Ai ra xứ Huế
Trường Hậu Bổ ở Cố đô Huế
11:08 | 15/01/2016

LÊ QUANG THÁI

Một thời trong quá khứ xa gần, người phương Tây đã từng gọi và như đặt tên cho Đô thành Phú Xuân Huế là “thành phố quan lại”.

Trường Hậu Bổ ở Cố đô Huế
Ảnh: internet

Làm quan là phải học, học tập nghiêm túc, không ngại “bất sỉ hạ vấn”. Ấn tích ấy còn lưu truyền mờ nhạt bằng dị bản thay chữ “Thượng Tứ” thành “Hậu Bổ” của câu ca dao quen thuộc, khó nào quên:

Mê gì như mê tổ tôm,
Mê ngựa Hậu Bổ, mê Nôm Thúy Kiều


Phía bên trong cửa Thượng Tứ, tại phường cũ Ninh Mật có đặt kinh trạm để phụ trách chuyển công văn bằng ngựa trạm theo lối chạy tiếp sức, được ưu tiên nhường đường cho ngựa phi lâu lâu lại hí lên qua các trạm trên đường thiên lý. Phía ngoài cửa Đông Nam ấy, rẽ về phía cầu Trường Tiền chừng hơn 50 mét, một thời đã mở trường Hậu Bổ đào tạo quan lại từ cấp huyện và các cơ quan tương ứng ở Trung ương như Bộ, Tào, Viện, Ty, Sở, Vụ… Đã làm quan thì được lên xe xuống ngựa bằng ngựa tốt. Ăn theo có bà Huyện, bà này, bà nọ…

Trường Hậu Bổ tọa lạc trên cơ sở của Nhà Thương Bạc, nay là địa điểm và địa chỉ của Nhà Văn hóa Thành phố Huế. Mặt tiền của trường hướng ra đường quan lộ, nay là đường Trần Hưng Đạo, đối chênh với di tích đình lục giác, bến nước nổi tiếng lấy tên chung Thương Bạc. Bến nước thơ mộng này thua sút bến Nghinh Lương Đình vừa là Thủy hành cung trước Phu Văn Lâu. Năm 1916, một sinh viên trường Hậu Bổ đã cảm tác và đề thơ:

Trăng xưa vẫn chiếu Nhà Thương Bạc,
Bến cũ còn đâu đội Thủy binh?


I. DANH XƯNG “HẬU BỔ” TRONG QUỐC SỬ

1.1. Từ công quán cũ đến Nhà Thương Bạc

Một trong danh xưng tiền thân của thuật ngữ “Hậu Bổ” là “Thương Bạc”. Việc có nguồn gốc, sự tích hẳn hoi, và từng đã diễn ra nhiều tấn tuồng về ngoại giao nhất là đối với sứ thần châu Âu. Dưới các triều trước thời vua Tự Đức, đã có thiết lập nhà khách để tiếp đón sứ thần hoặc Trú sứ của người Pháp tại công quán đặt cận kề với Phủ lỵ Phủ Thừa Thiên cũ ở trong kinh thành, nay thuộc phường Tây Linh, gần với di tích nhà Lao Trấn phủ. Địa điểm ấy nay là trường Tiểu học Tây Linh. Công quán ấy là tiền thân của nhà Thương Bạc được hình thành vào năm 1875, vì có lệnh cấm người Âu Tây vào Kinh thành Huế, gây ra những phiền toái. Công quán cũ là một ngôi nhà xinh đẹp có ba gian lợp ngói. Giữa cổng vào dinh thự ấy có sân rộng mỗi bên có một ngôi nhà phụ để cho người phục dịch các khách lạ. Tất cả các hạng mục của dinh thự ấy được chuyển dời đặt để ở vị trí phía bên ngoài cửa Thượng Tứ.

Ở địa chỉ mới này, quan Thương Bạc sự vụ hàm Thượng Thư đón tiếp sứ thần nước Pháp. Thượng thư bộ Hình Nguyễn Văn Tường được triều đình Huế giao lãnh nhiệm vụ ấy. Thương Bạc trở thành trú sở của bộ Ngoại giao, tách rời ra khỏi Bộ Lễ. Từ đó mới có hai câu thơ cổ:

Võng Các Thượng thư ra trước bến,
Thuyền quan Nguyên soái đậu ngoài khơi
(1)

1.2. Thuật ngữ Hậu Bổ, trường Hậu Bổ

Từ điển Hán Việt chỉ giải nghĩa thuật ngữ “Hậu Bổ” một cách khái quát, nếu không muốn nói là tờ mờ: Phó quan! Có từ điển nói rõ hơn và đã dịch sang chữ Pháp: candidate. Nghĩa gốc của candidate đã từng được dịch sang tiếng Việt là: thí sinh. Theo lịch sử giáo dục cổ truyền và học vấn Tây học thì thuật ngữ thí sinh hoặc giám khảo xưa có nghĩa lý rất khác với nay. Về sau, lại có người dịch là “nghiên cứu sinh”, hoặc “phó tiến sĩ”, khác xa một trời một vực với học vị Phó bảng đời Nguyễn hoặc “phụ bảng” đời Hậu Lê. Từ Tây sang Đông, từ Đông qua Tây, từ xưa tới nay thuật ngữ này biến tướng, biến nghĩa!

Tìm trong quan chức chế từ thời Hậu Lê, Lê Trung Hưng cho đến đời vua Thiệu Trị đến mòn con mắt, không tìm đâu thấy “chức danh” Hậu Bổ.

Lịch sử lần lượt qua trang, vào tháng tư năm Ất Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 8 tức năm dương lịch 1855, nhà vua định lệ bổ quan cho Tiến sĩ, Phó bảng, Tôn sinh, Giám sinh và Ấm sinh:

“Từ nay về sau, Tiến sĩ, Phó bảng bắt đầu hàm Viện Hàn lâm đã đủ một năm; Tôn sinh, Giám sinh, Ấm sinh học Trường Quốc Tử Giám đỗ kỳ hạch bổ cho Viện Hàn lâm được 3, 4 năm thì do Bộ Lại chiếu theo số phủ, huyện, châu các tỉnh hạt nhiều hay ít, liệu phái đi làm hậu bổ để gặp việc thì sai phái, hoặc phái đi quyền tạm làm phủ, huyện để tập quen công việc trị dân. Tiến sĩ, Phó bảng đi hậu bổ được 1 năm; Tôn sinh, Giám sinh, Ấm sinh được 2 năm gặp chỗ khuyết đáng thăng thì chiếu lệ xét bổ làm phủ, huyện; nếu không có chỗ khuyết mà bổ được thì do bộ xin chuyển bổ chức khác cho khỏi đến nỗi chìm đọng lại. Các viên Phó bảng theo lệ trước được bổ đồng Tri phủ hoặc hàm đồng Tri phủ mà lãnh chức Tri huyện nào to đứng đầu các huyện để tỏ sự thống nhất bổ dụng”(2).

Xét ra, cái định lệ mới này thì hơi khe khắt với định lệ cũ ở dưới triều Thiệu Trị trở về trước. Theo quốc sử và gia phả họ Thân thì ông Thân Văn Nhiếp (1804 - 1870), người làng An Lỗ, sau dời về làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, đã lao đao qua đến khoa thi Hương đều đỗ Tú tài. Đến năm Tân Sửu, 1841 liền đỗ Giải nguyên, được cử làm Hậu Bổ tỉnh Khánh Hòa, rồi từ đó mới được thăng Tri huyện Tân Định của tỉnh này. Về sau huyện này được đổi tên là Ninh Hòa.

Tìm thấy danh xưng Hậu Bổ, ở trong sách Việt Nam Tây Thuộc Sử của Đào Trinh Nhất, do nhà xuất bản Đỗ Quế Phương ấn hành tại Chợ Lớn năm 1937 ở trang 114, ở chương V nói về việc Kinh đô Huế thất thủ năm Ất Dậu, 1885:

“Quân ta bắn cố hết sức mãi đến nỗi kho thuốc súng tại Trường Định gần hết bèn sai quân về báo cho Tường hay, Tường trả lời rằng:

- Tao có biết thuốc đạn ở đâu, bây ra nói với quan Tướng ở vườn Hậu Bổ để ông ấy liệu sao thì liệu...”

Năm 1885, chưa có trường Hậu Bổ. Vườn “Hậu Bổ” ở trong kinh thành gần dinh Bộ Lại do ông Nguyễn Văn Tường quản lãnh. Tất nhiên có cơ sở Hậu Bổ để cho các viên Hậu Bổ tập việc chính sự cho quen được, đợi ngày đi phân bổ tại cơ quan tại kinh thành thuộc Lục Bộ của triều đình Huế.

Trường Hậu Bổ: giờ Hóa học - Ảnh: internet


II. TRƯỜNG HẬU BỔ Ở HÀ NỘI

Vào đầu thập kỷ thứ nhất và năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, ta có đến hai Trường Hậu Bổ: một ở thành phố Hà Nội, một ở Cố đô Huế. Hà Thành mở Trường Hậu Bổ trước Xuân kinh. Một điều ít người nghĩ tới, tại sao lại có chuyện Huế đi trước về sau. Phải chăng vì “vận nước” đen tối khiến cho vật đổi sao dời như thế ấy. Biết hỏi ai đây? Hỏi cụ Nguyễn Khuyến thì chắc rằng ông sẽ chỉ vào hòn non bộ ở dinh Hoàng Cao Khải ở Hà Nội, hỏi Tản Đà thì ông cũng nổi ngông mà trả lời “cứ bắc thang mà hỏi ông Trời”. May ra, hỏi đúng người thì Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền sẽ trả lời một cách rất chí sĩ vừa là thi nhân: “Hỏi non xin mượn đá ngồi,/ Hỏi sông mượn nước tắm chơi sạch mình(3).

Mới đây, sách Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của giáo sư danh tiếng Lê Thành Khôi ra mắt bạn đọc cuối năm 2014. Sách viết bằng tiếng Pháp, do ông Nguyễn Nghi dịch ra Việt ngữ như đã làm được việc “vén mây giữa trời”. Tại trang 500, sách ấy viết; xin tóm lược hai tình tiết:

- Thứ nhất: “Nghị định đề ngày 26/7/1897 bãi bỏ chức Kinh lược ở Bắc kỳ, và viên Thống sứ tại Hà Nội được nâng lên hàng đại diện nhà vua, từ nay sẽ đảm nhiệm các quan Kinh lược. Như vậy, mối liên hệ cuối cùng nối miền Bắc với triều đình Huế đã biến mất. Ở cấp tỉnh, quan lại chỉ còn chức năng trang trí, thực quyền nằm trong tay các công sứ cùng các đại diện của họ. Để tạo thuận lợi cho việc cai trị của các Công sứ này, một số tỉnh được thiết lập tại Bắc kỳ. Hai tháng sau, đến lượt Trung kỳ…”(4).

Đó là một kịch bản. Bước đầu thực dân Pháp xâm lược, tách Bắc kỳ ra khỏi quyền cai trị - kinh lược sứ Hoàng Cao Khải bị triệu về Huế rồi bị sa thải, không còn chỗ đứng ở sân triều đình Huế tại Trung kỳ. Gió thổi ngoài nội, đứt dây đồng hồ.

- Thứ hai: “Ngày 29/9, vua Thành Thái buộc phải chân nhận việc bãi bỏ Viện Cơ Mật cũ và thay vào đó là một Hội đồng các Thượng Thư, do viên Khâm sứ tại Huế làm Chủ tịch. Khâm sứ trở thành người lãnh đạo thực sự của chính quyền. Mỗi vị Thượng Thư lại có một quan chức người Pháp kèm theo, tại tất cả các tỉnh đều có các công sứ và chỉ dụ đề ngày 15/8/1898 giao cho chính quyền Pháp việc quản lý tài chính và thu thuế, chỉ phải chuyển vào quỹ triều đình một số tiền cần thiết cho việc chi tiêu của gia đình nhà vua và chính quyền nhà nước Việt Nam. Kế đó, Doumer thiết lập các Hội đồng bảo hộ các xứ Bắc kỳ (1898) và Trung kỳ (1900), để tư vấn các vấn đề địa phương. Các cải tổ tương tự đã diễn ra tại Cao Miên và Lào. Từ chỉ xứ bảo hộ chỉ còn lại cái tên”(5).

Hai tình tiết đã dẫn là thực trạng xã hội và bối cảnh lịch sử mở đường cho việc thành lập trường Hậu Bổ ở Bắc kỳ và Trung kỳ để đào tạo ngạch quan cai trị hành chính và giáo dục cho người bản xứ Đông Dương dưới thời Pháp thuộc. Nương theo việc mở tại Trường Quốc Học Huế được hình thành từ cuối năm 1896 mở phòng Khoa mục trên danh nghĩa, chính thức khai giảng vào đầu năm 1897; chính quyền Bảo hộ ở Bắc kỳ đã nuôi dự kiến mở một trường đào tạo quan lại tại Hà Nội; nhưng mãi đến giữa năm 1903 mới thực hiện được. Trường Hậu Bổ ở Hà Nội chính thức khai giảng vào ngày 20/6/1903. Nguồn tuyển chọn sinh viên lấy từ những Cử nhân, Tú tài Hán học và Ấm sinh. Sau khóa học 3 năm, sinh viên dự thi tốt nghiệp, đậu thì được bổ dụng làm Tri phủ, Tri huyện, Giáo thọ, Huấn đạo đang có nhu cầu.

Ngày 18/4/1912 Trường Hậu Bổ ở Hà Nội đổi tên gọi là Trường Sĩ Hoạn. Đến tháng 10 năm 1917, theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut Trường Sĩ Hoạn được đổi tên thành Trường Pháp Chính (École de Droit et d’Administration) vì trường chuyển mục tiêu đào tạo quan cai trị người Việt theo “ngạch Tây học”. Trường này là tiền thân của Đại học Luật Hà Nội.

Trường Hậu Bổ: giờ Địa lý - Ảnh: internet


III. TRƯỜNG HẬU BỔ Ở CỐ ĐÔ HUẾ

Việc đào tạo quan lại về hành chính và giáo dục là hệ trọng, từ việc nhỏ đến việc lớn đều đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu, tham vấn nói cho dễ hiểu là phong quang, dọn đường để lên phương án và kế hoạch sát sao.

3.1. Công việc chuẩn bị

Tháng 9 năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 tức năm 1907, Nam triều bắt đầu đặt thêm Bộ Học. Tháng 10 năm ấy lấy Đại thần Cao Xuân Dục, Hiệp tá Đại học sĩ, lãnh chức Thượng thư bộ Học. Chức Tham tri bộ Học còn để khuyết, buổi đầu giúp việc cho Thượng thư bộ này có cụ Tiểu cao Nguyễn Văn Mại nguyên giữ chức Tri nghiệp Trường Quốc Học phụ trách về phần Hán văn và quốc ngữ. Lô giang tiểu sử của cụ Tiểu Cao đã nói về chi tiết này. Tỉnh táo, đi vừa bước mà chắc ăn một cách vững vàng. Vì vậy mà bên ngoài xem như nhàn tản, nhưng kỳ thực là không phải như thế. Khoa cử chữ Hán đang trên đà bãi bỏ, nhưng việc học chữ Hán thì không xóa bỏ được.

Tháng 4 năm Tân Hợi, 1911 bắt đầu đặt Trường Hậu Bổ ở Huế, vua Duy Tân ban Dụ, nay trích lại một đoạn tiêu biểu nói về ý nghĩa và mục đích đào tạo:

… “Nay theo lời tâu của bề tôi Bộ Học nói đã trình bề tôi Phủ Phụ chính, nghĩ đặt một trường Hậu Bổ chuyên dạy những người khoa mục để học rộng, biết nhiều, mở mang hiểu biết để hẹn ngày thực dụng. Về chương trình điều khoản đã qua bề tôi Bộ Học bàn bạc với Phủ Phụ chính cùng quý khâm sứ đại thần trù nghĩ, rất hợp ý trẫm, chuẩn bị cho thi hành”(6).

Tri phủ Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An là Nguyễn Duy Cần (1817 - ?), đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1842), người làng Lý Hòa (nay thuộc xã Lý Trạch) huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, được đổi làm Hồng Lô Tự Khanh sung Đốc giáo trường Hậu Bổ Huế(7).

Ông Nguyễn Đình Hòe, nguyên quán làng Hiền Lương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; tốt nghiệp trường Trung học Chasseloup Laubat ở thành phố Sài Gòn. Trường này khai giảng năm 1874. Ông đã từng làm thông ngôn Tòa Khâm sứ Huế, dạy Pháp văn tại Trường Quốc Học, Huế, được cử làm Phó Đốc giáo.

Năm 1915, ông Nguyễn Duy Tích giữ chức Đốc học Trường Hậu Bổ Huế được chọn cử làm Phó chủ khảo trường thi Hương Bình Định. Ông là em tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu năm 1901.

Thành phần ban giảng huấn là những trợ giáo mẫu mực người Việt; việc giảng dạy các môn bác học thì do Tòa Khâm sứ cử giáo sư đảm trách.

3.2. Địa điểm đặt trường Hậu Bổ

Phó đốc giáo Nguyễn Đình Hòe đã viết bài “Lịch sử trường Hậu Bổ ở Huế” bằng tiếng Pháp, bài được đăng ở tập san Những người bạn cố đô Huế năm 1915:

“Trường Hậu Bổ (Phó quan) ở Huế được thành lập theo Dụ của Hoàng đế ngày mồng 7 tháng 4, niên hiệu 5 Duy Tân (5 tháng 3 năm 1911).

Trường này nhằm mục đích bồi dưỡng học vấn mới cho các Tiến sĩ và Phó bảng, cho Cử nhân và Tú tài của thành viên Hoàng tộc hay lớp quan xuất sắc của dân chúng An Nam để phục vụ Nam triều trong ngạch hành chính cũng như trong giáo dục. Các nho sĩ An Nam đều tập huấn một thời gian 3 năm trước khi được đi đảm nhiệm các công vụ.

Sự hình thành trường đặc biệt này do sự đề xuất của Logion, Hiệu trưởng Trường Quốc Học thời đó và do ông Labbez, Dự bị công sứ hạng nhất phụ trách công việc dân sự, được sự bảo trợ của các ông khâm sứ Groleau và Sertier. Trường được vua Duy Tân và khâm sứ Sertier khánh thành ngày 28 tháng 7 năm 1911”.(8)

Cụ Hà Ngại (1890 - 1976) người huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đỗ cử nhân Hán học khoa Nhâm Tý, 1912, cựu sinh viên Trường Hậu Bổ khóa 6 (1916 - 1919), bạn học với ông Ngô Đình Diệm cùng khóa. Bằng hồi ký của một vị quan triều Nguyễn với tiêu đề Khúc tiêu đồng đã miêu tả cảnh tượng của Trường Hậu Bổ ở Huế bằng lời chơn chất như sau:

“Tháng 6 năm 1916, tôi ra Huế hạch vào Trường Hậu Bổ, được đỗ thứ 6 - kỳ thi này gồm có các bài hành văn chính tả Pháp văn, một bài luận Pháp văn, 2 bài Toán. Khẩu vấn: Địa dư Đông Dương, Sử ký Việt Nam, giải nghĩa bài đọc Pháp văn.

Nhà trường ở ngoài cửa Thượng Tứ ngó ra đường quan lộ và Nhà Thương Bạc, sát sông Hương (nay là nhà hát lớn thường dùng tập họp công chúng diễn thuyết). Phía trước, một nhà lớn, dành cho các lớp học và các phòng làm việc; phía sau, một nhà lớn dành cho học viên nội trú; phía tay mặt lại có một sở nhà để quan Phó đốc giáo ở, còn quan Chánh đốc giáo ở nhà riêng ngoài phố. Lúc bấy giờ phần đông những người làm việc, thích làm bên chánh hơn bên giáo vì bên chánh có nhiều quyền lợi lớn”.(9)

Việc ông Ngô Đình Diệm được xét “đặc cách” cho thi tuyển vào học ban chánh Trường Hậu Bổ nhờ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài khéo vận dụng và vận động. Ông Diệm tốt nghiệp bằng Thành chung (Diplôm d’ Études complémentaires), cựu học sinh Trường Quốc Học Huế. Học vị tân học này được cho xếp ngang hàng với Tú tài Hán học. Ở thời điểm ấy, năm 1919 được xem là do thế lực để dành quyền ưu tiên vì phá điều lệ, mặc dầu ông Diệm là Ấm sinh, vì là con quan lớn từ hàng tam phẩm trở lên. Điều này khiến cho giới nho sĩ không mấy đồng tình.

Sự việc này đã được ông Hà Ngại viết lại trong Hồi ký. Đồng thời ông cũng nhắc đến tình bạn chung học một trường đào tạo quan lại. Khác nhau là ông Ngô Đình Diệm học bên ban Chính, ông Hà Ngại học bên ban Giáo. Lên năm thứ 3 thì cả hai ban Chính giáo học chung một chương trình. Ông Hà Ngại là sinh viên xuất sắc của bên ban Giáo, đến năm thứ 3 do bên ban Chính thiếu hụt cho nên ông Hà Ngại được Hội đồng nhà trường trình lên quan trên để xếp đổi được vinh dự cải sang ban Chính do thành tích học xuất sắc(10).

Ngày thi vấn đáp ra trường năm thứ ba, đôi bạn chung trường chung lớp đi thi vấn đáp kẻ trước người sau. Cả hai ông Ngại và ông Diệm thi môn vấn đáp môn cách trí đều đồng nhận xét giáo sư Daydé, Đốc giáo Trường Quốc Học là vị thầy uyên bác, thông hiểu văn hóa Đông Tây, đối đãi với sinh viên vượt qua rào cản phân biệt sắc màu, chủng tộc.

3.3. Đời sống sinh viên

Trường Hậu Bổ được mở tại Kinh thành Huế chọn vào học các Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân ở Trung kỳ và Cử nhân, Tú tài trong tôn thất hoàng phái cùng những Ấm sinh, Tú tài hạng nhất.

Tháng giêng năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái 16, tức năm 1904 nhà vua bắt đầu mở Trường Tôn học dành cho các tôn tước, công tử công tôn thông minh đỉnh ngộ vào học, được gọi là tôn sinh. Tuyên hóa quận công Bửu Tán kiêm quản Tôn học. Sảnh đường Cơ Mật viện cũ là nơi giảng tập. Còn Ấm sinh là con quan hàm đường từ tam phẩm trở lên có học thức và đạo hạnh.

Số lượng sinh viên được tuyển chọn vào học Trường Hậu Bổ là 30 suất, theo quy định từ đầu gồm 2 ban. Ban Chính gồm 20 người, ban Giáo gồm 10 người. Tất cả đều học trong 3 năm, 2 năm đầu học chung một chương trình; đến năm thứ ba mới tách ra học chương trình riêng biệt chuyên sâu.

Có thể nói, Trường Hậu Bổ ở Huế là một ngôi trường đặc biệt. Tuổi quy định vào học từ 24 đến 34 tuổi; duy Tiến sĩ, Phó bảng tuổi đời tới 40 cũng được. Học bổng có 2 loại: Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài trong hoàng phái tôn thất mỗi tháng 18 đồng; còn Cử nhân và Ấm sinh, Tú tài hạng nhất mỗi tháng 12 đồng. Mỗi năm học bổng cho loại 2 đều tăng thêm ít nhiều, năm thứ hai lên 14 đồng, năm thứ ba lên 16 đồng.

Đến năm thứ ba sát hạch, người dự hạng tốt nghiệp chiếu lệ bổ quan, lương bổng cũng ngang bằng quan viên.

3.4. Việc bổ nhiệm sinh viên tốt nghiệp

Giữa “đầu vào” và “đầu ra” đều khớp đúng theo dự kiến và kế hoạch được đề ra cho từng khóa học. Không có nạn chạy chọt nhiệm sở. Bên ban Chính cũng như ban Giáo đều lần lượt được bổ dụng căn cứ theo vị thứ của kết quả thi tốt nghiệp.

Cái “danh xưng” Hậu Bổ như vẫn còn đeo đẳng trong quan tước ở từng nhiệm sở công vụ lệnh chẳng hạn như Hậu Bổ Thanh Hóa hoặc Quảng Ngãi, được đặt để trước họ tên của vị tân quan về tỉnh thâm nhập thực tế để chờ bổ tiếp. Thời gian này uyển chuyển, nhanh là 6 tháng và chậm nhất là 2 năm.

Từ đó bên Chánh được bổ dụng Tri huyện, bên Giáo được lãnh chức Giáo thọ hoặc Huấn đạo. Năm 1907, bộ Học ra đời, Nam triều xếp đặt quan chức chế phân minh. Tri huyện thuộc quyền quản lãnh của bộ Lại; Giáo thọ, Huấn đạo thuộc Bộ Học, tách rời từ Ty Tân Hưng của Bộ Lễ vào buổi ban đầu và dần hồi phát triển và phát huy đúng vai trò cấp bộ.

Vị Đốc giáo sau cùng của Trường Hậu Bổ ở Huế là họa sĩ nổi tiếng Lê Văn Miến, và tất cả giáo sư của trường đến nhận nhiệm vụ mới tại Quốc Tử Giám(11). Ông Lê Văn Miến lãnh chức Tế Tửu thay thế cụ Ưng Trình được cử chức mới Tá lý bộ Công(12).

Tháng 8 năm Tân Dậu, niên hiệu Khải Định thứ 6, tức năm 1921, toàn bộ cơ sở Trường Hậu Bổ Huế tạm lưu lại để tương lai làm nơi giảng dạy sinh viên năm thứ 4, Đại học Luật Hà Nội được giao nhiệm vụ nghiên cứu thể lệ chính trị tại Trung kỳ.

Năm sau, 1922 những thanh niên tuấn tú ở Huế muốn chọn đường làm quan thì lên đường ra Hà Nội thi tuyển vào trường Pháp Chính. Hạ màn, có bài bản, “hậu bổ “ một cách “có hậu”.

*

Từ vầng trăng sáng đã chiếu tỏa trên công viên Thương Bạc, có bến nước và lại còn có cả đình cùng tên gọi. Lạ thật, Cố đô Huế là thật diệu kỳ. Có cuộc đất vuông tròn nào lạ lùng và lần lượt đổi chủ, đổi nghiệp nhiều lần như Thương Bạc - Hậu Bổ và kể cả “sau Hậu Bổ” nữa.

Trăng xưa Thương Bạc vẫn là trăng đã soi bóng Nhà Thương Bạc bên dòng sông Hương thơ mộng những hình ảnh khác nữa, nào là: Bộ chỉ huy của giặc Pháp năm 1885, nơi giam lỏng ông Nguyễn Văn Tường, dinh một ông hoàng tử con vua Thành Thái, là dinh Ngự tiền Văn phòng, Thượng thư Bộ Học, Bộ Lại kể từ 1932… Nào ai dám bảo “bóng nhạn” bay qua con sông đẹp nhất Việt Nam đẹp sánh cùng các con sông khác trên vòm trời Đông Á và kể cả sông Seine của phương trời Tây.

Và cũng thoảng nghe tại “không gian Thuận Hóa - Huế” ấy từ xa xưa vọng về tiếng ca của những người mù đánh đàn bầu hát bài vè Thất thủ Kinh đô Huế vào năm Ất Dậu, 1885 dưới bóng những cây cổ thụ(13). Tiếng hát và điệu đàn nghe sao mà xúc động, đến nỗi một quan Thượng thư, một học giả Phạm Quỳnh phải sai tài xế lái xe chậm lại, mở ví tiền lấy ra 2 xu đồng tiền mới quẳng nhẹ vào chiếc nón lá của người nói vè lấy tiền độ thân qua ngày. Mù mà rất khôn, rất sáng!

Trăng Thương Bạc, trăng Hậu Bổ gắn liền nhau, nối tiếp nhau là thế. Và nay thì trăng Thương Bạc đã khác xưa nhiều rồi. Đầy thơ và mộng và yêu kiều, sang trọng như một bà Huyện của thời xưa vậy. Lịch sử đã sang trang mới: “Nhật tân hựu nhật tân”. Khác xưa là vì ngày nay hiếm khi thấy người Huế sải bơi và tắm mát trên sông Huế từ cầu Trường Tiền cho đến cầu Bạch Hổ. Dưới nước có thuyền, trên bờ có xe chạy trên con đường một thời được xếp vào loại đường đẹp nhất bán đảo Đông Dương.

Nhớ xưa, trên Nam Phong số 128, ra tháng 4 năm 1928, nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phát như vay ý hoặc từng đã cảm thụ thơ của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền đã dẫn ở bên trên, để cảm tác thành thơ đối cảnh sinh tình với non nước:

Cảnh năm trước vẫn là năm trước,
Tình năm xưa đã khác năm xưa,
Này trăng này núi này hồ,
Mà người cùng ngắm bây giờ là đâu
(14)  

Nhớ Huế, 2015
L.Q.T  
(SDB19/12-15)

...........................................  
(1) Hương bình thi phẩm, Hồng Trọng Thược, Nxb. Đà Nẵng,  1962, tr.81.

(2) Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều phong kiến Việt  Nam, Đinh Văn Niêm, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2014, tr.575.

(3) Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925), quê làng Liêu Bạt,  huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1892. Ông là con rể của Tôn Thất Thuyết. Bài tứ tuyệt, hai câu đầu: Hỏi hoa xin mượn mùi hương/ Hỏi trăng xin mượn gương vàng để soi.

(4), (5) Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX,  Lê Thành Khôi, Nguyễn Nghi dịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2014, tr.500-501.

(6), (7) Quốc triều hương khoa lục, Cao Xuân Dục, Nxb. Thành  phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.18 và 535. Đối chiếu với sách đã chú ở số 2; tr.738-739 - Lý Hòa là đất học và phát quan ở tỉnh Quảng Bình.

(8) Lịch sử trường Hậu Bổ ở Huế, Nguyễn Đình Hòe, bài đăng  ở tập san Những người bạn Cố đô Huế”, tập 2, 1995; Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.34. Tác giả chỉ viết lịch sử trường từ năm 1907 - 1915. Nhà ở và nhà thờ cụ Nguyễn Đình Hòe ở số 12 đường Bạch Đằng, Huế. Cụ là nhạc gia của vua Khải Định.

(9), (10) Khúc tiêu đồng, Hồi ký của một vị quan triều Nguyễn,  Hà Ngại, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr.152-170.

(11) Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều phong kiến Việt  Nam, sđd tr.876.

Từ năm 1917, Phó Đốc giáo Nguyễn Đình Hòe giữ chức Tham tá Hội đồng Thượng Thư (viện Cơ Mật cũ).

(12) Lê Văn Miến (1874 - 1943), người Làng Kim Khuê, xã Nghi  Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1892 du học Pháp, học Trường Thuộc địa. Ông là con rể của ông Nguyễn Khoa Luận và đã từng dạy Pháp văn tại Trường Quốc Học Huế. Biệt tài vẽ tranh sơn dầu và chân dung.

(13) Cựu Hoàng Bảo Đại, Hoàng Trọng Miên, Nxb. Thời đại, Hà  Nội, 2011, tr.98.

(14) Xem Nam Phong tạp chí, phần mục lục của giáo sư  Nguyễn Khắc Xuyên. 

   
 






 

Các bài mới
Các bài đã đăng