Ai ra xứ Huế
Huế bao nhiêu tượng cho vừa?
15:46 | 14/01/2015

THANH TÙNG

Ở Việt Nam, Huế là thành phố có tỉ lệ tượng lớn nhất trên diện tích tự nhiên và dân số. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn đạt đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, phong phú về đề tài, loại hình, phong cách thể hiện.

Huế bao nhiêu tượng cho vừa?
Tượng Nguyễn Tất Thành

Có thể phân loại tượng ở Huế theo các nhóm dưới đây:

Nhóm tượng đề tài văn hóa Phật giáo chiếm số lượng lớn nhất, tập trung ở các ngôi chùa, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình, các Niệm Phật đường, và trong các gia đình theo Phật giáo.

Tiếp đến là nhóm tượng văn hóa Chămpa, tập trung ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trường ĐH Khoa học Huế, trong các di tích lịch sử, tôn giáo, trong dân gian; nếu được tập hợp lại có thể tổ chức thành một bảo tàng quy mô ngang ngửa Cổ viện Chàm Đà Nẵng.

Nhóm tượng thờ và tượng trang trí ở các di tích lịch sử, văn hóa và các tôn giáo khác cũng chiếm số lượng khá lớn.

Tượng Cô gái Việt Nam


Nhóm tượng đạt đỉnh cao về nghệ thuật tập trung ở các nhà bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Cổ vật cung đình, ở trong các ngôi cổ tự. Nơi công cộng có ba bức tiêu biểu, đều là của điêu khắc gia Lê Thanh Nhơn: Tượng Phan Bội Châu dựng ở công viên cạnh cầu Trường Tiền, tượng Quán Thế Âm dựng trước sân Trung tâm Văn hóa Liễu Quán, tượng Cô gái Việt Nam dựng ở công viên trước trường THPT Hai Bà Trưng.

Nhóm tượng danh nhân và anh hùng dân tộc có: Tượng Phan Bội Châu; tượng Phạm Tu, dựng ở sân nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ (phường Hương Long, TP. Huế); tượng Đặng Huy Trứ, dựng ở sân trường THPT Đặng Huy Trứ và ở nhà thờ Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà); tượng Đặng Tất ở đền thờ Đặng Tất (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang); tượng Nguyễn Tri Phương ở nhà thờ Nguyễn Tri Phương (xã Phong Chương, huyện Phong Điền), tượng Tôn Thất Thuyết ở phủ thờ Tôn Thất Thuyết (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy); tượng đài Quang Trung dựng ở núi Bân; tượng Nguyễn Tất Thành, dựng ở sân trường Quốc Học; tượng Nguyễn Chí Thanh, dựng ở công viên văn hóa huyện Quảng Điền; tượng Lê Đình Thám ở vườn chùa Từ Đàm, v.v.

Tượng Phan Bội Châu


Nhóm tượng bảo tàng tư nhân tiêu biểu là của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, có nhà trưng bày ở đường Phan Bội Châu.

Nhóm tượng của thầy và trò trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Nhóm tượng bố trí dọc hai bên bờ sông Hương, ở Công viên Quốc Học, Công viên 3-2 và Công viên Phu Văn Lâu có khoảng 100 tác phẩm điêu khắc, chủ yếu bằng chất liệu đá, là thành quả của ba trại sáng tác điêu khắc quốc tế, quy tụ các nhà điêu khắc đến từ nhiều quốc gia, và nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Cuộc hội ngộ của đủ mặt các anh tài trong lĩnh vực điêu khắc, đại diện cho nhiều nền văn hóa trên thế giới đã làm cho phong cách nghệ thuật các tác phẩm đa dạng, phong phú. Có những tác giả đã làm giàu thêm cho Cố đô Huế bằng phong cách hoàn toàn mới lạ của một nền văn hóa khác; có những tác giả tìm được cảm hứng sau khi đã đến Huế; có những tác giả mang theo ý tưởng từ quê nhà kết hợp với cảm xúc về Huế.

Tượng Đặng Huy Trứ


Các trại sáng tác đáp ứng một phần nhu cầu tôn tạo cảnh quan bên bờ sông Hương và những công viên của thành phố, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền điêu khắc hiện đại của thành phố Huế. Các nghệ sĩ đến dự trại đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình cho một dự án có mục đích. Họ tự do thể hiện tác phẩm phù hợp với chủ đề của trại theo các khuynh hướng nghệ thuật và sự tìm tòi sáng tạo cá nhân. Những tác phẩm điêu khắc đương đại, đậm đà bản sắc dân tộc và những tác phẩm thuộc nhiều nền nghệ thuật trên thế giới đã chung sống hài hòa với di sản nghệ thuật Cố đô bên bờ sông Hương thơ mộng. Đây là thiện chí và là tình cảm của các tác giả dự trại sáng tác đối với Huế. Các tác giả dự trại đã đồng thuận ký tên vào một văn bản xác nhận trao tặng quyền sở hữu tác phẩm của mình cho nhân dân thành phố Huế.

Về sau trong các kỳ Festival Huế còn có hai trại sáng tác khác, được tổ chức ở một khu Resoert bên phá Tam Giang và ở công viên nước Thiên An, thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp.


Nhóm tượng anh hùng - danh nhân được dựng theo phương thức “xã hội hóa” phân bố rải rác như đã kể ở trên như tượng Phạm Tu, tượng Đặng Huy Trứ, tượng Phan Bội Châu, tượng Tôn Thất Thuyết, tượng Đặng Tất... do các tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp, các hội đồng dòng họ thực hiện.

*

Huế có rất nhiều tượng là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng, nhiều mà chưa đủ. Theo tôi Huế cần có thêm những tượng đài tri ân người mở cõi, tượng các vị vua chống Pháp và sĩ phu Cần vương, tượng một số danh nhân gắn liền với Huế.

Lần đầu tiên qua Singapore tôi được Jeremy Leong, giám đốc một công ty mỹ phẩm, làm hướng dẫn viên. Tôi gặp Jeremy ở Hội An hồi tháng 8/2008 và ở cùng khách sạn với anh. Sau đó hai tuần, tình cờ tôi lại gặp Jeremy ở Hà Nội. Jeremy rất thích thú khi được tôi hướng dẫn tham quan phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội. Hữu duyên thiên lý, gặp nhau ở Singapore Jeremy rất mừng, anh dành một buổi chiều và một buổi tối dẫn gia đình tôi đi tham quan. Jeremy đưa tôi đến thăm các khu phố cũ của Singapore, những khu phố của người châu Âu, của người Hoa xây dựng cách đây trên dưới một trăm năm, và cả ngôi đền thờ Hindu giáo được xây dựng từ năm 1827. Ấn tượng mạnh nhất với tôi là khi dừng xe trước bức tượng của Thomas Stamford Raffles, một viên chức của công ty East India (Anh quốc). Năm 1819 Thomas Stamford Raffles kí một thỏa thuận với vua của Johor (từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19 Singapore là một phần của Vương quốc Johor) đồng thời là người xây dựng Singapore trở thành một trạm giao thương trên đường hàng hải quốc tế, xây khu định cư làm tiền đề thu hút di dân từ nhiều chủng tộc khác nhau. Năm 1867 Singapore trở thành thuộc địa của Anh. Người Anh đã dựa vào vị trí cực kỳ quan trọng của hòn đảo lớn trên đường biển nối châu Âu và Trung Quốc để đầu tư xây dựng, nhanh chóng đưa Singapore trở thành một trung tâm trung chuyển và phân phối hàng hóa. Tượng Thomas Stamford Raffles được dựng bên bờ sông, nơi lần đầu tiên ông đặt chân lên Singapore. Ông được xem là người tìm ra Singapore mới. Công lao to lớn nhưng tượng đài của ông lại rất giản dị và rất khiêm tốn.
 

Tượng Thomas Stamford Raffles bên bờ sông Singapore

Từ tượng của Thomas Stamford Raffles ở Singapore tôi lại nhớ đến vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Huyền Trân công chúa đối với Huế. Năm 2008 Trung tâm văn hóa Huyền Trân được khánh thành, đưa vào khai thác. Công chúa Huyền Trân có bức tượng bán thân tôn trí trong đền thờ và pho tượng toàn thân dựng ở phía sau đền thờ. Tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân còn có đền thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nhưng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và tượng Công chúa Huyền Trân đều đang “ở trong nhà”, và ở trên núi Ngũ Phong, xa trung tâm thành phố. Theo tôi cần được dựng thêm tượng bà Huyền Trân ở nơi công cộng, ở vị trí thích hợp.

Năm 1994, 1995, khi làm đồ án “Quy hoạch tôn tạo cảnh quan hai bờ sông Hương”, KTS Nguyễn Trọng Huấn đề nghị đưa cồn Dã Viên vào khai thác dịch vụ văn hóa du lịch. Theo ý tưởng của KTS Nguyễn Trọng Huấn cồn Dã Viên được đầu tư đúng hướng sẽ trở thành một hoa viên đặc sắc giữa sông Hương thơ mộng với hệ thống nhà hàng theo kiểu đình tạ, lầu gác gắn với bến thuyền rồng, những chiếc thuyền chài lưới giăng thấp thoáng sau những lũy tre xanh. Với quan niệm sông Hương là dòng sông nghệ thuật, dòng sông tâm linh và thể hiện sự tri ân những người đẹp đã tôn vẻ đẹp cho dòng sông thơm, Nguyễn Trọng Huấn còn đưa ra lời đề nghị dựng tượng nữ thần sông Hương ở đầu cồn phía đông, hướng về phía kinh thành; ở bờ bắc sông Hương thì dựng tượng hai người đẹp, hai nàng công chúa đến từ xứ Bắc là công chúa Huyền Trân và công chúa Ngọc Hân, bờ phía Nam dựng tượng hai người phụ nữ tiêu biểu đến từ miền Nam là bà Thái hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) và danh tướng Bùi Thị Xuân.

Nhiều người, trong đó có tôi, ủng hộ ý tưởng của KTS Nguyễn Trọng Huấn. Riêng ý tưởng tri ân người mở cõi tôi đề nghị dựng thêm tượng chúa Nguyễn Hoàng. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa đã mở ra những đợt di cư lớn của người Việt về phía Nam. Trong hai thế kỷ XVII và XVIII nền kinh tế Đàng Trong đã phát triển mạnh mẽ, không thua kém Đàng Ngoài, từ sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ cho đến giao thương, và cả văn hóa đều phát triển. Các chúa Nguyễn đã xây dựng Kinh đô ở Phú Xuân. Hệ quả lớn nhất là đã hình thành và phát triển tại đây nền văn hóa Phú Xuân mà ngày nay “ta có Huế tự hào” về văn hóa truyền thống, một lợi thế so sánh trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Về sĩ phu Cần vương hiện nay mới có tượng Tôn Thất Thuyết. Theo tôi cần có tượng ba ông vua chống Pháp là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân.

T.T
(SDB15/12-14)







 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Chùa ở Huế (19/11/2014)
Sen Huế (07/08/2014)