Ai ra xứ Huế
Sen Huế
14:18 | 07/08/2014

NGUYỄN VĂN UÔNG

Mùa hạ, mùa sen.
Sen kín mặt các hồ Tịnh Tâm, hồ hào thành quanh Thành Nội.

Sen Huế
Ảnh: internet

Vào một chiều nóng nực ngọn gió Lào, có chút thư giãn trên nẻo đường qua các nơi ấy, thả mắt nhìn màu lá xanh bông trắng thanh khiết rập rình vũ điệu, đung đưa dáng nõn nà như vẫy chào ánh mắt đắm đuối nhìn theo. Rất nhiều tảng lá xanh tròn, có chiếc cao hẳn so với mặt nước như chiếc lọng che bóng những chiếc đàn em nhỏ nhắn ép sát mặt nước. Hoa sen vút cao khỏi tầng lá, những búp non mới nhú như hình bút tháp, lớn hơn thành búp sen và khi bung nở thành cả đóa sen bông trắng nhụy vàng. Chiếc xuồng tre nho nhỏ len lỏi giữa hồ sen, nhấp nhô chiếc nón trắng lung linh trên mặt hồ lá sen xanh trông như một búp sen khổng lồ.

Chiếc xuồng tre và cô hái sen chỉ xuất hiện mỗi tháng vài lần vào các ngày trước rằm, mồng một hàng tháng hái hoa đem bán các chợ phục vụ nhu cầu tâm linh người dân thần kinh mộ đạo Phật. Ngoài thời gian ấy, sen cứ nở, cứ tàn để các đài sen lớn lên thành gương sen, kết hạt, một đặc sản Huế xưa.

Thế giới của sen chỉ tưng bừng về mùa hạ. Mùa xuân tháng giêng hai khi cái rét đài, rét lộc còn theo mưa phùn vờn vũ đám lá xanh non mùa xuân, mai đào rụng cánh, tàn hoa, ngoài vườn cây trái ngào ngạt hương hoa cau, hoa khế, hoa cam, quýt, bưởi, chanh, cùng thược dược, vạn thọ trong bồn khoe sắc thắm, thì sen còn ngái ngủ dưới lớp bùn sâu. Cuối xuân vài tấm lá mỏng như chiếc bánh đa ngần ngại xuất hiện, ôm sát mặt nước hồ. Thế rồi ngày càng ấm hơi nắng hạ thì sen cũng nhanh nhảu chiếm lĩnh mặt hồ. Vài chiếc lá vút cao như lọng tán, rồi hoa, rồi cả một hồ sen bông trắng lá xanh rập rờn. Sang thu hồ sen chuyển từ xanh non sang màu ủ dột, hoa ít dần, vài chiếc lá già nua dần không đủ sức che kín mặt hồ để sang đông, sau đợt dọn hồ của người chủ hồ thì mất hẳn bóng sen. Hồ sen lúc này dềnh nước theo từng con lũ đổ về, ít bè rau muống như vẽ hoa điểm xanh mặt hồ vài đốm. Con chim bói cá trên cọc tre cắm bè rau muống chỉa cái mỏ dài như chiếc đinh nhọn và con mắt cú vọ xuống mặt hồ chờ mấy chú cá con động tịnh. Nhìn hồ sen lúc này tôi có cảm giác như tâm trạng anh chàng Vọi, một ngư dân quê mùa trong tác phẩm Trống Mái của Khái Hưng, thơ thẩn trên bãi Đồ Sơn một chiều đông giá vắng lặng, nhớ da diết về cô gái thị thành tên Hiền và những ngày hè nắng chói cùng hương vị ngái ngái rát môi của mùi thuốc đánh răng, thứ của văn minh thành phố lần đầu tiên Hiền mang lại cho anh.

Sen là một biểu trưng của Huế mùa hè.

Ngày còn bé, tôi có người bạn cùng lớp tiểu học ở cạnh hồ Tịnh Tâm. Tôi thường băng con đường xuyên giữa hồ nối đường Đinh Bộ Lĩnh và khu Thú Y để đến nhà bạn tôi. Con đường chia hồ làm hai phần, mỗi bên có một đảo cây xanh. Khi ấy phần đảo bên hồ lớn được trùng tu, một cây cầu bắc ra đảo, một ngôi nhà lục giác giữa đảo. Thầy dạy hát Ngô Ganh thỉnh thoảng dẫn chúng tôi ra đảo này tập hát, xem hồ. Nhà thầy ở góc đường Hòa Bình, gần hồ. Chúng tôi học hát thì ít mà chơi đùa thì nhiều. Thầy đã già, lũ nhóc chúng tôi như đám tiểu đồng giữa một tiên ông. Chỉ tiếc là tiên ông mặc áo vét tông và không có râu, tóc ông chớm bạc nhưng cắt ngắn đờ mi cua nên chẳng ra vẻ tiên chút nào. Đảo bên kia, gần phía chợ Cầu Kho um tùm cây trái. Chúng tôi nhìn sang cây xoài lủng lẳng vài quả đu đưa tòn ten nhưng không thằng nào có gan cóc tía dám vượt qua hồ tiếp cận. Cây sanh án ngữ trên con đường giữa khoảng cách hai đảo âm u cùng cái am lớn dưới gốc với nhiều câu chuyện truyền miệng li kỳ, rùng rợn khiến chúng tôi không dám lại gần. Mỗi lần lên cầu đi qua đảo, chúng tôi cúi đầu, bước nhanh. Vài sợi rễ phụ xỏa xuống đường vươn vào người, chúng tôi lách mình đi qua, không dám đụng đến.

Sen Tịnh Tâm ngày ấy chỉ có sen trắng. Tôi nhớ sen Tịnh Tâm từ hình ảnh mặt hồ dập dìu những đài sen trắng rung rinh trên tấm thảm lá xanh, mùi hương thoang thoảng mỗi khi cơn gió lướt qua mang theo làn hơi mát lạnh giữa trưa hè. Ngày ấy đã hơn 50 năm qua rồi.

Sen Huế không chỉ ở Tịnh Tâm. Có thể nói ở Huế nơi nào có hồ là có sen. Đi qua các cầu đá để vào các cửa Thành Nội ngày ấy, nơi nào cũng thấy nhiều sen dưới hồ. Một dãy các cửa thành tôi đã từng ra vào từ An Hòa, Chánh Tây, cửa Hữu đến cửa Nhà Đồ, cửa Ngăn, Thượng Tứ, Đông Ba… Mùa hè nhìn xuống hồ chỉ sen và sen.

Trên con sông Ngự Hà xuyên Thành Nội chia nước từ sông Bạch Yến phía tây, qua cống Thủy Quan đổ ra cống Thanh Long phía đông để hợp lưu sông đào Đông Ba, nhiều đoạn vẫn có sen. Hào thành quanh Đại Nội, nhất là phía trước cửa Ngọ Môn, cửa Hiển Nhơn cũng nhiều sen. Những hồ nhỏ trong Thành Nội như hồ Mân, hồ Tàng Thơ, hồ Xã Tắc… đều có sen nở mùa hè.

Sen trở nên quen thuộc trong nếp sống người Huế. Dâng hương cúng Phật có hoa sen, chén chè hạt sen. Ngày vui, giỗ tết… mời nhau chén trà sen Liên Tử Tâm. Mùa sen tàn, trẻ con được ăn củ sen có nếp và đậu xanh nhét vào ruột nấu chín thơm ngát mùi xôi. Tết có mứt củ sen từng lát tròn xiên xiên vừa ngọt vừa bùi vừa thơm béo ngậy. Sen quen thuộc với người Huế trong cả việc đặt tên cho những đứa con yêu. Nhà sang trọng, trí thức thì có các tên Bích Liên, Hồng Liên, Bạch Liên, Kim Liên, Ngọc Liên, Hương Liên… Nhà bình dân, nghèo khổ vẻn vẹn chỉ gọi một tên Sen. Dù Liên hay Sen thì cũng dành riêng cho con gái. Ít thằng con trai Huế nào được cha mẹ đặt tên từ một loài hoa.

Hoa sen hầu như chỉ được dâng cúng nhiều trong các lễ nhà Phật. Những nơi đình chùa, lăng miếu, thừa tự trang nghiêm thường được thiết kế có hồ sen như là một bình phong che chắn trước hướng trực đạo. Bình hoa sen khi cắm còn búp và được thay khi sen nở bung cánh. Sen cắm trang trí phòng khách thường có thêm vài lá sen mới nhú khỏi mặt hồ, còn cuốn tròn chưa trải mặt lá. Người uống trà điệu nghệ mang hương vị sen vào chén trà bằng nhiều cách công phu. Có người dùng nhị sen ướp với trà, có người chiều đem trà ủ vào đóa sen mới nở, sáng sớm mai ra hồ sen bốc trà vào ấm, có người chỉ dùng Liên Tử Tâm là loại trà chế biến từ tim mầm hạt sen có công dụng bổ tâm, tráng khí. Bằng cách nào thì người kỳ công cũng cố lấy cho bằng được những giọt sương đêm đọng trên lá sen giữa hồ làm nước pha trà mới là dân sành điệu. Sen là biểu tượng nét đẹp tâm hồn thanh khiết của người quân tử khi vị ngộ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Sen nâng bước đi đầu đời cho đấng Giác Ngộ ngày đản sinh qua 7 tòa sen trong truyền thuyết nhà Phật. Đoàn thanh thiếu niên gia đình Phật Tử đã mượn hình ảnh đóa sen vàng 5 cánh cách điệu làm biểu tượng cho đoàn thể mình.

Có chuyện kể về một người con gái nhà gọi tên là Sen, thực ra là Ngân Liên trong khai sinh. Nhà gần hồ sen, cô thích cắm hoa sen lên bàn thờ trong những ngày cúng Phật. Thói quen này cô tiếp thu từ bà mẹ nhân từ khi còn rất bé. Một cậu học sinh trọ học gần đó thường lui tới nhà chơi khi cô còn là học sinh tiểu học. Đôi khi cậu còn chở cô đi học trên chiếc xe đạp giàn. Xe không có yên phụ, cô bé phải ngồi trước giàn xe trong vòng tay ghi đông của cậu con trai trung học. Thế rồi cũng đến ngày biết e thẹn, cô không để cậu chở, mặc dầu mấy năm vào trường trung học xa nhà cô hơn. Một buổi cậu đến nhà chơi kèm cặp cô bé vài môn học bỗng dưng cậu thấy ngập ngừng trước ánh mắt khác lạ của cô bé. Ánh mắt ấy cậu đã nhiều lần nhìn thấy nhưng không như hôm nay. Buổi học hôm ấy chỉ vu vơ tủn mủn. Cô bé bắt đầu giữ ý tứ nhiều hơn mỗi khi cậu đến nhà. Bạn bè cùng lứa trong xóm thường ghép tên cô và cậu thành Đàm Liên, có đứa còn trêu là Đầm Sen. Cô ngúng nguẩy chối từ nhưng đầy những trang vở trống của cô nơi nào cũng có hai chữ ghép Đ-S lồng vào nhau với nhiều kiểu cách. Một buổi sáng, tình cờ người mẹ thấy môi cô bé có vài vết tím bầm, dấu hiệu của tình yêu vụng về ban đầu. Mẹ càng nhìn bé càng lúng túng. Bà nhẹ nhàng bảo con trân trọng bản thân và thận trọng với những cảm xúc đầu đời. Cô bé rớm nước mắt gục đầu vào vai mẹ. Cậu Đàm chuyển chỗ trọ xa nhà cô bé nhưng thỉnh thoảng vẫn thường gặp nhau. Thời gian sau, cậu đi xa, cô bé lấy chồng theo ý bố mẹ sắp đặt. Sau hơn 10 năm chung sống, cô từ chối theo chồng ra nước ngoài, ở lại lẳng lặng một mình nuôi con. Đến ngày nghỉ hưu, đứa con gái đã có chồng ở xa, cô xuống tóc tu tại gia. Nhà cô trở thành lớp học tình thương ban đêm cho mấy cháu học sinh con nhà lao động nghèo trong xóm. Mấy cháu nhỏ gọi tên cô giáo Sen, dân trong xóm gọi là Ni Cô Đàm Liên. Trong nhà cô vẫn treo trang trọng tấm hình của cô và người chồng cùng đứa con gái những ngày còn trẻ trung, hạnh phúc cạnh bức tranh một đầm sen trắng có nhiều hoa nở bung. Đến mùa sen, trên bàn thờ Phật cô cắm những búp sen. Trên chiếc bàn nhỏ làm việc ở góc phòng luôn có một đóa sen trắng nở bung cánh, lộ rõ nhụy vàng.

Cô Sen ngày ấy nay ở một nơi xa hồ sen. Mỗi lần ngắm hồ sen mùa hạ tôi lại nhớ câu chuyện về cô. Những năm gần đây, mỗi lần nghỉ hè có dịp ra Huế, tôi thường hóng gió hồ sen. Nhà tôi trong Thành Nội nên tiếp cận các hồ sen cũng thuận tiện. Sen Huế nay có nhiều sen hồng mọc cao hơn sen trắng. Hồ sen bị lấp cạn dần, nhiều hồ bị ô nhiễm vì cư dân sống quanh hồ. Ngày xưa, trong hồ sen có bè rau muống cạnh tranh đất sống với sen, nhưng còn ít, sen vẫn chiếm ưu thế trong sông, hồ thành phố. Ngày nay, các hồ sen ít dần đi, dân lấn hồ làm nhà, bè rau muống lấn nơi sinh trưởng của sen. Nước các hồ cạn đến lớp bùn. Người ta trồng rau muống vì bán có giá hơn sen. Nếu đem tính toán theo một con tính của nhà kinh tế ngày nay thì giá trị sen không bằng giá trị rau muống. Mỉa mai thay!

Vẻ đẹp Huế sẽ thế nào khi các hồ không còn sen. Người yêu Huế phải làm gì để giữ “v đẹp Huế chng nơi nào có được” này cho mai sau.

N.V.U  
(SDB13/06-14)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
300 năm Phú Xuân (29/05/2014)