Ai ra xứ Huế
Việc đặt tên đường phố ở Huế
10:57 | 11/06/2014

TRƯƠNG THỊ CÚC - NGUYỄN XUÂN HOA

Phú Xuân - Huế là nơi có nhiều danh nhân lịch sử và văn hóa của đất nước đã sống và làm việc.

Việc đặt tên đường phố ở Huế
Tượng đài Quang Trung tại núi Bân- Huế - Ảnh: Internet

Sinh hoạt của họ gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, được ghi chép, phản ánh khá đầy đủ trong các tư liệu thư tịch hết sức phong phú của Quốc sử quán triều Nguyễn (như các bộ sách Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam hội điển sự lệ, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam liệt truyện…) trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Điều may mắn là trong quá trình hình thành một đô thị mới, Huế vẫn còn một hệ thống các công trình kiến trúc cũ của kinh đô được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV, gắn với hàng trăm ngôi chùa cũ, với các dinh phủ, đền đài và các cụm cư dân cũ chưa bị xóa mất dấu tích. Không ở đâu trên đất nước ta, chỉ trong phạm vi nội thành và vùng phụ cận, lại còn lưu giữ với mức độ khác nhau, một khối lượng di tích lớn, liên quan đến nhiều danh nhân lịch sử và văn hóa, đến sinh hoạt chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật... thời cũ như ở Huế.

Nghiên cứu kỹ các tài liệu thư tịch, kết hợp với khảo sát các di tích lịch sử - văn hóa, chúng ta có thể xác định được nhiều địa điểm còn ghi lại dấu ấn của lịch sử trên thành phố hiện nay, phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử, văn học, nghệ thuật, cho hoạt động du lịch và bảo tồn, bảo tàng, cho việc đặt tên đường phố.

Tuy còn nhiều lĩnh vực nghiên cứu phải tiếp tục đào sâu thêm, (như thời kỳ các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn Nguyễn Huệ), song đến nay chúng ta đã xác định được địa điểm Nguyễn Huệ lên ngôi, có thể chỉ ra những vùng đất mà các nhân vật lịch sử thời Trịnh - Nguyễn, thời Quang Trung như Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Lê Quí Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy ích, Trần Văn Kỷ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đã hoạt động, xác định được tuyến đường Đoàn Hữu Trưng đã kéo quân vào thành lật đổ Tự Đức, Tôn Thất Thuyết và nhóm chủ chiến đã tiến công thực dân Pháp, Hàm Nghi đã rời kinh thành ra sơn phòng, Duy Tân đã xuống thuyền về Hà Trung, nơi Hồng Tập, Thái Phiên, Trần Cao Vân bị thực dân Pháp xử chém và ngôi mộ chung của hai người... Một ít người trong số họ còn có phủ thờ, nhà ở, vườn tược chưa bị xóa mất dấu tích. Bên cạnh đó, một số nhân vật lịch sử chưa từng sống ở Huế (như Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông...) còn có miếu thờ tồn tại đến ngày nay.

Ngoài những di tích lịch sử thời phong kiến, Huế có khá nhiều di tích cách mạng. Đây là nơi Bác Hồ đã sống học tập và tham gia đấu tranh thời còn trẻ, nơi các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng Sản Đông Dương và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã hoạt động, nơi có phong trào Mặt trận dân chủ sôi nổi trong các năm 1936-1939, nơi Cách mạng tháng Tám đã trực tiếp đánh đổ ngôi vua, nơi có truyền thống kháng chiến khói lửa, tiến công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường trong chống Pháp và chống Mỹ.

Đi trên thành phố Huế hôm nay, nếu được hướng dẫn tường tận, có thể nói không cường điệu là phần lớn khách từ các tỉnh đều có thể tìm thấy một phần dấu tích hoạt động của những danh nhân lịch sử và văn hóa có tầm cỡ của địa phương mình vào các thế kỷ XVIII, XIX, XX. Đến một lúc nào đó, nếu từng di tích được gắn biển kỷ niệm, đi trên đường phố Huế sẽ có cảm tưởng như đi trong lòng một bảo tàng lịch sử, bảo tàng cách mạng phong phú và đa dạng.

Đáng tiếc là hiện nay, qua nhiều lần đặt tên và đổi tên đường một cách chủ quan, chúng ta phải thừa hưởng một hệ thống tên đường không hợp lý, không thể hiện được ưu thế của một thành phố có truyền thống lịch sử và văn hóa. Tuy một số đường có chú ý bám các dữ kiện lịch sử để đặt tên. Song số đường nầy quá ít. Có một số tên đường bộc lộ những mâu thuẫn khó chấp nhận. Chẳng hạn:

- Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ yêu nước tiêu biểu của Nam Bộ, người gốc xã Bồ Điền, huyện Hương Điền tỉnh Bình Trị Thiên, đã từng học tập ở Huế 10 năm, người mà thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi là "ngôi sao sáng của văn nghệ dân tộc" hiện nay phải nằm hẩm hiu trên một con đường ít người biết đến (đường sau Ủy ban nhân dân thành phố, không có một cửa ngõ, một số nhà).

- Bà Huyện Thanh Quan, một nhà thơ nữ nổi danh đã làm việc tại Huế dưới triều Tự Đức, sau khi đã "bước tới đèo Ngang bóng xế tà, cỏ cây chen lá, đá chen hoa", hiện nay phải nhận một con đường, đúng hơn là một đoạn đường vỏn vẹn độ 50 mét, mới mưa đã lụt, bên hông sở Giáo dục và Thư viện Đại học (tất nhiên cũng không có số nhà).

- Lê Lai, người từng "liều mình cứu chúa", nay đang nằm ở một ngõ cụt rất ngắn, uốn lượn nhiều lần và chỉ đến một nơi duy nhất là lao Thừa Phủ.

- Công chúa Ngọc Hân, là Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung, tác giả bài thơ Ai tư vãn nổi tiếng, đã sống, và mất trên đất Huế, tên đường nằm ở vị trí ít ai biết đến.

- Chúng ta đã xóa những tên đường Hàm Nghi, Duy Tân, Tôn Thất Thuyết những vị vua, quan triều Nguyễn yêu nước, nhưng vẫn để lại tên đường Tôn Thất Thiệp, tên người con trai Tôn Thất Thuyết mà vị trí lịch sử so với Tôn Thất Thuyết là rất khập khiễng, (có một chi tiết là đúng ra nên gọi Tôn Thất Thiệp là Tôn Thất Tiệp mới đúng với tên của ông mà phổ hệ của dòng họ ở Bến Ngự còn gìn giữ).

- Đặc biệt Bác Hồ và nhiều danh nhân lịch và văn hóa gắn bó với Huế như Đặng Tất, bố của Đặng Dung, người lãnh đạo nhân dân Thuận Hóa khởi nghĩa chống quân Minh từ thế kỷ XV; Công chúa Huyền Trân, người mang lại châu Ô, châu Lý, trong đó có Huế; Dương Văn An, tác giả tập Ô Châu Cận lục, cuốn sách biên khảo về Hóa Châu từ thế kỷ XVI, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, nhà Lý luận và phê bình văn học xuất sắc của Đảng, người đầu tiên công khai viết nhiều bài báo giới thiệu của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và các quan điểm văn nghệ Mácxít của thời kỳ Mặt trận dân chủ ở Huế nay đã có tên đường tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ở Huế thì chưa có tên trên đường phố...

***

Chúng tôi đề nghị nên đặt lại tên đường phố ở Huế. Cơ sở để đặt tên đường cần xem xét trên nhiều mặt, trong đó có một yếu tố rất quan trọng đối với Huế là nên căn cứ vào các sự kiện lịch sử và văn hóa, những di tích lịch sử và di tích cách mạng trên từng vùng đất, từng trục đường, lựa chọn những danh nhân lịch sử và văn hóa phù hợp để đặt tên đường, có kết hợp xem xét về tính chất và quy mô từng loại đường phố, vị trí lịch sử của từng danh nhân, cố gắng tạo ra một hệ thống tên đường phố hợp lý hóa, vừa thể hiện được lịch sử phát triển qua các thời kỳ của đất nước, vừa là nổi bật được truyền thống lịch sử và văn hóa sâu đậm của Huế.

Qua nghiên cứu, khảo sát, lập danh sách những danh nhân lịch sử và văn hóa từng sống và làm việc tại Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế qua các thời kỳ mà tư liệu sử học, tư liệu dân tộc học cho phép xác định được mối tương quan giữa nhân vật lịch sử và đường phố; danh sách những danh nhân đã sống và làm việc tại vùng đất nầy nhưng chưa thể xác định được mối tương quan với đường phố, danh sách những danh nhân tiêu biểu của dân tộc qua các thời kỳ cần thiết phải đặt tên đường phố, kể cả danh xưng Hùng Vương truyền thống, để tìm biện pháp giải quyết. Chúng tôi nghĩ có khả năng thực hiện được.

1. Những trường hợp có mối tương quan giữa danh nhân và đường phố.

- Lê Quý Đôn, nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến, năm 1776 trong 6 tháng giữ chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa, đã viết tác phẩm Phủ biên tạp lục nói về xứ Đàng Trong, chủ yếu là nói về Thuận Hóa. Chúng tôi đề nghị đổi tên đường lên chùa Thiên Mụ (đường Kim Long hiện nay) thành đường Lê Quý Đôn.

- Phan Huy Ích, nhà thơ thời Tây Sơn, được Nguyễn Huệ đặc biệt quí trọng về tài văn chương, giữ chức Thị trung Ngự sử ở tòa Nội các thời Nguyễn Huệ, có nhiều bài thơ về Huế. Trong bài Đáo Phú Xuân thành (Đến thành Phú Xuân), ở phần chú thích, tác giả viết "nhân lúc rỗi đi thăm các cảnh ở Thiên Mụ, Hà Khê Phủ Cam, Phố Lỡ ". Chúng tôi đề nghị đổi tên đường lên Phủ Cam (nay là đường Nguyễn Trường Tộ) thành đường Phan Huy Ích.

- Nguyễn Du, thi hào của dân tộc, tác giả truyện Kiều, từng làm Tham tri bộ Lễ thời Gia Long (tương đương Thứ trưởng bộ Ngoại giao và Nghi lễ), trong bài thơ Ngẫu thư công quán bích (Ngẫu nhiên đề trên vách nhà công) có nói đến Kinh thành, núi Ngự Bình và cả giường nằm của mình, cho chúng ta biết Nguyễn Du đã ở tại công quán (dãy nhà công): Bài Ngẫu đề có câu thơ "Nhất thân ngọa bệnh đế thành đông" (ta một mình ốm đau nằm ở phía đông đế thành), chúng tôi đề nghị đổi tên đường từ Thượng Tứ đến Cầu Kho (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) thành đường Nguyễn Du. (Theo nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Lộc thì Nguyễn Du đã đọc Thanh Tâm Tài Nhân và viết truyện Kiều tại dãy nhà công ở Huế)

- Đào Tấn, nhà viết tuồng xuất sắc, từng làm Thượng thư bộ Công tại Huế, nhà ở được xác định tại đường Nguyễn Du. Chúng tôi đề nghị đổi tên đường Nguyễn Du hiện nay thành đường Đào Tấn.

- Lê Thánh Tông, vua đời Lê đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng, người đã lập hội thơ Tao Đàn có tính Nhà nước, đã có miếu thờ tại đường Lịch Đợi. Chúng tôi đề nghị đổi tên đường Lịch Đợi thành đường Lê Thánh Tông...

- Đoàn Hữu Trưng, người tổ chức cuộc khởi nghĩa "Chày vôi" chống Tự Đức năm 1866, tác giả tập thơ Trung nghĩa ca, đã tập họp nghĩa quân từ Vạn Niên về bến đò Trường Súng, vượt sông Hương ở gần cồn Dã Viên, đưa quân vào thành qua cửa Hữu. Chúng tôi đề nghị đổi tên đường Yết Kiêu ở cửa Hữu thành đường Đoàn Hữu Trưng.

- Tùng Thiện công Miên Thẩm, con trai Minh Mạng, chú ruột Tự Đức, bố vợ Đoàn Hữu Trưng, bạn thân Cao Bá Quát, nhà thơ lớn. Là một ông hoàng nhưng thơ ông có những cảm xúc chân thành, đau xót trước khổ cực của nhân dân và nguy cơ của đất nước. Vườn nhà của ông là Ký Thưởng Viên, nay còn phần nhà thờ tại đường Phan Đình Phùng. Chúng tôi đề nghị đổi tên đường Phan Đình Phùng thành đường Tùng Thiện hoặc Miên Thẩm.

- Phan Đình Phùng, thời Tự Đức từng làm Ngự sử viện Đô sát ở Huế, thủ lĩnh cần vương Nghệ Tĩnh. Viện Đô Sát trước đây ở vị trí trường mẫu giáo Mầm Non II đường Đoàn Thị Điểm.

Chúng tôi đề nghị đổi tên đường Đoàn Thị Điểm thành đường Phan Đình Phùng.

Có hai nhân vật lịch sử đặc biệt, Bác Hồ và Nguyễn Huệ, hai anh hùng dân tộc trong hai thời kỳ oanh liệt của đất nước, đều có mặt trên đất Phú Xuân - Huế, cần phải có vị trí đặc biệt. Chúng tôi đề nghị:

- Đổi tên đường Nguyễn Sinh Cung hoặc Nguyễn Tất Thành, tên của Bác thời kỳ ở Huế. Đây là con đường có trường Quốc Học nơi Bác đã học, có tòa Khâm sứ Pháp, nơi Bác đã tham gia chống thuế, đường dẫn về làng Dương Nỗ, nơi Bác đã sống. Con đường lớn và dài nhất của Huế.

Đổi tên đường Trần Hưng Đạo, con đường trước Kinh thành hiện nay, đồng thời là đường trước thành Phú Xuân thời Nguyễn Huệ thành đường Nguyễn Huệ. Nhiều tư liệu thư tịch cổ đã thuật lại chiến thắng thành Phú Xuân năm 1786 do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy diễn ra trên mặt sông và phía trước thành.

Về những đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, theo chúng tôi biết, chúng ta đã xác định được nhà ở của đồng chí Trần Phú tại đường Đinh Công Tráng; Tòa soạn báo Dân tại đường Trần Thúc Nhẫn mà đồng chí Phan Đăng Lưu được Xứ ủy Trung kỳ phân công phụ trách; nhà sách Thuận Hóa ở đường Phan Đăng Lưu là trụ sở bí mật của Xứ ủy Trung kỳ mà đồng chí Lê Duẩn đã ở để chỉ đạo phong trào; đường Điện Biên Phủ dẫn đến nghĩa địa do cụ Phan Bội Châu lập nên, ở đó mộ đồng chí Nguyễn Chí Diễu được cụ Phan bố trí chôn đầu tiên ở vị trí trung tâm. Những con đường nầy có thể xem xét để đặt tên từng đồng chí lãnh đạo của Đảng, sẽ vừa có ý nghĩa, vừa có tác dụng phát huy các di tích cách mạng hiện có.

Chúng tôi nghĩ việc đặt tên đường Hàm Nghi, một vị vua nhà Nguyễn yêu nước thay tên đường Lê Huân hiện nay, con đường xưa kia Hàm Nghi đã rời Kinh thành để ra sơn phòng chống Pháp; đổi tên đường Trần Phú, con đường dẫn đến An lăng, nơi có mộ vua Duy Tân thành đường Duy Tân; đặt tên đường vào chùa Viên Thông nơi chúa Nguyễn Phúc Chu từng đến thành đường Nguyễn Phúc Chu; đặt tên đường trước chùa Linh Quang, ngôi chùa của hòa thượng Liễu Triệt, người giữ vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa chống Tự Đức của Đoàn Hữu Trưng là điều có thể xem xét.

Công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông năm 1306 vâng lệnh vua cha và vua anh để lấy Chế Mân, vua Cham-pa. Món quà của đám cưới này là hai châu Ô và Lý. Huế là một phần của món quà ấy, Huế có "nợ" với Huyền Trân. Trước đây đường Bùi Thị Xuân là đường Huyền Trân công chúa, con đường dẫn đến khu vực có thành Lồi mà theo truyền thuyết dân gian ở Huế đây là thành do tướng Lồi và binh lính Chăm-pa đắp trong cuộc thi độ trí với Đoàn Nhữ Hài, tướng nhà Trần, để giải quyết cuộc xung đột Việt-Chăm sau khi Chế Mân chết. Câu chuyện có tình tiết dài, là một tài liệu dân gian, nhưng tên Huyền Trân gắn với vùng đất có giai thoại về cuộc tình duyên Việt-Chăm này nếu được giữ lại vẫn có nghĩa của nó.

2) Những danh nhân lịch sử và văn hóa không có tương quan với khu vực đường phố ở Huế phải đặt tên theo phương pháp nào?

Sau khi đặt tên những danh nhân lịch sử -văn hóa gắn với đường phố, đối chiếu với số đường phố còn lại, chúng ta còn nhiều đường, có những đường lớn (như Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Chi Lăng, Bạch Đằng…). Chúng tôi nghĩ có thể chọn những đường có vị trí tương ứng để đặt tên cho những nhân vật lịch sử lớn như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Hùng Vương..., những nhân vật lịch sử - văn hóa gắn bó với Huế nhưng chưa xác định được mối quan hệ với đường phố như Dương Văn An, Đặng Tất, Nguyễn Phúc Trăn, Bùi Thị Xuân...

Cách đặt tên đối với những trường hợp này, theo chúng tôi nên chọn một đường trục lớn để đặt tên một danh nhân tiêu biểu của cả thời kỳ, các đường nhỏ theo hệ thống một trục sẽ mang tên những nhân vật cùng thời kỳ. Cách đặt như thế vừa xác định rõ vị trí đặc biệt của những nhân vật lịch sử tiêu biểu, vừa giúp học sinh và những người hiểu về lịch sử chưa sâu nhận thức về lịch sử một cách hệ thống, vừa tiện cho khách dễ tìm đường.

Thử lấy đường Nguyễn Huệ hiện nay đổi thành đường Lê Lợi (nếu chấp nhận phương án đổi đường Lê Lợi thành đường Nguyễn Sinh Cung hoặc Nguyễn Tất Thành) thì vị trí Lê Lợi, anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Minh vẫn có vị trí tương xứng. Quanh trục Lê lợi có thể đặt tên:

- Nguyễn Trãi, nhà hoạt động chính trị và văn hóa lớn, người đã giúp Lê Lợi dựng nghiệp, ở vị trí đường Lý Thường Kiệt hiện nay.

- Những đường ngang khác tiếp xúc với trục Lê Lợi, sẽ được đặt tên như Lê Lai (thay Nguyễn Khuyến), Trần Nguyên Hãn (thay Hai Bà Trưng)...

3) Những đường phố đã có tên hợp lý và nhiều đường không có ý nghĩa lịch sử nào khác vẫn nên giữ nguyên.

Tất nhiên, khó tạo được một sự hợp lý tuyệt đối, có những trường hợp cần phải trao đổi, xem xét thận trọng. Đường phố còn tiếp tục biến động trong quá trình phát triển. Nhưng nếu chúng ta quyết tâm sửa những điều chưa phù hợp, chọn cách đặt tên đường gắn với những sự kiện lịch sử đã để lại dấu ấn trên vùng đất này. Việc làm của chúng ta sẽ có tác dụng tăng cường ý thức gìn giữ, bảo vệ và phát huy những di sản lịch sử và văn hóa của dân tộc ở Huế; sẽ tạo ra một nét độc đáo, rất Huế, rất hấp dẫn đối với những người nghiên cứu và khách tham quan du lịch.

T.T.C - N.X.H
(SH30/04-88)








 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
300 năm Phú Xuân (29/05/2014)