Ai ra xứ Huế
Phong trào Hòa Bình
08:59 | 16/05/2014

LÊ VĂN LÂN

Phong trào đô thị trong chống Mỹ cứu nước được khởi đầu bằng phong trào Hòa Bình, phong trào phát triển sâu rộng ở các thành thị miền Nam, đặc biệt là Huế và Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay)…

Phong trào Hòa Bình
Tranh bút sắt trong phong trào đô thị Huế của họa sĩ Bửu Chỉ - Ảnh: TL

Phong trào bị đàn áp khốc liệt nhưng tác động to lớn của nó đã làm rõ hơn phương châm “tấn công” và “nổi dậy” trong cách mạng miền Nam, góp phần cực kì quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giành lấy hòa bình và thống nhất đất nước.

Bối cảnh phong trào Hòa Bình

Phong trào Hòa Bình ở Huế diễn ra sau chiến thắng vang dội Điên Biên Phủ buộc địch phải kí kết Hiệp định Genève. Cách mạng đã dành một nửa nước, vĩ tuyến 17 là ranh giới quân sự tạm thời để hai năm sau xúc tiến Tổng tuyển cử bầu ra một chính quyền duy nhất cho một nước Việt Nam thống nhất. Và nếu mọi diễn tiến diễn ra suôn sẻ gần như cách mạng Việt Nam sẽ giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, Mỹ ráo riết chuẩn bị mọi điều kiện, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng. Cả Diệm và Mỹ đều tỏ rõ lập trường đứng ngoài Hiệp định Genève, phủ nhận sự tồn tại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xây dựng miền Nam trở thành tiền đồn của Chủ nghĩa tư bản, biến vĩ tuyến 17 làm ranh giới lãnh thổ chia cắt lâu dài đất nước.

Được sự hà hơi tiếp sức của Mỹ (một siêu cường hàng đầu thế giới có vũ khí nguyên tử và kinh tế giàu mạnh bậc nhất), Ngô Đình Diệm đã tiến hành bài bản phế truất vua Bảo Đại, hất cẳng Pháp, dẹp các đảng phái, giáo phái; đồng thời công khai tuyên chiến với cách mạng. Diệm lấy ngày 20/7 làm ngày Quốc hận, hô hào một cuộc thánh chiến: Lấy nước miền Nam quốc gia chống lại nước miền Bắc cộng sản, lấy học thuyết cần lao nhân vị hữu thần chống lại chủ nghĩa cộng sản. Xây dựng Đảng cần lao làm nòng cốt, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong “phong trào cách mạng quốc gia”, xây dựng sâu rộng các tổ chức “thanh niên Cộng hòa”, “phụ nữ liên đới”, đưa gần một triệu dân di cư vào Nam tổ chức thành lực lượng hậu thuẫn. Diệm phát động bạo lực với khẩu hiệu rạch ròi: Cộng sản và quốc gia không đội trời chung, ai nói chuyện hòa bình là Cộng sản, ai kêu gọi hiệp thương, tổng tuyển cử là Cộng sản. Tình hình đó đặt ra cho những người hoạt động cách mạng, quần chúng yêu nước trước một tình thế cực kì nguy hiểm và khốc liệt.

Trong lúc đó, về phía cách mạng, thi hành Hiệp định Genève chính quyền và quân đội kháng chiến tập kết ra miền Bắc với niềm tin hai năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử, chỉ một số ít cán bộ Đảng ở lại cùng đồng bào đấu tranh bảo vệ hòa bình, tiến tới hiệp thương thống nhất Tổ quốc. Và khi Mỹ Diệm chĩa mũi dùi về phía cách mạng, thì công an mật vụ tiến hành lùng sục, bắt bớ, tra tấn, tù đày, bắn giết, đe dọa, mua chuộc. Hành động điên cuồng đó lại được sự tiếp tay của một số cựu kháng chiến bị mua chuộc, phản bội trở cờ đã làm cho tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn phong trào bị đàn áp khắp nơi; nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị vỡ, nhiều cán bộ chủ chốt bị bắt, một số ít còn lại bị đánh bật ra khỏi địa bàn, lên rừng hoặc thay đổi hành trang tìm các địa bàn khác chiến đấu.

Phong trào hòa bình ở Huế diễn ra trong bối cảnh ngặt nghèo như vậy. Phương châm của cách mạng là “tấn công” và “nổi dậy” thì mũi tấn công gần như hoàn toàn bị bẻ gãy. Và Huế đã nổi dậy như thế nào khi không còn sự phối hợp của tấn công?

Phong trào hòa bình

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi vang dội kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp với kí kết Hiệp định Genève. Ngô Đình Diệm được Mỹ hà hơi tiếp sức ra sức xuyên tạc Hiệp định, phủ nhận thành quả kháng chiến, chúng lấy ngày ký kết hiệp định Genève làm ngày Quốc hận, cơ quan công sở treo cờ rủ 3 ngày.

Trong khi đó các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế tổ chức ăn mừng hòa bình. Trên ba vạn văn bản Hiệp định Genève, cùng tập thơ Tiếng Nói Dân Nghèo, thơ văn của Vũ Anh Khanh, thơ của Đoàn Văn Long… được phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân ở Huế và các huyện. Ngày 01/8/1954, trên 1,5 vạn đồng bào Huế xuống đường hoan hô Hiệp định, đòi thả tù binh, đòi thả chồng con bị cưỡng bức vào lính ngụy. Ngày 01/5/1955 trên 3 vạn đồng bào tham gia mít-tinh ở quảng trường Phu Văn Lâu khẳng định lập trường bảo vệ hòa bình, kêu gọi nhà cầm quyền miền Nam thi hành Hiệp định Genève, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, kêu gọi thực thi tự do dân chủ, chống khủng bố, đòi dân chủ dân sinh như phong trào cứu đói, đòi đắp đập Thuận An… Và khi Mỹ Diệm mở chiến dịch “tố Cộng” đợt 1 ngày 20/8/1955 bắt trên 100 cán bộ đảng viên buộc phải li khai, bắt xé cờ Đảng. Trước tình hình đó, ngày 28/8/1955, trên 3 vạn đồng bào Thừa Thiên Huế xuống đường biểu tình trước chợ Đông Ba trên đoạn đường Trần Hưng Đạo với nội dung quyết liệt hơn với khẩu hiệu: “Đả đảo độc tài”, “Hòa bình muôn năm”, đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Đoàn biểu tình mang theo nguyện vọng với hàng vạn chữ kí của nhân dân Thừa Thiên Huế. Mặc dù cuộc biểu tình bị đàn áp khốc liệt nhưng việc nổi dậy của quần chúng đã đẩy Mỹ Diệm vào thế hoảng loạn. Ngô Đình Diệm tức tốc về Huế vừa xoa dịu nhân dân bằng những biện pháp tình thế như đắp đập Thuận An, giải quyết chắp vá những vấn đề dân sinh, đồng thời sốc lại đội hình đẩy mạnh chiến dịch tố cộng. Phong trào hòa bình bị dìm trong biển máu.

Tất nhiên, để đưa trên 3 vạn văn bản hiệp định Genève và các ấn phẩm đòi hòa bình; để tổ chức các cuộc biểu tình lớn đòi hòa bình lấy chữ kí của hàng vạn người đòi hòa bình trong bối cảnh Mỹ Diệm ra sức đàn áp, uy hiếp, khủng bố kể cả mua chuộc là điều không dễ dàng. Bởi vì để có 3 vạn người biểu tình thì người dân nông thôn cũng phải có ít nhất 2/3 trong đó. Đòi hỏi những người cầm đầu phải có uy tín và đủ sức dóng ngọn cờ hiệu triệu và sẵn sàng xả thân vì đại cuộc; phải có một hệ thống chân rết là các tổ chức cách mạng, các tổ chức biến tướng hoạt động đủ mạnh, có nhiều kinh nghiệm trước đó như phong trào chống bắt lính, phong trào Bình dân học vụ… đủ sức hành động đồng bộ thống nhất trong những thời điểm nhất định.

Chi bộ tri thức, tập văn Ngày Mai và phong trào Hòa Bình
 

Bìa tập văn Ngày Mai tập 1, với hình chim bồ câu, do HS Phạm Đăng Trí thực hiện- Ảnh:TL

Nói về phong trào Hòa Bình ở Huế không thể không nói đến chi bộ trí thức và tập văn Ngày Mai. Đây là những hạt nhân quan trọng, có tính quyết định của phong trào Hòa Bình ở Huế. Những năm 1949 - 1950 ban vận động trí thức thành phố do đồng chí Tôn Thất Long, con trai cụ thượng thư Tôn Thất Đàn phụ trách, đã tranh thủ được sự ủng hộ của các tầng lớp trên, một chi bộ do Thị ủy trực tiếp chỉ đạo được thành lập gồm ông bà bác sĩ Thân Trọng Phước, bác sĩ Lê Khắc Quyến, kĩ sư Nguyễn Hữu Đính, giáo sư Tôn Thất Dương Kị, Tôn Thất Dương Tiềm,… Bí thư chi bộ là kĩ sư Hà Xuân Hiển. Một hội nghị nhân sĩ, trí thức, đại biểu tôn giáo, đại biểu công thương gia được tổ chức tại Thanh Thủy Chánh (Hương Thủy) chuẩn bị cho cuộc tổng phản công; tại hội nghị, đồng chí Hoàng Phương Thảo đã giới thiệu tình hình và triển vọng của cuộc kháng chiến. Ở thời điểm này, những người trong chi bộ trí thức đều đã mất. Người biết cũng rất lờ mờ. Đồng chí Trần Hân nguyên Bí thư Thị ủy Huế những năm 1950 qua trao đổi cho biết: khi nhận nhiệm vụ có nghe nói đến chi bộ này nhưng không rõ lắm. Đồng chí Ngô Yên Thi nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, người chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế khẳng định: Huế có chi bộ trí thức, nhưng lúc đó mình còn nhỏ không rõ lắm, có gì hỏi đồng chí Phan Nam. Chúng tôi đã tiếp xúc đồng chí Phan Nam, đồng chí Võ Đại Triền, những đồng chí lãnh đạo Thành phố được tỉnh phân công vào Nội thành vận động chuẩn bị tổng phản công đều khẳng định: có chi bộ tri thức và bản thân họ cùng gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy và là nơi an toàn những lúc cách mạng có khó khăn. Có thể danh sách chi bộ tri thức còn nhiều, nhưng những người chỉ đạo, hiểu rõ và nắm chi bộ này là các đồng chí Tư Minh, Ngô Lén… thì nay đã không còn nữa. Thời đó lúc nói về chi bộ trí thức có người nói vui đó là chi bộ bơ sữa, chi bộ xa lông… điều này cũng dễ hiểu bởi vì họ là những người học nhiều hiểu rộng, hiểu rõ văn hóa Đông Tây, hiểu sâu sắc về dân chủ phương Tây, trước khi trở thành người cộng sản. Xuất thân của họ là hoàng tộc, tầng lớp quan lại. Họ là những chính khách uy tín lớn, nếu có điều kiện họ có thể tham chính; Bộ trưởng, Thủ tướng có thể đến với họ khi có cơ hội.

Cơ quan ngôn luận của phong trào Hòa Bình ở Huế là tập văn Ngày Mai; chủ lực của tập văn hóa Ngày Mai không ai khác là những nhân vật chủ chốt của “chi bộ tri thức” Ngày Mai ra được 4 số thì bị đàn áp khốc liệt. Ngày Mai nói gì trong đó? Công văn của Võ Thu Tịnh, Giám đốc Nha Thông tin Trung Việt gởi Tổng trưởng Thông tin và Tác Chiến Tinh Thần ngày 24/02/1955 đã khái quát: “Hiện thời tại Trung Việt đang được lưu hành một số ấn phẩm văn nghệ, mới xem qua thì không ra mặt ca tụng Việt Minh, nhưng sự thật nhắm mục đích tuyên truyền cho họ bằng cách nêu cao quan điểm hòa bình của đối phương và thôi thúc giai cấp đấu tranh một cách khôn khéo trong những vần thơ hoặc câu văn xuyên tạc”.

Ngày Mai số 1 ra mắt tháng 8/1954 đến số 4 phát hành tháng 3/1955. Dù chỉ 4 số và trong khoảng thời gian ngắn nhưng qua tập văn Ngày Mai chúng ta có thể khái quát tầm vóc của phong trào Hòa Bình ở Huế. Từ nhóm nòng cốt trong chi bộ tri thức ban đầu, Ngày Mai đã tập hợp rộng rãi tầng lớp trên ở Huế có danh vọng và có uy tín lớn không những ở Huế mà còn đối với cả nước: Từ cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Võ Liêm Sơn, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, Tiểu Mai Thể Ngô, Nguyễn Huy Nhu… đến nhà văn Tam Ích, đạo diễn Lê Dân, nhà văn Nguyễn Minh Trường, nhà thơ Trụ Vũ, Vĩnh Thao, Ngũ Xa Thơ, Sơn Chi… các nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Ba, Hoàng Nguyên, Văn Giảng, Đỗ Kim Bảng, Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Nguyễn Khoa Lợi, Đoàn Văn Long, Phạm Bá Nguyên… Các công thương gia Phan Thiên Tường, Nguyễn Ngọc Bang, Lê Hữu Trí… gần như các danh gia vọng tộc ở Huế đều hưởng ứng phong trào hòa bình, thậm chí cả những người trong bộ máy tuyên truyền của Mỹ Diệm. Cụ Nguyễn Hữu Đính kể lại: cụ Hồ Đắc Định người phụ trách khâu kiểm duyệt ở nhà thông tin Trung Việt lúc bấy giờ đã viết thư đến tòa soạn hoan hô Ngày Mai.

Phong trào Hòa bình bị đàn áp đẫm máu. Ở Sài Gòn, Mỹ Diệm đã bắt giam toàn bộ 40 nhân sĩ, trí thức tham gia phong trào và đưa ra tòa xét xử. Ở Huế, giáo sư Tôn Thất Dương Kị, Võ Đình Cường, Cao Xuân Lữ, anh Lê Quang Vịnh, Hoàng Nguyên… lần lượt bị bắt, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ.

Tác động của phong trào Hòa Bình

Mặc dù phong trào Hòa Bình bị đàn áp đẫm máu nhưng tác động của nó đối với phong trào đô thị Huế cực kì to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào thành thị miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trước hết, Huế là địa bàn của những nhân vật đầu não, là căn cứ địa của cái gọi là chính phủ quốc gia: Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Phong trào Hòa Bình gần như tập hợp toàn bộ tầng lớp trên thực sự là một đòn tấn công chính trị đẩy Mỹ Diệm từ thế chủ động sang thế bị động, buộc chúng phải phơi bày mặt nạ “thế giới tự do”, lộ nguyên hình là đám tay sai bán nước thâm độc và phản động. Mỹ Diệm không còn con đường nào khác là mở rộng nhà tù, trại cải huấn, phân loại, thanh lọc, bắt bớ những người yêu nước ngoảnh mặt với Diệm, đàn áp những người yêu nước.

Tiếp đến phong trào Hòa Bình đã khởi động tấn công vào chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, trang bị kiến thức để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ chủ nghĩa thực dân mới. Trên tập văn Ngày Mai, Cao Xuân Lữ với bài viết Thời đại nguyên tử trong lời kết nêu rõ: “Đối với những kẻ luôn luôn dọa nạt hết bằng khí giới nguyên tử đến khí giới khinh khí, chúng ta có bổn phận cảnh cáo kẻ giết người bằng gươm sẽ chết bằng gươm, kẻ giết người bằng lửa sẽ chết bằng lửa”. Bác sĩ Lê Khắc Quyến trong bài viết Hướng đi của Y khoa nêu rõ: “Không lẽ trong lúc chúng ta cố gắng giành từng người ốm cùng ma bệnh, tìm phương làm cho con người bớt khốn khổ, bớt mang nặng đẻ đau, sống lâu và khỏe mạnh, chúng ta lại tha thứ những kẻ mang tâm gây chiến để giết hàng chục triệu người vô tội? Cụ Nguyễn Hữu Đính trong bài “Chiến tranh và Thịnh vượng Kinh tế” đã phân tích sâu sắc trong khoảng 30 năm 1914 - 1945 kinh tế Mỹ đã 2 lần thịnh vượng nhớ có chiến tranh, chiến tranh đã kéo kinh tế Mỹ ra 2 cơn khủng hoảng rồi đưa sản lượng kinh tế ấy lên một mức rất cao trong thời gian chiến tranh. Bài lựa chọn nhân tài chỉ rõ sự phụ thuộc của chính quyền Mỹ và các nhân vật trọng yếu trong giới doanh nghiệp, tài chính.

Anh chị em phong trào đô thị Huế gặp nhau sau năm 1975 tại Trường Đại Học Sư Phạm Huế


Và điều cực kì quan trọng của phong trào Hòa Bình ở Huế là ảnh hưởng của họ đối với phong trào đô thị miền Nam. Họ có mặt khắp nơi ở trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nông Lâm, Kỹ Thuật, các trường Bồ Đề… Suốt quá trình chống Mỹ cứu nước họ luôn giữ vai trò ngọn cờ hiệu triệu đánh thức lòng yêu nước của tuổi trẻ, của nhân dân các thành thị với các hành động quyết liệt, có tác động sâu sắc đến cách mạng miền Nam. Đóng góp của họ rất to lớn. Điều này càng sáng tỏ khi nhiều nhân vật chủ chốt của phong trào đã lần lượt được Thành phố đưa vào quỹ đặt tên đường ở Huế.
 

Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - Ảnh: gactholoc.net

Đó là giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, giáo sư trường Quốc Học, trường Marie Curie, Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh, là một học giả uyên thâm cả Tây học lẫn Nho học, là nhân vật chủ chốt của phong trào Hòa Bình ở Huế, bị chính quyền Mỹ Diệm bắt bớ nhiều lần; năm 1964, ông bí mật tham dự Đại hội lần thứ 2 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Là người tham gia lãnh đạo phong trào dân tộc tự quyết Việt Nam, tháng 3/1965 giáo sư bị địch bắt cùng những người hoạt động trong phong trào ở Sài Gòn. Nhưng trước uy thế của phong trào và uy tín của giáo sư, địch không dám làm gì buộc phải trục xuất ra Bắc qua cầu Hiền Lương tạo nên một sự kiện chấn động độc nhất vô nhị trong cách mạng miền Nam. Năm 1968 giáo sư trở lại miền Nam được đề cử làm Tổng thư kí, Ủy ban Trung ương liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ hòa bình Việt Nam.
 

Bác sĩ Lê Khắc Quyến - Ảnh: huemed-univ.edu.vn

Đó là bác sĩ Lê Khắc Quyến, nguyên khoa trưởng Đại học Y Khoa Huế, là người được gia đình Ngô Đình Diệm kính trọng và quý mến; chính Ngô Đình Diệm đã tặng cho bác sĩ 1 chiếc xe Mecedes. Ông là người chủ chốt của phong trào hòa bình. Việc chính quyền Ngô Đình Diệm cử giáo sư Trần Hữu Thế ra thay linh mục Cao Văn Luận làm Viện trưởng Viện Đại học Huế, tại buổi lễ bàn giao, bác sĩ đã đứng lên phản ứng quyết liệt và tuyên bố từ chức. Hành động của bác sĩ kéo theo toàn bộ giáo sư Đại học Huế từ chức trong cuộc đấu tranh chống đàn áp tôn giáo năm 1963. Năm 1964 chống chế độ độc tài Nguyễn Khánh với hiến chương Vũng Tàu, bác sĩ đứng ra thành lập và là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cứu quốc. Hội đồng Nhân dân Cứu quốc đã tung một đòn tấn công chấn động thời bấy giờ, ra lệnh tập đoàn cần lao phải đến trình diện và tự thú trước hội đồng trong vòng nửa tháng từ 14/9 đến 30/9/1964.

Đó là kĩ sư Nguyễn Hữu Đính, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ Diệm, Giám đốc Nha Thủy lâm Trung Việt, Hiệu trưởng đầu tiên trường Nông Lâm súc Huế, tổng thanh tra Thủy lâm Việt Nam. Con đường tham chính mở ra thênh thang đối với ông nhưng ông đã làm điều ngược lại. Ông là nhân vật chủ chốt của phong trào Hòa Bình và tập văn Ngày Mai. Trong suốt quá trình chống Mỹ cứu nước, ông là cầu nối giữa cách mạng và các tầng lớp trên, luôn là người đỡ đầu cho phong trào đô thị Huế là Chủ tịch Ủy ban bảo trợ sinh viên Huế trong những năm 1970, 1971. Gia đình ông là gia đình cơ sở cách mạng, là địa bàn lõm và là nơi an toàn cho các đồng chí lãnh đạo thành phố như Hoàng Lanh, Phan Nam, Hoàng Kim Loan… mỗi khi đột nhập vào thành phố. Sau ngày giải phóng cho đến khi mất, ông là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Huế…

Điều đáng nói là các nhân vật trong phong trào Hòa Bình ở Huế phần lớn đều tham gia hoạt động cách mạng liên tục trong nội thành, gia đình họ đều là gia đình cơ sở cách mạng. Về cuối cuộc chiến họ đều là những nhân vật chủ chốt trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.

L.V.L
(SH303/05-14)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng