Ai ra xứ Huế
Hội Quảng Tri - một địa chỉ văn hóa quý hiếm của Huế
16:16 | 28/12/2015

LTS: Trong thời gian qua, báo chí trong nước đã phản ảnh về việc Hội Quảng Tri - nơi diễn ra các hoạt động khai trí ở Huế đầu thế kỷ 20 - được đề xuất phá dỡ, xây mới để làm …trụ sở UBND phường.
Đề xuất này khiến người dân Huế và những người yêu Huế nói chung, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ Huế nói riêng lo lắng, nhiều ý kiến đề nghị cần cẩn trọng.

Hội Quảng Tri - một địa chỉ văn hóa quý hiếm của Huế
Hội Quảng Tri năm xưa, nay là UBND phường Phú Hòa

Tạp chí Sông Hương xin cung cấp một số tư liệu liên quan đến Hội Quảng Tri - Huế (còn gọi là Hội quán Quảng Tri, Nhà Đại Chúng) qua sách báo và các bài viết của một số nhà nghiên cứu Huế, để các cấp có thẩm quyền có cơ sở suy xét, đưa ra những quyết định hợp lòng dân.

Các tư liệu cho thấy: Nơi đây gắn liền với tên tuổi các chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…; các nhà hoạt động cách mạng như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh…; các tên tuổi văn hóa lớn như Đào Duy Anh, Đạm Phương Nữ Sử, Phạm Quỳnh, Nguyễn Lân, Đào Đăng Vỹ, Manh Manh Nữ Sỹ, Ưng Quả, Hoài Thanh …

Với thành phố Huế, đây từng là nơi Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa họp lần Thứ nhất sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nhiều ấn phẩm văn hóa đã xuất bản tại đây, trong đó nổi bật là Tập văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du. Đây cũng là nơi đóng tòa soạn của một số tớ báo cách mạng, trong đó có tạp chí Đại Chúng, cơ quan văn hóa cứu quốc Trung Bộ…

Các tư liệu tuy còn ít ỏi do thời gian sưu tầm gấp rút, song cũng đủ cho chúng ta thấy Hội Quảng Tri - Huế, thật sự là một địa chỉ văn hóa quý hiếm của cả nước, rất đáng được bảo tồn và phát huy.


SÔNG HƯƠNG
 
 

Hội Quảng Tri ở Huế  

HỒ VĨNH

Hội Quảng Tri có trụ sở tọa lạc trên đường Hàng Bè, nay là số 51 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Huế. Hội Quảng Tri là một tòa lầu đứng soi bóng trên bờ sông Đông Ba. Ông Đào Đăng Vỹ đã từng làm Hội trưởng trong gần 15 năm: 1935 - 1949(1).

Lúc đầu những hội viên của Hội là những người bình thường có chút ít học thức vào Hội để trau dồi kiến thức. Về sau, dần dần có những người trí thức có bản lĩnh, có tinh thần yêu nước vào Hội để “gạn đục khơi trong” mở mang dân trí chờ cơ hội đứng ra giúp nước… Nơi đây tổ chức thường xuyên những buổi nói chuyện về văn hóa nghệ thuật, thời sự khoa học. Người ta còn nhớ trong những năm 1934 - 1935 ở đây nổ ra nhiều cuộc tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh; lần đầu tiên chủ nghĩa Duy vật được nói công khai và đã thắng chủ nghĩa Duy tâm. Đến năm 1936 đã có những cuộc họp của trí thức ở Hội Quảng Tri để lấy ý kiến đòi chính quyền thực dân Pháp phải tổ chức Đông Dương Đại hội theo tinh thần “dân chủ” của chính phủ Bình Dân mới lên cầm quyền ở Pháp(2). Ngày 23/1/1937, nhân danh chủ nhiệm báo Nhành Lúa, ông Nguyễn Xuân Lữ đã đứng ra tổ chức cuộc họp trù bị những người viết báo ở Huế tại Hội Quảng Tri. Hầu hết những người viết ở Huế đều đến dự. Buổi họp cũng đã cử ra Ủy ban trù bị Đại hội gồm Nguyễn Quý Hương (Báo Tiếng Dân), Nguyễn Xuân Lữ (Báo Nhành Lúa) và Phạm Bá Nguyên (Báo Kinh Tế Tân văn). Các ông Huỳnh Thúc Kháng, chí sĩ Phan Bội Châu, Tiêu Diêu Tử có gửi thư hoan nghênh hội nghị(3).

Riêng ông Đào Đăng Vỹ, nhà văn Nguyễn Vỹ trong tác phẩm “Tuấn - chàng trai nước Việt” có nhắc đến ông Hội trưởng này: “Buổi diễn thuyết ở Huế do một ông tên là Đào Đăng Vỹ, Hội trưởng Hội Quảng Tri chủ tọa, ông này hình như đã quen biết Tuấn từ lúc ông còn học trường Luật tại Hà Nội, và cũng là ký giả, trợ bút như Tuấn, trong tờ báo Pháp ngữ “La Patrie Annamite” của Tôn Thất Bình, rể Phạm Quỳnh”. Cuộc diễn thuyết bắt đầu 8 giờ tối thứ bảy. Thính giả đông nghẹt, ngồi chật ních trong cử tọa, lần đầu tiên có bà Đạm Phương đến dự. Bà là một nữ sĩ danh tiếng nhất của Đế Đô, một nữ học giả đã đứng tuổi giỏi cả Hán văn và Quốc văn, tác giả một số quyển sách có giá trị. Bà viết trong tạp chí Nam Phong và đăng thơ trong báo Tiếng Dân, ký tên Đạm Phương Nữ Sử. Lúc bấy giờ bà là Hội trưởng “Nữ công học hội” Huế. Đa số thính giả phụ nữ, gồm những nữ lưu trí thức ở Thần Kinh, là những phần tử tân tiến, không tán thành ý kiến của Tuấn về vấn đề phụ nữ đua xe máy. Họ cho rằng con gái đua xe máy như thế mới là tiến bộ.

Giữa lúc câu chuyện của Tuấn đang hăng say, (Tuấn ứng khẩu chứ không viết sẵn bài diễn thuyết) một vài thiếu nữ đứng dậy phản đối ý kiến của Tuấn. Tuấn bình tĩnh yêu cầu cho chàng nói hết xong rồi ai muốn chất vấn chàng sẽ xin trả lời. Nhưng hai cô yêu cầu Tuấn trả lời ngay. Ông chủ tọa Đào Đăng Vỹ phải can thiệp:

- Xin lỗi các cô, đây là Hội Quảng Tri mời diễn giả đến nói chuyện. Nếu các cô không đồng quan điểm với diễn giả, thì xin hôm khác sẽ tổ chức một buổi hội thảo chống lại. Hôm nay xin đừng ngắt lời diễn giả”. Thật thú vị khi lần tìm những dấu tích như thế, còn sót lại ít ỏi của từ điển gia người Huế Đào Đăng Vỹ(4).

Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trụ sở Hội Quảng Tri là tụ điểm sinh hoạt nhộn nhịp nhất của trí thức Huế. Ngoài những cuộc họp mặt nghe thời sự cách mạng do các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Tố Hữu, Hoài Thanh, Đỗ Nhuận, Phan Thị Nga… nói, còn có những buổi biểu diễn văn nghệ không chuyên của các tầng lớp nhân dân Huế(5).

Mùa xuân năm 1948 tại Hội Quảng Tri, ông Đào Đăng Vỹ tổ chức buổi nói chuyện do văn hào George Duhamel (Pháp) làm diễn giả; mở đầu bài diễn văn George Duhamel có lời lẽ dụ dỗ trí thức Huế “trở lại về nếp nhà xưa” và bị học sinh Huế đả đảo tẩy chay. Ông bắt đầu lập luận “Suy nghĩ là gì. Suy nghĩ là trở lại bước đường đã đi qua”(6). Bà Nguyễn Thị Mỹ Lý, cư dân ở phố Cửa Đông thuộc phường Phú Hòa, nay là đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế cho biết: “Năm 1955, tôi có đi xem ban nhạc Tân Hoa (ban nhạc Thiếu nhi trong đó có 5 người con của gia đình ông Tăng Duyệt) biểu diễn tại Hội Quảng Tri. Chương trình biểu diễn phần lớn hát những bài nhạc do Tinh Hoa xuất bản(7). “Hội Quảng Tri hoạt động đến năm 1968 thì suy yếu, sau năm 1975 hội giải tán. Ngôi nhà này sau năm 1975 được giao Phòng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Huế. Năm 1989 giao Thành đoàn Huế làm Nhà Văn hóa Thanh Niên. Đến năm 2004, UBND phường Phú Hòa chuyển về đây. Ngôi nhà chính được cải tạo để phù hợp công năng mới. Còn lại hội trường và chiếc cổng nguyên gốc của Hội Quảng Tri vẫn giữ được đến nay. Mới đây, UBND phường Phú Hòa đã đề xuất với UBND thành phố Huế cho phá dỡ trụ sở hiện tại. Theo ông Tôn Thất Thái - Chủ tịch UBND phường Phú Hòa: “Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng cho biết phương án sửa chữa là không khả thi nên chúng tôi đề xuất được xây mới”. Nhà nghiên cứu Bửu Ý nói: “Công trình hiện đại thì ngày càng xây nhiều lên mà công trình của cha ông ngày xưa thì ngày một mất đi. Vì vậy, tôi đề xuất nên giữ lại để con cháu đời sau muốn tìm hiểu Hội Quảng Tri thì nó vẫn còn đó”(8).

Hội Quảng Tri là một di tích văn hóa một thời gắn bó quen thuộc của người dân Cố đô Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: “Trước đây Hội Quảng Tri có một thư viện với nhiều tài liệu sách vở quý giá như bộ Tứ khố Toàn Thư mà ở Việt Nam lúc ấy không nơi nào có. Nhờ số tài liệu sách vở này mà nhiều hội viên của Hội đã trở thành những nhà bách khoa của thế kỷ XX ở nước ta như các ông Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Lân…”.

H.V
(SDB19/12-15)

......................................
(1) “Nhà văn Đào Đăng Vỹ và cuốn Bách khoa từ điển”, báo  Thế giới tự do, số 6, tập VII, tr.12. Xem thêm: Niên giám Văn nghệ sĩ Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa Việt Nam, 1969 - 1970, Sài Gòn, 1970, tr.111.
(2) Nguyễn Đắc Xuân, “Hội Quảng Tri”, Báo Tin Huế, số 22, từ  1 đến 10/10/1986, tr.4.
(3) Nguyễn Văn Cường, “Phong trào Dân chủ 1936 - 1939 ở  Thừa Thiên Huế”, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế, 2012, tr.52. Xem thêm Nguyễn Thành, Báo chí cách mạng Việt Nam 1925 - 1945, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội, 1984, tr.178. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Báo Thừa Thiên Huế, Lịch sử báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2014, tr.62.
(4) Dẫn theo Võ Sơn Trung, “Một người Huế làm bộ từ điển  bách khoa đầu tiên của Việt Nam”, Tạp chí Sông Hương, số 12, tháng 3/2014, tr.37.
(5) Nguyễn Đắc Xuân, “Hội Quảng Tri”, Bài đã dẫn, tr.4.  
(6) Nhiều tác giả, Huế một thời học sinh, Nxb. Thanh Niên, Hà  Nội, 1996, tr.19. Bùi Minh Đức, Từ điển Tiếng Huế, Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học, 2004, tr.437.
(7) Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Mỹ Lý, ngày 01/07/2010.  
(8) An Bang, “Huế sẽ xóa bỏ dấu tích cuối cùng của Hội Quảng  Tri”, Báo Tuổi Trẻ, 26/11/2015, tr.16.  




 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng