Ai ra xứ Huế
Chiều Tam Giang
14:23 | 04/05/2009
VÕ NGỌC LANBuổi chiều, ngồi trên bến đò Quảng Lợi chờ đò qua phá Tam Giang, tôi nghe trong hư vô chiều bao lời ru của gió. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được chờ đò. Khác chăng, trong cảm nhận tôi lại thấy bờ cát bên kia phá giờ như có vẻ gần hơn, rõ ràng hơn.
Chiều Tam Giang

Từ Huế, cô bạn thân Hà My chở tôi về chợ Sịa. Nơi đây tôi loanh quanh một hồi như nhớ về một thời vang bóng của vùng đất “nhất Huế, nhì Sịa”. Vùng đất này cũng có nhiều đổi thay, đã mang dáng dấp một chút thị thành nào đó. Tôi nhớ chợ này có tiệm ảnh Nhất Phẩm, hồi ấy có chưng ảnh của mình thời đi học mặc áo dài đội nón bài thơ. Bây giờ về lại đây tôi chỉ muốn tìm tiệm ảnh đó, xin lại tấm hình... Nhưng tôi đã không tìm ra tiệm ảnh ấy nữa, mà cũng chẳng ai lưu một tấm hình đã gần nửa thế kỷ. Tôi viễn vông quá đi mất.

Hà My đưa tôi đến bến đò rồi từ giã tôi về lại Huế. Đò từ bên kia chưa sang nên tôi phải chờ. Ở bến đò này, người ta đã xây dựng đê kè khá đẹp, đặc biệt hàng quán cũng đã mọc lên khá nhiều để phục vụ khách chờ đò. Điều khá thú vị là khách đến đây để thưởng thức các món ăn đặc sản đầm phá khá đông, có lẽ họ là người chung quanh thị trấn. Hóa ra khu vực bến đò này đã trở thành dãy hàng ăn khá đặc sắc. Vì vậy trên cầu bến bày bán khá nhiều cá hanh, cá dìa hay cua, ghẹ... Tôi ngồi lẫn với những người chờ đò khác. Chiếc áo bà ba màu tím và chiếc túi nhỏ trên tay, tôi vẫn như ngày xưa, mười hay mấy mươi năm trước đã chờ đò qua bến này. Tiếc rằng màu thời gian đã kịp ghi dấu trên tôi, để nơi đây tôi như vừa lạ lại vừa quen. Không! Tôi là người quen đấy thôi. Khi cô bé bán hàng có hai má lúm đồng tiền tròn xoe kia chưa ra đời, tôi đã từng qua lại bến đò này. Tôi đang trở về sau một chuyến đi xa. Tôi không phiêu du vì biết mình đi đâu, về đâu và tôi đang trở về.

Chiều nay tôi qua phá để về vùng chợ Biện. Ngôi chợ nhỏ nằm bên bờ phá bên kia. Nghĩa là bến đò và con đò này chỉ chở người sang ngang. Ngày xưa đi đò dọc cũng chờ ở bến đò này nhưng bây giờ đò dọc chỉ ghé để trả khách. Khách đi đò chủ yếu là lên Huế, qua Cầu Hai hay từ Huế về Vĩnh Tu, chợ Biện. Nếu câu ca dao cho rằng “Phá Tam Giang ngày nay đã cạn” e rằng không đúng lắm. Vùng Tam Giang phía Bắc này có đập cửa Lai như một chiếc cầu băng qua Phá nhưng mùa mưa việc đi lại xem như ngừng hoàn toàn. Không hiểu với Phá Tam Giang mênh mông này có bao nhiêu con đập hay chiếc cầu bắc qua? Người dân Huế có Phá Tam Giang như bước đệm giữa đồng bằng và biển cả, mà sự thông thương giữa Phá với các đầm Thủy Tú, đầm Chuồn, đầm Cầu Hai đã tạo nên vùng đầm phá độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Tam Giang đâu chỉ đơn thuần là cái tên để gọi, nghĩa rất rõ ràng của Phá này là nơi hợp nhất của ba dòng sông đẹp: sông Ô Lâu, sông Hương, sông Bồ trước khi đổ ra biển cả.


Chiều, sóng Tam Giang gợn nhẹ. Mặt trời như lấp lóa thêm những quầng sáng vàng bạc trên từng đợt sóng kia. Rồi tôi cũng thấy mặt trời như cái mâm đỏ rực sau những cồn cát xa xa, con đò lướt sóng rất êm, có phải đò đầy nên bớt đi sự chao đảo của sóng? Tôi chợt nhận ra trên chiếc đò này sự im lặng khá tuyệt đối, tất cả đều nhìn bâng quơ ra phá. Hẳn không phải có người lần đầu qua Phá hay từ một nơi trở về nào đó để cảm nhận sự thân quen. Cũng không phải vì nhánh rong kia dập dờn hay con cá nhỏ lao mình lên đớp sóng. Họ cũng như tôi đều chung một nôn nao là được lên bờ, đặt chân đến vùng đất mình đang tìm đến. Lâu lắm rồi, tôi mới thực hiện được lời hứa về Thế Chí. Tôi không quên, không lần lữa nhưng cứ lỡ hẹn nhiều lần. Bởi tôi sợ tôi về rồi tôi sẽ đi. Sợ làm người lạ trong ngôi nhà mình đã quá thân quen. Ngôi nhà mà mấy chục năm sống ở phương xa, tôi cứ thấy như tay mình mát lạnh khi tay lên hàng gỗ  bóng nhẫy. Tôi đã không hối hận khi từ chối lời đề nghị của Hà My “Hà My chở Ngọc Lan theo quốc lộ 44, đọc theo dòng Ô Lâu về chợ Biện. Mau lắm!”.

Bởi tôi muốn tìm lại cảm giác sang ngang, muốn trở lại thành người năm cũ, muốn thời gian không hề ghi dấu sự chia ly. Gió trên Phá lồng lộng. Hình như mắt tôi thấy cay cay thì phải. Không phải những sợi tóc tình cờ quất vào mặt mà là khói mỏng manh, cay sè từ bếp cơm chiều của một chiếc đò trên Phá. Ô hay, thằng bé trên đò kia hồn nhiên quá đỗi! Sợi dây diều trên tay nó như căng ra, tưởng như chút xíu thôi sợi dây sẽ nhấc bổng nó lên để bay theo cánh diều. Bầu trời và con diều đều in xuống mặt nước trong vắt. Chỉ đến khi chiếc đò tôi đang đi rẽ sóng đi tới, tất cả đều biến mất. Sóng vỗ lăn tăn dưới mạn thuyền. Thằng bé vẫn hớn hở thả căng thêm sợi dây. Cánh diều làm vùng Tam Giang như xanh hơn, cao hơn. Một cảm giác như nhẹ nhàng vừa choáng ngợp trong tâm trí tôi. Cuộc sống thật bình yên. Giấc mơ của trẻ con thì bao giờ cũng đẹp. Tôi ước chi mình cũng tiếp nối được những giấc mơ của thời thơ ấu.

Mười phút trên con đò sang ngang. Tóc tôi như ẩm hơn vì hơi nước bốc lên mát rượi. Bên kia bến đò, nơi tôi vừa rời bến, đã lố nhố người chờ con đò cập bến quay mũi trở về. Bến bên này phá hay bên kia Phá, bên nào là nơi để chiếc đò trở về neo đậu? Còn tôi, tôi đang thật sự trở về.

V.N.L
(242/04-09)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Phố cổ Bao Vinh (13/04/2009)