Ai ra xứ Huế
Những con đường du lịch Huế
15:07 | 11/11/2014

PHẠM HẠNH THƯ

Du lịch Huế xưa
Du lịch Huế có một lịch sử thơ ca dân gian gắn liền với những bước phát triển của mình.

Những con đường du lịch Huế
Cung An Định - Ảnh: Phan Văn Chiến

Thời đất nước còn loạn ly, người ta mơ mộng xứ Huế qua các câu hát:

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.


Niềm mơ mộng cứ day dứt mãi cho cho đến khi quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng khai phá, dọn một con đường du lịch Huế. Người ta truyền tụng nhau câu hát trả lời, mời gọi vào thăm xứ Huế:

Phá Tam Giang ngày nay đã cạn
Truông nhà Hồ nội Tán cấm nghiêm


Đường du lịch Huế bắt đầu rộng mở, nhất là khi Huế trở thành kinh kỳ. Khách từ Bắc Hà, Nam Hà rộn ràng đến chiêm ngưỡng xem xứ Huế. Theo các nhà sử học, vào thời ấy Triều đình Huế đã cho dựng ở ngoại thành Huế Nam Đình, phía nam Sông Hương và Bắc Đình, phía bắc Sông Hương để tiếp đón và đưa tiễn khách vào Nam ra Bắc. Chính ở đây khách có những buổi gặp gỡ sơ ngộ, tạo nên một tình cảm ban đầu với xứ sở mình đang đặt chân tới.

Đấy có lẽ là những văn phòng hướng dẫn du lịch đầu tiên của ngành du lịch Huế. Cho đến mai kia, năm 2000 chẳng hạn, khi bước qua ngưỡng cửa vùng du lịch, chúng ta vẫn không quên rằng chúng ta đã bắt đầu lịch sử của mình từ cái nề nếp văn minh lịch sự có tính chất truyền thống đó.

Du lịch Huế đã có một quá khứ đẹp như vậy, và từ trong quá khứ ấy đang chất chứa một mầm mống của tương lai.

Du lịch Huế trong tương lai xa.

Hãy lấy thí dụ đó là một năm 2002, thay cho Bắc Đình và Nam Đình, du khách trong và ngoài nước đến Huế theo chương trình “Châu Á bao la và huy hoàng” sẽ được đón tiếp bằng những công trình phục vụ tự động hóa, hiện đại và tiện nghi.

Tại các khu lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, các danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử văn hóa khác, du khách sẽ được sống lại trong không khí của một cố đô nguyên vẹn bằng những công trình nghệ thuật đã được trùng tu hoàn chỉnh, và bằng cả một hệ thống video cassette diễn lại y như thật các sự tích, các nhân vật lịch sử của Huế phục vụ theo yêu cầu của từng du khách. Việc tổ chức đưa du khách đi tham quan diễn ra rất khoa học đến nỗi chỉ trong vòng một ngày, người ta có thể nắm được những hiểu biết phổ thông về Huế ngang bằng với kiến thức trong tập bách khoa Huế ABZ. Một hệ thống phục vụ ăn uống cũng đã được thiết lập ở mức chuyên môn hóa và hiện đại hóa, để du khách vừa đi tham quan hoặc vừa ngồi ngắm cảnh vừa thưởng thức những món ăn đặc sản tuyệt vời của Huế. Đây là hệ thống tự động hóa hoàn toàn nhưng làm việc rất tế nhị, để trong một thời gian rất ngắn, du khách có thể nếm được hết các món ăn Huế. Các nhà Huế học cho biết có tất cả 1.200 món ăn Huế khác nhau.

Có thể nói các hệ thống hoạt động răm rắp y như một nhà máy, tuy không có khói nhưng thật là khổng lồ. Bởi vì nó muốn “tiêu diệt” trọn vẹn 75% chi phí bằng ngoại tệ của du khách. Số liệu phân tích của nhà máy khổng lồ này đến lúc đã tỏ ra rất phù hợp với số liệu thống kê của du lịch quốc tế (O.M.T.): 30% chi tiêu của khách du lịch để ngủ, 25% để ăn, 10% để vui chơi, giải trí, 5% để đi lại.

25% còn lại của du khách để mua quà lưu niệm được một hệ thống mua bán khác đảm trách. Hệ thống này có tiền thân là Cửa hàng lưu niệm thuộc Công ty du lịch Huế nằm trên đường Lê Lợi hiện nay. Nay nó đã thực sự trở thành một xí nghiệp liên hiệp tập hợp hàng trăm cơ sở với hàng vạn thợ thủ công mỹ nghệ, họa sĩ, nghệ nhân làm việc cho nó. Có thể tìm thấy ở đây những đồng tiền cổ thời Tây Sơn đến các túi du lịch kiểu mới mang dấu hiệu Mundial 2002 của cô thợ thêu ở làng thêu Thuận Lộc. Ở đây cũng cần mở dấu ngoặc, do ngành du lịch phát triển đã giúp cô xuất khẩu tại chỗ sản phẩm, công việc mà trước đây qua rất nhiều ngành nhiều cấp nhiều thời gian mới lấy lại được phần công lao động của mình.

Đến lúc này, phải công nhận cổ máy du lịch Huế đã tỏ ra rất đắc lực trong việc giúp du khách tiêu hết 100% số tiền mang theo trong chương trình tham quan cố đô. Một vị khách nước ngoài với xâu thanh trà lủng lẳng bên vai, trước khi rời Huế phát biểu: “Chúng tôi cũng thích những căn nhà yên tĩnh thơ mộng bên dòng sông Hương. Chúng tôi mong có dịp đến sống ở đó với cuộc sống của các bạn.

Như vậy, bên cạnh du lịch hiện đại, du lịch nhân dân cũng hấp dẫn du khách không kém. Hai phương pháp này bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Hãy tưởng tượng đó là một cổ máy khổng lồ hái ra vàng cho thành phố y như câu chuyện thần kỳ. Một câu chuyện chỉ có trong tưởng tượng.

Đúng là một câu chuyện tưởng tượng. Nhưng biết đâu, những gì chúng ta đang mơ ước, hoặc xem là chuyện viễn tưởng thì ngày mai sẽ trở thành sự thật, khi mà “cánh cửa vàng” đã mở.

Biết đâu sức tưởng tượng của chúng ta ở thế kỷ 20 này còn kém xa thực tế xảy ra ở thế kỷ 21. Thế kỷ của Rôbô tìm cách làm việc, còn con người thì tìm cách đi tham quan du lịch.

Tuy vậy, để bước sang thế kỷ mới, điều trước tiên là hãy mở cánh cửa hiện đại của mình.

Du lịch Huế hiện nay như thế nào?

Có thể trả lời ngay: đó là một cánh cửa nặng nề và rất nhỏ hẹp. Du khách bước qua đó sẽ rất khó khăn. Vì như một đồng chí có trách nhiệm trong ngành cho biết, chúng ta chưa có đủ chỗ để đón khách (60 giường - đó là tất cả những gì Công ty du lịch Huế đang có, con số không thể nói là khiêm nhường mà quả thật là quá đáng buồn). Một số phòng ngủ đang được gọi là khách sạn thì không đủ tiện nghi, ngay cả tiện nghi tối thiểu như điện, nước, chẳng là ngành du lịch Huế bắt đầu sự nghiệp của mình với 5.000 đồng vốn vào năm 1985. Và số tiền lời du lịch mang lại cho thành phố năm 1987 là 3 triệu đồng. Tính ra mỗi người dân Huế được hưởng 30đ/năm trên biết bao nhiêu vốn liếng mà bao đời ông cha để lại bằng các công trình kiến trúc văn hóa, nghệ thuật, các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh được dày công tô vẽ. Mà số tiền 3 triệu đồng ấy chưa hẳn là đã được thu toàn bộ bằng những dịch vụ du lịch. Và nếu so sánh một cách chính xác về hiệu quả kinh tế thì số tiền lời kia còn thấp thua xa số tiền kiếm được của một tư nhân trước đây là chủ một hai phòng ngủ, khách sạn.

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã ghìm cánh cửa du lịch Huế. Những nguyên nhân ấy là có thực và nếu được trình bày một cách đầy đủ chắc chắn ít ra là phải mất hơn một trang giấy với những gạch đầu dòng. Nào là vốn đầu tư, nào là cơ chế bộ máy, nào là việc lãnh đạo, chỉ đạo v.v... và v.v... Nhưng rõ ràng tất cả những nguyên nhân đã ghìm cánh cửa du lịch Huế lại, dù xuất phát từ một thực tế khó khăn nào, không phải là không có cách giải quyết, nhất là trong tình hình hiện nay, khi mà Nghị quyết VI của Đảng đã “bật đèn xanh” cho ngành du lịch và Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định công nhận Huế là 1 trong 10 trung tâm du lịch quốc tế trong nước. Rõ ràng, trước hết, một sự thúc bách hàng đầu là tự thân Huế phải vượt qua trạng thái tĩnh, tĩnh đến độ buồn rầu bao nhiêu năm nay. Một trạng thái tĩnh của người tham thiền ngày ngày mơ mơ màng màng nhìn những chiếc ô tô du lịch của người bạn láng giềng đều đặn đưa khách quốc tế ghé lại, với tấm vé vào cửa rồi lại ra đi. Bởi vậy, một nhân viên bán vé tham quan ở cổng Đại Nội nói: “Thật là vô lý, chúng ta thì bỏ ra biết bao nhiêu kinh phí để trùng tu, sửa chữa, còn họ thì... thu tiền”. Hơn cả nỗi buồn và sự ganh tỵ, người nhân viên bán vé nọ đã nói lên một nỗi bức xúc trước một thực tế. Thực tế ấy nhiều khi thật khó tin nhưng mà có thật. Có thật đến 90% đối với lời phát biểu của người nhân viên bán vé nọ, vì dù sao thì cũng phải trừ 0,1% tiền bán vé mà ngành du lịch BTT đã thu được của các vị khách. Cũng thật buồn cười, một khu di tích như Đại nội mà chỉ với giá tiền không bằng một cốc nước giải khát du khách có thể đi tham quan tự do từ điện này đến cung kia không trừ một chỗ nào!

Hãy chọn một con đường

Nhà văn Lỗ Tấn khi nói về con đường, ông ngụ ý khuyến khích con người hãy biết tưởng tượng và sáng tạo cho chính mình một lối đi, đó là chân lý đơn giản, vì một lẽ dễ hiểu, chỉ có sự chết mới dừng lại. Trong mỗi một hoàn cảnh đều phải chọn con đường để đi. Trong hoàn cảnh thành phố Huế với nguồn kinh phí ít ỏi của mình, chắc chắn còn lâu mới có đủ khả năng hiện đại hóa công việc tiếp đón du khách nước ngoài (nhưng không phải vì thế mà không được tiếp khách nước ngoài như những ràng buộc trước đây đối với ngành du lịch Huế). Đây là một con đường phải vượt qua rất nhiều trái núi cao, đến che mất mục tiêu của mình. Và như vị khách phát biểu ở trên, ngôi nhà với cuộc sống hòa bình yên ả của dân cũng có sức quyến rũ không thua gì một khách sạn đầy đủ tiện nghi và đôi khi còn thú vị gấp mười lần hơn đối với những người đã sống quen với những tiện nghi. Và, như vậy, nếu hôm nay chúng ta chưa có những khách sạn tiện nghi, thì ít ra chúng ta cũng đã có những ngôi nhà như vậy cho du lịch. Hãy thử tưởng tượng chúng ta là những du khách từ những thủ đô Luân Đôn, Paris, Matxcơva hay bất cứ một thành phố công nghiệp nào khác trên thế giới đến tham quan cố đô Huế thì giữa khách sạn Hương Giang 1, hoặc Hương Giang 2 đang khởi công xây dựng, và những ngôi nhà dân giả yên ả giữa những vườn cây trái bên bờ sông ở Nguyệt Biều, Kim Long hay Vỹ Dạ chúng ta sẽ chọn cái nào? Rõ ràng đó là một con đường phải được chạy bằng chỉ vàng trên đồ án du lịch của Huế, một con đường có lẽ không một nơi nào trên đất nước có đủ nét hấp dẫn như thế.

Thế gian vốn không có đường, nhiều người đi lại mới thành đường. Cũng giống như vậy, hãy để nhiều người đi lại sẽ thành một ngành du lịch, một ngành du lịch của nhân dân. Tất cả mọi người dân đều làm du lịch, theo một cách nào đó sẽ thành một con đường du lịch rầm rộ. Du lịch lúc đó sẽ trở thành một phong trào xã hội và các cơ cấu kinh tế sẽ xuất hiện chung quanh nó như một tất yếu của qui luật khách quan. Du lịch nhân dân không chỉ giải quyết những sự vụ của du khách, mà còn giúp họ đạt được những cảm giác bắt gặp trong mộng tưởng, trong cảm giác ban đầu khi khoanh vùng chọn điểm tham quan.

Câu chuyện sau đây bắt đầu từ ước muốn của một người vốn sinh trưởng ở phía Bắc, đang công tác ở huyện Phú Lộc. Anh mong có dịp được đi thuyền trên sông Hương, sống trong một ngôi nhà vườn của Huế y như cảm xúc anh bắt gặp khi đọc trang bút ký “Hoa trái quanh tôi”, hoặc khi ngâm nga dòng thơ “Đây thôn Vỹ” của Hàn Mặc Tử. Anh mơ thấy mình khuất sau hàng chè tàu kín đáo, màu hoa khế rải tím đầy những lối đi nhỏ, và những đợt sóng lăn tăn vỗ về quanh giấc ngủ. Thế nhưng những năm nay, bao lần lên phố họp mà ước muốn anh vẫn chưa được thỏa mãn. Anh không được một chỉ dẫn nào. Anh chỉ thấy du lịch với những phòng ngủ y như những phòng ngủ của nhà khách cơ quan, những quầy cà phê y như các quán cà phê mà anh uống ở đâu đó. Cảm xúc dần dần mất đi một cách bí ẩn, cũng như lần nào đã đến rất bí ẩn dưới ngôn ngữ phù phép của nhà văn. Một ngôi nhà trong khu vườn tịch mịch để anh có thể sống trọn vẹn một ngày, nào đâu phải ly kỳ như chuyện nghìn lẻ một đêm. Vậy mà anh vẫn không tìm được ở đâu hết trong rất nhiều ngôi nhà đúng như anh ao ước ở Nguyệt Biều, Kim Long, Vỹ Dạ... mà anh trông thấy.

Một người khách Việt kiều lúc về thăm Huế cũng có ý nghĩ như vậy khi bị phòng ngủ khách sạn nhốt suốt cả thời gian lưu trú.

Ngày nay du lịch nhân dân không còn là con đường xa lạ đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là những sứ giả của những nền văn hóa khác nhau, đang tìm đến nhau bằng con đường giản dị nhất. Họ có những nhu cầu mà ngay cả những khách sạn hiện đại nhất, phương thức phục vụ tối tân nhất vẫn không thỏa mãn được. Trên thực tế có thể xem họ là những sứ đồ của Salinger(*) đang chạy trốn thế giới kỹ thuật hóa nền văn minh bằng con đường du lịch, với khát vọng tìm đến thế giới tự nhiên. Hay họ là gì đi nữa thì không người nào lại bỏ tiền bỏ của ra để đi tham quan nghỉ ngơi ở những nơi chẳng có gì khác lạ với cái mình đã có. Bởi vậy, cái mà những du khách nước ngoài và cả trong nước không có trước hết, là những ngôi nhà thơ mộng yên tĩnh bên bờ sông ở Huế. Dưới những ngôi nhà này chắc chắn khách sẽ hiểu biết cuộc sống, sinh hoạt và truyền thống văn hóa của một vùng đất, hiểu biết một cách sinh động hơn cả những kiến thức trong sách vở viết về Huế.

Đồng chí L.B.S, chủ nhiệm một khoa của Trường Đại học tài chính, vừa rồi, sau chuyến đi thăm Huế, phát biểu: “Du lịch mới chính là con đường phát triển kinh tế của Huế". Lời phát biểu này làm chúng tôi nhớ lại một cuộc tiếp xúc thân mật tại trụ sở - Tạp chí Sông Hương - Cuộc tiếp xúc giữa Ban biên tập, một số cộng tác viên nghiên cứu về văn hóa và Đoàn quy hoạch thuộc Viện thiết kế Trung ương. Trong buổi tiếp xúc này nhiều ý kiến đều thống nhất một quan điểm giống như nhau, cũng giống như ý kiến của đồng chí L.B.S: Công tác du lịch, văn hóa phải là công tác hàng đầu đối với Huế. Chị Thanh Thủy, Phó tiến sĩ kiến trúc, trưởng đoàn quy hoạch, người sẽ đảm trách bản đồ án quy hoạch toàn thể thành phố Huế đã phát biểu một ý rất hay. Theo chị, trong bản đồ án quy hoạch sắp tới, chị không thể nào chấp nhập được sẽ có một nhà máy có khói nào ở đây. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến này bởi một lẽ đơn giản là: Huế đã có một nhà máy khổng lồ rồi, khác chăng là nó không có khói mà thôi. Hay nói một cách khác, Huế đã có một ngành công nghiệp quan trọng, đó là ngành công nghiệp du lịch. Ngành công nghiệp này nếu có khói thì chỉ là những đám khói chiều lam tím vương vấn trên hàng cây bay lên từ những gian bếp đang bận rộn tiếp khách phương xa...

P.H.T.
(SH32/08-88)

--------------
(*) Salinger: Nhà văn Mỹ.







 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Sen Huế (07/08/2014)
300 năm Phú Xuân (29/05/2014)