Ai ra xứ Huế
Danh lam cổ tự xứ Thuận Hóa qua sự khảo tả của “Ô Châu cận lục”
10:01 | 25/11/2014

TRẦN VĂN DŨNG

Cách đây đúng 500 năm (1514 - 2014), tại ngôi làng ven sông Kiến Giang “nơi cây vườn và dòng nước cùng với các thôn xóm xung quanh hợp thành một vùng biếc thẳm giữa màu xanh mênh mông của cánh đồng hai huyện”(1) thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cậu bé Dương Văn An, sau này đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Thượng thư được sinh ra đời.

Danh lam cổ tự xứ Thuận Hóa qua sự khảo tả của “Ô Châu cận lục”
Bìa bản dịch cuốn "Ô châu cận lục" in lần đầu tiên

Dương Văn An đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong dòng chảy văn hóa dân tộc qua việc nhuận sắc và tập thành cuốn sách “Ô Châu cận lục”. Nguyên ủy, như chính Dương Văn An viết trong lời đề tựa, “Ô châu cận lục” là công trình nhuận sắc trên cơ sở ghi chép của hai môn đệ về hai phủ Tân Bình và Triệu Phong. Nội dung cuốn sách ghi lại những tên làng, tên  núi, tên sông, sản vật, muôn thú, thành thị, chợ búa, nhà trạm, đồn binh, danh lam thắng tích, những ngành nghề, tập quán sinh sống và danh nhân... vùng đất Thuận Hóa từ thế kỷ XVI trở về trước. Trong lời đề tựa công trình biên khảo của mình, ông viết “người giở sách đọc xem có thể gợi lên điều suy nghĩ, tiếp xúc nhiều loại mà trưởng thành. Thấy vẻ đẹp của núi sông mới biết rằng địa linh, nhân kiệt, xem sản vật tốt tươi mới thấy cảnh đẹp, người hay”.(2)

Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam từ rất sớm có thể từ trước Công nguyên và đã nhanh chóng ăn sâu bám rễ trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Trong suốt hành trình mở đất về phương Nam của lịch sử dân tộc, kể từ thời Lý Thánh Tông (1054 - 1072) trở đi, các thế hệ di dân của Đại Việt mỗi khi đi khai phá đến đâu là nghĩ ngay đến việc dựng chùa thờ Phật. Ở bất cứ triều đại nào Phật giáo cũng luôn dành được nhiều thiện cảm, ưu ái của các tầng lớp vua quan, nho sĩ cho đến thứ dân. Mái chùa luôn hiện hữu trong tâm thức họ như một biểu tượng thiêng liêng nhưng hết sức gần gũi, là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá, tín ngưỡng truyền thống ngàn đời của dân tộc. Do vậy, cuốn sách “Ô Châu cận lục” do Dương Văn An biên soạn được hoàn thành và khắc in năm 1553 đã dành khá nhiều trang viết có tính chất du khảo mô tả khá rõ ràng về tình hình Phật giáo Thuận Hoá thời bấy giờ, đặc biệt là những đoạn ghi chép liên quan đến sinh hoạt lễ nghi Phật giáo và chùa chiền tại xứ Thuận Hóa. Có thể nói, những thông tin ghi chép trong tác phẩm “Ô Châu cận lục” góp phần đặt nền móng đầu tiên cho quá trình tìm hiểu sâu sắc Phật giáo xứ Thuận Hóa cũng như bảo lưu lại giá trị lịch sử, kiến trúc, cảnh quan văn hóa của các ngôi cổ tự nổi tiếng trên đất Thuận Hóa. Giá trị công trình “Ô Châu cận lục” đã để lại không những là nguồn tư liệu thành văn vô cùng quý giá mà còn có khả năng soi sáng những vấn đề còn tồn nghi của lịch sử văn hóa Phật giáo Thuận Hóa, đồng thời rất có ích cho công tác nghiên cứu khoa học lịch sử Phật giáo của nhiều thế hệ Việt Nam trước đây hàng mấy trăm năm qua, bây giờ và cả sau này nữa. Đó thật sự là những đóng góp quý báu mà ngày nay khi đề cập đến lịch sử nghiên cứu chùa chiền xứ Thuận Hóa nói riêng và Phật giáo Thuận Hóa nói chung, chúng ta không thể không nhắc đến công lao của tác giả “Ô Châu cận lục” với tấm lòng chân thành cho những đóng góp lớn đó.

1. Ghi chép về một số danh lam cổ tự vùng Thuận Hóa

Trong số những ngôi thiền tự danh tiếng tại xứ Thuận Hóa đương thời, Tiến sĩ Dương Văn An đã tốn nhiều giấy mực ghi chép lại sự hiện diện của một số ngôi chùa cổ gắn bó chặt chẽ với bước hình thành và phát triển của Phật giáo xứ Thuận Hóa. Những ngôi chùa cổ này là chùa công được sắc ban làm quốc tự của các tiền triều để lại hoặc là chùa dân lập do các làng xã quản lý, song các ngôi chùa này đều có một điểm chung: nơi đây là chốn thiền lâm danh tiếng của xứ Thuận Hóa trước cả thời chúa Nguyễn Hoàng đến trấn nhậm, tọa lạc ở một nơi có phong cảnh mỹ lệ vào bậc nhất vùng Thuận Hóa. Do vậy, các ngôi chùa đều ẩn chứa nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa gắn liền với sự thăng trầm thịnh suy của các triều đại phong kiến của Việt Nam, đặc biệt phải nhắc đến hai ngôi chùa Sùng Hoá và Thiên Mụ: “Trấn Thuận Hóa có hai danh lam là chùa Sùng Hóa và chùa Thiên Mụ. Chùa Sùng Hóa là ngôi chùa nổi tiếng nhất của Hóa Châu, còn chùa Thiên Mụ ở phía nam làng Hà Khê, là một cảnh trí thần tiên”.(3)

Chùa Sùng Hóa: Chùa Sùng Hóa vào thế kỷ thứ XV, XVI là một quốc tự danh tiếng vào bậc nhất xứ Thuận Hóa. Sách “Ô Châu Cận Lục” trong mục “Đền chùa” đã ghi tên chùa Sùng Hóa ở trang đầu tiên với những dòng miêu tả cận cảnh ngôi chùa như sau: “Chùa ở xã Lại Ân, huyện Tư Vinh, sông Linh Giang quanh phía trước, chằm lớn bọc đằng sau; phía Nam có sông Hoài Tài, phía Bắc có bia Sùng Phúc. Cung tiên rực rỡ, tượng Phật tôn nghiêm. Hằng năm đến tuần tiết tập nghi thì Tam ti với quan chức các Nha môn, Vệ sở đều tụ họp đông đủ; áo xiêm lễ nhạc đông đặc như mây. Vả lại, mỗi lần cầu đảo đều có ứng nghiệm, chính là một ngôi chùa có tiếng ở Hóa châu vậy”.(4) Qua đó chúng ta có thể thấy rằng những dòng ghi chép rất quý báu về thời kỳ hoàng kim của ngôi quốc tự này. Nó không những giúp cho độc giả có góc nhìn về không gian tọa lạc, phong cảnh u tịch thiền vị và kiến trúc ngôi danh lam này mà còn hiểu được vai trò quan trọng của ngôi chùa trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của cư dân Thuận Hóa đương thời. Nó được xem là tư liệu thành văn đầu tiên ghi nhận về sinh hoạt lễ nghi Phật giáo tại vùng Thuận Hóa. Đáng tiếc biến cố lịch sử làm thay triều đại, chùa Sùng Hóa có thể không còn là một quốc tự như đời Mạc; sau này chùa dần dần bị bỏ phế, hoang tàn. Đến năm 1602, chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đường đến hành lễ tại chùa Thiên Mụ thấy không gian chùa Sùng Hóa trong tình trạng chùa đổ nát, hư hỏng nên chúa bèn sai lệnh trùng tu tôn tạo lại chùa. Sau khi cho trùng kiến xong chùa Sùng Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã tổ chức Đại lễ Phật Đản tại đây; chư Tăng đến giảng kinh, thuyết pháp Đại thừa; làm cho dân Thuận Hóa vân tập, nghe kinh, xem hội rất đông. Trong tác phẩm “Nam triều công nghiệp diễn chí” năm 1603, Nguyễn Khoa Chiêm đã miêu tả cảnh tượng ngày lễ Phật Đản thiêng liêng và uy nghi tại chùa Sùng Hóa như sau: “Trong ngày hội ấy thần dân thiên hạ kéo đến xem hội rất đông, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen cho là khá sánh với hội lớn Vô già”.(5) Trải qua thời gian và bao cuộc chiến tranh, ngày nay chùa đã trở nên hoang tàn, mất dấu tích. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử cho rằng, người ta đã dựng lên trên nền móng ngôi chùa Sùng Hóa xưa một ngôi chùa mới lấy tên là chùa Lại Ân (nay là Niệm Phật đường Lại Ân) thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều đáng tiếc là hiện nay chúng ta vẫn chưa tìm lại được bia Sùng Phúc ở chùa Sùng Hóa xưa...

Chùa Kính Thiên: Chùa tọa lạc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên thủy chùa vốn có từ trước thế kỷ XIII với cái tên ban đầu là am Tri Kiến. Tháng 3 năm 1301 (Tân Sửu), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du Chiêm Thành có ghé qua am Tri Kiến, thuộc châu Lâm Bình. Với vị trí và vai trò to lớn như thế, chùa Kính Thiên đã được Dương Văn An tìm hiểu và khảo tả thật kỹ càng đến từng chi tiết: “Chùa ở huyện Lệ Thuỷ, gần trạm Bình Giang, chung quanh có dòng nước biếc, phía sau có dãy non xanh phảng phất một cảnh thanh u chùa núi, thế giới nhà tiên. Xóm hoa lều cỏ gần kề, gió sớm mây chiều êm ả, đây là một ngọn chùa lớn ở hạt Tân Bình. Chùa có một quả chuông to nặng một nghìn cân. Hồi xưa có tăng quan trụ trì, sái phu quét dọn để thờ phật quanh năm. Nhưng nay thì cảnh cũ hoang tàn, người xưa vắng vẻ, còn nghe thấy tiếng chim kêu văng vẳng, hoa rụng tơi bời, còn trơ một khu nền cũ mà thôi”(6). Một đoạn khác, ông viết: “Chùa Kính Thiên hệt miền tĩnh giới, lâu đài gần nước”(7). Những dòng ghi chép trên cho chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về không gian cảnh quan, kiến trúc và hiện vật quý được bảo lưu tại chùa. Vào thời “Ô Châu cận lục”, chùa Kính Thiên đã không còn dáng vẻ uy nghi, trầm mặc xưa. Ngôi chùa đã không còn ai chăm sóc thường xuyên, trở nên hoang phế, điêu tàn. Đồng thời, thể hiện rõ nét sự quan tâm sâu sắc, am tường kiến thức về tình hình sinh hoạt Phật giáo của Dương Văn An. Trải qua một thời gian tồn tại, ngôi chùa đổ nát, trở thành phế tích. Đến năm 1609, chạnh lòng trước cảnh hoang tàn của ngôi chùa cổ một thời từng là trung tâm Phật giáo nổi tiếng, chúa Tiên Nguyễn Hoàng ra lệnh xây dựng lại chùa trên vị trí chùa cũ cùng tên gọi là chùa Kính Thiên. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là“Hoằng Phúc Tự” với mong muốn là ngôi chùa này sẽ đem lại cuộc sống yên bình, ấm no cho người dân nơi đây. Hiện nay, kiến trúc chùa bị thu hẹp nhưng chùa vẫn còn lưu giữ lại một số hiện vật quý có giá trị như: tượng Phật, chuông mõ, lư hương... Đồng thời, ngôi chùa đang từng bước được các phật tử trùng tu tôn tạo, góp phần xứng đáng là một danh lam thắng tích của tỉnh Quảng Bình.

Chùa Đại Phúc: Sách “Ô Châu cận lục” mô tả: “Chùa ở địa phận hai làng Tuy Lộc và Đại Phúc thuộc huyện Lệ Thuỷ. Phía trước có sông cái, phía hữu có ngòi con. Dịp cầu bắc ngang sông. Khu chợ họp đủ mặt. Bên trong thì tam quan cao lớn, điện phật huy hoàng. Hoa cỏ đón mặt trời, lâu đài gần bóng nước, đáng là một nơi thanh tĩnh. Hàng năm đến tuần tiết tập nghi thì lễ nhạc trang nghiêm, áo xiêm rực rỡ kể làm một danh lam hạt Tân Bình. Lại gia dĩ những khi kỳ phúc cầu an đều có ứng nghiệm cả”(8). Một đoạn khác, ông viết: “Khóm cổ thụ trước chùa Đại Phúc, giống bậc lão thành”(9). Rất tiếc ngôi chùa cổ trải bao biến cố thăng trầm, đến hôm nay, chùa Đại Phúc đã hoàn toàn mất dấu tích. Đoạn ghi chép về chùa Đại Phúc của Dương Văn An là một thông tin sử liệu có giá trị quan trọng đối với việc tìm hiểu tổng quanh về cảnh quan không gian kiến trúc và khung cảnh sinh hoạt lễ nghi Phật giáo tại chùa Đại Phúc. Đặc biệt, với sự miêu tả rất kỹ lưỡng vị trí tọa lạc, kiến trúc của ngôi chùa này, chúng ta có thể căn cứ vào đây để tạo cơ sở đối chiếu làm sáng tỏ hoài nghi về vị trí xây dựng cũng như những dấu tích còn lại sót lại của chùa Đại Phúc xưa, góp phần làm cơ sở tài liệu tham khảo để cố gắng phục dựng lại hình ảnh chùa xưa.

Chùa Thiên Mụ: Chùa Thiên Mụ là ngôi thiền tự danh tiếng và cổ xưa. Ngày nay, chùa Thiên Mụ là một trong những hình ảnh biểu trưng cho xứ Huế. Điểm nhấn ở công trình “Ô Châu Cận Lục” chính là sự khẳng định yếu tố phong thủy, cảnh quan tọa lạc ngôi chùa Thiên Mụ thật thơ mộng và hữu tình bên dòng nước trong xanh uốn khúc: “Chùa ở phía Nam xã Hà Khê thuộc huyện Kim Trà, nóc sát đỉnh núi, chân gối dòng sông; cách xa trần thế, gần sát bên trời. Khách có tản bộ lên chơi thì tự nhiên phát thiện tâm và tiêu tan niềm tục. Thật là cảnh trí nơi Tiên Phật”.(10) Thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc chùa Thiên Mụ tựa chốn bồng lai tiên cảnh, là một danh lam thực thụ, toàn cảnh của ngôi chùa này đến nay vẫn còn giữ được hồn xưa tĩnh mặc. Kể từ thời chúa Nguyễn Hoàng trở đi, chùa luôn được nhiều phật tử là tầng lớp quý tộc, vương công hảo tâm cúng dường cùng với sự bảo trợ của triều đình, chùa Thiên Mụ được xây dựng đồ sộ nguy nga. Chùa là điểm dừng chân, nơi sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật giáo, có đạo hạnh và tài đức. Nhiều đại giới đàn cũng được tổ chức tại đây. Ngày nay, du khách đến chiêm bái tham quan chùa Thiên Mụ, chúng ta như đi vào một bảo tàng thu nhỏ trưng bày thờ tự nhiều tượng khí, pháp khí mang những dấu ấn văn hóa đặc trưng của Phật giáo xứ Thuận Hóa.

Chùa Hóa: Qua sách “Ô Châu cận lục”, độc giả sẽ có cảm nhận thú vị về những lời nhận xét khá đặc biệt và hấp dẫn của Dương Văn An về ngôi chùa Hóa: “Chùa ở gần xã Hữu Bổ, huyện Khang Lộc, bốn phía bên ngoài, đầm rộng bát ngát, ở trong nổi lên một chỗ cây cối âm u, chỉ nghe đồn tên chùa, mà mắt chưa trông thấy. Tục truyền rằng chùa này biến hóa bất thường, rất là kỳ dị. Lúc thừa nhàn đi ngắm cảnh, thì thấy nền cũ vẫn y nguyên, khi cố ý đi tìm thì tuyệt nhiên không thấy gì cả, vì thế gọi tên là chùa Hóa”(11). Qua những dòng ghi chép này cho phép chúng ta nhận định tác giả sách “Ô Châu cận lục” có sức am tường văn hóa dân gian và các giai thoại huyền diệu liên quan đến lịch sử hình thành của ngôi chùa Hóa trong cộng đồng của cư dân Thuận Hóa xưa. Ngày nay, chùa Hóa đã hoàn toàn mất dấu tích, chỉ còn vang bóng một thời được sử sách lưu danh.

Bên cạnh các ngôi chùa vừa nêu trên, sách “Ô Châu cận lục” còn ghi chép lại tên các chùa khác như: chùa Linh Sơn, chùa Kim Quang, chùa Dã Độ, chùa Mộc Linh và chùa Tư Khách.

2. Tầm vóc lịch sử và giá trị của “Ô Châu cận lục” đối với Phật giáo Thuận Hóa

Phật giáo Thuận Hóa kể từ trước năm 1555 có diện mạo như thế nào, tình hình sinh hoạt Phật giáo ra sao, hiện còn quá ít sử liệu cho chúng ta biết rõ về điều này. Tuy vậy, qua những gì còn được ghi chép nghiêm túc và cẩn thẩn trong sách “Ô Châu cận lục”, chúng ta có thể hình dung được một phần nào về không khí sinh hoạt lễ nghi Phật giáo Thuận Hoá thời bấy giờ, đặc biệt về hình ảnh các ngôi danh lam cổ tự như chùa Sùng Hoá, Thiên Mụ, Kính Thiên... trước khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân lên vùng đất Thuận Hóa năm 1558. Chùa chiền ở vùng đất này được các tầng lớp quan lại và cộng đồng cư dân làng xã dốc lòng chu đáo xây dựng, trùng tu tôn tạo trở thành những ngôi phạm vũ uy nghiêm, làm nơi quy hướng tâm linh cho dân chúng, giúp dân chúng hiểu rõ để thực hành đúng theo lời Phật dạy. Qua đó, độc giả đời sau có thể cảm nhận được một điều rằng, Phật giáo gần như giữ một vị trí độc tôn, chính yếu trong đời sống văn hoá, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hoá đương thời. Mặc dù dấu ấn Phật giáo Nguyên thuỷ của vương quốc Chămpa vẫn còn phảng phất và hiện diện đâu đây, nhưng sắc thái Phật giáo Đại thừa của Đại Việt mới chiếm vai trò và vị trí chủ đạo.

Theo thời gian và những thăng trầm lịch sử của mảnh đất miền Trung nói riêng và của dân tộc nói chung, nhiều danh lam cổ tự đã không còn hiện hữu hoặc không còn giữ được dáng vóc uy nghiêm cổ kính của thời kỳ hoàng kim; may mắn thay chúng ta vẫn còn hình dung được hình ảnh của danh lam cổ tự này qua cuốn sách “Ô Châu cận lục”. Các lớp thế hệ sau có thể cảm nhận cụ thể về đời sống văn hóa tâm linh của vùng đất Thuận Hóa xưa và những ngôi cổ tự đã dần dần xác lập được vị thế vững chắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân tại đây.

Từ sau khi công trình “Ô châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc được khắc in, bản chép tay của ông đã được lưu truyền và trở thành nguồn tài liệu tham khảo quan trọng trong việc biên soạn chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam và các công trình biên khảo của các nhà viết sử đời sau. Một điều cần phải nhìn nhận khách quan, tác phẩm “Ô Châu cận lục” đề cập đến các vấn đề liên quan đến Phật giáo Thuận Hóa nêu trên mặc dù còn khá khiêm tốn so với hệ thống chùa chiền trên đất Thuận Hóa xưa, song nội dung ghi chép liên quan đến Phật giáo Thuận Hóa trong cuốn sách vẫn chuyển tải nhiều ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc. Nếu so sánh với sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn, một số thông tin trong “Ô Châu cận lục” có nhiều điểm cụ thể, rõ ràng và độ chuẩn xác về thông tin lịch sử cao hơn; góp phần mang lại cho độc giả đời sau một cái nhìn tổng quan, và cả những nét chấm phá trên tổng thể bức tranh Phật giáo ở vùng đất này.

Một trong những thành tựu và đóng góp lớn đối với công trình “Ô Châu cận lục” chính là sự hiểu biết rộng lớn về lịch sử hình thành chùa chiền, am tường sâu sắc không gian địa lý của tác giả cuốn sách, qua đó mang tính gợi mở cho giới nghiên cứu văn hóa lịch sử sau này kế thừa, bổ khuyết và giải mã những nghi vấn lịch sử. Đặc biệt qua những đoạn mô tả về vị trí tọa lạc các ngôi chùa cổ trong cuốn sách này, các nhà khảo cổ học đời sau sẽ có những chứng cớ đáng tin cậy để tìm hiểu và phát hiện các dấu tích còn sót lại của những ngôi cổ tự hiện nay đã suy tàn và biến mất trong lịch sử.

Với chiều dài lịch sử trên 700 năm, Phật giáo Thuận Hóa mang nhiều dấu ấn lịch sử gắn liền với những biến cố thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Những dòng ghi chép trong “Ô châu cận lục” mô tả và luận giải vấn đề chùa chiền miền Thuận Hóa là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại mà những người con Phật không bao giờ có thể quên. Sự biến thiên của thời gian và khắc nghiệt lịch sử đã lấy đi ít nhiều vẻ hoành tráng, tôn nghiêm của những ngôi cổ tự này nhưng vị trí và vai trò của nó vẫn không hề thay đổi.

Công trình học thuật “Ô Châu Cận Lục” vẫn mãi đứng vững qua sự sàng lọc của gần 500 năm để đến với chúng ta, tự khẳng định là một tác phẩm có tầm vóc lịch sử, một tài sản có giá trị trong vốn văn hóa chung của dân tộc. Cái giá trị ấy trong quá khứ đã được thử thách hơn một lần: Trước đây, Lê Quý Đôn khi viết “Đại Việt thông sử” và “Phủ Biên Tạp Lục”, các sử thần của Quốc Sử Quán triều Nguyễn khi viết “Đại Nam nhất thống chí” đã trích dẫn thông tin tham khảo liên quan đến Phật giáo và chùa chiền Thuận Hóa từ cuốn sách “Ô châu cận lục”, nó được xem như một nguồn tư liệu quan trọng và quý báu. Những nhà nghiên cứu về Phật giáo xứ Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung ngày nay cũng đánh giá cao những tư liệu lịch sử chứa đựng trong tác phẩm “Ô Châu cận lục”.

Và một điều cũng cần phải nói đến, những thông tin lịch sử về chùa chiền vùng Thuận Hóa được ghi chép cẩn thận và hấp dẫn người đọc trong cuốn “Ô Châu cận lục” thực sự là một tác phẩm biên khảo lịch sử có giá trị to lớn trong sinh hoạt học thuật đương đại. Giá trị ấy không những thể hiện ở sự phản ánh chân thực, tính gợi mở trong nghiên cứu khoa học, giúp giải mã thêm nhiều tồn nghi của lịch sử mà còn góp phần lưu giữ những nét đẹp văn hóa của một vùng đất luôn được mệnh danh là “Kinh đô của Phật giáo Việt Nam”.

Khi kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được nhấn mạnh lại một điều rằng, những dấu ấn đậm nét của Phật giáo Thuận Hóa thông qua sự miêu tả cụ thể về các sinh hoạt lễ nghi Phật giáo và sự khảo tả chùa chiền trong tác phẩm “Ô Châu cận lục” chính là tài sản quý báu góp phần gìn giữ hồn xưa Phật giáo xứ Thuận Hóa. Trải qua bao biến động, lúc thịnh lúc suy, nhưng Phật giáo Thuận Hóa đã tự khẳng định vị trí và vai trò của mình như một thành tố không thể tách rời khỏi văn hóa dân tộc như chính câu nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”.

T.V.D  
(SH309/11-14)


----------------------------
1. Lương An, “Dương Văn An và Ô châu cận lục”, tập san Văn hóa Bình Trị Thiên, số 15-1883, tr. 3.
2. Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc chú dịch, hiệu đính, Nxb Thuận Hóa, 2001, tr.17.
3. Vô danh thị, Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc & tập thành, Bùi Lương dịch, Văn hóa Á châu xuất bản, 1961.
4. Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 69.
5. Nguyễn Khoa Chiêm, Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2003, tr. 78.  
6. Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 69 - 70.
7. Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 70.
8. Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 53.
9. Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 50.
10. Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn Nguyên dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 78 - 79. 
11. Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 70.  







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùa ở Huế (19/11/2014)
Sen Huế (07/08/2014)