huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) dưới thời phong kiến, Khóa luận tốt nghiệp ngành Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế, Huế, tr.63.
(3) Bùi Xuân Đính - Nguyễn Viết chức (đ.cb) (2004), Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.76.
(4) Nguyễn Thúc Chuyên (1994), “Khuyến học xưa và nay”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, (số 54), Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế, tr. 13.
(5) Lê Hoàng Tuấn, Tình hình giáo dục và khoa cử huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) dưới thời phong kiến, Khóa luận tốt nghiệp ngành Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế, Huế, tr.64.
(6) Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản dịch), Tập 15, Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.553.
(7) Nguyễn Thế Long (1995), Nho học ở Việt Nam giáo dục và thi cử, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.38.








 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Tình đất (22/04/2013)