Ai ra xứ Huế
Góp phần tìm hiểu quan điểm xây dựng xã hội qua một số bài văn sách thi Đình triều Nguyễn (1822 - 1919)
09:44 | 26/08/2015


LÊ THỊ THANH GIAO

Góp phần tìm hiểu quan điểm xây dựng xã hội qua một số bài văn sách thi Đình triều Nguyễn (1822 - 1919)
Thi Đình - Xem bảng vàng niêm yết người đỗ đạt - Ảnh: wiki

Thi Đình là kỳ Đại khoa cao nhất trong thời kỳ phong kiến. Dưới triều Nguyễn, thi Đình bắt đầu tổ chức từ năm 1822 và kết thúc năm 1919. Trong các bài văn sách nhà nước đã cùng các Tiến sĩ bàn về đạo trị nước. Thông qua việc nghiên cứu quan điểm xây dựng xã hội trong các văn sách thi Đình, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm cho hiện nay.

1. Tiết kiệm trong chi tiêu và đẩy lùi tham nhũng

Trong bất kỳ một xã hội nào thì tham nhũng cũng chính là một nạn làm cho xã hội ấy yếu mòn rồi suy vong. Chính vì vậy mà từ khi thiết lập lại vương triều, nhà Nguyễn đã chú ý đến vấn đề chống tham nhũng. Đặc biệt dưới thời trị vì của vua Minh Mạng với bản tính thông minh và quyết đoán, ông đã có nhều chính sách thiết thực, quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, làm sạch chốn quan trường. Vấn đề này, còn được đề cập đến trong một số bài văn sách thi Đình của các Nho sĩ, thể hiện nhãn quan chính trị của mình qua các lần thi tuyển chọn nhân tài. Trong bài văn sách của mình, khi trả lời về nội dung “lương thực” mà nhà vua hỏi trong chế sách, Nguyễn Khuyến cho rằng: “Gần đây, việc quân phi hơi rộng nên phải đặt sở bình chuẩn, phải mở đồn điền, phải thi hành lệnh quyên, chuộc mà của dùng chưa thấy dồi dào. Phải chăng là của cải quá nhiều không đủ, hay là có duyên cớ khác?” [2;618]. Đồng thời trong bài văn sách của mình ông đã rút ra nguyên nhân của nó là “xét ra là tập tục làng xóm xa xỉ, đồ dùng ăn mặc xa hoa, đó là “cái chén thủng đáy” vậy. Chốn đồng điền nhiều con em chơi bời, lười nhác. Nơi tổng xã có cường hào sâu mọt đục khoét (...) đó là cái gốc của sự thiếu thốn vậy” [2;618]. Nguyễn Khuyến đã nhìn thấu được tác hại của nạn tham nhũng làm cho hao mòn quốc khố, làm cho tiền bạc của nhà nước trở nên túng thiếu, nhân dân mất niềm tin vào nhà nước, vào triều đình. “Xét ra bọn thư lại trông coi chẳng qua chỉ là sổ sách, văn án, từ trát mà thôi, công việc nào có bao lăm, suốt năm ngồi trơ, lo mưu béo thân, không thể không nhiễu hại dân. Dân bị chúng nhiễu hại thì người thích chuộc tội không dám chuộc, thích quyên tiền không dám quyên” [2;618].

Nguyễn Khuyến đã trình bày ý kiến xây dựng của mình trong việc quản lý đất nước bằng những việc rất cụ thể để tiết kiệm chi tiêu cho nhà nước, trong đó có cả nội dung ngăn chặn tham nhũng xảy ra từ đội ngũ quan lại. Ông cho rằng “từ nay những việc như tập tục xa xỉ, ăn mặc xa hoa, con em lười nhác, hào cường bóc lột... Nhất thiết đều cấm hết mà cấm một cách dứt khoát. Ở các nha môn trong kinh ngoài tỉnh, tùy chỗ nhiều việc, chỗ ít việc, hoặc chỉ để năm sáu người, hoặc chỉ một hai người, hoặc hai huyện gộp lại làm một huyện, hoặc ba huyện gộp lại làm hai huyện cùng với bọn cai lại ở hiện trường, nhất thiết bớt đi một cách dứt khoát” [3;256]. Với bản tính thông minh, Nguyễn Khuyến đã nói rất nhiều về nguyên nhân và tác hại của nạn tham nhũng và lãng phí tiền bạc của nhà nước đối với xã hội.

Một sĩ tử khác là Nguyễn Viết Bình khoa thi Đình năm 1889 cũng trình bày quan điểm của mình về chi tiêu của nhà nước trong bài văn sách của mình ông thể hiện như sau: “Cúi xin thông sức cho hữu ty, trước hết thống kê số thu vào một năm rồi sau định ra kinh phí, như cung đốn cho tế tự tôn miếu, yến hưởng, tuế thời, tiết tự, tân khách, yến tiệc, cùng số bổng lộc của trăm quan, lương cho binh lính lại viên các hạng, đều có quy định rõ, như Cửu thức “giao lạo, phí ban” trong Chu lễ. Ngoài ra các việc nếu có thế giảm bớt được kinh phí thì dần dần giảm đi, khiến cho không trái với phép tắc của lễ, cũng không bỏ mất việc thường. Vậy thì sự lưu thông của tiền của có thể hạn chế được. Lại ở núi rừng khoảng thổ lập ra đồng điền, doanh điền, ở cửa biển thì cẩn trọng thuế gỗ, thuế muối, ba bốn năm sau liên tiếp được mùa thiên hạ no đủ, mà nước cũng được giầu vậy. Lục Chí có nói rất hay rằng: “Không biết tiết kiệm thì tuy đầy đủ cũng cạn kiệt, biết tiết kiệm thì trống rỗng cũng có thể đầy đủ” [7;538]. Ở đây, tác giả bài văn sách cho rằng cần phải chi tiêu một cách hợp lý không lãng phí nhưng không bỏ được những việc cần tiêu. Mà theo ông thì làm sao để “không trái phép tắc của lễ” nhưng cũng “không bỏ mất việc thường”.

Như vậy, qua một số bài văn thi Đình cho thấy, bài thi gắn liền với thực tế quản lý đất nước. Chính vì vậy, nhà vua có thể cho phép các sĩ tử được nói lên quan điểm của mình về vấn đề đặt ra trong đề bài. Từ quan điểm đó các sĩ tử sẽ đưa ra ý kiến của mình về việc thực hiện. Có thể thấy, không những nội dung bài thi mang tính thực tế mà chính cuộc thi đó cũng có tính thực dụng rất cao. Rõ ràng với thời kỳ hiện nay, đất nước Việt Nam đang có nhiều khó khăn trên lộ trình xây dựng Xã hội Chủ nghĩa như: phúc lợi xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng,... thì vấn đề chống tham nhũng, tiết kiệm chi tiêu vẫn là một vấn đề rất cần thiết đối với đất nước ta.

2. Quan điểm về trọng dụng nhân tài của các Tiến sĩ trong văn sách thi Đình

Dưới triều Nguyễn, việc đào tạo, tìm kiếm và sử dụng những tài năng trong xã hội vào việc trị nước rất được coi trọng. Bằng chứng là, nhà nước có định ra lệ tiến cử để tìm kiếm nhân tài, và xây dựng hệ thống, giáo dục và khoa cử khá hoàn chỉnh trong các cấp đơn vị hành chính để bồi dưỡng các tài năng văn học vào việc giúp vua cai trị thiên hạ. Trong các bài văn sách thi Đình, khi bàn về đạo trị nước, các Tiến sĩ cũng có nhiều người bày tỏ quan điểm của mình để nói về vai trò của nhân tài trong việc trị nước. Trong bài văn sách của mình, Tiến sĩ Nguyễn Ý khoa thi Đình đầu tiên (1822) cho rằng: “Trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài, tìm khắp hỏi rộng, thu nhận rộng, bồi dưỡng khắp, làm thế nào để có thể khiến cho chia mưu, chung nghĩ, sáng rõ công việc để đưa đến hiệu quả vô vi [6; 641]. Cùng một nội dung nói về vai trò của nhân tài đối với đất nước, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú khoa thi Đình năm 1844 bày tỏ quan điểm: “Thần trộm nghĩ rằng: Hiền tài đông đúc, nước nhờ thế mà hưng. Đại khái đưa đến thịnh trị quan hệ với việc được người, mà dùng người là để mưu tính chính trị vậy. Từ một tâm thuần túy mà thông suốt, thì anh hiền đông đúc, vui vẻ được sử dụng, không đợi phải tận tai, bảo tận mặt. Mà thiên hạ đã trị rồi” [7;234]

Thông qua đó, các tiến sĩ cũng đã đưa ra ý tưởng của mình để xây dựng đội ngũ hiền tài cho xã hội. Theo bài văn sách của Tiến sĩ Nguyễn Ý thì cần phải đào tạo từng bước để đào tạo nên đội ngũ hiền tài cho đất nước sử dụng.“Ngày dầm tháng thấm, phả vào mắt, rót vào tai, có thể đạt hiệu quả “sau một đời sẽ có nhân. Cho rằng, trị nước không gì quan trọng bằng nhân tài, mừng thánh triều để thực sự được người, nhưng mong chia mưu cùng lo, làm sáng tỏ công việc, ắt giữ chức đều là quân tử” [6;655]. Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Ý khóa thi Đình năm 1822 thông qua bài văn sách của mình thì hiền tài quả thực như những vật báu trên đời. Theo ông, nhân tài như “châu ở biển, ngọc trong núi tìm rất khó khăn, bồi dưỡng hết mức mới thu vét được ẩn sót. Vì thế cổ nhân mới có nỗi lo thiếu nhân tài vậy. Vâng điều thánh thu vét hiền tài, chọn lựa thu khắp, không để sót cỏ chỉ ở khi, hoa lan trong núi. Đường cầu hiền đã rộng, những các sĩ tỏ rõ ở đức thường tự sẽ thu hút vào triều đình “người chín đức đều được làm việc”. Với người xưa thì khó ở được người, mà ngày nay được khắp thì lại không khó vậy” [7;236]. Văn sách thi Đình của Hoàng Đình Tá lại quan điểm tăng cường mở rộng giáo dục để tìm kiếm nhân tài, ông cho rằng: “Ân khoa, chính khoa, thi Hương, thi Hội theo thời mà mở, cầu hiền không phải là không rộng. Ban chiếu cầu hiền, thời thịnh đã nhổ cỏ cả đám. Dưới ơn thu nhận rộng, bồi dưỡng khắp, người tài cao đức lớn tưởng đã như đời đế Nghiêu ngoài đồng nội không bỏ sót người tài” [6;207].

3. Tư tưởng nuôi dân thông qua một số bài văn sách thi Đình

Trong các bài văn sách thi Đình, các Tiến sĩ cũng bày tỏ tư tưởng rất cần thiết là an dân. Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp trong bài văn sách thi Đình của mình ông cho rằng giáo hóa dân chúng là một việc làm cấp bách đối với nhà nước. “Giáo hóa là việc gấp của quốc gia, sao có thế coi thường? Phong tục và việc lớn của thiên hạ, sao có thể khinh mạn? Ắt giáo hóa phải tốt đẹp rồi sau mới có thể đổi dời phong tục. Nếu như giáo hóa không tốt đẹp thì sẽ bị phong tục đổi dời, hai điều đó phải hợp làm một mà xem, không thể tách ra làm hai được. Xưa thánh nhân làm vua làm thầy dân, đặt chia quan chức, có Tư đồ, nhạc Chính ra để làm trưởng, vào để cai trị. Điều mục dạy dân thì có “ba đức” chí kính, “ba hạnh” hiếu thuận. Có đức như thánh, trí, trung, hòa... Có sáu hạnh như hiếu, hữu, mục, nhân... [7;274].

Văn sách thi Đình của Nguyễn Viết Bình cũng cho rằng chính trị ở chỗ nuôi dân. “Ý úy lạo, chiêu vời ổn định, tập hợp của thơ hồng nhạn. Đó là chính trị an dân của Chu Tuyên Vương. Thi nhân có lời ca ngợi. Hán Tuyên Đế lớn lên nơi làng xóm, biết nỗi khổ của trăm họ. Đến khi lên ngôi hoàng đế nói rằng: dân được yên là do chính trị công bình mà án kiện được giải quyết. Cùng với ta làm việc đó, có lẽ là các thú lệnh hai nghìn thạch tốt chăng? Qua đó thấy, dân vui buồn là do các quan thú lệnh. Muốn được người xứng đáng thì phải tìm Nho lâm. Cho nên nói rằng: “người trung hiếu giữ lòng gần với hậu lại viên được rèn dũa giữ lòng gần với bạc”. Ắt phải có tấm lòng trung hiếu thì sau mới có thể làm cha Thiệu mẹ Đỗ của dân vậy. Trị tích của các quan địa phương tốt, đời nào cũng có người” [7;539]. Trong bài văn sách thi Đình của mình, Tiến sĩ Nguyễn Viết Bình mong muốn “triều đình hạ lệnh cho dân chấn hưng các việc, vốn cầu làm lợi cho dân. Việc mà đến mức sinh tệ là do dưới sự thừa hành, các quan thú lệnh bất lực mà mướn việc để gây nhiễu vậy. Cúi xin ban xuống chiếu thư, sắc rõ cho phương mục, thú lệnh phải nên cốt bớt việc, an dưỡng sức dân thì việc hại dân sẽ hết, mà chính sách yêu dân mãi còn. Trăm họ quầy tụ ngày một khởi sắc, đường lối đã ở đó vậy” [7; 541 -542].

Như vậy, qua một số bài văn sách cho thấy được tính thực tiễn của nội dung. Đó có thể coi là những “bản tấu” lên triều đình về đường lối trị nước. Các vấn đề đặt ra trong các bài văn sách thi Đình đều là những vấn đề cốt lõi để xây dựng xã hội thịnh trị. Những bài văn sách có tính thực tế cao, nhưng chính kỳ thi cũng mang tính thực dụng rất lớn. Chúng tôi cho rằng đằng sau việc kén chọn nhân tài ra làm quan giúp vua cai trị, thì nhà nước như thông qua kỳ thi Đình để tham khảo ý kiến thực thi về những vấn đề cốt lõi liên quan đến thịnh suy của xã hội. Những vấn đề như tham nhũng, lãng phí trong chi tiêu nhà nước, chính sách trọng dụng hiền tài hay những cách thức nuôi dân... đối với chúng ta hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Đề bài thi gắn liền với thực tế trong các bài văn sách thi Đình dưới triều Nguyễn thực sự cho chúng ta phải suy ngẫm. Có chăng, theo chúng tôi, cần nhấn mạnh yếu tố thời sự trong các đề thi Đại học, Cao Đẳng, Cao học và trong công tác đào tạo của nước ta hiện nay. Điều đó, trong xu thế hội nhập này quả thật rất cần thiết.

Trên đây cũng không phải là tất cả những nội dung đã được đề cập đến trong văn sách thi Đình dưới triều Nguyễn, nhưng chúng ta có thể nhận thức bước đầu về một số điểm trọng yếu trong học vấn chính trị thời trước. Từ những nội dung được mang vào khảo thí trong kỳ thi Đình, chúng ta nhìn thấy quan niệm, cách nghĩ của nhà cầm quyền và sĩ phu đối với vấn đề chính sự. Nếu khoa cử được tin là con đường để nhà vua cầu hiền tài, để triều đình xem xét học vấn của sĩ tử mà xét chọn người làm quan trong tương lai, thì khoa cử đối với kẻ sĩ cũng là bước đường đầu tiên của sự nhập thế hành đạo. Đó thật sự là những thành tố lịch sử văn hóa đầy ý nghĩa trong các bài văn sách nói chung và văn sách thi Đình dưới triều Nguyễn nói riêng.

L.T.T.G
(SH318/08-15)


---------------------
1. Huỳnh Công Bá (2012), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Nguyễn Văn Huyền (2002), Nguyễn Khuyến tác phẩm, Nxb. TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.
3. Lê Thị Thanh Hòa (1998), Việc đào tạo và sử dụng quan lại dưới triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1884, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4a, (bản dịch), Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, (bản dịch), Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Thịnh (chủ trì) (2010), Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội, tập 1, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Thịnh (chủ trì) (2010), Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội, tập 2, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.  







 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng